Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thực hư bức hình 'xích chân chống cưỡng chế' ở Quảng Nam (BBC, 23/05/2018)

Hình ảnh một nhóm người phụ nữ xích chân lại để phản đối cưỡng chế đất hôm 22/5 ở Quảng Nam đã nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.

vn1

Hình ảnh nhiều người phụ nữ xích chân ở Quảng Nam nhanh chóng lan truyền trên mạng

Sau vụ việc đất đai ở Thủ Thiêm vào tháng trước, các chủ đề đất đai đều trở nên nóng trên mạng xã hội, và hình ảnh trên trở thành tâm điểm chú ý gần đây nhất.

Tấm ảnh xuất hiện lần đầu tiên ở tài khoản Facebook Lệ Võ, người xác nhận là tác giả của tấm ảnh.

Nhưng một số người dân và một nhà báo tự do, những người trực tiếp có mặt hôm đó tại Quảng Lăng 2, Điện Nam Trung ở Quảng Nam cho rằng có uẩn khúc sau tấm ảnh đó.

Uẩn khúc, mâu thuẫn

Bà Hoàng Thị Hồng Thái, một cây bút tự do, cho BBC biết, sau khi thấy tấm ảnh trên Facebook Lệ Võ, bà đến tận nơi để tìm hiểu vụ việc.

Khi đến, căn nhà của chủ hộ Võ Như Ái, căn nhà duy nhất nằm ở đoạn đường tỉnh cần phải cưỡng chế giải tỏa, đã đóng chặt cửa với những người phụ nữ xích chân bên trong.

Bà Lệ Võ cho bà Thái biết mẹ bà Lệ là một trong những phụ nữ trong đó và bà này nói qua điện thoại rằng có khoảng 30 người từ 35 đến 75 tuổi.

"Họ nói 'chết cũng ở trong, chết cũng chết cùng nhau'", bà Thái kể lại.

vn2

Bà Hoàng Thị Hồng Thái cho biết bà đã trực tiếp đến khu vực từ trưa 22/5 để tìm hiểu sự việc

Bà Thái cho biết lúc đó thì lực lượng an ninh ở bên ngoài, lực lượng chức năng thì đang thuyết phục những người ở trong nhà rời đi và đọc thông báo cưỡng chế. Nhưng chưa có bất kỳ hoạt động cưỡng chế gì.

Bà Thái cho biết bà sau đó đến nhà bà Lệ và phỏng vấn một số người dân.

Đến 7 giờ tối, bà Thái nghe bố của bà Lệ gọi điện thoại và nói "Thôi đi ra đi, ngồi thế được rồi".

"Tôi cảm thấy rất lạ lùng. Và khi cửa mở ra thì tôi đếm rất kỹ chỉ có 5 người đi ra, với thái độ rất vui vẻ, không giống một thảm cảnh. Tôi gần như là bật khóc.

"Tôi đã đi chứng kiến nhiều vụ việc cưỡng chế đất đai, nên tôi cảm thấy có gì đó rất không bình thường. Chân họ cũng không có vết hằn gì. Nếu bị xích từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối thì phải bị hằn gì chứ ?" bà Thái kể lại.

Đột nhiên sau đó bà Thái bị bố bà Lệ "yêu cầu ra khỏi nhà". Họ nói "phản động họ không chứa chấp".

"Cả ngày như thế khi lực lượng an ninh đông như vậy sao họ không ngăn cản".

Được biết bà Lệ bán hàng qua Facebook. Hình ảnh những người dân bị xích của bà thu hút hàng ngàn lượt yêu thích và chia sẻ.

vn3

Lực lượng an ninh và giới chức đã đến vây quanh ngôi nhà từ 8 giờ sáng

Nhưng sau khi vụ việc kết thúc, bà xóa hết tất cả video clip, hình ảnh và các video quay trực tiếp trên tài khoảng Facebook vì "xóa để khỏi đọc thông báo nữa".

Bà Lệ nói với BBC : "Thật ra hôm qua có nhà báo tự do gì đó đến lấy thông tin. Rồi sau công an biết, họ bảo là không được chứa họ, hù dọa gia đình tôi. Nên gia đình đã yêu cầu họ rời đi và giúp họ thoát đi đường khác".

"Người dân họ đã bỏ cuộc rồi. Tôi cũng rất mệt nên không muốn nói thêm gì", bà Lệ nói.

Còn theo bà Thái, sau khi nhóm người phụ nữ rời đi, 5 người của gia đình chủ hộ cũng rời khỏi trước căn nhà bị gỡ bỏ di dời lúc 9 tối cùng ngày 22/5.

