Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp vẫn thu hút đầu tư bất chấp khủng hoảng Áo Vàng

Pháp trấn an giới đầu tư quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng Áo Vàng tiếp diễn. Hy vọng và lo âu xen lẫn, trước triển vọng của cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp.

phap1

Một cuộc diễu hành của các Ông già tuyết gần tháp Eiffel, ngày 20/12/2018 - Reuters / Charles Platiau - Ảnh minh họa.

Hố giàu nghèo trên thế giới tăng mạnh : tài sản của nhóm 26 tỉ phú giầu nhất hồi năm ngoái tăng thêm 900 tỉ đô la, trong lúc thu nhập của 3,8 tỉ người nghèo nhất giảm 11%. Trên đây là một số chủ đề lớn các báo Pháp hôm nay 21/01/2019.

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định về sức hút đầu tư của nước Pháp vẫn mạnh, bất chấp phong trào Áo Vàng.

Bài "Sức hút của nước Pháp vẫn còn mạnh" giới thiệu kết quả điều tra vừa công bố của công ty nghiên cứu trị trường Kantar theo yêu cầu của Business France. Nghiên cứu dựa trên việc phỏng vấn 500 nhà đầu tư nước ngoài tại 5 quốc gia Châu Âu (gồm Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển và Ireland). Theo đó, Pháp tiếp tục là quốc gia hấp dẫn thứ hai Châu Âu, sau Đức. Theo tổng giám đốc Business France, hình ảnh của nước Pháp ở nước ngoài "gần như" không bị ảnh hưởng bởi phong trào Áo Vàng, bởi các nhà đầu tư xem trọng "các thế mạnh khách quan" của một quốc gia như Pháp.

Hình ảnh xe hơi bốc cháy ngùn ngụt trên đại lộ Champs-Elysées cách nay ít tuần không khiến giới đầu tư hoảng hốt. Theo ông Marc Lhermitte, một chuyên gia về đầu tư quốc tế (người điều phối từ nhiều năm nay một mạng lưới đo lường sức hấp dẫn đầu tư tại 25 quốc gia), thì khủng hoảng Áo Vàng chủ yếu tác động đến hình ảnh nước Pháp trong dư luận bên ngoài, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư tại Pháp. Không nhà đầu tư nào có ý định ra đi, ngược lại với tình trạng sẵn sàng khăn gói tại Anh trước thời điểm Brexit đến gần.

Vẫn theo chuyên gia Marc Lhermitte, các nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến các cải cách sắp diễn ra tại Pháp. Vấn đề chủ yếu đối với họ là nhận diện được chính xác xem cuộc khủng hoảng Áo Vàng hiện nay - gắn liền với những thay đổi lớn tại Pháp – có thể đảo ngược hay không các cải cách của chính phủ Pháp từ 18 tháng nay, nhằm cải thiện "mức linh hoạt và khả năng cạnh tranh" của nền kinh tế.

Theo tổng giám đốc Business France, Christophe Lecourtier, chính sách giảm thuế cho các công ty nước ngoài vẫn được giữ nguyên, trừ một vài tập đoàn lớn. Cũng như thuế ISF đánh vào tài sản của những người giàu.

Hôm nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức cuộc gặp với 120 nhà đầu tư nước ngoài tại lâu đài Versailles, cũng với mục tiêu nhấn mạnh là chính phủ sẽ không thay đổi đường lối trong "Hồi 2" của nhiệm kỳ 5 năm, được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của phong trào Áo Vàng.

Bất bình đẳng toàn cầu tăng vọt : Một lựa chọn chính trị

Tình trạng bất bình đẳng về kinh tế tăng vọt trong năm qua là hồ sơ lớn của nhật báo thiên tả Libération. 26 người giàu nhất thế giới, có tổng tài sản tương đương với một nửa nhân loại - 3,8 tỉ người nghèo nhất thế giới. Một phần trăm dân số thế giới chiếm hữu đến 45,6% thu nhập của nhân loại trong năm vừa qua. Bài xã luận của Libération mang tựa đề "Trơ tráo", nói đến khoảng cách chênh lệch kinh hoàng không bút nào tả nổi, chưa từng có câu chuyện cổ tích nào cho trẻ em nêu lên được điều này. Một thiểu số vô cùng nhỏ của nhân loại nắm quyền sở hữu một khối lượng tài sản khổng lồ, trong lúc hàng tỉ người dân không có điều kiện đi học, tiêm chủng, có được nước sạch, hay sống trong những điều kiện vệ sinh tối thiểu.

