Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khai thác Bán đảo Sơn Trà ra sao ? (RFA, 11/12/2018)

Bán đảo Sơn Trà từ bao đời nay được xem là ‘tấm bình phong’ cho thành phố biển Đà Nẵng. Bên cạnh đó đây còn là cứ điểm quốc phòng quan trọng của Việt Nam. Gần đây, nơi này còn được được biết đến như điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho nhiều người cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, gần hai năm qua khu vục này trở nên "nóng" với bao tranh cãi xoay quanh việc chính quyền thành phố Đà Nẵng cho chủ đầu tư xây dựng dự án cụm biệt thự bị cho là "băm nát" cảnh quan thiên nhiên.

son1

Bán đảo Sơn Trà, điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho nhiều người cả trong và ngoài nước RFA

"Em thấy không khí và nhiệt độ ở đây thấp hơn ở Sài Gòn tại vì em ở Sài Gòn tới, được cái là khi em lên tới đây em thấy cái cảnh rất đặc biệt. Em thích cảnh thiên nhiên và em muốn khám phá những vùng thiên nhiên giống như vậy".

Đó là trình bày của một nữ du khách khi được hỏi về cảnh quan của vùng bán đảo này của thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, gần hai năm qua bán đảo Sơn Trà bỗng "nóng" trên bàn thời sự Việt Nam với vụ việc Công ty cổ phần Biển Tiên Sa có hành vi tiến hành xây dựng 40 móng biệt thự nằm trong Dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa khi chưa được chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp phép.

Dự án bị nhiều người lên án cho rằng "băm nát" bán đảo Sơn Trà với hằng chục móng biệt thự của một tổ hợp mà mục đích chính nhằm kinh doanh các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn… của giới được gọi là ‘nhóm lợi ích’.

Một nhóm nữ du khách có mặt tại đỉnh Bàn Cờ-Sơn Trà không muốn quay hình cho biết ý kiến về kế hoạch phá núi xây tổ hợp nhà hàng, khách sạn như thế :

"Em nghĩ là khách sạn có ở bên dưới rồi, không cần phải mở trên này nữa …em cũng không nghĩ là sẽ mở trên này vì dù sao đi xe từ phía dưới lên đây cũng tiện đâu cần phải mở thêm".

Trước khi chạy xe lên đỉnh bán đảo Sơn Trà, nhóm nữ du khách này có thể đã đi qua những con đường từ dưới chân bán đảo Sơn Trà như Hoàng Sa, Yết Kiêu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... đây là nhưng con đường tập trung rất nhiều khách sạn, nhà hàng, quán nhậu và chuỗi resort ven biển vừa đẹp vừa quy mô bậc nhất Đà Nẵng.

Chính vì vậy, việc xây dựng thêm những nhà hàng, khách sạn trên bán đảo Sơn Trà là không cần thiết đối với nhóm nữ du khách này, đồng thời còn phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

"Cảnh thiên nhiên đâu phải chỗ nào cũng có, nó nhiều cây, sông và không khí thiên nhiên trong lành. Bây giờ nếu phá đi, ở đâu cũng có nhà cao cửa rộng đúng không ? Người ta đến đây vì cảnh thiên nhiên nếu phá đi để xây khách sạn thì người ta đâu đến đây làm gì ?"

son2

Số lượng ước chừng mỗi ngày có đến 1000 lượt du khách ghé đến bán đảo Sơn Trà rfa

Tuy nhiên, cũng có du khách chia sẻ với chúng tôi rằng với số lượng ước chừng mỗi ngày có đến 1000 lượt du khách ghé đến bán đảo Sơn Trà thì chuỗi khách sạn, nhà hàng, quán nhậu và resort dưới chân bán đảo Sơn Trà như nói trên là không đủ nhu cầu đáp ứng cho du khách. Cho nên việc xây dựng và mở rộng thêm các dịch vụ này là cần thiết :

"Em thấy dịch vụ ăn uống, nhà hàng hoặc là khách sạn thì nên mở rộng thêm bởi vì em thấy nó cũng hơi ít so với lượng khách du lịch".

