Vào ngày thứ Sáu 26 tháng 5 đại diện Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ (NSC) có cuộc gặp với một số nhà hoạt động thuộc các tổ chức chính trị người Mỹ gốc Việt trước khi thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ và sẽ được tổng thống Donald Trump tiếp kiến. Nội dung chính trong cuộc gặp là gì ?
Vào ngày thứ Sáu 26 tháng 5 đại diện Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ (NSC) có cuộc gặp với một số nhà hoạt động thuộc các tổ chức chính trị người Mỹ gốc Việt trước khi thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ. Courtesy FB Hoàng Tứ Duy
Chủ trì cuộc gặp tại Nhà Trắng là ông Mark Pottinger, cố vấn cao cấp của tổng thống Trump về Châu Á Sự Vụ trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Phía được mời có 5 người Việt và một đại diện của Amnesty International Ân Xá Quốc Tế. Đây là những cá nhân hoặc tổ chức ở Mỹ thường có những hoạt động liên quan đến các vấn đề tôn giáo, nhân quyền, chính trị và tự do dân chủ cho Việt Nam.
Chia sẻ với đài Á Châu Tự Do khi cuộc họp kết thúc, anh Nguyễn Văn Thống, người từng tham gia nhóm sinh viên Công Giáo thuộc Giáo phận Vinh cũng như lên tiếng đòi tự do tôn giáo tại những nơi như Tam Tòa, Thái Hà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, cho biết :
Trong cuộc gặp tôi đã trình bày 3 vấn đề, thứ nhất là thảm họa môi trường do Formosa gây nên, thứ hai là Giáo xứ Đông Yên đang bị bách hại, thứ ba là việc 2 linh mục Đăng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đang bị nhà cầm quyền sách nhiễu cũng như tổ chức các cuộc biểu tình nhằm đe dọa 2 linh mục này. Ông Matk Pottinger nói chính quyền của tổng thống Donald Trump hết sức quan tâm về tự do tôn giáo và nhân quyền trước khi bang giao với các quốc gia về kinh tế và thương mại cũng như các lãnh vực khác.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS Cứu Người Vượt Biển, trình bày những điểm mà ông được cơ hội đề nghị với vị cố vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia trong cuộc họp trước ngày thủ tướng Việt Nam tới Mỹ :
Tất cả chúng tôi đều nêu những vấn đề dân chủ, nhân quyền, riêng chúng tôi thì tập trung vấn đề tự do tôn giáo bởi chúng tôi biết hành pháp Trump rất chú trọng đến tự do tôn giáo. Chúng tôi có đưa cho ông Mark Pottinger danh sách gần 100 tù nhân tôn giáo để yêu cầu hành pháp Trump đưa trực tiếp cho ông Nguyễn Xuân Phúc hoặc các giới chức cao cấp của pháo đoàn Việt Nam, yêu cầu phải cứu xét những trường hợp này.
Thứ hai, chúng tôi nêu lên tình trạng của Giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng, nêu quan ngại về thượng đỉnh APEC tháng Mười Một này mà tổng thống Trump sẽ tham gia, thì phần lớn các sinh hoạt của thượng đinh này sẽ diễn ra tại một khu nghỉ mát 5 sao của tập đoàn Mặt Trời là công ty đã lấy đất của Cồn Dầu, xé nhỏ ra và bán cho những nhà đầu tư tư nhân với ước lượng 1 tỳ 200 triệu Mỹ kim. Chúng tôi kêu gọi tổng thống Trump phải nêu lên. Ngoài ra chẳng hạn luật Magnitsky toàn cầu nên áp dụng như thế nào thì tổng thống Trump nên giải thích cho ông Phúc biết.
