Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 12 octobre 2018 17:42

Quốc tang và sự ra đi của con muỗi

Lễ Quốc Tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dù được tổ chức trọng thể tại cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình ; và mặc dù nghĩa trang của ông rất lớn, nó chiếm một diện tích lên đến gần 30.000 m2, chúng ta vẫn thấy sự ra đi của ông rất mờ nhạt. Cái chết của một chủ tịch nước đương nhiệm mà lại không hề có chút gì ảnh hưởng đến 90 triệu dân của ông, sự ra đi đó không lay động chút gì trong lòng họ khiến tôi chạnh nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn vẫn kể cho con trai nghe ngày cháu còn bé. Chuyện "Con muỗi và con bò mộng".

quoctang1

Học sinh chui túi nylon vượt sông đi học ở Điện Biên. (Hình : VOV)

Câu chuyện như sau xin kể hầu bạn đọc :

Một con muỗi vẫn thường bay vo ve trên cánh đồng cỏ rồi đậu lại nghỉ ngơi trên đỉnh sừng một con bò mộng. Một ngày, muỗi quyết định dời đi nơi khác. Nó gọi bò mộng và chia sẻ về quyết định này. Chẳng ngờ, bò mộng thản nhiên trả lời : "Ồ ! Chẳng sao cả. Tôi thậm chí còn không biết rằng anh đã ở đó".

Sự ra đi của ông Trần Đại Quang có cái gì giông giống như thế, chẳng ai buồn tiếc nuối ! 

quoctang2

Chuyện "Con muỗi và con bò mộng".

Giá trước khi mất, thay vì cúng chùa Vĩnh Nghiêm cặp đèn trị giá 19 tỷ, ông dùng số tiền ấy xây cầu cho các em học sinh ở Mường Chà đi học, có lẽ còn có người tiếc nhớ đến ông. 

Người Việt Nam bản tính vốn bao dung, xem "nghĩa tử là nghĩa tận". Thế mà ngày nay người ta lại hỉ hả vui mừng trước cái chết của các lãnh đạo cộng sản, từ vụ thanh toán lẫn nhau của ba cán bộ lãnh đạo Yên Bái cho đến cái chết đột ngột của ông Trần Đại Quang ! Có nghe những chia sẻ bức xúc của một số bạn trẻ mới hiểu vì sao lại có câu vè truyền miệng về Quốc tang của ông. Người ta bảo "hùm chết để da, người ta chết để tiếng" ; cái chết của lãnh đạo cộng sản đã tặng thêm một câu vè cho kho tàng dân gian Việt Nam :

Dân ta bản tính ngang tàng

Không mừng quốc khánh lại mừng quốc tang.

Với cái đà gia tăng trấn áp các nhà hoạt động, bỏ tù vô lối nhiều năm những người dân hiền lương. Giới lãnh đạo cộng sản nếu không ý thức được sự căm ghét đến tận cùng của dân chúng đối với họ thì sự sụp đổ tất yếu của chế độ này có thể sẽ không diễn ra yên thắm như khối cộng sản ở Đông Âu. Biết đâu nó lại rơi vào trường hợp đáng tiếc của Romania, nơi mà lãnh tụ Ceausescu cuối cùng bị lật đổ và giết chết.

Nhưng hãy trở lại với sự hiện hữu của con muỗi. Nếu đem sức vóc con muỗi mà so với con bò mộng thì con muỗi chẳng là gì cả. Nếu so tiềm lực về quân sự giữa Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Hoa Kỳ thì chúng ta đúng là một con muỗi. Nhưng nếu đem lịch sử dựng nước của dân tộc ta so với các dân tộc khác trên thế giới thì hình vóc chúng ta khác hẳn. Ta từng đánh bại đội quân hùng mạnh của Hốt Tất Liệt (không phải một mà đến ba lần) kẻ đã chiếm lĩnh Trung Quốc và từng làm cỏ một nửa thế giới.

Nhà sử học người Pháp Alain Rusco, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đông Dương cũng viết rằng chiến thắng 30/4/1975 của quân đội Bắc Việt đã "gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù" (sic) ; và rằng đây là một cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của người dân Việt Nam. 

Thế nhưng, không quá lâu sau cái ngày gọi là "vinh quang" ấy, dân tộc Việt Nam tuột dốc một cách thảm hại. Nay trước mắt thế giới, chúng ta chỉ còn lại một gương mặt nhem nhuốc, yếu kém một cách lạ lùng ! 

