Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ở Việt Nam, chính sách đối nội, đường lối đối ngoại đều do Bộ Chính trị quyết. Vậy thì việc ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh bị loại khỏi Bộ Chính trị sẽ tác động như thế nào đến các chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới ?

nixon2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cùng với hai phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh vừa bị bãi nhiệm - RFA edited

Đối ngoại Việt Nam liệu có thay đổi ?

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc về Việt Nam và vấn đề Biển Đông, trả lời RFA qua email, cho biết khuôn mẫu và mục tiêu trước mắt về chính sách đối ngoại của Việt Nam đã được đặt ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, diễn ra hồi đầu năm 2021.

Những thay đổi, điều chỉnh, nếu có, về chiến lược sẽ do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham mưu và Bộ Chính trị sẽ xem xét, đồng thuận thông qua.

Việc ông Phạm Bình Minh bị loại khỏi Bộ Chính trị khiến Bộ này mất đi tính chuyên môn và cách thức tổ chức vốn có. Các vấn đề đối ngoại đã được chuyển giao từ ông Phạm Bình Minh cho một phó thủ tướng mới là ông Trần Lưu Quang. Nhưng ông Quang không phải là Ủy viên Bộ Chính trị và cũng không có kinh nghiệm cũng như chuyên môn về quan hệ đối ngoại :

"Tóm lại, những thay đổi nhân sự trong Bộ Chính trị sẽ có tác động nhỏ đối với sự định hướng chính sách đối ngoại dài hạn trong tương lai.

Chính sách của Việt Nam đối với các đối tác như Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiếp diễn như bình thường. Việc ra các quyết định có thể bị chậm lại do thay đổi nhân sự cấp cao".

Chiều 18/1, Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường nhằm miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Phúc đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống đại dch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông cũng là người phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng có vi phạm và khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Trước đó, hai Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã xin thôi giữ các chức vụ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh bị khởi tố hình sự vì những sai phạm liên quan đến vụ án Việt Á.

Vẫn ưu tiên quan hệ với Trung Quốc

Ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston, trả lời RFA rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là đối với các nước lớn như Mỹ - Trung sẽ không có gì thay đổi trong thời gian tới :

"Mặc dù Bộ Chính trị đã mất đi hai thành viên, đặc biệt là nhà ngoại giao kỳ cựu Phạm Bình Minh, chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không có thay đổi".

Ông lý giải, An ninh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc do Trung Quốc là nước lớn và là láng giềng vĩnh cửu. Do vậy, Việt Nam luôn ưu tiên quan hệ với Trung Quốc và bất kỳ thay đổi lớn nào trong quan hệ Việt-Mỹ đều có yếu tố Trung Quốc :

"Điều này không phải vì các nhà lãnh đạo Việt Nam ưu tiên ý thức hệ hơn quyền lợi quốc gia. Hơn ai hết bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng mong muốn đất nước mình không sa vào một cuộc chiến có thể tránh được. Do đó duy trì cũng như ưu tiên quan hệ Việt-Trung luôn là ưu tiên số một của ngoại giao Việt Nam". 

Theo ông, kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam đã trung thành với phương châm bốn không, tức là "không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

Phương châm này có nguyên nhân cốt lõi là từ áp lực của Trung Quốc. Bắc Kinh không bao giờ muốn Hà Nội ngả theo một cường quốc khác như cách mà Hà Nội đã làm với Liên Xô trong giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1991 và đe dọa an ninh biên giới phía nam của nước này. Do đó, Trung Quốc sẽ sẵn sàng đặt áp lực tối đa lên Việt Nam nhằm giữ cho Hà Nội ở vị thế trung lập.

Bù lại, Việt Nam cũng hiểu được tầm quan trọng của quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, nên tất cả các lãnh đạo Việt Nam từ năm 1991 đến nay đều đồng thuận theo đường lối đối ngoại không ngả về phe nào. Dù ai làm lãnh đạo đi chăng nữa thì áp lực của Trung Quốc là không thay đổi, và do vậy chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng sẽ không có chuyển biến lớn. 

Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục duy trì đối thoại với Trung Quốc trên Biển Đông nhằm tránh xảy ra xung đột không đáng có. Việt Nam cũng mong muốn củng cố mối quan hệ đang lên với Mỹ, nhưng cần phải lưu ý là Hà Nội chỉ ngả về phe Mỹ một khi Trung Quốc tỏ ra quá hung hăng và các biện pháp ngoại giao đã hoàn toàn thất bại.

Ai kế nhiệm cũng chỉ diễn theo kịch bản của Bộ Chính trị

Giáo sư Carl Thayer nhận định với RFA hôm 17/1 rằng, những cái tên sáng giá thay thế chức Chủ tịch nước từ ông Phúc có thể là Bộ trưởng Công an Tô Lâm hay Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang hay có thể là Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Họ đều là những nhân vật tương đối xa lạ trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước Việt Nam sẽ đại diện cho đất nước trong quan hệ với các quốc gia khác. Các cuộc họở cấp nguyên thủ quốc gia sẽ được lên kế hoạch chặt chẽ, với các tuyên bố chung đã được thông qua trước đó, bởi bộ máy hành chính.

Do đó, theo giáo sư người Úc, dù cho ai ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch nước thì họ cũng chỉ là những diễn viên, phải diễn theo kịch bản đã được sắp đặt sẵn của Bộ Chính trị mà thôi :

"Chủ tịch nước chỉ giống như một diễn viên đọc lời thoại của mình trong một vở kịch do người khác viết. Không có chỗ cho Chủ tịch nước Việt Nam được làm việc tự do và thúc đẩy các sáng kiến mà chưa được Bộ Chính trị thông qua".

Giáo sư Jonathan London, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, khi trả lời hãng tin AFP, đánh giá rằng sự thay đổi mạnh mẽ về nhân sự lãnh đạo thượng tầng cũng đặt Việt Nam vào tình thế rủi ro. Bởi vì hiện nay, quốc gia độc đảng này chỉ còn lại rất ít người nắm giữ các vị trí quyền lực cấp cao có kinh nghiệm và năng lực trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với Hoa Kỳ và Châu Âu.

Những người vừa bị mất chức nằm trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng, và có khuynh hướng theo Chủ nghĩa quốc tế hơn. Tuy nhiên, họ đã mắc phải sai lầm lớn trong việc thực thi công quyền.

"Tôi nghĩ điều đó thực sự đáng tiếc cho Việt Nam, cho lãnh đạo đất nước và các vấn đề đối ngoại nói riêng vào thời điểm này, rằng họ đang mất đi những người có năng lực đã được chứng minh" - Giáo sư Jonathan London nói với AFP. 

Trên trường quốc tế, theo Giáo sư Jonathan, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Một mặt nhu cầu của Việt Nam trong việc tiến tới những mối quan hệ đối tác một cách chiến lược, nhưng mặt khác, với sự thay đổi nhân sự đột ngột này, những người mới sẽ chưa thể quen vi các loại quan hệ và đàm phán quốc tế.

Hiện, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được bổ nhiệm giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Nguồn : RFA, 19/01/2023

Published in Việt Nam