Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cập nhật tình hình hai tù nhân sẽ lại ra tòa ngày 12/04 (RFA, 11/04/2018)

Theo lịch được thông báo, vào ngày mai 12 tháng 4 sẽ diễn ra hai phiên tòa xét xử hai nhà hoạt động nhân quyền đó là anh Nguyễn Viết Dũng tại Tòa án Nhân Dân Tỉnh Nghệ An và cựu tù nhân lương tâm- thầy giáo Vũ Văn Hũng tại Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội.

dang1

Thầy giáo Vũ Hùng - Courtesy FB Tụ tinh thần

Luật sư Nguyễn Khả Thành, người sẽ tham gia bào chữa cho nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng vào chiều tối ngày 11 tháng 4 nói với RFA :

Tôi với luật sư Tuấn (Ngô Anh Tuấn) sẽ bào chữa cho Nguyễn Viết Dũng tại Nghệ An. Cách đây khoảng hai tuần tôi có vào trại giam gặp Dũng thì Dũng vẫn tỉnh táo và sức khỏe tốt, sau đó chúng tôi xem hồ sơ để chuẩn bị ngày mai ra tòa.

Theo tôi nghĩ phiên tòa ngày mai xử sẽ rất nhanh thôi nhưng mà mức án tôi nghĩ là sẽ nặng. Xu hướng thời gian gần đây với tội danh như vậy mức án rất nghiêm. Còn cách đây 4, 5 năm về trước lại xử hình phạt nhẹ hơn.

Ông Nguyễn Viết Hùng, bố của nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng cũng chia sẻ với RFA về mong ước cho phiên tòa của con trai diễn ra vào ngày mai :

Ngày mai xử Nguyễn Viết Dũng, gia đình cũng muốn cộng đồng quan tâm nhiều hơn để phiên tòa diễn ra công bằng và đúng trình tự pháp luật.

Mặc dù mong ước là như vậy, nhưng ông Hùng cho biết ông không nghĩ phiên tòa sẽ diễn ra một cách công bằng :

Phiên tòa ngày mai chắc không có công bằng đâu, và chắc sẽ dành cho con trai tôi một bản án khá nặng. Bởi vì phía bên an ninh từ ngày hôm qua và ngày hôm nay họ đã tới nhà tôi rồi. Theo tôi dự đoán người ta đến để thăm dò động thái của gia đình và cộng đồng, phía bên ngoài người ta quan tâm đến vụ án ngày mai xét xử.

Anh Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1986 tại Nghệ An, anh bị bắt ngày 27/09/2017 với cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 BLHS năm 1999.

Vào năm 2015, anh Nguyễn Viết Dũng từng bị tuyên án 15 tháng tù sau khi tham gia vào cuộc tuần hành phản đối việc chặt 6700 cây xanh ở Hà Nội.

Vào ngày 27 tháng 3, tổ chức theo dõi Nhân Quyền Human Rights Watch ra thông cáo yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng vì theo tổ chức này thì những việc làm ủng hộ cho dân chủ- nhân quyền và có chính kiến khác biệt với nhà cầm quyền không phải là tội.

Còn cựu tù nhân lương tâm - thầy giáo Vũ Hùng bị bắt vào ngày 4 tháng giêng vừa qua với cáo buộc gây rối trật tự công cộng’ theo điều 318 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Vợ của ông là bà Lý Thị Tuyết Mai từng cho biết ông bị bắt sau khi đến dự kỷ niệm ngày Giáo chức Chu Văn An và trên đường về đã bị an ninh gây sự rồi bắt ông với tội danh đã được dựng sẵn. Ông từng là giáo viên môn Vật Lý tại trường Trung học Cơ sở Bích Hóa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ.

Bản thân ông từng phải đi tù hai lần. Lần thứ nhất vào năm 2007 sau khi ông cho một đồng nghiệp cùng trường mượn xem một số sách về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Vào trung tuần tháng 9 năm 2008, ông bị bắt giữ cùng đợt với 9 nhà đấu tranh ôn hòa khác. Việc bắt giữ diễn ra sau phiên xử blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Thầy giáo Vũ Hùng bị bắt lúc đó với lý do kẻ những khẩu hiệu treo ở cầu Thăng Long với nội dung kêu gọi đa nguyên, đa đảng.

Trước khi bị bắt ông tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhân dịp rước đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.

