Đoàn Thị Hương bị truy tố tội giết người (RFA, 01/03/2017)
Nghi phạm người Việt Nam Đoàn Thị Hương và nghi phạm Siti Aisyah người Indonesia đã chính thức bị truy tố về tội giết người, trong vụ ám sát anh của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Đoàn Thị Hương, 28 tuổi (trái) được cảnh sát đặc biệt hộ tống sau phiên tòa tại Sepang, Malaysia vào ngày 01 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Cáo trạng được đọc trước tòa sáng nay viết rằng cả 2 nữ nghi phạm cùng với 4 người khác vẫn còn lẩn trốn đã chủ mưu giết một công dân Bắc Hàn có tên trên hộ chiếu là Kim Chol vào ngày 13 tháng Hai 2017 vừa qua, tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur.
Nạn nhân Kim Chol sau đó được hai chính phủ Nam Hàn và Malaysia nói chính là ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bình Nhưỡng Kim Jong-un. Đến giờ, Bắc Hàn chỉ nói người bị giết là một công dân nước họ.
Cáo trạng cũng viết rằng cô Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, cùng nghi phạm Siti Aisyah, 25 tuổi, bị truy tố tội mưu sát, chiếu theo điều 34 và điều 302 của bộ luật hình sự của Malaysia. Hôm qua, ông Tổng Chưởng Lý Mohamed Apandi Ali cho báo chí biết nếu bị tòa xác định có tội, cả 2 bị cáo có thể lãnh án tử hình.
Các bản tin chúng tôi thu thập được viết rằng sau khi nghe bản cáo trạng được dịch ra tiếng Việt, cô Đoàn Thị Hương có nói với tòa bằng tiếng Anh, cho hay cô hiểu bản cáo trạng nói gì, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh là cô vô tội.
Tin tức còn cho thấy an ninh được kiểm soát rất chặt chẽ ở tòa, kèm theo tin cho biết cả Cô Hương lẫn nữ nghi phạm người Indonesia đều mặc áo chống đạn.
Có bản tin viết rằng cô Hương rời tòa với dáng mệt mỏi, mắt đỏ hoe. Khi được hỏi, luật sư đại diện cô trả lời rằng cô đang sống trong tình trạng căng thẳng, vì phải đối diện với án tử hình.
Phiên tòa kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày 13 tháng Tư 2017.
Một chi tiết đáng chú ý khác là cô Hương chỉ có một luật sự bào chữa, là ông S. Selvam Shamugam, trong khi đội ngũ luật sư đại diện cho nữ nghi phạm Indonesia lên đến 5 người, đứng đầu là ông Gooi Soon Seng.
Chúng tôi đang tìm hiểu xem tại sao lại có khác biệt này.
Cả luật sư đại diện cho cô Hương và đoàn luật sư bào chữa cho nữ nghi phạm người Indonesia đều nói là chưa ngày mai mới được phép vào nhà giam tiếp xúc với các bị cáo.
Đoàn Thị Hương lấy tay che mặt trước ống kính sau phiên tòa tại Malaysia hôm 1/3/2017. AFP photo
Luật sư của cô Hương còn nói với báo chí là ông tin tưởng cô gái Việt Nam này không có tội. Trưởng đoàn luật sư bào chữa cho nghi phạm Indonesia yêu cầu Tòa ra lệnh cấm các viên chức tư pháp, cảnh sát và nhân chứng trả lời báo chí, hoặc đưa ra những lời bình luận có thể ảnh hưởng tới phiên xử.
Theo bản tin của Bộ Ngoại Giao Indonesia, yêu cầu này đã được Tòa chấp thuận hay không.
Một chi tiết bên lề khác cũng cần nêu lên là báo chí quốc tế loan tin nói ông Andreano Erwin, quyền đại sứ Indonesia ở Malaysia, có mặt tại tòa, sau đó ông cho các nhà báo biết là được phép tiếp xúc ngắn với nghi can Siti Aisyah.
Sau đó, ông Erwin cho các nhà báo theo dõi phiên xử biết là ông dặn dò nữ nghi can Indonesia là phải giữ gìn sức khỏe, vì vụ xử sẽ kéo dài rất lâu.
Cho tới giờ phát thanh, rất tiếc, chúng tôi vẫn chưa tìm được bản tin nào nói về sự hiện diện của đại diện ngoại giao Việt Nam tại tòa, do đó, không biết Đại Sứ Quán Việt Nam ở Kuala Lumpur có cử đại diện đến Tòa hay không.
Ông Đoàn Văn Thạnh, cha của bị cáo Đoàn Thị Hương, cho Đài Á Châu Tự do biết phản ứng của gia đình sau khi nghe tin người thân bị đưa ra tòa với cáo buộc mưu sát :
"Nghe tin rồi thông qua tin trên mạng. Gia đình rất buồn, lo lắng chẳng biết sao được. Cháu vẫn đi làm bình thường mà việc xảy ra thì gia đình chẳng biết được".
Ông Đoàn Văn Thạnh cho biết gia đình ngày mai sẽ đi Hà Nội đến Bộ Ngoại giao Việt Nam để nhờ giúp đỡ cho trường hợp con gái ông đang bị giam và buộc tội ở Malaysia.
Truyền thông Malaysia cho biết trước khi xuất hiện trước Tòa, cảnh sát Malaysia đã áp giải cả 2 nghi can ra sân bay quốc tế Kuala Lumpur, buộc phải diễn lại những gì họ đã làm hôm 13 tháng Hai vừa rồi.
