Nhiều người nói ông Trọng, Tổng bí thư đảng cầm quyền hiện nay, là người có nhiều bệnh. Lại cũng nhiều người tỏ ra thông cảm, ông Trọng, đã 74 tuổi, đã thuộc diện "xưa nay hiếm", nên bệnh là đương nhiên, "chả có gì khó hiểu" và cũng chẳng nên trách cứ ông ta làm gì".
Ông diệt chuột tham nhũng là để bảo vệ đảng của ông, bảo vệ cái chế độ mà đảng của ông cầm quyền mà ông đang là người trên cùng.
Không, tôi không trách gì, và nhiều người Việt Nam chắc cũng không nỡ trách oán gì ông. Những điều ông đang làm, từ một góc nhìn nào đó, còn có thể nói là ông đang làm một cách tích cực và đang có hiệu quả. Ít nhất thì từ trước tới giờ, chưa có một nhân vật nào trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản làm được như vậy. Người ta đồng hành, ủng hộ ông, dù chưa hẳn do ngưỡng mộ ông mà chỉ đơn thuần là căm thù cái lũ ăn ắp đốn mạt. Chỉ vì người tự hỏi, cái lũ đốn mạt ấy ở đâu mà ra. Bọn ấy nếu biến đi, thì bọn sắp đến là bọn nào ?
Người ta, trong đó có tôi, chỉ tiếc là cái công việc ông đang làm không phải được thúc đẩy bởi một động cơ chính đáng, một động cơ thực chất, tức là ông thực tâm muốn chống tham nhũng vì dân, vì nước.
Ông gọi công cuộc chống tham nhũng của ông là việc diệt chuột, nhưng "đánh chuột thế nào để không vỡ bình", nghĩa là ông không diệt chuột vì tài sản quốc gia, vì lợi ích người lao động, vì dân vì nước, mà là giữ cho cái "bình" của ông không vỡ. "Bình" của ông sẽ vỡ, nếu nó chứa quá nhiều chuột và nếu không phải ông là người diệt chuột, thì dân cũng sẽ nổi lên diệt chuột, và cái bình của ông sẽ bể vỡ theo. Nói cho rõ ra, là ông diệt chuột tham nhũng là để bảo vệ đảng của ông, bảo vệ cái chế độ mà đảng của ông cầm quyền mà ông đang là người trên cùng. Thế có nghĩa là ông diệt tham nhũng là vì ông.
Và nó chỉ cần không vỡ trong thời gian ông tại vị.
Bởi vì, không ai tin được rằng, một người "lú" khôn ngoan như ông lại không hiểu rằng, tham nhũng không thể bị tiêu diệt bằng ý chí chủ quan và chỉ bằng giáo dục đạo đức.
Tham nhũng là sản phẩm của cặp bài "Quyền lực cộng với Tài sản vô chủ". Ông nói "phải nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật", trong khi "đất đai là sở hữu toàn dân", rừng, biển, tài nguyên khoáng sản là tài sản do "nhà nước quản lý", tiền vốn, trang thiết bị của các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, các tổng công ty quốc doanh là tài sản do chính phủ làm "đại diện chủ quản chủ sở hữu". Thực chất, tất cả đều là tài sản vô chủ.
Cái "pháp luật" của ông, suy cho cùng, cũng chỉ là ý chí của đảng. Chính ông là người gọi hiến pháp "là thể chế hóa cương lĩnh đảng", nó không đại diện ý chí của dân, nên làm gì có tư cách pháp luật. Thực chất nó không là pháp luật, vì nó có nghĩa vụ tuân thủ nghị quyết đảng, phục tùng sự chỉ đạo thống nhất của đảng. Đảng là Bộ chính trị, là ý chí của người đứng đầu đảng. vào lúc này là ông.
