USCIRF : Việt Nam cần được đưa trở lại vào danh sách CPC (VOA, 28/04/2018)
Việt Nam là một trong những nước vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và nên được chính phủ Mỹ đưa vào một danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt về tôn giáo, theo báo cáo năm 2018 của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF- US Commission on International Religious Freedom).
Việt Nam năm nay tiếp tục bị xếp vào nhóm các nước mà ở đó chính phủ thực hiện hoặc dung chấp những vụ vi phạm tự do tôn giáo "đặc biệt nghiêm trọng", theo báo cáo năm 2018 của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế.
Báo cáo hàng năm của ủy hội độc lập và lưỡng đảng này của chính phủ liên bang Hoa Kỳ ghi nhận những vụ vi phạm tự do tôn giáo và tiến bộ ở 28 nước, trong đó có Việt Nam, và đưa ra khuyến nghị với chính phủ Hoa Kỳ.
Việt Nam năm nay tiếp tục bị xếp vào Nhóm 1 bao gồm các nước mà ở đó chính phủ thực hiện hoặc dung chấp những vụ vi phạm tự do tôn giáo "đặc biệt nghiêm trọng", nghĩa là những vi phạm này có tính hệ thống, đang tiếp diễn và hết sức tệ hại, theo tiêu chuẩn của USCIRF.
Ủy ban nói Việt Nam cần được định danh là Quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC) về tự do tôn giáo vì những vi phạm đó, một danh sách từng có tên Việt Nam cho đến năm 2006. Danh sách này hiện bao gồm Saudi Arabia, Eritrea, Iran, Myanmar, Sudan, Tajikistan Triều Tiên, Trung Quốc, Turkmenistan và Uzbekistan.
Dù ghi nhận một điểm sáng là Việt Nam tôn trọng sự đa dạng tôn giáo, báo cáo nhận định Việt Nam đã tăng cường sách nhiễu, bắt bớ, bỏ tù, và tra tấn những nhà hoạt động ôn hòa, những người bất đồng chính kiến, và các blogger, bao gồm những người có tín ngưỡng.
"Những diễn biến này không phải là dấu hiệu tốt đẹp cho Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới của Việt Nam", có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, báo cáo nói.
"Sự sẵn lòng trước đây của chính phủ Việt Nam giao tiếp với các tác nhân quốc tế, bao gồm Hoa Kỳ, về tự do tôn giáo và nhân quyền có liên quan đã bị tổn hại đáng kể vì nước này không ngừng nhắm mục tiêu vào những cá nhân và tổ chức tôn giáo suốt cả năm 2017", báo cáo nói thêm.
Trong số nhiều khuyến nghị đưa ra cho chính phủ Mỹ, USCIRF kêu gọi sử dụng "những công cụ có mục tiêu" nhắm vào các quan chức và cơ quan cụ thể của Việt Nam bị xác định là có tham gia hoặc chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, bao gồm cả từ chối visa và phong tỏa tài sản theo Đạo luật Magnitsky Toàn Cầu.
Việt Nam khẳng định họ luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nói rằng điều này được thể hiện trong đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn.
*******************
USCIRF : Đang có sự tiếp diễn, có hệ thống và quá mức về vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam (RFA, 27/04/2018)
Hôm 25/4, Ủy ban Hoa Kỳ về Quyền tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF-US Commission on International Religious Freedom) ra phúc trình lên án tình trạng vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam và đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Nhân dịp này, phóng viên Ỷ Lan có cuộc phỏng vấn với bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch USCIRF về nội dung và ý nghĩa của Danh sách CPC.
Bà Kristina Arriaga (giữa) - Ảnh Ỷ Lan
Ỷ Lan : Thưa bà, bà là Phó Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Quyền tự do tôn giáo quốc tế. Ủy ban vừa công bố bản Phúc trình Thường niên về tình hình tôn giáo trong thế giới, qua đó, yêu cầu đặt Việt Nam vào danh sách CPC. Xin Bà cho biết bằng cách nào Ủy ban Hoa Kỳ thu tập thông tin để hoàn tất Phúc trình ?
