Trong buổi chiều ngày 16/3, tôi được nhìn thấy một chị bạn thoát trở về từ đồn công an. Gương mặt của chị đầy nét mệt mỏi. Chị bị bắt giữ và giam nhiều tiếng đồng hồ, sau khi đã đứng giơ khẩu hiệu đòi minh bạch nghi án ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh (số 1 Dân chủ, Phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức).
Nghi án ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh (số 1 Dân chủ, Phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức)
Nghi án ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh đã qua nhiều ngày, với những điều ngày càng được phơi bày sáng tỏ hơn. Ngay trong buổi sáng mà những người phụ nữ bị xua đuổi, giải tán và thậm chí bị bắt giam, giới phụ huynh giận dữ chuyền tay nhau bản video phỏng vấn của báo Thanh Niên, trong đó xác định bé gái học lớp một đã bị lạm dụng đến chảy máu đẫm chiếc quần lót, bởi đã chứng cứ xét nghiệm cho thấy có tế bào nam trong dịch âm đạo của bé.
Bản tin này, với lời khẳng định việc bé gái bị xâm hại tình dục là hoàn toàn có cơ sở. Bước ngoặt này hoàn toàn khác với những cuộc điều tra, thông báo đầy tính loanh quanh, thậm chí bất minh trước đó. Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng về sự an toàn của bản tin nên đã vội tải về, gửi đi trên các trang mạng xã hội khác. Lo lắng không thừa, chỉ ít giờ sau khi được đăng tải, các phụ huynh nói với nhau rằng bản tin cũng bị rút xuống một cách khó hiểu.
Người chị đã giơ khẩu hiệu đòi minh bạch điều tra vụ ấu dâm trước trường Lương Thế Vinh may mắn trở về được, trong khi 2 người mẹ khác, bạn của chị, vẫn còn bị công an quận Thủ Đức tiếp tục giam giữ trong chiều hôm ấy. Chị bị điều tra như một loại tội phạm khủng bố. Công an buộc chị phải mở điện thoại, thẩm vấn… và chị đã phản ứng quyết liệt đến mức đập cong nát chiếc điện thoại của mình, thậm chí nuốt luôn simcard sắc nhọn như một cách tự vẫn, để từ chối việc công an địa phương xâm phạm quyền riêng tư của chị.
Có cái gì đó thật bất bình thường, khi những người mẹ đứng lên đòi bảo vệ con cái của mình, lại trở thành kẻ bị đàn áp tức thì, trong khi các nghi can tội phạm thì luôn được đắn đo để đưa vào tìm hiểu sự việc.
Xã hội thật bất an, khi luật pháp không trực tiếp và tức thì chống lại tội ác. Mà thanh gươm cong nhân danh luật pháp dường như lại luôn nhằm thẳng vào nhân dân trong một hành động quá mơ hồ, không đủ lý lẽ thuyết phục như vậy.
Tố cáo nạn ấu dâm bùng lên ở Việt Nam, chỉ khi một số bà mẹ quá đau xót và tức giận trước kẻ thủ ác như vẫn ung dung trong sự che chắn kỳ lạ nào đó. Bất kỳ ai theo dõi các sự vụ đều hoang mang khi thấy một quan chức, đảng viên cộng sản 76 tuổi, thoát được mọi cáo buộc, mặc dù có đến 9 bà mẹ đòi đưa người đàn ông này ra ánh sáng khi xâm hại các con gái nhỏ của họ, trong cùng một khu chúng cư. Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Vũng Tàu thì đã bộc lộ điều đầy vẻ mờ ám khi cứ lần lữa bằng cách gia hạn điều tra thêm, dù đã có quyết định khởi tố từ tháng 8/2016.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ở góc độ luật sư về vụ việc. Ảnh : Nguyễn Yên.
