Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong thông cáo gởi các cơ quan truyền thông và gửi Tổng Giám đốc KFC Việt Nam được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 31/10, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đề nghị Tổng Giám đốc KFC Việt Nam xem xét và thay đổi tên gọi ‘KFC Thích Quảng Đức’.

kfc1

Một chi nhánh KFC ở Thành phố Hồ Chí Minh. AFP

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Tỷ khiêu Thích Quảng Đức là kết tinh năng lực tu hành, nếp sống đạo hạnh và tâm từ bi quảng đại vì lợi ích chúng sinh, được Phật tử và những người yêu mến Đạo Phật tại Việt Nam tôn vinh là ‘Bồ tát Thích Quảng Đức’… Vì vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất lấy làm tiếc khi nhận được thông tin Công ty KFC Việt Nam dùng pháp danh của Bồ tát Thích Quảng Đức làm tên quán gà rán được gọi là ‘KFC Thích Quảng Đức’.

Trước đó, bài đăng tuyển dụng nhân viên, video clip và hình ảnh giới thiệu ưu đãi ở ‘KFC Thích Quảng Đức’ có địa chỉ tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh đã được đăng fanpage Facebook của thương hiệu này. Ngay sau đó xuất hiện nhiều ý kiến xoay quay tên gọi chi nhánh gà

Một Phật tử pháp danh Nguyên Tuấn ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn, cho RFA biết ý kiến của mình :

"Cho dù không là Phật tử, theo truyền thống Việt Nam thì cũng không thể chấp nhận được. Ví dụ như những danh nhân cao cấp… đặt tên họ là tên đường, tên những chỗ danh giá… thì được. Cho dù không là Phật tử tôi cũng nói vậy, còn nếu là Phật tử thì lại phải càng bênh vực mạnh hơn, truyền thống Việt Nam không cho phép như vậy".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhận định :

"Ban đầu đấy là chủ quan của người đặt tên, tôi hình dung rằng họ không có ý đồ gì xúc phạm đến Ngài Thích Quảng Đức đâu. Bởi vì đứng về mặt kinh doanh, không ai dại gì làm chuyện đó, họ chỉ nói rằng là gà rán ở đường đó. Mà cách nói đó rất là thông thường trong tiếng Việt, trong tiếng Việt người ta nói gà Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thì phải hiểu đó là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tuy nhiên nếu họ là người tinh tế tiếng Việt, người biết cân nhắc, thì nếu có người nói như thế không nên, thì tôi nghĩ họ cũng sẽ phục thiện, tuân theo thôi, đứng ở góc độ đó thì nên sửa".

Theo thông cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc KFC Việt Nam đặt tên quán là ‘KFC Thích Quảng Đức’ đã làm cho cộng đồng phật tử, người dân Việt Nam hiểu nhầm tên quán gà và biểu tượng về Bồ tát Thích Quảng Đức trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Ngày Bồ tát thực hiện Đại nguyện ‘vị Pháp thiêu thân’.

Hòa thượng Thích Quảng Đức là một nhà sư Phật giáo Đại thừa người Việt Nam. Ông được nói là người đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, Sài Gòn vào ngày 11/6/1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền lúc bấy giờ.

RFA hôm 1/11 liên lạc Giáo hội Phật giáo Việt Nam để hỏi về việc này thì được cho biết :

"Bên mình các thầy có công văn trả lời rồi đấy, hiện tại thì chưa có ý kiến gì thêm, chỉ theo cái công văn đã ban hành thôi, phía KFC cũng chưa phản hồi. Anh cứ theo công văn đã chuyển đi, chứ bên tôi không có chức năng trả lời báo chí".

Chúng tôi cũng liên hệ văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng không nhận được hồi đáp :

"Tôi đang rất là bận, có một cuộc họp rất là bận, một là không hiểu rõ chủ đề đấy, hai là tôi cũng đang bận công việc cơ quan quá, cho nên là tôi xin từ chối".

