Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tạm dừng đối thoại vì liên tục bị dân phản đối (CaliToday, 28/02/2018)

Sau khi hàng trăm người dân ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) liên tục bao vây nhà máy thép Dana Ý để phản đối vì gây ô nhiễm, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã phải cấp tốc mở cuộc đối thoại với dân. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đã bất thành vì người dân liên tục la ó để phản đối.

onhiem1

Cuộc đối thoại diễn ra trong chiều 27/2. Ảnh : Công an

Kéo dài liên tục từ tối ngày 26/2 cho đến sáng 27/2, hàng trăm người dân ở thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) kéo đến trước nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc để bao vây trụ sở nhằm phản đối việc xả thải gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Theo truyền thông trong nước cho biết, đến sáng ngày 27/2 vẫn còn hàng trăm người kiên trì bao vây trụ sở hai nhà máy thép nói trên để phản đối. Trong số họ còn mang lều bạt, dựng lán trại tạm bợ để tính chuyện phản đối dài lâu nếu chính quyền không giải quyết dứt điểm sự việc đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Truyền thông trong nước nói, vào khuya ngày 26/2, sau khi nghe tuyên truyền, khuyên nhũ thì một số người đã chịu ra về. Vậy nhưng sáng ngày hôm sau lại quay trở lại để phản đối. Chính quyền thành phố Đà Nẵng buộc lòng phải cấp tốc mở buổi đối thoại do đích thân ông Hồ Kỳ Minh-phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng chủ trì.

Mặc dù có mặt ông phó chủ tịch thành phố nhưng người dân lại chẳng coi ông này ra gì. Họ yêu cầu phải đối thoại ngay tại nhà văn hóa thôn Vân Dương 2, nơi gần trụ sở hai nhà máy thay vì đối thoại tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Hòa Liên. Tuy thế, vẫn có một số ít người đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã để tiếp xúc lãnh đạo.

onhiem2

Ông Hồ Kỳ Minh tại buổi đối thoại liên tục bị người dân la ó phản đối. Ảnh : Vnexpress

Có mặt tại buổi đối thoại, người dân yêu cầu phải di dời hai nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý đi nơi khác, vì cả hai nhà máy này gây ô nhiễm nghiêm trọng. Từ khi có hai nhà máy thép này nước giếng của người dân chuyển sang màu vàng ố không thể uống được. Một số khác cho biết, nhà máy thường xuyên xả khói bụi, nước thải chưa được khử độc ra môi trường, trẻ con, người lớn bịnh tật triền miên. Một số khác còn cho biết, ngay cả khi họ được chính quyền di dời sang nơi khác để sinh sống là khu tái định cư Hòa Liên 6, những tưởng đã thoát khỏi cảnh đời ô nhiễm nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra. Khói bụi nhà máy vẫn không buông tha họ, vẫn bao trùm nguyên cả khu dân cư.

Trong suốt cả buổi đối thoại bất chấp lãnh đạo nói bất cứ điều gì người dân cũng đều lớn tiếng la ó, phản đối. Một số còn nói lãnh đạo toàn những kẻ hứa lèo, ngay cả như ông phó chủ thành phố Hồ Kỳ Minh cũng nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với dân nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm từ hai nhà máy Dana Úc và Dana Ý vẫn không hề thay đổi. Chưa hết, kế hoạch di dời 50% dân sống lân cận nhà máy vào cuối năm 2017 vẫn chưa thể diễn ra. Người dân đã không thể chờ đợi, sống với ô nhiễm để nghe lãnh đạo tiếp tục hứa nữa.

Trước những phản đối, lãnh đạo thành phố đành phải tạm dừng buổi đối thoại để chuyển sang chiều ngày 28/2 tiếp tục.

Ông Huỳnh Đức Thơ-chủ tịch thành phố Đà Nẵng là người có cổ phần tại hai nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý. Chính vì thế, mặc dù vì dân liên tục phản đối nhưng hai nhà máy ô nhiễm này vẫn bình chân như vại, vẫn xả thải, khói bụi gây ô nhiễm. Không những thế, khi thấy dân chúng phản đối, thay vì di dời hai nhà máy thì chính quyền (dưới sự chỉ thị của Huỳnh Đức Thơ) lại lên kế hoạch di dời 340 hộ dân bằng tiền từ ngân sách, mà không phải tiền của hai nhà máy thép ô nhiễm.