Thế thì đi đâu mất rồi tinh thần và những con người ái quốc ? 

Tôi tin là không hiếm những đảng viên cộng sản đã hối tiếc, đớn đau vì đã dự phần vào chiến thắng dẫn đến sự tàn lụi và thảm họa cho cả hàng bao nhiêu thế hệ sau này. Nhưng họ ở đâu ? Họ đã không còn có mặt cho đất nước hay cho chính những giá trị mà họ tin vào. Sự hiện hữu của mỗi con người chỉ đáng kể khi chúng ta có mặt ít nhất là cho phẩm giá của chính mình. Nếu không, sự tồn tại ấy không có ý nghĩa và nó có nguy cơ bị bóp chết dưới chế độ độc tài.

Như trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy, một phụ nữ bị cướp đất, trở thành dân oan rồi trở thành nhà hoạt động dân quyền. Như bao nhiêu dân oan khác, chị Thúy có đủ các yếu tố để dễ dàng bị hủy diệt bởi bạo lực. Chị nghèo, cô thế, thiếu kiến thức về luật pháp… chị chỉ có một niềm tin duy nhất : làm điều đúng và đấu tranh chống lại những kẻ đã cướp đất. Dù bị cán bộ trại giam đánh đập tàn nhẫn, ngược đãi, bỏ đói… Sống với niềm tin đó chị cương quyết không nhận tội.

Để bóp chết ý chí sắt đá của chị, Phó công an tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Thành Long đã đe dọa rằng sẽ cho y tá chích thuốc cho chết nếu chị tiếp tục phản kháng. Bị tù suốt 8 năm, thì hết 7 năm dài người phụ nữ này đã không hề được gặp mặt gia đình. Sống mỗi ngày với nỗi ám ảnh của cái chết chị vẫn không khuất phục. Nghe giọng nói miền Nam chơn chất của chị "tui thà chết ‘dzinh’ hơn sống nhục" mà phải thầm cảm phục sự bất khuất của người phụ nữ này. Chị mộc mạc đơn sơ nhưng vững chắc như cây Mắm, cây Bần giữ đất ven bờ phù sa quê hương của chị.

quoctang3

Nghe giọng nói miền Nam chơn chất của chị "tui thà chết ‘dzinh’ hơn sống nhục" mà phải thầm cảm phục sự bất khuất của người phụ nữ này.

Năm 2017 tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã báo động về tình trạng ngược đãi tù nhân xuyên qua trường hợp tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy. Sự kiên cường của người phụ nữ này đã khiến từ một dân oan vô danh, chị đã có thể cảnh báo thế giới về tình trạng nhân quyền tồi tệ mà đồng bào chị đang gánh chịu. 

Tôi luôn tin tưởng vào sức mạnh của từng cá nhân và sự lan tỏa của nó. Khi chúng ta có một Luật sư Phạm Công Út tự nhận mình là "hiệp sĩ", giới luật sư sẽ có thêm nhiều hiệp sĩ khác. Khi chúng ta có 15 Đại biểu quốc hội không tán thành bấm nút thông qua Luật Đặc Khu, tương lai con số 15 này sẽ nở lớn. Tôi còn nhớ cái không khí tưng bừng của một biển người cùng xuống đường ăn mừng U23 bóng đá Việt Nam chiến thắng U23 Qatar. Nếu cái đám đông hỗ trợ U23 đó, một hôm bỗng bá vai nhau hô lớn "chúng ta phải làm sạch môi trường" thì tự khắc sáng hôm sau đường phố sẽ sạch rác và khi cầm miếng ăn lên chúng ta sẽ không còn lo ngại bị nhiễm độc.

Nhân nhắc đến chị Trần Thị Thúy tôi lại nhớ đến hàng bần ven bờ con sông Bến Tre ; chẳng biết vì sao sông nước miền Nam lại nhiều bần như vậy. Người ta còn kể lại rằng đêm 5/7 năm Đinh Mão 1867, khi cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết theo thành, những hàng bần ở vùng ngã ba sông Vàm Cỏ và sông Tra đã đồng loạt quỳ xuống chịu tang người trung liệt. Từ đó, dân gian ở đây gọi ngã ba này là Ngã ba Bần Quỳ.

