Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông Lưu Vân Sơn thăm Việt Nam và Hội nghị trung ương 6 (BBC, 24/09/2017)

Chuyến đi của ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư và Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc tới Việt Nam (từ 18-19/9/2017) ít liên hệ tới Hội nghị 6 của Đảng cộng sản Việt Nam hơn là tới Đại hội lần thứ 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc, một nhà phân tích chính trị từ Việt Nam nói với BBC.

luu1

Ông Nguyễn Phú Trọng (phải) tiếp ông Lưu Vân Sơn hôm 18/9/2017 tại Hà Nội

Trao đổi với BBC, Tiến sĩ Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt - Trung đưa ra giải thích vì Trung Quốc 'cần một không khí đối ngoại' thuận lợi trước Đại hội này, trong khi Hội nghị trung ương 6 của Đảng cộng sản Việt Nam đã được điều chỉnh thời gian nhi lần từ trước, một nhà phân tích chính trị từ Việt Nam nói với BBC.

Nhà nghiên cứu từ Đại học Bình Dương cũng cho rằng đây là một chuyến đi có ý nghĩa bình thường, trong khi có thể gọi đó là 'chuyến đi dối già' trước khi nhân vật chính khách sinh năm 1947 này của Trung Quốc thôi các chức vụ cao cấp trong ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc.

Bình luận về diễn biến các thông tin kỷ luật được đưa ra khá rầm rộ gần đây trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, Tiến sĩ Vũ Cao Phan bình luận :

"Ông Nguyễn Phú Trọng ngay từ đầu có quyết tâm chống tham nhũng, nhưng những sự việc diễn ra cho thấy ông không làm được.

"Tôi thấy khá ngạc nhiên và rất buồn cười khi gần đây nhân chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, khi ông Trịnh Xuân Thanh ra 'đầu thú', thì ông Nguyễn Phú Trọng có nêu lên một ý là chúng ta đã có cả một chiến dịch kêu gọi bắt giữ những người mà trốn ra nước ngoài.

"Làm gì có chiến dịch ấy ? Làm gì có ! Ông này rồi ông [Dương] Chí Dũng trước đó cách nhau xa hàng thế kỷ, làm sao mà có chiến dịch !|"

May mắn là nhiều ?

Về chiến dịch kỷ luật và công tác chống tham nhũng đang được thông tin ở Việt Nam khá rầm rộ và công khai gần đây, nhà nghiên cứu từ Đại học Bình Dương nói :

"Công tác chống tham nhũng, cũng như chống tiêu cực ở Việt Nam hiện nay chúng ta [làm] được vẫn là may mắn là nhiều thôi, chứ chưa phải do sự làm việc đúng đắn quyết liệt, đến nơi đến chốn mà tìm ra.

"Điều này vừa rồi ngay một Đại biểu quốc hội đã nói trên vô tuyến truyền hình rồi, thử đưa ra xem bản thân cơ quan tư pháp đã lục ra trường hợp nào, hay chính do lình xình của những người dính líu đến, hoặc là do quần chúng phát hiện mà cuối cùng mới xử lý thôi...

"Xử lý của các cơ quan tư pháp, bao gồm cả Ủy ban kiểm tra Kỷ luật, tức là chỉ xử lý phần ngọn thôi, chưa xử lý được phần gốc.

"Cái tôi nói và tôi [thấy] rất là đáng tiếc, chưa ai dám nói vụ này có dính líu đến tham nhũng như thế nào, mà thực tế nói cho cùng nó là tham nhũng. Không thể khác được !", Tiến sĩ Vũ Cao Phan nói với BBC Tiếng Việt.

**********************

Ông Lưu Vân Sơn là ai ? (BBC, 21/09/2017)

luu2

Ông Lưu Vân Sơn hiện là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc

Quan chức Đảng Cộng sản cao cấp thăm Việt Nam và Campuchia từng bị phê phán là có đầu óc Maoist và quản lý truyền thông Trung Quốc một cách cứng nhắc.

