Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung ương và địa phương ‘tung-hứng’ trong giải quyết khiếu kiện tập thể của dân ?

RFA, 11/08/2020

Yêu cầu giải quyết dứt điểm

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, vào ngày 11/8, giao cho Thanh tra Chính phủ phối hợp với chính quyền các tỉnh và thành phố tập trung các biện pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Đồng thời, không để người dân khiếu kiện đông người ở các cơ quan Trung ương, nhất là trong thời gian diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng.

dien1

Cư dân làng đạo Thạch Bích, trong ba ngày 5-8/11/19 cắm lều yêu cầu Chính quyền xã Bích Hòa trả đất. RFA

Hồi trung tuần tháng 2 năm nay, Văn phòng Chính phủ cũng đã phổ biến thông báo tương tự theo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tại một buổi làm việc với Trụ sở Tiếp Công dân Trung ương, ở Hà Nội.

Điều đáng chú ý, cả hai lần thông báo từ Chính phủ trong năm 2020 đều nhấn mạnh rằng Bộ Công an và công an địa phương cùng đơn vị chức năng được yêu cầu tăng cường các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm tuyệt đối an toàn mục tiêu bảo vệ và ổn định tình hình an ninh trật tự, phải có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những người có hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây rối an ninh, trật tự, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Chính quyền địa phương dùng biện pháp nào để giải quyết ?

Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế thương mại lớn nhất Việt Nam, hồi năm 2018 được Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố ghi nhận có đến 75% khiếu nại liên quan đến đất đai.

Vụ việc cưỡng chế khoảng 200 ngôi nhà ở vườn rau Lộc Hưng, vào đầu tháng 1/2019 cho đến nay được Chính quyền thành phố giải quyết đến đâu ?

Đại diện cho bà con vườn rau Lộc Hưng, ông Cao Hà Chánh, vào tối ngày 11/8 cho biết :

"Mới nhất là tập thể người dân vườn rau Lộc Hưng vừa lên Văn phòng Tiếp dân của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng với 2 luật sư để trực tiếp yêu cầu lãnh đạo thành phố tiếp xúc và sau đó họ nhận đơn thôi. Họ mới thông báo rằng họ đã báo cáo cho Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh và cho đến nay chưa được hồi âm. Xin được nói thêm, suốt từ khi cưỡng chế xảy ra cho đến nay thì chưa có một cán bộ nào hoặc người có thẩm quyền nào ra mặt hay có những động thái bằng văn bản hết. Chỉ có văn bản gửi cho quận Tân Bình, với nội dung là chuyển vụ việc của bà con vườn rau Lộc Hưng xuống cho Chính quyền quận Tân Bình".

Ông Cao Hà Chánh nhắc lại sau thời gian dài làm việc giữa Chính quyền quận Tân Bình và cư dân vườn rau Lộc Hưng, đến năm 2008, bà con vườn rau Lộc Hưng đề nghị quận Tân Bình xác nhận và cấp quyền sử dụng đất. Mặc dù, lãnh đạo quận Tân Bình gặp gỡ với bà con vườn rau Lộc Hưng khi họ gửi đơn khiếu nại, tố cáo ; thế nhưng lãnh đạo quận Tân Bình đưa ra một văn bản của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo quận Tân Bình không có quyền tiếp dân và không được giải quyết bất cứ việc gì trên khu vực đất vườn rau Lộc Hưng.

Đề cập đến yêu cầu của Chính phủ đối với chính quyền địa phương phải giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vừa được báo giới quốc nội phổ biến trong cùng ngày 11/8, ông Cao Hà Chánh trình bày :