Còn việc xây dựng có phá vỡ cảnh quan thiên nhiên bán đảo Sơn Trà hay là không thì du khách đến từ Sài Gòn này cho biết :

"Nếu mở thì mình sẽ mở ở bên dưới, ở một phần nào đó mình tập trung vào một khu nào đó giống như là em muốn tìm một chỗ để đi có nhiều khách du lịch để hòa nhịp đi chơi cùng với họ nhưng mà em không thấy. Em muốn mình mở một khu tập trung vào đó những dịch vụ như nhà hàng, khách sạn rồi những khu giải trí vui chơi tập trung một chỗ ở Sơn Trà này".

Trả lời báo chí Việt Nam vào ngày 19/3/2017, Chánh Thanh tra Xây dựng Đà Nẵng ông Trần Văn Dũng nói Dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa được cấp phép xây dựng vào năm 2009 sau khi đã có đánh giá tác động môi trường vào năm 2007, nhưng do quá trình xây dựng Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Biển Tiên Sa đã có những thay đổi về kiến trúc so với ban đầu. Vì vậy, vào ngày 20/3/2017, Ủy ban nhân quận Sơn Trà ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Công ty cổ phần biển Tiên Sa.

Cũng tại thời điểm chúng tôi quay hình, có một nhóm người xuất hiện được có các hộ kinh doanh trên bán đảo Sơn Trà cho biết họ là những cán bộ sở Du lịch Đà Nẵng đi kiểm tra tình hình hoạt động ở bán đảo Sơn Trà. Theo quan sát của chúng tôi, các vị này tỏ ra rất quan tâm đến cảnh quan thiên nhiên nơi này.

"Xây khách sạn xong cảm giác như khách du lịch không muốn đến đây nữa. Chỗ nào bị du lịch hóa nhiều quá dần sau này mất hết khách du lịch ..".-Đó là ý kiến chia sẻ của nhóm nữ du khách.

Sau khi thông tin và hình ảnh những móng biệt thự trên Bán đảo Sơn Trà được loan tải công khai, một chiến dịch "giải cứu Sơn Trà-lá phổi Đà Nẵng" được nhiều người dân Đà Nẵng và những người yêu mến Sơn Trà phát động. Chỉ trong thời gian ngắn chiến dịch thu hút khá nhiều chữ ký đồng tình ủng hộ.

Bên cạnh đó nhiều hoạt động kêu gọi bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà, bảo vệ vọoc chà vá chân nâu...cũng được người dân Đà Nẵng và những người yêu mến Sơn Trà phát động khiến cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phải họp nhiều lần với các sở, ban, ngành liên quan để bàn ra các giải pháp sao cho hài hòa giữa lòng dân lẫn Chủ đầu tư.

Theo chia sẻ của du khách đến từ Sài Gòn thì vẫn có lối mở :

"Em thấy là mình sẽ làm theo mô hình thiên nhiên, dạng resorts nhưng mà resorts thiên nhiên nên vẫn giữ được cái vẻ đẹp thiên nhiên và cũng không phải đi xa để kiếm những nơi cần nghỉ ngơi, đẹp, những nhà hàng để ăn uống ngon, chổ vui chơi giải trí.."..

Cho đến hiện tại, vụ việc ở bán đảo Sơn Trà các cấp chính quyền ở Đà Nẵng chưa trả lời dứt khoát cho người dân được biết là "dừng" hay là "không dừng" việc xây dựng những biệt thự trên bán đảo Sơn Trà ? Nhưng qua những chia sẻ các du khách đều cho thấy có điểm chung là cần bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà, không thể phá vỡ cảnh quan thiên nhiên Sơn Trà bởi những dự án bê-tông. Giá trị của Sơn Trà là thiên nhiên, mà thiên nhiên một khi bị phá hoại thì sẽ khó lòng khôi phục nếu không muốn nói là không thể.

Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng vài Km về phía Đông Bắc, với ba mặt giáp biển. Nơi đây không chỉ được thiên nhiên ưu đãi nguồn không khí trong lành bao trùm cả một vùng diện tích rộng lớn tầm khoảng 60km², khung cảnh núi non hùng vĩ và trữ tình mà còn có hệ sinh thái khép kín, đa dạng về sinh học, hiện có hơn 1.000 loài thực vật và động vật sinh sống, trong đó có không ít loài động vật quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ của thế giới như chồn bạc má, vọoc chà vá chân nâu...

