Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam hằng năm đều chịu nhiều thiệt hại lớn do thiên tai gây nên, vậy cơ quan chức năng có những biện pháp gì ứng phó để giảm thiểu thiệt hại ?

thientai1

Nhà bị ngập lụt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 15 tháng 10 năm 2016. AFP photo

Thiệt hại người và của

Ngày 17/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết trong năm ngoái thiên tại xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm trên khắp các vùng miền cả nước với cường độ lớn, bất thường.

Báo cáo thiệt hại cho thấy thiên tai đã làm hơn 260 người chết, 5000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hơn 300.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, hơn 800.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, hơn 100 km bờ sông, đê, bờ biển bị sạt lở… Tổng thiệt hại vật chất lên đến gần 40.000 tỷ đồng.

Hội nghị cũng đề cập đến hậu quả xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, các hiện tượng thời thiết cực đoan bất thường như rét đậm, rét hại, nắng khắc nghiệt, mưa tuyết, sương giá cũng như 10 trận bão gây vô số thiệt hại nặng về người và của trong năm qua.

Anh Lê Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết :

Năm vừa rồi thiên tai liên tiếp xảy ra, gây hạn hán xâm nhập mặn ảnh hưởng đến cây trồng của bà con, nhưng được sự quan tâm của các ngành các cấp đã xây các đập ngăn mặn thời vụ nên thiệt hại cũng giảm đi. Biến đổi khí hậu cũng gây ra nhiều dịch bệnh cho cây trồng nhưng mình cũng hướng dẫn bà con cách giải quyết kịp thời.

Hội nghị đã đánh giá được các mặt tích cực trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, Chính phủ đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo các bộ ngành liên quan trong ứng phó và khắc phục hậu quả bão lụt. Các cơ quan từ trung ương đến địa phương được cho biết đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình ứng cứu hệ thống giao thông. Lãnh đạo Tổng cục đã đi hiện trường, kịp thời chỉ đạo khắc phục hậu quả các cơn bão, mưa nên công tác khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông sau mưa, bão được triển khai nhanh, thông đường sớm.

Nhiều kế hoạch cũng được đặt ra trong năm 2015 để đề phòng thiên tai 2016 như sửa chữa nhà kho, huy động nhân lực, máy móc, để ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai,… Tuy nhiên, trước sự chuẩn bị và nỗ lực phòng chống, hậu quả của thiên tai trong năm 2016 vẫn được cho là nghiêm trọng.

Dự báo kém ?

thientai2

Cây gãy trên đường phố Hà Nội trong cơn bão vào ngày 28 tháng 7 năm 2016. AFP photo

Nhận xét về những nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả trên, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Chuyên gia về nước, Phó ban điều phối chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh cho biết :

Thứ nhất, hệ thống dự báo còn nhiều bất cập, chưa đủ năng lực dự báo chính xác. Điều thứ hai rất quan trọng là năng lực thích nghi với cộng đồng còn quá yếu. Những nơi xảy ra hậu quả thiên tai nghiêm trọng thì thường hoặc là quản lý kém hoặc sinh kế không bền vững.

Năm ngoái xảy ra nhiều biến cố cực đoan, những biến cố này lại được gia cường bởi những hoạt động của con người mang tính chất không thỏa đáng. Thí dụ bão lũ của thủy điện chẳng hạn, đáng lẽ ra người ta phải có những cách vận hành làm sao để giảm nhẹ thiên tai. Nhưng đằng này họ lại vận hành vô trách nhiệm, tức là chỉ tuân theo những luật quy định để điều tiết hồ chứa thủy lợi thôi. Cuối cùng hai cái đó không đồng bộ với nhau.

Trong khi đó Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ lại đánh giá rằng năng lực dự báo của Việt Nam trong phòng chống thiên tai hiện nay khá tốt. Khả năng ứng dụng các công nghệ khoa học cả trong nước và tham khảo quốc tế đã giúp việc dự báo, như bão chẳng hạn, trong tầm tay. Tuy nhiên, bà cũng nêu ra một số điểm còn hạn chế trong công tác dự báo :

Không giống một số nước phát triển, trạm đo quan sát của mình vẫn còn là trạm đặt trên đất liền, không có những công cụ để đặt radar đi theo vết của những trận lốc xoáy hoặc vòi rồng. Cho nên những thiên tai này mang tính chất cảnh báo là chính, nhưng không thể chỉ ra cụ thể bản làng nào, vị trí nào sẽ diễn ra. Thậm chí đưa ra được bản tin rồi nhưng đến được các bản làng xa xôi cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề thời gian.

Bà giải thích một số nguyên nhân gây ra hậu quả nặng nề khi thiên tai xảy ra :

Dân khi được dự báo có thiên tai nhưng nhiều nơi họ vẫn không thể rời xa bản làng của họ. Hơn nữa, ví dụ như ở miền Trung chẳng hạn, khi có dự báo lũ cảnh báo không được ra đường, hay sử dụng các phương tiện giao thông, phải tuân thủ các hướng dẫn tuy nhiên người dân vẫn sử dụng các phương tiện như xe máy, ô tô, xe đò,… những cái đó nằm ngoài tầm kiểm soát.

Ảnh hưởng từ đập thủy điện

VIETNAM-WEATHER-FLOODS

Quảng Bình ngập lụt nặng hôm 17/10/2016. AFP photo

Những năm gần đây Việt Nam cho tiến hành xây dựng nhiều dự án đập thủy điện. Giới chuyên gia về môi trường đã nhiều lần cảnh báo về tác động của những đập thủy điện này lên môi trường cũng như làm trầm trọng thêm hậu quả của thiên tai.

Luật sư Ngô Ngọc Trai đã có lần phân tích : Nếu không có đập thủy điện thì khi mưa xuống nước sẽ chảy thành dòng theo các lòng trũng khe suối chảy dần ra sông, ra biển. Nhưng khi có đập thủy điện thì nó ngăn dòng nước lại tạo thành một khối nước lớn ở vị trí cao, đến khi nước đầy thì đập xả nước tạo thành dòng chảy mạnh. Dòng chảy này cộng với lượng nước mưa đã chảy thành dòng ở phía dưới đập, hợp lại tạo thành lưu lượng nước lớn gây lũ khiến người dân không kịp trở tay vì lũ về nhanh quá.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan cũng nhận định thêm về ảnh hưởng của đập thủy điện trong hệ quả thiên tai năm ngoái :

Những đập thủy điện cỡ lớn cỡ vừa khi mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung sợ vỡ đập vỡ đê, đó mới là những điều nguy hiểm. Cho nên nhà nước bây giờ cũng nhận thức rõ nên cần hạn chế những thủy điện cỡ nhỏ để bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và tránh xả lũ bất ngờ gây thiệt hại, thương vong cho người dân.

Cũng tại Hội nghị về phòng chống thiên tai, các ban lãnh đạo các ngành đã cùng nhau đưa ra những phương án phòng chống, cứu trợ cho năm 2017. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, chuyện giảm thiểu hậu quả thiên tai không thể thực hiện được một sớm một chiều, có kết quả ngay trong năm 2017. Ông cho biết hiện tại Nhà nước đang bắt đầu kế hoạch đầu tư hơn vào cơ sở khoa học kỹ thuật dự báo tiên tiến, đang xem xét lại các dự án đập thủy điện, và thay đổi sinh kế cho người dân ở những vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, đây là những dự án dài hạn, đòi hỏi nhiều thời gian và hoạch định cụ thể cũng như nguồn vốn đầu tư cao.

Lan Hương, phóng viên RFA

Published in Việt Nam