Nghe nói đây là lần thứ 3, hai nghi can phải diễn lại tất cả mọi sự việc liên quan tới họ và tới cái chết của ông Kim Jong Nam.
Cũng cần nhắc lại khi bị thẩm vấn, cô Hương cũng như nghi can Siti Aisyah đều khai rằng họ nghĩ được mời tham gia một chương trình truyền hình thực tế, bôi một chất lỏng trông tựa như kem thoa cho trẻ em vào mặt ông Kim Jong Nam, không hề biết đó là chất độc thần kinh VX giết người.
Nữ nghi phạm Indonesia còn khai là được trả số tiền chỉ chừng 90 dollars Mỹ để bôi một chất lỏng vào mặt ông Kim Jong Nam.
Cũng ngày hôm nay, chính phủ Malaysia quyết định chỉ trao trả tử thi ông Kim Jong Nam cho người thân của ông này, cho dù Bình Nhưỡng cử một phái đoàn ngoại giao sang Kuala Lumpur, yêu cầu được nhận xác người xấu số.
***************************
Đoàn Thị Hương mặc áo chống đạn ra tòa (VOA, 01/03/2017)
Cô Đoàn Thị Hương bị giải ra tòa hôm 1/3.
Nữ nghi can người Việt bị giải ra tòa và chính thức bị truy tố tội giết hại anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un ở Malaysia hôm nay, 1/3.
Những hình ảnh chụp do các hãng thông tấn đăng tải cho thấy cô Đoàn Thị Hương bị còng tay và được cho mặc áo chống đạn với sự bảo vệ của lực lượng an ninh vũ trang hùng hậu.
Theo cáo trạng, nữ công dân Việt Nam và bị cáo người Indonesia Siti Aishah, cùng bốn người đàn ông chưa rõ danh tính, hiện vẫn bỏ trốn, đã có mặt ở ga đi của sân bay quốc tế Kuala Lumpur với mục đích giết công dân Bắc Hàn.
Một người đàn ông Bắc Hàn, mà cảnh sát Malaysia nói tên là Ri Jong Chol, vẫn bị cảnh sát giam giữ và chưa bị truy tố. Cảnh sát hiện truy nã 7 người Bắc Hàn khác, trong đó có một nhân viên đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur.
"Tôi vô tội"
Cô Đoàn Thị Hương ra tòa hôm 1/3 trong sự bảo vệ của lực lượng an ninh vũ trang hùng hậu.
Trả lời VOA Việt Ngữ sau phiên tòa, ông Selvam Shanmugam, luật sư bào chữa cho nữ nghi can người Việt, cho biết : "Sau khi nghe cáo trạng, cô ấy nói rằng ‘tôi hiểu cáo trạng’, nhưng cô ấy nói ‘tôi vô tội'. Cô ấy bác bỏ cáo trạng". Ngoài ra, theo ông Shanmugam, cô Hương không nói thêm gì, và tỏ ra "bình tĩnh".
Theo luật sư người Malaysia, tòa cũng ra lệnh gia hạn giam giữ cô Hương cho tới ngày ra tòa tiếp theo vào ngày 13/4.
Sau khi nghe cáo trạng, cô ấy nói rằng ‘tôi hiểu cáo trạng’, nhưng cô ấy nói ‘tôi vô tội'. Cô ấy bác bỏ cáo trạng.
Ông Selvam Shanmugam, luật sư bào chữa cho cô Đoàn Thị Hương, nói với VOA tiếng Việt.
Ông Shanmugamcho biết ông được Hội Luật sư Việt Nam mời tham gia bào chữa cho cô Hương, và ngày mai, sẽ có một nhóm luật sư người Việt sang Kuala Lumpur để cùng ông xử lý vụ việc. Còn trong lần cô Hương xuất hiện đầu tiên tại tòa, chỉ mình ông tham gia.
Ông Shanmugam cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng có đám đông lớn hàng trăm phóng viên từ khắp nơi đổ về đưa tin về phiên tòa. Nếu bị kết án, cô Hương và nữ nghi can người Indonesia có thể bị treo cổ.
Một cựu Thứ trưởng Công an Việt Nam không muốn nêu danh tính nói với VOA tiếng Việt hôm 28/2 rằng Hà Nội "không thể can thiệp để giảm án cho nghi phạm", nhưng Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sẽ "phối hợp với bên Malaysia để trao đổi bảo vệ quyền công dân [Việt Nam]" theo luật quốc tế. "Còn họ xử thì căn cứ vào pháp luật của họ để xử", cựu quan chức này nói.
"Bị lợi dụng"
Nữ nghi phạm quê Nam Định ra tòa ít ngày sau khi cô được gặp đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam, và nói rằng cô "bị lợi dụng". Cô cũng kể rằng cô tưởng mình "tham gia đóng video clip hài" trong vụ việc xảy ra tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 13/2.
Ít ngày sau khi cô Hương bị bắt vì bị nghi dính líu tới vụ ám sát người anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un, báo chí Malaysia dẫn lời các nguồn tin viết rằng nữ nghi can người Việt và một nữ nghi can Indonesia khai rằng họ "tưởng tham gia một trò chơi khăm, vô hại trên truyền hình".
