Tháng 7 vừa qua, giới bá quyền Bắc Kinh đã ngang ngược cho tàu nghiên cứu địa chất HD-8 hai lần xâm phạm vùng biển bãi Tư Chính thuộc chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có lúc cách bờ biển Phan Rang gần 160km.
Hành động ngang ngươc đó của Trung Quốc đã gây sự phẫn nộ trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam, sự quan ngại của dư luận quốc tế đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.
Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đã có cuộc trao đổi với nhà báo Trần Quang Thành qua chủ đề "Thân dân - gần Tây - cách Trung để cứu nước".
Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe :
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai trao đổi với nhà báo Trần Quang Thành
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 26/09/2019
*********************
Cách Trung, gần Tây, thân Dân cứu Nước
Nguyễn Khắc Mai, Tiếng Dân Việt Media, 26/09/2019
Hải Dương 8 và tàu chiến giặc Tàu đã vào vùng biển Phan Thiết! Tin tức mình và đáng lo âu là giặc Tàu Cộng sản đã vào cách bờ biển Phan Thiết của nước ta chỉ 185 km. Thế là kẻ cướp đã vào đến ngõ.
Đây là lãnh hải của Việt Nam. Theo luật pháp, mọi tàu thuyền có thể đi qua vùng lãnh hải của một nước, tàu chiến cũng có thể đi qua, nhưng bọc súng phải giữ nguyên, không được mở ra, chỉ đi qua không được phép có bất cứ hoạt động trái phép nào ! Nhưng HD 8 và những tàu chiến hộ tống của Trung Quốc thì chúng đã vào bãi Tư Chính để thăm dò địa chất, nay lại mò tiếp vào sâu trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Đó là hành vi ngạo ngược, xâm lấn bờ cõi nước ta, hoạt động thăm dò trong vùng lãnh hải của Việt Nam, vi phạm trắng trợn luật pháp của Việt Nam, của công ước quốc tế. Nhiều chính khách quốc tế gần đây đã cảnh báo về những hành vi côn đồ của Trung Hoa. Hành động của HD8 thuộc Chính phủ Trung Hoa, cung cấp thêm một chứng cứ cho nhận định trên. Trung Hoa đang hành động "du côn" trong quan hệ quốc tế! Ngang ngược như thế để làm gì ?
– Để uy hiếp Việt Nam, buộc Việt Nam không được hợp tác thăm dò khai thác dầu khí với bất kỳ ai ngoài Trung Hoa! Để thêm một bước tạo thành việc đã rồi trong tuyên bố "chủ quyền lich sử" và đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Hoa. Và để tiến xa hơn trong giấc mơ hoa của chúng! Để, nếu Việt Nam cứng rắn lên, chúng sẽ tạo ra vô vàn khó khăn về kinh tế, chính trị xã hội…, điều mà ai cũng đoán ra.
– Để nắn gân Mỹ, gây khó dễ cho Mỹ, chỉ nói cứng thôi, mà không có hành động gì thì sẽ giảm bớt niềm tin của châu Á, nhất là của một Đông Nam Á đang bập bênh và còn nhiều duyên nợ với Trung Hoa. Nếu Mỹ hành động cụ thể, Trung Hoa hy vọng sẽ tạo thêm khó khăn cho Mỹ trong khi phải sắp xếp đối nội, phải gia tăng cuộc thương chiến Mỹ – Trung đang leo thang, và với cả những mặt trận khác.
– Để gây chia rẽ Đông Nam Á thêm nữa, cố khẳng định rằng Việt Nam đang cô lập. Nếu Đông Nam Á không đàng hoàng lên, có tiếng nói mạnh mẽ hơn để cảnh cáo chính sách thực dân mới của Trung Quốc, mà vị Thủ tướng già dặn Mahathir từng cảnh cáo.
Nhưng cổ học Trung Hoa từng có câu "người tính không bằng trời tính", trong tình hình thiên thời, địa lợi, nhân hòa hiện nay của thế giới và khu vực, thì Trung Hoa đang khát nước mà lại đi uống thuốc độc!