Sau lần bị bắt vào năm 2008, thầy giáo Vũ Hùng bị tuyên án 3 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Trong khi bị giam tù, thầy giáo Vũ Hùng từng nhiều lần tuyệt thực để phản đối cách đối xử của nhà tù đối với những người bị giam giữ, cũng như phản đối bản án mà ông cho là vi phạm nhân quyền.

Sau khi mãn án tù, thầy giáo Vũ Hùng tiếp tục sinh hoạt cùng các nhà bất đồng chính kiến và giới xã hội dân sự độc lập.

*******************

‘Xử nghiêm sai phạm bằng luật pháp’ nhưng thiếu luật về đảng ? (VNTB, 12/04/2018)

Phát ngôn đáng chú ý tron tuần qua đến từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà trong cuộc họp Ban Bí thư ngày 10/04 đã nhấn mạnh : Không chỉ bằng hô hào, khuyên bảo, kêu gọi mà phải bằng cơ chế, luật pháp, xử lý sai phạm thì mới có tác dụng tốt. Hiểu nôm na : phải xử nghiêm sai phạm bằng luật pháp mới có tác dụng tốt.

dang2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa

Quan điểm này là phù hợp ở nhiều khía cạnh. Về mặt pháp quyền, nó đảm bảo mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, và cơ sở để đảm bảo này là không ai được xử lý nội bộ hoặc đặt ngoài vòng pháp luật. Về mặt nhân quyền, nó đảm bảo sự thực thi đầy đủ của yếu tố pháp lý trong điều chỉnh hành vi của con người, chứ không tìm cách sử dụng một phương thức khác để biệt đãi một nhóm người, gây ra sự bất bình đẳng giữa các lớp người trong xã hội. Về mặt ‘thế nước, lòng dân’, đây là tâm tự - nguyện vọng từ lâu của người dân, bởi họ chứng kiến không ít lần ‘cán bộ’ gây sai phạm rồi chỉ bị ‘phê bình, tự phê bình’ hay đến mức phản cả quy luật của thế giới văn minh như cách mà ông Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khi nói về vụ Đồng Tâm rằng : ‘Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật’.

Nhưng xử lý tốt phát ngôn trên bằng biện pháp nào ? Bằng Quy định 102-QĐ/TW 2017, văn bản mà trong hướng dẫn thực hiện đã đề cập đến cách thức xử lý kỷ luật đảng viên, kể cả khi qua đời ? Văn bản vốn được nhiều người đánh giá là giúp gia cố kỷ luật đảng viên, và rút bớt ‘phép’ từ thẻ đảng viên trong các trường hợp sai phạm công tác hay trong quan hệ cuộc sống ?

Tiếc là, dù nó có nặng nề thì bản thân Quy định số 102-QĐ/TW lại chỉ là văn bản trong Đảng, với đối tượng áp dụng là đảng viên. Và quan trọng hơn, nó không nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Căn cứ theo Điều 4 của Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật 2015). Điều này cho thấy rằng, nếu áp dụng đúng quan điểm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì cần thiết nhất phải tiến hành loại bỏ tư duy ‘ta sai, ta sẽ xin lỗi ; dân sai, dân chịu trách nhiệm’, bởi chủ thể thể Dân không nên áp đặt cho một nhóm đối tượng trong quốc gia. Và lúc này, nếu bản thân đảng viên đang giữ chức vụ nặng, thì thực hiện ngay nguyên tắc ‘xử lý về pháp luật’ trước tiên. Muốn như thế, cần phải đặt Đảng vào trong pháp luật, và đây là yếu tố vì sao cho sự cần thiết ra đời bộ Luật về Đảng !

Đảng phải nằm trong vòng điều chỉnh của pháp luật, đây là điều cần thiết, bởi bấy lâu nay bản thân Đảng cộng sản Việt Nam bị chỉ trích vì dù đang nắm quyền nhưng chỉ bị điều chỉnh bởi Cương lĩnh của chính đảng này. Và vì thiếu yếu tố về luật, nên có thời điểm, ông Nguyễn Phú Trọng mới phát ngôn gây xôn xao dư luận rằng : ‘Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng’. 

