Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc : Nỗ lực vượt qua sức ép của nền kinh tế (Tin Tức, 03/04/2017)

Tiếp tục chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, chiều 3/04, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2017.

vuot1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh : Thống Nhất/TTXVN

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra hai sức ép mà nền kinh tế đất nước cần phải vượt qua trong thời gian tới là tốc độ tăng trưởng GDP và sức ép đến từ tỷ giá, lãi suất. 

Kinh tế tư nhân tăng trưởng mạnh 

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ thêm một số điểm sáng và những tồn tại của tình hình kinh tế - xã hội đất nước trong Quý I. Theo đó, Thủ tướng cho biết, tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế tư nhân có mức đầu tư và tăng trưởng cao nhất. 

Thủ tướng cũng đánh giá chất lượng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của khối các doanh nghiệp FDI thời gian qua đạt những kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 ; lĩnh vực du lịch tiếp tục đà tăng trưởng nhanh... là những tín hiệu tốt, cần khuyến khích duy trì trong thời gian tới. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng mạnh, Thủ tướng cho biết, theo con số thống kê, 65% doanh nghiệp tư nhân làm ăn có lãi, là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm qua ; 45% doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh cho thấy những chỉ số khả quan trong cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Theo Thủ tướng, có 51 tỉnh, thành phố trong cả nước có chất lượng điều hành từ khá trở lên với nhiều chuyển biến trên mọi lĩnh vực, nhất là trong phục vụ doanh nghiệp, người dân và cải thiện môi trường đầu tư. Các chỉ số lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt… 

Tất cả những kết quả này cho thấy, môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam đang hỗ trợ tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Xây dựng kịch bản tăng trưởng từng lĩnh vực 

Phân tích những thách thức mà nền kinh tế đất nước đang phải đối đầu cùng với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch, thương mại, Thủ tướng chỉ ra 2 sức ép cần vượt qua đó là tăng trưởng GDP và vấn đề tỷ giá, lãi suất. 

Thủ tướng nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng GDP Quý I đạt thấp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp - động lực chính của tăng trưởng. Từ tình hình này, Thủ tướng yêu cầu từng ngành, lĩnh vực cần có kịch bản tăng trưởng riêng, nhất là các ngành : Khai khoáng, xây dựng, cơ khí chế tạo… ; đi cùng với đó là duy trì và tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, phấn đấu đạt và vượt kỳ vọng đề ra. Đối với sức ép về tỷ giá, lãi suất, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề này đi liền với công tác kiểm soát lạm phát, vì vậy cần có biện pháp điều hành, cân đối sao phù phù hợp, đạt các yêu cầu, tiêu chí đề ra. 

Nêu ra một số vấn đề xã hội đang tồn tại, gây bức xúc trong nhân dân như cháy nổ, tai nạn, cát tặc, phá rừng và các nội dung khác, Thủ tướng đánh giá : Mặc dù có tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa làm tốt nhiệm vụ này. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế, không để doanh nghiệp và nhân dân phàn nàn về thủ tục đầu tư kinh doanh, rào cản tăng trưởng kinh tế. 

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ quyết định mở Hội nghị doanh nghiệp lần thứ 2 để tiếp tục lắng nghe, giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp. Chỉ đạo tăng cường quản lý nguồn lực từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời đẩy nhanh tiến độ công tác này, song Thủ tướng lưu ý cần làm nhanh nhưng không được để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước. 

Thủ tướng cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ; công tác tái cơ cấu tín dụng cần tiến hành mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phấn đấu giảm lãi suất để kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo phát triển thị trường bất động sản đúng hướng ; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao mức sống của người dân, trước mắt là tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thời gian tới đây ; tăng cường phòng chống tham nhũng. "Càng khó khăn chúng ta càng phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Cùng với đó, Thủ tướng cũng lưu ý thúc đẩy tiêu dùng nội địa để phục vụ 100 triệu dân, qua đó kích thích tăng trưởng thị trường bán lẻ ở mức hai con số. Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương cần xây dựng tốt hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với pháp luật quốc tế. 

Biện pháp tập trung là tăng cường chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, tránh tình trạng trì trệ trong bộ máy công chức. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải ra tay trực tiếp, xử lý cụ thể. "Cùng với tháo gỡ thể chế, chúng ta phải chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về sản xuất kinh doanh để tạo nên điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển", Thủ tướng nói. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phân công nhiệm vụ trực tiếp cho các Phó Thủ tướng để giải quyết, xử lý tốt các vấn đề tồn tại của tình hình kinh tế - xã hội. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thành viên Chính phủ xây dựng chương trình cụ thể thực hiện các chủ trương của Chính phủ đã thống nhất ; bám sát các công việc để chỉ đạo đạt kết quả cao nhất. 

Nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 

Cũng tại Phiên họp Chính phủ tháng 3, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện nhóm chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Kết luận về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan báo chí phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Thủ tướng đề nghị các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, mọi doanh nghiệp và người dân cùng chung tay tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới sáng tạo, có nhiều tư duy mới, sáng tạo mới để đưa đất nước có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn Viettel, FPT – những tập đoàn hàng đầu quốc gia về công nghệ thông tin cần đi đầu trong tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển đất nước. 

Các bộ, ngành, cần chủ động như đánh giá hiện trạng, rà soát, lồng ghép các nội dung triển khai liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 trong chiến lược phát triển của bộ, ngành mình "tránh tình trạng chỗ nào cũng nói cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng".

Quang Vũ (TTXVN)

*****************

Công bố một số quan chức bị đề nghị chế tài theo luật Magnitsky (RFA, 03/04/2017)

vuot2

Đại Tá Vũ Văn Lâu, Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai trong một lần trả lời phóng viên trong nước. Photo courtesy of gialaitv.vn

Hồ sơ số 1 những quan chức Việt Nam bị chế tài theo Luật Magnitsky được Uỷ ban cứu người vượt biển BPSOS công bố ngày 3/04. Hồ sơ này bao gồm 25 nhân vật liên can đến các hành vi tra tấn đối với Mục Sư Nguyễn Công Chính và vợ là Bà Trần Thị Hồng. Một số nhân vật điển hình trong hồ sơ như Đại Tá Vũ Văn Lâu, Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai, Đại Tá Nguyễn Văn Long, Giám Đốc Sở Công An Thành Phố Pleiku, Đại Tá Nguyễn Văn Trạch, nguyên Phó Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai, Ông Lê Văn Hà, Chánh Án Toà Án Nhân Dân Tỉnh Gia Lai,…

Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS cho biết 25 nhân vật trong hồ sơ này không chỉ bị cấm nhập cảnh mà cả vợ, chồng, con đều bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, và nếu những người này đang ở Hoa Kỳ thì sẽ bị trục xuất.

Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế chính thức chọn hồ sơ số 1 này cho Đề Án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo. Đề án này là nỗ lực của Uỷ Hội để cung cấp dữ kiện cho Hành Pháp Hoa Kỳ trong việc đưa một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, vào danh sách Quốc Gia Phải Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) và sẽ được công bố vào ngày 6/04 tới đây tại Quốc hội Hoa Kỳ.

5 bộ hồ sơ còn lại sẽ lần lượt được công bố vào những thời điểm phù hợp trong những tháng sắp tới. Hiện tại BPSOS vẫn đang thu thập thêm hồ sơ mới để mở rộng tầm ảnh hưởng cho cuộc vận động chế tài các thủ phạm đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.

6 bộ hồ sơ năm nay được lựa chọn dựa theo các tiêu chuẩn : Sự đàn áp nghiêm trọng vì xảy ra hành vi tra tấn hay đánh chết người, Nạn nhân là những người tranh đấu cho nhân quyền, Hồ sơ khả tín vì đã được quốc tế, nhất là chính quyền Hoa Kỳ, công nhận, Vấn đề trách nhiệm có thể truy cứu đến những giới chức chính quyền.

Luật Magnitsky Toàn Cầu có mục đích để chế tài từng cá nhân giới chức chính quyền liên can đến hành vi đàn áp nhân quyền một cách trầm trọng. Các biện pháp chế tài bao gồm cấm thủ phạm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ của họ.

*********************

Tổ chức xã hội dân sự ra Bản lên tiếng về quyền tự do internet (RFA, 03/04/2017)

Một bản lên tiếng về quyền tự do internet tại Việt Nam vừa được công bố vào ngày 2 tháng 4 năm 2017.

vuot0

Người ủng hộ biểu tình trước Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 23/03/2016 phản đối bỏ tù blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt theo Điều 258, Bộ luật Hình sự Việt Nam. AFP photo

Bản lên tiếng vừa nêu do Khối Tự do Dân chủ 8406 và Hội cựu Tù nhân Lương tâm khởi xướng cùng với 61 tổ chức xã hội dân sự độc lập và 30 cá nhân đồng ký tên, lên tiếng khẳng định quyền tự do ngôn luận của người dân tại Việt Nam cũng như phản đối và tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng các điều luật mơ hồ một cách tùy tiện ; bao gồm các Điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam ; để bỏ tù nhiều công dân trình bày sự thật và bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội.