Một hình ảnh từ máy quay an ninh cho thấy một người phụ nữ mặc áo trắng được cho là cô Đoàn Thị Hương tấn công ông Kim Jong Nam hôm 13/2.
Trong khi đó, cảnh sát trưởng quốc gia Malaysia tuần trước nói rằng hai nữ nghi can đã "được trả tiền" và "được huấn luyện" thực hiện vụ ám sát.
Hôm 24/2, Malaysia thông báo kết quả điều tra ban đầu, cho thấy theo đó người anh em của lãnh tụ Bắc Hàn bị giết bởi "chất độc thần kinh VX", một hóa chất cực độc, bị Liên Hiệp Quốc liệt vào "danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Cô Aishah bị bắt hôm 16/2, một ngày sau cô Đoàn Thị Hương. Cảnh sát cho biết rằng nữ công dân Indonesia "đã bị nôn" trong khi bị giam giữ vì phơi nhiễm chất VX.
*****************
Vụ ám sát Kim Jong-nam : Malaysia khởi tố hai nữ nghi can (RFI, 28/02/2017)
Nghi can Đoàn Thị Hương - Royal Malaysia Police/Handout via Reuters
Hôm 28/02/2017, chưởng lý Malaysia thông báo sẽ khởi tố hai nữ nghi can người Indonesia và Việt Nam trong vụ sát hại Kim jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo AFP, ông Mohamed Apandi Ali, chưởng lý Malaysia, cho biết, hai nghi can Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương sẽ bị truy tố theo điều 302 của bộ luật hình sự nước này và có thể sẽ bị kết án tử hình bằng cách treo cổ.
Các băng vidéo giám sát an ninh ở sân bay Kuala Lumpur cho thấy hai nghi can này đã xịt một thứ gì đó vào mặt của Kim Jong-nam ngày 13/02/2017. Theo kết quả điều tra hôm thứ Sáu 24/02/2017, ông Kim Jong-nam chết vì chất độc thần kinh VX, một loại hóa chất được Liên Hiệp Quốc xếp loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hai nữ nghi can người Indonesia và Việt Nam cho biết họ bị lừa. Siti Aisyah, 25 tuổi, người Indonesia cho biết đã được trả 90 đô la để thực hiện hành động mà cô nghĩ rằng là cảnh diễn xuất cho một chương trình truyền hình. Siti Aisyah cũng nghĩ rằng loại hóa chất xịt vào mặt Kim Jong-nam là một "loại dầu bôi da cho trẻ sơ sinh". Nghi can người Indonesia cũng nói là không quen biết nghi can Đoàn Thị Hương. Tuy nhiên, cảnh sát Malaysia khẳng định hai người này biết rất rõ điều họ làm.
Thùy Dương
************************
Việt Nam có thể làm gì cho Đoàn Thị Hương ? (RFA, 01/03/2017)
Đoàn Thị Hương, 28 tuổi (trái) được cảnh sát đặc biệt hộ tống sau phiên tòa tại Sepang, Malaysia vào ngày 01 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Phiên tòa xử các nghi phạm giết Kim Jong-nam tại Malaysia đã được mở ra tại Malaysia vào ngày 1 tháng 3, trong đó Đoàn Thị Hương là người Việt Nam có dính líu trực tiếp dến vụ ám sát này.
Liệu tư pháp Việt Nam có thể giúp gì cho công dân của mình trước một bản án nghiêm trọng mà nếu bị xét thấy có tội Hương có thể bị tử hình về tội mưu sát.
Malaysia xét xử công dân Việt
Vào ngày 13 tháng 2, Kim Jong-nam bị 2 phụ nữ xịt chất độc VX vào mặt tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Kim chết trên đường tới bệnh viện Putrajaya còn hai nghi can Đoàn Thị Hương mang hộ chiếu Việt Nam và Siti Aishah quốc tịch Indonesia bị bắt sau đó.
Vụ ám sát có hình thái gián điệp này đã làm Đông Nam Á sôi động, tuy nhiên về mặt luật quốc tế lại là một bài toán cho nhiều nước, Việt Nam, Indonesia và cả Bắc Triều Tiên vì Kim Jong-nam là một nhân vật chính trị và cái chết của ông ta đặt ra nhiều nghi vấn trong đó không ngoại trừ yếu tố ám sát vì tranh giành quyền lực trong dòng tộc.
Malaysia là nước chủ nhà nên mọi quyết định của Kuala Lumpur đều là quyết định cuối cùng. Từ đó đối với Việt Nam bị cáo Đoàn Thị Hương trở nên là tâm điểm của vấn đề ứng xử quốc tế trong quan hệ luật pháp, và phiên tòa này rất quan trọng cho Việt Nam hòa nhập với thế giới khi Malaysia xét xử chính công dân của mình.
Ngay sau khi Siti Aishah bị bắt Indonesia đã nhanh chóng tiếp xúc với Kuala Lumpur để bảo vệ quyền lợi của cô. Riêng Việt Nam, gần hai tuần sau, ngày 25 tháng 2 Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia viếng thăm công dân của mình và câu trả lời cho công luận qua nhận xét của sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur thì cô Hương có sức khỏe ổn định.
Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988 tại Nam Định từng làm nhiều nghề trong đó hơn một năm cô làm tiếp viên cho quán bar Seventeen tại Hà Nội. Tại đây cô quen biết với nhiều người Hàn quốc và từ đó có thể đưa đẩy tới việc cô bị móc nối để xuống tay hạ sát Kim Jong-nam.
