Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam có vĩnh viễn mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc ?

Diễm Thi, RFA, 19/01/2021

Sau 50 năm sẽ mất Hoàng Sa ?

Ngày 19/01/1974, một trận hải chiến xảy ra ở vùng biển Quần đảo Hoàng Sa giữa Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 20/01/1974, Trung Quốc đã dành được quyền kiểm soát tất cả các đảo từ phía Việt Nam Cộng Hòa. 74 thủy thủ Việt Nam Cộng Hòa tử trận, 16 thủy thủ bị thương và 48 thủy thủ bị bắt làm tù binh. Phía Trung Quốc có 18 thủy thủ tử trận, 67 thủy thủ bị thương.

hoangsa1

Phóng đồ hải chiến Hoàng Sa ngày 19/01/1974 - Courtesy Blog Bui Van Bong

Trong những năm đầu thế kỷ 20, quần đảo Hoàng Sa do người Pháp quản lý. Trong Đệ nhị thế chiến từ năm 1941 đến năm 1945, người Pháp phải rút quân khỏi Đông Dương, người Nhật quản lý quần đảo Hoàng Sa.

Tại Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951, người Nhật tuyên bố từ bỏ chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Năm 1958, Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa tuyên bố quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trên thực tế, Việt Nam Cộng Hòa chỉ kiểm soát nhóm đảo phía Tây là nhóm Trăng Khuyết với trung tâm là đảo Hoàng Sa.

Khi Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trao quyền thăm dò, khai thác dầu khí cho các công ty nước ngoài ở nhóm đảo Trăng Khuyết vào giữa năm 1973, hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc bắt đầu có những vụ đụng độ trên biển. Cao điểm là trận hải chiến đầu năm 1974.

Đến nay đã 47 năm trôi qua, nhiều người Việt Nam quan ngại rằng, chiếu theo luật quốc tế, nếu sau 50 năm mà Việt Nam không lấy lại được Hoàng Sa thì những đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ sẽ trở nên vô hiệu. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ mất vĩnh viễn Quần đảo Hoàng Sa về tay Trung Quốc.

Trả lời với truyền thông Nhà nước, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho biết, theo luật quốc tế, nếu như một quốc gia giữ, trực tiếp quản lý một lãnh thổ suốt 50 năm không có tranh chấp thì lãnh thổ đó coi như thuộc về quốc gia đó. Nhưng quần đảo Hoàng Sa không nằm trong trường hợp này bởi Trung Quốc đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa, chứ không phải giành được bằng biện pháp hòa bình.

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, từng có 7 năm làm Phó khoa trưởng Lincoln Law School of San Jose, nói với RFA sáng 19/01/2021 :

"Điều đó không thể hiện ở bất cứ văn bản nào trên công pháp quốc tế hết. Mà thực tế là khi có tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải hay những hòn đảo của hai cơ chế quyền lực, nước nào giữ càng lâu thì chắc chắn nước kia càng khó lấy lại. Nhất là vấn đề tương quan lực lượng giữa hai nước.

Nếu ngay bây giờ Việt Nam đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra tòa án quốc tế để lên tiếng về chủ quyền thì ít ra mình có cái mốc về pháp lý để nói chuyện. Nhưng nói rằng cái mốc đó nó có giá trị khẳng định mạnh tới cỡ nào thì phải nhìn nhận thực tế là kẻ mạnh luôn trấn áp kẻ yếu.

Ngoài ra, sau năm 1945 Liên Hiệp Quốc có một nguyên tắc chung, là không công nhận bất kỳ một lãnh thổ hay lãnh hải nào mà được chiếm bằng võ lực. Đó là một nguyên tắc căn bản".

Ngày 14/10/1970, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra Nghị quyết 2625 tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Nghị quyết 2625 quy định rõ, lãnh thổ quốc gia không thể bị chiếm đóng quân sự do việc sử dụng vũ lực trái với những điều khoản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Lãnh thổ quốc gia không thể bị một quốc gia khác chiếm đoạt là kết quả của việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực. Không một sự chiếm đóng lãnh thổ do việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực nào được công nhận là hợp pháp.

Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng quy định, các nước thành viên Liên Hiệp Quốc trong quan hệ quốc tế không được đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc nhằm những mục đích khác không phù hợp với mục đích của Liên Hiệp Quốc.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc bình luận :

"Một điểm nên nhớ là Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khi họ là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đáng lẽ họ phải làm gương trong việc không dùng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Họ vi phạm Khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Ông Đinh Kim Phúc nói thêm rằng, là một người nghiên cứu về lịch sử Biển Đông, ông chưa thấy điều khoản quốc tế nào liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo có ghi thời lượng đấu tranh là 50 năm.

hoangsa2

Tưởng niệm các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. AFP

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã tin rằng, Việt Nam một ngày nào đó sẽ đủ mạnh để lấy lại Hoàng Sa cho dù đã mất bao nhiêu năm chăng nữa. Ông giải thích:

"Tôi đã từng nói rằng nếu cần như thời kỳ Bắc thuộc, bị đô hộ một ngàn năm thì Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh để giành độc lập. Thế thì Hoàng Sa cũng thế thôi. Tôi cho rằng một trong cái tốt nhất của người Việt Nam hiện nay là coi việc mất Hoàng Sa là ‘chất men yêu nước’. Khi có chất men này thì người Việt ở trong và ngoài nước sẽ cùng nhau thể hiện lòng yêu nước của mình.

Người ta nghĩ rằng theo luật quốc tế, khi mất Hoàng Sa mà mình không nói gì thì coi như công nhận đã mất. Thế còn Nhà nước Việt Nam hiện nay, trong bất cứ dịp nào cũng luôn luôn khẳng định chủ quyền của mình tại Hoàng Sa. Khi cả hai bên cùng khẳng định chỉ quyền tức là còn đang tranh chấp. Ngàn năm mình bị đô hộ mà mình còn lấy lại được, huống hồ chỉ mấy chục năm?"

Nhờ đồng chí giữ hộ

Trong một bài viết của nhà báo Bùi Tín có tựa "40 năm trận Hoàng Sa oanh liệt" được VOA đăng hôm 9/1/2014, nhà báo này chia sẻ rằng, ông cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại 40 năm trước ông từng phụ họa với sự giải thích của ông Lê Đức Thọ và Ban Tuyên giáo trung ương rằng : "Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ".

Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhận định :

"Theo tôi thì trước 1975 ở miền Nam có đồng minh, ở miền Bắc thì có đồng chí. Khi mà hai miền phân tranh đánh nhau như vậy thì nếu có đồng chí chiếm hộ Hoàng Sa hay Trường Sa thì miền Bắc họ nghĩ để các đồng chí giữ hộ. Tâm lý đó không phải chỉ có ở miền Bắc đâu.

Thế nhưng sau 1975 thì đồng chí có trả lại cho mình đâu. Cứ tưởng đồng minh, đồng chí sẽ giúp mình, nhưng thực tế thì họ chỉ vì quyền lợi của họ thôi chứ đâu phải họ vì Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đâu".

Hàng năm, mỗi khi tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa, cư dân mạng xã hội vẫn nhắc lại câu nói của ông Lê Đức Thọ được ông Bùi Tín dẫn lại. Họ cho rằng, mất Hoàng Sa là cái giá phải trả cho thứ ngoại giao kiểu đồng chí của người cộng sản.

Ông Đinh Kim Phúc nhận xét :

"Một vấn đề cần phải đặt ra là cứ mỗi năm đến ngày 19 tháng Một, ngày 18 tháng Ba đều xuất hiện cái tin cho rằng ông Lê Đức Thọ từng nói Hoàng Sa, Trường Sa ở trong tay Việt Nam Cộng Hòa thì để người bạn Trung Quốc giữ. Sau ngày đất nước thống nhất sẽ tính sau.

