Chi tiêu quốc phòng Việt Nam tăng cùng các cường quốc quân sự (VOA, 02/05/2019)
Việt Nam chi tiêu nhiều hơn vào việc nâng cấp các khả năng phòng vệ trong năm qua trong bối cảnh nhiều cường quốc trên thế giới cũng tăng cường chi tiêu cho quân sự, dẫn đầu là Mỹ, theo thống kê mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm.
Binh lính của lực lượng đặc công Việt Nam tại một cuộc diễu binh quân sự hôm 30/4/2015. Thống kê mới nhất của SIPRI cho thấy Việt Nam tăng cường chi tiêu quân sự lên 5,5 tỷ USD trong năm 2018.
Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2018, tăng hơn 500 triệu USD so với năm trước đó, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI) cho thấy mức chi tiêu quân sự của Việt Nam năm 2018 chiếm 2,3% tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Năm 2017, Việt Nam chi hơn 4,96 tỷ USD vào quân sự, thấp hơn một chút so với mức chi tiêu 5 tỷ vào năm 2016. Mức chi tiêu năm 2018 của Việt Nam tăng 76% so với năm 2009, theo SIPRI.
Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu toàn cầu với mức chi tiêu quốc phòng là 649 tỷ USD vào năm ngoái và có mức tăng lần đầu tiên trong 7 năm qua. Theo thống kê của viện nghiên cứu chuyên cung cấp các dữ liệu về xung đột, kiểm soát vũ khí, và giải trừ vũ khí, các quốc gia còn lại trong nhóm 5 nước chi tiêu quân sự nhiều nhất gồm Trung Quốc (250 tỷ USD), Ả Rập Saudi (67,6 tỷ USD), Ấn Độ (66,5 tỷ USD), và Pháp (63,8 tỷ USD).
Tổng mức chi tiêu của 5 cường quốc trên chiếm 60% chi tiêu cho quân sự trên toàn thế giới.
Việt Nam được SIPRI đồng xếp hạng thứ 35 toàn cầu về mức chi tiêu cho việc tăng cường khả năng quốc phòng.
SIPRI ước tính tổng chi tiêu quân sự trên toàn cầu năm 2018 đạt 1.822 tỷ USD và là mức tăng 2,6% so với năm 2017 và 5,4% cao hơn so với năm 2009.
Viện nghiên cứu này cho biết khu vực Châu Á và Châu Đại dương có mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất trên thế giới, với mức tăng 46% trong khoảng thời gian từ 2009 và 2018.
Mức tăng này có nguyên nhân chính là từ mức tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, theo SIPRI.
"Các căng thẳng giữa các nước ở Châu Á cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ là những nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng cao liên tiếp trong chi tiêu quân sự trong khu vực", Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cao cấp của chương trình SIPRI AMEX nói trong thông cáo báo chí đăng trên trang web của viện nghiên cứu này hôm 29/4.
Việt Nam đã gia tăng chi tiêu quân sự đáng kể trong những năm gần đây và theo dự báo của chuyên viên phân tích Công nghiệp Quốc phòng Châu Á Thái Bình Dương tại HIS Jane’s, Jon Grevatt, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng lên 6,2 tỷ USD đến năm 2020.
Vào tháng 3 vừa qua, SIPRI cũng đưa ra một phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, khoảng hơn 80% đơn hàng quân sự của Việt Nam đặt mua của Nga, theo CNN. Việt Nam sử dụng các khoản chi để hiện đại hóa khả năng – đặc biệt là các đội tầu ngầm và chiến hạm.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hà Nội đã có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD, theo một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng năm ngoái nói rằng "chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới".
********************
Bạch Hồng Quyền rời Thái Lan sang Canada định cư (RFA, 02/05/2019)
Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền vừa rời Thái Lan vào tối ngày 2/5/2019 và sẽ đến thành phố Mississauga, Canada vào khoảng 9 giờ sáng ngày 3/5/2019. Ông Đỗ Kỳ Anh, đại diện tổ chức Voice Canada xác nhận với Đài Á Châu Tự Do thông tin này vào chiều ngày 2/5.
Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền - RFA edit
Thông cáo báo chí của Voice được đưa trên trang Facebook của tổ chức này hôm 2/5 cũng cho biết ông Bạch Hồng Quyền cùng con trai út là bé Joseph Bạch (6 tháng tuổi) đã lên chuyến bay rời Bangkok vào lúc 10 giờ 40 phút tối ngày 2/5 giờ địa phương.
Voice, một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ người tị nạn, đã vận động chính phủ Canada nhận ông Bạch Hồng Quyền và gia đình gồm vợ và ba con nhỏ. Trước đó vợ ông Quyền là bà Bùi Thu Giang và hai con gái đầu đã được sang Canada vào ngày 16/4/2019.