Nhưng dù sao thì mọi chứng cứ phải được làm rõ trước khi tòa ra bản án. Trong khoảng thời gian quan trọng này đáng tiếc là Việt Nam không gửi Luật sư sang tham khảo với luật sư người bản xứ vì vậy vấn đề tìm hiểu sự thật để chống lại bản án không thể diễn ra.
Nói với chúng tôi về việc này, Luật sư Vũ Đức Khanh hiện đang hành nghề tại Canada cho biết :
Trên nguyên tắc cô Hương không có quyền kêu Luật sư Việt Nam để biện hộ cho cô ấy ở Mã Lai vì muốn ra tòa ở Mã Lai thì phải có bằng hành nghề tại Mã, đó là nguyên tắc chung nhưng điều đó không có nghĩa rằng một luật sư Việt Nam không thể tham gia với một tổ hợp luật sư tại Mã.
Về nguyên tắc công pháp quốc tế thì cô Hương có thể yêu cầu chính phủ Việt Nam bảo vệ quyền lợi của cô ấy nhưng tôi không hiểu chính phủ Việt Nam sẽ làm như thế nào nhưng theo thông lệ thì có thể trả tiền thuê luật sư. Còn trong trường hợp giống như anh nêu ra phía Việt Nam không muốn ra mặt vì lý do chính trị nào đó mà chỉ đóng vai quan sát thì tôi nghĩ cũng có thể nhưng tôi thấy hơi lạ vì chính phủ Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình dầu công dân đó ở bất cứ nơi nào trên thế giới và có phạm bất cứ một tội nào thì Việt Nam cũng phải bảo vệ cho công dân mang quốc tịch Việt Nam.
Có thể đưa về Việt Nam ?
Do sự phức tạp của vụ án, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nan kiêm Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế cũng như hai ông vụ phó Nguyễn Đức Kiên và Nguyễn Thanh Tú nhưng đều không thành công.
Điều chúng tôi muốn biết là Việt Nam có được phép cử người tham dự phiên tòa hay không cũng như nếu bản án đã tuyên thì bị cáo Đoàn Thị Hương có được thi hành án tại Việt Nam qua sự can thiệp của chính phủ Hà Nội hay không. Giải thích về điều này Luật sư Vũ Đức Khanh cho biết :
Tôi không hiểu giữa Việt Nam và Malaysia có hiệp ước về vấn đề dẫn độ hay không, nếu có thì chiếu theo hiệp ước đó đưa cô Hương về thụ án tại Việt Nam còn nếu không thì cô Đoàn Thị Hương sẽ phải chịu thi hành án tại Mã Lai và theo như tôi biết thì tội của cô Hương có thể sẽ bi án tử hình.
Trong tình hình xấu nhất thì tôi nghĩ giữa Việt Nam và Malaysia không có hiệp ước dẫn độ vì theo như tôi biết Việt Nam chưa có hiệp ước dẫn độ với các nước ASEAN, Mỹ cũng như Canada.
Trước đây khi trả lời câu hỏi nếu Việt Nam xác minh được nghi phạm người Việt đó đúng là công dân Việt Nam và thực sự có liên quan tới vụ ám sát ông Kim Jong-nam thì ai sẽ xét xử cô gái này, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an xác định "Nếu là người Việt Nam thì chúng tôi phải bảo hộ và đưa về Việt Nam xử lý theo pháp luật Việt Nam".
Phiên tòa khai mạc vào sáng ngày 1 tháng 3 nhưng Việt Nam vẫn chưa chính thức có động thái nào trước công dân của mình, kể cả vận động với Mã Lai cho gia đình của Đoàn Thị Hương sang tham dự phiên tòa để họ có thể nhìn mặt con lần cuối.
Theo hãng tin AFP vào sáng ngày 1 tháng 3 Đoàn Thị Hương ra tòa với một luật sư người địa phương là Selvam Shamugam được tòa chỉ định bào chữa cho cô, trong khi đó nghi can Siti Aishah được bảo vệ bởi 5 luật sư người Indonesia.
Phiên tòa tạm kết thúc vào hôm nay mà không có lời biện hộ nào của luật sư, và sẽ tiếp tục với một phiên xử khác vào tháng tới.
Bây giờ tư pháp Việt Nam mới thấy rằng tham gia tích cực vào các hiệp ước quốc tế là cách hay nhất để bảo vệ công dân của mình khi có vấn đề pháp lý xảy ra.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
***********************
Đoàn Thị Hương có thể bị tử hình - Việt Nam làm gì ? (VOA, 01/03/2017)
Cảnh sát Malaysia áp giải hai nữ nghi phạm chính trong nghi án Kim Jong Nam ra tòa ngày 1/3. Ảnh: CNA.
Nghi phạm người Việt Đoàn Thị Hương sẽ bị Malaysia truy tố vì tham gia sát hại ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Theo luật Malaysia, nếu bị kết tội mưu sát Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, được Bộ Ngoại giao ở Hà Nội xác nhận là công dân Việt Nam, và một nữ nghi phạm 25 tuổi người Indonesia cùng tham gia vụ giết hại, sẽ bị treo cổ.
Truyền thông quốc tế trích lời tổng chưởng lý Mohamed Apandi Ali nói 2 nghi phạm này sẽ bị đưa ra tòa tại Sepang vào ngày 1/3.
