Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau 14 năm nỗ lực tìm kiếm một chỗ đứng cho nhân dân tệ trên trường quốc tế, sau 6 năm tham gia SDR (rổ tiền tệ của IMF), đồng tiền Trung Quốc vẫn chưa tạo được uy tín, không vượt nổi ngưỡng 3% dự trữ ngoại tệ. Chiến tranh Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva, lại càng đẩy giấc mơ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ thêm xa vời ?

tien1

Đồng nhân tệ Trung Quốc và đồng đôla Mỹ. AP

Cuộc chiến này làm dấy lên câu hỏi : giữ tiền và đầu tư vào Trung Quốc có thể là một rủi ro trong trường hợp Bắc Kinh "thống nhất Đài Loan bằng sức mạnh quân sự" ? 

RFI Việt ngữ mời nhà nghiên cứu Isabelle Feng, Đại học Tự do Bruxelles, cộng tác viên trung tâm nghiên cứu về Châu Á Asia Centre - Paris, trả lời các câu hỏi trên.

Đô la Mỹ đã tăng giá 10% so với euro trong năm 2022. Trong 9 tháng đầu 2022, nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 15% so với đô la. Báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 25/10/2022 ghi nhận : "Kết thúc đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc (16-22/10/2022), quyền lực Tập Cận Bình được củng cố, nhưng Trung Quốc dường như không kiểm soát nổi, hay không muốn chận lại đà tuột dốc của đồng nhân dân tệ. Đây là hình thức bảo hộ trá hình để tiếp sức cho khu vực xuất khẩu, hay là điểm khởi đầu của một cuộc khủng hoảng khi mà đầu tư tháo chạy khỏi Hoa Lục ?".

Có ít nhất ba yếu tố giải thích hiện tượng nhân dân tệ mất giá so với đô la trong năm 2022 : Một là Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo, khiến không ít vốn đầu tư vào Trung Quốc rời khỏi Hoa Lục, chuyển hướng sang Hoa Kỳ. Hai là bản thân các nhà đầu tư Trung Quốc thất vọng vì chính sách zero - Covid của ông Tập Cận Bình đè nặng lên tăng trưởng trong nước. Ba là lo ngại "toàn bộ quyền lực tập trung trong tay ông Tập". Yếu tố sau cùng này theo giới quan sát có thể là động lực thúc đẩy chính người dân Trung Quốc "tìm những bãi đáp an toàn" ngoài Hoa Lục, như đã thấy ở Singapore chẳng hạn, để bảo vệ tài sản cá nhân.

Cuối tháng 11/2022 tại Bắc Kinh, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố báo cáo về thành tích "quốc tế hóa nhân đân tệ" nhờ "tư tưởng Tập Cận Bình (…)". Ngân hàng này hài lòng vì đồng nhân dân tệ giờ đây đứng hàng thứ 5 trong số các đơn vị tiền tệ quốc tế được sử dụng rộng rãi nhất, sau đô la Mỹ, euro của Châu Âu, đồng bảng Anh, yen Nhật Bản.

Đến tận mùa thu 2022, nhiều nhà quan sát Tây phương ghi nhận "chiến tranh Ukraine là lực đẩy giúp đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng" trong các khoản giao dịch thương mại quốc tế. Một chuyên gia hàng đầu về tiền tệ của Pháp, Michel Aglietta, tháng 4-5/2022 thậm chí nói đến thời kỳ "hoàng hôn của ông vua đô la" khi "chiến tranh Ukraine đang làm đảo lộn trật tự trên bàn cờ tiền tệ của thế giới".

Thế nhưng, các biện pháp "phong tỏa" dự trữ ngoại tệ của Nga, việc loại Nga ra khỏi hệ thống thông tin ngân hàng quốc tế SWIFT đã không là cơ hội để Trung Quốc giảm bớt lệ thuộc vào đô la, để đồng nhân dân tệ gặm nhấm thêm ảnh hưởng của đô la Mỹ. 

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, được công bố cuối tháng 9/2022, đô la Mỹ vẫn chiếm gần 60% dự trữ ngoại tệ quốc tế, trong khi đó tỷ trọng của nhân dân tệ không thay đổi, vẫn ở mức 2,88% và "1/3 dự trữ ngoại tệ trên thế giới bằng đồng tiền Trung Quốc do nước Nga nắm giữ".