Vì vậy, khi ông nói nhốt quyền lực vào cái "lồng" này, thì chỉ là việc quanh quẩn. Cái lồng ấy do đảng tạo ra, là công cụ trong tay đảng, thì chỉ cần là "đảng", cụ thể là ở mỗi cấp của tháp quyền lực, chỉ cần là người hay nhóm người trên đỉnh tháp, tức là : hoặc là Tổng bí thư, hay Bộ chính trị, hay Ban bí thư ở Trung ương, hoặc là bí thư tỉnh ủy, huyện ủy hay thường vụ cấp ủy nếu là địa phương, đủ để tự do "mở" hay vô hiệu hóa cái lồng "pháp luật riêng" đó.
Nếu đất là tài sản thuộc sở hữu cá nhân như mọi loại tài sản tư hữu khác, thì dù có nghĩa vụ chấp hành quy hoạch, mọi sự chuyển đổi chủ sở hữu phải là chuyện thuận mua vừa bán, không thể bắt người ta bán theo giá mình muốn. Khi đó, mọi cưỡng chế đều vi phạm pháp luật. Khi một đứa bé đi tù ba năm chỉ vì ăn cắp một chiếc bánh mì, thì chuyện ăn cắp đất của quan lại chính quyền phải xử chung thân.
Trong ba nguyên tắc chống tham nhũng gồm : không muốn, không cần và không thể thì nguyên tắc không thể có ý nghĩa quyết định. Tham nhũng là việc biến tài sản không của mình thành của mình, thực chất là ăn cắp. Nếu người ăn cắp không thể không bị bắt, thì sẽ ít người dám ăn cắp. Nếu tài sản ăn cắp dứt khoát bị thu hồi và chịu phạt gấp hàng trăm lần thì sẽ bớt người ăn cắp. Cuối cùng và quyết định nhất là không có cái gì để ăn cắp và có thể ăn cắp được.
Ông Trọng chỉ làm một việc bằng việc giáo dục lý tưởng chủ nghĩa Mác và học tập thứ đạo đức do đảng gán ghép cho ông Hồ Chí Minh để cho hệ thống quan lại của ông "không muốn" tham nhũng. Ông không biết làm gì và cũng không thể làm gì để hệ thống quan lại đó "không cần" tham nhũng. Còn nội dung thứ ba, nội dung cần làm nhất, thì ông hoàn toàn không làm gì.
Ông thừa hiểu, tiêu diệt tham nhũng là tiêu diệt cặp phạm trù Quyền lực và Tài sản công. Quyền lực chỉ có thể kiểm soát được bằng pháp luật thật, pháp luật của dân do dân và vì dân, loại Pháp luật độc lập với quyền lực nhà nước. Tài sản công cộng sẽ biến mất khi trong xã hội không tồn tại loại tài sản vô chủ, nghĩa là phải sở hữu hóa mọi thứ tài sản, bất cứ loại tài sản nào đều phải có chủ sở hữu cụ thể, có tên tuổi, có pháp nhân, có quyền mua bán chuyển nhượng và đương nhiên có thể đứng trước Tòa.
Ông kiên quyết không tư hữu hóa ruộng đất, kiên quyết không trả đất về cho dân. Ông cổ súy cho kinh tế quốc doanh, tăng vốn, tăng tài sản, tăng thiết bị để càng ngày càng trở thành lực lượng quyết định, "giữ vai trò chủ đạo" trong nền kinh tế.
Không thể hiểu được ông chống tham nhũng, khi ông chống lại quyền lực độc lập của Tư pháp, và cổ súy việc tăng tài sản vô chủ làm mồi nhử cho bọn ăn cắp.
Nếu tin vào cái bằng Tiến sĩ triết học của ông, tin vào sự khôn ngoan đã đưa ông lên vị trí đứng đầu một đảng cầm quyền, thì phải hiểu rằng ông đã cố tình sử dụng công cụ chống tham nhũng cho mục đích của cá nhân ông, hay nhiều lắm là của đảng của ông. Chắc chắn nó không vì lợi ích dân tộc.
