Nụ cười lồ lộ hy vọng của Đinh La Thăng khi ngồi trong xe công an đã tắt hẳn. Bước khỏi phòng xử vào ngày 22/1/2018, gương mặt Đinh La Thăng dại đi. So với mức án đề nghị của Viện Kiểm sát tối cao, ông Thăng chỉ được giảm có 1 năm tù. Còn Trịnh Xuân Thanh "đen" hơn : giữ nguyên chung thân !
Ảnh : Tuổi Trẻ
Rốt cuộc, màn khóc lóc như mưa gió của hai cựu quan chức này đã chẳng làm cho Tổng bí thư Trọng mủi lòng. Cũng đã rõ là "lời sau cùng" tại phiên tòa xử "Thăng – Thanh" đã như một tín hiệu quá xấu : trong khi Đinh La Thăng tha thiết nguyện vọng "muốn được về nhà ăn cái tết cuối cùng với gia đình trước khi chấp hành án", thì Trịnh Xuân Thanh còn đi xa hơn nhiều : "xin sang Đức để chăm sóc vợ con", cho thấy tâm lý cả hai đều rơi vào tình trạng hoảng loạn.
Giờ đây khi ngẫm lại, chắc chắn Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã không hề muốn bày tỏ nguyện vọng "về nhà ăn tết" và "sang Đức với con" trong lời cuối cùng trước tòa, bởi hai cựu quan chức này đã hiểu ra một "chân lý" : họ phải "hy sinh" !
"Thăng – Thanh" là phiên tòa đầu tiên của Tổng bí thư Trọng nhắm đến kể từ khi ông quyết định tiến sang giai đoạn 2 của chiến dịch được xem là "chống tham nhũng", tính từ tháng 11/2017 và sau một cuộc gặp có thể đặc biệt quan trọng với Tập Cận Bình ở Hà Nội.
"Đường đi" của Tổng bí thư Trọng lại đang có nhiều nét khá tương đồng với giai đoạn khởi động của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Một khởi sự mang tính then chốt và quyết định cho cả vận mệnh của chiến dịch này là trong hai năm 2012 và 2013, Tập đã mạnh tay "xử" Bạc Hy Lai – ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Trùng Khánh – không chỉ khởi tố bắt giam mà còn giáng mức án đến chung thân.
Đinh La Thăng đang có nhiều triển vọng trở thành Bạc Hy Lai Việt Nam. Còn Trịnh Xuân Thanh lại gắn liền với số phận của Đinh La Thăng. Một logic thật đơn giản mà cả Thăng lẫn Thanh, có thể do bị tạm giam mà không biết được thông tin và dư luận ở bên ngoài, là nếu ông Trọng không "trảm" Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, chiến dịch "chống tham nhũng" của ông ta sẽ lập tức có nguy cơ tự chết và Nguyễn Phú Trọng sẽ không còn cơ hội nào để trở thành Tập Cận Bình ở Việt Nam.
Đó chính là lý do khiến Nguyễn Phú Trọng rút ngắn đến mức có thể quy trình tố tụng hình sự đối với Đinh La Thăng : nhân vật được xem là "Bạc Hy Lai Việt Nam" này chỉ mất tròn một tháng từ lúc bắt cho đến lúc ra tòa, và từ lúc còn đang là Phó trưởng ban Kinh tế trung ương đến khi phải nhận một bản án tù nặng nề chỉ có một tháng rưỡi – một thời gian được rút ngắn hơn rất nhiều so với thời gian bảy tháng rưỡi kể từ tháng 4/2017 khi ông Thăng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra về những hành vi sai phạm "rất nghiêm trọng" cho đến khi chính thức bị bắt.
Việc rút ngắn quy trình tố tụng hình sự như thế còn có tác dụng ngăn ngừa một ý đồ hoặc hành động "giải cứu Đinh La Thăng" từ bàn tay có thể của một "thái thượng hoàng" nào đó.
Vào năm 2012 và 2013 khi xử Bạc Hy Lai, Tập Cận Bình cũng đã thực hiện những biện pháp kiên quyết và rất độc đoán để chống lại sự can thiệp của một số cựu thần, đặc biệt của "phái Giang" (nhóm của cựu tông bí thư Giang Trạch Dân).
