Bạn bè đánh giá Đinh Nguyên Kha là người có "mặt thư sinh, tính mạnh mẽ" và khâm phục anh ham học hỏi dù mới trải qua 6 năm tù vì vi phạm Điều 88.
Đinh Nguyên Kha nói : "Tôi thấy mình tự tin, trưởng thành hơn sau 6 năm tù"
Ông Kha, thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, ra tù hôm 11/10 và được ghi nhận "về nhà bằng xe cấp cứu" do mắc cùng lúc bệnh trĩ, thoát vị đĩa đệm và cao huyết áp trong tù.
Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục bị quản chế 3 năm.
Ngay khi có tin, nhiều blogger trong giới hoạt động, trong đó có đại diện Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã đến Long An mừng ông trở về.
'Mặt thư sinh, tính mạnh mẽ'
Hôm 25/10, ca sĩ, blogger Nguyễn Tín, một trong những người bạn cùng gia đình đi đón Kha trở về, nói với BBC : "Lần đầu được gặp Kha nhưng tôi có cảm giác anh em thân với nhau như gặp từ lâu rồi".
"Trước đó, qua lời kể của anh Đinh Nhật Uy, tôi nghĩ Kha là một khó gần gũi vì ít nói. Nhưng khi gặp thì thấy Kha rất thân thiện cởi mở và hòa đồng với mọi người".
"Theo cảm nhận của tôi, Kha là một người mạnh mẽ dù có gương mặt thư sinh. Tính anh ấy rất bộc trực, không ngại khó khăn và áp bức".
"Qua trò chuyện, tôi thấy Kha xem việc đi tù như... đi du học. Những năm tháng tù giúp Kha trưởng thành hơn".
Blogger Nguyễn Tín nói anh "dành sự ngưỡng mộ và khâm phục cho Đinh Nguyên Kha
"Tôi cũng nghe kể rằng Kha đã giúp đỡ được rất nhiều những bạn tù "mồ côi" [không có gia đình thăm nuôi] và anh em đấu tranh trong quá trình giam chung. Có thể anh ấy cũng tác động được người khác nhờ có thái độ sống tích cực, không nản chí".
"Ngoài ra, tôi quý Kha vì anh ấy là người ham học hỏi. Dù mới ra tù chưa bao lâu, nhưng Kha đã đăng ký học các khóa tiếng Anh để nâng cao trình độ, với mong muốn bắt kịp nhịp sống xã hội".
"Điều đó cho thấy anh rất mạnh mẽ và luôn cầu tiến. Hy vọng trong tương lai gần Kha sẽ là một nhân tố tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ tại tại Việt Nam".
'Mục tiêu cả đời'
Trả lời BBC qua điện thoại, ông Đinh Nguyên Kha nói : "Hiện tại, tôi vẫn chưa ổn định. Trước mắt, tôi dự định tập trung chữa trị bệnh tật".
"Sau đó là tìm công việc phù hợp để mưu sinh".
"Tôi cũng dự định đi học lập trình, đồ họa vì theo như tôi hiểu, lĩnh vực này có nhiều cơ hội tìm việc".
"Và dù có làm gì, gặp trở ngại đến đâu thì tôi đã quyết rằng mình vẫn theo con đường đấu tranh, tiếp tục đồng hành cùng các nhà hoạt động khác".
"Vì với tôi, dân chủ hóa đất nước là mục tiêu cả đời".
"Trong bối cảnh luật An ninh mạng sắp được thực thi, tất nhiên là tôi sẽ cố gắng tìm cách thức đấu tranh khôn ngoan hơn".
"Tôi cũng mới lập trang Facebook cá nhân để thực thi quyền tự do ngôn luận".
Đinh Nguyên Kha nói về bà Kim Liên : "Mẹ tôi là người rất kiên cường và tôi rất biết ơn bà"
Kể với BBC về 6 năm tù, Đinh Nguyên Kha nói : "Lúc đầu vô tù, tôi có nhiều tiếc nuối về một quãng thời gian của tuổi trẻ bị giam hãm, nhưng sau đó, tôi tập thích nghi và không còn tiếc nữa".