Tôi và rất nhiều bạn bè của tôi, người thân của tôi ủng hộ ông, có một chút cảm ơn ông, nhưng thú thật, không tin vào thực tâm của ông.
Ước gì ông bước tiếp bước nữa, đi đến tận cùng của công cuộc chống tham nhũng này, cái công cuộc mà có người nói là ông "thế thiên hành đạo", đó là việc ông cho quyền Độc lập của Pháp Luật. Bỏ cái "tách biệt chức năng nhưng thống nhất chính trị" đi. Pháp luật mà các ông phân công nhau quản lý, thì sao còn là Pháp luật nữa !
19/05/2018
Bùi Quang Vơm
Ông Thăng 'sắp chuyển sinh hoạt về Thanh Hóa' (BBC, 12/05/2017)
Ông Đinh La Thăng, người vừa bị cách chức ủy viên Bộ Chính trị cùng chiếc ghế bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị trung ương 5, sắp được điều chuyển sinh hoạt từ đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về đoàn Thanh Hóa, theo truyền thông Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng từng được cho là nhân vật thuộc 'thế hệ trẻ, sáng giá và đầy hứa hẹn' trong hàng ngũ lãnh đạo của Việt Nam trước Hội nghị trung ương 5.
Hôm 12/5/2017, báo điện tử VnExpress cho hay theo nguyện vọng của ông Đinh La Thăng, sắp tới Thường vụ Quốc hội Việt Nam sẽ 'làm thủ tục' để ông chuyển từ đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về sinh hoạt tại đoàn Thanh Hoá.
"Ngày 11/5, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng ký công văn gửi Đảng đoàn Quốc hội và trưởng Ban công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), để trả lời văn bản ngày 10/5 của Đảng đoàn Quốc hội. Theo đó, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này có sự đồng thuận tuyệt đối việc ông Đinh La Thăng chuyển sinh hoạt về Đoàn", VnExpress viết.
"Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 (2011-2016), ông Đinh La Thăng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Thanh Hóa và trúng cử với tỉ lệ phiếu bầu rất cao, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đại biểu quốc hội, được cử tri tỉnh Thanh Hóa ghi nhận và đánh giá cao".
Vẫn theo nguồn này, trước đó ngày 10/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã "nhận được văn bản của Đảng đoàn Quốc hội thông báo đề nghị Đoàn cho ý kiến về việc ông Đinh La Thăng có nguyện vọng chuyển sinh hoạt từ đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa".
'Cử tri không bầu'
Phản ứng về thông tin trên, hôm thứ Sáu, blogger Huy Đức trên trang FB cá nhân Trương Huy San, đưa ra bình luận trên mục tình trạng có tựa đề "Viện của dân, viện của đảng", ông viết :
"Cử tri Thanh Hóa không bầu ông Đinh La Thăng và nay thì ông trở thành "đại biểu" của họ bằng một quyết định điều chuyển. Từ việc chỉ đạo Ủy ban thường vụ Quốc hội làm thủ tục kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng đến việc chỉ đạo miễn nhiệm ông Võ Kim Cự cho thấy Ban bí thư đang công khai thể hiện vai trò Đảng cầm quyền".
Fb Trương Huy San - Ảnh minh họa
"Nên trắng phớ ra như thế, dân cũng cần được biết thực chất quyền lực đến từ đâu".
"Nhưng như thế thì các cuộc bầu cử hóa ra lại tốn kém không cần thiết. Cho dù Đảng Cộng sản vẫn đang là đảng cầm quyền ở Việt Nam thì cũng nên cầm quyền thông qua nhà nước. Và, nếu Đảng nhận thức rằng quyền lực của mình sẽ bớt tha hóa nếu dân có tiếng nói thì nên cấu trúc "cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất" thành hai viện : một viện của dân và một viện của Đảng".