Bản lên tiếng còn kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng những chính phủ dân chủ toàn cầu yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do lập tức và vô điều kiện cho những công dân yêu nước đang bị giam cầm vì các điều luật trên. Đồng thời, kêu gọi mọi công dân đang sử dụng internet kết nối mạng lưới để đấu tranh cho quyền tự do tư tưởng và và tự do sử dụng internet tại Việt Nam.

Bản lên tiếng về quyền tự do internet vừa được công bố trong bối cảnh Bộ Thông tin-Truyền thông ban hành Thông tư 38 ; quản lý thông tin xuyên biên giới, yêu cầu Facebook và Youtube phải hợp tác với Bộ này để chặn "thông tin xấu độc" ; và hiện có 12 facebooker đang bị bỏ tù tại Việt Nam.

*******************

TPHCM : Công an triệu tập nhiều người sau vụ bạo lực (BBC, 03/047/2017)

Công an Quận Tân Bình triệu tập 14 người lên lấy lời khai nhằm xác minh vụ một cô gái 16 tuổi bị đánh 'trọng thương' ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo truyền thông Việt Nam.

baohanh1

Hình ảnh của nạn nhân được cho là Nguyễn Thị Ngọc Trúc sau khi cấp cứu

Công an Quận Tân Bình triệu tập 14 người lên lấy lời khai nhằm xác minh vụ một cô gái 16 tuổi bị đánh 'trọng thương' ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo truyền thông Việt Nam.

Nạn nhân được gia đình nêu tên là Nguyễn Thị Ngọc Trúc, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng 'đa chấn thương' ở cả hai mắt, trong đó một mắt bị thương nghiêm trọng, nhiều vết rách ở đầu, tai phải gần như đứt lìa, và ba vết cắt ở chân, sau khi bị nhóm đông thanh niên tấn công hôm 30/03, theo Tuổi Trẻ.

Bài báo dẫn lời gia đình cho biết Trúc tố cáo một người trong nhóm lấy trộm xe và một người được nêu tên là Hằng đã dẫn một nhóm khoảng 20 người tới đánh đập để đe dọa.

Trang Facebook Ngọc Trầm Nguyễn, nhận là chị gái của nạn nhân, có đoạn viết nhờ mọi người chia sẻ câu chuyện để tìm lại 'công lý' : "Em mình là T. Chuyện là vầy, em mình có một đứa bạn bị ăn cắp xe và nó vô tình biết được sự việc và người ăn cắp. Mình có khuyên T đừng xen vào nhưng T là đứa nhiệt tình với bạn bè nên muốn đứng ra lấy lại công bằng cho bạn".

"... Tối ngày 30/03/2017 T ra làm chứng vụ ăn cắp xe thì T với Hằng xảy ra xô xát (em mình có bị tát nhưng nó không đánh lại ). Sau đó, T về quán (nhà mình bán trà sữa) thì Hằng và đồng bọn khoảng 20 người kéo qua nhằm vào T mà đánh".

baohanh2

Vết cắt được cho là của nạn nhân Trúc

Câu chuyện được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, trong đó một thành viên của Đội Hiệp sĩ Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố trên Facebook 'sẽ bảo vệ' Trúc và gia đình.

Thành viên tên Nguyễn Sin viết : "Tôi và một số anh em trong Đội Hiệp Sĩ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bảo vệ em Trúc và gia đình em trong thời gian này nếu như các đối tượng này có dấu hiệu đe dọa hay tấn công . Vì nếu pháp luật không đòi lại công bằng cho người tốt thì chúng ta chỉ còn một cách là chơi Luật Rừng mà thôi".

Được biết cả anh Nguyễn Việt Sin và gia đình nạn nhân đều bị nhắn tin đe dọa tấn công.

BBC Tiếng Việt đã liên hệ tới đường dây nóng của ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm về vụ việc nhưng được người trực yêu cầu liên hệ tới công an thành phố và hiện vẫn chưa tiếp xúc được với cơ quan này.

Được biết gia đình những người tấn công Trúc đã đề nghị bồi thường 10 triệu đồng, trong lúc Công an Tân Bình hiện được báo Người Lao động dẫn lời nói hiện chưa có kết luận chính thức và "lời khai đôi bên bất nhất", khiến giới chức cần xác minh cụ thể.

Published in Việt Nam