Kristina Arriaga : Ủy ban Hoa Kỷ bỏ cả năm trời theo dõi các quốc gia vốn gặp khó khăn trong việc phát triển tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Ủy ban Hoa Kỳ viếng thăm các quốc gia này, gặp gỡ các viên chức chính quyền, các nhà hoạt động nhân quyền. Đồng thời chúng tôi cũng cộng tác với các tổ chức Phi chính phủ nắm vững những đặc thù của các quốc gia này. Điều đáng tiếc, là năm nay chúng tôi nhận thấy tình hình chung về tôn giáo xuống cấp trong nhiều nước. Một trong những nước này là Việt Nam. Ủy ban Hoa Kỳ đã mạnh mẽ khuyến thỉnh Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào Danh sách CPC. Điều này có nghĩa rằng Ủy ban Hoa Kỳ tin chắc đang có sự tiếp diễn, có hệ thống và quá mức về những vi phạm tư do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, nên Hoa Kỳ cần lấy những biện pháp, nhắm vào sự trừng phạt, có như thế Việt Nam mới biế t rằng họ đang bị đoán xét kỹ lưỡng, và mới chịu từng bước chữa trị thảm trạng hôm nay, nếu Việt Nam còn muốn giữ địa vị thành viên trong Cộng đồng quốc tế.
Ỷ Lan : Phúc trình thường niên ở chương viết về Việt Nam, Ủy ban Hoa Kỳ về Quyền tự do tôn giáo quốc tế cho biết bạo hành chống các tín đồ tôn giáo tăng cao trong năm 2017, nhưng những bạo hành này thường do bọn côn đồ do nhà nước thuê mướn thao túng, chứ không do công an trực tiếp hành động. Đây là điều cho phép chính quyền nại cớ chẳng hay biết gì các sự kiện ấy, nhằm chối bỏ trách nhiệm. Bà nghĩ sao về sự kiện này ?
Kristina Arriaga : Chính quyền Việt Nam cũng như các chính quyền độc đoán, rất thông minh để chối bỏ khi họ bảo "chúng tôi chẳng liên can gì đến các chuyện lạm dụng ấy". Nhưng cộng đồng quốc tế biết quá rõ, đó chỉ là trò hề. Việt Nam tuyên bố rằng Phật giáo và các cộng đồng tôn giáo khác đều được hưởng quyền tự do tôn giáo, nhưng chúng tôi biết rằng, tuyệt đối Việt Nam chẳng có chút ý định gì trao tự do cho bất cứ ai không theo nhà nước.
Như Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền đã nói quá đúng, rằng quyền của chúng ta không đến từ sự ban phát của Nhà nước. Chúng ta sinh ra với đầy đủ các quyền này. Nhà nước chẳng có quyền ban phát hay cướp đi. Đó là lý do vì sao Ủy ban Hoa Kỳ về Quyền tự do tôn giáo quốc tế khuyến thỉnh mạnh mẽ Chính phủ Hoa Kỳ lấy những biện pháp chống lại Việt Nam. Kể cả biện pháp giao thương, kể cả những gì bao gồm trong Sắc luật Magnitsky toàn cầu, kêu gọi niêm phong tài sản những cá nhân hay gia đình nào từng tham dự các cuộc vi phạm nhân quyền. Điều này có nghĩa, là các viên chức chính quyền Việt Nam nào từng nhúng tay đàn áp Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay bất cứ cứ cộng đồng tôn giáo nào, sẽ không còn dễ dàng gửi vợ sang Nữu Ước đi sắm quà Noel, hay gửi con cái sang các đại học Mỹ du học. Đây là điều hữu hiệu mà Ủy ban Hoa Kỳ đánh giá, qua cách sử dụng thẳng tay cây gậy và một chút củ cà-rốt, khiến quốc gia quan tâm chịu thực hiện tôn trọng nhân quyền.