Từ năm 1992, có hơn 4.400ha đất ở bán đảo Sơn Trà được công nhận là khu vực bảo tồn thiên nhiên. Nhưng đến cuối năm 2016, Thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định cắt đi 1.056ha đất khu bảo tồn thiên nhiên để phát triển thành Khu du lịch Quốc gia.

Có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như : Bãi Rạng, Bãi Bụt, khu nghỉ ngơi Đông Dương, chùa Linh Ứng...và các bãi biển đẹp nối dài như : Sơn Trà, Phạm Văn Đồng, T20...góp phần tạo nên một bán đảo Sơn Trà ví như "hòn ngọc" mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố Đà Nẵng.

Cùng với đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà tạo một mối liên kết địa thế bao bọc thành phố Đà Nẵng, giúp thành phố này tránh được phần lớn gió bão từ biển đổ bộ vào đất liền, hoặc gió Lào, tức là hiện tượng Foehn.

Ngoài ra, bán đảo Sơn Trà còn là một cứ điểm quốc phòng quan trọng, từ đây có thể phóng tầm nhìn bao quát cả Vùng 3 Hải quân, các nơi neo đậu thuyền, tàu Cảnh sát biển. Trên đỉnh Sơn Trà có hệ thống radar của quân đội Việt Nam bao quát khu vực biển Đông, được mệnh danh là "đôi mắt thần Đông Dương".

*****************

Đà Nẵng : Ngập lụt do lỗi quy hoạch (RFA, 11/12/2018)

Cơn mưa tầm tã mấy ngày cuối tuần làm hai thành phố Đà Nẵng và Hội An ngập trong nước. Nước tràn vào nhà vào sân với tốc độ nhanh chóng, nhiều công trình bị ngập úng và nhiều trường học phải đóng cửa.

son3

Đường phố Đà Nẵng ngập trong mưa hôm 9/12/2018 - Courtesy FB

Có thể nói đây là lần đầu tiên tình trạng nước ngập do mưa xảy ra trên diện rộng đồng thời ở Hội An và Đà Nẵng. Một cư dân Hội An, bà Thu Thủy, cho biết :

"Không phải lụt, không phải là nước từ trên nguồn xuống mà là mưa quá lớn. Mưa hai hôm rất nặng hạt, liên tục như vậy cho nên nước ngập đường cống rồi dâng lên toàn thành phố. Nước ứ đọng vô trong nhà, ngoài hiên, ngập hết nửa bánh xe. Tất cả các điểm du lịch ngay trung tâm là bị hết, trong phố cổngay bờ sông thì không bị vì nó không phải nước lụt mà là nước ngập".

Tại Đà Nẵng, xe cô, đường xá, các trục giao thông lớn và nhà cửa cũng như các chợ trong thành phố đều bị ngập nước. Báo chí đăng hình ảnh người dân có thể bơi từ nơi này sang nơi khác như bơi trên sông, ngay các trường học trong thành phố đều đóng cửa trong ngày thứ Hai.

son4

Đường phố Đà Nẵng hôm 9/12/2018 Courtesy FB

Lượng mưa ghi nhận trong 24 giờ hôm thứ bảy 8/12 tại Đà Nẵng đạt mức cao kỷ lục 635mm/ngày, cao nhất kể từ năm 1975 đến nay.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng cho biết :

"Cũng tùy khu vực, nhà tôi thì nước chỉ vào tới sân thôi. Cái này không phải nước sông dâng mà do nước trong thành phố không thoát kịp. Nếu nhà nào quá thấp thì nước vào cả trong nhà, cũng làm ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt của gia đình, các thiết bị điện này kia. Ở một số chung cư thì các tầng hầm bị nước ngập, xe cộ ô tô bị hỏng".