Bạch Hồng Quyền là nhà hoạt động về môi trường ở Việt Nam và bị chính quyền Việt Nam truy nã với cáo buộc gây rối trật tự công cộng vì những hoạt động phản đối công ty Formosa xả thải ra môi trường biển miền Trung hồi năm 2016.
Vào tháng 5/2017, ông Quyền đã trốn sang Thái Lan và xin tị nạn chính trị.
Hôm 8/3/2019, từ Thái Lan, Bạch Hồng Quyên gửi một đơn kêu cứu tới các cơ quan báo chí và cho biết ông đang ở trong tình trạng hết sức nguy hiểm vì "Tổng cục cảnh sát Thái Lan kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam truy lùng ông để "bắt giữ và trục xuất về Việt Nam với mục đích xóa dấu vết ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan".
Blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do đã đột ngột mất tích tại Bangkok hôm 26/1/2019 khi đang chờ xin quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Sau đó, Công an Việt Nam xác định blogger này đang bị giam giữ tại Hà Nội nhưng không cho biết cụ thể blogger này đã bị bắt giữ ra sao và ở đâu. Gia đình blogger cho biết blogger không có ý định tự nguyện trở về Việt Nam. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng mật vụ Việt Nam kết hợp với cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ blogger Trương Duy Nhất ngay trên đất Thái Lan.
Bạch Hồng Quyền là người đã giúp đỡ blogger Trương Duy Nhất ở Thái Lan, và theo đơn của Bạch Hồng Quyền thì ông là "nhân chứng duy nhất chứng nhận việc ông Trương Duy Nhất đã có mặt tại Thái Lan để xin quy chế tị nạn của Cao ủy Liên hợp quốc UNHCR".
Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho RFA vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Quyền cho biết : "Nếu chính phủ Thái bắt giữ tôi, họ chắc chắn sẽ trao tôi cho phía Việt Nam".
Vì vậy, Bạch Hồng Quyền đã phải lẩn trốn và sống cách xa gia đình trong nhiều tuần từ đó đến nay.
Theo ông Đỗ Kỳ Anh, trước khi rời Thái Lan, Bạch Hồng Quyền đã phải vào Trung tâm tạm giữ người nhập cư của Thái Lan (IDC) ở Bangkok trong 1 tuần theo đúng thủ tục của người tị nạn trước khi được sang định cư ở nước thứ ba là Canada.
Đã có những lo ngại rằng phía Việt Nam sẽ tìm cách thuyết phục Thái Lan trục xuất Quyền về nước. Ông Đỗ Kỳ Anh cho biết : "mặc dù chúng tôi không có thông tin về vấn đề này nhưng chúng tôi cũng rất lo ngại. Trong thời gian Quyền ở IDC thì có thông tin một đoàn của Việt Nam vào IDC. Chúng tôi không biết họ vào làm gì nhưng chúng tôi theo dõi trường hợp của Quyền rất sát".
Theo thông cáo của Voice, Bạch Hồng Quyền nằm trong số 50 người được Voice và Voice Canada chọn bảo trợ theo chương trình tị nạn của chính phủ Canada.
"Sau hai năm nỗ lực, với sự ủng hộ hết lòng của nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm đến nhân quyền, chúng tôi đã thành công trong việc giúp đỡ gia đình ông Quyền được đoàn tụ và định cư tại Canada", thông cáo của Voice viết.
********************
Mỹ đánh thuế chống bán phá giá với cá da trơn nhập từ Việt Nam (VOA, 02/05/2019)
Hai thượng nghị sĩ Mỹ Cindy Hyde-Smith và Roger Wicker hôm 1/5 ca ngợi phán quyết cuối cùng về thuế chống bán phá giá đối với cá da trơn của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ Cindy Hyde-Smith tại một buổi họp ở Jackson, Mississippi, hôm 27/11/2018. Hà Hyde-Smith ca ngợi phán quyết cuối cùng của Cơ quan Thương mại Quốc tế nhằm áp thuế cao hơn để chống bán phá giá đối với cá tra-basa của Việt Nam nhập vào Mỹ.
"Đây là một động thái sẽ giúp đảm bảo rằng các nhà sản xuất cá da trơn của Mỹ có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng hơn", hai Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đại diện bang Mississippi nói trong một thông cáo ra ngày 1/5.