Thiết nghĩ những cây bần ven sông kia còn có thể gợi niềm rung cảm về sự trung hiếu của con người, thì không có gì là không thể đóng góp được cho quê hương và tha nhân về sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này.

Nguyệt Quỳnh

Nguồn : VNTB, 12/10/2018

Published in Diễn đàn

Thiếu Tướng Hoàng Kiền và Trung Tướng Nguyễn Thanh Tuấn hãy đọc lá thư của sự thật từ Trần Thị Thuỷ, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương. Suốt gần 30 năm qua sự im lặng, những áp lực và những điều gì khiến gia đình những liệt sĩ Gạc Ma này phải gánh chịu sự bất công, vô ơn đến phi lý đến như vậy ? Các anh có quyền lực, lại hiểu rõ nhất sự thật và đã làm gì để phá vỡ sự im lặng và để giúp họ bớt khổ đau ? Vì sao các anh lại im lặng suốt thời gian qua ?

gacma1

Đứa con gái Trần Thị Thủy duy nhất của anh đã lớn lên mà chưa một lần được nhìn thấy và gọi tiếng cha con. Ảnh Trần Thi Thủy và mẹ

Vào giây phút cuối cùng lúc 7 giờ sáng ngày 14/3/1988 trên bãi đá ngầm san hô Gạc Ma, Trung úy Trần Văn Phương sau cuộc chiến giữ cờ đã trúng đạn của quân thù cùng 63 đồng đội của mình vĩnh viễn ngã xuống, bàn tay đầy máu vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc – anh vẫn không hề biết vợ anh đã mang giọt máu của mình và có thai hơn một tháng. Và sau đó, đứa con gái Trần Thị Thủy duy nhất của anh đã lớn lên mà chưa một lần được nhìn thấy và gọi tiếng cha con.

gacma2

Liệt sĩ Trần Văn Phương và vợ

Lần cùng mẹ được mời vào Sài Gòn dự buổi đấu giá bức tranh "Gạc Ma -Vòng tròn bất tử" và Đại lễ tưởng niệm cầu siêu đầu tiên cho 64 liệt sỹ Gạc Ma tối ngày 22/7/2015 trên 3.000 người tại Chùa Vĩnh Nghiêm, tất cả mọi người đã vô cùng xúc động khi chứng kiến chị Trần Thị Thủy và mẹ ôm nhau khóc ngất khi xem clip Trung Quốc xả súng bắn chết cha và chồng mình cùng những người lính trên đảo Gạc Ma.

gacma3

Bãi đá Gạc Ma bị Bắc Kinh đưa tàu đến cải tạo thành pháp đài quân sự

Sau đó ít ngày, những người tổ chức chương trình đã nhận được lá thư xúc động của cô gửi cho Ban tổ chức, xin được đăng nguyên văn bức thư của cô :

"Vừa qua, con được tham dự đại lễ cầu siêu cho anh linh của ba con cùng những đồng đội đã hi sinh tại Chùa Vĩnh Nghiêm và nhân đây con cùng gia đình những đồng đội của ba được nhận sự ủng hộ từ số tiền bán đấu giá bức tranh "Gạc ma – Vòng tròn bất tử" của Ban tổ chức.

Trước hết, con xin được thay mặt gia đình cảm ơn sự động viên, quan tâm của tất cả mọi người. Xin được gửi lời cảm ơn tới Ban Trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm cùng toàn thể tăng ni phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức một buổi đại lễ cầu siêu cho linh hồn của ba con và đồng đội, đây là một đại lễ lớn nhất và diễn ra đầu tiên kể từ khi ba con nằm xuống, đã 27 năm rồi, thời gian trôi qua không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng cũng không phải là ngắn đối với gia đình chúng con ; những gia đình mất đi người thân, người mẹ mất con, người vợ mất chồng và những đứa con vĩnh viễn không bao giờ được gặp người cha thân yêu của mình. Đó chính là nỗi đau thương thiệt thòi quá lớn mà không gì có thể bù đắp được.

gacma4 (2)

Bắc Kinh đã hoàn tất những công trình và cơ sở vật chất trên Đá Gạc Ma

27 năm trôi qua con chưa bao giờ được chứng kiến hay tham dự một buổi đại lễ cầu siêu nào để cầu cho linh hồn những người đã không tiếc thân minh hi sinh cho Tổ quốc để họ được yên ủi nằm lại trong lòng biển sâu lạnh lẽo, băng giá.Cho tới ngày hôm nay con mới được chính thức tham dự một đại lễ cầu siêu lớn như vậy, thực sự con cảm thấy rất ấm lòng, cũng là sự động viên tinh thần rất lớn đối với gia đình con cũng như gia đình 63 liệt sỹ khác.

