Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, không nhận tội để được đặc xá (RFA, 19/08/2018)
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Thức đang tuyệt thực để phản đối đòi hỏi nhận tội từ phía công an để đổi lại lệnh đặc xá. Anh Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của anh Trần Huỳnh Duy Thức cho đài Á Châu Tự Do biết tin này vào ngày 19/8.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong một lần gặp gỡ gia đình tại trại giam trước đây. Citizen photo
Anh Tân cho biết anh và vợ anh Thức đã đến trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An để thăm anh Thức vào ngày 18/8. Anh nói :
"Ngày hôm qua tôi và vợ anh Thức là chị Thoa đi lên thăm ảnh và biết được ngày hôm qua ảnh tuyệt thực là ngày thứ 5, hôm nay là ngày thứ 6, và ảnh sẽ tuyệt thực đến ngày 23/8 là 10 ngày… Và ảnh sẽ còn tuyệt thực nữa nếu yêu cầu của anh đối với trại giam không được giải quyết".
Trong một phiên toà diễn ra vào tháng 1/2010, anh Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án tù 16 năm với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo điều 79 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Anh Trần Huỳnh Duy Thức từ trước đến nay vẫn một mực khẳng định mình vô tội.
Vào ngày 28/1/2018, sau 8 năm thụ án, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã viết đơn gửi đến Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, yêu cầu xem xét lại án tù của mình, và giảm án chiếu Theo Bộ luật hình sự mới 2015. Gia đình của anh Thức cho biết chiếu theo những quy định trong các điều 7, 109 và 63 của Bộ Luật Hình sự mới, anh Thức có đủ điều kiện để Toà án giảm mức hình phạt đã tuyên. Đặc biệt, điều 63 về việc giảm hình phạt đã tuyên nêu rõ không quy định người được giảm hình phạt phải nhận tội.
Luật sư Lê Công Định, người cùng bị bắt và bị xét xử với anh Trần Huỳnh Duy Thức, viết trên facebook cá nhân hôm 18/8 :
"Sở dĩ nhà cầm quyền muốn trả tự do cho anh Thức bằng cách đặc xá là vì họ không muốn áp dụng một quy định luật pháp mới có lợi cho mọi tù nhân nhân quyền, đó là Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi "chuẩn bị phạm tội" liên quan đến cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu áp dụng điều khoản luật mới có lợi nói trên, nhà cầm quyền buộc phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện những người đã bị bắt giam về tội danh lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự cũ. Đó là điều họ không muốn".
Anh Trần Huỳnh Duy Tân cho biết anh Thức kiên quyết ở tù chứ không chịu nhận tội :
"Cho dù anh có ở lại trong tù hết án, dù rục xương vẫn không chấp nhận vì anh không có tội".
Trước đây anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã nhận được những lời đề nghị đi tị nạn ở nước ngoài nhưng anh cũng không chấp nhận và khẳng định "sẽ không lưu vong để đổi lấy tự do".
Trong lần đến thăm này, anh Tân được anh Thức cho biết từ 2 tháng nay, trại giam số 6 có người quản lý mới là Đội trưởng Giáo dục và người này gây nhiều khó khăn cho anh. Những khó khăn mà anh Thức nêu ra bao gồm việc hạn chế viết thư cho gia đình, người thân, hạn chế gửi đơn đến các cơ quan. Anh Thức cũng không được gửi các sáng tác thơ, nhạc ra ngòai, Kiến nghị của anh gửi Chủ tịch nước không được chuyển đi, những khiếu nại gửi cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không được gửi đi và không có thông tin phản hồi.
Luật sư Lê Công Định nhận định :
"Gây áp lực buộc nhận tội lên anh Thức không thành, nhà cầm quyền sử dụng "biện pháp nghiệp vụ" quen thuộc là gây khó khăn cho sinh hoạt của anh trong tù".
Anh Thức cho gia đình biết, sau 10 ngày, nếu trại giam không đáp ứng các yêu cầu của anh thì anh sẽ tiếp tục tuyệt thực.
Tuy nhiên gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức rất lo cho tình hình sức khỏe của anh vì anh đã rất mệt trong lần gặp này. Anh Tân nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Ảnh tuyên bố là 10 ngày nhưng lần này sức khỏe ảnh tệ hại hơn lần trước. Gia đình cũng đang lo lắng về quyết định tuyệt thực. Gia đình cũng mong anh sớm ngưng để bảo đảm sức khỏe và tính mạng của ảnh".
****************
Anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực (Lê Công Định, 18/08/2018)
Hôm nay gia đình anh Thức đến Trại giam số 6 Nghệ An thăm anh theo thường lệ, thì thấy anh Thức rất mệt và yếu do đã tuyệt thực 5 ngày, kể từ 14/8/2018.
Linh mục Phan Văn Lợi đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức
Trước đó, từ ngày 6/8/2018 anh Thức cũng đã từ chối thức ăn của trại và chỉ ăn mì gói do gia đình gửi vào trước đó. Từ 5 ngày nay, anh Thức chỉ uống nước và nói gia đình mang tất cả thức ăn trong lần thăm gặp này về.
Lý do tuyệt thực là phía an ninh đang muốn gây áp lực buộc anh Thức nhận tội để được đặc xá. Trong suốt buổi thăm gặp hôm nay, anh Thức luôn lặp lại nhiều lần với vợ và em trai rằng : "Có đặc xá anh cũng không chấp nhận bởi vì đơn giản anh không có tội. Anh không bao giờ chấp nhận đặc xá, không bao giờ. Không chờ đợi hay xin xỏ gì hết. Ở hết án, rục xương cũng được, nhưng dứt khoát không cần đặc xá".
Sở dĩ nhà cầm quyền muốn trả tự do cho anh Thức bằng cách đặc xá là vì họ không muốn áp dụng một quy định luật pháp mới có lợi cho mọi tù nhân nhân quyền, đó là Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi "chuẩn bị phạm tội" liên quan đến cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu áp dụng điều khoản luật mới có lợi nói trên, nhà cầm quyền buộc phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện những người đã bị bắt giam về tội danh lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự cũ. Đó là điều họ không muốn.
Đó cũng là lý do vì sao khi luật sư Ngô Ngọc Trai viết nhiều thư phân tích pháp lý dựa trên luật mới để yêu cầu họ trả tự do cho anh Thức, thì nhận được câu trả lời từ các cơ quan tố tụng có liên quan với nội dung tránh né đề cập đến luật mới, và cố tình hướng đến hình thức đặc xá, rồi nhấn mạnh "chưa có cơ sở pháp lý để xét đặc xá" (!)(?).