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, tình trạng ngập nước hay ứ nước trong thành phố khi mưa lớn sẽ còn xảy ra nữa, mà nguyên nhân xâu xa chính là quá trình đô thị hóa :

"Bởi vì quá trình đô thị hóa quá nhanh đồng thời qui hoạch chưa được chặc chẽ lắm làm cho hệ thống thoát ước không theo kịp việc xây dựng các công trình và cơ sở hạ tầng tại những tòa nhà. Quá trình đô thị hóa nhanh mà không có qui hoạch bền vững thì các nơi gọi là khu chứa nước điều hòa, lẽ ra mưa dâng lên thì xuống những hồ đó rồi từ từ thoát đi, thì bây giờ những hồ đó bị lấp hết cho nên ngập ở những chỗ khác thôi. Có lẽ thành phố nên xem xét lại qui hoạch của mình, đồng thời nhanh chóng mở lối để nước mưa thoát nhanh ra biển hay ra sông thì cũng giải quyết được phần nào".

Qui hoạch sai, thiếu cân nhắc, đã dẫn đến hậu quả ngập nước trên diện rộng trong thành phố mỗi khi có mưa lớn, là câu trả lời của kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, nguyên trưởng Ban Qui Hoạch thành phố Đà Nẵng.

"Thứ nhất, qui hoạch của thành phố Đà Nẵng là một qui hoạch không tốt. Qui hoạch đó làm cho nước của thành phố bị ngập, Vì sao ? Vì người ta lấp những vùng hồ ao, những vùng trũng, là những nơi để làm những hồ chứa nước, những hồ tiêu thủy tự nhiên khi mùa mưa về hay khi nước trên nguồn đổ xuống. Mà sông Hàn khi nước biển dâng lên thì có chỗ để nước mưa , nước tiêu dùng đổ xuống đó và tích tụ nằm lại đó chờ khi nước triều xuống thì nó tuôn ra và như thế là thanh phố không bị ngập.

Bây giờ những chỗ đó người ta nậng cao lên, người ta đắp lên thành những khu đô thị mới, những khu này cao hơn khu đô thị cũ, vây hết đô thị cũ, và nó làm cho nơi để tiêu nước, giữ nước cho thành phố không còn. Thành phố cũ trở thành vùng lòng chảo, nước thì bao giờ cũng chảy vào chỗ trũng cả. Cái cơ bản cái quan trọng nhất của vấn đề là chỗ đó".

son5

Đường phố Đà Nẵng trong mưa ngày 9/12/2018 Courtesy FB

Tác nhân thứ hai, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm giải thích tiếp, là việc bê tông hóa đi đôi với qui hoạch kém :

"Trước kia thành phố Đà Nẵng nhà người ta có vườn, có cây, chung quanh có ruộng, có đồng, có nhiều nơi chứa nước. Bây giờ bê tông hóa hết, nước trên mái nhà chảy xuống ra đường ra phố cũng bị bê tông, không có chỗ nào cho nước thấm hết thì nó phải dồn lên đường, dồn mãi hoài như thế thì trở thanh ngập lụt không thoát ra được.

Đường phố là để giao thông nhưng thực ra trong qui hoạch đô thị đường còn nhiều chức năng nữa. Con đường còn là cái lòng máng, lòng cống, là cái mương để cho nước thoát ra bởi vì nước mưa ở trên xuống là chảy luôn ra sông, mà với đường phố như Đà Nẵng thì phải ra sông Hàn, ra những bờ sông những bờ hồ, chứ cống không bao giờ đủ sức tiêu những trận mưa lớn. Cống chỉ tiêu những cơn mưa nhỏ và những cơn mưa đầu thôi, còn những cơn mưa sau, nếu lớn lên thì 15 hay 20 phú, nửa tiếng đồng hồ sau thì tất cả nước sẽ chảy trên mặt đường".

Cho đến lúc này thì nước ngập tại Đà Nẵng đã rút đi nhưng hậu quả sau đó lại nặng nề vì rác rưởi ứ đọng. Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm giải thích :

"Dân mình có rác rưởi xà bần gì đều đổ xuống cống. Năm nay lũ 23 tháng Mười không về, do đó người ta chủ quan không nạo vét, tất cả cống rãnh trong thành phố Đà Nẵng bị bít hết. Nước không đủ sức thoát ra được. Trong mấy ngày hôm nay khi mưa xuống nó ứ nó dồn thì người ta nạo vét người ta mở mấy cái miệng cống đó ra thì nước đã chảy và đã thoát, chứng tỏcông tác quản lý đô thị cũng như quản lý người dân sống trong đô thị không kịp được trình độ của người văn minh".

