Cư dân mạng nghi công an ở Sài Gòn dàn dựng, đổ vấy tội cho dân (Người Việt, 23/06/2018)
Nhiều Facebooker đồng loạt đặt nghi vấn về chi tiết giống nhau trong hình do nhà chức trách công bố về hai nghi can vụ nổ ở trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, Sài Gòn; và hình chụp lực lượng trấn áp người biểu tình : cùng mang giày đen đế trắng và mặc quần jean.
Hình hai nghi can vụ nổ ở trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình (trái) và hình nhóm người trấn áp người biểu tình. (Hình : Facebook Hoàng Dũng)
Các Facebooker đưa "thuyết âm mưu" cho rằng sở dĩ chính quyền phải "dựng lên" vụ nổ hôm 20 tháng Sáu để có cớ cáo buộc về nguy cơ "khủng bố" và đề nghị tăng cường trang bị vũ khí cho các trụ sở công an phường ở Sài Gòn.
Mối nghi ngờ của công luận càng gia tăng vì đã ba ngày trôi qua mà vẫn chưa khởi tố vụ nổ, trong lúc theo lẽ thường, các vụ này được cơ quan điều tra và tố tụng tiến hành cấp tập.
Luật Sư Võ An Đôn đưa hình vụ "không hẹn mà mang giày và mặc quần jean giống nhau" lên Facebook và đặt câu hỏi : "Không lẽ những người trấn áp biểu tình lại là kẻ đánh bom khủng bố hay sao ?"
Vài ngày trước, nhiều Facebooker cũng phát hiện hình một nghi can mặc sắc phục công an "để kích động gây rối" do nhà chức trách công bố có cùng chi tiết mắt kính, đồng hồ, dây đeo tay màu đỏ và gương mặt giống với một nhân viên an ninh đang làm nhiệm vụ trong cuộc biểu tình.
Ngoài ra, cộng đồng mạng cũng đặt nghi vấn vụ công bố một nghi can ném "tảng đá 33 kg" vào cảnh sát cơ động ở Sài Gòn mới đây vì người này được cho là có "gương mặt anh em sinh đôi" với một cảnh sát cơ động trong một hình khác. Một số blogger còn nửa đùa nửa thật rằng lẽ ra nên cử nghi can này đại diện thể thao Việt Nam đi thi Olympic vì không phải ai cũng có "sức khỏe phi thường" được như vậy.
Liên quan đến vụ này, hôm 18 tháng Sáu, công an ở Sài Gòn bác tin và cho biết nghi can ném đá tên là Võ Văn Trụ trong lúc viên cảnh sát cơ động được cho là giống anh này tên là Nguyễn Đình Việt, đang công tác tại Trung Đoàn Cảnh Sát Cơ Động (PK20E) thuộc công an ở Sài Gòn.
"Khi xem lại, hai ảnh lan truyền trên mạng xã hội đã được xử lý mờ nhòe, khiến hai khuôn mặt có chút nét giống nhau để xuyên tạc, bịa đặt", báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn công an.
Tuy vậy, hiện tượng lực lượng công an, an ninh, cảnh sát cơ động, dân phòng cùng đeo nhẫn màu xanh hoặc vòng tay giống nhau để "dễ bề nhận diện phe ta" trong đám đông đã được ghi nhận từ các cuộc biểu tình phản đối Formosa, Trung Quốc tại Sài Gòn từ năm 2016.
Hồi tháng Năm, 2016, cư dân mạng, giới hoạt động trong và ngoài nước mở chiến dịch "lệnh truy nã" để công bố hình ảnh, lý lịch và nơi làm việc của những công an viên mặc áo thanh niên xung phong, đeo nhẫn và vòng tay giống nhau, nhằm đàn áp những người tuần hành ôn hòa. (T.K.)
**********************
Chức sắc Cao Đài tố cáo Công an địa phương đánh đập trước đối thoại nhân quyền Việt - Úc (RFA, 23/06/2018)
Một chức sắc Cao Đài ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho Đài Á Châu Tự Do biết ông đã bị công an địa phương mặc thường phục đến nhà vào chiều ngày 22/6, đánh đập đến bất tỉnh rồi cắt râu của ông.