Một hành trình gần 15 năm mà vẫn chưa mang lại kết quả

Isabelle Feng Đại học Tự do Bruxelles, Bỉ nhắc lại những nỗ lực liên tiếp của Bắc Kinh để áp đặt đồng nhân dân tệ Trung Quốc với thế giới : 

Isabelle Feng : "Tiến trình quốc tế hóa nhân dân tệ được khởi động từ 2009, một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính quyền Trung Quốc đề ra một loạt các biện pháp để thực hiện mục tiêu và Bắc Kinh đã rất rõ ràng coi là một ưu tiên trong hai kế hoạch 5 năm liên tiếp, đó là các kế hoạch thứ 13 và 14 của Đảng cộng sản Trung Quốc. Xin đơn cử 4 hay 5 công cụ của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia trên trường quốc tế : Công cụ đầu tiên là SWAPS tức là những thỏa thuận song phương giữa Ngân hàng Trung ương Trung Quốc với một đối tác để tăng thêm khối lượng tiền mặt cho cả đôi bên, qua đó giảm thiểu rủi ro về tỷ giá hối đoái. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc và Việt Nam đã ký thỏa thuận SWAPS. Trong thời gian từ 2009-2020 Trung Quốc đã ký kết tổng cộng 41 thỏa thuận SWAPS, chủ yếu là với các đối tác Đông Nam Á và đông Á, như Thái Lan, Việt Nam hay Hàn Quốc …".

Còn biện pháp thứ hai là lập ra các trung tâm tài chính ngoài Hoa Lục, thường được gọi là Offshore Financial Centre

Isabelle Feng : "Từ 2009 đồng nhân dân tệ được lưu hành tại một số trung tâm giao dịch tài chính ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc – tựa như mô hình giữa đô la với euro. Với các trung tâm này, việc sử dụng nhân dân tệ có phần dễ dàng hơn so với các điều kiện được áp dụng tại Hoa Lục, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, tư nhân ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc thanh toán bằng nhân dân tệ. Công cụ thứ ba để mở rộng ảnh hưởng của đồng tiền Trung Quốc trên các sàn giao dịch quốc tế phát triển một hệ thống thanh toán kép. Hệ thống kép đó gồm CNPS, giới hạn trong các khoản giao dịch nội địa, tức dành riêng cho các công dân, các doanh nghiệp Trung Quốc sống hay hoạt động tại Hoa Lục. Bên cạnh đó thì có hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS được thành lập từ 2015. CIPS kết nối các thị trường thanh toán trong và ngoài nước cũng như với các ngân hàng tham gia. Mục tiêu ở đây nhằm khuyến khích sử dụng tiền Trung Quốc trong các hoạt động thương mại".

Công cụ thứ tư để khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ trên thế giới chắc chắn phải là 7 đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Đó là những khu vực mà luật kinh doanh, luật thương mại, các chính sách thuế khóa… thường được ưu đãi hơn so với phần còn lại của đất nước. Việc thanh toán bằng nhân dân tệ thay vì đô la lại càng được phổ biến hơn. Công cụ thứ 5 là AIIB và OBOR. 

Isabelle Feng : "Năm 2015, Trung Quốc đã lập ra Ngân hàng Đầu tư Cơ cở Hạ tầng Châu Á AIIB. Sự kiện này đã gây nhiều chú ý vì đây được coi là định chế tài chính mà trong tương lai sẽ thay thế Ngân Hàng Thế Giới. Hai năm trước đó, Bắc Kinh đã khởi động dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21. Chính quyền Trung Quốc quan niệm đây là hai bệ phóng để quốc tế hóa nhân dân tệ. Có thể nói là Trung Quốc đã vận dụng tất cả các phương tiện có trong tay để đồng tiền quốc gia trở thành một đơn vị tiền tệ được sử dụng trên trường quốc tế".

Một chú lùn so với sức mạnh kinh tế và thương mại

Ngoài các mục tiêu kinh tế, chủ đích của Bắc Kinh mang tính chính trị, có nghĩa là giảm mức độ lệ thuộc của Trung Quốc vào đô la Mỹ, đồng thời thu hẹp ảnh hưởng của đồng tiền Mỹ trong các giao dịch quốc tế. Trung Quốc hiện là nền kinh tế thứ 2 thế giới, là một ông khổng lồ về mậu dịch, vậy mà trọng lượng của đồng tiền quốc gia lại thua xa so với đồng yen Nhật Bản, đô la Canadan đồng franc Thụy Sĩ và đương nhiên là không thể sánh bằng euro hay đô la.