Ông Lưu Vân Sơn vừa đến Hà Nội và sau đó tới Phnom Penh trong chuyến thăm cao cấp trước kỳ Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm nay, khi ông dự kiến sẽ nghỉ hưu.

Phù Mao 'trảm' Tất Phúc Kiếm

Hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư và Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Lưu Vân Sơn là nhân vật của bộ máy tuyên giáo Trung Quốc.

Từ sau Đại hội 18 (11/2012), ông được giao trọng trách nắm về tổ chức, nhân sự và công tác 'xây dựng Đảng'.

Ông cũng là một trong bảy ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đứng sau các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang và Du Chính Thanh.

Dù chính thức nắm mảng tuyên giáo, ông có vẻ không có nhiều quyền lực bằng ông Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Tập Cận Bình trong các chiến dịch chỉnh Đảng, chống tham nhũng, theo các báo Hong Kong.

Hồi năm 2015, ông Lưu khai bút viết một bài phê phán thái độ "lơ là về tư tưởng" trong bộ máy và phản bác một thứ "văn hóa chính trị" khiến đảng viên, kể cả cao cấp và người nổi tiếng không bám sát "đường lối của Đảng" và di sản của Mao Trạch Đông.

Giới bình luận tại Trung Quốc tin rằng bài báo của ông Lưu nhắm vào ngôi sao truyền hình Trung Quốc, ông Tất Phúc Kiếm, người bị ghi hình nói ở chốn riêng tư lời nhạo báng Mao Trạch Đông.

Ông Tất, trong một dịp gặp bạn bè, đã hát bài từ vở ca kịch cách mạng thời Mao 'Dùng mưu chiếm núi Hổ' (Trí thủ uy hổ san - Taking The Tiger Mountain by Strategy), và khi ai đó nói về Mao thì ông buông một câu, "Thôi đừng nhắc đến thằng chó đẻ đó nữa. Nó chỉ hành hạ chúng ta".

Sau vụ việc và bài báo của ông Lưu Vân Sơn, ông Tất Phúc Kiếm bị mất việc tại đài truyền hình trung ương CCTV nhưng không bị xử tội gì.

'Bảo thủ, chống cải cách' ?

Tuy là nhân vật chuyên về quan hệ Đảng và tuyên truyền, ông Lưu Vân Sơn cũng bị một trí thức Trung Quốc viết bài đăng trên báo lề trái, kể tội là kẻ "Maoist bảo thủ, chống lại cải cách".

Năm 2014, Thiết Lưu, một cây bút cao tuổi đã đăng bài nói Lưu Vân Sơn thực ra là người của Giang Trạch Dân, và ủng hộ Nhóm Trùng Khánh của Bạc Hy Lai, "chống lại Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn và Lý Khắc Cường".

Tác giả này, tên thật là Hoàng Trạch Vinh, tố cáo ông Lưu Vân Sơn như sau :

"Trong hơn một thập niên, với ngành xuất bản, phát thanh truyền hình dưới quyền Lưu Vân Sơn, cả nước Trung Quốc không có nổi một bài báo nói lên sự thật, không có nổi một cuốn sách có thể tự đứng, không một bộ phim truyền hình nào tử tế".

Dù công kích trực diện ông Lưu Vân Sơn, Thiết Lưu cũng không bị bắt, có thể vì đã 81 tuổi và đã từng bị quy là 'hữu phái' và đi cải tạo 23 năm thời Cách mạng Văn Hóa.

Tuy thế, một số ý kiến tại Trung Quốc giải thích rằng dù không phải là người thân cận của ông Tập Cận Bình, ông Lưu Vân Sơn có bề dày trong ngành văn hóa tư tưởng nên vẫn trụ được hai nhiệm kỳ.

Kiểm soát chặt truyền thông

Với truyền thông nước ngoài, ông Lưu xuất hiện ở một số sự kiện quan trọng như tiếp Mark Zuckerberg vào tháng 3/2016 khi ông chủ Facebook sang Trung Quốc làm thân để Bắc Kinh gỡ bỏ việc chặn toàn bộ mạng xã hội này.