Đây là chuyện mà tôi là một người nghiên cứu lịch sử và dạy lịch sử, tôi không thấy một cơ sở khoa học nào hết. Tôi chưa thấy bất cứ một văn bản nào hay một sự kiện nào bàn đến vấn đề này".

Theo ông Phúc, cái tinh thần quốc tế cộng sản nó quá lớn trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Các lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ ảo tưởng, cả tin về người đồng chí cộng sản của mình để phải ngậm đắng nuốt cay ngày hôm nay, khi mà Trung Quốc tuyên bố cái gọi là Tây Sa, Tam Sa là của Trung Quốc. Họ đưa ra rất nhiều dẫn chứng là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã đồng ý trước năm 1975.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 19/01/2021

**********************

Tưởng nhớ ngày mất Hoàng Sa

Đỗ Ngà, quyenduocbiet, 19/01/2021

Đồng minh là người cùng chiến tuyến chống lại kẻ thù chung. Nói đơn giản, để kết đồng minh thì người ta dựa trên quyền lợi của mỗi bên chứ không dựa vào thứ tình cảm nào cả. Nói chung, kết "đồng minh" là dựa trên nền tảng lí trí, còn ngược lại, kết tình "huynh đệ" là chỉ dựa trên nền tảng tình cảm. Ở tầm quốc gia, mối ban giao nào dựa trên tình "anh em" thì tất trong đó có sự lợi dụng, nó rất nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

anhem1

Cố Hải quân Thiếu tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ-10, tử trận trong hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974.

Ngày 4/9/1958, chính phủ của Chu Ân Lai ra tuyên bố chủ quyền biển, trong đó có nhiều ý nhưng điểm nổi bật nhất là có 2 điểm sau: thứ nhất là Tàu tuyên bố chủ quyền lãnh hải 12 hải lý cách bờ ; thứ nhì là Tàu tuyên bố chủ quyền của nó trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Lúc đó, 2 quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Không biết vì lý do gì sau đó 10 ngày ông Phạm Văn Đồng gởi công hàm công nhận tuyên bố của phía Tàu. Rõ ràng công hàm này là một công hàm bán nước, tuy nhiên lúc đó công hàm này chẳng khác nào một tờ "khế ước bán vịt trời" trời cả. Có lẽ Đảng cộng sản Việt Nam đã vui mừng vì đã kí một bản "khế ước bán vịt trời" vô giá trị nhưng lại làm vui lòng "anh hai" của nó. Có thể cộng sản họ nghĩ họ "cao tay" nhưng lịch sử cho thấy, họ đã bị thằng "anh hai" lừa.

Lẽ ra chính quyền Hà Nội phải nhận ra dã tâm của Trung Quốc ngay khi họ tuyên bố chủ quyền khống đường 11 đoạn (sau này là 9 đoạn) trước đó, nhưng vì mờ mắt bởi "tình anh em" nên họ không thấy. Tàu tuyên bố chủ quyền khống trên vùng biển Việt Nam, rồi sau đó tuyên bố chủ quyền khống trên 2 quần đảo bên trong vùng biển đó. Nhìn 2 cái khống ấy, nếu dùng lí trí phán xét sẽ thấy dã tâm của Trung Quốc, bởi đơn giản nếu chỉ cần Tàu chiếm được đảo thì đường 9 đoạn khống kia sẽ không trở thành khống nữa mà là thật 100%. Tuy nhiên vì tình "anh em" che mất lí trí, nên ông Hồ và ông Đồng và cả Đảng cộng sản đã sập bẫy. Năm 2008, trả lời phỏng vấn BBC, bà Bảy Vân - phu nhân ông Lê Duẩn nói về công hàm của ông Đồng là "giao cho anh em giữ dùm". Vâng ! Cả Đảng cộng sản ngây thơ như thế vì dựa vào thứ ngoại giao "anh - em".

