Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Indonesia đã đánh chìm 284 tàu đánh cá Việt Nam (Người Việt, 17/05/2019)

Hơn 500 chiếc thuyền các nước bị đánh chìm, bao gồm 284 tàu cá Việt Nam kể từ tháng Mười, 2014 đến nay, sau khi bị bắt với cáo buộc "đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia".

tau1

Một trong những chiếc tàu đánh cá của Việt Nam bị bơm nước cho ngập rồi chìm hôm Thứ Bảy, 4 tháng Năm, 2019, thay vì bị bắn cho chìm như trước. (Hình : AP)

Vụ gần nhất là hôm 4 tháng Năm, 2019, chính quyền Indonesia đã cho đánh chìm 51 tàu cá ngoại quốc bị nước này bắt giữ. Trong số này có 38 thuyền treo cờ Việt Nam, sáu thuyền Malaysia, hai thuyền Trung Quốc và một thuyền Philippines. Số còn lại là những thuyền có chủ người ngoại quốc nhưng treo cờ Indonesia.

Việc Indonesia đánh chìm một số lượng lớn tàu đánh cá ngoại quốc diễn ra chỉ một tuần sau cuộc đụng độ giữa lực lượng Hải Quân Indonesia với một số tàu kiểm ngư của Việt Nam tại vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn chủ quyền giữa hai nước.

Thế nhưng, chính sách này được người dân Indonesia ủng hộ nhiệt liệt và khiến bà Susi Pudjiastuti, bộ trưởng Hàng Hải và Nghề Cá Indonesia trở thành "gương mặt chính trị gia được yêu thích". Nó cũng gây nên căng thẳng và quan ngại từ các nước láng giềng.

Báo Zing ngày 17 tháng Năm, dẫn lời Tiến Sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên Cứu ISEAS-Yusof Ishak, (Singapore), cho biết hôm 27 tháng Tư, Indonesia cũng đã bắt tàu cá Bình Định cùng 12 ngư dân Việt Nam trên tàu ở khu vực Việt Nam và Indonesia "đang tiến hành phân định vùng EEZ".

Vấn đề là các tàu cá của Việt Nam bị bắt có thực sự vi phạm vùng biển của Indonesia hay không, hay nằm trong vùng biển EEZ chồng lấn chưa được phân định giữa hai nước ?

"Nếu các ngư dân và giới chức Việt Nam chứng minh được là việc bắt giữ của phía Indonesia là sai, nằm ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán của Indonesia, thì họ có thể khởi kiện phía Indonesia và đòi bồi thường cho các thiệt hại đã bị gây ra", ông nói.

Ông Hiệp cho rằng "Indonesia cũng cần lưu tâm tới quan ngại của Việt Nam và các nước liên quan, đồng thời cần đối xử nhân đạo với các ngư dân như tinh thần của DOC 2002 (về quy tắc ứng xử trên Biển Đông)".

Nói với báo Zing về vụ đánh chìm tàu cá hồi đầu tháng Tư của Indonesia, Tiến Sĩ Mustafa Izzuddin, Viện Nghiên Cứu Nam Á (Đại học Quốc gia Singapore), nói rằng Indonesia đang ở trong "tâm trạng bầu cử" và vào lúc cả nước chờ đợi kết quả chính thức của cuộc bầu cử, chính quyền Tổng thống Widodo sẽ phải chứng minh cho công chúng thấy rằng họ mạnh mẽ và đủ năng lực bảo vệ chủ quyền.

"Đánh chìm thuyền và tỏ ra cứng rắn trước Việt Nam sẽ lấy được lòng bộ phận dân chúng giàu tinh thần dân tộc ở Indonesia", ông nói. "Vì cả nước đang trong tâm trạng bầu cử, mối quan tâm của các lãnh đạo là tình hình trong nước, không phải quan hệ Việt Nam–Indonesia".

Trong khi đó, Tiến Sĩ Gregory Poling, giám đốc chương trình Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS, Mỹ), nói với Zing, dù Việt Nam khiến Indonesia trở thành "gương mặt đại diện cho cuộc chiến toàn cầu chống lại các hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không thể kiểm soát", nó cũng "sẽ làm gia tăng căng thẳng của Jakarta với các láng giềng, đặc biệt khi lực lượng chấp pháp Indonesia bắt tàu cá ngoại quốc trên những vùng EEZ tranh chấp".

Tiến Sĩ Lê Hồng Hiệp cũng cho rằng, các căng thẳng này chủ yếu là do việc hai nước chưa phân định xong khu vực chồng lấn giữa vùng biển EEZ của hai nước. Chính vì vậy, những vụ như thế này có thể giúp hai nước có thêm động lực để đẩy nhanh quá trình đàm phán.

"Việt Nam cần giao thiệp với phía Indonesia để vừa thúc đẩy quá trình đàm phán phân định EEZ, vừa thuyết phục Indonesia dùng các biện pháp ít cực đoan hơn trong việc xử lý các tàu cá và ngư dân Việt Nam mà họ cho là vi phạm các vùng biển của họ. Ngoài ra, bản thân Việt Nam cũng cần hướng dẫn ngư dân để họ hạn chế đánh bắt cá trong các khu vực chồng lấn, nhất là những nơi quá gần EEZ của Indonesia, để tránh các sự cố không đáng có".

"Tuy nhiên, theo tôi hiểu, sự chậm trễ trong đàm phán ngoài các lý do từ hai nước thì còn do sự can thiệp, cản trở của bên thứ ba. Vì vậy, có thể những sự cố tương tự vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới", ông Hiệp nói thêm. (Tr.N)

*****************

Việt Nam bắt vụ buôn lậu tê tê lớn nhất từ trước đến nay (RFA, 16/05/2019)

Hơn 8,3 tấn vảy tê tê vừa bị Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc bắt giữ tại Hải Phòng.