Phát ngôn nêu trên tưởng là sai nhưng lại không sai (nếu liên quan đến ‘luật để điều chỉnh’), bởi nếu không đưa nó đứng trên, thì mặc nhiên phải thừa nhận Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng đứng ngoài pháp luật. Luật về Đảng không phải bây giờ mới được nhắc đến qua một số bài được đăng tải trên Việt nam Thời Báo, mà ngược, từ thời điểm 2013 - trong qua trình sửa đổi Hiến pháp, ông Hoàng Thái, nguyên ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam đề xuất cần sớm có luật về Đảng. Bởi theo ông, ‘mọi tổ chức đều có luật điều chỉnh, riêng tổ chức Đảng là nòng cốt trong hệ thống chính trị mà lại chưa có luật là không được. Nên có luật để Đảng hoạt động công khai, minh bạch chống lại mọi sự tùy tiện’. Quan điểm này là đúng đắn, nhưng không rõ vì sao lại chỉ tồn tại ở mặt ‘góp ý’ và sau đó cho vào dĩ vãng, cũng có thể nhóm lợi ích lúc này quá mạnh, sự công khai - minh bạch là liểu thuốc độc cho hành vi tham nhũng và thao túng quyền lực của chính nhóm nên nó đã không được tiếp thu một cách nghiêm túc ? Người viết có suy nghĩ rằng, những vụ án về Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng hay Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa có sự ‘hỗ trợ’ rất lớn từ việc thiếu luật về Đảng.

Thứ ba, giả thuyết rằng, sẽ có Luật về Đảng, một phần phù hợp với phòng chống tham nhũng, một phần nâng cao uy tín và sức chiến đấu của Đảng hay gần hơn là gắn xử lý đảng viên với pháp luật, thì với hiện chế một đảng như hiện nay, liệu Luật về Đảng có phải sẽ rơi vào tình trạng ‘ngoài thì luật, trong thì cương lĩnh ?’.

Dù thế nào đi chăng nữa, thì ‘xử nghiêm sai phạm bằng luật pháp’ cũng là quan điểm thức thời ? Ít nhất nó đảm bảo đảng sẽ được điều chỉnh dần bằng pháp luật chứ không còn tự chơi một mình, và cũng vì chơi một mình nên tha hóa, biến chất, suy thóa i mới có cơ hội hiện hữu. Hay nói đúng hơn, để trả lời cho câu hỏi ‘làm thế nào để nhốt quyền lực vào trong cơ chế, thể chế’ hay ‘xử nghiêm sai phạm bằng luật pháp’ thì cách tốt nhất là ban hành càng sớm càng tốt Luật về đảng.

Ánh Liên

********************

Sài Gòn : Người dân tố cáo Tiền ảo - Lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử (CaliToday, 10/04/2018)

Ngày 08/04/2018 vừa qua, hàng chục người dân căng băng rôn, biểu ngữ trước Công ty cổ phần Modern Tech (gọi tắt là Công ty Modern Tech) ở Sài Gòn tố cáo công ty này lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng. Cho đây là vụ lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử, việc làm của số người dân này nhằm mục đích đánh động sự quan tâm của dư luận và cầu cứu đến các cấp chính quyền can thiệp để giúp đỡ họ đòi lại vốn…

dang3

Người dân treo băng rôn tố iFan, Pincoin lừa đảo tiền ảo hơn 15 nghìn tỷ đồng (Ảnh : Huy Hùng- VNF)

Theo người dân tố cáo cũng như báo đài Việt Nam cho biết Công ty Modern Tech là công ty được dự án huy động vốn có tên Ifan và Pincoin ủy quyền làm đại diện pháp lý tại Việt Nam nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Modern Tech là nơi ban hành đồng tiền ảo Ifan, đồng tiền này giống như phát hành cổ phiếu rồi kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền thật ra mua và đồng tiền Ifan chỉ lưu hành nội bộ của công ty.

Modern Tech hứa hẹn với nhà đầu tư với mức hưởng lợi nhuận từ 48% trở lên, thời gian hoàn vốn từ 2-4 tháng. Ngoài ra, nếu kéo được người đầu tư vào dự án thì sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Tuy nhiên, để trở thành nhà đầu tư thì người tham gia phải bỏ tiền mua đồng Ifan tối thiểu là 1000 USD.

Theo công ty Modern Tech thì những đồng tiền ảo Ifan được tạo ra để thanh toán ứng dựng V-Fan, một ứng dựng dành cho người hâm mộ các ngôi sao âm nhạc, MV, đặt vé trực tuyến

Theo Cali Today tìm hiểu thì chính người đầu tư sau này tạo nguồn lãi để Modern Tech trả lãi cho người đầu tư trước và đây cũng chính là cách kéo dài thời gian sinh tồn của dự án Ifan và Pincoin. Rõ ràng đây là một hình thức kinh doanh đa cấp, chiêu trò thu hút nguồn vốn này được một số công ty đa cấp hoạt động ở Việt Nam sử dụng không hề hề xa lạ với người dân nhưng người dân vẫn bị mắc lừa.