Ỷ Lan : Bà là người gốc Cuba. Ngày nay những quốc gia như Cuba và Việt Nam đã chấp nhận mở cửa kinh tế, nên có số người nói rằng, họ đâu còn là cộng sản nữa, họ theo tư bản rồi. Bà trả lời như thế nào trước luận điệu này ?
Kristina Arriaga : Điều chắc chắn, Viêt Nam là quốc gia cộng sản. Sự kiện nền kinh tế có phần cởi mở, tạo cho ta cảm giác sai lầm về sự an ninh cho những kẻ đến đầu tư. Sự kiện là ở Việt Nam không có một cơ cấu nào độc lập với chính quyền. Có nghĩa là chẳng có bất cứ cơ cấu gì bảo đảm kẻ làm ăn, nam hay nữ. Chúng tôi chứng kiến sự thể này y như tại Cuba. Theo lý thuyết, Cuba đã mở cửa kinh tế ra thế giới. Đã có số người Canada và Tây Ban Nha đến đây làm ăn, nhưng khi phát đạt liền bị bắt giam, Cuba quốc hữu hóa cơ sở thương mại của họ và bắt họ vào tù. Mức độ tham nhũng tại Cuba hay Việt Nam không thể nào tưởng tượng nổi. Bao lâu hệ thống cộng sản còn tồn tại, không thể nào hiện hữu những cơ cấu bảo đảm, các xã hội dân sự cũng khó ngóc đầu lên. Mọi thương gia phiêu lưu với những hiểm nguy rình rập khi đầu tư vào hai quốc gia này. Cho tới nay chúng tôi chỉ thấy những quốc gia tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo thì kinh tế mới rộ nở. Kể cả Trung quốc, nơi nền kinh tế tăng trưởng, các nhà đầu tư vẫn có nhiều hiểm nguy rình rập khi làm ăn tại đây, vì mọi sự đều thực hiện theo ý chí của nhà cầm quyền.
Ỷ Lan : Xin bà một câu hỏi chót : Vừa qua bà công bố bảo trợ tù nhân lương tâm, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Vì sao bà chọn Ngài, và "bảo trợ" có nghĩa là gì ?
Kristina Arriaga : Ủy ban Hoa Kỳ về Quyền tự do tôn giáo quốc tế cộng tác khắn khít với Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos tại Hạ viện Hoa Kỳ và Ân Xá Quốc tế trong chương trình bảo vệ tù nhân lương tâm. Cứ như thế, mỗi Ủy viên đều có quyền bảo trợ các tù nhân. Trường hợp tôi, là một vinh dự lớn lao, và là một đặc ân để bảo trợ Hòa thượng Thích Quảng Độ, là người mà tôi rất kính ngưỡng. Một lão trượng 90 tuổi, một phần ba đời Hòa thượng trải qua cảnh giam cầm, cấm cố, bị đàn áp. Thế mà Hòa thượng vẫn tiếp bước, tiến lên bênh vực cho nhân quyền, tự do tôn giáo, và tự do biểu đạt cho tất cả mọi người.
Kể từ khi chúng tôi chính thức bảo trợ một tù nhân lương tâm nào, chúng tôi công khai nêu danh tên tuổi người ấy, bất cứ nơi nào khi chúng tôi được mời thuyết trình, dù đề cập tới bất cứ đề tài nào. Như thế cho đến khi Hòa thượng Thích Quảng Độ được trả tự do.
Ủy ban Hoa Kỳ về Quyền tự do tôn giáo quốc tế tiếp tục cất cao tiếng nói đòi hỏi tự do cho Đức Tăng Thống, và tiếp tục gây chú ý cực điểm đến thảm trạng nhân quyền kinh khiếp đang xẩy ra tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Bà Kristina Arriaga.
