Nhà ngoại giao Hoa Kỳ tìm hiểu cáo buộc nhóm Hiến pháp bị đánh trong trại giam (VOA, 29/05/2020)
Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ vừa gặp gia đình của các thành viên nhóm Hiến Pháp để tìm hiểu về cáo buộc nói rằng họ bị công an đánh đập trong trại giam ở thành phố Hồ Chí Minh trước khi vụ án "phá rối an ninh" được đưa ra xét xử.
Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của nhà hoạt động Ngô Văn Dũng, nói với VOA :
"Ngày 18/05 tôi có đến trại giam Chí Hòa và gặp anh Dũng và sau đó có hẹn gặp nhà ngoại giao của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ.
"Tôi có trình bày với họ việc anh Dũng bị đánh và cùm chân, nhập viện một tuần, rồi bị cùm chân một tuần nữa [ở số 4 Phan Đăng Lưu], rồi sau đó ảnh được chuyển sang trại giam Chí Hòa".
Bà Kim Nga thuật lại rồi ông Dũng kể nguyên nhân ông bị đánh và kỷ luật từ hôm 12/04 :
"Ảnh nói rằng người ta đánh anh Lê Quý Lộc, cũng là thành viên của nhóm Hiến pháp. Ảnh mới lên tiếng bảo vệ anh Lê Quý Lộc. Họ điện thoại với nhau nói gì đó, sau đó có mười mấy người bịt hết mặt, vào ban đêm, đến mở cửa phòng, kéo anh Dũng ra ngoài. Cả mười mấy người đánh ảnh. Ảnh bị tét đầu và đưa đi nhập viên một tuần".
VOAđã liên lạc với Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh ở số 4 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh, để tìm hiểu thêm về cáo buộc này nhưng chưa được phản hồi.
Nhà hoạt động Ngô Văn Dũng, Lê Quý Lộc, cùng với 6 thành viên khác của nhóm Hiến pháp bị bắt giam từ tháng 09/2018 với cáo buộc "phá rối an ninh" theo điều 118 Bộ luật Hình sự, do tham gia và tổ chức các cuộc biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hai lần bị hoãn, vụ án cho đến nay vẫn chưa được xét xử.
Bà Nga cho biết phía Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm về vụ án này và nói rằng đại diện của họ sẽ xin phép chính quyền Việt Nam để dự khán phiên tòa sắp tới.
Theo nhà hoạt động tôn giáo Võ Ngọc Lục ở Buôn Ma Thuột, người cũng tham dự cuộc gặp với nhà ngoại giao Mỹ, ngoài việc tìm hiểu về việc các thành viên nhóm Hiến Pháp bị đánh, đại diện Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ còn hỏi thêm về tình hình sinh hoạt các tôn giáo, trong đó có Chùa Phước Bửu, các hệ phái Tin lành, nhất là Menonite.
*********************
Bộ Tài nguyên và môi trường giải trình về lùi sửa Luật Đất đai (RFA, 29/05/2020)
Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết một trong những lý do chính phải lùi sửa Luật Đất đai là có một số nội dung phải được sửa đổi toàn diện và sẽ lấy kiến toàn dân cho việc sửa đổi bộ luật này.
Cuộc chiến pháp lý về đất đai ở Việt Nam - Ảnh minh họa.
Truyền thông trong nước, vào ngày 29/5 loan tin Bộ Tài nguyên và môi trường vừa gửi báo cáo đến đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành để giải trình về lý do lùi sửa Luật Đất đai với nội dung chính như vừa nêu.
Trong báo cáo này, Bộ Tài nguyên và môi trường nhấn mạnh rằng Luật Đất đai 2013 bộc lộ rất nhiều bất cập. Chẳng hạn như việc tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai. Hay việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước, đất cho các dự án du lịch có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh chưa chặt chẽ. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Hoặc việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT) chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ, còn bị lợi dụng…
Bộ Tài nguyên và môi trường cho hay sau khi tổ chức các hội thảo và tham khảo ý kiến các bộ, ngành và giới chuyên gia thì nhận thấy rằng Luật Đất đai 2013 có 6 nội dung cần phải sửa đổi luật toàn diện, chứ sửa đổi và bổ sung sẽ không thể giải quyết được căn cơ vấn đề bất cập và hạn chế hiện nay.