Ifan và Pincoin là dự án huy động vốn gồm 7 người Việt sáng lập chính nhưng lại gắn mác dự án đến từ Singapor và Ấn Độ. Những cái tên Lê Ngọc Tuấn với biệt hiệu "Tuấn Scam", Vũ Hữu Lợi, Diệp Khắc Cường, Nguyễn Thu Thủy… bị cho là tham gia vai trò nhà đầu tư thế hệ F1, kêu gọi rất nhiều nhà đầu tư tham gia dự án để lấy phần trăm.

Công ty Modern Tech đăng ký mã số thuế ngày 5/10/2017, tức là tính đến thời điểm hiện tại chỉ mới hoạt động khoảng hơn nữa năm nhưng theo báo chí Việt Nam phản ánh thì có khoản hơn 32.000 người tham gia dựa án Ifan và Pincoin với tổng số tiền bị tố cáo lừa đảo lên đến 15.000 tỷ đồng.

dang4

Người dân tụ tập trước trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech (ảnh : Huy Hùng- VNF)

Để thu hút được con số hơn 32.000 tham gia đầu tư dự án hẳn Modern Tech phải tổ chức rất nhiều sự kiện, Ifan và Pincoin mở rộng mạng lưới từ nông thôn cho đến thành thị, đủ mọi thành phần xã hội tham gia trong đó kể cả sinh viên.

Sau khi nắm trong tay được số tiền lớn từ nhà đầu tư thì Ifan và Pincoin lập sàn giao dịch nội bộ, tuyên bố quy đổi hình thức bằng cách quy đổi các đồng tiền ảo Ifan quy định giá công bố 5USD/1Ifan nhưng thực tế trên thị trường giá 1 Ifan chỉ khoảng 0,001 USD. Chưa dừng, một số nhà đầu tư F1 của dự án Ifan và Pincoin còn tuyên bố làm ăn không may, dự án thất bại để thóa i thác trách nhiệm, điều này khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng, tán gia bại sản thậm chí có người đột tử.

Trước áp lực của dư luận, hiện tại Công ty Modern Tech là pháp nhân của dự án tiền ảo Ifan và Pincoin đã bị cơ quan chức năng ở Sài Gòn buộc phải di dời văn phòng và tạm ngưng mã số thuế.

Ở Việt Nam có rất nhiều công ty đa cấp hoạt động công khai như công ty Thiên Ngọc Minh Uy, công ty Everrichs Global, công ty Liên Kết Việt, Công ty cổ phần đầu tư toàn cầu Đại Dương Xanh, Câu lạc bộ Yêu bản thân (Vital Group), công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Lô Hội, Công ty cổ phần thương mại Merro, công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại DV Thiên Thuận Mới… Có những công ty khá nổi tiếng vì từng bị người dân tố cáo là lừa đảo như công ty Thiên Ngọc Minh Uy, công ty Everrichs Global, Câu lạc bộ Yêu bản thân…

Các công ty hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính thường yêu cầu người đầu tư đặt cọc một lượng tiền và phải mua sản phẩm với giá đắc đỏ của chính công ty vào thời điểm ban đầu, vẽ lợi ích khủng để chiêu dụ nhiều người đầu tư cùng tham gia, thông tin không đúng về lợi ích khi người đầu tư mạng lưới…

Thông thường để thu hút hiệu quả người đầu tư, các công ty đa cấp thường đánh bóng, thổi phồng tên tuổi những cá nhân thành đạt, có địa vị trong xã hội khi tham gia mạng lưới, hoặc ăn theo những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng để tạo niệm tin cho người đầu tư và song hành đó là vạch ra nhiều ưu đãi, lợi ích ngất ngưỡng hòng đánh động vào sự mơ ước hay lòng tham của những người đầu tư. Thực tế báo đài Việt Nam có thông tin khá nhiều về những hoạt động của công ty đa cấp bất chính nhưng đông đảo người dân vẫn lao vào những lợi ích ảo để rồi trở thành nạn nhân rất khó rút ra, mất tiền của mà còn làm liên lụy thêm nhiều người khác trong đó có người thân, người quen.