Người Việt Nam không xuống đường nhưng mọi người đều bấm bụng sôi gan trước hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Hoa. Chính quyền Việt Nam đang buộc phải cứng rắn lên, và họ cũng đủ khôn khéo để lựa thời. Thời điểm này, Trung Hoa đang khó khăn gấp bội, chúng đang lúng túng đối phó với vô vàn "khốn nạn". Chữ khốn nạn là chữ Tàu nói về những khó khăn, còn chữ Việt lại chỉ sự khốn cùng của nhân cách, nhân tính! Chưa bao giờ có nhiều người bênh Việt Nam như hiện nay, cũng chưa bao giờ xu hướng "cách Trung, gần Tây" lại mạnh như hôm nay. Bọn thái thú nằm vùng đang bị vạch mặt, bọn thờ Tàu giả vờ Câu Tiễn liếm cứt* chưa cụt đuôi hẳn, nhưng cũng như chó bị dội nước lạnh, tìm cách giấu mặt, chưa dám ho he.
Những người cầm quyền có lương tri, những đảng viên lãnh đạo thức thời, hãy nắm lấy thời cơ này, hãy đẩy tới xu hướng "cách Trung, gần Tây, thân Dân cứu Nước". Hãy tổ chức một cuộc vận động lớn dư luận trong nước và quốc tế, tố cáo hành động sai trái của Trung Hoa ở bãi Tư Chính và vùng lãnh hải Việt Nam trong nước và quốc tế.
Hãy tuyên bố thả tù nhân vì đấu tranh chống Trung Hoa xâm lược và mọi tù nhân lương tâm, điều này là cần thiết mà cấp bách, nó nói lên thái độ mới cởi mở, thân dân của nhà cầm quyền trong lúc cần thiết phải đoàn kết dân tộc.
Gấp rút tăng cường nội lực trước hết là nhanh chóng thực thi những giải pháp kinh tài, xóa bỏ mọi rào cản đối với kinh tế tư nhân, tìm thị trường mới, sẵn sàng đối phó với thủ đoạn kinh tế của Trung Hoa. Điều quan trọng cấp bách là xây dựng cho được thế trận lòng dân làm chỗ dựa tinh thần cho các lực lượng chấp pháp của Việt Nam hành động.
Hãy hưởng ứng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, nhóm xã hội mở rộng xã hội hóa cuộc đấu trí với Trung Hoa cộng sản đang trở nên thù địch nguy hiểm của Đất nước. Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận của Việt Nam hãy tỉnh ngộ : Đi với Dân để cứu nước ! Nếu không làm được, Đại hội XIII chỉ là con số xui xẻo !
Người Mỹ nói đúng : Việt Nam phải tỏ rõ thái độ của mình. Thế giới đang chờ đợi một thái độ dõng dạc của Việt Nam. Hãy nói rõ cho thế giới biết Việt Nam đang đứng trước một kiếp nạn mới có tên là kẻ cướp Trung Hoa ở Biển Đông. Kẻ cướp bao giờ cũng sợ sự chống trả quyết liệt của chủ nhà. Chúng cũng rất sợ tiếng la làng : Cướp, cướp, làng nước ơi, cướp, cướp.
Lập Quyền Dân, Hà Nội ngày 26/08/2019
Nguyễn Khắc Mai
Từ thế kỷ XIV, trong Kê minh tập sách, Bà Bích Châu (1), một phi hậu của vua Trần Duệ Tông từng nói : "Nguyện cầu trực gián, sử thành môn dữ ngôn lộ tịnh khai". Nghĩa là "Xin cầu lời nói thẳng, để cho cổng thành cùng đường ngôn luận rộng mở". Mở cổng thành, nghĩa là để có thông thương đi lại tự do dễ dàng, một nhu cầu bình thường của cuộc sống. Trong thời hiện đại mở cổng thành, chính là làm cho đi lại, giao thương thông thoáng, tự do. Các hiệp định tự do mậu dịch thuộc ý nghĩa này.
Tự do diễn đạt ?