Libération có bài phóng sự mô tả Hồng Kông, như là một nơi tập trung mức độ bất bình đẳng lớn nhất trên thế giới hiện nay, giữa một bên là những tỉ phú đi xe hơi sang, với chó được chăm sóc kỹ lưỡng, và bên kia là bốn, năm người sống chen chúc trong một căn hộ hơn 20 mét vuông, mà đó chưa phải là những người khốn khổ nhất.

Libération có bài phỏng vấn bà Winnie Byanyima, giám đốc Oxfam International. Bài mang tựa đề "Bất bình đẳng là một sự lựa chọn chính trị". Theo nữ giám đốc Oxfam, chính "chủ nghĩa tân tự do là gốc rễ của những khoảng cách kinh hoàng về tài sản giữa một nhúm nhà tỉ phú và hàng tỉ người nghèo".

Vấn đề chủ yếu là tình trạng bất bình đẳng gia tăng mạnh này được chính quyền đa số các nước khuyến khích, với chính sách ưu đãi về thuế má cho các công ty, ngược lại, siết chặt các đầu tư cho "các nhu cầu xã hội căn bản".

"Các bung xung" đánh lạc hướng dư luận

Giám đốc Oxfam khẩn thiết lưu ý đến việc là một số chính trị gia đã sử dụng "một số chiếc bung xung", như "người tị nạn", "Liên Hiệp Châu Âu", hay "Trung Quốc"… để tạo hỏa mù đánh lạc hướng dư luận, khiến xã hội quên đi một "vấn đề thực sự". Đó là "khuyết tật trầm trọng" của hệ thống kinh tế hiện nay.

Giám đốc Oxfam cũng nêu một số trường hợp tích cực mới đây như ở Thái Lan, ở Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế bị đánh thuế cao hơn, và số tiền này được sử dụng cho các dịch vụ công ích cơ bản, như sức khỏe, giáo dục…, vốn là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo bà, đáng tiếc là ít quốc gia đi theo con đường này, mà thậm chí người ta làm ngược lại : tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư và giảm đầu tư cho các dịch vụ công ích cơ bản.

Giải pháp cho vấn đề này thực ra là nằm trong tầm tay chính quyền các nước, với chính sách chống biển thủ tài chính, và chống lậu thuế. Một ví dụ : Chỉ cần tăng thuế 0,5% với tài sản của 1% người giàu nhất, thì có đủ tiền học tập một năm cho 262 triệu trẻ em hiện nay không được đến trường, và cải thiện chăm sóc y tế giúp 3,3 triệu người không chết sớm hàng năm.

Cải thiện tình trạng bất bình đẳng xã hội cũng là một vấn đề trọng tâm của cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp, diễn ra từ 10 hôm nay.

Thảo luận toàn quốc : Cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa giới tinh hoa và dân thường

Về cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp, báo chí hôm nay dành rất nhiều bài vở cho chủ đề này. Xã luận La Croix mang tựa đề "Tạo ra cái chung" nhấn mạnh đến việc giới chính trị Pháp hiện nay dường như đang tụt hậu trong việc huy động các đóng góp tập thể, của đông đảo dân chúng, trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số đã và đang làm thay đổi triệt để các phương thức tạo ra cái chung (hiểu biết chung, mục tiêu chung, phương pháp chung...). Khi tổ chức cuộc Thảo luận toàn quốc, tổng thống Pháp đã tỏ ra hiểu được "cái hố sâu ngăn cách" giữa giới tinh hoa và những người dân bình thường, điều mà những người Áo Vàng lên tiếng tố cáo.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc Thảo luận toàn quốc do chính quyền tổ chức chỉ thu hút được một phần người Áo Vàng. Rất nhiều người Áo Vàng khác vẫn tiếp tục xuống đường. La Croix nhấn mạnh là cuộc Thảo luận này cũng không phải là "diễn đàn duy nhất", nơi các công dân Pháp bày tỏ ý kiến, mà còn có rất nhiều nơi khác, theo sáng kiến độc lập của các công dân, và nhiều chủ đề vượt khỏi khuôn khổ các đề xuất của tổng thống Pháp.

