Tình hình kinh tế, chính trị trong năm 2023 tại Việt Nam ra sao, nhất là vào khi nhiều nhân sự cốt cán bị cho "thôi việc" ?
Cùng chuyên gia nghiên cứu chiến lược và chính trị khu vực Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore Hà Hoàng Hợp và chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định qua Hội luận sau đây.
Thanh Trúc nói chuyện cùng Hà Hoàng Hợp và Nguyễn Trí Hiếu
Thanh Trúc thực hiện
Nguồn : RFA, 12/01/2023
"Đến hẹn lại lên" là chuyện thông lệ, không có gì đặc biệt, nhưng lãnh đạo mà cũng chỉ biết làm đến thế thì dân lo. Chuyện này xảy ra ở Việt Nam vào mỗi dịp cuối năm khi các cơ quan đảng và chính phủ tổng kết tình hình năm cũ để đặt kế hoạch cho năm mới.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng, người có quyền lực cao nhất nước, cũng đã làm như thế. Nhưng liệu những điều ông Trọng nói có phản ảnh tình hình thực tế của đất nước, hay ông nói tốt để đồng hóa mặt xấu ?
Ông Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn bế mạc Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13. Ảnh : TTXVN
Phỏng vấn
Trước hết, trong lĩnh vực kinh tế, ông Trọng khoe với Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ngày 1/1/2023, mặc dù phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 và chống thiên tai, Việt Nam vẫn hoàn tất 14/15 chỉ tiêu kế hoạch :
"Tăng trưởng GDP (Gross Domestic Product, Tổng sản lượng nội địa) của cả nước đạt khoảng 8%, tăng cao so với kế hoạch đề ra từ 6 - 6,5%. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh. Thu ngân sách nhà nước tăng 20% so với năm 2021".
Mức tăng trưởng này phù hợp với dự đoán của World Bank (Ngân hàng Thế giới) ngày 08/08/2022, theo đó : "Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong sáu tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% năm nay".
Viễn ảnh 2023
Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức ngày 22/11, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng.
Theo các chuyên gia, những lực cản này bao gồm cuộc chiến tranh tại Ukraine làm cho kinh tế Nga sa sút, nền kinh tế của Trung Quốc chậm lại và chuỗi cung-cầu của Thế giới bị gián đoạn.
"Với tác động như trên, Trung tâm Thông tin và tiên đoán xã hội kinh tế (NCIF - National Centre for Socio-Economic Information and Forecast) đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2023 :
Kịch bản 1 : tăng trưởng kinh tế có thể ở mức từ 6 đến 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.
Kịch bản 2 : khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức từ 6,5 đến 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn" (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 22/11/2022).
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB - Asian Development Bank) cũng đã điều chỉnh mức tăng trưởng dự báo của Việt Nam trong năm 2023 xuống còn 6,3%.
"Tuy thương mại tiếp tục tăng trưởng nhưng các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm, các đối tác thương mại lớn suy yếu. Đó là lý do để ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 xuống còn 6,3% (Báo Kiểm Toán, 14/12/2022).
Trước viễn ảnh đó, ông Trọng căng ra bức màn màu đen…
Tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 04/01/2023, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã có một số nhận định dè dặt hơn về tình hình kinh tế :
"Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, bởi vì đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn thách thức gay gắt, mới xuất hiện từ giữa tháng 10/2022 đến nay : Thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp diễn biến rất phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn gặp không ít khó khăn. Lãi suất ngân hàng tăng cao, sức ép lạm phát còn lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm ; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng ; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc ; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, đăng ký bổ sung hoặc góp vốn, mua cổ phần giảm so với cùng kỳ. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu suy giảm ; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế nhà nước có xu hướng tăng ; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự, an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân... hiện vẫn là những vấn đề lớn có nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục…".
"Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình ; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác. Việc phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, chưa quyết liệt, thậm chí còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao…".