Chánh trị sự Hứa Phi sau khi bị đánh và cắt râu hôm 22/6/2018 - FB Hứa Phi
Người bị đánh là ông Hứa Phi, chánh trị sự đạo Cao Đài, đồng Chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn. Nói với đài ACTD qua điện thoại vào tối ngày 23/6, ông Hứa Phi cho biết :
"Lúc 17 giờ người ta kêu cửa, tôi mới vừa mở thì người ta ập vào người ta đánh. Người ta đánh rất là thê thảm. Người ta mặc đồ thường thôi. Nhưng người ta gọi người ta bảo muốn trao đổi chút xíu. Lúc đó tôi đang ăn cơm. Tôi bảo chờ chút xíu. Tôi vừa mở cửa ra là người ta ập vô đánh liền. Đánh bất tỉnh xong, người ta cắt râu, cạo râu tôi. Xong hàng xóm thấy mới báo cho gia đình tôi. Gia đình tôi vô đem tôi về nhà nhưng đang đêm thì xe công an cản đường. Lẽ đương nhiên sự việc này là công an làm chứ không ai làm hết".
Ông Hứa Phi cho biết ông không có hận thù với ai. Tuy nhiên ông đặt nghi vấn vụ đàn áp này có liên quan đến giấy mời ông mới nhận được từ Đại sứ quán Úc, mời ông lên Sài Gòn để gặp các viên chức đại sứ quán vào ngày 25/6 tới. Úc và Việt Nam sắp tổ chức đối thoại nhân quyền thường niên. Trước các đối thoại nhân quyền với Việt Nam, viên chức đại sứ quán các nước thường mời những nhà hoạt động dân sự, đại diện tôn giáo đến để trao đổi tình hình.
Ông Hứa Phi cũng là người đã lên tiếng phản đối những đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với các tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo cho người dân trong nước.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hứa Phi bị đánh đập, sách nhiễu bởi công an. Trong tháng 1 vừa qua, ông đã liên tục nhận nhiều giấy mời và triệu tập lên gặp công an để trả lời việc đã ‘xúc phạm dân tộc và cung cấp tin tức không đúng sự thật’, nhưng ông đã từ chối không đi gặp vì cho rằng lý do nêu trên các giấy mời là sai.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế. Báo cáo lên án chình quyền Việt Nam tiếp tục kiểm soát, đàn áp những tổ chức tôn giáo không chịu sự kiểm soát của nhà nước. Việt Nam sau đó đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
*********************
Bình Thuận khởi tố thêm 22 người tham gia biểu tình phản đối luật Đặc khu (RFA, 23/06/2018)
Công an tỉnh Bình Thuận hôm 23/6 cho truyền thông trong nước biết cơ quan này vừa quyết định khởi tố thêm 22 người về tội Gây rối trật tự công cộng, Huỷ hoại tài sản và Chống người thi hành công vụ. Đây là những người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hôm 10 và 11/6 vừa qua.
Hình chụp hôm 12/6/2018 : xe bị đốt cháy tại trụ sở công an ở tỉnh Bình Thuận hôm 10/6/2018 do bạo động - AFP
Như vậy, tính đến thời điểm này, công an Bình Thuận đã khởi tố tổng cộng 34 người về cùng tội danh trong vụ biểu tình vừa qua. Theo cơ quan công an, 33 người trong số này đã bị tạm giam, 1 người bỏ trốn
Báo chí trong nước trích thông tin từ công an tỉnh cho biết, tại cơ quan điều tra, các nghi phạm đều thừa nhận hành vi, tỏ ra ăn năn hối hận. Một số người cho biết đã được cho tiền để kích động, đập phá.
Đại tá Nguyễn Văn Nhiều, Trưởng phòng tham mưu công an tỉnh Bình Thuận cho biết cơ quan này đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, củng cố hồ sơ để khởi tố thêm nhiều người.
Tại tỉnh Ninh Thuận, cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Phan Rang - Tháp Chàm hôm 23/6 cũng cho biết đã bắt giam một người có tên Nguyễn Thị Như Hoà (44 tuổi) về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây là nghi can thứ hai ở tỉnh này bị khởi tố về hành vi nói trên tính từ hôm 18/6 đến nay.
Liên quan đến cuộc biểu tình hôm 10 và 11/6, hàng ngàn người dân ở nhiều tỉnh thành đã đổ ra đường phố để phản đối dự luật đặc khu trong đó có điều khoản cho người nước ngoài thuê đất lên đến 99 năm. Nhiều người lo lắng nếu luật được quốc hội thông qua, người Trung Quốc sẽ vào chiếm đất.
