Hôm 09/08/2021, nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC) đã công bố báo cáo mới nhất của họ, khẳng định là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn mức mà chúng ta lo ngại và rõ ràng đó chính là do con người gây ra.
Một xí nghiệp may trang phục thể thao tại Nam Định, Việt Nam. Ảnh tư liệu chụp ngày 08/06/2020. AP - Hau Dinh
Olympic Tokyo kết thúc, ngọn lửa thế vận được chuyển sang cho Paris kể từ tối qua. Hôm nay nước Pháp bước vào ngày đầu tiên áp dụng thông hành dịch tễ, và hôm nay cũng vừa đúng một năm phong trào phản kháng nổ ra ở Belarus. Đó là các đề tài chính của báo chí Pháp ngày 09/08/2024.
Liên quan đến Việt Nam, Les Echos trong bài "Biến thể Delta sẽ làm thiếu hụt giày thể thao ?"cho biết đại dịch Covid đã làm hàng ngàn nhà máy ở Đông Nam Á phải đóng cửa, trong đó có những nước xuất khẩu quần áo và giày thể thao như Việt Nam, Indonesia, Bangladesh. Các thương hiệu lớn đang vận động viện trợ vac-xin cho các nước này, đặc biệt là Việt Nam.
Đã bị thiếu chất bán dẫn, thương mại quốc tế nay lại bị đe dọa với việc hàng loạt nhà máy sản xuất trang phục, giày, phụ kiện… cho thế giới phải ngưng hoạt động. Tương đối an toàn trong năm 2020, giờ đây Việt Nam, Thái Lan, Indonesia vốn có tỉ lệ người được tiêm chủng rất ít, đang bị tê liệt do biến thể Delta lây lan nhanh chóng, số người bị nhiễm và tử vong tăng vọt.
Tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng dịch tễ đặc biệt trầm trọng từ giữa tháng Bảy, khiến chính quyền buộc lòng phải phong tỏa chặt chẽ các khu công nghiệp ở miền Nam xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn cũ. Sau nhiều tháng trời chưa bao giờ phát hiện được quá 10 ca dương tính một ngày, đất nước 98 triệu dân từ nay phải đối mặt với tình trạng mỗi ngày trên 8.000 ca. Và có đến 85% trong số 1.306 trường hợp tử vong vì Covid diễn ra chỉ trong tháng Bảy !
Để dập dịch, chính quyền từ đầu tháng Tám đã mở rộng việc kiểm soát ra nhiều tỉnh, khiến các nhà cung cấp cho các nhãn hiệu Nike, Adidas, Uniql hay Gap phải đóng cửa các nhà máy mới, và kéo dài thời gian nghỉ việc tại nhiều địa điểm. Công nhân viên được yêu cầu làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi tại nhà máy, một dạng "quả bóng dịch tễ" để tránh tiếp xúc với bên ngoài. Nhưng khoảng vài chục ổ dịch vẫn xuất hiện, khiến nhiều công ty đành phải từ bỏ chính sách "sản xuất ba tại chỗ".
Nhà kinh tế Trinh Nguyen của Natixis nhận định : "Việt Nam là nhân tố chính trong lãnh vực hàng dệt may và giày dép, chiếm 7,7% thị phần thế giới. Thế nên các nhà máy ở Việt Nam đóng cửa sẽ gây tác động dây chuyền ở tầm quốc tế".Chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng, trong khi tình trạng vốn đã rất căng thẳng vì vận tải đường biển tắc nghẽn.
Các thương hiệu đặc biệt lo ngại về việc cung ứng hàng cho các thị trường phương Tây. Tuy không cho biết tình hình chuỗi cung ứng hiện nay, Nike nhìn nhận gần phân nửa số giày của mình được sản xuất tại Việt Nam trong năm tài chính 2020. Adidas cũng đang ngồi trên đống lửa, khi 75/500 nhà cung ứng là ở Việt Nam.
Đầu tháng Tám, American Apparel and Footwear Association (Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ - AAFA), cơ quan vận động hành lang của ngành này trong một lá thư ngỏ đã kêu gọi tổng thống Biden giúp đỡ chính phủ và kỹ nghệ Việt Nam. Chủ tịch hiệp hội, ông Steve Lamar viết : "Tôi đề nghị tổng thống lập tức đẩy nhanh việc phân phối số vac-xin đang có dư của Mỹ cho Việt Nam và các nước đối tác chính". Tổ chức lobby này nhắc nhở, Việt Nam đang cung cấp 20% tổng số hàng may mặc và giày dép tiêu thụ tại Mỹ, và hiện nay chỉ mới có 4% dân số được chích ngừa Covid.