Tranh chấp đất đai

Tuy vụ việc đằng sau tấm ảnh những người phụ nữ xích chân còn nhiều uẩn khuất, vụ việc cũng đã khiến dư luận quan tâm đến vấn đề tranh chấp đất đai ở thôn Quảng Lăng 2 này, vốn đã diễn ra suốt 2-3 năm qua.

Ủy ban Nhân dân trước đó cũng đã thông báo cưỡng chế vào ngày 22/5 cho 14 hộ dân bị ảnh hưởng.

Hôm 23/5, nhiều người dân phường Điện Nam Trung cũng có buổi đối chất với giới chức tỉnh, theo báo Tuổi Trẻ.

Nhiều người dân phản ánh tình trạng chỉ được bồi thường mức giá 720.000 đồng/m2 theo luật đất đai 2003.

Trong khi thời điểm ký kết đền bù giải tỏa là từ tháng 6/2015, tức phải theo luật đất đai 2013 và giá đền bù sẽ lên đến khoảng 3 triệu đồng/m2.

Cũng theo báo này, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Đạt nói chính quyền đã "sai sót trong việc thực thi giữa luật cũ, luật mới đã kéo theo những sai sót và chúng tôi thẳng thắn nhận trách nhiệm".

"Tôi cũng hi vọng người dân phối hợp, tạo điều kiện bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công sớm triển khai, hoàn thành dự án bị trì trệ bấy lâu"

Ông Đạt cho biết theo quyết định hôm 11/4 của UBND, mỗi mét vuông sẽ được tăng 1,35 lần, tức 972.000 đồng/m2 và sẽ chi trả từ ngày 24-27/5.

Nhưng nhiều người dân vẫn không lòng và bỏ về, báo Tuổi Trẻ tường thuật.

******************

Vatican bổ nhiệm tân đại diện không thường trú tại Việt Nam (RFI, 23/05/2018)

Ngày 21/05/2018, Tòa thánh Vatican thông báo giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm tổng giám mục Marek Zalewski, người Ba Lan, làm Sứ thần Tòa thánh tại Singapore kiêm đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam.

vn4

Tổng giám mục Marek Zalewski(@wikipedia.com)

Sinh ngày 2/02/1963 tại Augustów, thuộc giáo phận Łomża, Ba Lan, tổng giám mục Marek Zalewski hiện đang là sứ thần Tòa thánh tại Zimbabwe.

Trong chức vụ đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam, tổng giám mục Zalewski sẽ tiếp nối công việc của tổng giám mục Leopoldo Girelli, người Ý, đã được giáo hoàng Benedicto bổ nhiệm làm đại diện Tòa thánh tại Việt Nam từ ngày 13/01/2011. Tổng giám mục Girelli đã mãn nhiệm từ ngày 13/09/2017 để nhận sứ vụ mới, nhưng chức vụ đại diện Tòa thánh tại Việt Nam vẫn để trống từ đó đến nay.

Trong bản thông cáo đề ngày 21/05/2018, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Giuse Nguyễn Chí Linh, tổng giám mục Huế, đã bày tỏ hy vọng rằng nhiệm kỳ của tân đại diện Tòa thánh Zalewski sẽ "cải thiện hơn nữa mối quan hệ giữa Tòa thánh Vatican và Nhà nước Việt Nam". Giám mục Nguyễn Chí Linh cho biết sẽ mời tân đại diện Tòa thánh sớm sang thăm Việt Nam và Hội Thánh Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho tổng giám mục Zalewski trong sứ vụ mới tại Việt Nam.

Thanh Phương

**********************

Cháy tại Đan Viện Thiên An (RFA, 23/05/2018)

Thêm một vụ cháy xảy ra ngày 23 tháng 5 tại rừng thông Đan Viện Thiên An ở thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

vn5

Cháy đồi thông của Đan viện Thiên An Huế - Đan Viện Thiên An

Đan sĩ Giuse Maria Trử Mạnh Cường vào lúc 5g45 phút chiều ngày 23 tháng 5 cho Đài Á Châu Tự Do biết tình hình như sau :

"Cách đây khoảng 1 tiếng lại xảy ra tiếp một đám cháy nữa ở phía nam của Đan Viện ; một héc ta đồi bị đốt tiếp. Anh em vừa đi chữa cháy về".