Tổng cục Hải quan công bố thông tin vừa nói hôm 15/5/2019, và cho biết đây là vụ buôn lậu vảy tê tê bị bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay.

tau2

Hơn 8,3 tấn vảy tê tê vừa bị Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc bắt giữ tại Hải Phòng. Tổng cục Hải quan công bố thông tin vừa nói hôm 15/5/2019, và cho biết đây là vụ buôn lậu vảy tê tê bị bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay. Courtesy chinhphu.vn

Tin cho biết, lô hàng vảy tê tê vừa nêu được vận chuyển từ Châu Phi trên tàu MIA SCHULTE về cảng VIP Green ở Hải Phòng từ ngày 22/3. Doanh nghiệp đứng tên nhận hàng trên vận đơn là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giao nhận quốc tế Hòa Bình có trụ sở tại Hà Nội.

Lô hàng gồm 311 bao chứa vảy tê tê này với tổng trọng lượng hơn 8,3 tấn, được đóng trong container 20 feet, bên ngoài được ngụy trang bằng 120 bao chứa hạt muồng.

Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc Đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, đang tiếp tục điều tra, xác minh vụ việc.

Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Văn phòng Liên Hiệp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), Việt Nam đang trở thành điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động, thực vật hoang dã ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng được biết đến là địa bàn trung chuyển lớn trong khu vực về buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Nhiều vụ án buôn bán xuyên quốc gia khối lượng lớn các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã đã bị phát hiện tại Việt Nam. Nguyên nhân một phần do tình trạng sử dụng thực phẩm từ các loài hoang dã để phục vụ cho các bữa tiệc.

Hậu quả của việc này là nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học. Không chỉ tê tê, nhiều loài thú khác là biểu tượng của nhiều vùng bị tuyệt chủng do áp lực khai thác, như tê giác một sừng, hổ, bò xám, trâu rừng, hươu vàng, nai cà-tông…

******************

Malaysia xử phạt hai người Việt săn trộm động vật hoang dã gần 9 tỷ đồng (RFA, 16/05/2019)

Hai người Việt săn trộm động vật hoang dã tại Malaysia bị chính phủ nước này tuyên phải đóng phạt gần 1,6 triệu ringgit, tương đương gần 9 tỷ đồng Việt Nam ; nếu không đóng phạt sẽ phải ở tù thêm 16 năm.

tau3

Móng vuốt của gấu tịch thu được từ hai công dân Việt. Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ online

Mạng báo Tuổi Trẻ loan tin ngày 15/5, trích thông tin từ phiên xử một ngày trước đó.

Tin cho biết, hai người bị bắt là Hoang Van Viet, 29 tuổi và Nguyen Van Thiet, 26 tuổi, bị bắt vào tháng 4 vừa qua trong một khu rừng quốc gia ở phía đông bán đảo Mã Lai.

Khi bị bắt giữ, cả hai người đang mang theo khoảng 140 bộ phận của động vật hoang dã như móng vuốt, răng nanh, và da, được cho rằng lấy từ ít nhất 2 con báo hoa mai, 3 con gấu chó và 12 con lợn rừng.

Trong phiên xử, anh Viet và anh Thiet bị cáo buộc phạm 20 tội theo quy định của Luật Bảo vệ động vật hoang dã 2010 của Malaysia, bị tuyên phạt gần 9 tỷ đồng và 2 năm tù giam. Nếu không đóng số tiền phạt thì bản án sẽ cộng thêm 16 năm.

Tin cũng cho biết thêm, số tiền mà 2 công dân Việt phải đóng được xem là mức phạt kỷ lục mà tòa án Mã Lai tuyên xử đối với vụ án liên quan đến động vật hoang dã.

Malaysia đang có chiến dịch Ops Belang truy quét các đối tượng săn bắt trái phép và mua bán động vật hoang dã.

Vào tháng 3 vừa qua, 2 công dân Việt Nam khác cũng bị chính phủ nước này tuyên phạt trong 2 vụ án khác nhau do bị phát hiện tàng trữ số lượng lớn các bộ phận của các loài động vật hoang dã. Trong đó gồm anh Tran Van Sang bị tuyên 19 năm tù, đóng phạt 850.000 ringgit và anh Ho Van Kien 6 năm tù giam cùng mức phạt 400.000 ringgit.

*****************

Thủ tướng : năng lực khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn hạn chế (RFA, 15/05/2019)

Chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam hiện ở mức rất thấp so với nhiều nước Đông Nam Á, chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP, thấp hơn nhiều so với con số bình quân của thế giới là 2,23% GDP.

tau4

Hình minh họa. Robot Sophia mặc áo dài tại hội nghị công nghiệp 4.0 ở Hà Nội hôm 13/7/2018 AFP

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/5.

Theo con số được đưa ra tại hội nghị, mức chi cho khoa học công nghệ của một số nước Đông Nam Á khác cao hơn nhiều so với Việt Nam. Ví dụ, Thái Lan có mức chi bằng 0,78% GDP, Singapore chi 2,2% GDP trong khi Malaysia chi 1,3% GDP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận tại hội nghị là năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn hạn chế. Ông kêu gọi khu vực nhà nước và tư nhân đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển để giúp Việt Nam tránh bị mắc kẹt trong hố năng suất thấp và bẫy thu nhập trung bình.

Các lãnh đạo Việt Nam mà điển hình là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời gian qua thường nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, là cuộc cách mạng dựa vào sự kết hợp của các công nghệ hiện đại của thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư thương mại.

Published in Việt Nam