Xin cảm ơn họa sĩ Bùi Lệ Trang, người đã vẽ lên bức tranh bằng những đường nét sắc sảo để có một bức tranh mang đậm chất nhân văn và đánh vào lòng tự trọng của những kẻ đã đang tâm ăn cướp của người khác.

gacma4

Bài viết của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuân (Nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) trên báo Văn Nghệ, trong đó ông đòi hỏi phải "thu hồi và tiêu hủy cuốn sách về Gạc Ma"

Cũng xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News), người đã lên ý tưởng đầu tiên và đứng ra tổ chức, vận động những người yêu nước… tổ chức thực hiện thành công chương trình đấu giá bức tranh " Gạc ma – Vòng tròn bất tử", Lễ tưởng niệm và trao toàn bộ số tiền cho 64 gia đình liệt sỹ, một việc làm hết sức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là sự động viên lớn cho những gia đình như chúng con trong dịp 27/7 này.

Nhân dịp này không chỉ gia đình con mà cả gia đình của 63 liệt sĩ khác lần đầu được công khai khóc cho những người chồng, người cha của mình mà không phải sợ bị ảnh hưởng đến tập thể hay cá nhân nào. Thiết nghĩ, cha mình hy sinh không tiếc bản thân mình cho Tổ quốc ; không phải là để ghi danh hay gia đình đòi hỏi bất cứ một thứ gì, nhưng thời gian qua kể từ lúc cha con hi sinh gia đình con rất ít khi được nhận sự quan tâm của Nhà nước. Thi thoảng chỉ là những dịp lễ, ngày thương binh liệt sỹ ; thế nhưng dần dà càng về sau thì càng bị quên lãng.

Ba con mất đi chỉ có gia đình, mẹ con con chịu thiệt thòi, mất mát. Một mình mẹ phải gánh vác mọi việc trong gia đình, ruộng vườn cày cấy, làm thuê cuốc mướn vất vả khó nhọc để có tiền nuôi con ăn học trưởng thành. Bởi vì với những đồng tiền trợ cấp ít ỏi của con không thể đủ để cho mình con ăn học. Bản thân mẹ không được nhận trợ cấp cho đến năm 2009, qua bao nhiêu lần ngược xuôi làm giấy tờ thủ tục thì mới được hưởng. mọi khó khăn khổ nhọc trong cuộc sống có lẽ là mẹ đã trải qua không bỏ sót cái nào.

Trong những năm trước, có thể nói nhắc đến sự kiện 14/3/1988 là điều không thể, như bị ngăn cấm, như sợ bị ảnh hưởng đến quan hệ "quốc gia láng giềng tốt đẹp" giữa mình và một đất nước đã đang tâm cướp đi bao sinh mạng, bao người thân yêu của chúng con. Với tư cách là một người con mất cha, con cảm thấy rất căm thù kẻ thù, lòng căm hận sôi sục nhưng tại sao lại không được bày tỏ, tại sao lại không được nhắc đến và tại sao chúng ta lại phải giấu diếm cho tội ác tày trời của chúng.

Chúng ta kìm nén, chúng ta nhường nhịn và chúng ta nhẫn nhục mãi cho tới tận ngày hôm nay để chúng ta nhận được những gì, cũng không có gì thay đổi, vẫn là sự ngang nhiên xâm chiếm, vẫn là sự ngang tàng táo tợn khó hiểu của những kẻ bộc lộ rõ bản chất xấu xa với những ý đồ nham hiểm trên vùng biển của ta ; làm hại người dân của ta.

Cho tới ngày hôm nay khi được tự do nói đến, khi được một số cơ quan, đoàn thể quan tâm đến thì có một số người cha người mẹ của liệt sỹ đã mất vì già yếu, bệnh tật. Cũng có một số thương binh trở về từ cuộc chiến đã mất, những người còn sống cũng chưa được hưởng chế độ gì, hoặc nếu có thì phải trải qua bao khó khăn mới có được như mẹ con.