Cuộc gặp ngày thứ Sáu là phiên họp mà người tham dự có cảm giác được lắng nghe, được cơ hội trao đổi để có thể tin rằng nguyện vọng của mình được đáp ứng và được đề đạt lên tổng thống, là ý kiến của bác sĩ Thể Bình, chủ tịch Vietnam For Progress, tổ chức vận động và tranh đấu chống thảm họa môi trường do Formosa gây ra :
Đại diện cho Vietnam For Progress chúng tôi trình bày một số vấn đề như Việt Nam cần có chính sách rõ ràng để thay đổi chính trị, xã hội, thí dụ những xã hội dân sự, những quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do sử dụng Internet vì đó là những điều căn bản để xây dụng đất nước Việt Nam cho ngày mai.
Song song với đó thì chúng tôi hiểu được rằng tổng thống Trump rất quan ngại về vấn đề vi phạm nhân quyền nên chúng tôi muốn lồng vấn đề vài khung cảnh những gì đem lại lợi ích cho hai bên cùng có lợi nhưng đều phải trong khuôn khổ là tôn trọng nhân quyền, không thể để vấn đề business lên trên vấn đề nhân quyền.
Hơn thế nữa, chúng tôi cũng nhắc đến vấn đề quan trọng nữa là Biển Đông, nêu một số lợi điểm để chính quyền Việt Nam cũng như chính quyền của tổng thống Trump có thể làm việc trong chiều hướng bảo vệ quyền lợi cho Việt Nam trong vùng Biển Đông này. Buôn bán, thương mại, đầu tư hoặc quốc phòng như thế nào thì nhân quyền của con người vẫn phải được bảo đảm. Buổi nói chuyện rất cởi mở, rất nhiều câu gỏi được đặt ra từ phía Nhà Trắng và phía Bộ Ngoại Giao.
Cũng như bác sĩ Thể Bình, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói ông đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp gỡ hôm thứ Sáu mà ông gọi là rất xây dựng :
Ông Mark Pottinger là người đã có kinh nghiệm về vấn đề nhân quyền, cho biết rằng có cuộc họp bàn tròn bởi vì ông muốn biết ý kiến, quan điểm cũng như một số các đề nghị thực tế từ phía những người chuyên theo dõi vấn đề nhân quyền của Việt Nam để đệ trình lên cho tổng thống Trump trước khi tổng thống tiếp xúc với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Ngoài kinh nghiệm đấu tranh về nhân quyền, ông Mark Pottinger từng là một ký giả độc lập, từng bị Trung Quốc bắt giam khi đang phanh phui một vụ án tham những lớn bên Hoa Lục trước đây.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
******************
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ gặp các nhà tranh đấu ở Sài Gòn (VOA, 26/05/2017)
Một đoàn các nhà ngoại giao Hoa Kỳ do Trợ lý Ngoại trưởng Virginia Bennett dẫn đầu đã gặp các nhà tranh đấu tại Sài Gòn tối 24/5, một ngày sau cuộc Đối thoại nhân quyền Việt–Mỹ tại Hà Nội.
Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ do Trợ lý Ngoại trưởng Virginia Bennett (thứ ba, bên phải) dẫn đầu gặp gỡ các nhà tranh đấu Việt Nam tại Sài Gòn, ngày 24/5. (Facebook Huỳnh Thục Vy)
Blogger Huỳnh Thục Vy cho VOA biết mục đích của cuộc gặp :
"Họ đến nghe trình bày các hoạt động của chúng tôi, tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, và những phương cách hiệu quả để phát triển hoạt động của xã hội dân sự, hoạt động bảo vệ nhân quyền, và công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt Nam".
Blogger Thục Vy, từ Đăk Lăk, nói chị có cơ hội trình bày với đoàn về các trường hợp phụ nữ tranh đấu cho nhân quyền bị chính quyền sách nhiễu :
"Tôi trình bày về những người phụ nữ trong cộng đồng bị ngược đãi ở Việt Nam, như cộng đồng người Montagnard, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, hay cộng đồng phụ nữ bất đồng chính kiến đang bị sách nhiễu tại Việt Nam. Những thành viên cốt lõi của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đang bị cấm xuất cảnh. Bà Bennett có nói đến việc chúng ta nên dùng các cơ chế của địa phương để giải quyết vấn đề địa phương".