"Tôi thấy mình tự tin, trưởng thành hơn nhờ học hỏi được nhiều từ tinh thần và chí khí của những người tù mà tôi từng bị giam chung : Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Xuân Diệu...".
"Các anh ấy đã dạy cho tôi nhiều điều, không chỉ kiến thức mà còn là bản lĩnh, sự kiên định với mục tiêu của đời mình cho dù có gặp thử thách nghiệt ngã đến đâu".
"Những ngày trong tù, tôi tự hào vì mình đã tham gia phong trào tuyệt thực đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức".
"Tôi cũng không ngại nói một số nhà bất đồng, nhà hoạt động như Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Văn Đài, Hồ Văn Hải (Bác sĩ Hồ Hải) là thần tượng của mình".
Đề cập về một trong những thử thách của giới hoạt động là việc mưu sinh thường bị gây khó dễ, ông Kha nói :
"Tôi mới ra nên chưa nắm được tình hình kinh tế của các nhà hoạt động khác thế nào. Riêng đối với tôi thì luôn có sự yểm trợ từ người mẹ".
"Mẹ tôi là người rất kiên cường và tôi rất biết ơn bà, từ chuyện miệt mài đi thăm nuôi tôi trong tù mỗi tháng, đến chuyện bà từng đi nước ngoài để vận động trả tự do cho con trai".
Đinh Nguyên Kha (áo đen) và các thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng
Bình luận về việc mình vừa mãn hạn tù trong bối cảnh một số nhà hoạt động như blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) và trước đó là Luật sư Nguyễn Văn Đài được trả tự do để đi tỵ nạn nước ngoài, Đinh Nguyên Kha nói : "Về vấn đề nhà hoạt động bị tù chọn đi tỵ nạn hay ở lại, tôi thấy rằng nếu như bản thân họ vẫn giữ được ý chí và tâm huyết với đất nước thì ở đâu hoạt động cũng được".
"Bởi lẽ, giờ đây cô Facebook và YouTube thì khoảng cách không còn là vấn đề cho việc lên tiếng, bày tỏ quan điểm nữa".
Trong một bài viết dịp Tết 2017, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha nói với BBC : "Con trai tôi rất khẳng khái, có được giảm án cũng không cần".
"Điều tôi mong muốn nhất trong năm mới là các tù nhân lương tâm có án dài được các tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp để họ được trả tự do sớm".
Hồi tháng 8/2018, bà Kim Liên viết trên trang cá nhân : "Nếu thằng Kha con tui nó mà chịu ký cam kết, thỏa thuận với trại tù K3 Xuyên Mộc, là gia đình tôi đi đón nó về rồi đó".
"Nhưng không ! Nó không thèm, nó nói nó chung đủ tù, chấp nhận bị kỷ luật".
Ngày Kha ra tù, bà cũng hài hước viết trên trang cá nhân rằng : "Kha đã tốt nghiệp trường tù với tấm bằng "hạng chót".
Bà Kim Liên và ông Đinh Nhật Uy, anh trai của Kha, trong một chuyến thăm Kha
'Đầy ắp ý tưởng mới mẻ'
Trả lời BBC từ Pháp, nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu nói : "Kha là một chàng trai rất thông minh và luôn đầy ắp ý tưởng mới mẻ và khó chấp nhận lối mòn, máy móc. Bởi vậy, việc bước qua 6 năm giam cầm trong không gian cứng ngắc gần như mọi thứ là rất đáng khen ngợi".
"Kha và tôi có thời gian cả năm trời buồng giam ở sát vách nhau tại K3, trại giam Xuyên Mộc, Vũng Tàu. Chúng tôi cùng với Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã cộng tác với nhau trong việc đấu tranh như viết đơn tập thể, tuyệt thực tập thể... buộc Ban giám thị trại giam phải chấm dứt cách hành xử vô nhân đạo với người tù".
"Đơn cử việc một vài sự thay đổi cơ bản trong số nhiều điều khác nhau giữa trước và sau quá trình chúng tôi kiên trì tranh đấu cùng nhau".
