Nhật lại thúc Việt Nam thanh toán cho các nhà thầu dự án metro Sài Gòn (VOA, 02/05/2019)
Chính phủ Nhật lại một lần nữa đề nghị Việt Nam đẩy nhanh việc thanh toán cho các nhà thầu của họ trong dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1, theo truyền thông trong nước.
Dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được khởi công xây dựng năm 2007 với nguồn vốn vay của Nhật Bản. Hiện tại, chính phủ Việt Nam vẫn đang nợ tiền công phải trả cho các nhà thầu Nhật.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã đưa ra lời đề nghị này trong cuộc gặp mặt với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong khuôn khổ hội nghị "Gặp gỡ Nhật Bản – Bắc Trung Bộ" ngày 26/4.
Đề nghị đẩy nhanh thanh toán cho các nhà thầu Nhật tại dự án này cũng từng được phía Nhật đưa ra hồi đầu năm nay tại cuộc gặp với Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Phong. Tại đó, ông Phong cam kết rằng trong lúc chờ điều chỉnh vốn, chính quyền thành phố sẽ tạm ứng vốn từ ngân sách để thanh toán khối lượng công việc mà các nhà thầu Nhật đã thực hiện trong năm 2018 và đầu năm 2019, tổng cộng khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, theo Tuổi Trẻ.
Đây là tuyến đường sắt được thực hiện bằng vốn ODA của Nhật Bản từ năm 2007.
Theo Việt Nam Express, Đại sứ Kunio hôm 26/4 đề nghị Chính phủ Việt Nam sửa đổi công hàm về cung cấp vốn vay ODA để đẩy nhanh việc thanh toán cho các nhà thầu Nhật trong dự án đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 nối giữa Bến Thành và Suối Tiên.
Đáp lời Đại sứ Nhật, ông Huệ khẳng định chính phủ Việt Nam "đang tiếp tục giải quyết các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm việc thanh toán", theo Việt Nam Express.
"Chính phủ Việt Nam quan tâm triển khai nhằm bảo đảm lợi ích của hai bên trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật và tôn trọng sự bình đẳng trong lợi ích của các bên có liên quan", ông Huệ nói.
Đại sứ Kunio cũng chính là người gửi một bức thư tới lãnh đạo Việt Nam hồi cuối năm ngoái, trong đó ông cho biết rằng Thành phố Hồ Chí Minh đã "chậm thanh toán" cho các nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn số tiền lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11/2018).
Cũng trong bức thư này, Đại sứ Kunio nói "áp lực lên các nhà thầu đã đến mức giới hạn" và cảnh báo "nếu đến cuối tháng 12 (năm 2018) mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công".
Được biết, tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được Thủ tướng Việt Nam thông qua vào năm 2006. Sau đó, Việt Nam ký vay vốn ODA của Nhật Bản để thực hiện dự án này vào năm 2007, với tổng mức đầu tư ban đầu là 17.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên đến năm 2009, mức đầu tư này đã được tính toán lại và "đội vốn" lên gần gấp 3 lần, tới 47.000 tỉ đồng. Trong tổng số này, vốn vay ODA của Nhật là gần 42.000 tỉ đồng, chiếm 88,4%, và phần còn lại là vốn đối ứng của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc điều chỉnh này cũng khiến cho dự án phải lùi lại 6 năm, đến năm 2012 mới được chính thức khởi công lại.
Do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư vào năm 2018 và 2019, số vốn còn lại "đã không được rót về thành phố", theo Việt Nam Express. Với lý do đó, Việt Nam Express cho rằng tuyến metro này nhiều khả năng sẽ không được hoàn thành vào năm 2020 theo như dự kiến hiện nay vì việc thiếu vốn cho dự án.
******************
Tuyến đường sắt Hà Nội với vốn vay Trung Quốc không thể khai thác dịp 30/4 (VOA, 01/05/2019)
Việc khai trương tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông với nguồn vốn vay từ Trung Quốc tiếp tục bị trì hoãn và không thể đưa vào khai thác dịp lễ 30/4 như đã dự định.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông trong thời gian vận hành thử ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Cafe.vn)
Truyền thông trong nước trích dẫn nguồn tin từ Ban quản lý dự án (BQLDA) đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải cho biết hôm 30/4 rằng dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội "vẫn chưa thể vận hành, khai thác vào cuối tháng 4 này theo như chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể".
Đây không phải là lần đầu tiên tuyến đường sắt nội đô trên cao của Hà Nội do nhà thầu Trung Quốc xây dựng bị trì hoãn mở cửa cho công chúng sử dụng.
Tuyến đường sắt ban đầu được nhà thầu Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn thành trong năm 2013 nhưng sau đó bị hoãn tới năm 2015 rồi năm 2016 và đến nay vẫn chưa được hoàn tất như họ hứa hẹn.
Lý giải việc trì hoãn thêm một lần nữa vào dịp lễ 30/4, ban lãnh đạo BQLDA đường sắt được báo Nhân Dân trích lời nói rằng dự án chưa được cấp chứng nhận an toàn hệ thống và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu. Họ cho biết vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên không đủ điều kiện đưa vào vận hành thương mại từ cuối tháng 4.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là tâm điểm chú ý trong dư luận trong những năm qua do nhà thầu Trung Quốc vài lần trì hoãn việc hoàn thành và vốn bị đội lên gần gấp đôi.
Hiện nay, tổng thầu EPC Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện nhiều hạng mục ở các nhà ga cũng như các thủ tục đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao dự án, theo Nhân Dân.
"Tổng thầu EPC thiếu kinh nghiệm triển khai dự án, không bố trí nhân lực có trình độ bao quát, cũng như chậm trễ hoàn thành các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, hồ sơ nghiệm thu", theo BQLDA.
Cuối tháng 3, Tuổi Trẻ trích lời phó giám đốc phụ trách BQLDA thừa nhận tình trạng mất an toàn của nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông trước khi nghiệm thu.
Việc đội vốn của dự án cũng làm người dân trong nước phẫn nộ khi lúc đầu nhà thầu Trung Quốc tính toán chi phí thực hiện là 553 triệu USD nhưng sau đó đội lên 868 triệu USD, trong đó có 670 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc, theo Economic Times.
Tiền Phong cho biết, năm 2021 là thời hạn hết bảo hành, thanh quyết toán để kết thúc dự án trong khi theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày chậm tiến độ, dự án phải trả lãi vay khoảng 1,2 tỷ đồng.
Hồi tháng 8 năm ngoái, công chúng cũng đã phẫn nộ khi các biển báo có tiếng Trung Quốc xuất hiện ở một nhà gia trên tuyến đường sắt dài 13km đi qua ba quận nội thành của thủ đô Việt Nam. Sau đó nhà thầu Trung Quốc đã bị Bộ GTVT buộc phải gỡ bỏ các biển báo này.