Chuyện gì đến phải đến, đầu năm 1974 sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Miền Nam, Trung Cộng cho chiếm Hoàng Sa để hợp thức hóa những tuyên bố chủ quyền khống ấy thành chủ quyền thật. Trận chiến không cân sức vì Việt Nam Cộng Hòa lúc đó phải vừa chống Việt Cộng trên bờ vừa bị Trung Cộng đánh mạnh ở ngoài biển. Kết quả là tất cả 74 binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh mà vẫn không thể nào giữ được Hoàng Sa. Vậy câu hỏi đặt ra là, sau khi chứng kiến "anh hai" đánh bại "kẻ thù" ở Hoàng Sa thì Việt Cộng tỏ thái độ như thế nào ? Theo lời cụ Bùi Tín – người từng là đại tá tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân cho biết rằng, lúc đó Lê Đức Thọ khẳng định rằng "Hãy yên tâm ! Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền". Thế mới thấy cái "khôn nhà dại chợ" của cộng sản nó nguy hiểm như thế nào, nó khốn nạn như thế nào.

Cũng lợi dụng thứ ngoại giao "huynh đệ" ấy, mà sau đó Trung Quốc đã đánh chiếm thêm đảo và cả đất liền của Việt Nam. Bộ mặt thật của Trung Quốc thì không ai lạ gì, tuy nhiên với Đảng cộng sản Việt Nam thì cho đến nay họ vẫn sắc son quyết không ăn ở hai lòng với anh hai Trung Quốc. Đến nay Đảng cộng sản Việt Nam vẫn ôm chân Tàu và quyết từ chối kết đồng minh quân sự với Mỹ bằng chính sách 4 không. Không những thế, càng về sau họ càng ký nhiều văn kiện bí mật giữa 2 Đảng cộng sản mà dân không hề biết gì. Với cộng sản thì có thể kết luận 2 câu đơn giản thế này : "thà bán đồng bào để mua tình anh em với Trung Quốc chứ không làm điều ngược lại" ; "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi".

Đỗ Ngà

Nguồn : quyenduocbiet, 19/01/2021

Tham khảo :

https://www.voatiengviet.com/.../bon-muoi.../1826023.html

Additional Info

  • Author Diễm Thi, Đỗ Ngà
Published in Diễn đàn

Cách đây 40 năm, ngày 19/01/1974, Trung Quốc ngang nhiên xua tàu chiến xuống tấn công, chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của nước ta. Trong hoàn cảnh có nhiều bất lợi, các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa khi đó vẫn anh dũng nổ súng chống lại kẻ xâm lược nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Dù thất bại, song cuộc hải chiến bi hùng năm ấy vẫn được hàng triệu người dân ghi nhớ như là bằng chứng của lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người Việt.

Còn với Trung Quốc, dù cưỡng chiếm được Hoàng Sa của Việt Nam từ thời điểm ấy -- song cho đến nay chủ quyền đối với quần đảo này vẫn không được công luận thế giới công nhận do đã xâm phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Nguồn : VTC14, 17/06/2014

Cận cảnh cuộc tập trận tái chiếm đảo của Nhật Bản

Nguồn : VTC14, 13/01/2014

Published in Video

Ngày 14/3/1988 Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma của Việt Nam giết chết 64 thủy thủ và chiếm đóng đảo đó đến nay. Lực lượng Liên Xô, đồng minh của Việt Nam có mặt tại Cam Ranh đã không can thiệp.

baihoc1

Tàu Trung Quốc bắn vào tàu vận tải Việt Nam tại Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. File Photo

Hiệp ước Việt Xô 1978

Vào tháng 11 năm 1978, Hiệp ước hữu nghị Việt Xô được ký giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó là ông Lê Duẫn với người đồng cấp bên phía Liên Xô là ông Leonid Brejnev. Hiệp ước này có hiệu lực trong vòng 25 năm, được xem như một liên minh quân sự giữa Việt Nam và Liên Xô đối đầu với bên kia là trục Trung Quốc Khmer đỏ. Đây sự đối đầu giữa các quốc gia cộng sản với nhau.