Chị Thục Vy cho biết bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà tranh đấu được nhiều người biết tiếng, bị công an chặn, không đến được, trong khi một số người khác phải rời nhà trước vài hôm mới có thể có mặt trong cuộc họp mặt này.
"Các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam thì có anh Phạm Bá Hải, anh Lê Công Định, anh Phạm Chí Dũng, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Huỳnh Thục Vy, và hai vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyển, nhưng bác sĩ Quế không có mặt vì bị chặn không cho ra khỏi nhà. Vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyển phải rời nơi ở của họ ở Sài Gòn cách đó 3 ngày, đi trốn, rồi mới đến cuộc gặp được. Anh Phạm Bá Hải cũng phải đi trốn một ngày trước cuộc gặp".
Thông cáo hôm 25/5 của Hội Tù nhân Lương tâm Việt Nam cho biết các chủ đề được trao đổi trong cuộc gặp hầu hết đều xoay quanh các quyền tự do căn bản đang bị tước đoạt tại Việt Nam.
Ông Phạm Bá Hải, đại diện của Hội, nêu lên với đoàn vụ ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa xả độc gây ra. Trong vụ việc kéo dài hơn một năm qua, không có tiến triển đáng kể nào để đền bù thiệt hại cho ngư dân bị tác động, và cũng không có biện pháp cải tạo môi trường biển nào đáng nói.
Trong khi đó nhiều người đưa tin về vụ ô nhiễm Formosa tiếp tục bị truy bức. Ông Hải nói "xử lý hình sự những người làm truyền thông như anh Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Đức Bình, và truy nã anh Bạch Hồng Quyền chỉ làm người dân càng thêm phẫn uất".
Thông cáo cho biết luật sư Lê Công Định có nêu trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, đã thụ án hơn phân nửa bản án tù, và kêu gọi chính phủ Mỹ tăng sức ép để Việt Nam sớm thả ông Thức.
Ông Phạm Chí Dũng nhận định về tình hình bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ từ cuối thời Obama đến đầu thời Trump và đề xuất đã đến lúc Hoa Kỳ cần đặt nặng gấp đôi vấn đề tôn trọng nhân quyền trong các hiệp ước thương mại với Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tháng 5/2016.
Cũng theo thông cáo trên, bà Virginia Bennett cho biết phái đoàn Mỹ đã đưa "một số vấn đề nhân quyền quan trọng lên bàn đối thoại tại Hà Nội, như quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng... Hoa Kỳ tiếp tục kỳ vọng vào việc cải cách hệ thống luật pháp Việt Nam theo hướng tôn trọng các quyền căn bản của con người"
Bà nói khó có thể kết luận rằng cuộc đối thoại thành công hay thất bại, nhưng phía Việt Nam có vẻ lắng nghe và quan tâm.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo nói rằng vòng Đối thoại Nhân quyền lần thứ 21 do Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Virginia Bennett dẫn đầu cùng phía đối tác Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao, đã diễn ra ở Hà Nội vào ngày 23/5.
Nhà hoạt động vì dân chủ Phạm Đoan Trang ở Hà Nội khuya hôm 23/5 nói với VOA-Việt ngữ rằng chị "không đặt nhiều hy vọng vào cuộc đối thoại" trong bối cảnh Hoa Kỳ có chính quyền mới, mà đứng đầu là một tổng thống cho đến nay chỉ có vài phát biểu hiếm hoi về nhân quyền.
Chị Đoan Trang cũng được mời tham dự cuộc gặp với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Hà Nội trước ngày diễn ra cuộc đối thoại, nhưng chị bị an ninh chặn không cho ra khỏi nhà. Chị cho VOA - Việt ngữ biết tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng bị "ngăn cản thô bạo" vào tối hôm 22/5.
Không thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam và truyền thông trong nước loan tin về cuộc đối thoại nhân quyền này.
