Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Đảng viên vô cảm với dân" sẽ bị kỷ luật ?

RFA, 07/12/2022

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 05 thực hiện một số điều trong Quy định số 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Theo đó, đảng viên quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương; cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân cũng sẽ bị kỷ luật.

coche1

Công nhân dựng tấm biển chào mừng Đại hội Đảng 13 ở Hà Nội hôm 12/1/2021 - Reuters

Tháng 10 năm ngoái, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, trong đó có nhấn mạnh "Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng".

Nhiều người cho rằng, những điều nêu trên thật khó mà kỷ luật vì không thể cân, đo, đong, đếm. Một cựu đảng viên ở Hà Nội không muốn nêu tên nói với RFA sáng 7/12:

"Tiêu chuẩn thế nào là vô cảm, thờ ơ? Nghe như thế có thể thấy đây là một quy định rất cảm tính, không lượng hóa được. Nó chung chung như thế thì nói thế nào cũng được.

Ngay từ gốc thì tổ chức Đảng - tổ chức được coi là cao nhất cai trị cả một đất nước - lại không có luật về Đảng thì tất cả những quy định liên quan cũng chẳng có tiêu chuẩn nào để đánh giá. Muốn nó tròn thì nó tròn, muốn nó méo thì nó méo.

Còn muốn đảng viên không quan liêu, xa rời quần chúng thì cho người dân một kênh để phát biểu những ý kiến, những góp ý với chính phủ đi. Có thể qua truyền thông hoặc qua báo chí độc lập không bị kiểm soát bởi Ban tuyên giáo. Như thế thì ngay cả những người dân lao động bình thường cũng có thể phản ánh nguyện vọng của người ta tới Ban bí thư, tới Đảng và tới Chính phủ.

Theo tôi, người ra quy định này một là dốt, hai là cố tình ra quy định cảm tính như thế để làm vũ khí triệt hạ lẫn nhau".

Cũng cùng ý kiến với vị cựu đảng viên trên, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông về vấn đề này:

"Muốn Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, dựa vào Nhân dân thì chỉ có một cách là phải lắng nghe những ý kiến, những khát vọng của Nhân dân và đổi mới về mặt thể chế chính trị".

Quan liêu, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên được Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ ra là căn bệnh tồn tại khá phổ biến và gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin trong Nhân dân. Theo ông Trọng, phải phát huy thật tốt dân chủ trong đảng và trong xã hội; phải tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân ; phải dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và rèn luyện đảng viên.

Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân được Đảng cộng sản Việt Nam nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện Đại hội đảng, trong các bài viết trên báo Đảng, thậm chí trong các buổi họp chi bộ. Nhưng dường như giữa Đảng với dân không thể có sự mật thiết.

Với quy định đảng viên vô cảm trước những đòi hỏi chính đáng của Nhân dân sẽ bị kỷ luật, sư cô Diệu Hạnh nói với RFA :

"Mình thấy yêu cầu của mình là chính đáng mà mấy ổng không thấy thì sao? Tôi không tin mấy ổng sẽ thay đổi đâu. Quá trễ rồi. Bản chất của mấy ổng là như vậy rồi. Theo tôi, không có ông đảng viên nào có lòng vối dân hết. mấy ông có lòng với dân thì bỏ đảng hết rồi. Mà mấy ổng bị kỷ luật hay được khen thưởng có ảnh hưởng gì đến mình đâu!"

Ông Hồ Chí Minh từng dặn dò rằng "quan liêu, xa rời Nhân dân tất yếu dẫn đến căn bệnh vô cảm ; có thái độ thờ ơ, tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của Nhân dân, thấy việc có lợi cho dân không dám làm, việc có hại cho dân vẫn làm ngơ, không giải quyết hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Nguy hại nhất của tệ quan liêu, bệnh vô cảm đã dung túng cho nạn tham ô, lãng phí ; là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí".