Cũng về đại dịch, Le Figaro nhấn mạnh đến"Nước Pháp bắt đầu áp dụng chứng nhận y tế", Les Echos chạy tựa"Thông hành dịch tễ được áp dụng như thế nào".Trang trong các báo đều có nhiều bài viết nói về ảnh hưởng của luật mở rộng phạm vi chứng nhận y tế trong cuộc sống hàng ngày của người Pháp. Doanh nghiệp và cá nhân cố gắng thích ứng, trong khi người biểu tình vẫn đông đảo dù đã vào hè.
Le Figaro nhận định đây là"Một sự hy sinh cần thiết" và đặt câu hỏi các cuộc biểu tình này nhân danh điều gì ? Họ chống vac-xin, chống thông hành dịch tễ, chống mã QR, chống tổng thống Macron, chống Nhà nước, nói chung là chống đủ thứ ! Một số khuôn mặt quen thuộc đang lợi dụng phong trào, nhắm đến kỳ bầu cử tổng thống sắp tới. Giờ đây khi luật được áp dụng, những người phản kháng sẽ gặp một số khó khăn trong đời sống thường nhật. Chính phủ đã có động thái linh hoạt, và không có cách nào hơn là kiên nhẫn giải thích cho họ, đây là sự hạn chế cần thiết để tránh bị phong tỏa một lần nữa.
Trong bài xã luận, Les Echos phê phán"Những đứa trẻ được nuông chiều". Người dân Pháp đã chấp nhận các thời kỳ phong tỏa vừa qua, nhưng một số nay lại từ chối tiêm chủng và chứng nhận y tế ? Thiểu số phản đối này lại không có kế hoạch B thay thế, họ đe dọa tự do của tập thể và cá nhân.
Tờ báo nhắc nhở, chúng ta đã bước vào kỷ nguyên Ánh sáng kỹ thuật số, khiến mọi thứ được đơn giản hóa. Big data (dữ liệu lớn) phối hợp với sức mạnh tin học đã giúp triển khai và sản xuất được trong thời gian kỷ lục các vac-xin mà mỗi ngày lại chứng tỏ hiệu quả, và sự phổ biến smartphone khiến việc kiểm soát chứng nhận y tế chưa bao giờ dễ dàng như thế. Vac-xin cho phép mở cửa lại các nhà hàng, cơ sở thương mại và mai đây là các biên giới, vậy thì chúng ta đã được lợi hay bị mất đi tự do ?
Đại dịch từ Vũ Hán mà cả hành tinh là nạn nhân buộc nước Pháp phải phong tỏa, giới nghiêm, đóng cửa công sở. Nỗi sợ cùng với một phần là tinh thần trách nhiệm khiến dân Pháp chấp nhận mất đi một số tự do cá nhân như dưới một chế độ độc tài. Giờ đây chính phủ đề nghị giải pháp ít bó buộc hơn, nên không thể hiểu được sự chống đối kịch liệt của một thiểu số, được một số phương tiện truyền thông khuếch đại, dù đa số thầm lặng đều ý thức rằng nỗ lực được đòi hỏi là tối thiểu nhưng mang lại nhiều lợi ích.
Nhật báo kinh tế nhắc lại điều 4 của Tuyên ngôn Nhân quyền : "Tự do là có thể làm những gì không gây hại cho người khác".Và kết luận, những ai từ chối tiêm chủng và thông hành dịch tễ không phải là bảo vệ quyền tự do của họ, mà dẫm đạp lên tự do của tất cả mọi người.
Trong khi đó ngay tại Châu Âu, có nơi người dân còn chẳng có quyền xuống đường. Bài xã luận của Le Monde nói về"Chế độ Belarus, nỗi nhục của Châu Âu".
Cách đây đúng một năm, ngày 09/08/2020, cử tri Belarus đã bày tỏ ý hướng thay đổi, nhưng tổng thống nắm quyền từ năm 1994 lại chẳng muốn ra đi, làm giả kết quả bầu cử. Chế độ thẳng tay đàn áp các công dân dám biểu tình chống lại nhà độc tài Alexander Lukashenko. Ông ta sống sót nhờ vào sự hỗ trợ quý giá của Moskva và nhất là cơ quan tình báo Nga FSB.