Cơ sở pháp lý để đặc xá đó chính là bản nhận tội mà anh Thức phải chính tay viết. Gây áp lực buộc nhận tội lên anh Thức không thành, nhà cầm quyền sử dụng "biện pháp nghiệp vụ" quen thuộc là gây khó khăn cho sinh hoạt của anh trong tù.
Từ 2 tháng nay, Trại giam số 6 có tên cai ngục mới là Trần Duy Phong, đội trưởng giáo dục. Tên này tìm mọi cách gây khó khăn cho anh Thức như sau :
1) Tự ý đặt ra quy định mới về thư và đơn từ, theo đó anh Thức chỉ được viết thư cho 1 người trong gia đình, đơn từ gửi cho các cơ quan tố tụng cũng chỉ được gửi đến 1 cơ quan. Mỗi tháng chỉ được gửi 2 thư/đơn.
2) Từ tháng 6/2018 đến nay không cho anh Thức gửi về gia đình các sáng tác nhạc, thơ, văn.
3) Kiến nghị của anh Thức gửi đến Chủ tịch nước không được chuyển đi.
4) Bốn đơn khiếu nại gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng không được chuyển đi và không có bất kỳ thông tin phản hồi nào từ Trại giam.
Cuối buổi gặp gia đình, anh Thức tuyên bố "sẽ tuyệt thực 10 ngày để yêu cầu nhà nước thượng tôn pháp luật và miễn toàn bộ hình phạt còn lại để trả tự do cho tất cả những người chuẩn bị phạm tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015".
Anh Thức đòi hỏi "thượng tôn pháp luật phải là thương hiệu quốc gia quan trọng nhất của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế".
Anh Thức nói sẽ cố gắng vượt qua thử thách này và xin Ba anh tha lỗi nếu có bất trắc xảy ra, và muốn mọi người hãy vững tâm tiếp tục đấu tranh cho con đường tương lai của Việt Nam.
Anh Thức cũng cho biết đang khiếu nại và nếu đến ngày 23/8/2018 mà Trại giam số 6 không giải quyết thì sẽ tiếp tục tuyệt thực.
Mong mọi người hãy quan tâm đến trường hợp tuyệt thực lần này của anh Trần Huỳnh Duy Thức.
Nhà cầm quyền hãy tuân thủ luật pháp và trả tự do vô điều kiện cho anh Thức !
Lê Công Định
*****************
Anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực
Ở nhà tù tại Nghệ An, lúc này là những ngày rất lạnh.
Gia đình nói sức khỏe của anh Trần Huỳnh Duy Thức có vẻ khá hơn đợt trước, tức đợt vào năm 2017 mà anh bị giam trong buồng tối, ảnh hưởng nặng đến mắt.
Tháng 1/2010, anh Trần Huỳnh Duy Thức bị kêu án 16 năm tù. Trong phiên xử, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyên bố mình bị bức cung và yêu cầu tái xét sự việc.
Anh và các đồng sự bị bắt vì cổ súy cho một cuộc đấu tranh bất bạo động, và cho đến bây giờ anh không nhận bất kỳ một tội danh nào mà tòa án Nhà nước Việt Nam gán cho anh. Đã đến lúc mà các bút lục của vụ án cần được mở lại với sự soi chiếu trước quốc tế để xét lại về tính hợp lý và hợp pháp của bản án 16 năm tù áp đặt cho anh.
Tính theo ngày tháng, 20/1/2018 vừa rồi, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã chịu thời gian giam giữ 8 năm, phân nửa bản án của Nhà nước Việt Nam đưa ra. Trong suốt 8 năm ấy, anh đã chịu đựng nhiều sự đối xử khắc nghiệt, được gia đình cấp báo ra bên ngoài.
Anh Thức là người quyết liệt từ chối việc bảo trợ của quốc tế, để đi tỵ nạn nước ngoài, thoát khỏi sự cùng cực trong nhà tù. Nói với gia đình mình, anh khẳng định rằng muốn được sống và chết cho lý tưởng, trên quê hương của mình.
Những tin tức mới nhất, cho biết gia đình anh Thức đang cùng anh gửi đơn lên Tòa án nhân dân tối cao, yêu cầu giảm án tù, chiếu theo các điều khoản trong Bộ luật Hình sự mới (2015) vừa áp dụng.
Tháng 2/2018, gia đình của anh Trần Huỳnh Duy Thức đi thăm anh, chuyến đầu tiên của năm.
-----------------------------------
Tuấn Khanh : Cám ơn anh Trần Huỳnh Duy Tân về cuộc trò chuyện này. Được biết gia đình vừa có chuyến thăm đầu tiên anh Trần Huỳnh Duy Thức trong năm 2018. Nhờ anh cho biết qua về tình hình sức khỏe của anh Thức cũng như tinh thần của anh Thức hiện nay ra sao ?
Trần Huỳnh Duy Tân : Dạ, hôm mùng 3 Tết vừa rồi, tức vào ngày 18/2/2018, gia đình 5 người đi thăm anh Thức ở Nghệ An, gồm tôi, vợ con anh Thức, chị gái và em trai. Chúng tôi đến buổi sáng và được gặp anh Thức vào lúc 2g40 chiều. Thời gian thăm gặp được 1 tiếng đồng hồ.
Anh Thức đi ra gặp, gia đình nhận thấy sức khỏe ảnh bình thường. Còn tinh thần thì vẫn kiên định như mọi khi và vững tin vào con đường anh Thức đã chọn. Sự tự tin của anh Thức thể hiện trong từng lời nói và thông điệp về cho gia đinh rằng, đừng lo lắng và hãy tin vào công lý, cũng như hãy tin rằng anh sẽ sớm về nhà với gia đình.
Tuấn Khanh : Lâu nay, những người đi thăm nuôi các tù nhân lương tâm vẫn hay nói rằng nhìn cách đối xử của cán bộ trại giam thì có thể đoán được phần nào tình hình của người trong nhà tù. Anh Tân có để ý thấy thái độ của cán bộ trại giam như thế nào, đối với trường hợp của anh Thức ?
Trần Huỳnh Duy Tân : Thật ra thì không khí thăm nuôi anh Thức lần này, cũng như một vài lần trước – khoảng 3 tháng trở lại thì ứng xử của cán bộ trại giam có dễ chịu hơn. Lần này, dù vẫn phải nói chuyện qua một vách bằng kính, tuy nhiên cánh cửa bên cạnh phòng nói chuyện lại để mở khi kết thúc buổi thăm gặp. Trước đây không bao giờ có chuyện đó, nhưng khoảng 3 tháng nay thì cửa mở. Nên vậy, cuối buổi trò chuyện anh Thức có thể bước qua bắt tay và ôm từng người trong gia đình trong thời gian thật ngắn. So với những lúc khó khăn thì thậm chí việc bắt tay, nắm tay cũng không được. Không khí hiện nay cũng không căng thẳng như trước.