Việc người dân phản đối hai nhà máy thép sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ông Huỳnh Đức Thơ, nhất là trong bối cảnh ông liên tục bị đồng chí của mình gây khó khăn, ngay cả khi ông đã hất cẳng được cựu Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh. Rất nhiều lãnh đạo về hưu, đến cả cán bộ hiện thời không phục ông Thơ, vì ông này bị kỷ luật cảnh cáo, một hình thức kỷ luật khá nặng trong Đảng cộng sản Việt Nam nhưng ông vẫn tiếp tục tại vị trên chức chủ tịch thành phố. Trong khi đó biết bao nhiêu người cũng bị kỷ luật như ông đều phải rớt chức hoặc về hưu.

Người Quan Sát

******************

Hàng trăm người bao vây nhà máy thép của Chủ tịch Đà Nẵng (CaliToday, 27/02/2018)

Tối ngày 26/2, hàng trăm người dân huyện Hòa Vang đã bao vây nhà máy thép Dana Ý để phản đối việc xả thải gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

onhiem3

Hàng trăm người dân bao vây nhà máy nhưng không ai ra đối thoại với dân. Ảnh : Soha

Theo những tin tức mà chúng tôi thu thập được cho biết, trong quá trình sản xuất, vận hành, nhà máy thép Dana Ý đã gây ô nhiễm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh vùng, như : xả khói bụi, xả nước thải làm ảnh hưởng đến sinh hoạt. Một người đàn ông sống cạnh nhà máy nói với phóng viên của Zing News cho biết :

"Từ khi có nhà máy thép này, nước sinh hoạt của dân chuyển thành màu vàng, không ai sống nổi, mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi kéo đến để yêu cầu người đại diện của công ty ra nói chuyện với dân nhưng không một ai xuất hiện".

Việc nhà máy thép Dana Ý gây ô nhiễm môi trường không phải chỉ mới xuất hiện gần đây, mà đã kéo dài từ nhiều năm qua. Đã có ít nhất 4 lần chính quyền mở cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và người dân để tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, cho đến nay dân sống tại thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), nơi đặt nhà máy thép Dana Ý vẫn chưa được giải quyết thấu đáo khiến người dân phẫn nộ.

Nhà máy thép Dana Ý và bên cạnh đó là nhà máy thép Dana Úc dựa vào thế lực của Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nên thoải mái xả thải, gây ô nhiễm môi trường mà không hề e sợ bất cứ thế lực nào. Từ những tin tức rò rỉ trong cuộc đấu đá nội bộ giữa cựu Bí thư Thành ủy bị thất sủng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, ông chủ tịch có đến vài triệu cổ phần tại hai nhà máy này.

Trước những cuộc biểu tình phản đối liên tục xảy ra, phía chính quyền đã đưa ra nhiều phương án để giải quyết, trong đó có cả việc hoặc di dời hai nhà máy nói trên, hoặc di dời người dân sang nơi khác để ổn định cuộc sống. Đến cuối năm 2017, phương án chốt lại sẽ giải tỏa 50% số dân đến năm 2018 sẽ giải tỏa dứt điểm. Vậy nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn chẳng đâu vào đâu.

Cuối năm 2017, trong lần tiếp dân, ông Trương Quang Nghĩa-Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đã nêu vấn đề nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc. Ông Nghĩa cho biết ngành luyện kim không phải là ngành mà thành phố Đà Nẵng cần, do đó yêu cầu chính quyền cần phải có phương án giải quyết rốt ráo vấn đề người dân phản đối, biểu tình hai nhà máy Dana Ý và Dana Úc ở Hòa Vang. Song, cái khó chính ở chỗ trong hai nhà máy này ông Huỳnh Đức Thơ có số cổ phần rất lớn. Việc di dời hai nhà máy sẽ ảnh hưởng đến việc kiếm tiền của ông Thơ. Trong khi đó, muốn di dời dân thì phải tốn khá nhiều tiền mà chính quyền Đà Nẵng hiện tại không thể kham nổi. Bù lại, hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc lại không muốn chi tiền cho việc này.