So sánh với hệ thống chính trị ở Anh quốc, blogger Huy Đức viết tiếp :
"Viện của Đảng có thể cơ cấu như Viện Nguyên lão (Anh) hoạt động như thượng viện gồm (đương nhiên) các vị đã được đại hội đảng bầu vào trung ương. Viện của dân gồm những người tranh cử từ dân thực sự. Họ xuất phát từ lá phiếu của dân, sống gần dân, chẳng có ban bí thư nào điều chuyển".
"Võ Kim Cự cũng chính đảng đưa vào Quốc Hội ; Trịnh Xuân Thanh cũng đảng đưa vào Quốc Hội. Dân đã mất một buổi cày đi bỏ phiếu rồi bây giờ ngơ ngác nhìn đảng đưa họ ra".
"Có minh bạch nguồn gốc của quyền lực thì mới minh bạch trách nhiệm. Dân chúng chỉ hợp thức hóa một danh sách đảng cử mà bị buộc phải chịu trách nhiệm như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng tuyên bố thì tội cho dân lắm".
Tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ tuần này, một số khách mời cũng đưa ra bình luận về việc Đảng xử lý kỷ luật với ông Đinh La Thăng, trong đó khách mời, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn nêu quan điểm cho rằng những người bổ nhiệm ông Đinh La Thăng về Sài Gòn mà sau đó phát hiện ông có những 'vi phạm nghiêm trọng' với mức độ như đã công bố cũng phải chịu trách nhiệm.
Cựu Phó Chủ tịch Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam cũng đặt dấu hỏi vì sao Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân lại trao quyết định thuyên chuyển công tác cho ông Đinh La Thăng về Ban Kinh tế trung ương Đảng, nơi mà sau khi bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, ông Thăng được đưa về làm một trong các Phó trưởng ban.
Luật sư Thuận cũng cho rằng việc xử lý kỷ luật vừa rồi của lãnh đạo Đảng và Hội nghị trung ương đối với ông Đinh La Thăng gây ra sự 'ngạc nhiên', và theo ông, có thể gây ra cảm giác là Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị coi thường.
"Những sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra từ 2009 đến 2011. Tại sao có sai phạm như vậy mà ông vẫn vào Trung ương X, rồi Trung ương XI, làm bộ trưởng, rồi vào Trung ương XII, vào Bộ Chính trị", luật sư Thuận nói.
"Ở thành phố này, nhiều đảng viên lớn tuổi tỏ ra không đồng tình. Họ thấy buồn và xấu hổ bởi tại sao lại điều một người nhiều khuyết điểm thế về làm người đứng đầu thành phố. Có người nói làm như thế là làm nhục đảng bộ thành phố và nhân dân thành phố hay sao ?"
************************
Ông Đinh La Thăng vẫn là Ủy viên trung ương Đảng (Đất Việt, 10/05/2017)
Với mức kỉ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng vẫn là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng.
Ngày 7/5, Ban Chấp hành trung ương Đảng đã làm việc tại Hội trường để xem xét và thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng.
Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7/5, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết : "Câu chuyện của ông Đinh La Thăng là câu chuyện dài, theo báo cáo của Ủy ban kiểm tra trung ương thì sai phạm của ông là sai phạm trong thời kỳ còn làm lãnh đạo ở Tập đoàn dầu khí, từ 2009 đến 2011.
Trong quá trình công tác gần 35 năm, ông Thăng đã 3 lần được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng khóa X, XI, XII. Đến đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, tháng 1/2016, ông Thăng được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Đinh La Thăng phát biểu tại Đại hội Đảng 12. Ảnh : TTXVN
Từ ngày 5/2/2016, ông Đinh La Thăng được Bộ chính trị phân công tham gia Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh và giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, quyết định kỷ luật hiện tại là kỷ luật những sai phạm của thời kỳ cách đây 6 năm, cũng có khi là 10 năm về trước, kỷ luật những việc làm trong quá khứ.