Đã thấy được nguyên nhân thì cũng sẽ thấy được cách giải quyết, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm khẳng định :

"Nhưng mình không thể nâng cái nền của đô thị lên được nữa vì họ ở cả trăm năm nay rồi. Như vậy chỉ còn cách khác là đào hồ, đào mương thoát nước, phải tìm hồ chứa để những cơn mưa, cơn lũ hay lụt có chỗ chứa trong khi nước triều lên và khi nước triều xuống có chỗ thoát ra. Phải dung hệ thống máy bơm, tất cả những biện pháp kỹ thuật đều có thể giải quyết được cả".

Không nên lấp đi các ao, hồ, ruộng à những nơi chứa nước tự nhiên. Nói một cách khác, phải nên bảo vệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan tự nhiên, vốn đã bền vững cả trăm năm nay rồi. Nếu phá vỡ sinh thái tự nhiên, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm nhấn mạnh, có nghĩa là phá vỡ tiến trình qui hoạch đô thị.

*****************

Cảnh sát Châu Âu phá đường dây buôn người Việt Nam (RFA, 11/12/2018)

Theo Cảnh sát Châu Âu (Europol), 37 nghi phạm trong một đường dây buôn người Việt Nam vào Châu Âu vừa bị bắt giữ trong một chiến dịch truy quét kéo dài gần 1 năm qua.

son6

Hình minh họa. Ảnh do Cảnh sát Ý cung cấp hôm 30/1/2017 cho thấy những người nhập cư được chuyển lậu vào Châu Âu trong một chiếc xe. AFP

Thông cáo báo chí của Europol hôm 6/12 cho biết những kẻ buôn người đã sử dụng hệ thống tinh vi để tuồn người Việt vào Châu Âu. Những người Việt này thường được chia ra làm những nhóm từ 6 đến 12 người và do một người trong nhóm buôn người biết nói tiếng Anh đứng đầu. Những người Việt Nam này được đưa từ Việt Nam sang Nam Mỹ rồi sau đó mới đưa vào các nước Châu Âu.

Europol cho biết đường dây buôn người này đã thu khoảng 13 triệu Euro tương đương khoảng hơn 14 triệu đô la.

Chiến dịch truy quét được thực hiện trong vòng 11 tháng, tập trung chủ yếu vào cơ sở hoạt động chính của băng này ở Barcelona, Tây Ban Nha. Cảnh sát đã lục soát 10 căn nhà và hơn 100 cửa hiệu làm đẹp. Đã có 4 xe và hơn 60.000 Euro bị tịch thu.

********************

Phó Thủ tướng : Những người gây rối khi cổ động bóng đá cần bị xử lý nghiêm (RFA, 11/12/2018)

Bộ Công An và các cơ quan chức năng cần phối hợp để ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc có hành vi quá khích, gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông khi cổ vũ bóng đá ở nơi công cộng.

son7

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức gây rối khi cổ động bóng đá Courtesy : Ảnh chụp màn hình 24h.com.vn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình đưa ra yêu cầu như vừa nêu trước khi trận bóng đá chung kết giải vô địch Đông Nam Á-AFF Cup giữa Việt Nam và Malaysia diễn ra vào ngày 11 và 15 tháng 12.

Theo yêu cầu của ông Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thì bên cạnh công việc đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông trong và sau khi trận bóng diễn ra, lực lượng công an cần phải ngăn chặn và xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức được cho là lợi dụng để gây rối, có hành vi cổ động quá khích hay đua xe và tổ chức đua xe trái phép…

Truyền thông trong nước cho biết Công an thành phố Hà Nội vào tối ngày 11 tháng 12, huy động 100% quân số trực tại hơn 300 nút giao thông ở 10 quận nội thành để ứng phó với tình hình cổ vũ đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết lượt đi.

Trước đó, sau trận bán kết lượt về diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình vào tối ngày 6 tháng 12, hàng ngàn người ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Nhiều tai nạn, ẩu đả, các vụ được cho là ‘kích động gây rối’ đã xảy ra tại hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đã có ít nhất hai người bị thương nặng do tại nạn xe ở Hà Nội và 78 trường hợp bị Công an thành phố Hồ Chí Minh xử lý phạt hành chính.