"Kha kể lại khi tôi chưa đến trại, có lần cậu ấy tuyệt thực phản đối bất công, trại giam đã ra lệnh cắt toàn bộ điện, nước... và khi dừng tuyệt thực thì phải viết đơn xin ăn cơm. Nhưng sau này, trại giam đã buộc phải chấm dứt thói cậy quyền, quan liêu đó".
Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên ngày ra tòa hồi năm 2013
"Thậm chí trước đó, cả khu giam không được phép nói chuyện giữa các buồng giam với nhau, nhưng sau này chúng tôi thoải mái nắm tay, bá vai và chuyện trò cả buổi với nhau mỗi dịp cắt tóc định kỳ".
"Trong những lần đấu tranh chung, Đinh Nguyên Kha là người được anh em ủy quyền chuyển tải thông điệp, tin tức thông qua gia đình khi vào thăm gặp".
"Riêng với bản thân tôi, do bị cắt quyền được thăm gặp nên không thể liên lạc trực tiếp với gia đình nên Kha là người giúp tôi trong vấn đề này".
"Nhờ vậy những đấu tranh của chúng tôi trong nhà tù, được cộng đồng biết tới để tạo thêm áp lực buộc chế độ phải nhượng bộ. Cảm ơn bản thân Đinh Nguyên Kha và gia đình cậu ấy".
Hồi tháng 8/2013, ông Đinh Nguyên Kha cùng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị tòa án tỉnh Long An đưa ra xét xử.
Ông Kha và cô Uyên bị bắt vì hành động rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương, Thành phố Hồ Chí Minh và dán khẩu hiệu ở các tỉnh Long An, Bình Thuận.
Thời điểm phiên tòa diễn ra, Giáo sư Tương Lai nói với BBC : "Những người như Phương Uyên và Nguyên Kha đang đấu tranh cho tự do, dân chủ".
"Vai trò của blogger, cách mạng thông tin đem lại sức mạnh rất mới cho cuộc đấu tranh hiện nay", ông nói.
Người Việt Nam Toàn Cầu
Nguồn : BBC tiếng Việt, 26/10/2018 (Global Vietnamese)
Nhà hoạt động Đinh Nguyên Kha vừa mãn hạn 6 năm tù nói với VOA rằng anh kiên quyết tiếp tục ‘tranh đấu vì lợi ích của dân tộc và chủ quyền lãnh thổ’.
Sáng ngày 11/10, nhà hoạt động Đinh Nguyên Kha mãn hạn tù và được nhiều nhà hoạt động khác chào đón khi trở về nhà ở Long An.
Anh chia sẻ với VOA :
"Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Tôi sẽ chọn những công việc thích hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại để tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ hóa đất nước".
Đinh Nguyên Kha, 30 tuổi, là thành viên của nhóm Tuổ i trẻ Yêu nước, anh bị chính quyền bắt vào năm 2012 và xử phạt lần đầu với mức án đến 10 năm tù, 3 năm quản chế vì rải truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược lãnh hải của Việt Nam.
Vào năm 2013, án giảm xuống còn 4 năm tù giam, 3 năm quản chế, nhưng anh phải chịu thêm 2 năm tù nữa vì cáo buộc "gây thương tích".
Đinh Nguyên Kha nhận định về bản án của mình :
"Trước khi bị bắt thì tôi không có hoạt động công khai. Khi đó xem tin tức trên mạng thì thấy xã hội có nhiều bất công, Trung Quốc lâm le muốn xâm lược, vì mình là người Việt Nam phải có nghĩa vụ lên tiếng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Sau đó tôi biết anh Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình và tôi đã tham gia vào nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, rải truyền đơn chống cộng và chống Trung Quốc, vì vậy mà bị lực lượng an ninh bắt và cho là vi phạm pháp luật".
Truyền thông Việt Nam trích cáo trạng cho biết vào tháng 8/2012 và tháng 10/2012 Đinh Nguyên Kha và một người bạn là Nguyễn Phương Uyên đã có hành vi "tàng trữ, lưu hành các tài liệu chống Nhà nước : Dán các khẩu hiệu, cờ vàng ba sọc đỏ nơi công cộng… rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương, thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh".