Sáu nội dung được Bộ Tài nguyên và môi trường quyết định cần phải sửa đổi toàn diện có một số đáng chú ý như các chính sách mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ; chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và vấn đề an ninh lương thực. Hoặc việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài nhằm bảo đảm được an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, kinh tế xã hội, vừa không tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh có yếu tố nước ngoài…
Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết thêm trong báo cáo rằng Đại hội Đảng XIII sẽ thông qua Nghị quyết Đại hội, trong đó có định hướng lớn về tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai và Nghị quyết này là định hướng quan trọng trong việc sửa đổi Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng Dự án Luật Đất đai sửa đổi cần có thời gian chuẩn bị để lấy ý kiến của toàn dân vì bộ luật này có tác động rất lớn đến xã hội, phát triển kinh tế và ổn định chính trị-xã hội.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2020 và có hiệu lực vào giữa năm 2021. Tuy nhiên, trong phiên họp hôm 22/5, Chính phủ đã đề nghị lùi thời gian sửa Luật đất đai và dự kiến sẽ trình Dự án Luật đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV vào đầu năm 2021.
Tranh chấp liên quan đất đai được các cơ quan chức năng Việt Nam thừa nhận chiếm đa số các vụ kiện dai dẳng lâu nay. Những vụ việc gây chú ý công luận như Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Dương Nội… đều liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền địa phương, doanh nghiệp.
*******************
Tình trạng xuống cấp của đường băng sân bay Nội Bài tiếp tục bị cảnh báo (RFA, 29/05/2020)
Bộ Giao thông và vận tải tiếp tục đưa ra cảnh báo về tinh trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng trên bề mặt cất hạ cánh và đường lăn của sân bay Nội Bài ở thủ đô Hà Nội.
Tình trạng xuống cấp của sân bay Nội Bài được ghi nhận. vtc.vn
Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi vào ngày 29/5, Bộ Giao thông và vận tải cảnh báo tình trạng xuống cấp tại sân bay Nội Bài ngày càng nghiêm trọng khi xuất hiện vết lún vệt bánh tàu bay trên đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) và 11R/29L (1B). Ngoài ra, các đường lăn có kết cấu bê tông xi măng, trên bề mặt thường xuyên xuất hiện hư hỏng như bong bật, nứt vỡ. Đặc biệt vào mùa mưa.
Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức xây dựng trình tự và kế hoạch, căn cứ tính chất kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án. Bên canh đó, đề xuất phân chia các gói thầu và xây dựng quy trình, tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm, cập nhật thông tin nhà thầu đã tham gia thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông có quy mô.
Ngày 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để Bộ Giao thông và vận tải thực hiện giao thầu dự án nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất và yêu cầu Bộ Giao thông và vận tải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ, hiệu quả ; không để phát sinh tiêu cực tham nhũng, gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước.
*******************
Công an triệt phá đường dây đánh bạc trực tuyến 64 ngàn tỷ đồng (RFA, 29/05/2020)
Công an Hà Nội hôm 28/5 cho biết vừa triệt phá một đường dây đánh bạc trực tuyến, với tổng số tiền giao dịch lên tới 64 ngàn đồng tỷ đồng.
Một đường dây đánh bạc trực tuyến, với tổng số tiền giao dịch lên tới 64 ngàn đồng tỷ đồng vừa bị triệt phá. Courtesy CTV - Ảnh minh họa
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 29/5 và cho biết đường dây này bị phát hiện với sự phối hợp của Công an Hà Nội và Cục An ninh mạng Bộ Công an.
Lực lượng chức năng trong quá trình điều tra đã bắt giữ Trương Ngọc Tú, sinh năm 1983, trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội và 15 đồng phạm để điều tra việc tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng.
Theo Công an Hà Nội, nhóm này tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng Internet với trò chơi "Nổ hũ"... trò chơi này mô phỏng những trò chơi truyền thống như tá lả, tôm cua cá, xóc đĩa... Người muốn chơi phải nạp tiền thông qua hệ thống các đại lý để lấy điểm... rồi chơi bài, cá cược... sau đó nếu thắng thì đổi điểm qua trò chơi để lấy tiền thật.
Các thành viên tổ chức đánh bạc trực tuyến này sử dụng mạng xã hội, hoạt động kín kẽ, có phân cấp quản lý, giám sát chặt chẽ... mức cảnh báo, bảo mật cao.
Khi kiểm tra các địa điểm hoạt động của tổ chức này hôm 22/5, công an Hà Nội đã thu giữ 34 điện thoại, 23 thẻ ATM, 5 máy tính và hàng trăm sim điện thoại...
Tin cho biết, đường dây tổ chức đánh bạc trên Internet này hoạt động từ năm 2018 với quy mô đặc biệt lớn. Trò chơi "Nổ hũ", đã có hàng triệu tài khoản được đăng ký tham gia đánh bạc với 24 đại lý cấp 1 và hàng trăm đại lý cấp 2. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra vụ án.
Hồi cuối tháng 11 năm 2018, Tòa án tỉnh Phú Thọ đã xét xử vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng và có hai cựu tướng công an gồm Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục phòng chống Tội phạm Công nghệ cao lần lượt bị tuyên 9 và 10 năm tù giam vì những liên can trong đường dây đánh bạc này.