Tuấn Khanh : Được biết gia đình từng có những đơn xin giám đốc thẩm, yêu cầu xét lại các tình tiết chưa được làm rõ, hoặc bất hợp lý của vụ án. Chuyển biến của các đơn từ đó hiện nay như thế nào, xin anh cho biết ?
Trần Huỳnh Duy Tân : Trước đây, anh Lê Công Định, anh Lê Thăng Long và anh Nguyễn Tiến Trung – những người chịu chung một vụ án với anh Thức – đã cùng thảo, và đưa ra một lá đơn yêu cầu giám đốc thẩm vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 9-1-2015. Đơn đã được gửi đến ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Thế nhưng mọi thứ vẫn im lặng, không có phản hồi gì. Trong đơn đã nêu các lý do yêu cầu giám đốc thẩm là :
Tuấn Khanh : Đó là phía những người bạn của anh Thức, còn về phía gia đình thì sao ?
Trần Huỳnh Duy Tân : Trước khi có lá đơn đó, ba của anh Thức có làm đơn xin giám đốc thẩm với những chứng cứ cần được xét lại. Nhưng lúc đó Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân tối cao đã bác, và nói là không có gì để xét lại cả. Rồi đến đơn yêu cầu giám đốc thẩm của 3 anh như vừa nói, mọi thứ vẫn hoàn toàn im lặng.
Mới đây, anh Thức có gửi một lá đơn đến Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, yêu cầu xem xét lại án tù của mình, và giảm án chiếu theo Bộ luật Hình sự mới. Đơn được anh Thức gửi đi từ trại giam vào ngày 28-1-2018 vừa rồi với các căn cứ :
- Khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018) quy định "Một hình phạt nhẹ hơn và quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật có hiệu lực thi hành".
- Điểm b, Khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 v6e2 việc thi hành BLHS 2015 cũng quy định : "Quy định hình phạt nhẹ hơn, giảm hình phạt và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tôi xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018 hoặc đối với người đang được xét giảm chấp hành hình phạt".
- Khoản 3 Điều 109 BLHS 2015 có quy định một hình phạt nhẹ hơn đối với "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" so với Điều 79 BLHS 1999 là "Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt từ 1 đến 5 năm"
- Điều 63 BLHS 2015 quy định : Về việc giảm hình phạt đã tuyên ; Không quy định người được giảm hình phạt phải nhận tôi ; Người chấp hành án phạt tù được một phần ba bản án thì Tòa có thể giảm thời gian chấp hành hình phạt.
Chiếu theo những điều này, cũng như với thời gian đã chấp hành án thì anh Thức có đủ điều kiện để Tòa án giảm mức hình phạt đã tuyên.
Về phía gia đình cũng sẽ viết lại lá đơn này, với ba anh Thức là người đứng đơn, tiếp tục gửi thêm cho Tòa án Nhân dân tối cao. Đồng thời gia đình cũng sẽ làm việc với các luật sư để được tư vấn và hỗ trợ.
Tuấn Khanh : Dạ, cám ơn anh, mong được một ngày nghe tin tốt về anh Thức.
Tuấn Khanh ghi
Một ngày cuối tháng 4, tôi nhận được cú điện thoại từ gia đình của anh Trần Huỳnh Duy Thức, kể tình hình của anh Thức trong trại giam lúc này. Câu chuyện kèm theo một món quà bất ngờ : một bài hát mà anh Thức sáng tác nhân ngày của mẹ, vào tháng 5/2017.
Trần Huỳnh Duy Thức là Giám đốc công ty OCI trước khi bị bắt
Nhiều ngày, tôi không có lòng nào mà nghe nổi bài hát, bởi chỉ loay hoay nghĩ về tình trạng của anh Thức trong nhà tù số 6, một nơi nằm sâu ở phía tây Nghệ An. Từ tháng 8/2016, trong phòng giam nóng bức và tăm tối cả ngày lẫn đêm, những người quản lý trại tù số 6 đã quyết định cắt điện phòng giam của anh Thức. Mọi sinh hoạt của anh đều phải diễn ra trong một khung cảnh nhờ nhờ, suốt trong nhiều tháng, đã khiến thị lực của anh bị sút giảm trầm trọng.
Anh Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của anh Thức kể lại sau chuyến đi thăm nuôi vào tháng 4 vừa rồi, rằng anh Thức đang bị tình trạng mắt nhìn không còn rõ, lại có nhiều biểu hiện như ruồi bay trước mắt. Lúc này, anh đọc hay nhìn rất tệ. Khi gia đình xin trại giam mở điện phòng vào ban ngày, hoặc nếu không thì xin được gửi vào cho anh Thức chiếc đèn pin nhỏ bằng nhựa để anh có thể nhìn rõ hơn, thì phía nhà tù đã từ chối, nói rằng đèn pin thuộc vào thiết bị điện tử, nên không được sử dụng.
Khó tả làm sao, khi nhà chính quyền không mang lại ánh sáng cho con người, việc chọn cách tự thắp lên một tia sáng để bước đi, con người cũng không được phép.
Anh Tân nói lần thăm nuôi đó là một lần thật căng thẳng. Vì lần đó gia đình đã có những phản ứng dữ dội nhất về hoàn cảnh chịu lao tù của anh Thức. Sự căng thẳng không phải bởi chỉ chuyện ánh sáng phòng giam, mà điều kiện y tế nói chung cũng tồi tệ đến mức gia đình giật mình khi nhận được yêu cầu từ anh Thức, rằng sớm gửi vào cho anh sách vở nói về các kiểu bệnh của răng, để anh đọc và tìm cách tự chữa chứ không thể trông cậy gì vào việc nhờ cậy y tế nhà tù.
Tôi không dám hỏi thêm về các triệu chứng mắt của anh Thức – có thể đó là tình trạng vẩn đục dịch kính hay tăng nhãn áp chẳng hạn – do tôi nhìn thấy gia đình anh cũng đã đủ căng thẳng. Tôi lại thấy mình loay hoay, nghĩ vẩn vơ khi nhìn ra ngoài trời mùa hè ở Sài Gòn đang rực nắng, và nghĩ tới đâu đó âm u trong căn phòng giam nhốt một người luôn cất lên những lời yêu nước thiết tha.