Ngôn lộ, nghĩa là đường ngôn luận. Từ bảy, tám trăm năm trước, tổ tiên ta đã có quan niệm khá hiện đại, ngôn lộ. Bấy giờ Bà Bích Châu, chỉ đề cập đến đường ngôn luận rộng mở là nhằm làm cho nhà vua có thể lắng nghe những thỉnh cầu của dân chúng, lắng nghe những lời can gián của quần thần. Điều đó cũng phản ảnh một tư tưởng thân dân của Đời Trần, khi Thiền sư Phù vân tâu với vua Trần Thái Tông : "Xin nhà vua lấy ý của thiên hạ (dân) làm ý của mình, lấy lòng thiên hạ làm lòng của mình". Trong thời kỳ phong kiến, tư tưởng ấy thật nhân văn và tiến bộ.
Ngày nay, chúng ta cần biết bao nhiêu, sự tiếp thu những tư tưởng tiến bộ ấy, làm cho cổng thành và đường ngôn luận rộng mở. Vì không biết lắng nghe Dân, nghe Trí thức chân chính phản biện, đề xuất, đảng Cộng sản đã đưa Đất nước ta vào biết bao là rối loạn, khủng hoảng, hết cải cách ruộng đất đến cải tạo công thương, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội ! Luôn khẳng định võ đoán và sai lầm một học thuyết ngoại lai đã phá sản. Đã chủ trương biết bao nhiêu chính sách và kế hoạch khiến cho tài nguyên, tài sản của dân của nước, một phần lớn chui vào túi tham của cán bộ đảng viên cầm quyền, kinh tế hư hỏng, xã hội suy đồi, khoa học và giáo dục lạc hậu, thua kém xa so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Những lỗi lầm và hư hỏng ấy, những người có trí tuệ đã dự báo, nhưng lãnh đạo đảng vẫn để ngoài tai, hơn nữa lại còn gạt họ ra bên lề xã hội. Đến nỗi với tư tưởng mỵ dân nhưng Hồ chí Minh cũng phải để lại Di chúc "phải tiến hành một cuộc chiến (tranh) chống lại những hư hỏng cũ kỹ".
Hiện nay, làm sao để tiếng nói của Dân, của Trí thức được tôn trọng, làm sao để thực hiện được lời của K. Marx : "Dân chủ nghĩa là Chính phủ được đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của xã hội". Cả đảng lãnh đạo, cả chính phủ cầm quyền, đều phải đặt dưới sự kiểm soát của xã hội. Nhưng nếu không có tự do báo chí thử hỏi làm sao thực hiện nguyên tắc dân chủ đó. Điều thú vị là những tư tưởng hiện đại đó của Marx là khi ông còn đi theo khuynh hướng Hegel mới, còn theo tư tưởng tư sản dân quyền, mãi mấy chục năm sau ông mới theo khuynh hướng cộng sản ảo tưởng và lầm lạc.
Báo chí là sản phẩm tinh thần của thời hiện đại, để xã hội thực hiện quá trình tự giáo dục, đổi mới mình không ngừng, hoàn thiện mình không ngừng, kiếm tìm văn minh và hạnh phúc, nâng cao năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, thực hiện giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của mình. Ngay trong đảng , từ những ngày đầu, F. Engels đã nêu yêu cầu quyền làm chủ của đảng viên, ông nói "phải chấm dứt ngay một tình hình tế nhị. Cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi quan chức của mình (ông không gọi là leader, mà gọi là quan chức, bởi họ do toàn đảng bầu ra trả lương để làm việc cho mình), là công bộc (người phục vụ chung), mà quay ra coi họ là đám quan-liêu-không-bao-giờ-mắc-sai-lầm". Từ thời đó đên nay, định nghĩa của Engels là hoàn toàn chính xác. Ngay trong đảng báo chí không tự do, nên lũ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm, đã gây không biết bao tội lỗi, tiếp tục lừa dối dân lừa dối đảng viên thường.