Quê Hương

***************

Chính phủ Việt Nam yêu cầu thanh tra quản lý đất tại Phú Quốc (RFA, 10/04/2018)

Chính phủ Việt Nam yêu cầu thanh tra việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

dang5

Một người đàn ông đang đứng tại phần đất đang tranh chấp tại Phú Quốc. (Hình ảnh mang tính minh họa) - AFP

Thông tin được Văn phòng Chính phủ loan đi hôm 10/4.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra tình trạng vi phạm quản lý và sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra phức tạp trong thời gian vừa qua.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thanh tra làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai, việc chuyển nhượng, san lấp, phân lô, xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được tách thửa, đã dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý.

Ngoài ra, lãnh đạo thanh tra chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ các sai phạm và thiếu sót trong quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường nước, xử lý các chất thải rắn tại các khu đô thị. Đồng thời xử lý các cá nhân, tổ chức sai phạm, bổ sung cơ chế và sửa đổi chính sách để bịt kín các kẻ hở trong lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang thanh tra xử lý các công trình vi phạm và báo cáo lên chính phủ trước ngày 1/7.

Vào ngày 2 tháng 4 vừa qua, Thanh Tra Chính Phủ Hà Nội về tỉnh Kiên Giang công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường tại tỉnh Kiên Giang, nơi có đảo Phú Quốc.

********************

"Đảo ngọc" Phú Quốc bị "băm nát" : Chính quyền đã buông lỏng quản lý ra sao ? (Dân Trí, 11/04/2018)

Đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ bị "xẻ thịt", san lấp hàng loạt để làm dự án, phân lô bán nền diễn ra rầm rộ, công khai trong khi cơ quan quản lý địa phương có dấu hiệu "buông xuôi", không giám sát, ngăn chặn...

San lấp, phân lô tùy tiện

dang6

Hàng chục ha đất nông nghiệp ở khu vực đường Cây Thông Ngoài bị "xẻ thịt", phân lô.

Từ bến phà Thạnh Thới đến thị trấn Dương Đông lên Nam đảo, xuống Bắc đảo "đập" vào mắt những người đến Phú Quốc là nhan nhản bảng hiệu mua bán đất công, đất nền. Những khu đất rộng hàng chục nghìn m2 được khoét sâu giữa núi đồi bạt ngạt ngàn đang tấp nập máy ủi, máy xúc tiến hành san lấp.

Dọc con đường Búng Gội đến Cây Thông Ngoài (xã Cửa Dương) có khá nhiều biển báo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc với nội dung : "Bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi người, hãy hành động từ ngay hôm nay" nhưng chỉ cách biển báo ấy vài chục mét, nhiều mảnh đất nông nghiệp bị "xẻ thịt" không thương tiếc, cây cối bị chặt hạ, đất đá bị đào bới chở đi phục vụ san lấp dự án ở nơi khác.

Thậm chí, ngay tại nơi cắm tấm biển cảnh báo "Nghiêm cấm mọi hành vi khai thác đất rừng phòng hộ trái phép" thì đất đá xung quanh cũng bị đào bới, chở đi.

dang7

Ngay tại nơi cắm tấm biển cảnh báo "Nghiêm cấm mọi hành vi khai thác đất rừng phòng hộ trái phép" thì đất đá xung quanh cũng bị đào bới, chở đi.

Đáng chú ý là các dự án phân lô bán nền đều thực hiện việc đấu nối giao thông "vô tội vạ", dù quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phân lô, tách thửa đối với đất ở có diện tích trên 500m2 và đất nông nghiệp trên 1.000m2 nhưng thực tế tại Phú Quốc thì việc phân lô, tách thửa diễn ra ồ ạt, không theo quy định nào.

Chủ đầu tư chỉ cần mở đường bê tông giữa các lô đất, đấu nối giao thông với đường chính là có thể phân lô, bán nền. Khảo sát thực tế của PV Dân trí, hầu hết các lô, đất nền được chào bán ở Phú Quốc chỉ có diện tích khoảng 120m2 nhưng "cò đất" vẫn trưng ra sổ đỏ đã tách thửa, có sổ riêng. Trong đó chỉ thể hiện thửa đất, xung quanh không đường đi. Chỉ riêng địa bàn xã Cửa Dương đã có hàng chục dự án phân lô, bán nền đang được chào bán với giá từ 900 triệu đồng - 1,3 tỷ/nền có diện tích gần 120m2.

dang8

Một khu đất nông nghiệp rộng hàng chục nghìn m2 tại xã Cửa Dương đang được san lấp mặt bằng.

Đặc biệt đất rừng phòng hộ tại Phú Quốc đang bị "bốc hơi", bao chiếm ồ ạt, trong khi chính quyền địa phương quản lý yếu kém, tham mưu chính xác, trùng lắp diện tích ; không lập bản đồ địa chính, hiện trạng sử dụng đất ; không tổ chức thanh, kiểm tra...