"Đây là một thực trạng mà nhà cầm quyền hay dùng kế hoạch này. Lúc vừa cưỡng chế xong, nhà cầm quyền và bên ngành công an đăng trên trang web của quận Tân Bình là đang tập hợp hồ sơ để khởi tố những người đứng đầu là ông Chánh và 8 người. Hôm nay tôi xin nói rõ, vụ việc vườn rau Lộc Hưng thì từ năm 1999, tập thể người dân chúng tôi đã thực hiện đúng luật pháp. Chúng tôi trình báo từng bước một về các diễn biến cho công an phường, quận ; đặc biệt với Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ công an về bất cứ diễn biến của chính quyền địa phương không đúng. Qua đó, xin khẳng định là người dân thực hiện đúng luật, nhưng họ vẫn tiếp tục hù dọa. Vừa rồi, họ nói rằng kỳ này chúng tôi đi là họ bắt và tập trung đọc kinh trước tượng đài Đức Mẹ là họ sẽ làm việc. Họ chuyển thông tin này đến chúng tôi qua công an phường và công an quận".

dien2

Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang và hỉnh ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. RFA edited

Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân Thủ Thiêm, sau hai thập niên khiếu nại, khiếu kiện tập thể tại cơ quan các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương, vừa đón nhận thông tin các lãnh đạo, cán bộ, đảng viên sai phạm trong dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, như ông Tất Thành Cang chỉ bị phê bình.

Ông Nguyễn Đình Đệ, một dân oan ở Thủ Thiêm, lên tiếng về thông báo của Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm các khiếu nại, khiếu kiện tập thể :

"Chuyện Nhà nước muốn xử lý như thế nào, hoặc muốn kêu gọi địa phương giải quyết dứt điểm cho người dân như thế nào thì nói chung và thật lòng rằng là ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ và chính vì điều đó mà người dân Thủ Thiêm đã vất vả gần 20 năm nay. Làm gì có chuyện Trung ương chỉ đạo và địa pương giải quyết rốt ráo để người dân không ra Hà Nội khiếu kiện ? Chuyện đó rất là khó và không bao giờ làm được. Và ngày nào còn chưa giải quyết và nghiêm trị các cán bộ Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân thì vấn đề Thủ Thiêm vẫn không bao giờ giải quyết được".

Một vụ việc khiếu nại đông người ở làng đạo Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, được dư luận chú ý đến qua hành động tập thể bà con, hồi đầu tuần tháng 11/2019 cắm lều đòi chính quyền xã phải trả đất canh tác. Tại thời điểm đó, lực lượng công an đông gấp 10 lần người dân được huy động đến để giải tán đám đông.

Một giáo dân làng đạo Thạch Bích, vào tối ngày 11/8, e dè chia sẻ với RFA liên quan việc khiếu nại, khiếu kiện của bà con làng đạo sau lần tập trung cắm lều đó :

"Từ khi xảy ra vụ ở Đồng Tâm thì nhiều bà con cũng chột dạ, người ta sợ. Thứ hai nữa, công an dùng kiểu ‘đánh lẻ’, tức là họ đến gặp những người tiên phong đi đòi quyền lợi và đặt ra ưu đãi nào đó để cho họ không đi nữa. Thế bây giờ người như như chúng tôi đi là bị bắt, bị đánh ngay. Kinh khủng lắm. Cho nên nhiều người sợ lắm. Không ai dám đi nữa. Bất công quá !"

Cùng thời điểm tháng 11/2019, Hội thánh Tin Lành Tuy Hòa phổ biến thông tin trên mạng xã hội liên quan sự không đồng thuận đối với quyết định của Chính quyền thành phố Tuy Hòa về đập bỏ ngôi trường Thiên Ân của Hội thánh để xây trường mầm non.

Mục sư Lương Mạnh Hà, Mục sư quản nhiệm Chi hội Tin Lành Tuy Hòa, vào thời điểm đó đã cho RFA biết Hội thánh chưa bao giờ được chính quyền địa phương thương thuyết về giải pháp giải tỏa hay đền bù. Do đó, Hội thánh Tin lành Tuy Hòa phải có hành động qua việc căng băng-rôn phản đối. Đồng thời, Hội thánh cũng đã làm đơn và gửi thư bảo đảm đến hai cơ quan Trung ương ở Hà Nội, bao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo Chính phủ để kêu cứu.