Về việc dập tắt đám cháy vào ngày 22 tháng 5, Đan sĩ Trử Mạnh Cường thuật lại :

"Một người dân phơi thóc lúa rồi gây cháy. Người dân này và một bảo vệ bên Công viên Thủy Tiên chữa cháy. Các đan sĩ thấy vụ cháy cũng đánh kẻng rồi tham gia chữa cháy. Sau đó có các anh bộ đội tại Trường Lái sát nơi cháy sang tham gia ; còn các lực lượng chính như bên Lâm Trường và Kiểm Lâm thì đến cuối mới đến".

Lâu nay Đan Viện Thiên An làm đơn khiếu nại đến các cấp từ địa phương đến trung ương về việc trưng thu 49 héc ta thuộc 107 héc ta đất của Đan Viện có quyền sở hữu từ những thập niên 50 thế kỷ trước.

Sau này, có dấu hiệu chính quyền địa phương muốn lấy thêm đất để bán cho doanh nghiệp tư nhân ; nên Đan Viện Thiên An tiếp tục khiếu nại. Tuy nhiên mọi đơn thư chỉ được bảo chờ giải quyết.

Trong thời gian qua, xảy ra những vụ hành hung đan sĩ khi họ tiến hành cải tạo trên phần đất của Đan Viện ; cũng như việc phá hủy Thánh Giá mà các đan sĩ dựng lên.

******************

Vớt nhầm ‘bom Trung Quốc’ ở biển Hoàng Sa, 3 ngư dân Việt thiệt mạng (Người Việt, 22/05/2018)

Trong lúc lặn bắt hải sâm ở Hoàng Sa, các ngư dân ở huyện Lý Sơn vớt được "vật thể lạ", nghi là bom của Trung Quốc thả xuống, nên đưa lên thuyền thúng để kiểm tra thì bất ngờ phát nổ khiến 3 người tử nạn.

vn6

Các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ngãi xác minh, điều tra vụ việc. (Hình : Thanh Niên)

Xác nhận với truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Chinh, chủ tịch Nghiệp Đoàn Nghề Cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, cho biết ngày 22 Tháng Năm, tàu cá QNg 96399 TS do ông Nguyễn Chín, làm thuyền trưởng, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, đã đưa thi thể 3 người gồm các ông : Nguyễn Thắng (53 tuổi), Nguyễn Tấn (30 tuổi) và Dương Ngọc Quang (40 tuổi), cùng ở xã An Hải chết ở vùng biển Hoàng Sa về đến đảo Lý Sơn.

Cùng ngày, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ngãi tiến hành các thủ tục bàn giao thi thể các nạn nhân cho gia đình mai táng.

Báo Thanh Niên dẫn tường trình của ông Nguyễn Chín, cho hay khoảng 9 giờ ngày 20 Tháng Năm, 3 ông Thắng, Tấn và Quang, thuyền viên trên tàu QNg 96399 TS, trong lúc dùng thuyền thúng để lặn bắt hải sâm thì phát hiện được một "vật thể lạ", nghi bom của Trung Quốc thả xuống.

vn7

Gia đình đưa thi thể ngư dân vào đảo Lý Sơn mai táng. (Hình : Thanh Niên)

Sau khi đưa lên thuyền thúng để kiểm tra",vật thể lạ" bất ngờ phát nổ khiến ông Tấn và ông Quang bị hất văng xuống biển chết tại chỗ. Riêng ông Thắng dù bị thương nặng nhưng vẫn cố bám vào phao cứu sinh.

Nghe tiếng nổ lớn, ông Nguyễn Chín cho tàu chạy đến vị trí vừa xảy ra tai nạn vớt thi thể hai ông Tấn và Quang, đồng thời sơ cứu cho ông Thắng. Tuy nhiên, do bị thương quá nặng mất nhiều máu nên ông Thắng đã chết sau đó.

Tin cho biết, bảy ngày trước, ông Chín cùng 13 ngư dân lên tàu cá rời bến cảng ra vùng biển Hoàng Sa hành nghề lặn đánh bắt cá và hải sâm. Đến ngày 20 Tháng Năm thì ba ngư dân trên tàu gặp nạn.

Chỉ trong thời gian ngắn, ngư dân Quảng Ngãi liên tục gặp nạn trên biển. Gần đây nhất báo chí tại Việt Nam loan tin, một tàu cá với 6 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đã bị 2 tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa ngày 20 Tháng Tư, 2018.

Khai thác thủy sản ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa nếu không phải tàu đánh cá Trung Quốc, chỉ có tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không biết bao nhiêu lần tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản gần quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, nhẹ thì đâm cho hư hỏng, nặng thì đâm cho chìm, bất chấp mạng sống của ngư dân. (Tr.N)

Published in Việt Nam