Còn khi xử Chu Vĩnh Khang – bộ trưởng công an vào thời đó, Tập Cận Bình có lẽ đã phải nhọc tâm và tốn nhiều công sức hơn. Viên tướng công an này – đã lên giường với 400 đàn bà – lại nắm quá nhiều hồ sơ về các vụ tham nhũng và ăn chơi trác táng của quá nhiều quan chức. Nghe nói chỉ riêng việc thiết lập các biện pháp bảo vệ để Chu Vĩnh Khang khỏi bị ám sát cũng đã trở thành một trọng tâm hàng đầu của ngành an ninh vào thời Tập.
Nếu Bạc Hy Lai và đặc biệt là Chu Vĩnh Khang có nhiều đầu dây mối nhợ dẫn đến nhiều quan chức khác ở Trung Quốc, trường hợp tương tự cũng có thễ diễn ra ở Việt Nam, liên quan đến Đinh La Thăng. Một khả năng về "ám sát Đinh La Thăng" là có thể xảy ra.
Việc Đinh La Thăng bị xử đến 13 năm tù giam chỉ với một tội danh "cố ý làm trái…" liên quan đến Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) phát đi một thông điệp cực kỳ quan trọng trên phương diện nội bộ đảng : ông Trọng đã dứt khoát làm theo "bài" của Tập Cận Bình, với "con hổ" đầu tiên là Đinh La Thăng.
Đinh La Thăng sẽ còn phải ra tòa ít nhất một lần nữa – vụ 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi vào Ngân hàng Đại Dương của Hà văn Thắm nhưng đã hoàn toàn biến mất. Trong vụ này, Đinh La Thăng có vẻ dính dáng khá sâu khi có ít nhất vài ba lần ra văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên gửi tiền vào Ngân hàng Đại Dương, và cũng có nhiều dư luận cho rằng Thăng đã chấm mút không nhỏ đối với số tiền 800 tỷ không cánh mà bay đó.
Nếu chứng cứ vụ "800 tỷ đồng" được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trưng ra không yếu ớt như vụ "119 tỷ đồng" vừa xử, Đinh La Thăng sẽ phải nhận thêm tội danh danh "chiếm đoạt tài sản…" cùng mức án có thể còn nặng nề hơn mức 13 năm vừa phải nhận. Để sau vụ "800 tỷ đồng", Đinh La Thăng có thể phải nhận tổng mức án lên đến 30 năm, nếu không nói là ngang bằng với mức án hiện tại của Trịnh Xuân Thanh – chung thân.
Giờ đây, ông Trọng đã thực sự "leo lên lưng cọp" và không còn có thể nhảy xuống để cọp quật ngược vồ lại mình. Cái thế "chịu chơi chơi tới cùng" của ông Trọng đang khiến những đối thủ – "nạn nhân" tiếp theo của ông, những người đã bị bắt và những kẻ chưa bị bắt – kinh hoàng.
Ở Trung Quốc, có một "tập quán" đã hình thành dưới thời Tập Cận Bình : một khi đã rơi vào tay Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương, không quan chức nào là không có tội, chỉ là nặng hay nhẹ mà thôi.
Năm 2018 "đẫm máu và nước mắt" đang bắt đầu như thế ở Việt Nam…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 22/01/2018
Nghiêm khắc nhưng chưa công minh
Ngay khi tin tức loan đi Viện kiểm sát Tòa án Nhân dân Hà Nội đề nghị 14 đến 15 năm tù giam cho ông Đinh La Thăng, với cáo buộc đã có hành vi phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Luật sư Phan Trung Hoài - bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng – trả lời phỏng vấn báo trong nước cho biết ông bất ngờ với bản luận tội của Viện kiểm sát vì có nhiều nội dung không giống với bản cáo trạng đã truy tố các bị cáo.
Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa ngày ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 8 tháng 1 năm 2018. AP
RFA có liên lạc với Luật sư Phan Trung Hoài nhưng ông gác máy khi chúng tôi vừa nêu câu hỏi.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng cho biết ông không trực tiếp tham gia vụ án, nhưng qua thông tin từ báo chí và kinh nghiệm chuyên môn, ông nhận thấy đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng xét theo căn cứ buộc tội.