Hơn nữa, Bắc Kinh đã rút kinh nghiệm từ trường hợp của Nga bị gạt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hồi mùa xuân năm 2022 sau khi Moskva đưa quân xâm chiếm Ukraine. Trung Quốc nhận thấy trừng phạt tài chính là một biện pháp lợi hại tương tự như các trừng phạt về kinh tế hay quân sự. Biện pháp đó có thể làm tê liệt cả cỗ máy kinh tế của Trung Quốc. Đấy lại càng là động lực để bớt lệ thuộc vào đô la Mỹ.

Isabelle Feng : "Về mặt uy tín, năm 2016, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế kết nạp thêm nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ, còn được gọi là Quyền Rút Vốn Đặc Biệt SDR, là một thắng lợi to lớn của Bắc Kinh về phương diện chính trị. Nhân dân tệ Trung Quốc là đơn vị tiền tệ thứ 5, sau đồng bảng Anh, đô la Mỹ, euro của Châu Âu và yen Nhật Bản cùng tham gia giỏ tiền tệ này. Nhưng sáu năm sau, chúng ta thấy trọng lượng của đồng tiền Trung Quốc trong các quỹ dự trữ ngoại tệ trên thế giới không vượt quá ngưỡng 3%, tức là vẫn tương đương với thời điểm mà nhân dân tệ chưa được tham gia vào giỏ tiền của IMF.

Đây là một vị trí không tương xứng bởi vì Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai toàn cầu, và tổng trao đổi mậu dịch của quốc gia này chiếm khoảng 15% so với của toàn thế giới. Hiện tại 42% giao dịch trên thế giới được thanh toán bằng đô la, 20% bằng đồng tiền chung Châu Âu, và 2,4% là bằng nhân dân tệ. Thêm một thất bại nữa đó là, hồi 2015, ngân hàng AIIB gây tiếng vang lớn khi được khai sinh, nhưng giờ đây chẳng còn ai nhắc tới định chế tài chính này. Vì sao ? Bởi đây là một ngân hàng do Trung Quốc lập ra, không ai biết AIIB được quản lý như thế nào. Một ngân hàng không thể tạo được uy tín nếu như không được quản lý một cách minh bạch".

Thất bại vì không có chữ "Tín"

Hai đồng minh thân cận của Mỹ là Israel và Saudi Arabia từ mùa xuân 2022 đã, hoặc kết nạp thêm đồng nhân dân tệ vào dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương (trường hợp của Israel), hoặc đang cân nhắc việc xuất khẩu dầu hỏa cho Bắc Kinh bằng đồng tiền của Trung Quốc. Gần đây hơn, đầu tháng 12/2022, tại Ryadh, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẵn sàng đẩy mạnh trao đổi mậu dịch với Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh, nếu các hóa đơn được thanh toán bằng nhân dân tệ. Bắc Kinh nhắc lại tham vọng mở rộng vai trò của đơn vị tiền tệ Trung Quốc với thế giới. Do đâu nhân dân tệ vẫn không tạo được uy tín cho dù Trung Quốc đã huy động rất nhiều phương tiện cả về kinh tế, luật tài chính - ngân hàng, ảnh hưởng ngoại giao, áp lực thương mại… để áp đặt đồng nhân dân tệ với thế giới ?

Isabelle Feng : "Trước hết nhân dân tệ không phải là một đơn vị tiền tệ được tự do hoán chuyển sang một ngoại tệ khác. Bản thân người dân Trung Quốc cũng bị hạn chế khi muốn đổi lấy ngoại tệ. Mức quy định tối đa là mỗi năm, mỗi đầu người chỉ được mua vào 50.000 đô la. Thậm chí một số nơi không tuân thủ mức quy định này. Lý do thứ nhì và đây là điều cơ bản : Trung Quốc là một quốc gia Cộng sản, một đất được độc đảng, và không có một bảo đảm nào về pháp lý. Làm sao có thể tin vào đồng tiền của một quốc gia mà luật pháp không được tôn trọng ?".