Khó dự đoán kết quả của đợt thảo luận lớn đang diễn ra, nhưng theo La Croix, điều chủ yếu là sau đây, nước Pháp sẽ bước vào một thời kỳ mà chính quyền sẽ phải điều hành đất nước theo phương thức gần gũi với người dân hơn, "trí tuệ tập thể" được huy động hiệu quả hơn, ý kiến của ngay cả những người "đang trong tình trạng bấp bênh nhất" cũng có mang lại đóng góp.

Về cuộc Thảo luận toàn quốc, Le Figaro có bài "Cánh cửa hẹp" cũng nhấn mạnh đến việc nước Pháp chắc chắn "sẽ không tìm lại được sự an bình trong xã hội, nếu giới tinh hoa chính trị không thực sự xem xét lại mình", bởi một số lớn người Pháp hiện nay không còn khoan dung cho thực trạng bất công hiện nay trong hàng loạt lĩnh vực như thuế khóa, giáo dục, an ninh, di cư, bảo trợ xã hội… và đôi khi là sự thất bại của Nhà nước.

Về đối thoại xã hội, Le Monde có cuộc phỏng vấn với nhà chính trị học Loic Blondinaux. Nhà nghiên cứu Pháp khẳng định cuộc Thảo luận toàn quốc hiện nay là "một phương tiện chiến lược" để thoát khỏi khủng hoảng, nhưng trong tương lai cũng cần phải có các phương thức tham vấn công dân khác, trước các lựa chọn quan trọng.

Đối với Les Echos, thách thức của tổng thống Macron hiện nay là, một khi Thảo luận đã được mở màn, "điều khó nhất" là duy trì được cường độ thảo luận.

Vì sao Kim Jong-un thích tổ chức thượng đỉnh tại Việt Nam ?

Riêng về tình hình Châu Á, Le Figaro quan tâm đến cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần thứ hai, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2. Việt Nam có khả năng được chọn là địa điểm cho cuộc gặp. Le Figaro tìm cách giải thích lý do qua bài "Việt Nam, một mô hình phát triển đối với Bình Nhưỡng".

Theo Le Figaro, thượng đỉnh giữa Trump – Kim rất có thể sẽ diễn ra tại Hà Nội hoặc Đà Nẵng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên có vẻ như nghiêng về Việt Nam, hơn là Thái Lan, với lý do đơn giản Việt Nam là một quốc gia cộng sản, đã cất cánh về kinh tế, nhưng vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng. Việc Nam cũng được coi là mô hình phù hợp với Bắc Triều Tiên về quy mô, hơn là Trung Quốc. Triều Tiên và Việt Nam cùng chia sẻ một điểm chung là đều từng là quốc gia theo văn hóa Khổng Giáo, nhưng để kháng cự lại Trung Quốc.

Bắc Kinh trấn áp cả người bất đồng chính kiến trên Twitter

Về Trung Quốc, Le Monde giới thiệu với độc giả về cuộc đàn áp khốc liệt của Bắc Kinh nhắm vào những người sử dụng mạng xã hội Twitter. Trong ba tháng qua, đã có nhiều vụ bắt bớ, hàng trăm người bất đồng chính kiến bị đe dọa và bị buộc phải xóa các thông điệp đã đưa lên mạng.