Công an và lực lượng an ninh đã được huy động để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hoà. Tuy nhiên, tại Bình Thuận, cuộc biểu tình sau đó đã biến thành bạo động khi hàng trăm người biểu tình tràn vào trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh, đập phá, đốt xe. Một số người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát.
Sau cuộc bạo động ở Bình Thuận, công an đã triệu tập nhiều người để điều tra. Một nhân chứng ở Bình Thuận, người đã tham gia biểu tình và ném đá cảnh sát là anh Nguyễn Minh Kha, 18 tuổi, cho đài ACTD biết anh đã bị công an điều tra đánh đập đến thương tích nặng. Hiện anh đã phải vào Sài Gòn để điều trị. Tuy nhiên, công an địa phương cho báo chí biết Kha đã bỏ trốn khỏi địa phương và phát lệnh truy nã.
******************
Hơn 100 người dân phản đối chính quyền cưỡng chế đất của một hộ gia đình (VNTB, 23/06/2018)
Một lần nữa Cơ quan Thi hành án Dân sự huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk chưa thể cưỡng chế đất của hộ gia đình ông Phan Xuân Lương ở xã Ea Kiết để giao lại cho công ty Buôn Ja Wầm. Hơn 100 hộ dân ở đây vì để bảo vệ quyền lợi đất đai của gia đình nên đã đoàn kết, sát cánh cùng với hộ gia đình ông Lương kiên quyết đấu tranh với doanh nghiệp…
Khoảng hơn 100 người dân có mặt tại mảnh đất nhà ông Phan Xuân Lương để thể hiện tinh thần kiên quyết giữ đất. Ảnh : Facebook Vo Ngoc Luc
Theo như chia sẻ của người dân cũng như từ chính ông Phan Xuân Lương thì chính thức cơ quan Thi hành án Dân sự huyện Cư M’gar sẽ cưỡng chế lấy 6 sào đất của gia đình ông để giao cho Công ty Buôn Ja Wầm là vào ngày 15/6/2018. Tuy nhiên, đến ngày cưỡng chế như thông báo thì Cơ quan thi hành án Dân sự không đến mà dời ngày cưỡng chế đến ngày 19/6/2018.
Trước thông tin này, rạng sáng ngày 19/6 đã có hơn 100 người dân sinh sống xung quanh khu vực đã có mặt tại khu đất nhà ông Lương để biểu thị tinh thần đoàn kết, sát cánh cùng ông Lương trong công cuộc bảo vệ đât đai, phản đối việc chính quyền cưỡng chế đất của người dân để giao cho công ty Buôn Ja Wầm. Giữa lúc tình hình đang cho thấy là rất căng thẳng thì ông Lương nhận được tờ giấy thông báo đến từ cơ quan Thi hành án Dân sự huyện Cư M’gar là hoãn việc cưỡng chế. Việt Nam Thời Báo (VNTB) được biết, cũng trong ngày 19/6 này có Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk do ông Y Khút Niê làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Cư M’gar và Thành phố Buôn Mê Thuột. Tại huyện Cư M’gar, Đoàn Đại biểu tỉnh Đắk Lắk chỉ tiếp xúc với cử tri của các xã Quảng Hiệ, Ea Mnang, Cư M’gar và Ea M’droh mà không thấy có nhắc đến cử tri của xã Ea Kiết nơi đang có vấn đề "nổi cộm" liên quan đến việc tranh chấp đất đai giữa hơn 100 hộ dân với Công ty Buôn Ja Wầm mà báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua.
Chia sẻ với VNTB, ông Lương nói :
"Tức là ngày đó cưỡng chế theo bản án nhưng họ hoãn rồi…họ có thông báo nhưng đến ngày 19/6 tôi mới nhận được thông báo".
Ông Lương cũng chính là người năng nổ cùng với hơn 100 hộ dân ở đây đấu tranh quyết liệt với Công ty Buôn Ja Wầm để giữ đất. Theo ông Lương, ông là trường hợp đầu tiên trong số hơn 100 hộ dân đang phải đối diện với lệnh cưỡng chế và sau đó là đến phiên mười mấy hộ dân khác.
"Nói chung là có nhiều hộ bị kiện nhưng họ làm tôi đầu tiên…họ kiện cho đến hiện tại đã 16, 17 hộ rồi, trong đó có tôi và 5 hộ nữa là họ kiện lấy đất".