Các hình thức kỷ luật của Đảng, cũng có những bậc khác nhau, đầu tiên là phê bình, sau đó nếu cứ tiếp tục sai thì sẽ tiến hành khiển trách, sai nặng hơn thì cảnh cáo, nếu nặng quá thì cách chức, khai trừ. Hình thức cao nhất trong đảng là khai trừ khỏi Đảng. Tuy nhiên, với quyết định cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, ông Đinh La Thăng vẫn là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng".
"Tuy nhiên, với hình thức kỷ luật cảnh cáo sau 1 năm kiểm điểm, thực hiện tốt, có thể xoá kỷ luật, vì thế trong 1 năm, cũng có thể ông Thăng sẽ không được phân công nhiệm vụ gì. Sau khi đã xoá kỷ luật thì coi như chưa từng bị kỷ luật, từ đó có thể phân công bất cứ nhiệm vụ gì, thông thường kỷ luật cảnh cáo thì sẽ bị mất chức", ông Thuận nói thêm.
Cũng đưa ra quan điểm về câu chuyện trên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho biết :
"Hôm nay, Ban Chấp hành trung ương Đảng họp lấy phiếu của tất cả ủy viên ban chấp hành để tiến hành xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng, với hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ chính trị khóa XII, đây là hình thức chưa đến mức khai trừ, như vậy, hiện tại ông Thăng vẫn là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng.
Sau này sẽ được bố trí làm việc tại một vị trí nào đó, vì vẫn còn là ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng".
Trước đó, từng trao đổi với báo chí ngày 3/5, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, kết quả bỏ phiếu của Ban Chấp hành trung ương là kết luận cuối cùng và có giá trị cao nhất. Kỷ luật đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.
Cũng có trường hợp Ban Chấp hành trung ương bỏ phiếu kỷ luật ở mức độ thấp hơn đề nghị của Bộ Chính trị vì lá phiếu của trung ương là quyết định.
Trong việc cách chức đảng viên, khi Ban Chấp hành trung ương xem xét có thể cách một hoặc tất cả các chức vụ mà đương sự đang nắm. Có những ủy viên trung ương Đảng bị khai trừ ra khỏi đảng, ngay khi giải lao người bị kỷ luật phải ra khỏi cuộc họp của trung ương luôn.
Sơn Ca
******************
Ông Nguyễn Thiện Nhân hiện giữ chức Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. AFP photo
Cùng với việc thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ban Chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã điều động ông Nguyễn Thị Nhân về lại thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận chức Bí thư thành ủy. Các bạn trẻ nghĩ gì trong nước nghĩ gì về sự kiện này ?
Ông Trần, một bạn trẻ từ Sài Gòn cho biết anh rất quan tâm đến vụ xử lý kỹ luật Đinh La Thăng. Ông Trần đưa ra quan điểm của mình sau một thời gian theo dõi sát sao diễn biến.
"Mình phải khẳng định trong nội bộ Đảng Cộng sản, việc chống tham nhũng chỉ là cái cớ để các phe nhóm hạ bệ nhau, như phe của ông Nguyễn Phú Trọng và Đinh La Thăng, mượn chiêu bài chống tham nhũng, chứ thực chất là người ta đang hạ bệ nhau".
Trịnh Bá Tư, con trai của dân oan, người đấu tranh giữ đất Cấn Thị Thêu, từ Dương Nội, Hà Đông, cho biết quan điểm của anh đối với vấn đề vi phạm của các quan chức là lỗi của cả một hệ thống.
"Tất cả các quan chức khi tham gia vào việc vận hành bộ máy, đặc biệt là quan chức cấp cao, thì đều có những sai phạm trong quản lý về kinh tế, tham nhũng. Theo em suy nghĩ thì trong một thể chế tham nhũng thì tất cả họ đều tham nhũng. Việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, theo suy nghĩ của em nó chỉ là những đấu đá nội bộ phe nhóm ở tầng cao của Đảng Cộng sản thôi".