Cả hai thành viên của nhóm Tuổ i trẻ Yêu nước đều bị cáo buộc với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" sau khi rải truyền đơn, dán khẩu hiệu với nội dung chống Đảng cộng sản Việt Nam "tham nhũng, bán nước" và phản đối Trung Quốc xâm lược Trường Sa-Hoàng Sa.
Đinh Nguyên Kha từng cùng các tù nhân lương tâm khác tuyệt thực để phản đối chính sách hà khắc về điều kiện nhà tù của Bộ Công an ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và sẽ tiếp tục tranh đấu bảo vệ quyền lợi của tù nhân :
"Đối với một tù nhân như tôi thì không có cách đấu tranh nào khác ngoài cách tuyệt thực, dù nó có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mình. Sau khi tôi ra tù cũng xác nhận rằng mình phải tiếp tục đấu tranh như thế nào để cho những anh em trong tù không cần thiết phải tuyệt thực nữa".
Được biết trong 6 năm qua, Kha đã ở cùng rất nhiều tù nhân chính trị khác như doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, nhạc sĩ Việt Khang, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, ở cùng anh trai mình là Đinh Nhật Uy và gần đây là bác sỹ Hồ Hải.
Khi được các nhà hoạt động khác chào đón mãn hạn tù sáng ngày 11/10 tại Long An, Kha nói : "Sáu năm qua không bao giờ làm tôi nhụt chí. Chỉ thay đổi phương pháp thôi chứ không thay đổi mục tiêu", theo Facebook của Ca sĩ bất đồng chính kiến Nguyễn Tín.
Nhà hoạt động Trần Thu Nguyệt viết về Kha trên Facebook : "một tuổi trẻ dấn thân bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc".
Linh mục Lê Ngọc Thanh viết trên Facebook : "Điều tuyệt vời là Kha bước đầu dấn thân trong cô đơn, không ai trong gia đình hiểu, nay sau 6 năm, Kha đã có mẹ, anh, chị, anh rể... là những chiến hữu sống chết với chọn lựa dấn thân của Kha".
Vào tháng 7 năm ngoái, bà Lê Thị Kim Liên, mẹ của Kha, đã sang Canberra gặp gỡ các dân biểu Úc, và vào tháng một năm 2014, sang thủ đô Washington gặp các giới chức và dân biểu tại Hoa Kỳ để vận động trả tự do cho con trai.
Đinh Nhật Uy, anh trai của Kha, cũng từng bị chính quyền tỉnh Long An bắt giam và xử phạt 15 tháng tù treo và 19 tháng quản chế về tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Vào sáng ngày 11/10/2018, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, chính quyền đã tiến hành trả tự do cho tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha sau 6 năm giam giữ. Tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha được các nhân viên của trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đưa về bàn giao cho địa phương trên một chiếc xe cấp cứu. Vào giữa buổi sáng 11/10, chính quyền và công an thành phố Tân An đã cho phép người nhà của Đinh Nguyên Kha đưa anh về nhà.
Tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha và mẹ trong ngày 11/10/2018. Ảnh : Tâm Don
Rất đông bà con thân thích và hàng xóm láng giếng đã đến thăm hỏi Đinh Nguyên Kha và mong anh sớm ổn định cuộc sống, có sức khỏe tốt. Nhiều nhà hoạt động xã hội từ Sài Gòn, Long An và Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đã đến gia đình tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha để chia vui với anh và gia đình.
Bà con láng giềng đến thăm hỏi tù nhân Đinh Nguyên Kha. Ảnh : Tâm Don
Trao đổi nhanh với VNTB, tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha cho biết, trong 6 năm ở trong tù, anh được chăm sóc y tế ở mức căn bản, điều kiện ăn uống cũng không đến nỗi tệ, và anh không bị tra tấn. Tuy nhiên sức khỏe anh không được tốt, vì lẽ đó, phía trại giam đã đưa anh về Long An bằng xe cấp cứu. Anh Kha cho biết, hiện anh đang bị bệnh trĩ, thoát vị đĩa đệm và cao huyết áp. Theo lời anh Kha, bác sĩ Hồ Hải, một tù nhân lương tâm ở cùng trại tù với Đinh Nguyên Kha, đã khuyên anh sau khi ra tù phải cấp tốc đi khám tổng quát. "Điều tôi cần nhất bây giờ là sức khỏe. Tôi muốn yên tĩnh một thời gian và sẽ đi khám tổng quát ngay", anh Đinh Nguyên Kha nói.