Trước đó, vào tháng 1/2017, để không ảnh hưởng đến việc sản xuất hái ra tiền của mình, ông Huỳnh Đức Thơ với cương vị là chủ tịch thành phố đã chốt phương án di dời dân sang nơi khác, chứ không di dời hai nhà máy mà mình có cổ phần trong đó.

Theo đúng kế hoạch có đến 340 hộ dân ở đây sẽ phải di dời.

Trả lời phóng viên, đại diện nhà máy thép Dana Ý cho biết, sau khi liên tục bị dân phản đối, nhà máy đã tiến hành khắc phục hết ô nhiễm, cùng với đó là đưa vào công nghệ mới. Người đại diện còn yêu cầu chính quyền thành phố Đà Nẵng phải triển khai di dời dân theo đúng lộ trình đã cam kết, nhằm không để người dân bất bình phản đối.

Ngay trong đêm diễn ra biểu tình, chính quyền huyện Hòa Vang đã phải cử lực lượng công an, cán bộ xuống để tuyên truyền, vận động người dân trở về nhà, không gây thêm căng thẳng giữa đôi bên.

Người Quan Sát

********************

Khởi tố Đồng Tâm : Gia hạn hay đình chỉ vụ án ? (RFA, 28/02/2018)

Vậy là đã hơn 8 tháng kể từ ngày Công an Thành phố Hà Nội khởi tố vụ án ‘bắt giữ người trái phép’ và ‘hủy hoại tài sản’ diễn ra tại làng Đồng Tâm. 

onhiem4

Cụ Lê Đình Kình

Hàng chục giấy triệu tập đã được cơ quan điều tra gửi đến nhưng vẫn không có người dân nào đến làm việc theo yêu cầu. Cơ quan điều tra cũng đã phái cử cán bộ đến làng, nhưng hơn 6000 dân làng nơi đây vẫn trên dưới một lòng bất hợp tác. 

Cuộc điều tra đi vào ngõ cụt. 

Lãnh đạo đương nhiệm Hà Nội dường như chọn giải pháp ngó lơ vấn đề Đồng Tâm, hoặc là để tránh những rắc rối chính trị không cần thiết xảy đến với bản thân, hoặc là đã nhận ra lẽ phải không đứng về phía mình, hoặc cũng có thể là cả hai. 

Thái độ ấy dẫu chưa thỏa mãn được đòi hỏi của công chúng, song dù sao cũng tốt hơn các biện pháp bạo lực. 

Tuy nhiên, đứng về phía dân làng, nỗi lo vẫn còn đó. Vụ án mà Công an Thành phố Hà Nội khởi tố hơn 8 tháng trước vẫn treo lơ lửng trên đầu họ ; nghĩa là về lý thuyết họ vẫn có thể bị bắt bất kỳ lúc nào vì quá trình điều tra vẫn đang diễn ra. 

Điều này vừa không hợp tình vì đã và đang khiến hàng ngàn người ôm nỗi lo bị bắt nhiều tháng liền, làm xáo trộn đời sống của cả một làng, mà còn không ổn về mặt pháp lý, vì theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, thời hạn điều tra đối với các tội trên tối đa chỉ là 4 tháng. (Điều 172)

Hết thời hạn này cơ quan điều tra có thể đề nghị Viện kiểm sát gia hạn, hoặc cũng có thể thực hiện thủ tục kết thúc điều tra theo quy định với một trong hai lựa chọn (1) đề nghị truy tố hoặc (2) đình chỉ điều tra. (Điều 232)

Quan trọng là, trong tất cả trường hợp, thông tin cần được cung cấp cho các bên liên quan, trong trường hợp này là dân làng Đồng Tâm. 

Vậy mà đã hơn 8 tháng, ngoài việc gửi giấy triệu tập và trực tiếp về làng, cơ quan điều tra đã không cung cấp thông tin gì khác cho dân làng Đồng Tâm, vừa vi phạm quy định tố tụng điều tra vừa gây ra những băn khoăn không cần thiết đối với người dân. 

Trao đổi với những người có trách nhiệm ở Đồng Tâm, tất cả đều mong muốn mọi thứ được giải quyết dứt điểm, từ chuyện tranh chấp đất đai tới việc khởi tố vụ án. Giải quyết thế nào là lựa chọn của chính quyền, song dân làng cũng đã chuẩn bị phương án cho mọi kịch bản có thể xảy ra. 

Nguyễn Anh Tuấn

Published in Việt Nam