RFA, 14/12/2021
Chỉ riêng trong 8 ngày từ ngày 6 đến ngày 13 tháng 12, Hà Nội đã thêm hơn 5.300 ca nhiễm Covid-19 mới, trung bình mỗi ngày thêm hơn 750 ca mới. Trong đó, số ca cộng đồng chiếm hơn 50% tổng ca mắc mới trong ngày.
AFP Photo
Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi phát biểu tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND thành phố mới đây cho biết, Hà Nội đã chuyển đổi tư duy từ quản lý không Covid (zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
Sau thất bại trong việc phòng chống Covid-19, việc từ bỏ quản lý zero Covid đã được thành phố Hồ Chí Minh áp dụng từ hơn hai tháng trước. Nhưng vì sao bây giờ Hà Nội mới áp dụng ?
Trả lời RFA hôm 14/12, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, nhận định về tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Hà Nội :
"Bài học của Thành phố Hồ Chí Minh là bài học cực kỳ đau xót, thất bại của cách ứng xử với dịch bệnh, đưa lại một bài toán mà kết quả cực kỳ xấu. Chuyện này thì mình và bạn bè đề nhất trí chuyện làm việc không khoa học, phiến diện, cũng đã được rút kinh nghiệm. Việc ứng xử với vi-rút cũng đã có tiến bộ đáng kể... nên sẽ không còn chuyện đóng cửa, tuyên bố chiến thắng Covid bằng mọi cách... rồi pháo đài các thứ chắc là nó hết rồi".
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, ở Việt Nam thì có đến chín mươi mấy phần trăm trường hợp là không có triệu chứng. Cho nên việc đối xử với người nhiễm vi-rút sẽ không bị một cách cực đoan như bị kỳ thị, bị cách ly, bị tập trung, gia đình bị khoanh vùng... như hai năm qua. Ông Thắng nói tiếp :
"Theo tính toán ở Hà Nội cứ 10.000 ca nhiễm phát hiện ra thì sẽ có 4.000 ca trong cộng đồng, đó là chuyện chắc chắn, chứ không chỉ đúng 1.000. Chuyện này mọi người cũng sẵn sàng như thế. Hiện nay với lực lượng y tế và cách ứng xử với coronavirus đợt này thì mình nghĩ Hà Nội sẽ không bị như Thành phố Hồ Chí Minh".
Theo Bộ Y tế, Hà Nội hiện có hơn 9.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Trong đó có gần 500 trường hợp F0 điều trị tại nhà ; gần 6.000 ca điều trị tại các bệnh viện ; số còn lại điều trị tại y tế cơ sở. Hiện số ca bệnh mức độ trung bình, nặng/nguy kịch, phải thở ô-xy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn tại Hà Nội đều tăng so với trung bình bảy ngày trước...
Dù bài học xương máu từ Thành phố Hồ Chí Minh đã được các tỉnh áp dụng, nhưng Luật sư Đặng Đình Mạnh khi nhận định với RFA hôm 14/12 cho rằng rút kinh nghiệm như thế là quá chậm :
"Sau 70 ngày, kể từ thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh xác định thay đổi quan điểm phòng chống Covid-19, từ Zero Covid chuyển sang xu thế chung của thế giới là chung sống với dịch thì bây giờ Hà Nội mới bắt đầu ‘di biến động’ theo hướng này.
Hóa ra những kinh nghiệm xương máu đau thương từ Thành phố Hồ Chí Minh đã bị/được các địa phương khác ‘học tập’ quá chậm.
Công chúng phải tự hỏi, Bộ Y tế đã làm gì hay đã không làm gì để có một chỉ đạo chung cho việc phòng chống Covid trong phạm vi lãnh thổ ? Hay mỗi địa phương đã là một ‘sứ quân’ toàn quyền lựa chọn cách phòng chống Covid-19 theo quan điểm chủ quan riêng của mình ?"
Không chỉ số ca nhiễm ở Hà Nội tăng nhanh những ngày qua. Theo Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 13/12 đến 16h ngày 14/12, Việt Nam đã ghi nhận 15.220 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó một số tỉnh tăng cao như Cà Mau là 1.011 ca, Thành phố Hồ Chí Minh - 991, Tây Ninh 931, Bình Phước - 907, Cần Thơ - 692, Khánh Hòa - 597, Bắc Ninh - 225 ca, Thanh Hóa - 121 và Hưng Yên - 96 trường hợp...