Tranh chấp đất đai giữa hơn 100 hộ dân với Công ty Buôn Ja Wầm mà mấy ngày qua VNTB thông tin được hiểu là người dân cho biết diện tích đất của gia đình do tự gia đình khai hoang hoặc mua lại từ người đồng bào sinh sống từ lâu, trước khi có công ty Buôn Ja Wầm. Tuy nhiên, Công ty Buôn Ja Wầm có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không rõ ràng do chính quyền cấp có phần diện tích đất trùng với diện tích đất của các hộ dân. Vì lý do cho rằng người dân chậm hoặc không chấp hành hợp đồng "giao khoán" nông sản là cà phê từ năm 2016 đến nay nên Công ty Buôn Ja Wầm đã kiện các hộ dân ra tòa. Hầu hết các phiên xử, Tòa án đều tuyên Công ty Buôn Ja Wầm thắng kiện và các hộ dân có trường hợp bị Tòa ra quyết định phải thực hiện đúng hợp đồng "giao khoán" hoặc trả lại đất cho công ty Buôn Ja Wầm đơn cử như trường hợp của hộ gia đình ông Phan Xuân Lương. Ông Lương bị Tòa án dân sự các cấp ở tỉnh Đắk Lắk ra quyết định yêu cầu trả 6ha đất cho công ty Buôn Gia Wầm và đổi lại Công ty Buôn Ja Wầm bồi hoàn tiền hoa lợi trên đất cho hộ gia đình ông Lương.
Ông Lương chia sẻ :
"Đúng rồi ! Họ kiện tôi ra tòa rồi và đến phiên phúc thẩm vẫn tuyên tôi trả đất cho họ (công ty Buôn Ja Wầm)…Đất của gia đình tôi gần 9 sào nhưng họ lấy của tôi 6 sào"
Tại các phiên xử cũng như tại các buổi tiếp xúc với các cấp chính quyền, ông Lương giữ quan điểm và chứng minh diện tích đất bị Cơ quan Thi hành án Dân sự huyện Cư M’gar cưỡng chế là đất của hộ gia đình ông.
Thông báo của Cơ quan Thi hành án huyện Cư M'gar về việc hoãn thi hành cưỡng chế đất gia đình ông Phan Xuân Lương. Ảnh : Facebook Vo Ngoc Luc
"Tôi nói trước tòa là đất này do tôi khai hoang, diện tích đất của tôi toàn bộ là gần 9 sào nhưng vào năm 2012 phía Công ty ép tôi ký hợp đồng là 6 sào và tôi không được phía Công ty đầu tư gì cả. Tòa họ tuyên rằng Công ty trả lại hoa lợi trên đất cho tôi, tức là những cây cà phê và các loại cây trồng trên đất giá trị bằng tiền là 203 triệu đồng, còn tôi phải trả lại đất cho bên Công ty là 6 sào. Tôi nói rằng, đất này của tôi có sơ đồ, trích lục của chính quyền xã cấp cho tôi gần 9 sào nhưng họ nói của công ty là 6 sảo, tức là 6 sào nằm trong giấy quyền sử dụng đất của Công ty. Tôi lại nói : nếu như vậy thì tại sao quyền sử dụng đất của công ty lại không có sơ đồ, không có ranh giới, không có vị trí, tọa độ gì và khi công ty làm quyền sử dụng đất mà tôi lại là người có diện tích đất nằm trong đó, đang canh tác trong đó mà tôi lại không biết ? Rất nhiều người giống như tôi là không biết chứ không riêng gì tôi, chẳng qua tới lúc bắt đầu tranh chấp là năm 2016 mới có giấy quyền sử dụng đất mà thôi".
Hiện tại ông Phan Xuân Lương và hơn 100 hộ dân có tranh chấp đất đai với Công ty Buôn Ja Wầm bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ bị mất đất, điều này sẽ dẫn đến việc không chỉ thế hệ hiện tại mà thậm chí cho đến đời con cháu vẫn sẽ phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình nên mọi người kiên quyết giữ đất.
Minh Hải
******************
Trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức để đổi lấy FTA ? (VOA, 23/06/2018)
Trong lúc phiên tòa xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức đang hé lộ dần các thông tin "gây căng thẳng" và "hồi hộp" từ các nhà điều tra, luật sư người Đức của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Schlagenhauf, nhận định với VOA rằng có phần chắc hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU sẽ không được ký kết nếu như không có một giải pháp cho vụ bắt cóc kiểu "chiến tranh Lạnh" này.