**********************
Tòa phúc thẩm y án ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng (RFA, 26/05/2017)
Cựu trung tá quân đội Trần Anh Kim tại phiên tòa phúc thẩm 26/05/2017 (Ảnh minh họa) - AFP
Tòa phúc thẩm hôm nay 26 tháng Năm, giữ y án 13 năm tù giam đối với cựu trung tá Trần Anh Kim và 12 năm tù giam đối với cựu chiến binh Lê Thanh Tùng mà tòa dưới đã tuyên hồi tháng 12 năm 2016.
Đây là hai nhà hoạt động bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Báo chí trong nước đưa tin là vụ xét xử diễn ra công khai theo đúng trình tự pháp luật, cả hai bị cáo đều có luật sư bào chữa.
Một trong các luật sư bào chữa cho hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng là luật sư Trần Thu Nam, sau phiên phúc thẩm cho Đài Á Châu Tự Do biết :
"Quan điểm của các luật sư tại phiên tòa cho rằng hai bị cáo Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng không có tội, đề nghị hủy án và đình chỉ tuy nhiên hội đồng xét xử đã không chấp nhận những quan điểm của luật sư cũng như không chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo và đã tuyên y bản án sơ thẩm".
Luật sư Trần Thu Nam còn cho biết thêm về qui trình tư pháp tại Việt Nam là theo nguyên tắc chỉ có hai cấp xét xử. Sau phiên phúc thẩm thì có hiệu lực ngay tuy nhiên bị cáo có quyền làm đơn khiếu nại bản án phúc thẩm này lên trên tòa án tối cao. Nếu tòa án tối cao ra quyết định kháng nghị thì họ sẽ xem xét lại bản án theo thủ tục giám phúc thẩm.
Tuy vậy theo luật sư Trần Thu Nam thì những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia rất khó vì theo tiền lệ chưa có vụ án nào được xem xét giám phúc thẩm cả.
Luật sư Trần Thu Nam cũng cho biết về phản ứng của gia đình hai người phải ra tòa trong ngày 26 tháng năm mà theo ông là rất điềm tĩnh sau khi tuyên án.
Xin được nhắc lại theo cáo trạng của Viên Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Thái Bình, ông Trần Anh Kim đã chấp hành xong án tù 5 năm 6 tháng và cả hình phạt quản chế 3 năm từ tháng giêng năm 2015. Đến tháng 2 năm 2015 ông có ý định thành lập tổ chức có tên "Lực Lượng Quốc Gia Dựng Cờ Dân Chủ" đưa lên Internet và liên hệ với ông Lê Thanh Tùng ở Hà Nội . Cáo trạng cho biết ông Lê Anh Kim giữ chức chủ tịch Lực Lượng Quốc Gia Dựng Cờ Dân Chủ, ông Lê Thanh Tùng là người phát ngôn của tổ chức.
Trong hai lần xét xử tòa cho rằng tội trạng của ông Trần Anh Kim và ông Lê Thanh Tùng là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia.
*********************
‘Không đủ căn cứ kết tội’ nhà hoạt động Trần Anh Kim (VOA, 26/05/2017)
Một tòa phúc thẩm hôm 26/5 đã y án, tuyên phạt hai nhà hoạt động Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng ở Thái Bình tổng cộng 25 năm tù giam, nhưng một luật sư nói rằng 'không đủ căn cứ kết tội'.
Ông Trần Anh Kim trong một phiên xử trước đây.
Từ Hà Nội, luật sư Trần Thu Nam, người bào chữa cho ông Trần Anh Kim, nói với VOA-Việt ngữ :
"Phiên tòa ngày hôm nay vẫn y án phiên sơ thẩm, ông Trần Anh Kim, 13 năm và ông Lê Thanh Tùng, 12 năm tù".