*******************

Người dân đòi đóng cửa công ty sản xuất nhôm gây ô nhiễm môi trường (RFA, 11/12/2018)

son8

Công ty nhôm đúc Hoàng Anh nằm xen kẽ trong khu dân cư ở xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh chụp từ video

Nhiều năm nay, người dân xã Hải Vân, huyện Hải Hâu, tỉnh Nam Định đã phản đối hoạt động của công ty nhôm đúc Hoàng Anh tại xã này vì cho rằng công ty hoạt động trái phép bất chấp lệnh cấm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân địa phương đã phản ánh đến nhiều cấp chính quyền, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Không đúng cam kết

Từ năm 2015, công ty trách nhiệm hữu hạn nhôm đúc Hoàng Anh, do ông Trịnh Văn Anh cư trú tại xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định làm chủ, đã dựng xưởng sản xuất tái chế nhôm đúc sát vách nhà dân trong khu dân cư xóm 4, xã Hải Vân.

Khi đó mặc dù công ty chưa đi vào hoạt động sản xuất, nhưng trước lo ngại về việc sản xuất nhôm sẽ gây ô nhiễm trong khu dân cư, người dân đã phản ảnh lên chính quyền xã, và được đại diện công ty cam kết sẽ không nấu và đúc nhôm.

Anh Hoàng Văn Tính, cư dân xã Hải Vân kể lại :

"Khu dân cư bọn em trước kia vẫn bình thường, đến năm 2015 thì doanh nghiệp Nhôm đúc Hoàng Anh này thành lập nên. Khi chuẩn bị hoạt động thì người dân cũng làm đơn phản ánh lên chính quyền xã là nếu sản xuất và đúc nhôm trong khu dân cư thì sẽ ảnh hưởng đến người dân. Sau đó chính quyền xã cũng mời chủ đất của xưởng nhôm ra làm việc, thì người ta có làm cam kết với chính quyền xã là không nấu và đúc nhôm".

Tuy nhiên, theo người dân xã Hải Vân, công ty Hoàng Anh sau khi được chính quyền cấp phép vào ngày 03 tháng 03 năm 2016 đã không giữ lời hứa. Công ty đã sản xuất và đúc nhôm ngay trong khu dân cư.

Người dân cho biết, nhiều năm qua công ty này mỗi ngày đốt hàng tạ than, nấu hàng tạ nhôm với hóa chất để sản xuất tái chế nhôm đúc, nhưng không qua hệ thống xử lý chất thải khí. Người dân cũng cho biết công ty đã xả thải trực tiếp chất thải độc hại ra môi trường, bụi bặm độc hại bay khắp nơi.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Hoàng Văn Trọng, sinh sống tại xóm 4, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết :

"Công ty này nó hoạt động từ năm 2015, nó đốt bằng than, mỗi ngày nó đốt mấy tạ than để nấu nhôm. Khí độc của than và của nhôm tỏa ra không khí, tỏa ra môi trường sống xung quanh, mọi người kể cả trẻ em và người già hít phải đều khó thở, mùi hôi khó chịu độc hại. Đó là khí thải, còn tiếng ồn thì búa tạ đập rầm rầm suốt, tiếng ồn máy mài suốt, ngay khu dân cư sát nhà dân. Gây ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là các em nhỏ đang mùa học".

Chị Hoàng Văn Tỉnh, sống sát bên xưởng đúc nhôm của công ty Hoàng Anh bức xúc :

son9

Công ty nhôm đúc Hoàng Anh ở xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh chụp từ video

"Em thấy khói bụi, khí thải xung quanh rất nồng nặc. Khói than đá làm cho con em rất khó thở. Người dân ở đây hay đau đầu kể từ khi hít phải như thế ạ. Còn bụi bặm thì dính đầy trên tường, quạt, quần áo. Ví dụ như nhà em có cây mít cây ổi thì những trái ra hay bị xưa rồi rụng đi,do ảnh hưởng lò nấu bên cạnh nóng quá, tường cũng bị nổ bong hết. Ngoài ra thằng nhỏ nhà em từ hồi sinh ra tới giờ mới hơn một năm, đi bệnh viện tỉnh huyện rất nhiều, một năm thậm chí đi mười mấy lần, đa phần được chẩn đoán là viêm hô hấp cấp".