Trịnh Xuân Thanh bị áp giải ra tòa án ở Hà Nội vào ngày 8/1/2018.
Trong email trả lời phỏng vấn của VOA về thông tin cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh sắp được Việt Nam trao trả lại Đức, Luật sư Schlagenhauf nói bà không thể bình luận chi tiết về điều này, nhưng dẫn chứng nhiều bài báo Đức với "nhiều nguồn khác nhau" tiết lộ Việt Nam sẽ trả thân chủ của bà về Đức vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, thực hiện lời hứa đối với chính phủ Đức rằng Việt Nam muốn kết thúc "tình trạng xung đột" với Đức.
Luật sư Petra Schlagenhauf.
Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị Hà Nội truy nã, đã bất ngờ biến mất khỏi Đức vào cuối tháng 7 năm ngoái trong lúc đang xin tị nạn ở nước này.
Chính phủ Đức nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh tại một công viên ở Berlin. Vài ngày sau, ông Thanh xuất hiện trên truyền hình Việt Nam và Hà Nội nói rằng ông này tự ra đầu thú.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra những căng thẳng ngoại giao lớn giữa hai nước. Berlin gọi đây là một vụ vi phạm luật pháp Đức và quốc tế "chưa từng có", và ra lệnh trục xuất nhân viên sứ quán Việt Nam tại Berlin với lý do "persona non grata" (không được hoan nghênh").
Berlin còn yêu cầu Hà Nội phải trả Trịnh Xuân Thanh lại để nước này giải quyết đơn xin tị nạn của ông Thanh.
Một nhà nghiên cứu kinh tế-chính trị của Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhận định với VOA rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là một trong ba "vướng mắc" mà Hà Nội đang cần phải tháo gỡ với Berlin để thúc đẩy cho việc ký kết hiệp định tự do thương mại với Châu Âu, được xem là một trong những chính sách kinh tế ưu tiên hàng đầu sau khi Hiệp định Đối tác Thương mại Tự Do Xuyên Thái Bình Dương (TPP) rơi vào trạng thái bất định sau khi Hoa Kỳ rút lui.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho biết thêm : "Vào tháng 2/2018, tại Brussels, trụ sở của Liên minh Châu Âu, đã phát ra tín hiệu là chính thức đặt vấn đề nhân quyền là quan trọng nhất đối với hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Châu Âu, trong đó phải giải quyết được 3 vấn đề là vụ Trịnh Xuân Thanh, thứ hai là vấn đề công đoàn độc lập và thứ ba là cải thiện lao động cưỡng bức tại Việt Nam".
Việc ký kết FTA với EU càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam đang bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt về thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, thép, nhôm (vì có xuất xứ từ Trung Quốc)…, và Liên minh Châu Âu vẫn chưa quyết định hủy bỏ "thẻ vàng" cảnh cáo đối với thủy sản Việt Nam vì tình trạng đánh bắt thủy sản lậu
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến thủy sản ở Việt Nam.
"Thị trường Liên minh Châu Âu là một thị trường rất đắc địa đối với Việt Nam. Và nếu như vì vụ Trịnh Xuân Thanh hay vì vi phạm nhân quyền… mà Việt Nam bị hạn chế xuất khẩu vào thị trường Châu Âu thì đó là một thiệt thòi rất lớn", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận xét.
Theo ông, động thái phóng thích Luật sư Nguyễn Văn Đài, người mà theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, là "nhân vật bất đồng chính kiến nguy hiểm nhất đối với chính quyền Việt Nam", gần đây cho thấy Hà Nội đang chịu một sức ép rất lớn từ phía người Đức.
Ông phân tích : "Việt Nam từ đầu năm 2018 đã rất hy vọng vào hiệp định này và cho báo chí tuyên truyền rằng cuối tháng 3 là hoàn tất bản thảo để Việt Nam ký với Ủy ban Châu Âu, để từ đó, Ủy ban Châu Âu trình lên Cộng đồng Châu Âu rồi Nghị viên Châu Âu, và có thể hoàn tất, ký kết ngay trong năm 2018. Nhưng từ cuối tháng 3 tới nay, hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào về việc hoàn tất bản thảo giữa Nghị viện Châu Âu và Việt Nam. Hiện số phận hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu đang treo lơ lửng và phụ thuộc vào người Đức".
Trong khi đó, Luật sư Petra Schlagenhauf cho rằng việc thả ông Đài "chắc chắn cho thấy, bằng cách nào đó, Việt Nam đang nỗ lực xoa dịu xung đột với Đức và Châu Âu".