Ông Võ Ngọc Lục, một nhà hoạt động tôn giáo, vào tối ngày 11/8, cho biết diễn tiến của vụ việc này :

"Sau vụ đó thì họ đã lấy trường Thiên Ân rồi. Họ lợi dụng ngay đợt dịch bệnh là họ đập trường Thiên Ân của Nhà thờ Tin Lành Tuy Hòa. Trước đó mấy tuần thì họ đi từng nhà của tín đồ và đe dọa không cho tín đồ dùng facebook hay đưa tin gì hết. Và khi đó có phái đoàn của Đại sứ quán Hoa Kỳ định về để tìm hiểu thông tin liên quan như thế nào. Tuy nhiên, họ dùng lý do dịch bệnh nên họ từ chối".

Ông Võ Ngọc Lục cho biết thêm rằng tài khoản của Hội thánh Tin Lành Tuy Hòa bị lực lượng an ninh mạng trà trộn vào và đưa những thông tin sai lệch, bất lợi cho Hội thánh, liên quan trường Thiên Ân bị chính quyền địa phương đập bỏ.

Vì là người góp phần trong việc lên tiếng vụ cưỡng chế trường Thiên Ân của Hội thánh Tin lành Tuy Hòa, bản thân ông cũng bị liên lụy :

"Tôi đang sinh sống ở Buôn Mê Thuột, nhưng công an tỉnh Phú Yên lên đây mấy tháng. Họ ở nhà bên cạnh theo dõi. Tôi cũng không biết được chính xác họ muốn làm gì, nhưng đại khái là như thế".

Đài RFA ghi nhận, dù rằng sợ hãi như bà con ở làng đạo Thạch Bích, dù bị đe dọa như tín đồ Tin Lành ở Tuy Hòa hay dù quyết tâm như cư dân vườn rau Lộc Hưng, Thủ Thiêm ở Sài Gòn đều cho rằng các chính quyền địa phương dùng những biện pháp khác nhau để gây áp lực lên người dân đi khiếu nại, khiếu kiện. Tuy nhiên, những biện pháp mà chính quyền địa phương đang áp dụng không thể nào giải quyết dứt điểm những khuất tất và oan ức của dân chúng. Và, họ sẽ buộc phải khăn gói đến các cơ quan Trung ương, như ông Nguyễn Đình Đệ quả quyết : "Người dân Thủ Thiêm yêu cầu Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ ký. Còn không thì họ vẫn tiếp tục đi khiếu kiện, tập trung ra Hà Nội khiếu kiện. Vì đây là quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ".

Nguồn : RFA, 11/08/5020

**********************

Công khai giá trúng thầu để giảm tình trạng thiếu thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 !

RFA, 11/08/2020

Ông Bùi An Bình, Vụ Phó Vụ Tài chính Hành chính Sự nghiệp, Bộ Tài chính vào ngày 11/8 cho hay các địa phương và Bộ Y tế có thể đấu thầu chọn nhà thầu và công khai giá trúng thầu để giải quyết tình trạng thiếu thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

dien3

Ảnh minh họa. AFP

Theo lời ông Bùi An Bình, hiện hệ thống văn bản pháp luật về đấu thầu đã có đầy đủ các quy định cho việc mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Riêng đối với trường hợp mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và sinh phẩm phòng, chống dịch bệnh, cụ thể là dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, theo ông Bình thì Bộ Y tế và các địa phương có thể đấu thầu công khai để lựa chọn nhà thầu, kể cả chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu, không phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính.

Nói rõ hơn về Luật đấu thầu được pháp luật hiện hành quy định, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho biết :

"Chính phủ ban hành rất nhiều quy định, có Thông tư 14 ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập. Nội dung thông tư này phải áp dụng quy định pháp luật để đấu thầu. Trong thông tư này cũng nói rõ phải đăng tải thông tin về đấu thầu trên website và kinh phí cho quá trình lựa chọn nhà thầu, cũng như thực hiện đúng các quy định đấu thầu số 43 và Nghị định 63 ngày 26/6/2014 của chính phủ quy định chi tiết về đấu thầu. Phải báo cáo tình hình thực hiện đấu thầu trang thiết bị y tế hoc ơ quan nhà nước có thẩm quyền, tức báo cáo sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt thì trong 20 ngày thủ trưởng cơ sở y tế đó có trách nhiệm báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu theo một mẫu thống nhất. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu thì các cơ sở y tế, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Bộ Y tế, Bộ Tài chánh có trách nhiệm đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử".