Như phiên sơ thẩm vào tháng 12 năm ngoái, ông Trần Anh Kim, 68 tuổi, và ông Lê Thanh Tùng 49 tuổi, bị xử lần lượt 13 năm và 12 năm tù giam về tội danh bị cáo buộc là "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo điều 79 của Bộ Luật hình sự.
Ngoài ra, mỗi người còn bị quản chế 4 năm ở địa phương, bị tước quyền bầu cử và ứng cử trong thời hạn 5 năm tính từ khi chấp hành xong bản án tù.
Luật sư Nam cho rằng "không có đủ căn cứ kết tội" các bị cáo :
"Chúng tôi gồm có 3 luật sư, tôi bào chữa cho ông Trần Anh Kim. Từ quan điểm của luật sư, chúng tôi cho rằng không đủ căn cứ kết tội. Các đề nghị của luật sư trong phần tranh luận như hủy án và ra quyết định đình chỉ vì các bị cáo không phạm tội, nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận những đề nghị đó".
Trước đây, ông Trần Anh Kim bị kết án 5 năm 6 tháng tù sau khi bị buộc tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", ông Lê Thanh Tùng bị kết án 4 năm về tội "tuyên truyền chống nhà nước".
Ông Kim ra tù mới được 8 tháng, ông Tùng ra tù 6 tháng thì bị bắt lại.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 19/12/2016 ra thông báo bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về bản án tổng cộng 25 năm tù giam dành cho hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng, mà đại sứ Ted Osisus gọi là "hai nhà hoạt động ôn hòa".
Theo cáo trạng, cựu trung tá Trần Anh Kim có ý tưởng thành lập tổ chức 'Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ', với thành viên nòng cốt là sĩ quan và hạ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Việt Nam Cộng hòa, có mục đích lật đổ chế độ hiện nay để thành lập một nhà nước dân chủ.
Ông Kim tự xưng là chủ tịch của lực lượng và đề cử ông Lê Thanh Tùng, cũng là một cựu sĩ quan quân đội, làm phát ngôn viên. Hai ông chưa kịp cho ra mắt tổ chức này thì bị công an Việt Nam bắt hôm 21/9/2015.
Trong tuyên bố trên trang web sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại sứ Mỹ nói tất cả mọi người cần được hưởng quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội. Ông chỉ ra rằng "Xu hướng gần đây bắt giữ và kết tội các nhà hoạt động ôn hòa là "đáng lo ngại và "đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về vấn đề nhân quyền".
Đại sứ Osius nhấn mạnh : "Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình mà không sợ bị trừng phạt".
Ông Trần Anh Kim từng phục vụ trong quân đội trong hơn 30 năm. Lần trước ông bị bắt vào năm 2009 vì vai trò của ông trong hai tổ chức bị nhà cầm quyền Việt Nam cho là "phản động và bất hợp pháp", là Đảng Dân Chủ Việt Nam và Khối 8406.
An ninh nghiêm ngặt bên ngoài biên tòa trước đây xử ông Trần Anh Kim ở tỉnh Thái Bình.
Ông Kim bị tòa án Thái Bình kết án 5 năm 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế vào ngày 28/12/2009.Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA- Việt ngữ sau khi ông Kim bị bắt, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà hoạt động tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam, nói ông Trần Anh Kim bị bắt vì đã lập ra một tổ chức quy tụ một số quân nhân của cả hai miền Nam, Bắc mang tên là "Quân nhân Dựng cờ Dân chủ", trong khi làm như vậy không có gì là sai trái.
Các chính phủ và tổ chức quốc tế đã nhiều lần lên án Việt Nam vì đã dùng các điều khoản 79 và 88 của Bộ Luật Hình sự để kết án những người bất đồng chính kiến. Cộng đồng quốc tế kêu gọi Hà Nội hủy bỏ những điều luật mà theo họ, "vi phạm nhân quyền", không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hà Nội từ trước tới nay vẫn một mực khẳng định chỉ trừng phạt những người phạm pháp, chứ không hề bỏ tù ai vì bất đồng chính kiến.