Theo nhận định của HRW hồi tháng 11/2018, việc mạng xã hội này trở thành đối tượng tấn công mới của chính quyền Trung Quốc, trong lúc không hề có một phong trào xã hội nào được truyền bá trên mạng này, cho thấy mức độ đàn áp chống tự do ngôn luận hiện đã "tăng thêm một nấc", trong bối cảnh đàn áp nói chung vốn đã khốc liệt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Trên thực tế Twitter hay Facebook đều bị cấm tại Trung Quốc. Người sử dụng thường dùng phần mềm VNP, được tải từ một số trang mạng nước ngoài. Tuy nhiên, năm 2017, Bắc Kinh ra quy định mới trừng phạt những người tải nạp VNP để vượt tường lửa. Quyết định được đưa ra vào lúc ông Tập Cận Bình đang tìm cách khẳng định như lãnh đạo tối cao và mãn đời.

Brexit : Thủ tướng Anh có thể bị "loại"

Về thời sự quốc tế, hai chủ đề lớn khác là tại Hoa Kỳ, viễn cảnh Shutdown (tức chính phủ Liên bang bị tê liệt một phần do không có ngân sách) tiếp tục kéo dài và thủ tướng Anh trình phương án "B" về Brexit.

Về phương án B của Brexit, thủ tướng Anh dự định trình trước Nghị Viện hôm nay, theo Les Echos, nhiều nghị sĩ đảng cầm quyền và đối lập đang một lần nữa mưu toan phủ quyết. Những giờ tới sẽ có tính quyết định đối với số phận của thủ tướng May. Thủ tướng May có nhiều khả năng bị tước quyền xử lý hồ sơ Brexit, và nhiệm vụ này có thể sẽ được giao lại cho Quốc Hội. Les Echos dành một hồ sơ nói về Brexit và 15 nguy cơ lớn với người Pháp.

"Shutdown" Mỹ tiếp diễn : Làn sóng ủng hộ nhân viên bị cắt lương

Theo Les Echos, các chính trị gia đảng Dân chủ không chấp thuận đề nghị của tổng thống Trump đánh đổi việc thông qua ngân sách xây dựng bức tường với Mêhicô, với một số điều kiện thuận lợi hơn cho hàng trăm nghìn người nhập cư không giấy tờ. Cuộc thương lượng giữa tổng thống Mỹ và các lãnh đạo Dân chủ hôm thứ Bảy được truyền hình trực tiếp.

Hàng trăm nghìn con cái người nhập cư, lớn lên tại Mỹ, nhưng không có giấy tờ, đã tránh bị trục xuất nhờ chính sách bảo vệ thời Obama (2012-2017), từ khi tổng thống Trump lên nắm quyền, một lần nữa họ lại có nguy cơ bị trục xuất.

Do Shutdown, khoảng 800.000 nhân viên Nhà nước không được nhận lương. Theo Les Echos, từ một tháng nay, hơn 1.800 người đã lập ra nhiều diễn đàn trên mạng, để kêu gọi ủng hộ. Tiền, quà tặng, bữa ăn miễn phí… được huy động. Tại Los Angeles, Houston hay Detroit, nhiều hiệu ăn đã phục vụ một bữa ăn miễn phí cho nhân viên Nhà nước và gia đình bị mất thu nhập. Một số dân biểu từ chối nhận lương để tỏ tình đoàn kết, hoặc chuyển tiền cho các gia đình khó khăn. Riêng tại Washington, một hiệp hội từ thiện đã cung cấp 600.000 bữa ăn miễn phí trong tháng 1/2018, nhiều hơn 20% mức bình thường. Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) cũng tổ chức quyên góp tiền cho nhân viên mất thu nhập.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Ngày 11/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân hàng cho các dự án đầu tư với tổng vốn trên 29.000 tỷ đồng ; trao chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, thỏa thuận đầu tư cho các dự án với tổng vốn khoảng 80.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Tây Nguyên không chỉ là phên dậu của Tổ quốc, mà là điểm tựa phát triển của miền Trung, Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.

Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh to lớn, độc đáo nhưng chưa được khai thác tốt.

"Có thể nói, đến nay, Tây Nguyên của chúng ta vẫn như một cô gái đẹp, không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại", Thủ tướng nói.

taynguyen1

Thủ tướng cho biết Chính phủ quyết tâm nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đưa Việt Nam vào top đầu Asean. ảnh : vgp.