Trong xã hội, không có tự do báo chí, nên những thói hư tật xấu của chế độ và chủ nghĩa cứ từ từ lan tỏa, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Chống tham nhũng cũng chỉ đánh từ vai đánh xuống, còn cái gốc của tệ tham những là thể chế là hệ thống cầm quyền toàn trị không được mổ xẻ, phân tích… làm sao loại trừ được tham nhũng. Đông Kinh Nghĩa Thục một phong trào canh tân đất nước đầu thế kỹ XX nói : Chính phủ chẳng qua cũng là người dân nắm quyền. Ý nói hôm qua họ là dân đựơc bầu một cái là trở thành nhà cầm quyền. Vậy nếu không có tự do báo chí làm sao xã hội giám sát được họ. Ở điểm này những người cọng sản hành xử như những kẻ lừa mỵ và mâu thuẫn.Họ nêu khẩu hiệu tự do, hạnh phúc, họ nêu khẩu hiệu xây dựng đảng trong sạch, đạo đức. Nhưng họ không muốn có tự do báo chí để nâng cao đạo đức và nhận thức của họ. Nên mọi chuyện rồi chỉ như con kiến leo vào leo ra mà thôi.
Vào thế kỷ XVIII, một thế kỷ Ánh sáng của Nhân loại, để dự báo cho một tiến trình vĩ đại và đầy bất trắc, của thế giới mới, Thánh Alcuin, nhà triết học, thần học, người được coi như cha đẻ nền giáo dục đại học Anh quốc có môt câu triết lý thâm thúy :
"Thiên chức của trí thức là : làm ngay ngắn những sai lầm, kiện toàn những đúng đắn và thăng hoa những điều thánh thiện".
Xã hội ta hiện nay, còn biết bao điều sai lầm cần đính chính, biết bao điều đúng đắn chưa được cũng cố vững chắc, biết bao thánh thiện không dược tôn vinh quý trọng và noi theo. Tự do báo chí phải làm điều đó ! Thôi đừng dẫn lời một vị Thánh. Hãy nhắc lại mấy lời của K. Marx, vị tổ sư của mấy người lãnh đạo đáng kính hiện nay của đất nước, để không phải thấy họ thông minh và đức hạnh. Mà là để tấy họ lú lẫn chừng nào.
Ông Marx nói :
"Báo chí tự do, đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước và với toàn thế giới. Nó là hiện thân nền văn hóa đang biến cuộc đấu tranh vật chất thành cuộc đấu tranh tinh thần và lý tưởng hóa hình thức vật chất thô bạo của cuộc đấu tranh đó. Báo chí tự do, đó là sự sám hối công khai của nhân dân trước bản thân mình, mà lời thú nhận thật tâm, như mọi người đều biết, thì có cơ cứu rỗi. Báo chí tự do, đó là tấm gương tinh thần, trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình, còn sự tự nhận thức, là điều kiện đầu tiên của sự sáng suốt. Báo chí tự do đó là tinh thần quốc gia, mà mọi túp nhà tranh đều có thể có được với những chi phí thấp hơn là phương tiện thắp sáng. Báo chí tự do là toàn diện, nơi nào cũng có mặt, cái gì cũng biết".
Ôi, anh Trọng, anh Thưởng, anh Thiện, anh Hùng, anh gì chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, các anh không phải loại mù chữ để đến nỗi không đọc được, nó đã được in trong Marx-Engels toàn tập TI, trg 100, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 1995. Chính các anh là lũ phản đồ (học trò phản phúc), nhắm mắt không nghe lời thầy, để tiếp tục lừa dân hại nước, mà suy cho cùng lại là hại chính cái đảng của mình. Marx nói ở đâu có báo chí ở dó có tự do báo chí. Các anh không thể mãi mãi đặt vòng kim cô trên dầu của nhân dân được. Dự định đưa đất nước tiến lên hiện đại với tiêu chí : giàu mạnh, văn minh, dân chủ, công bằng mà để nền báo chí được xếp hạng kém tự do nhất hành tinh (2). Đó là một hài kịch vĩ đại. Có phải người ta đã dự báo rằng, kết thúc một thời đại để chuyển sang thời đại mới bao giờ cũng bằng bi hài kịch chăng.
Nguyễn Khắc Mai
Nguồn : VNTB, 18/06/2019
(1) Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và Ngôi Đền thiêng bên cửa biển, Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2015.
(2) Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới mới đây xếp Việt Nam 176/180 nước có nề báo chí kém tự do nhất
Anh Trương ở đây, không phải chàng Trương ở quê của chị Doan, nổi tiếng trong bài thơ của Lê Thánh Tông,mà là Trương Tấn Sang. Anh Sang này thì ai cũng biết, tôi khỏi giới thiệu.