Ỷ Lan thực hiện
********************
Các hội đoàn trong và ngoài nước vừa đưa ra lời kêu gọi Việt Nam loại bỏ chế độ cộng sản độc tài, đồng thời lên tiếng cổ xúy cho dân chủ và tôn trọng nhân quyền, nhân dịp đánh dấu 43 năm ngày chiến tranh Việt Nam chấm dứt, 30/4/1975.
Từ thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ, ông Đoàn Hữu Định, cựu Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại vùng Hoa Thịnh Đốn, một trong những người ký tên vào thư kêu gọi, cho VOA biết :
"43 năm qua mà chưa có gì thay đổi thì tốt nhất nên thay đổi về thể chế để người dân có quyền bỏ phiếu và nêu các vấn đề và đòi hỏi chính đáng, và các vấn đề phải được tôn trọng và thi hành. Hiện nay những người đưa lên tiếng nói hay đòi hỏi điều gì đó thì bị bắt cả".
Bức thư được hơn 18 hội đoàn đồng ký tên có đoạn viết : "Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy ý thức quyền lợi và tương lai của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của dân tộc, từ bỏ tư tưởng giáo điều độc tôn, chấp nhận một thể chế dân chủ, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân, đặc biệt là tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do bầu cử…"
Mục sư Nguyễn Công Chính, hiện đang sống lưu vong cùng gia đình ở tiểu bang California, người từng bị chính quyền Việt Nam giam cầm nhiều năm tù, nói với VOA rằng Ủy Ban Chống Văn hóa Tôn giáo vận cộng sản Việt Nam do ông làm chủ tịch muốn nhân dịp này lên tiếng để Hà Nội loại bỏ chế độ độc tài Đảng trị :
"Chúng ta nhớ đến ngày 30/4 là ngày đau buồn nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chúng ta xin cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam trước cảnh đau thương bị đàn áp, môi trường bị đầu độc, nền văn hóa bị mất đi, tôn giáo bị đàn áp, nhân quyền bị chà đạp, người dân sống trong cảnh khổ mà sự đàn áp của cộng sản thì một ngày gia tăng".
"Sau 43 năm kể từ ngày 30/4/1975, Việt Nam vẫn là một trong vài quốc gia còn theo chế độ cộng sản lỗi thời, độc tài toàn trị, tước bỏ các quyền tự do căn bản của người dân", bức thư nhấn mạnh.
Từ Huế, linh mục Phan Văn Lợi, chia sẻ cảm nhận của ông về tình hình đất nước sau 43 năm :
"Sau 43 năm chế độ cộng sản này hoàn toàn thất bại về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, giáo dục… Họ chỉ biết đánh chiếm, còn việc xây dựng và phát triển đất nước thì qua 43 năm thì đất nước lụn bại. Chính quyền độc đảng trấn áp mọi tiếng nói, kể cả những người có thiện chí xây dựng đất nước. Sau 1975 và cho đến nay họ tiếp tục giam những người mà họ cho là nguy hiểm cho chế độ. Giới trẻ đã bị nền giáo dục đầu độc, họ không còn những lý tưởng tốt đẹp để lĩnh hội kiến thức của nhân loại".
Ngoài lời kêu gọi ngưng đàn áp và tôn trọng nhân quyền, bức thư còn đưa ra lời thỉnh nguyện toàn dân Việt Nam trong và ngoài nước hãy cùng nhau liên kết tạo dựng nội lực dân tộc.
Hôm 27/4, đài Tiếng nói Việt Nam (VoV) đăng bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp "kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", trong đó nhấn mạnh : "Chúng ta vô cùng tự hào nhìn lại bước đường đấu tranh cách mạng lâu dài và oanh liệt mà nhân dân ta đã vượt qua dưới sự lãnh đạo của Đảng".
Người đứng đầu nhà nước Việt Nam nói thêm rằng thắng lợi ngày 30/4 mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc và vẫn luôn là "tài sản vô giá".
Nhân dịp này, ông Trần Đại Quang kêu gọi toàn dân củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân để vững bước đi lên Chủ nghĩa Xã hội.