Ngoài những yếu tố vừa nêu, Mỹ liên tục tấn công vào "tử huyệt" của kinh tế Trung Quốc, đó là công nghệ bán dẫn. Anh Quốc, Pháp, Ý cấm cửa các doanh nghiệp Trung Quốc mon men đến gần các công ty điện tử và thuộc phạm vi "nhạy cảm". Liên Âu càng lúc càng cảnh giác trước các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Lục địa Già. Canada trục xuất 3 tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mang tính "chiến lược" …

Kèm theo đó là câu hỏi : kinh tế Trung Quốc liệu có thể tiếp tục phát triển nếu không có công nghệ, nếu mất các mối quan hệ đối tác với các tập đoàn Âu Mỹ hay không ? Đầu tư vào Trung Quốc có còn là "thượng sách" để kiếm lời khi mà kinh tế Trung Quốc khá ảm đạm ?

Đó là chưa kể đến yếu tố địa chính trị : Trong kịch bản Bắc Kinh xâm chiếm Đài Loan và phương Tây trừng phạt Trung Quốc như đã làm với nước Nga thì hậu quả còn tai hại hơn gấp bội.

Giới phân tích đồng loạt cho rằng, đấy là những nguyên nhân giải thích việc nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn không tạo dựng được uy tín với cộng đồng quốc tế. Isabelle Feng trong một bài tham luận trên báo Le Monde (09/12/2022) thậm chí nêu bật một yếu tố : đô la Mỹ chiếm 60% dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc (theo số liệu mới nhất được Bắc Kinh công bố hồi năm 2016). Chẳng lẽ chính ngân hàng Trung Quốc cũng tin tưởng vào đô la hơn là tin vào đồng tiền quốc gia ?

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 07/02/2023

Additional Info

  • Author Isabelle Feng, Thanh Hà
Published in Diễn đàn

Lưu hành đồng tiền Trung Quốc tại các tỉnh biên giới Vit Trung là vi phạm chủ quyền quốc gia ? Tiến sĩ Nguyễn Quang A trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Theo Thông tư 19 của Ngân hàng nhà nước kể từ ngày 12/10/2018 tới đây, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ song song lưu hành với VNĐ của Việt Nam trong giao dịch thanh toán tại 7 tỉnh biên giới phía Bắc giáp ranh với Trung Quốc.

Vấn đề này đang gây nên nhiều dư luận khác nhau trên mạng xã hội và trong giới chuyên gia. Có dư luận cho đây là vi hiến, là vi phạm đến chủ quyền quốc gia đặc biệt là chủ quyền chính trị. Cúng có ý kiến cho rằng đây là xu hướng thanh toán đang mở rộng ở một sô khu vực trên thế giới.

Từ Hà Nội Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã đưa ra những bình luận về vấn đề này qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành. Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe

Youtube phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Trần Quang Thành thực hiện

Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 05/09/2018

Published in Video

Nhân dân tệ của Trung Quốc chưa thể đuổi kịp đô la Mỹ cho dù đơn vị tiền tệ của Trung Quốc đang từng bước chinh phục thế giới. Ngoài việc được dùng để thanh toán hóa đơn dầu lửa với Saudi Arabia, nhân dân tệ còn là một dự trữ ngoại tệ của nhiều ngân hàng trung ương. Trong đó có Ngân hàng trung ương Châu Âu, Anh, Pháp, Thụy Sĩ và gần đây nhất là Đức.

yuan1

Đồng tiền Trung Quốc. Reuters/Thomas White

Con đường vươn ra quốc tế của đồng tiền Trung Quốc đã rẽ sang một bước ngoặt mới hồi tháng 10/2016 với việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chính thức "kết nạp" nhân dân tệ vào "Quyền Rút Vốn Đặc Biệt - Special Drawing Rights".

Hơn một năm sau, có tổng cộng khoảng 50 định chế ngân hàng trên thế giới đã xem nhân dân tệ là một dự trữ ngoại tệ. Trung tuần tháng Giêng 2018 Ngân hàng trung ương Đức thông báo kế hoạch "kết nạp" thêm một thành viên mới vào khoản dự trữ của Bundersbank. Một ngày sau Banque de France tiết lộ đã nắm giữ một khoản tiền không nhỏ bằng nhân dân tệ nhưng không đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu. Về phía Ngân hàng trung ương Châu Âu, từ mùa hè năm ngoái, dự trữ ngoại tệ của BCE bằng nhân dân tệ đã lên tới 500 triệu đô la Mỹ. Trước mắt, theo giới trong ngành, 40 % các dịch vụ mua bán trên thế giới được thanh toán bằng đô la Mỹ, 30 % bằng euro 7 % bằng đồng yen của Nhật trong lúc nhân dân tệ chưa vượt được quá ngưỡng 2 %.