Nguyên do là hôm nay chủ nhật 2/9, trời thì mưa lất phất, u ám,đường làng ngõ xóm vắng vẻ. Nguyễn Du bảo "Người buồn,cảnh có vui đâu bao giờ". Quả có thế thật, lòng mình đang sầu muộn, thành ra trời đất cũng buồn theo. Đang ngồi gặm nhấm nỗi buồn mênh mang mà không hề vô lối của minh, chợt người đưa báo quen, đem đến cho một tập, có Hà nội Mới do Thành ủy lấy ngân sách mua tặng, co Tuổi trẻ… Giở ra xem thấy có bài của anh Trương, bèn chăm chú đọc.
Bài viết của Trương Tấn Sang trên báo - Ảnh minh họa
Bài báo có cái tít do Tòa soạn đặt : "Thời gian và cơ hội không chờ chúng ta". Bài báo chủ yếu nêu vấn đề : quyền lực trách nhiêm người lãnh đạo và niềm tin của nhân dân. Trước hết, anh đưa ra bốn người lãnh đạo ở bốn quốc gia Đông Nam Á : Lý Quang Diệu (Singapore) ; Suharto (Indonesia) ; Park Chung-hee (Hàn Quốc) và Ferdinand Marcos (Philippines).
Hai ông Quang Diệu và Park Chung-hee là hai anh hùng của đất nước họ, còn Suharto và Marcos là hai kẻ gian hùng, chung quanh mình lúc nhúc một bầy sâu. Có điều anh Sang không nói, khi nhân dân Philippines và Indonesia đã mất niềm tin vào những tên lãnh đạo, thể chế đã cho phép họ đứng lên lật đổ "triều đình của hai tên phản dân hại nước ấy ! (Bây giờ, mấy người bạn của tôi vừa đi Indonesia về, ca ngợi hết lời đất nước của ba nghìn đảo). Tôi hiểu ý anh Sang là muốn nói đến hai nhân tố quan trọng của giới cầm quyền : Có được niềm tin của nhân dân và nhân cách trong sạch quyết chống tham nhũng. Bởi bàn về sự thành công của những quốc gia này, phải tính đến những nhân tố tổng hợp : đường lối chính xác, triết lý câm quyền đúng đắn phù hợp thời đại, thể chế và thiết chế dân chủ đủ để cho phép ngăn ngừa tham nhũng và độc quyền, mở rộng tài trí của xã hội, đội ngũ quản trị quốc gia và xã hội tài năng, trong sáng được giám sát bởi luật pháp và xã hội.
Về niềm tin của nhân dân, anh Sang dẫn lời Lý Quang Diệu : "Tài sản lớn nhất của chúng tôi là sự tín nhiệm và lòng tin của nhân dân. Chúng tôi cẩn thận không để lãng phí niềm tin vừa mới giành được này do cai trị tồi và tham nhũng". Về nhân cách người lãnh đạo, anh Sang hạ một câu về Park Chung-hee, mà cũng là nói về Quang Diệu, sau khi họ chết : "Người ta không tìm thấy một tài sản có giá trị nào được cất giấu, ngoại trừ một Hàn quốc đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển".
Về hai điều này, anh Sang nói đúng, niềm tin và tín nhiệm của nhân dân với người cầm quyền chỉ có được khi người cầm quyền có chính sách đúng và nhân cách trong sáng. Chứ như bộ máy lãnh đạo và cầm quyền ở nước ta là "một bầy sâu", "cái gì cũng ăn" "hèn với giặc, ác với dân", "hành dân là chính", phe nhóm, cánh hẩu, đồng lõa chứ không đồng chí, lãnh đạo kêu gọi mà không dám làm gương, có gương nào bể gương ấy… thử hỏi làm sao xây dựng được niềm tin và tín nhiệm của nhân dân.