Nhận định về mức án Viện Kiểm sát đề nghị đối với hai bị cáo là Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh, Luật sư Hoàng Hướng nói rằng trước tiên cần phải phân tích ra hành vi khách quan của từng bị cáo một với những vai trò khác nhau. Từ đó, ông có ý kiến :
"Với mức án đề nghị tôi cho là nó quá nghiêm khắc. Bởi vì qua quan sát của tôi đối với ông Đinh La Thăng, mức từ 14-15 năm tù, xét thấy qua những lời khai của ông ấy tại tòa thì để thực hiện việc điều hành ký hợp đồng tổng thầu nhiệt điện Thái Bình thì rõ ràng ông ấy có quyền chủ động. Tuy nhiên về mặt vốn và một số các hoạt động khác thì như ông ấy đã khai là hoàn toàn có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là Bộ Chính trị nữa. Theo quan điểm của tôi, điều này cần làm rõ. Nếu đúng như thế thì đó là những cái mang tính tương đối khách quan có thể giảm nhẹ hình phạt cho ổng".
Trong phiên tòa sáng ngày 9/1/2018, ông Đinh La Thăng khẳng định với Hội đồng xét xử rằng : Chỉ định thầu "do chủ trương của Bộ Chính trị".
Với kinh nghiệm 8 năm làm hội thẩm, nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng phiên tòa chưa thật sư công minh. Ông đặt câu hỏi :
"Cái người lớn nhất, tập thể hay cá nhân cao nhất trong việc này tại sao không ra hầu tòa ?"
Đối với ông Trịnh Xuân Thanh, luật sư Hoàng Văn Hướng đề cập đến 1 chi tiết để lý giải vì sao khung hình phạt Viện kiểm sát đề ra là mức án chung thân, theo nhận xét khách quan của ông, nó liên quan đến cuộc chạy trốn từng gây xôn xao dư luận của ông Trịnh Xuân Thanh.
"Hành vi phạm tội thì đã nhận, nhưng với việc ông ấy trốn tránh, từ việc nọ tạo ra việc kia gây ra khủng hoảng về ngoại giao. Thứ ba nữa là nhà nước và chính phủ đang phát động phong trào chống tham nhũng nên việc áp dụng pháp luật phải nghiêm để có tính chất răn đe".
Đầu tháng 12 vừa qua, khi ông Đinh La Thăng bị bắt tạm giam để điều tra về việc làm thất thoát tài sản tại Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự đã từng khẳng định "Đây chỉ là cuộc thanh trừng nội bộ".
Thì bây giờ khi ông Đinh La Thăng nhận mức án đề nghị 14 đến 15 năm tù giam và ông Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án chung thân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A vẫn giữ nguyên quan điểm đó và nói thêm rằng, đây là "phiên tòa biểu diễn với bản án đã định sẵn".
"Tôi nghĩ rằng người ta đã định trước hết rồi. Nếu đưa thấp quá thì khó mà nặng quá thì cũng khó. Với ông Trịnh Xuân Thanh, tội cố ý làm trái thì cũng là chục năm thôi. Nhưng nhận hối lộ, tham nhũng thì chuyện phải lên đến tử hình, mà tử hình thì khó ăn khó nói với Đức, nên đề ra chung thân.
Còn ông Thăng thì đặt ra mười mấy năm về tội cố ý làm trái. Thật sự nếu khui ra những chuyện khác thì sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Nhưng lúc đó thì lại đụng đến quá nhiều người khác nữa".
Tuy thế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chưa thể khẳng định mức án đề nghị của Viện kiểm sát sẽ là mức án cuối cùng dành cho các bị cáo.
Một nhận định khác của nhà văn Võ Văn Tạo cho thấy các cáo buộc do Viện kiểm sát đưa ra về phía ông Đinh La Thăng là chưa có sự công bằng. Ông nói :
"Việc truy tố ông Đinh La Thăng ở mỗi tội cố ý làm trái gây hiệu quả nghiêm trọng là không đúng, không công bằng và không chính xác. Tôi tin chắc là cơ quan pháp luật đã bỏ lọt 2 tội là nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản".