Bộ Ngoại giao chưa chính thức lên tiếng trước công bố này của Malaysia. VOA đã đặt câu hỏi với người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhưng không nhận được trả lời.
Bộ trưởng Công An Tô Lâm cũng đã không trả lời câu hỏi của VOA Việt Ngữ về vụ việc này. Chúng tôi cũng không liên lạc được với cảnh sát Malaysia để biết thêm chi tiết về vụ xét xử.
Theo một cựu thứ trưởng bộ Công An, Malaysia sẽ có toàn quyền xét sử vụ án.
"Theo nguyên tắc, công dân nước mình phạm tội ở nước ngoài, khi nước ngoài họ bắt thì họ sẽ xử lý theo luật pháp của họ còn mình chỉ phối hợp thôi. Mình cũng phối hợp với các cơ quan ngoại giao để mình bảo vệ quyền chính đáng của công dân của mình. Còn vi phạm pháp luật ở nước ngoài thì họ căn cứ vào luật của họ để xử".
************************
Hình 2 nghi phạm Đoàn Thị Hương và Siti Aishad được cảnh sát Malaysia áp giải ra tòa ngày 01/03/2017.
Gia đình của cô Đoàn Thị Hương, nghi can vụ giết ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, cho biết đã nhận được thông tin về phiên tòa ngày 1 tháng 3 xử con gái nhưng đành phó mặc cho kết quả phiên tòa xét xử bên Malaysia.
Nói với Đài Á Châu Tự Do RFA vào tối ngày 28/2 qua điện thoại từ Nam Định, ông Đoàn Văn Thạnh, cha của cô Đoàn Thị Hương cho biết :
"Trên kia họ báo rồi, trên Nam Định báo rồi. Trên tỉnh báo mà, ngoại giao ở tỉnh báo rồi".
Ông Thạnh cho biết Sở Ngoại Vụ tỉnh đã báo với gia đình ông vào phiên tòa vào ngày 28 tháng 2. Tuy nhiên khi được hỏi về việc khả năng gia đình có thể tiếp xúc với cô Đoàn Thị Hương, yêu cầu Bộ Ngoại Giao giúp đỡ hay tìm luật sư để đại diện cho cô trước tòa, ông Thạnh cho biết :
"Gia đình biết hỏi sao được. Gia đình chúng tôi ở nông thôn, điều kiện kinh tế không có, biết hỏi sao được. Luật sư mình sao tìm được. Kinh tế khó khăn sao tìm được. Nhà nước xử thế nào thì mình biết vậy thôi".
Ông Đoàn Văn Thạnh cũng cho biết gia đình không nhận được nhiều thông tin về cô Hương từ phía chính quyền, ngoài tin về vụ xử vào ngày 1 tháng 3 ở Malaysia. Ông cho biết gia đình chỉ biết là con gái vẫn khỏe mạnh qua bản tin thời sự.
Hôm 25 tháng 2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng thông cáo trên trang mạng của mình cho biết đại diện Đại sứ quán Việt Nam đã được phía Malaysia tiến hành thăm lãnh sự nghi phạm để xác định nghi phạm đúng là công dân Việt Nam.
Nhà ông Đoàn Văn Thạnh, cha cô Đoàn Thị Hương ở Nam Định. RFA
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng xác định sức khỏe cô Hương ổn định. Nói với đại diện Việt Nam, cô Hương cho biết mình đã bị lợi dụng trong vụ giết người.
Chị dâu của cô Đoàn Thị Hương, bà Nguyễn Thị Hà cho Đài Á Châu Tự Do biết gia đình cho đến lúc này vẫn còn bất ngờ về tin cô Hương liên quan đến một vụ giết người :
"Ở nhà thì chỉ biết là em nó cũng ngoan ngoãn, còn thì va vấp xã hội thì cái này gia đình cũng chẳng thể biết được…. như vụ đấy sang bên đấy, nhiều người, báo chí cũng hỏi. Đi tham khảo, anh em họ hàng không ai như vậy. Cái vụ này gia đình cũng ngạc nhiên. Ai cũng bảo là bị oan rồi".
Cả ông Đoàn Văn Thạnh và chị Nguyễn Thị Hà cho biết cả gia đình cô Đoàn Thị Hương dù biết tin về vụ xét xử nhưng không thể làm cách nào tiếp cận được với cô Hương và họ cũng không nhận được sự trợ giúp về pháp lý cụ thể nào từ phía chính quyền. Chị Nguyễn Thị Hà nói :
"Có giúp hay không là kinh tế hết. Vì là phải có kinh tế mới giúp được. Em nói thật với chị thôi vụ này để bên đấy họ xét xử. Còn vấn đề xử xét mà nhờ chính quyền thị nhà em có bán hết làng An Lạc này đi thì chưa chắc cái Hương đã ra được…"
Cô Đoàn Thị Hương là một trong 2 nữ can phạm sẽ bị đưa ra truy tố tại Malaysia vì cáo buộc giết người. Người thứ hai là một phụ nữ Indonesia. Ông Mohamed Apandi Ali, Công tố viên trưởng của Malaysia cho báo chí biết nếu bị tòa xác nhận có tội, cả hai người phụ nữ có thể lãnh án tử hình.