Cũng cuối năm 1978 hải quân Liên Xô được phép sử dụng căn cứ Cam Ranh cho hạm đội Thái Bình Dương của mình.

Vào ngày 14/3/1988 hải quân Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, giết chết 64 thủy thủ Việt Nam, và chiếm giữ đảo đó cho đến nay.

Ngay thời điểm đó hải quân Liên Xô có mặt tại Cam Ranh, chỉ cách Gạc Ma vài trăm hải lý nhưng quân đội Liên Xô đã không can thiệp.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nói với chúng tôi về nội dung của hiệp ước hữu nghị Việt Xô :

"Trong hiệp ước Việt Xô ký trước đó 10 năm có một điều khoản rất quan trọng. Điều khoản đó nói rằng một khi một trong hai nước có nguy cơ bị tấn công, hay là bị đe dọa tấn công, thì hai nước ngồi lại bàn với nhau để đẩy lùi nguy cơ bị tấn công. Điều khoản này nó rất tế nhị, nó khác với những hiệp ước an ninh khác như của NATO, là khi anh tấn công một bên thì coi như anh tấn công bên kia. Hiệp ước này (Việt Xô) không nói như thế".

Một cựu nhân viên Bộ Ngoại giao khác là ông Đặng Xương Hùng, hiện đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, phân tích với chúng tôi rằng vào thời điểm năm 1988 Liên Xô có những quan ngại về an ninh khác lớn hơn nhiều so với mối liên kết an ninh với Việt Nam ở Đông Nam Á :

"Người Nga cũng phải căng ra nhiều nơi để đối phó. Những quyền lợi coi là thiết thực của nước Nga ở Việt Nam hầu như là chỉ giữ một mức liên kết, liên minh ở mức độ nào đó chứ không bảo vệ Việt Nam như bảo vệ lợi ích của chính nước Nga. Họ tránh đụng độ trực tiếp, có thể trực tiếp nơi Nga giáp Trung Quốc thôi chứ không phải trên lãnh thổ Việt Nam".

Ngoài ra theo ông Hùng, sự việc Trung Quốc tấn công Garma có nguyên nhân từ trong nội bộ Việt Nam. Theo ông mặc dù có hiệp ước hữu nghị với Liên Xô, nhưng Việt Nam không thể chịu đựng nỗi sự cấm vận của cả thế giới, sự bao vây của Mỹ và Trung Quốc sau khi quân đội Việt Nam tràn vào Campuchia vào năm 1979, do đó Việt Nam phải phá thế bế tắc bằng cách bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

"Lúc đó ông Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam là ông Lê Đức Anh, thuộc cái phái chủ trương là nên bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc để cứu Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung Quốc đã ngửi được dấu hiệu qui phục của Việt Nam đối với Trung Quốc, để dấn tiếp".

Trước trận Gạc Ma đến 9 năm, ngay sau khi Việt Nam tràn vào Campuchia vào tháng Giêng 1979, tháng Hai 1979 Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh biên giới, gọi là dạy Việt Nam một bài học.

Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu này cũng có nguồn cơn từ hiệp ước hữu nghị Việt Xô 1978.

"Mãi về sau này khi chúng ta đọc những tài liệu đã bạch hóa, nhất là những tài liệu của Trung Quốc, thì chúng ta hiểu rằng thực ra đấy (hiệp ước Việt Xô) là một tai họa cho Việt Nam. Trung Quốc cay cú hiệp ước đấy, và khi mà Trung Quốc tiến công Việt Nam năm 1979, thì lúc đầu người ta nghĩ đó là vì chuyện Campuchia, đó có thể là một nguyên nhân, nhưng quan trọng hơn là Trung Quốc muốn thách cái hiệp ước Việt Xô này, xem là tôi tấn công anh thì anh phản ứng gì ?".

Cuộc chiến tranh biên giới 1979 kéo dài một tháng gây ra tổn thất lớn cho cả hai bên, và liên tục sau đó là căng thẳng kéo dài đến hơn 10 năm sau giữa hai nước Việt Nam Trung Quốc.