Bên cạnh đó, Luật sư Hậu cũng chi ra rằng hiện nay trong công tác quản lý nhà nước về thiết bị y tế nói chung thuộc trách nhiệm của Cục trang thiết bị y tế Bộ Y tế, còn trợ giá thuộc lãnh vực Cục quản lý giá Bộ Tài chính.

Thời gian vừa qua, truyền thông trong nước liên tục đưa tin những vụ nâng giá khống khi mua các thiết bị hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, vào ngày 22/4/2020, Công an Hà Nội đã khởi tố 7 cán bộ có liên quan đến vụ nâng khống giá mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội.

Trong đó có cả Giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm vì đã cấu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19.

Đến ngày 7/7 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 2 người khác tại CDC Hà Nôi là bà Nguyễn Thị Kim Dung – trưởng phòng tổ chức hành chính, phó chủ tịch hội đồng tư vấn mua sắm và Nguyễn Ngọc Quỳnh – trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ.

dien4

Giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố và bắt giam ngày 22/04/2020. Courtesy : zing.vn

Hai người vừa nêu bị khởi tố về tội ‘vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ theo Điều 222 Bộ luật hình sự 2015.

Vụ việc được đánh giá gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước khi giá nhập về Việt Nam chỉ khoảng 2,3 tỉ đồng nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỉ đồng, tức gấp 3 lần giá nhập. Ngay cả đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng gọi đây là trường hợp ‘ăn dày’.

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, cựu sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, mọi điều khoản đã rõ ràng, có Luật Đấu thầu và quy trình thế nào đều có hết. Việc bắt giữ và xử lý những trường hợp nâng khống giá thiết bị trong đợt dịch Covid-19 này chủ yếu phụ thuộc vào những người thực thi pháp luật có làm đúng như thế không.

Trao đổi với RFA tối 11/8, Bác sĩ Võ Xuân Sơn, hiện đang công tác tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn nêu lên thực tế trong việc đẩy cao giá thiết bị y tế hiện nay, dù không phải là thiết bị chuyên dụng :

"Giá trong nhà nước nâng khống lên thì chắc có vì khi tôi đi mua đồ, cùng một thiết bị đó nhiều khi người ta cũng phải yêu cầu tôi khai giá lên mặc dù tôi chỉ trả đúng giá nhưng người ta cứ yêu cầu khai lên để đi khảo giá còn biết, tức đồng bộ với các nơi khác. Đôi khi tôi mua đồ cũng rất khó khăn chỉ vì tôi không đồng ý chuyện nâng giá như vậy".

Trước thực trạng vừa nêu, chính phủ Hà Nội cũng đã ban hành thêm luật để siết chặt tình trạng nâng khống giá, đặc biệt trong thời gian phòng chống Covid-19. Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói rõ :

"Vừa rồi Bộ Công an cũng ban hành văn bản vào tháng 4/2020 về tình hình vi phạm trong kinh phí chống dịch của một số địa phương điều tra lạm phát để thẩm định lại những gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là những gói thầu mua sắm về các xét nghiệm sinh hóa. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ chuyển hồ sơ tài liệu sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".

Bộ Y tế Việt Nam cũng trong ngày 11/8 cho truyền thông trong nước biết có thêm 2 ca tử vong liên quan đến Covid-19, nâng tổng số trường hợp tử vong kể từ khi dịch tái bùng phát đến nay là 16 ca. Ngoài ra trong ngày cũng có thêm 16 trường hợp được kết luận dương tính.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp hơn so với đợt trước, nhưng theo ghi nhận của Bác sĩ Võ Xuân Sơn, hiện tâm lý người dân có xu hướng trái ngược nhau. Ông nhận định :

"Một nhóm người dân gần như thực sự hoảng loạn, hoảng sợ. Không ai yêu cầu giãn cách xã hội nhưng ra đường, những nơi mua bán rất vắng, các phòng khám như ở chỗ tôi cũng rất vắng. Người ta không dám đi mà gọi điện đề nghị tư vấn qua điện thoại. Tóm lại người ta nói rõ không dám đi ra đường, đến khám bệnh. Nhưng ngược lại có nhóm thứ hai với một số người dân cho đến giờ ra đường vẫn không mang khẩu trang, ở một số chỗ người ta vẫn chen chú, không đảm bảo khoảng cách. Các lãnh đạo những lúc này ngay cả nhà nước, chính phủ đã đưa ra yêu cầu không tổ chức trên 30 người nhưng vẫn tổ chức các đại hội hàng mấy trăm người".