Sau khi nhận ra rằng vũ lực không đè bẹp được phong trào phản kháng đông đảo, Lukashenko chuyển sang nhắm vào các mục tiêu cụ thể. Trong vòng một năm, đã có trên 35.000 người bị bắt, bị tra tấn và ngược đãi trong nhà tù. Các bản án ngày thêm nặng nề, các nhà báo và trí thức bị truy lùng. Một trong những khuôn mặt hàng đầu của phong trào là Maria Kolesnikova bị bắt cóc ngay trên đường phố nhưng nhảy được ra khỏi xe, xé hộ chiếu để khỏi bị trục xuất và nay đang trong nhà tù, có nguy cơ lãnh án 12 năm tù giam. Đàn áp nặng nề đến nỗi thủ lãnh đối lập lưu vong Svetlana Tsikhanovskaia quyết định không kêu gọi xuống đường kỷ niệm một năm ngày khởi đầu phong trào 09/08.
Lukashenko không dừng ở đây mà còn truy sát các nhà đối lập bên ngoài biên giới. Hồi tháng Năm, một nhà báo đối lập sống lưu vong ở Litva đang trên máy bay đã bị chế độ cho chiến đấu cơ buộc hạ cánh xuống Minsk để bắt giữ. Và mới đây ngày 02/08 một nữ vận động viên dự Thế vận hội Tokyo suýt nữa bị cưỡng bức về nước, trong khi nhà hoạt động Vitali Chichov 26 tuổi bị phát hiện trong tư thế treo cổ với nhiều vết thương tại một công viên ở Kiev.
Không chỉ đàn áp công dân mình, Lukashenko còn biến Belarus thành một Nhà nước côn đồ ở Châu Âu bằng món võ tị nạn : từ nhiều tuần qua Litva phải chịu đựng làn sóng di dân ồ ạt từ Iraq, Syria và Châu Phi, họ vượt biên từ Belarus sang sau khi được máy bay chở đến Minsk. Le Monde cho rằng Liên Hiệp Châu Âu cần phải tự vệ, và đừng quên phía sau chế độ đã trở thành nỗi nhục của Châu Âu, là Vladimir Putin, người đang nắm chiếc chìa khóa về số phận Lukashenko.
Chuyển sang lãnh vực thể thao, trang nhất La Croix đăng ảnh một thiếu nữ tươi cười cầm lá cờ "Paris 2024" trước tháp Eiffel, chạy tít "Paris tiến lên". Libération cũng đăng hình một nữ vận động viên đang được công kênh, cầm lá cờ Pháp, hậu cảnh là tháp Effel với dòng tựa "Paris 2024 : Hãy tham gia Thế vận của bạn".
Hôm 08/08 trong dịp bế mạc Thế vận hội Tokyo, lễ bàn giao đã được diễn ra giữa hai phụ nữ : bà thống đốc Tokyo Yuriko Koike và nữ đô trưởng Paris, bà Anne Hidalgo - lần đầu tiên trong lịch sử thế vận. Một câu chuyện mới sẽ bắt đầu, đúng 100 năm sau khi Thế vận hội lần 7 được tổ chức tại Paris năm 1924.
Le Figaro nhận định"Thế vận hội của đại dịch đã tìm thấy chỗ đứng trong lịch sử". Tokyo không quên gì cả, từ những tháng trời khủng hoảng vì đại dịch, đến mối đe dọa cho ngân sách một sự kiện toàn cầu đã phải hoãn lại một năm vì con virus. Và lịch sử Olympic cũng không quên được Tokyo rốt cuộc đã thuyết phục được những người chống đối. Được tổ chức trong muôn vàn khó khăn, và mới cách đây sáu tháng không ai nghĩ rằng Thế vận hội Tokyo có thể để lại dấu ấn như thế. Riêng Nhật Bản từ hàng thứ 6 nhảy lên hàng thứ 3 với 58 huy chương, ít nhất 70 triệu người Nhật (hơn phân nửa dân số) đã theo dõi lễ khai mạc tuyệt vời. Tokyo 2020, một thế vận không thể quên.
La Croix trong bài "Tạm biệt Tokyo, xin chào Paris" cho biết địa điểm khai mạc Thế vận hội Paris 2024 được cho là không khép kín tại sân vận động nước Pháp (Stade de France) cho vài chục ngàn người may mắn có được tấm vé, mà ngay ngoài trời, dưới chân tháp Eiffel. Sau đó mọi cái nhìn sẽ hướng về… quảng trường Concorde, nơi diễn ra những cuộc tranh tài skateboard (trượt ván), breaking (các điệu nhảy đường phố)… những môn thể thao mới nhằm thu hút giới trẻ.
Về mặt ngân sách, Paris 2024 buộc phải tiết kiệm hơn Luân Đôn, Rio hay Tokyo, với khoảng 7,3 tỉ euro (chỉ bằng phân nửa so với Thế vận hội Tokyo). Trong đó 3,4 tỉ euro đầu tư vào những công trình có giá trị lâu dài như hồ bơi, hay làng thế vận sẽ được chuyển thành khu nhà ở.
Thụy My