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã khẳng định, một bộ phận không nhỏ đảng viên đã suy thoái, biến chất. Trong nhiệm kỳ từ năm 2016 đến 2020, Đảng cộng sản Việt Nam đã phải xử lý kỷ luật hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và là đảng duy nhất được phép hoạt động tại Việt Nam theo Hiến pháp. Theo Cương lĩnh và Điều lệ chính thức hiện nay, Đảng là đại diện của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Theo nhận định của một số người dân quan tâm, bệnh quan liêu của cán bộ, đảng viên tồn tại trên nhiều lĩnh vực, từ nhiều năm qua, từng được báo chí Nhà nước lên tiếng. Tuy vậy, hầu hết những cán bộ này vẫn ‘bình chân như vại’, không hề bị cảnh cáo hay kỷ luật gì.

Nếu cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do quan liêu, vô cảm với dân thì liệu người dân và Đảng cộng sản có tạo được mối quan hệ khăng khít hơn hay không? Nhà báo Trần Ngọc Tuấn từ Cộng hòa Czech nêu nhận định của ông với RFA sáng 7/12 :

"Theo tôi, đây là là hình thức mị dân thôi. Những câu như ‘đảng viên đi trước, làng nước theo sau’ tôi đã nghe cách đây cả nửa thế kỷ rồi. Nội dung nó hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau hình thức thôi. Theo nhận định của tôi, những đảng viên cộng sản thời ấy tử tế hơn những đảng viên cộng sản bây giờ. Đảng viên bây giờ họ vì thân chứ có vì dân đâu cho nên quy định thì nó cũng chỉ là khẩu hiệu thôi. Yếu tố quyết định là con người. Thấy những sai trái trong xã hội thì phải lên tiếng.

Tôi từng hỏi một số đảng viên, tại sao thấy những chuyện tiêu cực trong xã hội mà khi họp chi bộ không lên tiếng thì họ trả lời rằng, lên tiếng thì bị để ý, bị cho là tự diễn biến".

Nhà báo này nhắc lại sự kiện Đồng Tâm. Khi ông Lê Đình Kình, một đảng viên lão thành bị chính các đồng chí của mình bắn chết tại nhà riêng, rất ít tiếng nói đảng viên lên tiếng cho sự kiện này.

Nguồn : RFA, 07/12/2022

*****************************

Việt Nam có thể tận diệt "tham nhũng" với cơ chế hiện hành ?

RFA, 06/12/2022

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc mới đây cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không ai dám tham nhũng nữa. 

coche2

Xe chở ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam và nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, rời tòa án sau phiên tuyên án tại Hà Nội, ngày 22/01/2018. Ảnh minh họa. Reuters

Theo ông Trạc, việc phòng, chống tham nhũng được thực hiện từ lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước như xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính ; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Trung tá quân đội Đinh Đức Long nhận định với RFA sáng ngày 6/12 liên quan vấn đề này:

"Nói nôm na, tham nhũng như một bệnh của xã hội bệnh của loài người từ khi có nhà nước, có chính quyền, có giai cấp. Có xung đột lợi ích thì sẽ có tham nhũng thôi. Mà chấm dứt được xung đột lợi ích thì tôi nghĩ sẽ không bao giờ có. Chỉ có thể hạn chế nó, kiểm soát nó và trừng phạt nó để người ta không dám tham nhũng. Muốn thế chỉ có cách là xây dựng nhà nước pháp quyền và phải có kiểm soát quyền lực. Phải xây dựng pháp luật chặt chẽ. Mà chỉ có thể chặt chẽ hơn chứ không thể nào bịt hết được. Có nghĩa tham nhũng chỉ có hạn chế chứ không thể diệt được".

Chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam được nói nhiều mấy năm gần đây với chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng. Thực chất, chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam từng được ông Hồ Chí Minh- Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh từ năm 1945. Ngày 23/11/1945, ông Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Sắc lệnh gồm tám điều, nêu rõ Chính phủ sẽ lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt để giám sát tất cả nhân viên của Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Đây được coi là văn kiện pháp lý đầu tiên về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Đến năm 2006, Văn kiện Đại hội Đảng khóa X nhận định: "Tham nhũng vẫn có chiều hướng phát triển ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân". Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.  