Cuối cùng, tôi cũng mở bài hát của anh Thức để nghe anh viết gì. Nếu không kể bài hát về Mẹ vào năm ngoái, mà anh viết lời, Trần Vũ Anh Bình viết nhạc, thì đây là bài đầu tiên anh tự mình viết tất cả.
Tôi mở bài hát, nghe đi nghe lại nhiều lần. Có lúc, tôi bước vội ra cửa sổ nhìn trời, trong khi tai vẫn còn vang lên giai điệu của bài hát. Thật khó tin những gì tôi đang thấy ngoài đời là những lời anh viết, anh mô tả từ phòng giam tăm tối đó. Ánh nắng, mây trắng, làn gió và những mầm xanh đang phất phơ trong một ngày thiên nhiên tràn ngập sự sống, có đủ trong bài hát. Phải yêu cuộc đời này lắm, thì ca từ của anh Thức mới có đầy ắp sự rạo rực của hy vọng và khát khao như vậy. Bài hát của anh nói về mẹ, về cha, nhưng nghe như lời hát về tổ quốc mình. Nghe mà thao thức, mà loay hoay.
Tôi chỉ biết gửi đến các anh chị, các bạn, bài hát mới của anh Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi xin để lại mọi thứ trong cảm nhận riêng của từng người về bài hát này, hơn là diễn giải một cách dài dòng. Nhưng tôi tin khi lắng nghe và chia sẻ đủ, các bạn và các anh chị sẽ có cùng một cảm giác như tôi : rằng một người như có suy nghĩ đầy ánh sáng như Trần Huỳnh Duy Thức, ắt sẽ sớm thoát khỏi bóng tối của căn phòng giam oi bức đó, để còn dựng lên những mầm xanh, những con đường Việt Nam, như anh đã ôm ấp, viết lên trong bài.
*******************
TB : Anh Thức nói tôi đặt tựa giùm cho bài hát này, để gửi tặng cho tất cả những ai yêu mẹ, yêu đất nước mình. Tôi có tạm đặt một cái tên cho bài hát này, nhưng có lẽ đúng nhất, chính người nghe và chia sẻ với Trần Huỳnh Duy Thức sẽ tự mình thầm gọi tên nó, theo những suy nghĩ riêng. Chắc anh Thức sẽ vui vì điều đó.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 12/05/2017 (tuankhanh's blog)
--------------------
Kính mời quý đọc giả cùng nghe :
Với tất cả trân trọng và thương cảm, nhà văn Ngô Thế Vinh vừa gửi đến cho mọi người một tin buồn lớn : Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã từ trần vào hôm 29 tháng 1 năm 2017.
Ông để lại một sự nghiệp đồ sộ, bộ sách Cây Cỏ Việt Nam (gồm 6 quyển, hai tập) với lời đề tặng :
Những ai còn sống hay đã chết trong tù vì tháng Tư năm 1975 đã quyết định ở lại để tiếp tục dâng góp cho đất nước.
Tặng giáo sư Nguyễn Duy Xuân nguyên viện trưởng Đại Học Cần Thơ, mất ngày 10/XI/1986 tại trại Cải Tạo Hà-Nam-Ninh.
Tặng hương hồn những ai trên biển Đông đã chết nghẹn ngào.
Tôi băn khoăn tự hỏi : Giáo sư Nguyễn Duy Xuân là ai ? Sao một công trình nghiên cứu về thực vật học mà lại mở đầu bằng những "lời đề tặng" u ám, u uẩn và u uất thế ? Chúng ta đang sống trong một thời đại, và một đất nước, bi thương đến độ này sao ?
Những trang viết kế tiếp của nhà văn Ngô Thế Vinh, với nhiều dòng chữ nghẹn ngào, đã giúp cho tôi lý giải những câu hỏi vừa nêu :
Giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng là người Cần Thơ, sinh năm 1925 hơn Giáo sư Phạm Hoàng Hộ 4 tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ, trở về Việt Nam 1963, giáo sư Luật. Nhận chức Viện trưởng từ Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã nỗ lực phát triển Viện Đại học Cần Thơ trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo ban giảng huấn, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết lập ký túc xá như hệ thống campus cho sinh viên đến từ các tỉnh xa Miền Tây...
Chỉ trong vòng 9 năm [1966 - 1975] với công lao xây dựng của hai Viện trưởng tiền nhiệm : Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, Viện Đại Học Cần Thơ như một Ngọn Hải đăng Miền Tây, trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt bước đầu ưu tiên phát triển hai lãnh vực Sư phạm và Nông nghiệp, vững vàng sánh bước với các Viện Đại học lâu đời khác của Miền Nam, đóng góp cho sự thăng tiến của vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Chỉ mấy ngày trước biến cố 30 tháng 4, 1975, cũng như Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân như một trí thức dấn thân, quyết định ở lại và giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng, ông vẫn can đảm nhận chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Giữ chức vụ đó chưa đầy một tuần lễ thì chính quyền Miền Nam xụp đổ, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Giáo sư Nguyễn Duy Xuân bị đưa vào trại tù cải tạo, sau đó bị đưa ra Bắc ... đã chết trong tù cải tạo Hà Nam Ninh ngày 10 tháng 11 năm 1986 trong đói khát và bệnh tật không thuốc men. Xác của ông được vùi nông trong nghĩa địa tù cải tạo trên triền núi phía sau trại tù Ba Sao (1).
Tôi đã có lần nhìn thấy tấm ảnh chụp bia thờ 626 linh hồn tử vong (từ năm 1975 đến năm 1988) của trại tù này, trên trang web của blogger Phạm Thanh Nghiên.
Bia thờ 626 linh hồn tử vong (từ năm 1975 đến năm 1988) tại trại tù Ba Sao
Có lẽ tên tuổi của giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng được ghi trên tấm bia này vì ông từ trần vào năm 1986, thời điểm mà giới truyền thông nhà nước vẫn xưng tụng (không tiếc lời) về sự "dũng cảm nhìn vào sự thực" và "quyết tâm đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam".
Nếu "dũng cảm nhìn vào sự thực" thì đây chỉ là sự quyết tâm "bẻ lái con tầu đất nước" theo hướng Trung Nam Hải – như nhận xét và cảnh báo của blogger Trần Huỳnh Duy Thức :
Trung Quốc và Việt Nam tạo ra một phiên bản khác về sự vi phạm tính toàn vẹn của các quyền con người. Hai nước này đã thừa nhận quyền kinh tế cho người dân nhưng vẫn tước đoạt không khoan nhượng quyền chính trị của họ, gây nên một kiểu tự do què quặt khác. Mặc dù mô hình này có thể tạo nên sự tiến bộ kinh tế và các thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo, nhưng nó cũng đồng thời nuôi dưỡng bất bình và suy thoái xã hội rồi nhốt chúng lại.