Ngay cả anh Tư kêu gọi thế, viết bài hay như thế mà có dám nêu gương minh bạch tài sản của mình không, nói chung chung thì được mà có dám lên tiếng tố cáo công an tàn ác với dân, chính quyền hùa với phe nhóm lợi ích cướp đất cướp tài sản của dân ? Tôi cho đó là "nhân cách vị" tựa như kim bản vị làm nền cho giá trị đồng tiền vậy. Tuy nhiên tôi nhắc lại, chỉ với một thể chế đúng, tốt và lành mạnh, văn minh may ra mới phát huy được nhân tố con người, nhất là con người gắn với quyền lực. Thể chế xấu chọn con người xấu để thi hành. Con người xấu càng làm thể chế ngày càng sa đọa, xấu thêm.
Anh định đưa những gương sáng của mấy nước cận kề để kêu gọi đạo đức. Tôi cho là không nhầm. Những kẻ trí tuệ thì lú lẫn, nhân cách thì tham lam, quyền lực thì độc ác, họ làm sao có cơ sở tâm thế để nghe anh được.
Hàn Quốc năm 1950 và năm 2017
Tôi thấy khi đề cập đến chúng ta, anh đã nêu lên được ba điều cay đắng và bi kịch.
Một là, "cũng phải nhìn nhận rằng có những lúc chúng ta đã phung phí thời gian và cơ hội, tai hại hơn là đã phung phí niềm tin".
Hai là, "Việt Nam sẽ bứt phá đi lên, đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển, hay an bài, tự thỏa mãn để rốt cuộc chỉ thấy nợ nần và lệ thuộc".
Ba là, "phải đặt sang một bên những do dự và ngại ngần, quyết liệt và không chậm trễ trong việc loại trừ những nhân tố gây phương hại đến niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước".
Không chỉ phung phí, mà sự thật là đảng mà anh Tư từng lãnh đạo, đã vò xé, chà đạp niềm của nhân dân. Cay đắng và bi kịch !
Điều thứ ba mà anh nêu ra, thì cần huỵch toẹt rằng đám lãnh đạo già nua lú lẫn, bạc nhược, tham lam, độc đoán chính là nhân tố phương hại đến niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước. Ai sẽ loại trừ những nhân tố tai hại ấy đây. Anh Tư không làm được, đám già như tôi cũng không làm được. Chỉ phải trông cậy vào nhân dân trong đó có giới trẻ có tâm huyết, có tầm nhìn xa rộng, có khí phách, có ý chí và một nhân cách dân chủ mới làm được. Cũng không loại trừ nhân tố của những người trẻ trung, có tâm, có tầm trong nội bộ đảng, trong nhà nước cả trong quân đội. Cả anh cả tôi nữa chúng ta sẽ thúc đẩy cho sự hình thành và xuất hiện cái xung lực mới phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mong thay.
Tôi hoan nghênh anh nhân 2-9 nói lên vài khía cạnh đắng lòng và bi kịch của cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tháng Tám nhưng đã không tạo ra được một chính quyền tử tế thực sự vì dân vì nước như mấy người ở mấy nước mà anh nhắc đến. Càng biết họ càng thấy mình xấu hổ, nhục nhã.
Tự nhiên tôi nhớ lại ông Mác nói về xấu hổ khi nghĩ đến sự lạc hậu của nước Đức hồi thế kỷ XIX : "Xấu hổ là một tình cảm cách mạng. Một dân tộc biết xấu hổ sẽ như con sư tử đang co mình lại để chồm lên".
Hãy co mình lại để chồm lên !
Nguyễn Khắc Mai
Nguồn : VNTB, 03/09/2018
Từ luật Thủ đô đến luật 3 đặc khu nghĩ về Quyền dân bị đảng tước đoạt
Cách đây tròn 10 năm, vào tháng 8 năm 2008, sau nhiêu pha tranh cãi gay gắt cứ tưởng Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lưc cao nhất, kể cả lần ấn nút đầu tiên luật Thủ đô không đủ số phiếu hợp lệ để thong qua. Nhưng khi Bộ chính trị đã biểu thị "quyêt tâm lớn" thì gần 500 con rối được đảng cử vào Quốc hội đã không cưỡng lại được đành phải ấn nút thông qua luật Thủ đô, điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội gồm khai tử tỉnh Hà Tây, căt huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Diện tích của Hà Nội hiện nay là gần 3.400 km2, tăng hơn 3,6 lần so với Hà Nội cũ.