Theo ông, chính hai tâm lý trái ngược, giữa cái rất chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch và cái hoảng sợ hơi quá đáng đã làm cho hoạt động xã hội bị đình trệ.

Còn theo Bác sĩ Đinh Đức Long, tình trạng cấp bách của việc phòng, chống dịch Covid-19 đã có từ lâu, khi dịch bệnh phát triển ở các nước trên thế giới, và Việt Nam rõ ràng không phải ngoại lệ :

"Ở Việt Nam rõ ràng không thể tránh được, nhất là giai đoạn đầu tương đối tốt sau đó họ gần như mở cửa bình thường lại. Hiện nay nghe nói 16 người chết, nhiều thành phố lớn bắt đầu có những vùng phải cách ly. Tôi nghĩ nếu không cẩn thận dịch bùng phát sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người dân, sinh hoạt học tập và nhất là kinh tế. Kinh tế sẽ chậm tăng trưởng, thậm chí đi vào suy thoái, và người thất nghiệp nếu ngày càng nhiều sẽ dẫn đến rối loạn xã hội, bụng đói thì người ta sẽ làm bậy".

Khi có bệnh, người dân phải trông chờ vào chuyên môn của ngành y tế. Ngành này cần có đội ngũ chuyên môn có tâm, có tài và đồng thời cần có đầy đủ trang thiết bị để cứu chữa cho người bệnh. Cơ quan chức năng Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm nguồn vật tư y tế này cũng như nơi cho bệnh nhân đến để được cứu chữa.

**********************

Đề xuất giá điện bán lẻ : ‘5 bậc’ hay 'một giá' ?

RFA, 11/08/2020

Thông tin về 'điện một giá' được Bộ Công thương Việt Nam chính thức đưa ra vào chiều 10/8, trong dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy ý kiến, trong đó có đề xuất với mức giá điện bán lẻ lên đến 2.889 đồng/kWh.

dien5

Công nhân công ty điện lực EVNSPC. (Ảnh minh họa)- Courtesy EVNSPC

Cụ thể, dự thảo của Bộ Công thương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Theo đó, đối với giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công thương xây dựng đề xuất hai lựa chọn 5 bậc và ‘điện một giá’... với 2 phương án tính giá khác nhau cho cả hai đề xuất.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này hôm 11 tháng 8 năm 2020, nhận định :

"EVN có đề xuất ra hai phương án, hiện nay đang lấy ý kiến, tôi nghĩ rằng là, nên có giá điện bậc thang giống như các nước, để người nào dùng nhiều điện thì phải trả nhiều tiền hơn... và thậm chí tôi còn biết là một số nước còn nâng giá điện trong giờ cao điểm, để hạn chế việc dùng quá nhiều điện vào những lúc ví dụ như từ 18 giờ tối đến 21 giờ tối... Tôi không rõ EVN sẽ dùng phương pháp gì, nhưng theo tôi thì nên có những phương pháp yêu cầu, đòi hỏi người dùng nhiều điện sẽ phải trả nhiều tiền hơn, và trên cơ sở đó sẽ hạn chế việc lãng phí điện và dẫn đến việc mọi người vì lợi ích của mình mà sử dụng điện một cách tiết kiệm".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, nếu áp dụng cùng một lúc cả 2 cách tính giá điện là năm bậc thang và một giá điện, thì người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng nếu áp dụng một giá điện, người tiêu dùng chưa chắc đã được hưởng nhiều lợi thế hơn so với cách tính giá điện bậc thang :

"Người nghèo người ta sử dụng điện rất là ít, mà trong bối cảnh giá bán lẻ điện chỉ một bậc, hay giá bán lẻ đồng nhất, một giá... thì người nghèo người ta sử dụng điện ít người ta sẽ bị thiệt thòi. Hiên nay chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân là 1.864 đồng, bán cho bốn đối tượng và trong bốn đối tượng ấy nhà nước ưu tiên giá bán lẻ cho sản xuất thấp, giá bán lẻ cho đơn vị hành chính sự nghiệp thấp, thì buộc giá bán lẻ cho hộ kinh doanh và hộ sinh hoạt phải cao".