Nhưng tất cả các cơ quan nghiên cứu đều biết trước rằng đà "vươn ra quốc tế" của nhân dân tệ không dừng lại ở đây. Bắc Kinh nỗ lực hỗ trợ để nhân dân tệ được thế giới tín nhiệm và nhất là giảm thiểu mức độ lệ thuộc của nền kinh tế đông dân nhất hành tinh vào đồng đô la xanh của Hoa Kỳ.

Đâu là ý nghĩa kinh tế của việc quốc tế ngày càng tín nhiệm đồng tiền của Trung Quốc ? Được và thua khi một quốc gia dùng đồng nhân dân tệ làm ngoại tệ dự trữ và đâu là cái giá phải trả khi một đồng tiền trở thành một ngoại tệ dự trữ phổ biến ? Mời quý thính giả theo dõi phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, từ California, Hoa Kỳ.

Thanh Hà : Thưa anh Nghĩa, việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu đưa đồng Yuan - nhân dân tệ - của Trung Quốc vào trong khối dự trữ ngoại tệ của mình, thí dụ như Ngân hàng trung ương Pháp, Đức, hay Anh Quốc, có ý nghĩa gì ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI đưa đồng bạc Trung Quốc, gọi là đồng Nguyên hay nhân dân tệ, vào rổ tiền dự trữ gọi là Quyền Rút Vốn Đặc Biệt SDR, kể từ 01/10/2016 là một bước quyết định phản ảnh thực tế vì kinh tế xứ này có sản lượng hạng nhì thế giới từ năm 2010 và vượt Hoa Kỳ từ năm 2013 về lượng giao dịch ngoại thương với các nước.

Nhưng, ta không nên mắc bệnh sợ Trung Quốc như Napoléon đã phát biểu từ đầu thế kỷ 19, rằng "đấy là một người khổng lồ đang ngủ, khi thức giấc sẽ làm thế giới rung chuyển". Sau khi Napoléon nhận định như vậy thì gã khổng lồ này không ngủ mà ngã bệnh mất hơn trăm năm và chỉ lồm cồm bò dậy từ 40 năm nay. Bây giờ, một số quốc gia mới công nhận đồng tiền của Trung Quốc là một ngoại tệ dự trữ là điều quá trễ và hơi bất thường vì đồng tiền này thật ra vẫn chưa được là một đơn vị tiền tệ phổ biến, có trị giá lên xuống theo quy luật cung cầu mà vẫn là đối tượng quản lý dù có nới lỏng của Nhà nước.

Một cách cụ thể thì khi các nước Châu Âu mua bán nhiều hơn với Trung Quốc thì cũng nên có đồng bạc xứ này trong khối ngoại tệ dự trữ của mình. Vấn đề là họ đưa ra quyết định này quá trễ vì Bắc Kinh vẫn chưa thả nổi cho trị giá đồng bạc phản ảnh khả năng thanh toán và dự trữ như đồng tiền của nhiều quốc gia khác. Kinh tế Trung Quốc có lượng giao dịch mua bán lớn nhất thế giới mà trong luồng giao dịch ngoại hối – tức là thanh toán bằng ngoại tệ - thì đồng nhân dân tệ mới chỉ chiếm hơn 4%, thua xa Mỹ kim.

Vả lại, việc Đức sẽ theo chân các nước Anh, Pháp để đưa đồng tiền của Trung Quốc vào khối ngoại tệ dự trữ thì vẫn là quá chậm so với hiện tượng khác, đó là Trung Quốc đã thỏa thuận với xứ Saudi Arabia là sẽ thanh toán các nghiệp vụ mua dầu thô bằng nhân dân tệ chứ không bằng đô la và song song thì Bắc Kinh đã thỏa thuận với Liên bang Nga hay Iran và với Pakistan sau này là dùng đồng nhân dân tệ trong luồng giao dịch kinh tế với nhau. Chúng ta đang chứng kiến việc quốc tế hóa một đồng bạc theo sức nặng ngoại thương của một xứ mới nổi lên.