Buông lỏng quản lý đất rừng phòng hộ

dang9

Hàng loạt sai phạm trong việc quản lý đất rừng phòng hộ tại Phú Quốc được Thanh tra tỉnh Kiên Giang phát hiện.

Theo tài liệu PV Dân trí có được, trong đợt thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với diện tích đất rừng phòng hộ đã được đưa ra khỏi quy hoạch theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 và Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương quản lý trên địa bàn huyện Phú Quốc vào cuối năm 2017, Thanh tra tỉnh Kiên Giang xác định, UBND huyện Phú Quốc thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương chưa tốt ; thiếu kiểm tra, giám sát các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thực hiện việc bàn giao thực địa dẫn đến không chấn chỉnh các vướng mắc trong việc bàn giao ; không báo cáo cấp trên để lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và quản lý hồ sơ địa chính, là vi phạm Điều 22, Điều 23 Luật Đất đai năm 2013.

Đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh Kiên Giang xác định đơn vị này thực hiện chưa tốt công tác tham mưu cho UBND huyện về quản lý đất đai ; thực hiện chưa tốt việc bàn giao thực địa ; chấp hành chưa nghiêm quyết định của UBND huyện về việc rà soát công tác bàn giao và quản lý đất thu hồi ; không kiểm tra, rà soát diện tích đất trên địa bàn nên có việc giao đất cho các xã, thị trấn có trùng lắp, sai lệch diện tích nhưng không nắm được ; không báo cáo cấp trên để lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và quản lý hồ sơ địa chính theo quy định dẫn đến các xã, thị trấn không quản lý đất được giao, để xảy ra khuyết điểm sai phạm như đã nêu.

dang10

Thanh tra tỉnh Kiên Giang xác định, UBND huyện Phú Quốc thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương chưa tốt ; thiếu kiểm tra, giám sát các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc quản lý đất rừng trước khi bàn giao chưa được chặt chẽ, không nắm rõ có bao nhiêu hộ đang sử dụng, bao nhiêu hộ lấn chiếm đất rừng ; thực hiện việc bàn giao chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, không thực hiện thống kê, lập danh sách, diện tích, hiện trạng đất các hộ đang sử dụng để bàn giao ; khi tiến hành bàn giao không bàn giao toàn bộ ranh, mốc cụ thể cho UBND các xã, thị trấn dẫn đến địa phương gặp khó khăn trong quản lý đất nhận bàn giao.

UBND các xã, thị trấn nhận bàn giao nhưng không kiểm tra đầy đủ các mốc, ranh giới khu vực đất được nhận, số hộ, diện tích, hiện trạng các hộ đang sử dụng đất nhưng vẫn ký nhận vào biên bản ; sau khi nhận bàn giao quản lý chưa chặt chẽ, không đề xuất với cấp trên lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và quản lý hồ sơ địa chính tại địa bàn mình để quản lý ; hàng năm không thống kê đất đai, rà soát diện tích đất được giao là vi phạm tại Khoản 2, Khoản 5, Điều 34 Luật Đất đai năm 2013.

dang11

Đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ tại Phú Quốc đang bị "xẻ thịt" ồ ạt.

Thanh tra tỉnh Kiên Giang cũng nêu rõ sai phạm của nguyên Chủ tịch thị trấn Dương Đông, An Thới, nguyên Chủ tịch các xã Cửa Dương, Hàm Ninh, Dương Tơ cùng một số công chức địa chính - Xây dựng đã để xảy ra sai phạm.

Dù Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã chỉ rõ sai phạm và giao UBND huyện Phú Quốc kiểm điểm, chấn chỉnh. Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý dẫn đến nguy cơ phá nát quy hoạch đang diễn ra tại "đảo ngọc".

Văn phòng Chính phủ vừa gửi đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang diễn ra phức tạp (chuyển nhượng, san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp), nguy cơ phá vỡ quy hoạch nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao Thanh tra Chính phủ bổ sung thanh tra việc quản lý, sử đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc vào Kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra theo Quyết định số 106/QĐ-TTCP ngày 28/3/2018 của Tổng Thanh tra Chính phủ. Trong đó cần tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai ; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp ; việc giải quyết tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nông nghiệp được tách.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang kiểm tra và xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại huyện Phú Quốc theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2018.

Nguyễn Hành - Trung Kiên

Published in Việt Nam