Trong dự thảo Bộ Công thương công bố chiều 10/8, khách hàng có thể chọn gồm phương án 1 theo 5 bậc, hoặc phương án 2 ‘điện một giá’. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi tức 12 kỳ hóa đơn thanh toán.

Cũng theo Bộ Công thương với biểu giá điện sinh hoạt theo phương án 1, sẽ giảm số bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Cụ thể sẽ nâng mức bậc 1 lên tới 100 kwh và bổ sung bậc thang giá điện trên 700kWh/tháng cho phù hợp với thực tế sử dụng điện của người dân.

Bộ Công thương cũng đưa ra 2 cách tính tỷ lệ giá điện 5 bậc theo giá bán lẻ điện bình quân.

Cách 1 lần lượt từ bậc 1 bằng 90% cho đến bậc 5 bằng 274% so với giá bán lẻ điện bình quân. Nếu không chọn tính theo bậc thang, khách hàng có thể chọn điện một giá với mức giá bán bằng 145% so với giá bán lẻ điện bình quân.

Cách 2 lần lượt từ bậc 1 bằng 90% cho đến bậc 5 bằng 185% so với giá bán lẻ điện bình quân. Nếu không chọn tính theo bậc thang, khách hàng có thể chọn điện một giá với mức giá bán bằng 155% so với giá bán lẻ điện bình quân.

Theo Bộ Công thương, giá bán lẻ bình quân ở hộ sinh hoạt sau khi điều chỉnh sẽ bằng so với mức giá đang áp dụng là 1.864,44 đồng/kwh, điện một giá nếu được lựa chọn sẽ lên tới trên 2.703 đồng/kwh và 2.889 đồng/kwh mà chưa gồm thuế VAT.

Hiện vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận đối với biểu giá mà Bộ Công thương đưa ra. Theo một số chuyên gia, chắc chắn những người khá giả hoặc đang dùng nhiều điện sẽ chọn phương án một giá điện. Bởi thay vì phải trả số tiền cao theo bậc thang trên 400kwh chẳng hạn, họ sẽ chỉ phải trả theo một mức giá.

Khi đó, EVN sẽ giảm doanh thu ở những người đang dùng nhiều điện, có thể tạo áp lực chung lên giá điện... từ đó có thể ảnh hưởng đến giá điện bán lẻ cho người dân.

Một người dân ở Hà Nội cho biết ý kiến của mình về mỗi lần điều chỉnh giá điện :

"Nếu có tăng giá điện, thì phải làm sao cho chúng tôi hiểu được... và cách tăng như thế nào chúng tôi phải hiểu... thật ra là có thông báo, nhưng thông báo là bản tin đó, người ta cũng người đọc người không, chúng tôi chả hiểu".

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, khi trả lời báo chí trong nước cho rằng nếu duy trì phương án điện một giá có thể khiến những người dùng nhiều điện lựa chọn, không đảm bảo mục tiêu tiết kiệm điện. Vì vậy, ông đề nghị với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh như hiện nay, nếu EVN thực hiện ‘điện một giá’ thì phải thu ở mức trên 2.000-2.200 đồng/kWh để khuyến khích tiêu dùng điện hợp lý, ngành điện có nguồn cho tái đầu tư.