Đứng giữa các cường quốc, Gạc Ma 1988 và Hoàng Sa 1974

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói tiếp về trận Gạc Ma 14/3/1988, thời điểm mà hiệp ước hữu nghị Việt Xô vẫn còn hiệu lực :

"Chúng ta cũng thấy Liên Xô án binh bất động. Sự án binh bất động lần này so với lần Trung Quốc dạy cho Việt Nam bài học (1979) như thế nào, thì đến bây giờ nó vẫn là một điểm trắng trong lịch sử mà chúng ta vẫn cần phải tìm hiểu. Liên Xô có mặt ở cảng Cam Ranh, hạm đội 7 của Mỹ vẫn lởn vởn ở khu vực Thái Bình Dương. Cả hai đều không có hành động gì cả trong vụ Gạc Ma. Như vậy ở đây có thể nói là Trung Quốc đã bắt đúng thời điểm để hành động".

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng giả định hai nguyên nhân mà theo đó lực lượng Liên Xô đã không can thiệp khi Trung Quốc đánh Gạc Ma, đó có thể là Liên Xô đã đánh hơi thấy một thỏa thuận lớn giữa Hà Nội và Bắc Kinh sắp tới. Điều thứ hai là lúc ấy Liên Xô gặp rất nhiều khó khăn.

Sự dính líu của người Mỹ ở Việt Nam trước năm 1975 được giới quan sát cho rằng đã chính thức kết thúc vào năm 1972, khi Tổng Thống Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng ra tuyên bố Thượng Hải, bình thường hóa quan hệ hai nước.

Tháng Giêng 1973 hiệp định Paris được ký kết, quân đội Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Tháng Giêng năm 1974 Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa, phía Bắc Biển Đông lúc đó do quân đội Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ, trong lúc lực lượng Mỹ vẫn còn hiện diện hùng hậu ở Biển Đông, và trên nguyên tắc Hoa Kỳ vẫn là một đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa.

Hải quân Mỹ đã không can thiệp, và hơn nữa, theo hồi ức của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là ông Nguyễn Văn Thiệu, thì Mỹ đã gây sức ép không cho lực lượng Việt Nam Cộng Hòa phản công tái chiếm Hoàng Sa.

So sánh hai vụ Hoàng Sa 1974 và Garma 1988, ông Đặng Xương Hùng nói với chúng tôi :

"Một kinh nghiệp là khi câu chuyện không cam kết lợi ích cho họ thì khó có chuyện rằng người ta sẽ bảo vệ mình như bảo vệ chính người ta, mình phải đặt hoàn cảnh là bảo vệ nước Việt Nam như bảo vệ quyền lợi của chính họ".

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng thì nói bài học rút ra từ sự kiện Gạc Ma là khi nội tình yếu kém thì liên minh không giúp gì được cho quốc gia. Khi kết thúc buổi nói chuyện với đài RFA về tận chiến Gạc Ma 1988, ông nói rằng :

"Điều này nói lên sự cam kết của các nước lớn đối với các nước nhỏ là rất bấp bênh, nó rất là bất định. Nếu như khi các nước lớn họ đã thỏa hiệp, họ móc ngoặc với nhau thì lợi ích của các nước nhỏ không bao giờ được tính đến cả. Lợi ích của các nước nhỏ thường bị các nước lớn đem ra trao đổi, theo kiểu thỏa thuận vô nguyên tắc của các nước lớn".

Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Việt Nam hiện nay đã hiểu rõ vị trí của một quốc gia nhỏ như Việt Nam trên bàn cờ lớn của thế giới vì thế chính sách ngoại giao của Việt Nam đang đi theo một hướng cân bằng giữa các quốc gia lớn. Ông nói rằng chính sách đó không phải là sự đu dây mà là một nghệ thuật đưa ra những lợi ích để bảo vệ chính quốc gia mình.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 13/03/2018

Published in Diễn đàn