Một số nhà hoạt động xã hội chúc mừng Đinh Nguyên Kha được tự do. Ảnh : Tâm Don
Vào ngày 16/05/2013, tòa án nhân dân tỉnh Long An đã đưa vụ án Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên ra xét xử sơ thẩm với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ ngĩa Việt Nam", theo đó, Đinh Nguyên Kha phải nhận mức án 10 năm tù giam, Nguyễn Phương Uyên nhận mức án 6 năm tù giam. Tại phiên tòa sơ thẩm, Đinh Nguyên Kha nói : "Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội". Còn Nguyễn Phương Uyên nói tại phiên tòa : "Ông Hồ Chí Minh nói : Một năm bắt đầu từ mùa xuân, con người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tôi là sinh viên có lòng yêu nước. Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước".
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 16-8-2013, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã tuyên phạt Đinh Nguyên Kha mức án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế, Nguyễn Phương Uyên 3 năm tù treo và được trả tự do ngay tại phiên tòa.
Tâm Don
Nguồn : VNTB, 12/10/2018
******************
Tù nhân trẻ Đinh Nguyên Kha mãn án 6 năm (RFA, 10/10/2018)
Tù nhân chính trị trẻ Đinh Nguyên Kha vào ngày mai 11 tháng 10 sẽ mãn án 6 năm tù mà thanh niên này phải chịu do bị cáo buộc chính là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên (thứ 2 từ phải sang) và Đinh Nguyên Kha (giữa) tại tòa án ở tỉnh Long An - Hình chụp hôm 16/5/2013 : AFP
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, thân mẫu của Đinh Nguyên Kha vào chiều ngày 10 tháng 10, cho Đài Á Châu Tự Do biết một số thông tin liên quan như sau :
"Bữa hôm 8 Tây cô ra tận trại tù cô thăm Đinh Nguyên Kha một lần chót để cô hỏi hỏi kỹ nó có đúng là 11 Tây tháng 10 họ thả không.
Thì đúng như vậy. Thằng cán bộ cũng nói 11 Tây tháng 10 thả nhưng mà họ sẽ đưa về địa phương quản lý chứ không cho thằng Kha tự động đi về. Mình không biết họ đưa về chỗ nào thành ra ngày mai cô cũng đi săn đón coi ngày mai đưa về chỗ nào chứ họ cũng không muốn mình đi đón thằng con mình.
Hình như nó bị án quản thúc 3 năm thành ra họ sẽ quản lý nó ở đâu rồi họ bắt nó đi honda ôm về hay đi bộ về. Cho con mình về một cách hèn hạ, không cho ai tiếp rước. Cái trận chiến nầy là một mất một còn. Nó tính toán thì cô cũng tính toán.
Ngày mai cô sẽ nhờ những anh honda ôm canh những cổng của nó để coi con mình nó xuống chỗ nào".
Đinh Nguyên Kha sinh năm 1988, cư ngụ tại Long An. Anh bị bắt vào ngày 11 tháng 10 năm 2012 và bị đưa ra xét xử vào ngày 16 tháng 5 năm 2013 với mức án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc chính như vừa nêu. Đinh Nguyên Kha ra tòa cùng vụ với bạn trẻ Nguyễn Phương Uyên.
Đinh Nguyên Kha từng tham gia các hoạt động phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông.
Người anh trai của Đinh Nguyên Kha là Đinh Nhật Uy bị bắt vào tháng 6 năm 2013 với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ và bị tuyên án treo 15 tháng.
Sau khi hai người con bị bắt và bị bỏ tù vì những hoạt động yêu nước, thân mẫu của hai anh, tìm cách sử dụng mạng để lên tiếng đòi công lý con con trai bà.