Tương tự như vậy, đối diện nghi vấn về chuyện một nghi phạm ấu dâm 34 tuổi đang làm việc tại Hoàng Mai, Hà Nội đang làm người dân sôi sục, trước khi điều tra được về sự việc chính là tội ác đối với trẻ em, thì công an nhanh chóng tuyên bố là sẽ phải nhanh chóng "điều tra và xử lý sớm" về chuyện ai đã làm mất uy tín ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Đơn giản vì có lời đồn nghi phạm có quan hệ gia đình với ông chủ tịch. Việc ấu dâm tội ác thì tạm thời tuyên bố sau.
Luật pháp để phục vụ toàn dân. Luật pháp để phụng sự cho cho đất nước của những người dân đóng thuế và nuôi nấng xã hội. Nhưng trong những điều diễn ra, người ta đang cảm giác rằng luật pháp đang chỉ phục vụ cho một nhóm người, cho những thành phần được ngấm ngầm ưu đãi. Còn lại, tất cả như chỉ là bánh vẽ đối một dân tộc đang nhọc nhằn cần lao và thấp thỏm hy vọng.
Chỉ khi có lệnh từ chủ tịch nước Trần Đại Quang, bộ máy luật pháp ở nhiều nơi mới uể oải làm nhiệm vụ của mình, dĩ nhiên, trong đó bao gồm cả việc bắt giữ và thẩm vấn những bà mẹ đứng lên đòi một môi trường sống an toàn cho con em mình. Thật vô nhân.
Kèn trống của các loại truyền thông muốn làm nhẹ sự việc cũng được khua lên inh ỏi. Thật sửng sốt, khi một bộ máy vẫn được dân chúng thường gọi đầy khinh bỉ là Dư Luận Viên cũng sôi động lúc nhúc, thậm chí kêu gào bào chữa cho hiện trạng xã hội bằng những lời ngu dốt tận đáy như "nước nào cũng có nạn ấu dâm".
Một thống kê tạm bợ cho biết, Việt Nam một năm có khoảng 1000 trẻ em bị xâm hại. Gần 60% các cháu 12-15 tuổi, 13% mới chỉ dưới 6 tuổi. Thực tế chắc còn vượt xa các con số đó. Tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết Việt Nam dàn trận đến 15 tổ chức gọi là bảo vệ trẻ em, nhưng khi trẻ bị xâm hại thì chẳng biết gọi ai. Khi dư luận xã hội bùng lên dữ dội, một vài quan chức cũng lên tiếng nhiệt tình như một cách vỗ tay theo nhịp, mặc dù trước đó, họ chính là những kẻ giỏi im lặng nhất.
Hình ảnh đất nước Việt Nam hôm nay, không khác gì một bức Guernica khổng lồ. Mọi thứ giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng quẫy đạp chồng chéo trong đám đông mà không có được một tiếng động nào thoát ra ngoài thế giới thật.
Như cú đập điện thoại dứt khoát phản đối của chị bạn tôi, những bà mẹ và những gia đình Việt Nam đã tự mình leo khỏi bức tranh xinh đẹp quảng bá về cuộc sống Việt Nam, họ sẳn sàng hy sinh mọi thứ để tạo nên tiếng động gây sự chú ý giữa màn đen bí ẩn bao phủ khắp nơi, vì một tương lai của chính mình và những người chung quanh.
Và nếu luật pháp không đủ sức mạnh để gìn giữ đời sống xã hội, thì chính quyền tạo ra nó, hôm nay, cũng sẽ bị nhân dân đặt một dấu hỏi rằng : liệu chính quyền và luật pháp ấy nên tồn tại để làm gì ?
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 16/03/2017 (tuankhanh's blog)
Từ Formosa đến nạn ấu dâm, mạng xã hội đang ép chính quyền hành động (VOA, 15/03/2017)
Công luận ở Việt Nam đang bức xúc với những vụ việc mới được phanh phui trên mạng xã hội về những trẻ em bị lạm dụng tình dục buộc chính quyền phải hành động.
Mạng xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong truyền thông ở Việt Nam.