"Tầng cao của Đảng Cộng sản" qua cách nói của Trịnh Bá Tư được Ông Trần nhấn mạnh thêm, theo anh, "đó là cách Nguyễn Phú Trọng đánh đối thủ mà không phải dồn người ta vào đường cùng để người ta đánh bật lại. Thực chất đó là một cuộc đấu đá"
Quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài phát biểu tại buổi bế mạc Hội nghị trung ương 5 là "ông Đinh La Thăng có khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ trong thời kỳ là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam"
Trước đó, kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng có đề cập đến việc ông Thăng lấy tiền của PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương rồi mất vốn vì ngân hàng này làm ăn thua lỗ. Số tiền bị tổn thất trong vụ rót vốn này lên đến 800 tỷ đồng.
Khi được hỏi về hình thức thuyên chuyển vị trí của ông Đinh La Thăng, trước khi chia sẻ ý kiến của mình, Ông Trần, ví von bằng một sự so sánh : "Người học không tốt mà được giao cho làm lớp phó học tập. Chuyện đó có vô lý không ?"
"Đối với nền kinh tế mà ông Đinh La Thăng đã giữ chức lãnh đạo một tập đoàn lớn của quốc gia như vậy mà làm mất hàng trăm ngàn tỷ như vậy thì làm sao ổng có thể về là phó ban Kinh tế trung ương được ? Vì ổng bên kinh tế mà ổng đã làm sai rồi ?
Đó là chuyện cực kỳ vô lý, nó mang sắc màu u ám cho nền kinh tế Việt Nam mình thôi".
Nhà hoạt động xã hội dân sự Lã Việt Dũng, từ Hà Nội, cho biết nhận định của anh về những chuyển biến nhân sự trong Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua :
"Tôi thấy ông Thăng là ông ấy bị buộc rời khỏi vị trí bí thư của Sài Gòn vì ông ấy có nhiều sai phạm trong nền kinh tế. Thực tế thì trước khi bị xử lý thì trong vài tháng trở lại đây hầu như ông ấy không có một vai trò nào ở Sài Gòn rồi".
Một trong những hình thức kỷ luật ông Đinh La Thăng là điều ông về làm Phó của Ban Kinh tế trung ương, vốn là một ban được thành lập với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành trung ương Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Đây là ‘nghịch lý’ được công luận bàn tán trong những ngày qua. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, từ Đà Nẵng, nói chính anh cũng nhận thấy trong dư luận có nhiều sự kỳ vọng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân, Tân Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo ra được nhiều sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, với cá nhân anh thì anh không có niềm tin đó, vì những lý do sau :
"Từ những gì xảy ra trong thực tế khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đã có những cam kết, lời hứa mang tính chất dân tuý như giáo viên sống được bằng lương cũng như chống tiêu cực trong thi cử. Nhưng sau khi ông rời Bộ Giáo dục thì chuyện đâu lại vào đó, và giáo viên vẫn có cuộc sống rất chật vật với đồng lương. Cũng như chuyện tiêu cực thì nó chẳng thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn. Bệnh thành tích vẫn y nguyên như vậy.
Lý do thứ hai, hệ thống quyền lực của Việt Nam hiện tại được thiết kế để không một cá nhân nào có đúng quyền lực để làm điều gì đó lớn. Ngay cả khi người đó là Bí thư của thành phố lớn nhất Việt Nam cũng khó có thể tạo ra sự thay đổi đột phá. Nhất là khi người ta vẫn bị ràng buộc trong cơ chế chẳng hạn như địa phương là thường trực Thành ủy".
Với bày tỏ của Trịnh Bá Phương, một lần nữa anh nhấn mạnh lại : "Đảng Cộng sản là lỗi của một hệ thống", và chính vì vậy Bá Tư cho rằng một mình ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không thể đứng ra giải quyết trọn vẹn bức xúc của người dân.
"Em thì em không kỳ vọng nhiều vào những quan chức cấp cao cộng sản, kể cả ông Đinh La Thăng hay ông Nguyễn Thiện Nhân.