Tây Nguyên có gần 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với cây công nghiệp quan trọng như cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, mắc ca…

Các mặt hàng này tuy đạt sản lượng lớn, nhiều mặt hàng xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới.

Thủ tướng lấy ví dụ, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chưa đạt 1,5 tỷ USD, chủ yếu sản xuất theo thói quen là hạt tiêu đen, trong khi hạt tiêu trắng và đặc biệt là hạt tiêu đỏ có hiệu quả gấp 4 lần hạt tiêu đen.

Thủ tướng cũng chỉ ra các tồn tại khác như tình trạng di dân tự phát, nhiều doanh nghiệp đầu tư không gắn bó với cộng đồng, phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng…

Thủ tướng nêu tầm nhìn, kỳ vọng đối với Tây Nguyên, đó là phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa.

Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới.

Đồng thời Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của Châu Á trong thế kỷ thứ 21.

Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất đậm chất sử thi, phải luôn ý thức giữ gìn không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Với tầm nhìn đó, Thủ tướng gợi mở một số giải pháp. Về du lịch, Tây Nguyên là một kho tàng văn hóa phi vật thể cùng với điều kiện tự nhiên, Chính phủ quyết tâm cùng với Tây Nguyên đưa sử thi Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Càng nhiều người biết đến sử thi Tây Nguyên thì sức lan tỏa của du lịch Tây Nguyên càng lớn.

Về nông nghiệp, phải hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tập trung quy mô lớn, giá trị hàng hóa lớn, đặc biệt phải đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm.

Về nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục cơ bản ở vùng Tây Nguyên phải bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước. Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, là vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng giáo dục của cả nước.

Về bảo vệ, phát triển rừng, Thủ tướng tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ rừng là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ là an ninh của vùng đất được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, mà là an ninh của toàn Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và cả nước.

"Bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, nguồn nước, sinh kế của người dân, không gian di sản của cha ông. Mọi hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là tội ác.

Tiếp tục trồng rừng, không phá rừng nghèo để trồng cây công nghiệp mà tập trung tái canh, nâng cao năng suất thông qua thâm canh các loại cây công nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về công nghiệp, bài toán công nghiệp cho Tây Nguyên chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hàm lượng chế biến, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp. Phát triển năng lượng tái tạo tại những vùng đất không thể trồng trọt.

Về hạ tầng, cần tránh tư tưởng làm manh mún. Cần tập trung nguồn lực, "góp gạo thổi cơm" để có công trình hạ tầng then chốt ở Tây Nguyên. Phải xã hội hóa mạnh mẽ việc phát triển hạ tầng, kể cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Thủ tướng cũng cho rằng, Tây Nguyên cần liên kết với duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng có thể tiêu thụ được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao của Tây Nguyên. Liên kết cả cơ sở hạ tầng, đặc biệt là liên kết du lịch.

Về tín dụng, khuyến khích vay tín chấp, nhất là với hộ nông dân, đồng bào dân tộc ; có nhiều hình thức hỗ trợ như cấp bù lãi suất… Cùng với đó, các tỉnh cần đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Về an ninh, Thủ tướng nêu rõ : "Trước đây chúng ta đặt vấn đề ổn định để phát triển thì nay chúng ta đổi lại là phát triển bền vững để ổn định an ninh lâu dài.

Chính vì vậy, một trong những yếu tố bảo đảm an ninh là phải phát triển bằng được kinh tế, phải quan tâm sâu sắc hơn đến sinh kế của người dân".

Cùng với đó, đấu tranh kiên quyết đối với kẻ xấu phá hoại bình yên của đất nước.

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài tại Tây Nguyên và Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam ; bảo vệ quyền tài sản, quyền con người, quyền công dân theo hiến pháp và luật pháp đã quy định.

Chính phủ cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nữa, đưa Việt Nam vào tốp đầu ASEAN.

Hoan nghênh các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, bỏ vốn đầu tư vào Tây Nguyên, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện các cam kết đầu tư, đẩy nhanh các tiến độ dự án.

Trong triển khai phải bảo đảm giữ gìn môi trường, quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động.

Diệu Linh

Published in Việt Nam