Ngày 30/06/2009, Chủ tịch Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN "Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng". Theo đó, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước kể từ ngày 19 tháng 8/2009.    

Theo nhà quan sát chính trị Hà Hoàng Hợp, tham nhũng ở Việt Nam, không thể diệt mà chỉ có thể giảm. Ông nêu những điều kiện có thể:

"Nó chỉ có giảm chứ không thể nào hết tham nhũng được cả. Nhưng cái cách mà Chính phủ Việt Nam đang làm cũng không thể giảm được tham nhũng. Để chống tham nhũng có hiệu quả và thực chất thì mọi người phải nhìn xuyên suốt được nó, tức là phải minh bạch. Cái thứ hai là phải dựa trên nền tảng pháp quyền một cách đầy đủ. Các nước có dân chủ thì tham nhũng giảm, còn Việt Nam thì không thể giảm, thậm chí còn tăng, bởi những nước có pháp quyền rõ ràng, có dân chủ người ta giám sát lẫn nhau.

Việt Nam thì không ai giám sát ai. Người dân không giám sát được chính quyền. Chính quyền có làm cái gì sai thì người dân cũng không biết. Mà rất nhiều cái sai. Tóm lại là người dân phải có cái quyền tham gia chống tham nhũng".

Cũng theo ông Hợp, bộ luật chống tham nhũng của Việt Nam là bộ luật rất tốt bởi nó dựa trên các bộ luật chống tham nhũng của rất nhiều nước. Bộ luật này được thông qua vào năm 2010. Ông nói tiếp :

"Kèm theo bộ luật đấy có từ tám cho đến 10 nghị định để nói cụ thể về chống tham nhũng. Trong đó có một quy định quan trọng là sự tham gia của người dân vào chống tham nhũng như thế nào. Nó có hết nhưng chính quyền người ta không để người dân tham gia. Người ta bưng bít".

Để người dân tham gia chống tham nhũng cũng được chính Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề cập đến vào tháng 6 vừa qua, trước khi Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng diễn ra. Báo Nhà nước dẫn phát biểu của ông Trạc rằng: "Phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp như Bác Hồ đã từng dạy chúng ta". 

Lúc đó, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu nhận định với RFA về câu nói của ông Phan Đình Trạc: 

"Đây là điều mà Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam mong muốn hướng tới. Đó là công dân có quyền đặt ra và tìm hiểu về hoạt động của những công chức Nhà nước, những người mà có thể có các hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho cá nhân mình hoặc cho nhóm của mình. Điều đó có ghi hết trong hiến pháp và trong luật của Việt Nam nhưng trong thời gian vừa qua việc thực thi chưa đi vào nề nếp. Đôi khi các cơ quan Nhà nước chưa thực sự để ý hay là chưa thực sự lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân".

Ông Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, từng nói, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không chạy theo dư luận.

Điều 5 Luật phòng, chống tham nhũng quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng, công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Tuy luật đã có nhưng dường như người dân vẫn còn nghi ngại. Bà Hồng Lam, một người dân ở TP.HCM nói với RFA rằng, hôm nay thấy ông cán bộ A bị ông B bắt. Có khi ngày mai ông B lại bị ông C bắt. Nghĩa là ai cũng tham nhũng. Bà nêu quan điểm của mình:

"Tôi cảm thấy những cái đó nó không ảnh hưởng đến mình, bởi mấy ông có tham nhũng bao nhiêu ngàn tỷ thì dân cũng không biết. Có thu hồi lại mấy ngàn tỷ thì dân cũng chẳng được gì. Bản thân mình không kiểm soát được để biết nó tốt hay xấu".

Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp quyết liệt về phòng, chống tham nhũng như: Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nguồn : RFA, 06/12/2022

Published in Việt Nam