Hai người bị cảnh sát Malaysia bắt giữ vì liên quan đến vụ sử dụng chất độc thần kinh VX để giết ông Kim Jong-nam hôm 13 tháng 2 lúc ông này đang quá cảnh ở phi trường Kuala Lumpur để chờ máy bay đi Macau. Ông Kim Jong-nam chết trên đường đến bệnh viện.
Dù thông tin từ Malaysia cho biết một trong hai nghi phạm là Đoàn Thị Hương mang hộ chiếu Việt Nam nhưng chính phủ Việt Nam đã không đưa ra một thông tin nào xác nhận cho đến ngày 25 tháng 2 vừa qua sau khi đại diện đại sứ quán Việt Nam lần đầu tiên được gặp cô Hương ở trại giam.
Lý do mà phía Việt Nam đưa ra là phái Malaysia không cho Việt Nam tiếp cận lãnh sự nghi can.
Việt Hà, RFA
********************
Nghi can ám sát ông Kim Jong-nam mang hộ chiếu Indonesia tên Siti Aishad. Courtesy of KLIA2 security official
Ngày 1/3/2017, cơ quan công tố Malaysia sẽ chính thức truy tố 2 nữ nghi phạm Đoàn Thị Hương mang hộ chiếu Việt Nam và Siti Aishad người Indonesia tội danh giết người, với mức án cao nhất có thể là tử hình.
Hai cô Đoàn Thị Hương và Siti Aishad bị cáo buộc đã tham gia vào vụ sát hại một công dân Bắc Hàn được nói là anh trai cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bình Nhưỡng Kim Jong-un.
Quyết định truy tố 2 nữ can phạm vừa nói được ông Mahamed Apandi Ai, công tố viên trưởng của Malaysia thông báo với báo chí hồi sáng nay. Ông cho hay nếu bị tòa xác nhận có tôi, cả 2 người phụ nữ này có thể lãnh án tử hình.
Cả cô Đoàn Thị Hương và Siti Aishad bị cảnh sát Malaysia bắt giữ vì liên quan đến vụ sử dụng chất độc thần kinh VX để giết người đàn ông Bắc Hàn có tên trên hộ chiếu là Kim Chol hôm 13 tháng Hai, lúc ông này đang quá cảnh ở phi trường Kuala Lumpur để chờ máy bay đi Macau.
Ông Kim Chol chết trên đường đến bệnh viện, sau đó nhà chức trách Malaysia và Nam Hàn đều xác nhận nạn nhân tên thật là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Kim Jong-un.
Cuối tuần rồi sau khi được cảnh sát Malaysia tiếp xúc với nghi phạm Đoàn Thị Hương, đại diện Đại Sứ Quán Việt Nam tại Kuala Lumpur cho biết cô Hương nói rằng cô bị lợi dụng, chỉ nghĩ rằng đang tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế, không hề nghĩ là hành động của cô có thể gây nên án mạng.
Phía Đại Sứ Quán Indonesia cũng đưa ra lời tuyên bố tương tự, cho hay nghi phạm Siti Aishad được trả số tiền khoảng 90 dollars Mỹ để bôi một chất lỏng vào mặt nạn nhân, tưởng rằng đó là loại dầu thoa cho trẻ em, không hề biết mình bị lợi dụng vào kế hoạch giết người.
Công tố Malaysia bác bỏ những luận cứ này, tin rằng cả 2 người nằm trong một tổ chức chủ mưu giết ông Kim Jong-nam.
Theo Reuters, các giới chức Nam Hàn và Hoa Kỳ nghĩ âm mưu này do Bắc Hàn dàn dựng, đồng thời có những đồn đãi cho rằng chính lãnh tụ Kim Jong-un là người chủ mưu giết anh trai mình.
Cũng cần nói thêm đến giờ, Bắc Hàn vẫn chưa nói nạn nhân là anh trai của lãnh tụ Kim Jong-un, chỉ xác nhận người bị giết là công dân nước họ.
Sáng hôm nay, Bình Nhưỡng đã gửi đoàn ngoại giao sang Kuala Lumpur với mục đích yêu cầu Malaysia trao trả thi hài người xấu số, và trả tự do cho một người đàn ông mang quốc tịch Bắc Hàn đang bị cảnh sát Malaysia tạm giữ để điều tra.
Nói với báo chí, Trưởng Đoàn Bắc Hàn là ông Ri Tong-il còn cho biết thêm ông lãnh trách nhiệm góp sức phát triển quan hệ hữu nghị giữa 2 chính phủ.
Ngay sau khi án mạng xảy ra, Bình Nhưỡng đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Malaysia trả xác nạn nhân lại cho họ, nhưng chính phủ Kuala Lumpur nhất mực từ chối.
Cảnh sát trưởng Malaysia hôm 23/2 cho biết rằng nghi can người Việt Đoàn Thị Hương đã "được trả tiền" để thực hiện vụ ám sát anh trai lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, trong khi đó người Việt ở Hàn Quốc nói rằng người địa phương "rất là quan tâm" tới vụ án hiện đang gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Nghi can người Việt Đoàn Thị Hương trước và sau vụ ám sát anh trai của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
Ông Khalid Abu Bakar còn cho biết thêm rằng nữ nghi can người Indonesia cũng đã nhận tiền để thực hiện vụ đầu độc chớp nhoáng, theo Reuters. Tuy nhiên, quan chức Malaysia này từ chối bình luận rằng liệu họ có được tình báo nước ngoài lợi dụng hay không, cũng như họ đã được trả bao nhiêu tiền.