Những điều tâm sự con nói ở đây không phải là để chỉ trích toàn bộ hệ thống mà đây là một số bộ phận, cơ quan nhà nước và những cá nhân tắc trách trong công việc. Họ không hề biết rằng ai đã hi sinh ai đã đổ máu để lại phía sau là gia đình, là vợ góa con côi, mẹ già côi cút để cho họ có quyền được sống và ngồi đó hưởng sự sung sướng. Họ hạch sách và đòi hỏi đủ điều để phục vụ cho lợi ích của họ. Đây chính là điều mà con cảm thấy không được hài lòng nhất trong thời gian qua. Cha con và đồng đội ngã xuống vì Tổ quốc, để lại cho người thân của họ những nỗi đau không gì bù đắp được, thế nhưng khi những người còn sống đã chịu nhiều đau thương mất mát thì lại không được quan tâm chia sẻ, động viên.

Không phải đòi hỏi nhưng đó là quyền lợi mà những người thân như gia đình chúng con cần được có ; chúng con cần những lời động viên , cần sự quan tâm và cần sự chia sẻ để lấy đó làm niềm an ủi tinh thần mà vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống ; và con nghĩ mọi sự chia sẻ ấy sẽ làm yên lòng người đã khuất, và ấm áp lòng người còn sống.

Cho nên trong dịp này, một đại lễ cầu siêu cho anh linh các liệt sỹ và một cuộc đấu giá để hỗ trợ cho gia đình là rất có ý nghĩa. Một lần nữa con xin cảm ơn tấm lòng quan tâm chia sẻ của tất cả mọi người."

Trần Thị Thủy

(con gái liệt sĩ Trần Văn Phương)

Nguồn : FB Nguyễn Văn Phước, 15/08/2018

Published in Diễn đàn

Tù nhân Trần Thị Thúy tiếp tục bị ngược đãi

Nữ tù nhân chính trị Trần Thị Thúy không được chăm sóc y tế đầy đủ và không được hưởng chế độ gọi điện về gia đình do không nhận tội.

thuy0

Bà Trần Thị Thúy, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, bị đưa ra xét xử cùng 6 nhà hoạt động khác tại tòa án tỉnh Bến Tre vào tháng 5 năm 2011. File photo

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, em ruột của tù nhân Trần Thị Thúy, vừa đi thăm người chị ở Trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương hôm ngày 5 tháng 10 về, vào chiều ngày 10 tháng 10 cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau :

"Tôi là Trần Thanh Tuấn em trai của tù nhân Trần Thị Thúy, khi đến thăm chị tôi lần gần nhất vào ngày 5 tháng 10, chị tôi báo mụt u to bằng chén nổi khắp mình và đau. Tôi có yêu cầu giám thị cho gặp bác sĩ Trại giam để yêu cầu cho chị tôi đi trị bệnh nhưng họ lẩn tránh".

Anh này cho biết vào tháng 9 năm ngoái Trại giam có đưa đến Bệnh viện 30 tháng 4 để khám ; và bác sĩ nói Trại giam cho uống Paracetamol và loại thuốc này sẽ gây mất trí nhớ. Còn thuốc gia đình gửi vào thì không được cho uống theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Thông tin từ gia đình còn cho biết từ khi bị bắt giam đến nay, tù nhân chính trị Trần Thị Thúy không được gọi điện thoại về gia đình theo như chế độ qui định mà mọi tù nhân được hưởng.

"Từ khi bị bắt đến nay là 7 năm 2 tháng, nhưng chị Thúy chưa được gọi điện về nhà lần nào vì Trại giam nói chị không chịu nhận tội".

Chị Trần Thị Thúy, sinh năm 1971, bị cáo buộc tội ‘hoạt động lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam và bị tòa tuyên án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế từng ra thông cáo kêu gọi các cấp lãnh đạo Việt Nam phải cho tù nhân Trần Thị Thúy được đi chữa trị bệnh, chấm dứt ngược đãi bà này trong trại giam.

Theo Ân Xá Quốc Tế, biện pháp từ chối không để tù nhân được chữa trị đúng cách có liên quan đến việc cố ý gây đau đớn, chịu đựng nhằm mục tiêu buộc nhận tội. Như vậy đó là hình thức tra tấn vi phạm Công ước Chống Tra Tấn mà chính quyền Việt Nam đã phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực từ tháng hai năm 2016 tại Việt Nam.


Nguồn : RFA, 10/10/2017

Published in Video