Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Indonesia đánh chìm 86 tàu cá Việt Nam (RFI, 22/08/2018)

Hãng tin Mỹ AP ngày 22/08/2018, trích dẫn một viên chức Indonesia, cho biết là đã có 123 tàu đánh cá nước ngoài vừa bị chính quyền Jakarta cho đánh chìm. Mục tiêu là răn đe các tàu ngoại quốc vào đánh bắt trái phép trong hải phận Indonesia, bảo vệ chặt chẽ hơn vùng biển rộng lớn của quốc gia này.

vn1

Indonesia nhiều lần phá hủy tầu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong hải phận Indonesia Reuters/M N Kanwa

Việc đánh chìm tàu được tiến hành vào hôm thứ Hai 20/08, diễn ra tại 11 địa điểm khác nhau. Trong số các tàu cá bị đánh chìm, có 86 tàu Việt Nam, 20 tàu Malaysia, 14 tàu Philippines.

Theo phát ngôn viên bộ Ngư Nghiệp và Hàng Hải Indonesia, Lily Pregiwati, việc đánh đắm tàu không được báo trước, hầu tránh làm cho quan hệ với các nước láng giềng bị tác động.

Theo AP, những tàu bị đánh chìm trước đây là bằng chất nổ. Các đoạn video trên truyền thông địa phương hôm thứ Hai cho thấy cảnh thủy thủ Indonesia từ một chiếc tàu bị đổ đầy cát và đánh chìm, trèo qua một chiếc tàu của họ ở bên cạnh.

Phía Indonesia luôn giải thích là tàu đánh cá trái phép là mối đe dọa đối với ngành đánh cá Indonesia. Các chủ tàu thuê người trái phép từ khắp Đông Nam Á và đối xử với nhân viên như nô lệ.

Từ năm 2014 đã có 488 tàu cá trái phép bị Indonesia đánh chìm.

Trọng Nghĩa

*******************

Yếu kém trong quản lý đê điều Hà Nội (RFA, 22/08/2018)

Hà Nội là thành phố có nhiều con sông bao quanh và chảy qua giống như tên gọi của nó : Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi… Do vị trí như thế mà từ xưa đến nay một hệ thống đê được xây dựng để phòng ngừa mối nguy ngập lụt, nhất là trong mùa mưa lũ.

vn2

Quân đội được huy động giúp dân đắp đê cát ngăn lũ. AFP

Tuy nhiên hệ thống đê điều tại đây không được quản lý rốt ráo, đó là điều mà chính truyền thông trong nước luôn đưa tin. Tình trạng vi phạm luật Đê điều được cho xảy ra "như cơm bữa". Các vi phạm chủ yếu là xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông, chiếm dụng mái đê để trồng các loại cây ; dựng lều quán trên mặt đê, mái đê ; tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê… Trong đó có nhiều địa phương xảy ra hàng chục vụ vi phạm như vậy và đã được báo chí phanh phui nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Báo chí quốc nội nói rằng một số địa phương thậm chí còn để cho các tổ chức lấn chiếm không gian thoát lũ xây dựng các công trình kiên cố, các trạm trộn bê tông, các bãi tập kết vật liệu, thậm chí một số tổ chức còn đổ đất lấn chiếm lòng sông.

Hầu hết các vi phạm đê điều xảy ra ở khu vực sông Hồng đoạn chảy qua huyện Thường Tín. Tại xã Thống Nhất có ít nhất 7 kho chứa vật liệu xây dựng do chính quyền địa phương cấp phép, trong đó có hàng chục đống cát dọc bờ đê.

Tại khu vực đê huyện Bắc Từ Liêm, chính quyền cho phép 7 công ty chiếm đất để lưu trữ vật liệu xây dựng tại điểm gần sông, chỉ cách bờ đê 100m, gây ra thiệt hại và tác động đến khu vực đê nơi đây vì các xe tải quá trọng lượng hoạt động liên tục ngày đêm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (ngành thủy lợi hiện nay do ngành nông nghiệp quản lý) cho biết đã xảy ra hàng ngàn vụ vi phạm luật đê điều tại thành phố này.

Trận lụt đầu tháng 8 vừa qua khiến khu vực ngoại thành Hà Nội mênh mông giữa biển nước. Hàng ngàn ngôi nhà ở các khu vực Chương Mỹ, Quốc Oai,…bị ngập, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu và đảo lộn cuộc sống của người dân.

Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ có nói với chúng tôi :

Nguyện vọng của nhân dân là đề nghị thành phố và các cấp chính quyền đầu tư để nâng cấp mặt đê lên để nhân dân đỡ phải đi đắp đê. Năm nào cũng thế, sông Đà xả lũ, nước dâng lên là người dân lại phải đi đắp đê rất là khổ ! Và lại còn bị ngập trong nước, năm ngoái đã ngập, năm nay lại ngập.