Nhìn ra nước ngoài, người cầm đầu Đảng cộng sản Việt Nam cũng báo động rằng : "Dưới tác động của xung đột có thể còn kéo dài tại U-crai-na (Ukraine) và các lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương Tây đối với Nga, thế giới sẽ có những biến động về địa chính trị, địa kinh tế và nguy cơ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng về năng lượng, lương thực và chuỗi cung ứng toàn cầu".
…để rồi thở than về chuyện nội bộ
Về đối nội, ông Trọng nhắc lại chủ trương xây dựng đảng là : "Ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Ông kêu gọi toàn đảng phải : "Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết ; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư hỏng ; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn".
Ông Trọng đưa ra tuyên bố này, sau 4 ngày Ban chấp hành Trung ương đảng biểu quyết cho hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam nghỉ việc mà không cho biết lý do.
Ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, sinh năm 1959, là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. Ông Vũ Đức Đam, sinh năm 1963, không giữ chức vụ rõ rệt, nhưng từng là Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy.
Hai ông từng được coi là "những ngôi sao sáng thân phương Tây của Việt Nam". Riêng ông Minh từng là Bộ trưởng Ngoại giao hơn 9 năm (3/8/2011 -7/4/2021. Cha của ông là cố bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên khai sinh là Phạm Văn Cương). Cả hai cha con ông đều là những người "chống chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông" khi đứng đầu Bộ Ngoại giao.
Biến cố nhân sự này xảy ra vào lúc có nhiều viên chức bị bắt trong hai vụ án tham nhũng "thuốc chích ngừa Covid-19 Việt Á" và "chuyến bay giải cứu công nhân" tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào chứng minh hai ông Minh và Đam có liên lụy tới cuộc điều tra của Công an, mặc dù hai Trợ lý của họ đã bị bắt trong cả hai vụ án. Đó là các ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó thủ tướng thường trực (Phạm Bình Minh) và ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Có tin từ Việt Nam cho hay : hai ông Minh và Đam bị cách chức là quyêt định của ông Nguyễn Phú Trọng muốn chận đứng đường tiến thân của hai Phó Thủ tướng tại Hội nghị lần thứ 7 lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, vào giữa năm 2023, và sau đó là Hội nghị Trung ương 8 để chuẩn bị nhân sự cho khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-2031.
Vậy ai là người có đủ tiêu chuẩn để thay ông Trọng nắm giữ chức Tổng bí thư trong Khóa đảng XIV ?
Hiện nay không có ứng viên nổi bật, nhưng ba yếu tố "tư tưởng chính trị, kinh nghiệm và địa phương miền Bắc" luôn được coi là tiên quyết.
Chi tiết hơn, Đảng ấn định ngươi ấy phải : "Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực : Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân ; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
- Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…
- Có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán ; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.
- Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương ; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên ; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định" (theo Quy định 214-QĐ/TW năm 2020).
Như vậy xem ra chức danh Tổng bí thư được coi là "một người toàn diện". Nhưng ai trong số lãnh đạo sau đây sẽ thắng cuộc đua ?
Trước tiên là ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước, sinh năm 1954 tại Quảng Nam. Thứ hai, ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, sinh năm 1957 ở Nghệ An. Thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính, sinh năm 1958 tại Thanh Hóa.
An ninh Tổ quốc
COC được nêu ra từ thập niên 1990, bắt đầu được ASEAN và Trung Quốc thảo luận từ năm 2002. Hiện nay đôi bên bắt đầu thảo luận vòng thứ hai, nhưng không có bảo đảm sẽ thành công sớm.
Điểm khác biệt giữa hai bên là Trung Quốc chống các nước bên ngoài tham gia thảo luận với ASEAN-Trung Quốc, trong khi ASEAN muốn có sự tham gia của Mỹ, khối Liên Âu (European Union), Nhật Bản, Ấn Độ và Úc Đại Lợi để bảo đảm an ninh ở Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng chỉ muốn thảo luận tranh chấp biển đảo song phương với từng nước nhỏ có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, thay vì "toàn khối ASEAN", để dễ bề thao túng và khống chế.
Phạm Trần
(10/01/2023)