Theo ông Ngãi, đưa ra mức giá nào thì cũng phải đảm bảo cả người dân và nhà nước cùng hưởng lợi, ngành điện không được lỗ. Nếu mức giá thấp quá thì ngành điện không đảm bảo chi phí sản xuất kinh doanh, trong khi chỉ người sử dụng nhiều điện hay nói cách khác là người giàu được lợi, còn người nghèo dùng ít điện thì phải trả nhiều hơn. Chưa kể không đảm bảo được mục tiêu sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Từ Hà Nội, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2022, cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin liên quan vấn đề này :

"Về đề xuất sử dụng một giá điện thống nhất, theo tôi nghĩ, nếu thực hiện đúng lộ trình điện cạnh tranh tại Việt Nam, thì đến giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, thì giá điện phải là một giá thống nhất. Tức là theo lộ trình mà đã được chính phủ phê duyệt, thì thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2024. Cho nên trên lộ trình từ giờ cho đến khi giá điện thống nhất, theo tôi nên có gia đoạn chuẩn bị. Tức là hiện nay giá điện đang là 6 bậc, và kiến nghị của Bộ Công thương là 5 bậc, thì nên có giai đoạn quá độ, chuyển về 3 bậc trước khi về 1 bậc".

Giáo sư Trần Đình Long giải thích thêm vì sao phải có gia đoạn quá độ và chuyển về 3 bậc :

"Để hỗ trợ cho các gia đình nghèo hoặc khó khăn trong việc chi trả, thì tôi nghĩ nên có giai đoạn quá độ khoảng vài năm, 3 năm gì đó. Chúng ta sẽ dùng biểu giá 3 bậc, bậc đầu từ 0 cho đến 100 hoặc 200 kwh, tức là những người sử dụng ích điện hoặc gặp khó khăn trong chi trả. Như vậy bậc đầu tiên sẽ được hỗ trợ và thấp hơn giá điện trung bình, và bậc thứ hai vừa đúng giá điện trung bình mà thủ tướng chính phủ phê duyệt cho khu vực sinh hoạt hộ gia đình. Và bậc thứ ba sử dụng trên 400 hay 500 kwh một tháng, thì cao hơn giá điện trung bình".

Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long cho rằng như vậy sẽ công bằng hơn đối với mọi tầng lớp người dùng điện, cũng nhưng nhà cung cấp điện EVN trong giai đoạn sắp đến.

**********************

Bộ Công thương đề xuất điện 1 giá

RFA, 11/08/2020

Bộ Công thương Việt Nam vào chiều 10/8 đã chính thức đưa ra dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy ý kiến, trong đó có đề xuất với mức giá điện bán lẻ lên đến 2.889 đồng/kWh. Báo trong nước loan tin ngày 11/8.

dien6

Ảnh minh họa Reuters

Tin cho biết, trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014 mà Bộ Công thương đưa ra gồm 2 phương án : tính giá điện theo 5 bậc thang ; hoặc khách hàng lựa chọn giá bán lẻ điện theo 5 bậc hoặc một giá.

Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Cụ thể, bậc 1 từ 0 - 100kWh, tăng số bậc thang từ 101 kWh trở lên tới 401 kWh ở các bậc 2, 3, 4 và bậc 5 - bậc cao nhất sẽ lên mức 701 kWh (so với bậc thang cao nhất trước đây là bậc 6 ở mức 401 kWh trở lên).

Ở phương án 2, Bộ Công thương đưa ra 2 kịch bản gồm 2A và 2B.

Trong đó với kịch bản 2A, Bộ Công thương trình 5 bậc giá, lần lượt bằng 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), và 274% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân.

Nếu không chọn tính theo bậc thang, khách hàng có thể chọn điện một giá với mức giá bán bằng 145% so với giá bán lẻ điện bình quân.

Trong khi đó, tại kịch bản 2B, Bộ Công thương chia các bậc tương tự như phương án 1, nhưng giá bán thay đổi, lần lượt là : 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 185% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân.

Phương án điện một giá được đề xuất với giá bán lẻ bằng 155% so với giá bán lẻ điện bình quân.

Mức giá bán lẻ điện bình quân hiện được Bộ Công thương quy định là 1.864,44 đồng/kWh, kể từ thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ điện ngày 20/3/2019, thì điện một giá nếu được lựa chọn sẽ lên tới trên 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh mà chưa gồm VAT.

Hiện vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận đối với biểu giá mà Bộ Công thương đưa ra.

Published in Việt Nam