Mặc dù có thể ông ta muốn giải quyết chuyện đất đai, giải quyết những bức xúc của người dân, giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân, nhưng một mình ông ta cũng không đứng ra giải quyết được, vì nó liên quan cả một hệ thống".
"Cơ chế" là lý do ông Trần không dám tin vào sự thay đổi tốt đẹp cho thành phố Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của người kế nhiệm ông Đinh La Thăng.
"Cơ chế này nó đã sai rồi, mà bây giờ kêu ông Nguyễn Thiện Nhân làm người tốt đi thì ai có thể khẳng định ổng sẽ làm được ?
Ông Nguyễn Thiện Nhân nếu mà ông ấy có là người tốt thật sự, giỏi thật sự mà đặt trong cơ chế này thì cũng không có thể tin tưởng được".
Nhà hoạt động xã hội dân sự Lã Việt Dũng có lý do tương đồng với Nguyễn Anh Tuấn để cho thấy vì sao anh không tin vị Tân Bí thư Thành ủy Thanh phố Hồ Chí Minh sẽ khoác lên thành phố ấy một chiếc áo mới :
"Ông Nhân thì tuy ông ấy là Chủ tịch mặt trận Tổ quốc, nhưng thực tế qua lần ông ấy làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì ông ấy cũng không chứng tỏ năng lực điều hành.
Và thêm nữa theo tôi được biết ông Nhân không phải là người có mối quan hệ sâu rộng cũng như thật sự hiểu biết về Sài Gòn, nên tôi không nghĩ là ông ấy sẽ thành công ở Sài Gòn".
Chia sẻ thêm quan điểm của mình, Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh trên phương diện đánh giá về mối quan hệ và đội ngũ làm việc của một lãnh đạo :
"Bất kỳ một người lãnh đạo nào cũng cần phải xây dựng được ekip cho người ta. Trong khi đó cách làm nhân sự hiện nay rất là nhập cục, tức là ông Đinh La Thăng làm một thời gian, bị kỷ luật và thay thế bằng một người khác, không đủ thời gian để xây dựng được 1 ekip làm việc cho mình thì rất khó để tạo ra sự chuyển biến đột phá nào".
Theo Nguyễn Anh Tuấn, vai trò mới của tân bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khá phù hợp với tính cách ít va chạm như mọi người đã thấy về nhân vật này trong suốt thời gian vừa qua.
Thêm một lý do để không dám đặt niềm tin vào người lãnh đạo mới của Thành phố Sài Gòn, Ông Trần lập luận rằng : "Người lãnh đạo của dân thì phải do dân bầu ra"
"Em cũng không hy vọng vào ông Nguyễn Thiện Nhân này, bởi vì bây giờ lãnh đạo của anh không chính danh vì không phải do em, do người dân bầu ra thì em cũng không kỳ vọng lắm".
Vì lý do này nên ông Trần nhấn mạnh anh không dàm kỳ vọng, "mà chỉ là mong muốn thôi".
Khác với một số nhà quan sát và người dân khác mong muốn ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ đưa thành phố Hồ Chí Minh đi đầu về phát triển, cải cách, văn hoá, môi trường…, Ông Trần chia sẻ rằng cá nhân anh có những yêu cầu gửi đến Tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
"Làm việc phải thượng tôn pháp luật về quyền làm chủ của nhân dân. Phải là người bảo vệ nhân quyền. Bảo vệ điều 25 Hiến pháp. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhân quyền, ví dụ như vụ Phan Hùng đánh phụ nữ, hoặc những người trấn áp những người đi thể hiện chính kiến của mình".
Chưa thể biết vị Tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có làm thay đổi niềm tin của các bạn trẻ trong nước trong tương lai gần hay không ?
Nhưng dư luận đang đặt ra câu hỏi, "Liệu ông Nguyễn Thiện Nhân có hoàn thành được tâm ý của vị tiền nhiệm là giành lại Hòn ngọc Viễn Đông cho Sài Gòn" hay "Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có trường Đại học Havard ?".