Quan sát phản ứng của dư luận và các nhà quan sát, chúng tôi thấy luật sư Trần Vũ Hải có ý kiến đối lập với nhà báo Võ Văn Tạo. Trên trang cá nhân của mình, luật sư Trần Vũ Hải đưa ra quan điểm của ông và chúng tôi xin trích dẫn lại ở đây :
"Theo ông Đinh La Thăng, việc chỉ định cho PVC làm tổng thầu để khẩn trương thực hiện dự án, được Thủ tướng đồng ý từ 2009 và phù hợp Kết luận 41 năm 2006 của Bộ Chính Trị về Chiến Lược phát triển Tập đoàn Dầu khí (đa ngành).
Mặt khác, kết luận giám định thiệt hại 119 tỷ của giám định viên là xác định trên cơ sở tính số tiền lãi tạm ứng 1115 tỷ đồng này bị PVC chiếm dụng, trong khi hầu hết khoản tiền gốc được coi đã thu hồi. Kết luận này gây tranh cãi…
Khi nói đến câu chuyện kinh doanh, lỗ lãi, cần nhìn tổng thể, không thể đơn giản cắt khúc như Kết luận Giám định.
Cá nhân tôi cho rằng, ông Đinh La Thăng và các đồng sự liên quan bị oan, trong vụ án này !"
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng đã làm doanh nghiệp, thì có lúc được, lúc không.
"Nếu làm cặn kẽ ra thì còn nhiều thứ lắm. Chuyện cố ý làm trái thì có ông pháp doanh nào mà không làm trái ? Bản thân qui định của nó đã là như vậy. Doanh nghiệp là doanh nghiệp. Có lúc lỗ, có lúc được. Nếu ăn cắp hay biển thủ thì nó rành rành. Còn cố ý làm trái để thất thoát thì tôi nghĩ là còn có những cái thất thoát gọi là gấp hàng chục lần".
Hiểu một cách gián tiếp và theo dõi mạng xã hội, có thể thấy quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng là phản ứng của một số không nhỏ dư luận về mức án dành đề nghị trong vụ Thăng – Thanh, đặc biệt là đối với ông Đinh La Thăng. Điều này được Luật sư Hoàng Văn Hướng nhắc đến bằng cách phân tích các điểm có thể xem là tình tiết giảm nhẹ, đó là thành tích của ông Đinh La Thăng trong thời gian tại vị.
"Ấn tượng nhất là giai đoạn ổng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông thì bộ mặt giao thông của Việt Nam thay đổi hẳn. Giai đoạn thứ hai dù có 1 năm ở Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò Bí thư thành uỷ, tất cả hiện tượng xã hội như cướp giật…đều có chuyển biến, cả thành phố hoạt động, chuyển mình".
Mức án đề nghị đối với hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có phải là mức án cuối cùng hay chưa ? Câu trả lời chỉ được tiết lộ khi phiên tòa kết thúc. Cũng cần phải nói thêm, là chiều tối cùng ngày Viện kiểm sát đưa ra mức án, tờ báo mạng Vietnamnet đã đăng tải bài viết mang nội dung đi ngược lại lời khai trước tòa của ông Đinh La Thăng, bài viết có tên "Thực hư thông tin Bộ Chính trị chỉ đạo chỉ định thầu nhà máy nhiệt điện", trong đó có đoạn viết và chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn : "Có thể thấy rõ, văn bản Kết luận số 41 của Bộ Chính trị ngày 19/1/2006 không có nội dung chỉ đạo xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 ; và càng không có chỉ đạo chỉ định thầu đối với công trình này".
********************
Đề nghị án chung thân trong đại án Thăng - Thanh (VOA, 11/01/2018)
Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội hôm 10/1 đề nghị mức án 14-15 năm tù cho ông Đinh La Thăng và án tù chung thân cho ông Trịnh Xuân Thanh trong đại án tham nhũng xét xử 22 cựu quan chức ngành dầu khí.
Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (trái) và cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, Trịnh Xuân Thanh, trong phiên tòa xét xử đang diễn ra tại Hà Nội. Ông Thăng bị đề nghị mức án 15 năm tù trong khi ông Thanh bị đề nghị án chung thân.
Ông Thăng, cựu Ủy viên Bộ chính trị, bị cáo buộc về tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong khi ông Thanh nhận bản án tù cao nhất về hai tội tham ô và cố ý làm trái.
