Thành phố Quảng Ngãi ngập chìm trong rác (CaliToday, 09/07/2018)
Thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đã trở thành bãi rác và mùi hôi thối nồng nặc phát tán khắp nơi khi người dân chặn không cho xe rác vào bãi. Từ những con số mà chính quyền cung cấp cho biết, có đến hàng ngàn tấn rác thải đang ùn ứ, tồn đọng khắp nơi trên đường phố.
Cả thành phố Quảng Ngãi trong thời gian qua ngập chìm trong rác. Ảnh : Tuổi Trẻ
Đến ngày 9/7 là 3 ngày liên tiếp người dân xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) gần khu bãi rác chặn không cho các xe chở rác vào bãi để đổ. Cũng bằng đó thời gian lực lượng công nhân vệ sinh môi trường thành phố Quảng Ngãi và các huyện, như: Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành không thể thu gom rác do người dân thải ra.
Theo các công nhân cho hay, rác thu gom về cũng không có xe tới chở. Rác cứ thế cứ chất đầy trên khắp các con phố, mùi hôi thối nồng nặc, rùi nhặng cũng theo đó mà phát tán khắp cả thành phố. Người dân phản ánh nhưng các công nhân lẫn lãnh đạo Công ty môi trường cũng chẳng biết phải làm sao.
Đến sáng ngày 9/7, Công ty Cổ phần Môi trường Quảng Ngãi đã phải ra thông báo tạm ngừng thu gom rác. Như vậy, rác từ nhà dân thải ra không biết mang đi đâu tiêu hủy và cũng không biết bỏ nơi đâu. Cứ như vậy, rác được người dân quăng đầy khắp các con phố, rùi nhặng, ô nhiễm bao trùm luôn cả thành phố miền Trung này.
Trả lời báo Người Lao Động, một người dân sống trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quảng Ngãi cho biết, trong 3 ngày qua không hiểu vì sao rác thải không được mang đi tiêu hủy.
“Vì rác thải sinh hoạt lâu ngày không được thu gom nên phát sinh mùi hôi nồng nặc, ảnh hưởng rất lớn đến việc buôn bán, sinh hoạt của người dân" một người dân cho biết.
Để “chữa cháy" công ty Cổ phần môi trường Quảng Ngãi đã cho nhân viên dọn rác mang bình xịt khử trùng và mùi hôi đến xịt tại những đống rác trong khu dân phố.
Bãi rác Nghĩa Kỳ. Ảnh: NLD
Trong khi đó, người dân tại xã Nghĩa Kỳ, nơi có bãi rác tập kết cho biết, công ty cổ phần môi trường Quảng Ngãi trong quá trình tiêu hủy rác thải đã làm ăn lơ là, khiến cho mùi hôi thối bốc sang tận cả khu dân cư nơi họ sinh sống. Không chỉ có mùi hôi, mà kéo theo đó là cả rùi nhặng đầy chi chít. Người dân đã phản ứng bằng cách biểu tình, chặn không cho đoàn xe chở rác thải đổ vào bãi nếu như tình trạng ô nhiễm môi trường không được xử lý triệt để.
Trước đó, vào ngày 7/7/2018, giữa chính quyền huyện Tư Nghĩa và người dân sinh sống gần bãi rác đã có buổi đối thoại. Vậy nhưng phía chính quyền, Công ty cổ phần môi trường Quảng Ngãi với người dân vẫn không thể có được tiếng nói chung. Cũng từ đó đến nay, người dân liên tiếp chặn xe không cho đổ rác vào bãi.
Trước tình trạng ô nhiễm, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi dự kiến sẽ có buổi đối thoại với người dân vào ngày 10/7 để giải quyết tình hình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cứ trung bình mỗi ngày có đến gần 300 tấn rác được người dân thải ra hàng ngày. Trong khoảng 3 ngày qua đã có gần cả 1000 tấn rác thải ùn ứ khắp cả thành phố. Cả thành phố trong những ngày qua đi đến đâu cũng bốc mùi hôi thối, cả đường phố là những đống rác chất thành đống nhìn rất phản cảm.
Người Quan Sát
******************
Sai phạm trong quản lý đất đai tại Đà Nẵng (RFA, 09/07/2018)
Trong báo cáo của Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng về kết quả giám sát chuyên đề đối với hoạt động đầu tư công từ 2003 đến 2017, thành phố này còn thừa hơn 14 ngàn 500 lô đất tái định cư ; trong khi đó người dân mất đất sản xuất, mất việc làm.
Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh chụp hôm 11/11/2017. AFP
Báo cáo thừa nhận cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực chưa sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của TP Đà Nẵng. Trong giai đoạn 2003 đến 2014, phần lớn nguồn lực đầu tư cho khai thác quỹ đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư ; tiếp đến là lĩnh vực giao thông công chính. Các lĩnh vực khác như văn hóa xã hội, y tế, giáo dục… tỉ lệ đầu tư còn thấp.