Thanh Hà : Về kinh tế thì đồng bạc của Trung Quốc đã có vai trò trọng yếu hơn vì mua bán nhiều hơn với các nước khác. Về chính trị thì lãnh đạo Bắc Kinh cũng muốn thế lực kinh tế đó sẽ giảm dần vị trí quá lớn của đồng đô la Mỹ.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Sau khi cố gắng không neo đồng bạc vào đô la Mỹ kể từ năm 2005, Bằc Kinh vẫn chưa ra khỏi bóng rợp của Mỹ kim vì đồng yuan (nguyên/nhân dân tệ/CNY) chưa có đủ tiêu chuẩn của một ngoại tệ dự trữ, là phương tiện giao hoán thông dụng và lưu giữ tài sản đáng tin.

Khi Bắc Kinh thực hiện Con Đường Tơ Lụa Mới cùng hai định chế tài chính là Ngân hàng Đầu tư hạ tầng cơ sở Châu Á AIIB và Tân Ngân Hàng Phát Triển của khối BRICS thì các quốc gia từ Trung Á qua Nga, Trung Đông và Châu Âu sẽ dùng đồng nhân dân tệ trong hợp tác và giao dịch với Trung Quốc.

Về chính trị thì việc ấy sẽ đẩy lui vị trí của đồng Mỹ kim, là điều mà nhiều quốc gia khác như Nga, Ấn Độ hay Brazil cũng muốn và nói tới từ nhiều năm nay.

Nhưng vấn đề không chỉ là muốn mà còn là thực lực và sự khả tín. Lượng hàng giao dịch của Anh hay của Thụy Sĩ không thể bằng của Trung Quốc nhưng vì sao đồng Bảng Anh hay Franc Thụy Sĩ vẫn được lưu trữ và trao đổi nhiều hơn ? Vì đấy là loại tài sản đáng tin cậy khi trị giá không thay đổi do quyết định đơn phương của một Nhà nước nào đó.

Thanh Hà : Cái thế lợi và hại của các nước là gì khi dùng đồng nhân dân tệ làm ngoại tệ dự trữ ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Trung Quốc có lợi vì tính chất tiện dụng và còn có thể đi vay rồi thanh toán bằng đồng tiền của mình. Các nước kia cũng có lợi vì tính chất tiện dụng đó, mà cũng gặp rủi ro nếu Bắc Kinh chi phối trị giá của đồng bạc. Thí dụ rõ rệt nhất là với đồng đô la Hoa Kỳ thả neo đồng bạc vào năm 1971 thời Richard Nixon hoặc như tuần qua, khi tổng trưởng Ngân Khố Mỹ phát biểu rằng trong ngắn hạn Hoa Kỳ cũng muốn có một đồng Mỹ kim trị giá rẻ hơn so với các ngoại tệ khác. Mình giữ một loại ngoại tệ mà giá trị lại do một xứ nào đó quyết định thì sẽ gặp rủi ro khó tính trước làm thị trường của mình bị biến động bất ngờ.

Thanh Hà : Ngược lại, cái giá Trung Quốc phải trả là gì khi đồng bạc của họ trở thành một ngoại tệ dự trữ phổ biến ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Ít ai để ý là Hoa Kỳ cũng phải trả giá và gặp bất lợi khi Mỹ kim là ngoại tệ phổ biến nhất và đồng đô la chỉ chiếm thế mạnh 60 năm sau khi kinh tế Mỹ đã vượt qua kinh tế của Đế Quốc Anh cuối thế kỷ 19. Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn ấy khi thấy là không thể toàn quyền quyết định về chính sách kinh tế tài chính quốc gia như xưa và ngược lại còn bị hiệu ứng từ bên ngoài. Việc họ mở ra hai trị trường giao dịch trong ngoài để mua bán và vay mượn bằng đồng nhân dân tệ có phản ảnh nỗi e ngại đó.

Bây giờ, muốn bơi ra đại dương thì họ có thể bị sóng cả khi cơ chế kinh tế chính trị bên trong vẫn có nhiều nhược điểm nên chưa thể áp dụng quy luật tự do của thị trường như thế giới vẫn kêu gọi.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 30/01/2018

Published in Diễn đàn