Tuy nhiên cả ông Thăng, cựu Chủ tịch tập đoàn dầu khí PetroVietnam, và ông Thanh, người từng được coi là thuộc hạ thân tín của ông Thăng, đều phủ nhận những cáo buộc trên.
Những bị cáo còn lại, phần lớn là các cựu quan chức cao cấp của tập đoàn PetroVietnam (PVN) bị đề nghị các mức án tới 28 năm tù.
Về cáo buộc gây thiệt hại hơn trăm tỷ đồng khi cho Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí PVC thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng khai rằng những việc ông làm là theo "chủ trương của Bộ Chính trị" được Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng "chấp thuận trong một phiên xử hôm 9/1.
Ông Thanh, người mà chính quyền Việt Nam nói đã tự trở về đầu thú sau một thời gian trốn ra khỏi nước, bị đề nghị mức án 13/14 năm tù về tội cố ý làm trái, và tù chung thân về tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung cho người từng là chủ tịch PVC và sau đó là phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, là tù chung thân.
Trao đổi với VOA về đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, luật sư người Đức của ông Trịnh Xuân Thanh nhận xét : "Mức án tù chung thân nghe có vẻ đỡ hơn là tử hình".
"Nhưng thân chủ của tôi đã bác bỏ những cáo buộc đó và tôi tin rằng mục đích buộc (ông Thanh) nhận tội đã được khẳng định trước khi quy trình tố tụng bắt đầu", theo bà Schlagenhauf.
Luật sư người Đức bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam vài ngày trước khi phiên tòa xét xử ông Thanh bắt đầu tại Hà Nội hôm 8/1.
Trước đây bà Schalgenhauf và truyền thông Đức nhận định "án chung thân là rõ ràng đối với ông Thanh" trong một phiên tòa mà bà cho là "không công bằng".
Phiên tòa xét xử các cựu quan chức dầu khí dự kiến kéo dài trong 2 tuần.
Việc xét xử ông Thăng, một Ủy viên Bộ chính trị đầu tiên bị đưa ra tòa trong nhiều thập kỷ qua, và hàng chục quan chức cao cấp trong một phiên tòa được coi là lớn nhất từ trước tới nay, theo luật sư Lê Khả Thành, một người có nhiều năm xét xử các vụ án tham nhũng ở Việt Nam.
PetroVietnam và ngành ngân hàng là tiêu điểm trong cuộc chiến chống tham nhũng lớn chưa từng có từ trước tới nay được người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát động.
Luật sư Lê Khả Thành cho rằng đây với phiên tòa này, cuộc chiến chống tham nhũng "không có vùng cấm" như cam kết của Tổng bí thư Trọng, đang trở thành hiện thực.
Trên danh sách về chỉ số tham nhũng của các quốc gia năm 2016 do tổ chức Transparency International công bố, Việt Nam xếp hạng 113 trên 176.
**********************
Việt Nam : Ông Đinh La Thăng bị đề nghị mức án 14-15 năm tù (RFI, 11/01/2018)
Theo AP và Reuters hôm nay 11/01/2018, Viện Kiểm Sát đã đề nghị các bản án tù nặng nề trong vụ án tham nhũng lớn đang xét xử tại Hà Nội. Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù giam, và án chung thân đối với cựu chủ tịch Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) Trịnh Xuân Thanh.
Cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa ở Hà Nội ngày 08/01/2018. VNA/Doan Tan via Reuters
Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị đưa ra tòa, đã bị loại khỏi cơ quan quyền lực này và cách chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, do những thiệt hại tại PetroVietnam trong thời kỳ ông làm lãnh đạo. Ông bị cáo buộc "cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng", và Viện Kiểm Sát đề nghị mức án 14-15 năm tù.
Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch PVC cũng bị cáo buộc tội danh trên, thêm tội tham ô tài sản gây thiệt hại trên 150 triệu đô la, với tổng mức hình phạt là chung thân. Hôm thứ Ba 09/01, ông Thanh đã bác bỏ lời khai của các nhân chứng, cho biết ông nhận một túi xách đựng tiền hối lộ. Đức tố cáo Hà Nội đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trong một công viên ở Berlin và đưa về Việt Nam để xét xử.