Cũng theo báo cáo này, phần lớn dự án tái định cư chủ yếu tập trung phân lô đất ở, còn các chỉ tiêu đất dành cho cây xanh, công trình giao thông, thiết chế văn hóa, tiện ích công cộng… chưa đúng quy chuẩn hiện hành.
Báo cáo cho biết thêm trên địa bàn có nhiều dự án dở dang đã nhiều năm do việc giải tỏa bàn giao mặt bằng kéo dài, thậm chí có những dự án, các tuyến đường chỉ vướng một vài hộ nhưng không giải tỏa được làm ảnh hưởng tiến độ thi công.
Tính đến tháng 6/2018, toàn thành phố Đà Nẵng còn 267 dự án dở dang liên quan đến công tác giải tỏa đền bù.
*****************
Việt Nam tham gia Hiệp định chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp (RFA, 09/07/2018)
Chính phủ Hà Nội đồng ý để Việt Nam tham gia Hiệp Định Về Biện Pháp Quốc gia Có Cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo qui định của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO. Hiệp định được viết tắt theo tiếng Anh là PSMA.
Tàu cá ở Đà Nẵng hôm 10/11/2017 - AFP
Tin cho biết Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Hiệp Định PSMA theo đúng các qui định hiện hành.
Vào tháng 10 năm 2017, Liên Hiệp Châu Âu chính thức phạt thẻ vàng đối với Việt Nam về hoạt động bị cho khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý- IUU. Gần chục khuyến cáo được yêu cầu phía Việt Nam phải tiến hành khắc phục.
Vừa qua quyết định này của EU được triển hạn thêm 6 tháng sang đầu năm 2019, sau khi một phái đoàn của Ủy Ban Châu Âu đến Việt Nam để xem xét các biện pháp khắc phục mà Hà Nội thực hiện trong thời gian qua.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam thừa nhận việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác của Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng ; hệ thống giám sát tàu cá hiện chưa được đầy đủ theo yêu cầu.
Thống kê cho thấy Việt Nam hiện mới có chừng 3 ngàn tàu cá trên tổng số 110 ngàn chiếc trên cả nước được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar.
********************
Dân phản đối thi công lưới điện 500kV (RFA, 09/07/2018)
Người dân cư ngụ tại xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam vào chiều ngày 9 tháng 7 tiến hành giăng dây, đóng cọc, chặn xe thi công trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Công nhân đang thi công lưới điện 500kV, đoạn Hà Tĩnh. Ảnh chụp hôm 3/12/2015. AFP
Lý do phản đối của người dân được truyền thông trong nước cho biết do công tác thi công tuyến đường cao tốc gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ qua việc di chuyển đường dây điện 500 kV Bắc - Nam đi sát nhà dân, người dân phải sinh sống dưới lưới điện là vô cùng nguy hiểm. Thêm vào đó là nhà cửa, đất đai, hoa màu đã được kiểm đếm lập biên bản từ tháng 1/2017 nhưng đến nay không giải quyết đền bù cho dân.
Trước đây đã từng xảy ra các vụ chặn xe thi công do người dân tại địa phương này không đồng tình với việc đền bù khi giải phóng mặt bằng. Tin nói sau khi cơ quan chức năng thuyết phục, người dân trở về nhà.
Đường dây điện 500kV Bắc - Nam là công trình đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp đầu tiên tại Việt Nam có tổng chiều dài 1.487 km, kéo dài từ Hòa Bình đến Thành phố Hồ Chí Minh nhằm truyền tải lượng điện năng từ cụm các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà ; nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình ở miền Bắc, cung cấp cho miền Nam và miền Trung.
******************
Thêm 2 người Việt bị Campuchia bắt với cáo buộc buôn lậu gỗ quí (RFA, 09/07/2018)
Hai người Việt Nam bị bắt và đưa đến làm việc với Cảnh sát Chống Tội phạm Kinh tế tỉnh Mondulkiri, Capuchia.
Hình minh họa. Xe chở gỗ ở cửa khẩu Bavet (Campuchia) chờ vào Việt Nam. AFP
Mạng báo Phnom Penh Post loan tin vào ngày 9 tháng 7 dẫn phát biểu của vị chỉ huy phó Cảnh sát Chống Tội Phạm Kinh Tế tỉnh Mondulkiri, So Chivoan, như vừa nêu.
Theo ông này thì hai người Việt liên can bị bắt vào ngày 6 tháng 7 vừa qua khi cả hai đang vận chuyển một tấm cửa làm bằng loại gỗ quí được liệt vào danh mục bảo vệ tại Xứ Chùa Tháp. Vụ bắt giữ xảy ra tại thôn Ro Yor, huyện Kho Nhek, tỉnh Mondulkiri. Cáo buộc được đưa ra là hai người đưa tấm cửa đó về Việt Nam để bán.
Viên chức So Chivoan được Phnom Penh trích dẫn lời cho biết cả người và vật chứng còn phải được đưa đến cho giới chuyên gia môi trường theo trình tự điều tra.