Cảnh sát trưởng Malaysia Khalid Abu Bakar trong một buổi họp báo nói về việc nghi can giết ông Kim Jong-nam đã được "huấn luyện" thực hiện vụ việc.
Ông Bakar tiết lộ như vậy một ngày sau khi chính ông cho hay rằng hai nữ nghi phạm "biết rõ việc mình làm", và "đã được huấn luyện" để thực hiện vụ giết người. Trước đó, các trang báo điện tử của Malaysia dẫn lời các nguồn tin nói rằng cô Đoàn Thị Hương khai "bị lừa" tham gia vào vụ ám sát.
Trong khi đó, sau hơn một tuần im tiếng, báo chí nhà nước Bắc Hàn hôm 23/2 chỉ trích cuộc điều tra của Malaysia về vụ ám sát ông Kim Jong-nam là nhiều "lỗ hổng và mâu thuẫn", theo AP.
Các hình ảnh được cho là đăng trên Facebook cá nhân của cô Đoàn Thị Hương.
Không thừa nhận nạn nhân là người anh cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un, hãng thông tấn KCNA nói rằng Malaysia thoạt đầu nói rằng người đàn ông tử vong vì "bị trụy tim", nhưng Hàn Quốc đã "làm rùm beng" vụ này và âm mưu đổ lỗi cho Bình Nhưỡng gây ra vụ việc.
"Chưa có lời đáp"
Chị Thanh Tâm, một người Việt đang làm việc trong lĩnh vực du lịch ở Hàn Quốc, cho VOA Việt Ngữ biết rằng người Hàn "cũng rất là quan tâm" tới vụ việc vì nó liên quan tới anh trai của lãnh tụ của quốc gia láng giềng Bắc Hàn.
Chị cho hay rằng bản thân chị cũng theo dõi diễn biến vụ giết người và vẫn còn băn khoăn vì nhiều câu hỏi chưa lời đáp.
Tại sao người Việt lại dính líu vào vụ án như thế ? Thấy tin liên quan tới người Việt thì chỉ thắc mắc. Mọi người cũng quan tâm, nhưng mà chưa có biết, cũng đang điều tra cho nên là thực sự mà nói, cũng chỉ dấy lên câu hỏi như thế. Phải đợi kết quả nó điều tra như thế nào, liên quan như thế nào và dính tới vụ việc ra sao.
Chị Thanh Tâm, một người Việt ở Hàn Quốc, nói.
Chị nói thêm : "Tại sao người Việt lại dính líu vào vụ án như thế ? Thấy tin liên quan tới người Việt thì chỉ thắc mắc. Mọi người cũng quan tâm, nhưng mà chưa có biết, cũng đang điều tra cho nên là thực sự mà nói, cũng chỉ dấy lên câu hỏi như thế. Phải đợi kết quả nó điều tra như thế nào, liên quan như thế nào và dính tới vụ việc ra sao".
Ông Kim Jong-nam thiệt mạng sau khi bị tấn công hôm 13/2 trong khi đang chuẩn bị bắt chuyến bay tới Macau. Quan chức Mỹ và Hàn Quốc được nhiều hãng tin dẫn lời nói rằng điệp viên Bắc Hàn dính líu tới vụ này. Trong khi đó, Bình Nhưỡng chưa xác nhận rằng đó là người anh của ông Kim Jong Un và bác bỏ mọi sự dính líu.
Chị Tâm nói rằng vụ ám sát ông Kim Jong-nam với nghi can là người Việt "chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của người Việt ở Hàn Quốc". Trong khi đó, Chị Thúy Hằng, một người làm trong lĩnh vực thẩm mỹ ở Hàn Quốc cho VOA Việt Ngữ biết rằng "chưa đồng nghiệp người Hàn nào" hỏi chị về sự liên quan của người Việt trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam.
Một hình ảnh từ máy quay an ninh cho thấy một người phụ nữ mặc áo trắng được cho là cô Đoàn Thị Hương tấn công ông Kim Jong-nam hôm 13/2.
Chị nói thêm : "Em đi làm mỗi ngày thì bạn bè em cũng không ai hỏi em về vấn đề là ‘tao nghe người Việt mày bị dính nghi can giết người gì đó’. Em cũng không thấy bạn bè em đề cập tới. Vấn đề nghi can giết ai, như thế nào đó, cũng chưa có một thông báo chính thức từ hai bên cũng như Việt Nam và Malaysia. Chưa có kết luận gì hết nên họ cũng không có quan tâm nhiều. Vận động viên mình đạt huy chương vàng bắn súng vừa rồi còn lớn hơn vấn đề này nữa. Em đi học, đi làm thì ai cũng hỏi, Việt Nam mày có người vừa mới đạt huy chương vàng ở Olympics kìa".
Em đi làm mỗi ngày thì bạn bè em cũng không ai hỏi em về vấn đề là ‘tao nghe người Việt mày bị dính nghi can giết người gì đó’. Em cũng không thấy bạn bè em đề cập tới. Vận động viên mình đạt huy chương vàng bắn súng vừa rồi còn lớn hơn vấn đề này nữa. Em đi học, đi làm thì ai cũng hỏi, Việt Nam mày có người vừa mới đạt huy chương vàng ở Olympics kìa.
Chị Thúy Hằng nói với VOA Việt Ngữ từ Hàn Quốc.