Phiên tòa xử hai quan chức cao cấp trên cùng với 20 bị cáo khác, được giữ an ninh nghiêm ngặt, sẽ kết thúc vào ngày 21/01. Vụ xử án này nằm trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng được tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh, đặc biệt trong lãnh vực năng lượng và ngân hàng.
Trong bản tin hôm qua, Reuters dẫn báo chí trong nước cho biết ông Đinh La Thăng đã khai trước tòa rằng việc chỉ định PVC làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là theo quyết định của thủ tướng Chính phủ và của Bộ Chính Trị - mà lúc đó ông chưa phải là ủy viên.
Tuy nhiên RFI ghi nhận các tựa đề bài báo trong nước có liên quan đến Bộ Chính Trị nay đã bị thay đổi. Hãng tin Anh không liên lạc được với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thụy My
******************
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù (BBC, 11/01/2018)
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội sáng 11/1 đã đề nghị mức án cho ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh.
Sau bốn ngày xét xử, ông Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái, còn ông Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân về hai tội tham ô và cố ý làm trái.
Ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa. Ảnh chụp hôm 8/1/2018.
Truyền thông trong nước cho hay ông Đinh La Thăng không thừa nhận tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước", mà chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu.
Còn theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng được xác định là người có vai trò quan trọng và quyết định trong việc xảy ra sai phạm tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Viện kiểm sát luận tội ông Đinh La Thăng giao cho Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi PVC đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Phiên tòa nói ông Thăng chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng và tạm ứng sai, dẫn đến hơn một nghìn tỷ đồng bị sử dụng sai mục đích.
"Ông Thăng mới chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu, gây sức ép tiến độ gói thầu mà chưa nhận ra việc làm trái pháp luật của mình nên cần có hình phạt nghiêm", báo Việt Nam Express dẫn lời đại diện Viện Kiểm sát.
Ông Thăng đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu PVN, có "nôn nóng, quyết liệt ép tiến độ" khi năng lực của các công ty con còn hạn chế, để xảy ra thiệt hại tại PVN.
Tuy nhiên, ông trình bày : "bản thân bị cáo cũng chịu áp lực của người đứng đầu PVN trong việc triển khai các dự án lớn liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng của quốc gia nên còn có những sai sót. Bị cáo xin HĐXX đánh giá lại toàn bộ vụ án để xem xét trách nhiệm cho bị cáo và các bị cáo cấp dưới", theo báo Tuổi trẻ.
Về phần ông Trịnh Xuân Thanh, ông bị đề nghị mức án chung thân cho cả hai tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 và Tham ô tài sản theo điều 278 Bộ luật Hình sự 1999.
Cơ quan công tố đánh giá ông Thanh phạm hai tội đều đặc biệt nghiêm trọng. Tòa cũng nói ông còn bỏ trốn và quanh co chối tội trong quá trình điều tra nên cần "trừng trị nghiêm". Tuy nhiên, ông Thanh có tình tiết giảm nhẹ là khắc phục thiệt hại được hai tỷ đồng.
"Hành vi của các bị cáo mang tính lợi ích nhóm, làm đội vốn hàng trăm triệu USD, là tiền đề cho tham nhũng, lãng phí xảy ra tại PVN... Nhiều người vì thế mà tha hóa biến chất", Việt Nam Express dẫn lời bản luận tội.
Với tội "cố ý làm trái", ông Trịnh Xuân Thanh nhận mình đã sử dụng tiền được ứng sai mục đích khi nhận về thêm 5 công ty con của PVC mắc nhiều nợ nần.
Tuy nhiên ông không nhận tội "tham ô tài sản". Ông nói mình không tham ô 4 tỉ đồng.
Ông Thanh nói vào ngày xảy sự việc nhận 4 tỉ đồng, ông Thanh vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác nên lời khai của nhân chứng nói ông nhận tiền là không chính xác.
Tóm tắt cáo trạng vụ án Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) :
Cáo trạng truy tố tập trung vào trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao cho PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Viện kiểm sát nói ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, vào năm 2011 có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Ông Thăng bị cáo buộc sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, bị cáo buộc chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng.
Cáo trạng nói Trịnh Xuân Thanh đã quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 119 tỷ đồng.