Người đứng đầu cơ quan môi trường tỉnh Mondulkiri, ông Keo Sopheak, cho rằng tấm cửa được làm từ 0,2 mét khối gỗ quí bị cấm khai thác. Cũng theo lời ông này thì cả hai nghi phạm bị cáo buộc theo điều 59 của Luật về những vùng được bảo vệ tại Xứ Chùa Tháp.
Gần đây nhiều người Việt Nam bị phía Campuchia bắt giữ với cáo buộc sang Xứ Chùa Tháp khai thác gỗ lậu.
Vào tháng 5 vừa qua, tổ chức có tên Environment Investigation Agency, trụ sở tại Anh, công bố phúc trình lên án giới chức Campuchia và Việt Nam nhận hằng triệu đô la Mỹ tiền hối lộ của những thành phần lâm tặc khai thác gỗ phi pháp tại Xứ Chùa Tháp rồi đưa lậu sang Việt Nam để tiêu thụ.
Hoạt động phi pháp này tiếp tục tái diễn mà không hề được ngăn chặn.
*****************
Khách sạn Rex ‘che bản đồ Việt Nam’ khi bí thư Sài Gòn tiếp lãnh đạo Trung Quốc (Người Việt, 09/07/2018)
"Nhân viên khách sạn Rex lúc đầu đã phản đối lệnh của Sở Ngoại Vụ thành phố Sài Gòn về việc phải dùng một chậu cây lớn để che và tắt đèn gần vị trí đặt tấm bản đồ cho thấy Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhưng giám đốc Sở Ngoại Vụ (Lê Quang Long) đã khiển trách và buộc khách sạn phải làm theo lệnh trước khi ông Hoàng Khôn Minh xuất hiện", một viên chức ngành du lịch đề nghị ẩn danh, nói với nhật báo Người Việt hôm 8 tháng Bảy, 2018.
Khách sạn Rex ở Sài Gòn. (Hình : Website Khách sạn Rex)
Sự việc được cho là xảy ra trong sự kiện Bí Thư Thành Ủy thành phố Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân tiếp ông Hoàng Khôn Minh, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTrung Quốc).
Ông Hoàng Khôn Minh gặp ông Nguyễn Thiện Nhân hôm 6 tháng Bảy sau khi đã gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và dự "Hội Thảo Lý Luận" lần thứ 14 giữa hai đảng Cộng Sản.
Khách sạn 5 sao Rex trực thuộc văn phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn và là nơi "thực hiện các nhiệm vụ chính trị, lễ tân đối ngoại" của ủy ban này.
Trong khi đó, báo Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật : "Trong cuộc gặp, ông Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng Hội Thảo Lý Luận giữa Đảng Cộng sản Việt Namvà CSTrung Quốc thành công tốt đẹp, đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng, mong muốn đưa mối quan hệ hai nước láng giềng tiếp tục phát triền toàn diện, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước và góp phần vào sự phát triển chung của khu vực".
Còn báo điện tử của chính phủ CSVN ghi : "Việc hai đảng thường xuyên tổng kết lý luận và thực tiễn đổi mới, cải cách mở cửa và trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau là hết sức cần thiết và bổ ích".
Chuyến thăm Việt Nam của ông Hoàng Khôn Minh diễn ra trong bối cảnh người dân gia Việt Nam sục sôi về chuyện Hà Nội ngày càng hèn yếu trước áp lực của Bắc Kinh về Biển Đông. Việc trấn áp, bắt bớ, giam cầm một loạt blogger được cho là có quan điểm chống Trung Quốc, gần đây nhất là ông Lê Anh Hùng (bị bắt hôm 5 tháng Bảy), cũng khiến công luận bất bình và đặt câu hỏi chính quyền đứng về phía người dân hay Bắc Kinh.
Sự việc của khách sạn Rex cũng làm người ta nhớ đến chuyện các nhà hoạt động ở Sài Gòn, Hà Nội đều bị canh gác tại nhà cẩn mật mỗi khi Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam.
Ở chiều hướng ngược lại, dư luận càng hoang mang khi thấy chuyện du khách mặc áo "đường lưỡi bò" ngang nhiên xuất hiện ở Việt Nam mà chính quyền loay hoay xử lý vì sợ "tổn hại đến đại cục".
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo hồi tháng Năm, 2018 nói việc 14 du khách Trung Quốc bị giới chức tỉnh Khánh Hòa yêu cầu cởi bỏ áo thun có in hình bản đồ "đường lưỡi bò" là "hành động quá lố nhằm kích động tâm lý bài Trung" và "có thể làm tổn hại tới quan hệ song phương Việt-Trung".
Cũng cần nói thêm là mãi đến gần đây, thỉnh thoảng các báo "lề phải" ở Việt Nam mới được phép ghi rõ "tàu Trung Quốc" thay cho cụm từ "tàu lạ" mỗi khi tường thuật chuyện tàu nước này đâm chìm tàu cá Việt Nam ngoài khơi. (T.K.)