Năm ngoái, mưa lũ cũng cuốn trôi một đoạn đê tả Bùi ở huyện Chương Mỹ, cũng khiến hàng ngàn hộ dân bị cô lập trong biển nước và hàng trăm hecta hoa màu, thủy sản và gia súc gia cầm của người dân bị cuốn trôi.

RFA cũng liên lạc với ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Đê điều và Phòng Chống lụt bão Hà Nội, nhưng ông này từ chối trả lời. Ông Thịnh trước đây từng "nổi tiếng" với câu nói "đê vỡ có kế hoạch" khi nói về vụ vỡ đê sông Bùi ở huyện Chương Mỹ năm ngoái.

Mặc dù nhiều sai phạm đã được nêu ra, nhưng ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1 (khu vực Hà Nội), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lại nói với RFA rằng cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã làm tốt việc quản lý hệ thống đê :

Họ làm tốt từ ngày xưa rồi, những năm 69-71 lũ lụt như thế người ta còn làm được. Các đập thủy điện điều tiết lũ tốt. Ngập khu vực ngoại thành vừa rồi là do tai nạn, kiểu đê quai, vùng bờ sửa nó vỡ. Không phải lũ, mưa to thì nó vỡ bờ thôi.

Nhà nước bây giờ phải đầu tư các loại vật liệu kiên cố hơn có thể bằng bê tông. Bây giờ mới đang triển khai làm chứ sao mà thực hiện được ngay, phải chuẩn bị nhiều việc từ đầu tư, giống mình làm nhà vậy. Chắc cũng phải mất đôi năm.

vn3

Mùa mưa lũ ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. AFP

Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi lại có quan điểm khác. Ông chỉ ra những thiếu sót trong việc quản lý đê điều của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội.

Trước tiên ông cho rằng cơ quan chức năng cần thay đổi quan điểm phân vùng lũ từ cuối thế kỷ XX. Quan điểm rằng cần có vùng chịu thiệt thòi để hi sinh cho những vùng quan trọng hơn, không thể ứng dụng vào ngày nay được nữa :

Theo tôi nghĩ đó là cách nhìn cũ rồi, bây giờ phải có cái nhìn mới. Nhưng hiện nay cơ quan hữu trách và chính quyền chưa có được cách nhìn đó. Bởi vì trước đây khi chúng ta làm bài toán so sánh để có những vùng phân lũ, cho nó ngập tràn ra để hi sinh bảo vệ vùng lớn hơn, thời đó vùng dân cư rất thưa thớt. Cho nên lũ vào không gây thiệt hại đáng bao nhiêu. Nhưng tất cả những vùng đó qua nhiều chục năm phát triển, đời sống người ta đã khác, dân cư đông đúc, tài sản nhiều. Mỗi lần lũ vào sẽ gây ra hệ lụy rất lớn.

Bây giờ phải đặt lại bài toán. Tất cả những con đê ví dụ như sông Bùi phải nâng cấp lên. Ví dụ trước đây đê chịu được tần suất 10 năm 1 lần hay 20 năm 1 lần thì giờ phải đưa lên tần suất 1% tức là 100 năm một lần. Và tần suất kiểm tra 0,5% tức là mức an toàn gấp đôi.

Do đó phải quy hoạch lại, vận động tăng cường đầu tư để bảo vệ dân cư.

Vấn đề thứ hai nguyên Thứ trưởng Thủy lợi nêu ra đó là sai lầm trong tổ chức ngành thủy lợi của thành phố Hà Nội :

Nếu tôi được góp ý cho Chủ tịch thành phố Hà Nội thì tôi sẽ nói thứ nhất phải lập lại một sở gọi là Sở Thủy lợi và Quản lý Thiên tai. Như vậy các vấn đề về thủy lợi, tưới tiêu, bão lụt,…do sở đó quản lý. Kết cấu hạ tầng rất quan trọng mà lâu nay chúng ta gộp tách nó lung tung không được. Nếu chưa tiện lập một sở có tên như vậy, thì trả nó về sở có tên Sở Xây dựng Thủy lợi và Quản lý Thiên tai, tức là gộp chung xây dựng và thủy lợi vì đó là hai ngành gần nhau, cùng một ngành kết cấu hạ tầng.

Chứ để thủy lợi nằm trong ngành nông nghiệp là không được, trái khoáy.

Điểm thứ 3 ông nêu lên, đó là về mặt thi công các công trình thủy lợi, phải có một tổng công ty Phòng chống thiên tai. Vì theo ông, muốn làm được việc thì phải thương mại hóa, kinh doanh hóa chứ không thể cứ hô hào rồi vung tiền bậy bạ. Tổng công ty này sẽ có nhiệm vụ hạch toán tất cả mọi chi phí. Ông nói rằng cách làm hiện nay là bao cấp, vô trách nhiệm và không quản lý được.

Published in Việt Nam