Một trong những vụ việc được mạng xã hội và báo chí trong nước đưa tin là một bé gái 8 tuổi ở Hà Nội bị hàng xóm xâm hại tình dục. Công an thành phố Hà Nội quyết định khởi tố hình sự vụ việc này sau 2 tháng điều tra. Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Hà Nội hôm 14/3, phó giám đốc công an thành phố Đinh Văn Toản nói sức ép từ mạng xã hội và truyền thông đã buộc chính quyền hành động.
Trước đó, 1 vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu cũng được phanh phui trên Facebook. Theo TTXVN, chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 12/3 đã yêu cầu bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp làm rõ vụ án dâm ô trẻ em này và sớm đưa ra kết luận.
Theo luật sư Nguyễn Thế Thuận, "các cơ quan tố tụng, tòa án và công an điều tra đều có những vụ án và những con số thống kê cụ thể rất nhiều" nhưng việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, nhất là qua mạng xã hội, đã làm cho mọi người ý thức và biết nhiều hơn về vấn nạn ấu dâm cũng như thúc đẩy chính quyền vào cuộc sớm hơn.
Thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết : "Khi mà dư luận xã hội những ngày này đang nóng lên về vụ này thì đầu tiên là phải kể đến phương thức giao tiếp của con người trong xã hội Việt Nam hiện tại đang thay đổi rất nhiều. Khi thông tin được tiếp nhận một cách đơn giản và dễ dàn hơn thì mọi người sẽ có nhiều phương án để ứng xử trong những mối quan hệ mà mình có thể gặp phải. Khi có sự thúc đẩy của dư luận xã hội, của chính cái thực tế, bây giờ ở Việt Nam tình trạng để xảy ra án oan là khả năng xảy ra rủi ro kép cho chính những cán bộ này là rất lớn. Cho nên đấy cũng là một câu chuyện mà bản thân các cơ quan nhà nước trong lúc này họ đang phải căng mình ra – như bị thúc đẩy để làm mọi thứ tốt hơn, đỡ bị chây ỳ hơn, đỡ bị sao nhãng hơn, bắt buộc phải chuyên tâm vào công việc".
Theo những số liệu mà mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới GBVNet đưa ra, trung bình có hơn 1.000 trẻ em trên khắp đất nước Việt Nam bị lạm dụng tình dục hàng ngày.
Nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng đã lên Facebook chia sẻ những câu chuyện họ đã từng bị lạm dụng tình dục khi còn bé và nhiều tổ chức phi chính phủ cũng như những tổ chức xã hội kêu gọi hành động. Một số tổ chức xã hội đã phát động các chiến dịch và thỉnh nguyện thư trên mạng xã hội để kêu gọi chính phủ hành động chống lại nạn xâm hại tình dục ở trẻ em. Mạng xã hội cũng là nơi người dân tổ chức các cuộc biểu tình đòi chính phủ vào cuộc để giải quyết vụ khủng hoảng môi trường ở biển miền Trung vào giữa năm ngoái.
Thỉnh nguyện thư của GBVNet đang được lan truyền trên mạng xã hội cho mọi người ký.
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang nhận xét với VOA Việt Ngữ về vai trò của mạng xã hội ở Việt Nam trong việc giúp phanh phui những việc làm sai trái và gây sức ép dư luận tới những người lãnh đạo. "Các cuộc biểu tình từ năm 2007 đến nay hầu như xuất phát từ mạng xã hội, đầu tiên là những lời kêu gọi trên mạng xã hội. Tôi tin là mạng xã hội đóng 1 vai trò rất quan trọng trong truyền thông. 2/3 vai trò của truyền thông, những chức năng của truyền thông hiện nay là mạng xã hội đang làm. Những chức năng ví dụ như giám sát chính quyền hay là gây sức ép buộc chính quyền phải thay đổi, buộc cơ quan hành pháp phải hành động. Mạng xã hội làm được điều đó tốt hơn và gần như là thay thế báo chí chính thống trong những việc đó".
