Dọc tuyến đường quốc lộ 1A thuộc huyện Bắc Bình, chỉ nhìn thấy nhiều bãi đất khô cằn. Những bãi đất mênh mông thả vài con bò, có nơi không bóng dáng một cây ăn trái nào. Chúng tôi dừng ven đường gặp một nông dân, ông này đang phải cởi trần để bớt đi cái nắng oi ả của mùa hè. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông cho biết rằng gia đình ông và đa số các gia đình khác trong vùng đã bỏ nghề trồng lúa :
Nghề chăn nuôi bò thịt của người dân Bình Thuận cũng dần sa sút thu nhập. RFA
Làm lúa nó không có phát triển, làm nó không có lời, do đó họ muốn dần dần họ bỏ nó đi để họ trồng thanh long lại.
Cùng với nhận định trên, một trong số ít người sót lại còn đang trồng lúa trong vùng, bà cũng cho chúng tôi hay :
Mấy năm người ta làm thâm nợ người ta bỏ hết à, bây giờ làm lỗ nhiều người ta cũng bán đất cho mấy người ở đâu xa xa tới, đại gia đổ mặt bằng.
Trải qua nhiều năm vất vả với nghề này, bà cho biết cái khó của người trồng lúa ở đây chủ yếu là bị thời tiết làm mùa màng thất thu.
Ở đây làm cũng khó lắm, có lúc không có nước phải đi tháo nước khổ lắm, cực lắm. Còn mưa xuống thì nó ngập lụt. Có lúc nhiều lần phải gieo 4 lần giống, cái năm vừa rồi chị gieo 4 lần giống mới được một vụ.
Sông ngòi tại Bình Thuận đều ngắn, lượng nước không điều hòa, mùa mưa thì nước sông chảy mạnh, mùa nắng làm sông bị khô hạn. Diện tích đồng bằng phù sa ở Bình Thuận chỉ có hơn 9%, phần còn lại là đất cát và đồi núi.
Những người nông dân này cho biết vì giá lúa gạo xuống thấp, người nông dân có cố lấy công cũng khó mà làm lời được nữa nên đành phải bán dần đất đai hoặc bỏ hoang đất ruộng.
Mấy năm rồi lúa rẻ người ta trồng đâu có lời đâu, một sào ai làm cho giỏi đầu tư chăm sóc cho kỹ, vụ nào không có bệnh thì mới kiếm được một sào một triệu. Nếu mà ấy thì lỗ, thành thử người ta bỏ hết, ít người làm.
Dù đã thử trồng loại cây ăn trái để kiếm thu nhập, cũng không thành công nên nhiều nhà phải chặt bỏ.
Thí dụ người ta muốn trồng ổi hay mãng cầu gì thì đầu thu nó ít. Người ta không có bán được. Thí dụ bán rẻ quá một phần, đem chợ người ta bán thì lẻ tẻ…biết chừng nào cho hết. Thành thử người ta không có trồng là vậy.
Bây giờ người ta trồng xoài nhưng bây giờ xoài người ta chặt bỏ hết rồi. Người ta không làm nữa, lâu lắm… Xoài bữa nay là lỗi thời rồi, bữa nay họ dùng thanh long là chủ lực rồi.
Người dân Bình Thuận được biết đến với những vườn thanh long bạt ngàn, hiện tại đang là loại cây phù hợp nhất được nhiều người nông dân lựa chọn. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai không thuộc dạng trù phú như các vùng đồng bằng rộng lớn nên ở đây người ta khó khăn khi lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi. Và thị trường tiêu thụ các loại cây ăn trái nhìn chung cũng không thể cạnh tranh với cây ăn trái ở những vùng đồng bằng lớn như đồng bằng sông Cửu Long nên bán rất chậm.
Khu chỗ này không trồng được gì hết, chỉ làm ruộng thôi. Có muốn làm thanh long cũng không được, ngập không à. Đó, bây giờ thấy vậy chứ mưa xuống một cây là trên đây nước tràn về, trên núi nước tràn về, rồi, ngập, không làm gì được hết. Không trồng được gì đâu.
Nghề trồng lúa không bị khô hạn thì ngập lụt. Photo : RFA
Người đàn ông này cũng có một thời gian chăn nuôi bò thịt, nhưng cũng phải bỏ vì không có đất thả bò, với lại thu nhập ngày càng đi xuống. Ông lại quay về với cây thanh long.
Hết rồi, bò thì nó hết rồi. Thí dụ như cháu có đất, đất nhà chú tới đây, đất cháu tới đây, dòng bò cháu bước qua bên chú cũng không được, chú bước qua bên cháu cũng không được. Nó khổ vậy. Bữa nay họ chỉ nuôi 1-2 con vậy để lấy phân thôi. Chứ bò đàn ngày xưa mỗi một chủ là vài ba chục con, cả trăm con ; bữa nay là họ bán hết. Ở đây xét ra là tuyệt chủng bò nè. Hồi xưa trước kia chú làmột người lái bò – bò thịt á. Nhưng mà nghề bò thịt không ăn nữa mà hết rồi. Chú mới quay lại chú làm thanh long.
Còn người phụ nữ này, cũng đã thất bại với công việc buôn bán. Bà từng mở quán nước nhưng dân cư thưa thớt, nông dân lại nghèo nên cũng chẳng có tiền mà uống nước hay cà phê mỗi sáng, khách vãng lai thưa thớt nên việc kinh doanh này cũng gặp thất bại.
Bán nước mía bán thuốc đồ đó, bán dọc đường nè, bán nước ngọt cà phê đồ đó nhưng mà cũng không ăn, cũng dẹp luôn. Nghèo quá tiền đâu ăn ? Còn khách vãng lai thì lâu lâu mới ghé người ta đi đâu có đâu mà nhiều.
Bức tranh ảm đạm của một vùng quê thuộc Bình Thuận cũng đã phản ánh được phần nào đời sống của người nông dân nơi này. Họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Điều kiện kinh tế cũng chẳng khả quan hơn. Những yếu tố đó làm cho người dân phải bỏ xứ đi xa để mưu sinh, nhiều nhất là tầng lớp thanh niên.
Bây giờ ở đây thanh niên đi thành phố làm hết rồi, không có thanh niên đâu. Không có thanh niên nam nữ đâu, đi thành phố làm hết còn mấy người già không thôi. Có làm ăn gì được đâu (mà) ở. Ở đây cái chỗ này là khổ nhất á.
Nguồn : RFA, 09/07/2018