Người dân xã Hải Vân đã tự tìm hiểu và cho biết khi đốt than sẽ thải ra các loại khí thải độc hại, hôi hắc như carbon dioxit, lưu huỳnh dioxit và nitơ oxit và các hợp chất thủy ngân, các chất này rất độc hại, nó có thể ăn mòn kim loại, phá hoại cây cối, làm cho người hít phải bị tức ngực, khó thở, mắc các bệnh như viêm phổi, viêm mắt,viêm đường hô hấp… lâu dài dẫn đến ung thư…

Trong năm 2017 và 2018, hàng chục hộ dân sống tại khu vực này đã khiếu nại nhiều lần lên đến xã Hải vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, phản đối công ty Hoàng Anh gây ô nhiễm, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân.

Chính quyền không giải quyết ?

Vào tháng 5 năm 2018 chính quyền huyện Hải Hậu đã cử đoàn liên ngành lên kiểm tra những vi phạm của công ty này và ngày 28/06/2018 Chủ tịch huyện Hải Hậu đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Hoàng Anh, và kèm hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 6 tháng kể từ ngày 15/07/2018.

Nhưng người dân địa phương cho biết đến lúc này, công ty vẫn không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đình chỉ hoạt động 6 tháng, vẫn tiếp tục hoạt động.

Anh Hoàng Văn Tính cho biết, người dân đã đưa đơn lên Ủy ban nhân dân xã, thì xã nói với người dân một cách chung chung là chờ một số năm tới, có khu công nghiệp và cụm công nghiệp thì sẽ di dời doanh nghiệp này ra khỏi khu dân cư.

Chú tôi liên lạc với ông Đặng Thanh Sơn, chủ tịch xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, để tìm hiểu vì sao công ty Hoàng Anh được phép tiếp tục hoạt động và được ông cho biết như sau :

"Công ty hoạt động thì phải đầu tư cơ sở vật chất để làm giảm thiểu tác hại môi trường. Cái việc phản ánh gây ô nhiễm người dân người ta nói vậy thôi chứ ai có cơ sở mà chứng minh. Cũng không có phản đối đâu, vì chính quyền đã làm việc với người dân và cả đối với chủ cơ sở sản xuất rồi. Đây là việc giữa chủ cơ sở sản xuất và người phản ánh, chính quyền cũng có làm việc, người dân cũng phải chấp nhận là hiện nay phát triển sản xuất và phát triển kinh tế, nó phải đi đôi với ô nhiễm môi trường. Bây giờ đối với chính quyền địa phương thì yêu cầu cơ sở sản xuất đầu tư thêm để giảm thiểu tác hại môi trường. Thí dụ như dàn phun sương, hay buồng sơn riêng… Còn tiếng ồn thì việc mài kim loại thì đương nhiên nó có tiếng ồn rồi".

Đài Á Châu Tự Do cũng liên lạc với ông Trịnh Văn Anh, chủ công ty Hoàng Anh để tìm hiểu thêm. Tuy nhiên ông không trả lời máy.

Anh Hoàng Văn Tính cho biết, trước thái độ bất chấp của công ty Hoàng Anh, và cách giải quyết không thỏa đáng của chính quyền xã, người dân đã tiếp tục phản ánh tới Ủy ban nhân dân huyện Hải Hậu và tỉnh Nam Định. Anh nói tiếp :

"Huyện thì trả lời đang chờ quyết định cưỡng chế của tỉnh. Tuy nhiên tỉnh lại trả lời là không thể cưỡng chế vì không có biên bản quan trắc đánh giá tác động môi trường. Trong khi huyện đi kiểm tra trước đó lại không đưa đoàn quan trắc vào. Người dân nêu bức xúc với huyện thì phòng tài nguyên môi trường trả lời vì người ta xả thải nhưng không có điểm xả thải, nên không quan trắc được".

Anh Tính cho biết thêm, anh và người dân xóm 4, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thấy cách trả lời của huyện là không thỏa đáng, không hợp tình hợp lý…

Còn ông Hoàng Văn Trọng thì cho biết, ông và người dân trong xóm, mong mỏi các cấp chính quyền vào cuộc để đưa xí nghiệp này ra khỏi khu dân cư, trả lại không khí trong lành cho người dân.

Trung Khang

Published in Việt Nam