Chị Hằng nói thêm rằng tin tức mà người Hàn Quốc quan tâm hiện nay là "vụ scandal [tham nhũng] liên quan tới Tổng thống Park Geun-Hye và việc Hoa Kỳ chuẩn bị lắp đặt hệ thống tên lửa gì đó" ở Hàn Quốc.
Quốc gia nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên hiện có nhiều công nhân cũng như cô dâu Việt sinh sống. Chị Thủy, một người lấy chồng Hàn Quốc, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị cũng chỉ "nghe qua vụ việc".
Chị nói thêm : "Thấy mẹ chồng kể là cái chị ấy là người Việt Nam. Em cũng chẳng hỏi, chẳng nói chẳng rằng gì hết, mặc kệ, vì em ở chung với bố mẹ chồng nên em không thích hỏi. Em chỉ biết đi làm rồi về thôi, không biết cái gì hết".
"Họp tay ba"
Báo chí Malaysia hôm 23/2 dẫn lời quan chức nước này cảnh báo người dân không nên tới Bắc Hàn sau khi quan hệ Kuala Lumpur và Bình Nhưỡng xấu đi vì vụ ám sát ông Kim Jong-nam.
Trong một diễn biến khác liên quan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 20/2 đã tham dự "cuộc gặp tay ba" với người đồng nhiệm Malaysia cũng như Indonesia bên lề một hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Philippines để yêu cầu "yêu cầu sớm cho tiếp xúc lãnh sự đối với công dân được cho là người Việt Nam", theo Zing News.
Ông Phạm Bình Minh (thứ năm từ trái sang) chụp ảnh chung với người đồng nhiệm từ các nước ASEAN.
Hãng tin Reuters hôm 23/2 cũng dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia xác nhận cuộc gặp này, và cho rằng chính phía Jakarta đã đề xuất thực hiện cuộc gặp để tìm cách tiếp cận nghi can được cho là công nhân nước này.
Tuần trước, cảnh sát Malaysia thông báo cô Hương bị tạm giam từ ngày 16 tới 22/2, nhưng hiện chưa rõ nữ nghi can mang hộ chiếu Việt Nam có bị gia hạn giam giữ nữa hay không, trong bối cảnh nhiều uẩn khúc trong vụ việc vẫn chưa hé lộ. Tin cho hay, phía Hà Nội vẫn chưa tiếp xúc được với cô Đoàn Thị Hương.
******************
Vụ Kim Jong-nam : Malaysia nhờ Interpol truy nã 4 nghi can Bắc Triều Tiên (RFI, 23/02/2017)
Ba trong số 4 nghi can trong vụ ám sát Kim Jong-nam được Malaysia xác định đã bỏ trốn. Ảnh do cảnh sát Malaysia cung cấp ngày 19/02/2017. REUTERS
Malaysia đã nhờ cơ quan Cảnh Sát Quốc Tế Interpol phát lệnh truy nã 4 nghi phạm Bắc Triều Tiên trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong Un.
Đó là thông báo của giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia Khalid Abu Bakar hôm nay, 23/02/2017. Theo lời ông Khalid, bốn người Bắc Triều Tiên mà Kuala Lumpur nhờ truy nã đã trốn khỏi Malaysia vào ngày xảy ra vụ ám sát và đã trở về Bình Nhưỡng. Nghi can Bắc Triều Tiên thứ 5 thì hiện đang bị tạm giam ở Malaysia.
Cảnh sát Malaysia cũng muốn thẩm vấn bí thư thứ hai Hyon Kwan Song của đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Kuala Lumpur, nhưng ông Khalid nhìn nhận rằng không thể nào làm được việc này, trừ phi ông này tự nguyện.
Ngoài bí thư thứ hai của sứ quán, các nhà điều tra cũng muốn thẩm vấn một nhân viên hãng hàng không Bắc Triều Tiên có tên là Kim Uk Il. Ông Khalid cho biết, nếu cần, cảnh sát Malaysia sẽ phát lệnh bắt giữ nhân viên này.
Hiện giờ, hai nữ nghi phạm Việt Nam và Indonesia, cùng người bạn trai Malaysia của nghi phạm Indonesia đang bị tạm giam để điều tra về vụ ám sát bí ẩn ông Kim Jong-nam.
Sau 10 ngày im lặng, báo chí chính thức của Bắc Triều Tiên hôm nay đã lên án thái độ của Malaysia trong cuộc điều tra về vụ ám sát. Trong bản tin đầu tiên về vụ sát hại ông Kim Jong-nam ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngày 13/02, hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA cho rằng Malaysia phải chịu trách nhiệm về cái chết này và cáo buộc Malaysia đã thông đồng với Hàn Quốc.
KCNA trích tuyên bố của một ủy ban luật gia Bắc Triều Tiên cho rằng Kuala Lumpur phải trao trả thi hài ông Kim Jong-nam cho Bình Nhưỡng, vì họ đã khám nghiệm tử thi một cách "trái phép" và "vô đạo đức", và Malaysia đã không giao thi hài nạn nhân cho đại diện Bắc Triều Tiên với lý do "vô lý" là cần phải so sánh ADN của nạn nhân với AND của một người trong gia đình.
Hiện giờ, nhà chức trách Malaysia loại trừ khả năng ông Kim Jong-nam lên cơn đau tim, và tập trung điều tra theo hướng nạn nhân đã bị tấn công bằng chất độc.
Thanh Phương