10 năm sau Hà Nội mới ra sao ? Quyền dân trong tay ai ?
Mời quí vị theo dõi những nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành.
YouTube phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Mai
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 06/08/2018
Đọc báo Tuổi Trẻ mấy ngày gần đây, thấy Thành ủy Sài Gòn họp bàn về 7 "cái" đột phá. Vào hôm khai mạc báo đưa tin : Tìm giải pháp đột phá cho Thành phố. Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố nói : Ý nghĩa kép của hội nghị là tìm giải pháp đột phá cho Thành phố trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo về kết quả Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Hai chữ "đột phá" được nhắc đi nhắc lại nhiều trong tường thuật khi khai và bế mạc, tôi thấy rõ là họ thật sự lúng túng nhiều để đột phá. Nào là "phải có thay đổi mang tính đột phá trong triển khai các chương trình (đột phá) này", nào là "khó khăn rất lớn về vốn, nếu không đột phá thì không thể nào làm được", rồi còn "khó hoàn thành nếu không đột phá". Đã đột phá chưa ? Chưa ! Họ đưa ra những giải pháp cho là có tính đột phá như : công nghệ thông minh, như đổi mới cơ quan chịu trách nhiệm, phân công lãnh đạo phụ trách từng "đột phá", xã hội hóa để kiếm nguồn tài chính…
Có một giải pháp tôi gọi là rùng rợn khi Nguyễn Thiên Nhân đề nghị lấy 26.000 ha đất nông nghiệp của nông dân đấu thầu lấy một triệu rưỡi tỷ (1,5 triệu tỷ) ! Hóa ra trong não trạng của họ cái đột phá thường trực là "cướp đất" của nông dân. Lấy đất của dân chi cho những công trình, giải pháp này xưa cũ quá. Thời nhà Trần sử chép, khi đắp đê nếu phạm vào ruộng của dân thì triều đình bỏ tiền ra mua ruộng ấy. Ông Nhân có định mua bán sòng phẳng hay "giải phóng ruộng đất và đền bù rẻ mạt ?".
Bây giờ trở lại hai chữ "đột phá". Đây là hai từ "Hán Việt". "Đột" nghĩa là a/ Đâm thủng, b/ Bất chợt, thình lình (đột ngột, đường đột, đột tử…) c/ Nhô cao lên (đột khởi)… "Phá" thì ai cũng hiểu, (phá hoại, phá nhà phá nước, phá rừng, phá hoại môi trường, phá đám, phá cổ, phá lệ, phá bỉnh, phá án, cả…phá trinh.
Hai chữ đột phá ghép lại thường dùng trong quân sự (đột phá khẩu – chọc thủng, mở một cửa để xung kích xông vào trận địa, một cách cấp tập, thình lình), một nhiệm vụ có ý nghĩa mở đường, tạo ra sự diễn tiến, biến đổi, chuyển động… tiếp theo.
Qua tường thuật báo chí, tôi thấy họ dùng hai chữ "đột phá" với nhiều nghĩa lẫn lộn, khi thì hiểu là quan trọng, cần thiết, cấp bách. Đôi chỗ họ có sự hiểu như sự mở đường.
Theo chỗ tôi hiểu, thì chỉ nên dùng "đột phá" như là một việc, nhiệm vụ, chương trình mũi nhọn để "đột phá" nhằm mở đường giải quyết những việc khác. Người ta lạm dụng chữ "đột phá" để tuyên truyền rằng, thành phố đang xông vào những việc rất to lớn… liên quan đến quốc kế dân sinh. Cố nhiên những việc quốc kế dân sinh thì cần thiết, quan trọng, cấp bách. Tuy nhiên dùng chữ theo thói quen "propagande" hoàn toàn khác với dùng chữ nghĩa có hàm lượng tri thức, tư tưởng, thể hiện một tầm tư duy không giản đơn, hời hợt.