Khi sự trầm trọng này trở nên mục rỗng thì nó sẽ dẫn tới việc bộ máy chính trị tự dân chủ hóa hoặc sẽ kết thúc trong sụp đổ toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị và một chế độ bị lật nhào. Đây là tiến trình tất yếu vì nó phá vỡ sự toàn vẹn của các quyền con người vốn thuộc về luật của Tạo hóa. Dưới tác động của toàn cầu hóa và xã hội Internet, tiến trình này sẽ diễn biến rất nhanh, nhanh hơn đã từng chứng kiến trong thời gian chiến tranh lạnh dẫn đến sự tan rã của hệ thống Đông Âu và Liên Xô.
Lời cảnh báo này, tiếc thay, đã bị những người đứng đầu chế độ hiện hành coi như là một "lời nguyền" hay "trù ẻo". Tuy mang tiếng là theo chủ nghĩa duy vật nhưng họ lại là những kẻ rất dị đoan. Vốn bệnh tật nên họ sợ "tiếng cú", và đã vu vạ cho Trần Huỳnh Duy Thức đủ loại tội danh (trộm cắp cước điện thoại, hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền) cùng một bản án nặng nề – 16 năm tù và 5 năm quản chế, vào ngày 20 tháng 1 năm 2010 – qua một phiên toà mà đại diện của Hội Ân Xá Quốc Tế đã mô tả như là "sự nhạo báng công lý".
Hơn bẩy năm đã trôi qua nhưng chưa bao giờ người tù nhân lương tâm quả cảm này bị công luận lãng quên. Ông vẫn luôn được nhắc đến với rất nhiều trân trọng, qúi mến, cùng quan ngại :
- BBC (21/01/2010) : Người có án nặng nhất nói bị bức cung ;
- BBC (21/01/2010) : Các nhóm nhân quyền chỉ trích bản án ;
- RFI (30/01/2010) : Bốn nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam kháng án ;
- Bauxite Việt Nam (14/06/2013) : Duy Thức đã không ngủ suốt 10 ngày biệt giam ;
- RFA (15/10/2013) : Trần Huỳnh Duy Thức được vinh danh Giải nhân quyền ;
- RFA (07/05/2016) : Tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức bị chuyển trại giam ;
- BBC (17/05/2016) : Ông Trần Huỳnh Duy Thức sẽ tuyệt thực ;
- Ba Sàm (28/05/2016) : Trí thức tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức ;
- VOA (31/01/2017) : Ông Thức nhất quyết không lưu vong…
Blogger Trần Huỳnh Duy Thức và "Con đường nào cho Việt Nam"
Tôi chưa bao có cái hân hạnh được giao tiếp với ông Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi chỉ được biết người tù nhân lương tâm bất khuất này qua công luận. Và công luận thì đã vạch rõ sự ác độc và tính man rợ của những kẻ đứng đầu chế độ công an trị hiện hành. Họ đã gây ra không biết bao nhiêu là cái chết đớn đau và oan khuất :
Những người bị giết đều là những tinh hoa, là danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan : Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trấn sông, Phạm Quỳnh đối thủ đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn ; nàng thơ nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng ; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát ; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi mãi không về ; vị bồ tát Thiều Chử bị bức hại nhảy xuống sông tự tận...
Đó là tất cả sự thực về những cái chết tức tưởi oan khuất của các nhà văn, nhân sĩ mà bọn gieo ác vẫn sống nhởn nhơ trên pháp luật với bộ mặt người lương thiện ! Nguyên tắc bất di bất dịch nằm trong ý thức hệ tư tưởng của những kẻ sát nhân lương thiện này là : yêu nước và chính kiến là độc quyền của tao, mày không đi với tao, mày là kẻ thù của tao. Đã là kẻ thù thì mày không có quyền tồn tại ! (Thái Doãn Hiểu – "Những cái chết tức tưởi của Nhà văn, Chuyện bây giờ mới kể").
Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố, Khái Hưng, Dương Quảng Hàm sinh vào cuối thế kỷ XIX. Lan Khai, Thu Hồng, Nhượng Tống, Nguyễn Duy Xuân sinh vào đầu thế kỷ XX. Kể từ khi cướp được quyền bính đến nay, những người cộng sản Việt Nam đã giết chết bao nhiêu là anh tài và nhân sĩ (thuộc mấy thế hệ kế tiếp nhau) rồi ?
Chúng ta bắt buộc phải luôn quan ngại (và canh thức) về sinh mệnh của Trần Huỳnh Duy Thức, cùng hàng trăm tù nhân lương tâm khác, đang nằm trong vòng tay của cường quyền và bạo lực !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 22/02/2017 (tuongnangtien's blog)
--------------------
Trước thời điểm 30/4/1975 hai ngày, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân từ vị trí Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ lên giữ chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên của chính phủ mới do Tổng thổng Dương Văn Minh lập.
Ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh trước đại diện quân giải phóng miền Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chính thức sụp đổ.
Sau 1975, qua một thời gian cải tạo ở Thủ Đức, Giáo sư Xuân được đưa đi học tập, cải tạo ở trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định) lúc đó.
Năm 1983, trong một lần ra Hà Nội dự họp, Giáo sư Võ Tòng Xuân khi đó là Đại biểu quốc hội có ý định vô trại Ba Sao để thăm lại vị viện trưởng của mình khi còn ở Viện Đại học Cần Thơ.
Giáo sư Xuân liên hệ với ông Hoàng Xuân Sơn, lúc đó là Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam Ninh, nhờ ông Sơn giới thiệu với ban quản lý trại Ba Sao để vào thăm Giáo sư Nguyễn Duy Xuân.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhớ lại : Gặp lại đồng nghiệp, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân rất mừng. Khi đó do giỏi tiếng Anh nên ngoài thời gian lao động, ông Xuân được trại giao dịch lại một số tài liệu của Mỹ cho chính quyền. Ở trong trại, hai ông Giáo sư đều tên Xuân luận bàn về chỉ thị khoán 100 đang sôi nổi trong ngành nông nghiệp lúc đó. Giáo sư Nguyễn Duy Xuân tỏ ra vui mừng khi hay tin Đại học Cần Thơ tham gia góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất lương thực, ít nhiều tác động đến chỉ thị khoán 100.
Giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng là người ít nhiều tác động Giáo sư Võ Tòng Xuân về nước làm việc. Năm 1972, khi đang công tác ở Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (Philippines), Giáo sư Xuân nhận được thư của Giáo sư Nguyễn Duy Xuân gợi ý về nước làm việc.