Nhà báo Võ Văn Tạo, khi trả lời RFA hôm 14/12 từ Nha Trang, cho rằng :
"Hiện dịch lan ra phía Bắc khá nhiều, một số tỉnh thành đặc biệt là Hà Nội có số ca dương tính khá cao, là đột biết mới trong tình hình Covid-19 tại Việt Nam. Đối phó với dịch thì mỗi địa phương mỗi kiểu, Hà Nội thì công bằng mà nói vài ngày trở lại đây có vẻ nhìn ra vấn đề, và có rút kinh nghiệm của Sài Gòn. Nhưng dịch lan ra Hà Nội không phải chỉ trong vài ngày gần đây, mà đã một hai tháng nay. Mặc dù sài Gòn đã có bài học xương máu, nhưng Hà Nội lúc đó không rút kinh nghiệm".
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, không chỉ Sài Gòn, Hà Nội, số ca hàng ngày ở Nha Trang cũng tăng lên... nhưng ai cũng hiểu là dịch bệnh nguy hiểm và tìm mọi cách hạn chế tác hại của nó... Nhưng rõ ràng đó là cái giá phải trả nếu muốn khôi phục kinh tế. Ông Tạo nói tiếp :
"Bởi vì nền kinh tế đã gần như chết đứng trong một thời gian khá dài, hơn nửa năm vừa rồi, rất gay go, bế tắt, nên buộc lòng phải quay lại sản xuất kinh doanh để phục hồi dần dần. Bởi vì khi tạo điều kiện đi lại, sản xuất kinh doanh các thứ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng chuyện lây lan dịch bệnh, sẽ có điều kiện lây lan hơn nếu cứ phong tỏa, giới nghiêm như ngày xưa. Nhưng rõ ràng phong tỏ như ngày xưa thì cũng chỉ được một đoạn thời gian nào đó thôi, rồi cuối cùng cũng không thể nào kiềm hãm được, Sài Gòn đã có bài học như thế".
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã không có sự chuẩn bị đúng mức, nên rất lúng túng trong điều hành chống dịch, từ đó gây ra những sai lầm trong chính sách quốc gia phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến tình trạnh mỗi địa phương chống dịch mỗi kiểu.
Nguồn : RFA, 14/12/2021
*********************
5.500 xe chở nông sản Việt Nam bị ùn ứ tại các cửa khẩu do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát
VOA, 14/12/2021
Có khoảng 5.500 xe container chở hàng nông sản hiện đang bị mắc kẹt tại các cửa khẩu tiếp giáp với biên giới Trung Quốc khi nước này thắt chặt các biện pháp phòng chống Covid-19, truyền thông Việt Nam đưa tin hôm 14/12.
Nơi tập hợp xe nông sản bị ùn tắc ở cửa khẩu tại Lạng Sơn.
Thông tin trên được ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chia sẻ với báo chí tại Diễn đàn kết nối nông sản vào sáng 11/12.
Theo quan chức của Việt Nam, tính đến ngày 10/12, có khoảng 4.000 xe nông sản Việt Nam bị "mắc kẹt" ở các cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, Hữu Nghị, chưa thể thông quan, khiến các bãi tập kết xe đầy kín. Ngoài ra, có khoảng 1.500 xe khác cũng đang bị kẹt tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, theo VnExpress.
Theo giải thích của ông Hòa, số lượng thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma hiện bị giảm hơn một nửa so với trước đây, với khoảng 220 xe/ngày so với trước là 450 xe/ngày, khiến tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình chỉ có 500 xe/ngày. Những xe chở hoa quả như thanh long, mít đến cửa khẩu ở Tân Thanh phải mất từ 10-14 ngày mới được thông quan, khiến chất lượng hoa quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng ùn ứ xe nông sản tại cửa khẩu là do phía Trung Quốc ngừng thông quan trong ba ngày để xem xét diễn biến của đại dịch và thắt chặt kiểm soát, khử trùng đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Tuần trước, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, cho biết Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch Covid-19, trong đó có các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt như phải cách ly 6 – 7 tuần đối với thủy thủ đoàn trên tàu biển vào các cảng nên những nhà khai thác tàu trung chuyển tại các cảng ở miền Nam nước này đã quyết định tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến cho khoảng 1 triệu tấn nông sản của Việt Nam rơi vào nguy cơ khó tiêu thụ, làm gia tăng khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn VOA, 14/12/2021