Cơ quan Thương mại Quốc tế (ITA) tuần qua đã đưa ra quyết định cuối cùng về tỷ lệ chống bán phá giá đối với các nhà xuất khẩu cá da trơn Việt Nam. Quyết định của ITA được đưa ra sau khi Thượng nghị sĩ Hyde-Smith, Wicker và sáu thượng nghị sĩ khác bày tỏ những lo ngại về việc này vào mùa thu năm ngoái.
ITA cuối cùng nhận thấy rằng các công ty Việt Nam tiếp tục vi phạm luật chống bán phá giá của Mỹ và cơ quan này đã áp dụng hình phạt cao hơn đối với các công ty xuất khẩu vi phạm luật – trong đó có mức phạt cao tới 3,87 USD cho mỗi kg fillet cá da trơn nhập khẩu, theo thông cáo của hai thượng nghị sỹ.
Vào tháng 3 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã kêu gọi Mỹ xem xét lại kết luận của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong vụ việc rà soát hành chính về biện pháp chống bán phá giá cá da trơn, còn gọi là cá tra-basa, của Việt Nam, theo Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Theo kết luận của DOC đưa ra hôm 15/3, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg đến 7,74 USD/kg.
VnExpress nhận định rằng "đây là mức thuế chống bán phá giá áp cho cá tra Việt Nam cao nhất từ trước đến nay" và Thời báo Kinh tế Việt Nam cho rằng mức thuế này "sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sang Mỹ".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Wicker nói rằng "đây là một quyết định đáng hoan nghênh cho người tiêu dùng Mỹ và các nhà sản xuất cá da trơn trong nước của chúng tôi, những người nuôi cá chất lượng cao cho các bữa ăn tối của người Mỹ".
"Cuối cùng, chúng ta đang chứng kiến sự phục hồi của một sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất cá da trơn của chúng ta, những người đã phải chống lại các hoạt động thương mại không công bằng trong nhiều năm", Thượng nghị sĩ Hyde-Smith nói trong thông cáo. "Quyết định của ITA là tin tốt cho các nhà sản xuất của chúng tôi ở Mississippi và các tiểu bang sản xuất cá da trơn khác".
Tháng 10 năm ngoái, Thượng nghị sĩ Hyde-Smith đã viết một bức thư nêu lên mối lo ngại về các hành động đáng nghi của ITA trong việc đánh giá hoạt động bán phá giá của các công ty Việt Nam xuất khẩu fillet cá da trơn đông lạnh sang Hoa Kỳ. Một quyết định sơ bộ của ITA ban hành vào tháng 9 chỉ khuyến nghị các hình phạt danh nghĩa đối với các công ty này. Tuy nhiên, sự quan tâm của quốc hội Mỹ về vấn đề này đã thúc đẩy việc điều tra thêm về các hành vi bán phá giá, dẫn đến hình phạt cao hơn được xem xét cho các hành vi vi phạm luật, theo thông cáo.
Hai thượng nghị sĩ cho biết hiện nay, chỉ có 13 công ty Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ để có thể xuất khẩu cá da trơn vào tiêu thụ ở thị trường Mỹ.
Số liệu của Tổng cục Hải quan được Thời báo Kinh tế Việt Nam trích dẫn cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ năm 2017 tăng 8,2% về kim ngạch so với năm 2016, đạt 41,61 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2017 đạt 1,41 tỷ USD.
********************
Chính quyền Malaysia hôm 1/5 đã tiêu hủy hơn ba tấn ngà voi bị các cơ quan thực thi pháp luật địa phương thu giữ ở nhiều nơi.
Số ngà voi này bị thu giữ khi đang được vận chuyển tới các thị trường ở Việt Nam và Trung Quốc, AP dẫn lời ông Xavier Jayakumar, Bộ trưởng Nước, Đất và Các tài nguyên thiên nhiên, cho biết tại một buổi họp báo.
Ông Xavier nói thêm rằng họ đã thu giữ 3,92 tấn ngà voi và các sản phẩm làm từ ngà voi trị giá 3,2 triệu đôla tại các sân bay và cảng biển của nước này.
Theo các quan chức, phần lớn số ngà voi này xuất xứ từ Châu Phi.
Theo AFP, Malaysia hiện trở thành một điểm trung chuyển và buôn bán ngà voi trái phép.
Việc buôn bán ngà voi bị cấm trên toàn thế giới kể từ năm 1989 sau khi số voi ở Châu Phi giảm từ mức nhiều triệu con giữa thế kỷ 20 xuống còn khoảng 600 nghìn vào cuối những năm 80.
Theo AFP, việc bắt giữ các bộ phận cơ thể của các động vật quý xảy ra khá thường xuyên khắp Châu Á.
Hồi đầu tháng Tư, Singapore hai lần phát hiện và thu giữ 25 tấn vảy tê tê chỉ trong vòng vài ngày.