Formosa được biết tới như một sự kiện làm bùng nổ việc trao đổi, thảo luận thông tin và những bức xúc của người dân trên mạng xã hội. Một giám đốc dự án của tổ chức môi trường Change Vietnam, Hồ Như, nói với Bloomberg rằng "sau Formosa, người Việt Nam dường như bàn luận và nói về các vấn đề môi trường nhiều hơn", và nhờ có internet và mạng xã hội người dân được chia sẻ những mối lo ngại và nâng cao được nhận thức về nhiều vấn đề trong xã hội hơn.
Chính mạng xã hội và truyền thông đã thúc đẩy chính quyền giải quyết với nhà máy gây ra thảm họa cá chết trên vùng biển của 4 tỉnh miền Trung phải bồi thường. Nhiều cuộc biểu tình đang tiếp tục được tổ chức thông qua mạng xã hội vì người dân không hài lòng về số tiền bồi thường 500 triệu đô la. Họ đòi đóng cửa nhà máy Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng của đại học Tổng hợp Hà Nội cũng cho rằng mạng xã hội góp phần đưa tiếng nói người dân đến chính quyền. "Mạng xã hội chưa bao giờ phát triển rầm rộ như hiện nay cho nên rất thuận lợi cho việc lắng nghe ý kiến của mọi người. Đây là thời đại bùng nổ thông tin cho nên mạng xã hội không phải chỉ góp phần chuyện này mà góp phần mọi chuyện để làm thế nào cho xã hội thành xã hội công dân, để tiếng nói của công dân được đến tai những người có trách nhiệm. Cho nên mạng xã hội rất quan trọng".
Vai trò của mạng xã hội trong phong trào phản đối việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên cũng được biết tới khi nhiều người tham gia loan tải và ký thỉnh nguyện thư để kiện thủ tướng Việt Nam.
Theo báo cáo nhân quyền của Freedom House, Việt Nam vẫn tiếp tục là 1 trong những nước trên thế giới nơi mà truyền thông bị nhà nước kiểm duyệt gắt gao nhất. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng với tình trạng bị kiểm duyệt như vậy, mạng xã hội sẽ tiếp tục đóng một vai trò lớn trong việc giám sát chính quyền ở Việt Nam. Hiện có khoảng 30 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam, tăng gần gấp 3 lần so với 5 năm trước đây, theo dữ liệu của InternetWorldStats.
*******************
Một bé gái chơi một mình gần cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Hà Nội hôm 2/8/2012. Ảnh chỉ mang tính minh họa. AFP photo
Ba trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở Vũng Tàu, Sài Gòn và Hà Nội, được truyền thông trong nước tập trung đưa tin những ngày qua, làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận. Sự phẫn nộ không chỉ đối với các kẻ ác tâm gây ra vụ việc mà còn phản đối các cơ quan chức năng đã tắc trách trong quá trình xử lý trước sự tố cáo của gia đình nạn nhân.
Vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra hồi trung tuần tháng 1 năm 2017, tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Nạn nhân là một bé gái 8 tuổi, bị người đàn ông có tên Cao Mạnh Hùng, 34 tuổi, liên tục giở trò đồi bại 2 lần trong lúc cháu đang chơi đùa cùng bạn bè trong ngõ. Vì có quen biết với gia đình, Cao Mạnh Hùng đã thừa nhận và xin lỗi gia đình về hành vi xàm sỡ cháu bé.
Vào sáng ngày 10 tháng 1, gia đình cháu bé gửi đơn tố cáo tại Đồn công an phường Thịnh Liệt. Sau đó, gia đình và đại diện công an phường đưa bé đi giám định. Bác sĩ giám định cháu gái bị "tổn thương bộ phận sinh dục, rách màng trinh, xây xát và phù nề xung quanh". Công an phường đã triệu tập Cao Mạnh Hùng sau khi có kết quả giám định, nhưng người này được thả ra vào ngày 14 tháng 1. Hơn 2 tháng điều tra, kẻ xâm hại tình dục trẻ em-Cao Mạnh Hùng vẫn chưa bị xử lý và còn tuyên bố sẽ không bị gì vì có nhiều mối quan hệ xã hội. Viện Kiểm sát Nhân dân và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai vừa ra quyết định gia hạn thời hạn xác minh thêm 2 tháng nữa.