"Anh Xuân nói đồng bằng sông Cửu Long là cái vựa của lúa gạo nên rất cần những nhà khoa học về nông nghiệp như tôi. Chiến tranh rồi có ngày hòa bình, đất nước sẽ cần những người như tôi. Đó là một trong những lý do tôi về công tác ở Đại học Cần Thơ", Giáo sư Xuân kể lại.
Lần gặp gỡ ở trại Ba Sao là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng sau năm 1975 mà Giáo sư Võ Tòng Xuân gặp lại Giáo sư Nguyễn Duy Xuân. Do tuổi già và mắc bệnh hiểm nghèo, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã qua đời vào năm 1986 khi đang ở trại Ba Sao.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga ôm di cốt ba mình gửi lên chùa Thiên Hưng ở đường Vạn Kiếp, Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) - Ảnh : chụp lại tư liệu gia đình Giáo sư Xuân
Giận ba ghê gớm
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga – con gái đầu của Giáo sư Nguyễn Duy Xuân – cho hay trước khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, mẹ bà đã dẫn hai người em kế là Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Như Đức di tản khỏi Sài Gòn. Ban đầu ba mẹ con sống ở đảo Guam khoảng 8-9 tháng rồi mới sang Pháp. Riêng bà Nga khi bảy tuổi đã được bà ngoại đưa sang Pháp từ năm 1968.
Sống xa gia đình từ nhỏ, lại không rành tiếng Việt nên với bà Nga, kí ức về người ba khá mờ nhạt. Số lần mà bà Nga gặp ba mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là những lần Giáo sư Xuân sang Pháp công tác hay lần cô bé Nga tròn 13 tuổi lần đầu tiên về thăm Việt Nam vào năm 1974.
"Về Việt Nam lần đó, tôi có xuống Cần Thơ thăm ba. Ba dẫn tôi đi thăm đồng ruộng, thăm Viện Đại học Cần Thơ đang xây dựng. Ba giới thiệu với tôi chỗ này chỗ kia. Nhớ về ba đó là người rất ham học. Ông thường giúp đỡ những sinh viên nghèo, giúp học bổng cho họ", bà Nga nói.
Bà Nga cho biết thời gian Giáo sư Xuân cải tạo ở trại thi thoảng gia đình vẫn gửi thư và nhờ người thân ở Việt Nam vào thăm, gửi lương thực vào cho ba mình. Ngược lại, Giáo sư Xuân cũng viết thư cho vợ con.
"Trong thư ba động viên má đừng buồn, cố gắng giữ sức khỏe để lo cho con cái. Với ba chị em tôi, ba khuyên phải cố gắng học tập, đặc biệt là phải đọc nhiều sách và giúp đỡ người khác", bà Nga xúc động kể.
Dù ba viết thư động viên như vây nhưng những năm sau 1975, có lúc cô bé Nga giận ba mình ghê gớm. Cô hờn trách và thấy tủi thân khi nghĩ về ba. Cô không thể lý giải và không ai lý giải cho cô biết là tại sao trước và sau ngày 30/4/1975, ba cô có cơ hội ra nước ngoài đoàn tụ với gia đình nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam, để mẹ con cô bơ vơ ở đất khách quê người.
Bà Nga cố kìm xúc động thổ lộ : "Tại sao lúc đó ba không ở bên má để lo cho chúng tôi mà đi lo cho người khác. Những ngày Sài Gòn hỗn loạn, gia tài mà má và hai em tôi di tản chỉ là một cái va li nhỏ đựng áo quần dù trước đó ba đã nhờ cậy Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn giúp đỡ. Sự hờn trách ba cứ đeo đuổi tôi nhiều năm sau này".
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, trước ngày 30/4/1975, những người nào có chức sắc ở Viện Đại học Cần Thơ đều được cấp một tấm giấy coi như giấy thông hành để ra nước ngoài khi có biến cố. Với chức vụ tương đương bộ trưởng, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân có thể ra nước ngoài bất cứ lúc nào nếu muốn nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam.
"Ba muốn ở lại quê hương"
Bà Nga lý giải việc tìm mộ của ba hơi muộn là do khi sang Pháp, cả gia đình phải lo ổn định cuộc sống. Và những năm ở Pháp, gia đình không hiểu chính sách Việt Nam có cho phép bốc mộ với những người từng tham gia chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và bị đưa đi cải tạo hay không.
Thêm lý do nữa, khi di tản, gia đình bà mất hết liên lạc với những người đồng nghiệp của ba ở Viện Đại học Cần Thơ trước đây.
Những năm gần đây, mỗi năm bà Nga dành ra một tháng để về Việt Nam làm từ thiện, chủ yếu giúp đỡ trẻ dị tật, có hoàn cảnh khó khăn. Khi đó bà mới chủ động hỏi thông tin để tìm mộ ba mình. Năm 2014, bà Nga liên hệ với trường Đại học Cần Thơ và được giới thiệu tới gặp Giáo sư Võ Tòng Xuân. Rất tiếc là dịp bà về năm ngoái trùng với đợt Giáo sư Xuân công tác dài ngày ở Ấn Độ nên ước nguyện không thành.
Về phía Giáo sư Xuân, sau khi nghe được tâm nguyện của bà Nga, ông âm thầm nhờ một người quen là ông Lê Quang Mẫn, nhà ở Long Xuyên (An Giang) nhưng quê ở Nam Định tìm giúp. Trong một lần về quê, ông Mẫn đã lên trại cải tạo Ba Sao hỏi. Từ những thông tin mà ông Mẫn cung cấp, quản lý trại đã chỉ ông Mẫn ra nghĩa địa của trại. Ngôi mộ của Giáo sư Nguyễn Duy Xuân được đánh số thứ tự 93.
Nhận được tin, Giáo sư Xuân gửi thư điện tử báo để bà Nga về Việt Nam. Cuối tháng 3/2015, bà Nga về tới Việt Nam. Ngày 29/3, Giáo sư Xuân và bà Nga ra Nam Định, lên trại Ba Sao để làm thủ tục xin bốc mộ. Sau khi bốc lên, phần xương được hỏa táng, lấy tro bỏ trong tiểu nhỏ. Sau đó, gia đình đã đưa làm lễ cầu siêu tại một ngôi chùa ở Ninh Bình.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga nhớ về những kỉ niệm với Giáo sư Nguyễn Duy Xuân - Ảnh : Trung Hiếu
"Cái hay là khi chôn cất, để làm dấu tránh thất lạc, những người chôn cất đã đặt mấy đồng tiền trong tay anh Xuân. Khi bốc mộ, mấy đồng tiền vẫn còn nguyên", Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.