Tất nhiên, chuyến đi của Zuckerberg không hề đem lại kết quả gì, giống như chuyến thăm Bắc Kinh của lãnh đạo Google, Satya Nadella vào tháng 11 cùng năm.

Google vẫn bị chặn tại Trung Quốc giống như các trang tìm kiếm hoặc xuất bản mạng của Phương Tây.

Vai trò đối ngoại

Ngoài ra, đôi khi ông Lưu đóng cả vai trò đặc sứ của lãnh đạo Tập Cận Bình sang các nước láng giềng với các sứ mệnh rất cụ thể.

Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, ông sang Bình Nhưỡng dự lễ với tư cách là vị khách cao cấp nhất của Trung Quốc lần đầu, và cho đến giờ cũng là lần duy nhất, gặp ông Kim Jong-un, lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn.

Được biết ông mang theo một lá thư tay của Chủ tịch Tập Cận Bình gửi ông Kim Jong-un.

Nhưng kể từ chuyến đi đó, quan hệ Trung-Triều không hề tiến triển thêm, thậm chí còn tệ đi.

Trong tháng qua, sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân và hỏa tiễn, Trung Quốc đã cùng các đại cường gia tăng các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan dưới quyền ông Lưu Vân Sơn, có một bài đáng chú ý diễn giải lại Hiệp ướp Tương trợ Hữu nghị Trung - Triều ký từ thập niên 1950.

Theo hiệp ước này thì Trung Quốc luôn "hỗ trợ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khi xảy ra chiến tranh".

Nhưng tờ Hoàn Cầu nay gợi ý rằng Trung Quốc sẽ chỉ trợ giúp nếu Triều Tiên bị Hoa Kỳ tấn công, và sẽ đứng yên nếu Kim Jong-un tự bắn tên lửa sang Guam của Hoa Kỳ.

luu3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với ông Lưu Vân Sơn rằng Việt Nam "hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc, mong muốn quan hệ Việt-Trung luôn phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước"

Chuyến thăm Hà Nội và Phnom Penh có thể là chuyến công du cao cấp nhất của ông Lưu Vân Sơn (sinh năm 1947) trước khi về nghỉ vào kỳ Đại hội 19 này vì ngưỡng tuổi 68.

Giới bình luận chưa nêu ý kiến gì liệu tăng cường quan hệ hai Đảng Trung - Việt qua kênh thông tin của ông Lưu Vân Sơn và ông Trương Cao Lễ sẽ có tác động bao nhiêu đến quan hệ hai nước những năm tới.

Sau kỳ Đại hội dự kiến sắp diễn ra, ông Tập Cận Bình sẽ đẩy lên những nhân vật thuộc phái Phúc Kiến, nơi ông làm Bí thư Đảng nhiều năm, theo một số bình luận từ Trung Quốc.

Trước đó, ông Tập từng được cho là ủng hộ phái Thiểm Tây, và ông Lưu Vân Sơn tuy sinh ra ở Nội Mông nhưng nói có quê gốc ở Hãn Châu, Thiểm Tây.

Ngoài chút quê xa đó, ông Lưu, xuất thân giáo viên trường làng ở vùng Nội Mông và từng làm phóng viên Tân Hoa Xã, cũng có gốc Trường Đảng giống Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, càng về sau này, nhu cầu của Trung Quốc buộc ông Tập Cận Bình cần những nhân vật lãnh đạo trẻ hơn, có học hành thực thụ và tài quản trị.

Đại hội 19 sẽ là dịp để ông Tập Cận Bình cho những người thuộc thế hệ ông Lưu Vân Sơn về nghỉ, khép lại một giai đoạn phải cân bằng giữa các xu hướng trong dàn lãnh đạo có nhiều dạng xuất thân khác nhau.

Published in Việt Nam
Trang 3 đến 3