***********************
Ông Nguyễn Thiện Nhân : 'Sẽ tiếp tục xem xét vụ PVN' (BBC, 12/05/2017)
Ông Nguyễn Thiện Nhân vừa được ban lãnh đạo Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam điều về Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy thay thế ông Đinh La Thăng mới bị kỷ luật
Tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, phát biểu trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở tỉnh Trà Vinh, miền Nam Việt Nam, rằng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục được xem xét, theo truyền thông trong nước.
"Trả lời chất vấn liên quan đến 12 dự án trị giá hàng chục nghìn tỷ nhưng sản xuất kém hiệu quả hoặc không thể triển khai, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết các sai phạm này đang được xem xét, điều tra nhằm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp gây ra thất thoát, lãng phí", trang tin điện tử Zing hôm 12/5 cho hay.
"Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trung ương sẽ thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Đối với những sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí (PVN), ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay những người đứng đầu thời kỳ đó đều bị kỷ luật về mặt Đảng. Cơ quan chức năng tiếp tục xem xét trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây ra những sai phạm ;" và báo Zing tường trình thêm :
"Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua, báo chí đưa tin 12 dự án lớn của ngành công nghiệp triển khai kém hiệu quả hoặc không triển khai được, gây lãng phí, thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Các cơ quan của trung ương đang giải quyết và sẽ xử lý từng trường hợp, trong đó có trách nhiệm của người trong cuộc", ông Nguyễn Thiện Nhân được dẫn lời nói.
'Mong bà con tiếp tục tin tưởng'
Cũng hôm 12/5, đưa tin về phát biểu của tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh với cử tri Trà Vinh về tình trạng lãng phí, tham nhũng, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh viết :
"12 dự án lớn của ngành công thương mà thời gian vừa qua dư luận, báo chí đã phản ánh triển khai kém hiệu quả, lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng, hiện thanh tra, công an đang xử lý từng trường hợp, truy trách nhiệm và có hướng xử lý các dự án, nhà máy này".
"Ở đây vừa có phương án xử lý hậu quả, vừa xử lý trách nhiệm".
"Còn với sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, những lãnh đạo trong thời kỳ để xảy ra sai phạm đã bị xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, trách nhiệm tài chính sẽ xem xét tiếp. Mong bà con tiếp tục tin tưởng về hướng xử lý của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề này".
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953, người vừa thay thế ông Đinh La Thăng trên cương vị lãnh đạo Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, từng được đào tạo ở một số nước phương Tây trong đó có Đức và Hoa Kỳ.
Chính khách năm nay 64 tuổi từng là Phó Thủ tướng Chính phủ, trước đó là Bộ trưởng Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh nhiều cương vị khác.
Ông hiện là thành viên thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Trà Vinh, nơi cũng là quê của ông.
Tuy nhiên, có ký kiến cho rằng từ khi được điều chuyển ra Hà Nội và nắm các cương vị quan trọng, ông không thực sự để lại dấu ấn gì nhiều.
Hôm 11/5, tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ về Hội nghị trung ương5 vừa bế mạc và các câu hỏi, hệ lụy tiếp theo, nhà báo độc lập Trần Tiến Đức, nhà bình luận và quan sát chính trị nội bộ và xã hội dân sự ở Việt Nam bình luận về việc ông Nhân thay thế ông Thăng :
"Những nhân vật trẻ được thay bằng nhân vật già, ở Việt Nam chuyện đó cũng không phải là hiếm. Bởi vì người ta xét theo những tiêu chí lựa chọn cán bộ khác với thông thường".
"Ông Nguyễn Thiện Nhân là một nhà khoa học, nhưng với tư cách một chính khách thì ông chưa để lại một dấu ấn gì, kể từ khi ông ra ngoài này (Hà Nội) làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi đến làm Phó Thủ tướng, bởi vì ông không phải là con người hành động", ông Trần Tiến Đức nói với BBC.