Cơ mà, đã xác định đến bảy "đột phá" thì không còn là đột phá. Nó tựa như phương thức gai mít, cái gì cũng mũi nhọn. Trong bảy cái "đột phá" của các anh, tôi cho chỉ có cái thứ ba : "Nâng cao năng lực tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố" là đáng được coi như một mũi đột phá, và cái thứ nhất, cái thứ hai được coi như hai chương trình hỗ trợ – tả phù hữu bật ! Nhịp nhàng biết mấy !
Tôi nghĩ các anh chị nên tìm học tư duy Breakthrough – Thinking. Người ta đã dịch là "Tư duy Đột phá". Đây là phát kiến của hai giáo sư : Shozo Pibino (Nhật) và Gerald Nadler (Mỹ). Họ đã nghiên cứu và đi tới xác định phạm trù học thuật này. Ban đầu họ xác định bảy nguyên tắc. Sau xây dựng thành a/ Ba nguyên lý nền tảng, b/ Bốn giai đoạn đôt phá và c/ Ba quy trình giai đoạn.
Tôi không diễn giảng dông dài, các anh chị muốn học, bảo thư ký mời trí thức Thành phố đến giảng cho. Khá thú vị đấy. Riêng Ba nguyên lý nền tảng, tôi chú ý nhất Tính duy Nhất, bởi vì tôi nhận thấy các anh chị đã vi phạm nó khi đã xác định đến 7 đột phá. Vì thế không có gì là "đôt phá" nữa. Sự lúng túng của hội nghị qua tường thuật đã hiện rõ. Đấy là nói đột phá trong lĩnh vực kinh tế xã hội.
Riêng về đảng thì tôi có lời khuyên. Đảng nên có một chương trình đột phá Trả quyền dân cho Dân. Trả chính quyền cho Dân. Dân sẽ biết cách tập hợp những trí thức thứ thiệt hạng và thượng hạng để bầu ra Quốc hội, bầu trực tiếp Chủ tịchnước hoặc Thủ tướng.
Trả lại quyền của dân cho Dân. Dân sẽ biết cách tạo ra một chính quyền thật sự do dân, vì dân và của dân. Từ đột phá này, tất yếu sẽ xảy ra ba quá trình và ba hiệu ứng lớn lao của Dân tộc và Đất nước :
1. Dân và xã hội sẽ biết tập trung hiệu đính lại cái mà Các Mác gọi là sự bôi bác. Mác từng dẫn một cách ngôn La tinh : Cacatum non es pictum, nghĩa là cái bôi bác không khải là bức tranh. Cái gọi là công trình xã hội chủ nghĩa trên quê hương thực chất chỉ là một cacatum. Phải làm lại. Tham nhũng sẽ bị đẩy lùi, nền kinh tế sẽ lấy lại sức thanh xuân, trong sáng. Vị thế của Nước sẽ không còn là chư hầu lệ thuộc !
2. Một nền chính trị Dân quyền sẽ được xây dựng. Cái thế hệ Tháng Tám năm xưa đã hát vang trên từng đường phố, trên từng xóm làng : Lập quyền Dân tiến lên Việt Nam ! 73 năm nay quyền dân chưa được lập, nó bị tiếm đoạt dưới nhiều thủ đoạn tinh vi !
3. Đảng (hiện nay) sẽ trở thành một Chính đảng có tính chính danh, chính thống, chính nghĩa, thu hút những thành viên là những con người sáng giá trong xã hội, chứ không phải là "bọn làm quan phát tài", lũ "sâu bọ cái gì cũng ăn". Trong cái môi trường đua tranh mới, như Đông Kinh Nghĩa Thục nói "Chỉ phải tiến nhanh lên mà thôi", những người "cộng sản" sẽ thật sự rũ bùn đứng dậy ! Tôi nghĩ những người yêu nước của Sài Gòn, giới trẻ có ý thức, những đảng viên, cán bộ trăn trở thực với vận mệnh Đất nước, hãy tính tới một bước đột phá cho đảng thứ thiệt của dân của nước.
Để Việt Nam thật sự siêu vượt lên trong tình thế Ấn Độ-Thái Bình Dương-Đông Á trong thế kỷ XXI !
Để cho Sài Gòn trở lại là Hòn Ngọc Viễn Đông !