Ngày 5/4, phần tiểu chứa tro cốt Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã được người con gái đưa về Sài Gòn bằng đường tàu lửa, sau đó đem gửi ở chùa Thiên Hưng trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh).
Bà Nga kể nỗi giận hờn ba kéo dài đến năm bà 44 tuổi. Sau này em trai mất, rồi tới mẹ mất, bà tìm đọc sách Phật, đọc lại tư liệu về ba mình, tìm đọc về những đất nước có hoàn cảnh chiến tranh, chia cắt như Việt Nam, bà mới lý giải một phần lý do khi đó ba mình muốn ở lại quê hương. Vốn là người yêu nước, tính tình hay giúp đỡ người khác lại xuất phát từ giáo dục nên Giáo sư Nguyễn Duy Xuân mong muốn ở lại để góp một tay xây dựng quê hương sau chiến tranh.
Khi đã hiểu được tâm nguyên của ba, nỗi giận hờn, buồn tủi khi nghĩ về ba trong bà Nga dường như tan biến. Từ đó, hàng năm bà đều dành một tháng về Việt Nam giúp đỡ trẻ em nghèo khó như thực hiện một phần tâm nguyện của ba mình. Khi hiểu ý nguyện của ba, bà Nga rất đỗi tự hào về người ba của mình.
"Sau khi tìm được mộ của ba, bà sẽ đưa di cốt ba mình sang Pháp để tiện bề chăm sóc, thờ cúng ?", người viết hỏi. "Tôi sẽ để tro cốt ba ở lại Việt Nam. Bởi cả cuộc đời ba luôn muốn ở lại quê hương mình. Ba sẽ không chịu nếu tôi đưa ổng sang Pháp đâu", bà Nga xúc động nói.
Tiểu sử Giáo sư Nguyễn Duy Xuân
Giáo sư Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diplôma (văn bằng thành chung). Giáo sư sang Pháp du học tốt nghiệp cử nhân kinh Tế. Ông tiếp tục theo học chương trình sau đại học ở Anh, lấy bằng Thạc sĩ về kinh tế học ; tiếp đến sang Mỹ theo học ở đại học Vanderbilt, và lấy học vị Tiến sĩ kinh tế học rồi trở về Việt Nam năm 1963.
Trong thời gian giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, Giáo sư Xuân đã nỗ lực phát triển viện đại học trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo cán bộ giảng huấn,ngân sách, tài trợ, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm đến tổ chức hành chánh, y tế sinh viên và thiết lập ký túc xá dành cho sinh viên đến từ các tỉnh miền Tây.
Giáo sư Xuân đã đẩy mạnh phát triển hai ngành sư phạm và nông nghiệp với viễn kiến nhằm đạo tạo những giáo chức trung cấp để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long.
Trung Hiếu
Ðó là tin mới nhất liên quan đến ông Trần Huỳnh Duy Thức, 51 tuổi, bị kết án 16 năm tù với cáo buộc "Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân". Ông Thức đã ở tù gần tám năm.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong phiên tòa mà ông bị tuyên án 16 năm tù giam. (Hình: Getty Images)
Cha, vợ con, chị em ông Thức vừa từ Sài Gòn ra trại giam số 6 của Bộ Công An Việt Nam ở Nghệ An gặp ông hôm 29 Tháng Giêng, 2017.
Trong cuộc gặp mặt kéo dài một giờ, thân nhân của ông Thức tiếp tục đề cập đến trường hợp ông Ðặng Xuân Diệu, 37 tuổi (từng bị kết án 13 năm tù, cũng với cáo buộc "Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân" đã được phóng thích sau 5 năm rưỡi bị giam để sang Pháp chữa bệnh) như một trường hợp để ông Thức tham khảo nhưng ông Thức cự tuyệt.
Theo lời em trai ông Thức, thì ông không muốn gia đình đề cập đến chuyện "đổi lưu vong lấy tự do" vì Việt Nam sẽ sớm thay đổi và không gì có thể cản được điều đó.
Năm ngoái, ông Thức từng từ chối sang Hoa Kỳ tỵ nạn.
Ông Thức là một kỹ sư về công nghệ thông tin. Năm 1993 là người sáng lập thương hiệu máy tính EIS. Nhờ phẩm chất tốt, giá rẻ, máy tính EIS trở thành một thương hiệu được người tiêu dùng ở Việt Nam tín nhiệm.
Năm 1994, ông Thức cùng ông Lê Thăng Long thành lập công ty tin học Duy Việt. Khi Internet bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, công ty này giới thiệu công nghệ truy cập digital thay cho công nghệ truy cập analog qua đường dây diện thoại nên thắng nhiều gói thầu mở rộng hạ tầng Internet tại Việt Nam.
Năm 2000, công ty tin học Duy Việt đổi tên thành công ty EIS, chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông trên môi trường Internet toàn cầu với dịch vụ mang tên One Connection, gồm ba chi nhánh, một ở Việt Nam, một ở San Jose (Hoa Kỳ), một ở Singapore và đặc biệt thành công tại Singapore.
Tuy là một trong những công ty công nghệ thông tin hiếm hoi của Việt Nam đầu tư ra ngoại quốc và rất thành công nhưng tại Việt Nam, EIS liên tục bị chính quyền Việt Nam gây khó dễ. Tháng Ba năm 2009, Sở Thông Tin-Truyền Thông của thành phố Sài Gòn ra lệnh cho EIS ngưng cung cấp dịch vụ One Connection. EIS loan báo sẽ kiện cơ quan này ra tòa hành chính ở Sài Gòn và tại Singapore.
Ngày 24 Tháng Năm năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc "Trộm cắp cước viễn thông". Sau đó, các ông Lê Thăng Long, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung lần lượt bị bắt.
Sau khi ông Thức bị bắt, người ta mới biết ông là blogger Trần Ðông Chấn với blog mang tên "Change we need".
Xuất hiện trên Internet vào khoảng cuối năm 2008, chỉ trong vòng một vài tháng, blog "Change we need" của blogger Trần Ðông Chấn gây rúng động dư luận Việt Nam vì những phân tích sắc sảo về hiện tình chính trị, những cảnh báo được nhiều người đồng tình về việc phải nhanh chóng thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, những dự báo về các nguy cơ đủ mặt từ chính trị đến kinh tế, xã hội và đặc biệt là hiểm họa tiềm ẩn trong quan hệ Việt-Trung.
Không chỉ dân chúng, trí thức mà ngay cả cán bộ, đảng viên, viên chức trong chính quyền cũng bày tỏ sự tán thành những phân tích, nhận định và dự báo này của blogger Trần Ðông Chấn trên blog "Change we need".