Vụ việc thứ hai xảy ra ngay tại một trường tiểu học ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Theo phản ảnh của gia đình, cháu bé nạn nhân học lớp một, vào ngày 14 tháng 2, bị một người đàn ông xâm hại vào vùng kín, đến tối về nhà máu vẫn còn chảy và dính trên quần cháu đang mặc. Cháu bé được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ khám và kết quả giám định là vết thương do bị xâm hại, có vết rách trong vùng kín.
Sau gần một tháng xảy ra vụ việc trong phạm vi trường học, ngày 12 tháng 3, Phòng Giáo dục quận Thủ Đức lên tiếng cháu bé bị chảy máu do tự té ngã, không bị xâm hại như phản ảnh của gia đình. Ban quản lý nhà trường cũng cho biết trường luôn có camera quan sát và tuyệt đối không cho người lạ vào trường. Tuy nhiên, sau khi nhận được tố cáo của gia đình, Công an phường Bình Thọ cùng Đội cảnh sát điều tra trật tự xã hội Công an quận Thủ Đức và gia đình đến trường xem lại dữ liệu ghi hình của camera trong ngày 14 tháng 2 thì phát hiện camera số 4, đặt ở vị trí quan sát khu vực xảy ra vụ việc, bị mất dữ liệu trong khoảng thời gian cháu bé bị xâm hại tình dục.
Công an quận Thủ Đức cho báo giới trong nước biết đã nhận được thông tin còn có 4 cháu bé khác cũng bị trong trường hợp tương tự và người đàn ông mà các cháu nhắc đến là người giao nước cho trường. Trưởng công an quận Thủ Đức, Đại tá Lê Anh Tuấn cho biết thêm đang tiến hành điều tra vụ tố cáo xâm hại tình dục của gia đình cháu bé nạn nhân học lớp một.
Trẻ em trong môi trường học đường lẽ ra phải là nơi an toàn nhất, nhưng vẫn có trẻ bị lạm dụng tình dục. Ảnh minh họa. AFP photo
Trước câu hỏi của dư luận đặt ra phải chăng có sự khuất tất trong hai vụ án xâm hại tình dục trẻ em vừa nêu, chúng tôi liên lạc với Luật sư Lê Văn Luân, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội và được ông giải thích :
"Hiện tại cơ quan công an điều tra quận Thủ Đức vào cuộc, thế nhưng cũng chưa kết luận được gì ngoài việc có sự nghi ngờ mà bất cứ ai cũng có thể đặt dấu hỏi là cái camera duy nhất đúng vào vị trí xảy ra sự việc và thời gian của sự việc bị xóa. Đây là nghi vấn rất lớn đối với việc này. Vụ ở Thủ Đức, nếu sau khi điều tra đó là hành vi tội phạm thì những người xóa dấu tích bị cáo buộc tội ‘khai báo gian dối, tiêu hủy chứng cứ’ thì đều bị truy tố theo quy định của pháp luật".
Luật sư Lê Văn Luân cũng cho biết diễn tiến của vụ tố cáo xâm hại tình dục xảy ra ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội mà văn phòng luật sư của ông đang thụ lý hồ sơ này :
"Cơ quan điều tra của quận Hoàng Mai kéo dài hơn so với quy định của Bộ luật Tố tụng mà cũng lại ra thông báo quyết định vi phạm Bộ luật Tố tụng nên chúng tôi kiến nghị cơ quan điều tra cấp trên là Cơ quan công an Hà Nội phải lấy hồ sơ giải quyết thì mới đảm bảo khách quan. Bởi vì đã có dấu hiệu của sự kéo dài và dấu hiệu ra quyết định hành vi tố tụng trái luật…có nghĩa không khách quan và không đảm bảo minh bạch ở đây".
Vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, kể từ khi phát hiện hồi năm 2014 đến nay, được xem là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Một cư dân quốc tịch nước ngoài, trú ngụ tại chung cư Lakeside, đã tận mắt chứng kiến cũng như chụp lại được hình ảnh ông N.K.T, sinh năm 1940, có hành vi xâm hại tình dục một bé gái 5 tuổi hồi năm 2014 và đã tố cáo vụ việc lên Công an phường Nguyễn An Ninh. Tuy nhiên, lá đơn tố cáo này bị công an phường làm thất lạc. Đến đầu tháng 7 năm 2016, gia đình nạn nhân cùng nhân chứng làm đơn tố cáo một lần nữa và chính quyền địa phương yêu cầu hòa giải dân sự.
Gia đình nạn nhân nhờ Hãng luật Gold Key can thiệp. Chính quyền thành phố Vũng Tàu ban hành quyết định khởi tố vụ án vào cuối tháng 8 năm 2016. Thế nhưng, đã hơn 6 tháng nay, gia đình nạn nhân không nhận được bất kỳ phản hồi nào của các cơ quan chức năng. Giám đốc Hãng luật Gold Key, Luật sư Lê Ngọc Luân đã gửi thư đến Chủ tịch nước Việt Nam và Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam nhờ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cháu bé nạn nhân ; vì theo kinh nghiệm tư vấn pháp luật của vị luật sư này, ông nghi ngờ vụ án có "dấu hiệu tiêu cực".
Qua ba vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở Vũng Tàu, Sài Gòn và Hà Nội, dư luận bày tỏ sự phẫn nộ tột cùng. Cô giáo nghỉ hưu Mai Trần chia sẻ tâm trạng khi đón nhận thông tin về thực trạng quá đau lòng đã và đang xảy ra cho các cháu nhỏ tại Việt Nam :
"Tôi không hiểu các Ủy ban bảo vệ nhi đồng của Việt Nam để làm gì ? Họ không hề lên tiếng về các vụ việc này. Các cơ quan chức năng không những chậm vào cuộc mà còn có ý bao che. Ví dụ như Phòng Giáo dục Đào tạo quận Thủ Đức đưa ra lý do rất ngụy biện là em bé đó bị ngã, đoạn ghi hình trong máy camera bị xóa một cách vô cớ từ một cô lao công. Sự việc xảy ra rồi thì họ không tìm cách trừng trị những kẻ gây ác đó. Tóm lại là họ không làm việc cần thiết để bảo vệ các em. Tôi thấy ở Việt Nam, cuộc sống tuổi thơ của các em không được đảm bảo. Các em như tờ giấy trắng mà bị các bậc đáng tuổi cha, chú làm cho hoen ố, có thể nói gây ấn tượng kinh hãi trong suốt cuộc đời. Rất là đáng buồn về điều đó".
Trả lời báo giới trong nước vào hôm 14 tháng 3, Ủy viên Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bà Ninh Thị Hồng nói cảm thất rất đau lòng và buồn khi nghe tin nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục như thế ; tuy nhiên các vụ án này vẫn còn nhiều "nút thắt" cần phải gỡ và không phải lúc nào, vụ nào cũng tìm ra đối tượng xâm hại các cháu.
Gia đình các nạn nhân cùng công luận đang theo dõi từng ngày diễn tiến của vụ việc qua thông tin mới nhất Liên Hiệp Quốc và Chủ tịch nước Trần Đại Quang hồi đáp thư kêu cứu về trường hợp của cháu bé bị xâm hại tình dục ở Vũng Tàu, yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra ; đồng thời, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương làm rõ vụ xâm hại tình dục trẻ em ở quận Hoàng Mai và báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ.
Động thái này được xem như một dấu hiệu tích cực. Thế nhưng, câu hỏi công luận đặt ra ngoài 3 trường hợp được truyền thông đăng tải thì rất nhiều trường hợp khác sẽ được xử lý như thế nào, khi trung bình mỗi năm có khoảng 1000 trẻ em bị xâm hại tình dục, theo báo cáo vừa công bố của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam.
Hòa Ái, phóng viên RFA