Chính phủ Đức hiện đang tiến hành xét xử những người liên quan đến vụ bắt cóc, trong đó có Nguyễn Hải Long, người bị cáo buộc là gián điệp đã thuê chiếc xe để sử dụng trong vụ bắt cóc.
Tin mới nhất từ thoibao.de cho biết cảnh sát Đức đã xác nhận có cuộc gọi từ Berlin vào số máy có đuôi 8888 của Bộ trưởng Công an Tô Lâm ngay trước khi vụ bắt cóc diễn ra. Cùng thời điểm này, Czech cũng ghi nhận có một cuộc gọi từ máy ông Đào Quốc Oai, cậu của Nguyễn Hải Long, cho ông Tô Lâm.
Các giới chức Việt Nam, đứng đầu là Bộ trưởng Tô Lâm, đã bị Đức cáo buộc sử dụng máy bay mượn của Slovakia để thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhân một chuyến công tác đến nước này.
Slovakia phủ nhận đã giúp Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc và không có bằng chứng cho thấy ông Thanh có mặt trên máy bay.
Theo Luật sư Petra Schlagenhauf, phiên tòa "gay cấn" tại Đức sẽ tiếp tục kéo dài cho đến ít nhất là tháng 8 năm nay.
Ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang chịu 2 án tù chung thân tại Việt Nam về tội tham ô tài sản.
Khánh An
*******************
Thượng tá công an ở Đắk Lắk lừa đảo hơn triệu đô (Người Việt, 23/06/2018)
Mặc dù không thể "chạy trường, chạy việc", nhưng ông phó phòng thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn loan tin "mình thừa sức" để chiếm đoạt 24,3 tỷ đồng (hơn 1 triệu USD) của nhiều người.
Người dân tố cáo ông Y Tuyến Ksơr nhận tiền chạy việc. (Hình : Tiền Phong)
Theo báo Người Lao Động, từ khoảng tháng Năm, 2012, đến tháng Tư, 2014, ông Y Tuyến Ksơr công tác và giữ chức vụ phó trưởng Phòng Kỹ Thuật Nghiệp Vụ (PA71) Công an tỉnh Đắk Lắk, và từ tháng Năm, 2014, đến tháng Tám, 2016, ông chuyển sang công tác và giữ chức vụ phó trưởng Phòng Cảnh Sát Quản Lý Hành Chính Về Trật Tự Xã Hội (PC64) cũng thuộc công an tỉnh này.
Trong thời gian này, ông Y Tuyến Ksơr nhận tiền của rất nhiều người để xin cho người thân của họ vào học tại các trường của ngành công an, vì "bản thân quen biết với lãnh đạo Bộ Công an nên có khả năng xin vào học tại trường trung cấp Cảnh Sát Nhân Dân V tại tỉnh Quảng Nam, trường Văn Hóa 3, Bộ Công an tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, và vào làm việc trong lực lượng công an các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, công an phòng cháy chữa cháy tỉnh Đắk Lắk, chuyển vào chuyên nghiệp trong lực lượng công an nhân dân và chuyển công tác từ đơn vị này đến đơn vị khác".
Nhiều người tin ông này rồi giao tiền, bởi vì bản thân mang cấp hàm thượng tá và là phó phòng của công an tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi lừa lấy được tiền, ông Ksơr sử dụng một phần để trả nợ cho những người mà ông ta đã nhận trước nhưng không xin được việc bị đòi, một phần dùng cho cá nhân. Riêng các hồ sơ liên quan đến xin việc, xin đi học thì ông đem tiêu hủy.
Theo kết quả giám định của Phòng Kỹ Thuật Hình Sự, Công an tỉnh Đắk Lắk, thì : "Chữ ký, chữ viết đứng tên Y Tuyến Ksơr trong các tài liệu cần giám định như gấy biên nhận và cam kết, giấy nhận tiền, giấy biên nhận, giấy giao nhận tiền, giấy vay tiền… so với chữ ký, chữ viết đứng tên Y Tuyến Ksơr trong tài liệu mẫu so sánh, là do cùng một người ký và viết ra".
Báo này cho hay, trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2016, ông Y Tuyến Ksơr đã chiếm đoạt tiền của 69 bị hại với tổng số tiền 24,3 tỷ đồng.
Ngày 23 tháng Sáu, Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa ra quyết định truy tố ông Y Tuyến Ksơr về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". (Tr.N)