Ðó cũng là lý do ông Thức chính thức bị truy tố và bị phạt tù vì "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân"!
Cuối Tháng Giêng năm 2010, tại phiên xử sơ thẩm ông Thức và ba người bạn, Tòa án Tối cao của Việt Nam phạt ông Thức 16 năm tù. Ông Nguyễn Tiến Trung bị phạt 7 năm tù, ông Lê Công Ðịnh và ông Lê Thăng Long cùng bị phạt mỗi người 5 năm tù. Ðến Tháng Năm năm 2010, khi xử phúc thẩm, Tòa án Tối cao của Việt Nam chỉ giảm án cho ông Lê Thăng Long từ 5 năm tù xuống còn 3 năm 6 tháng tù.
Hồi đầu Tháng Sáu năm 2012, ông Lê Thăng Long được trả tự do sớm 6 tháng so với án tù. Ðến Tháng Hai năm 2013, ông Lê Công Ðịnh được phóng thích sớm 1 năm 4 tháng so với án tù. Tháng Tư năm 2014, tới lượt ông Nguyễn Tiến Trung được trả tự do sớm 2 năm 3 tháng tù so với bản án.
Trong vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" vừa kể, chỉ còn ông Thức vẫn bị giam giữ và dứt khoát không chịu đổi lưu vong lấy tự do.
Chính quyền Việt Nam đã quyết định chuyển ông từ trại giam Xuyên Mộc tại tỉnh Ðồng Nai tới một nhà tù ở tỉnh Nghệ An. Những cựu tù chính trị tại Việt Nam nhận định đây là một hành động bẩn thỉu mà chính quyền Việt Nam thường sử dụng để khủng bố tinh thần của người tù: Gây khó khăn, tốn kém cho thân nhân tù nhân, khiến tù nhân cảm thấy bất an vì… "mình cũng có lỗi".
Ðã có nhiều thỉnh nguyện thư đề nghị cộng đồng quốc tế gây áp lực để chính quyền Việt Nam phóng thích ông Thức vô điều kiện.
G.Ð
Nguồn : Người Việt, 01/02/2017
**********************
Ông Thức nhất quyết ‘không lưu vong’ (VOA, 31/01/2017)
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, người sáng lập một công ty cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam, gọi điện thoại qua Internet trong văn phòng của ông ở Hà Nội, 3/7/2003.
Gia đình của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tới thăm ông vào buổi sáng ngày 29/1 tức mùng 2 Tết Đinh Dậu, tại một trại giam ở Nghệ An. Em trai của ông Thức là Trần Huỳnh Duy Tân cho VOA biết ông Thức kiên định về lập trường cố hữu, là sẽ không ra nước ngoài tị nạn.
Sáu người gồm cha, 2 chị gái, em trai và vợ con ông Thức đã đến thăm ông tại Trại số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Theo lời kể của ông Tân, trong buổi thăm kéo dài 1 tiếng đồng hồ, gia đình đã nhắc đến việc nhà đấu tranh Đặng Xuân Diệu mới đây đã được ra tù trước hạn rồi đi Pháp ngay lập tức, nhưng ông Thức kiên quyết khẳng định sẽ không làm như vậy. Ông Tân nói :
"Anh nghiêm mặt lại và ảnh nói với gia đình đừng có nói cái chuyện đi nữa. Ảnh nói sự thay đổi sẽ rất là nhanh chóng mà không có gì ngăn cản sự thay đổi đâu. Anh rất kiên định trong vấn đề anh ở lại, không có đi tị nạn".
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 51 tuổi, hiện đang thụ án 16 năm về cáo buộc là có "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Tính đến thời điểm này, ông đã trải qua hơn 7 năm rưỡi trong tù.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân cho hay ông Thức không được nhà chức trách xem xét giảm án vì ông Thức vẫn khẳng định ông "không có tội để phải nhận tội".
Cũng trong buổi thăm, giây phút xúc động nhất là khi ông Thức nhận món quà tinh thần từ gia đình. Ông Tân kể lại :
"Gia đình chuẩn bị một bài hát là bài ‘Tình mẹ mênh mông’. Bài này là do anh Thức viết thơ, nhạc của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, được nhạc sĩ Trần Hưng và Tuấn Khanh phối âm. Gia đình cũng mang cái máy MP3 vào cho ảnh nghe. Được cán bộ trại giam họ tạo điều kiện cho anh Thức nghe cái bài hát đó, cái bài hát của ảnh đó. Thì ảnh thấy cũng giống như món quà đối với ảnh, thì cũng có niềm vui cho ảnh".
Em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức tả lại rằng về mặt tinh thần ông "rất là vui" khi được cha, chị em và vợ con vào thăm trong ngày Tết. Về mặt sức khỏe, ông Thức "cũng bình thường, không có gì khác thường", theo lời của ông Tân.
Ông Tân cho biết từ nơi giam giữ, ông Thức có một số thông điệp gửi đến những người bên ngoài, tuy nhiên, do thư từ của ông Thức vẫn phải qua quá trình kiểm duyệt của chính quyền nên gia đình chưa nhận được những bức thư đó :
"Thông qua gia đình, ảnh nhắn lời chúc Tết của ảnh cho tới mọi người ở bên ngoài. Ảnh có nói với gia đình trong thư số 81 ảnh gửi về nhà, nhưng mà gia đình chưa nhận được cái thư đó. Trong cái thư đó ảnh có nói ảnh chúc Tết mọi người. Đồng thời, ảnh có bức thư ảnh gửi ông [Tổng bí thư] Nguyễn Phú Trọng, thì gia đình cũng chưa biết nội dung như thế nào. Cái thư 82 sau đó thì ảnh nói ảnh cũng gửi cái thư đó cho ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước mình đó. Sau khi gia đình nhận được cái đó thì cũng sẽ công bố cho mọi người biết. Ngoài ra, anh có bài thơ Táo quân, ảnh gửi ra trực tiếp cho gia đình nhưng mà bên phía công an họ giữ lại. Họ nói là bài thơ này phải qua kiểm duyệt mới cho gia đình nhận".
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị xét xử hồi đầu năm 2010 cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long. Ông Thức nhận mức án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế. Các ông Định, Trung và Long đều đã ra tù trong mấy năm trước đây.
Giữa tháng 5 năm ngoái, gia đình ông Thức cho biết ông bị "ép buộc đi định cư tại Hoa Kỳ" nhưng ông đã "bác bỏ ý định đi định cư như cái giá trao đổi để hưởng sự tự do".