Cùng ngày phóng viên RFA sau nhiều lần gọi điện thoại cho phòng truyền thông công ty KFC Việt Nam, thì gặp được một nhân viên nói như sau :

"Dạ em cũng không biết là chị phụ trách truyền thông đang bận hay, là đã đi ra ngoài hay sao đó… chút anh gọi lại giúp em, có thể là chị ấy ra ngoài một chút xíu sẽ quay lại".

Chúng tôi đã cố gắng gọi lại nhiều lần nhưng cũng không thành công.

kfc2

Bảng tin tuyển dụng trên website của KFC trước khi bị gỡ xuống. Screen capture.

Cho đến ngày 1/11/2022, KFC Việt Nam đã cho ẩn bài đăng tuyển dụng tại 'KFC Thích Quảng Đức', đồng thời thêm chữ 'đường' trong tên quán. Video clip quảng cáo 'KFC Thích Quảng Đức' cũng bị gỡ bỏ.

Liên quan việc KFC Việt Nam thay đổi tên quán thành : ‘KFC đường Thích Quảng Đức, Phó Giáo sư Tiến sĩ Dũng cho rằng sửa như vậy là rất đúng, vì bán hàng thì phải cần cho người ta ủng hộ, xúc phạm niềm tin của người khác để làm gì ? Ông nói tiếp :

"Tôi đứng ở góc độ của những người theo đạo Phật, mà ngay cả những người không theo đạo Phật thì cũng thấy là không nên nói nói như thế để làm gì? Mục đích của mình là để làm sao cho người ta dễ nhớ, biết tới mà ăn, chứ không phải đầu tiên là gây sự với người ta. Cho nên đứng về phương diện kinh doanh là không nên làm".

Để tìm hiểu thêm về mặt Phật Pháp trong vấn đề này, RFA hôm 1/11 liên lạc một nhà nghiên cứu không muốn nêu tên vì lý do an toàn, thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo, và được người này giải thích :

"Trong Phật giáo, đối với tên của các vị cao tăng, tên của các bậc trưởng thượng, thì sẽ có sự tôn kính và rất ít dùng như thế, không bao giờ trong Phật giáo lại nhắc đến một cái tên như vậy. KFC họ không phải nằm trong cộng đồng những người sở hữu niềm tin. Còn những vấn đề của Phật giáo là thực hành tu tại tâm, ở bên trong mình".

Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu này, đây là chuyện ở Việt Nam mình, còn các văn hóa trên thế giới ví dụ như trong một gia đình người ta muốn tôn kính tưởng nhớ một người ông của họ chẳng hạn, thì họ hoàn toàn có thể đặt tên đứa bé theo cái tên đó. Hoặc nếu muốn tưởng nhớ một người có ơn với gia đình chẳng hạn là ông Peter, thì hoàn toàn có thể đặt tên người con của mình là Peter. Theo nhà nghiên cứu này, đó chỉ là do văn hóa thôi. Tuy nhiên người này nói tiếp :

"Bây giờ nếu như cái văn hóa đó nằm trong khuôn viên văn hóa Phật giáo, nằm trong cơ sở Phật giáo thì chúng ta mới cần bàn. Còn nếu như nó nằm ở khuôn viên bên ngoài, thì thấy là sự tự do của họ, Phật giáo không cần bàn đến cái đó. Ví dụ một Phật tử tên là Huệ Tâm, là tên sư phụ đặt cho, họ rất là quý và trân trọng tên đó, nhưng họ không thể phản đối một người đặt tên Huệ Tâm ở nhà vệ sinh của họ. Vì chẳng liên quan gì đến họ cả, cái quan trọng nhất là sự thực hành, không phải là hình thức để bắt ai đó phải theo mình".

Trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo của Việt Nam không ghi cụ thể về điều đó, nhưng theo nhà nghiên cứu Phật Giáo này về mặt pháp luật mà nói, để mà có sự hòa hợp giữa các tôn giáo, thì đặt tên đấy là không nên. Bởi vì theo người này, có thể gây ra phản ứng giữa các cộng đồng tôn giáo với nhau. Vì nếu muốn có một sự hòa hợp, sự bình an chung cho tâm thức của cộng đồng, thì tên đó là không nên.

Nguồn : RFA, 01/11/2022

Published in Việt Nam