Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 12 octobre 2022 15:01

Mã số định danh - lạm thu học phí

Lại thêm đề xuất của quan chức Nhà nước bị cho "ngớ ngẩn" !

RFA, 14/10/2022

Lãnh đạo Hà Nội mới đây đề xuất mỗi ô tô cần có mã định danh, số dư trong tài khoản để giúp việc quản lý tốt hơn. Đề xuất vừa nói do Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra khi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12/10/2022 và bị Chủ tịch Quốc hội Vương Đình cho rằng nếu Hà Nội quản lý tốt phí dừng, đỗ ôtô thì sẽ thu được nguồn lực cho ngân sách nhà nước không ít.

vn3

Mỗi ô tô cần có mã định danh - Ảnh minh họa

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 14/10 cho rằng :

"Ô tô thì đã có cách thức mà các nước đều dùng, tức là đăng ký tham gia giao thông, được gắn biển kiểm soát, tức là biển số xe và người ta thường quản lý theo biển số xe đó, như thế là đủ. Bây giờ chụp lên các cách thức kiểm soát khác mà vẫn lấy lý do là để cho chặt chẽ hơn, thì tôi cho rằng cái sự chặt chẽ nếu có từ đấy chính là làm phức tạp hệ thống quản lý hơn. Hiện nay Việt Nam vẫn cứ nên theo phương thức quản lý như các nước họ đang làm, một ô tô mua về muốn tham gia giao thông thì phải đăng ký, khi đăng ký thì phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người chủ xe".

Trong khi đó, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, hiện có bất cập khác tại Việt Nam liên quan việc quản lý người lái xe mà cơ quan chức năng cần quan tâm hơn :

"Ở Việt Nam hiện nay có tình trạng mua bán ô tô, nhưng không sang tên và vẫn cứ lấy tên người chủ xe cũ để đi, coi như là sử dụng xe của người khác. Để tránh điều này, Việt Nam cần hiện đại hóa hệ thống quản lý những người có bằng lái xe. Giống như ở các nước, một người có thể điều khiển xe người khác, nhưng lỗi xảy ra thì lái xe đó chịu trách nhiệm, chứ không phải chủ xe chịu lỗi tất cả. Những cái đó tôi cho rằng Việt Nam không cần sáng tác gì thêm cả, mà chỉ cần theo hệ thống quản lý, thông lệ như các nước khác đang làm".

Cũng tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12/10/2022, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng, muốn đạt được mục tiêu Nhà nước giao thì ngoài việc mỗi ô tô cần có mã định danh để dễ quản lý, thì phải có tài khoản ngân hàng với tiền được gởi vào để cơ quan chức năng thu phí đậu xe, phí vào trung tâm thành phố, phí cầu đường...

Trong khi trước đó, Thủ tướng Việt Nam vào ngày 19/7/2022 đã ra Chỉ thị từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc bắt đầu thu phí tự động không dừng toàn tuyến, bỏ làn hỗn hợp. Chủ xe sẽ bị phạt từ một đến hai triệu đồng nếu đi vào làn không dừng mà không sử dụng dịch vụ dán thẻ ETC. Khi đó Bộ Giao thông- Vận tải trong văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam còn đề nghị xe không dán thẻ thu phí không dừng ETC sẽ không được phép đăng kiểm.

Ông Đinh Kim Phúc, với tư cách một người dân sống ở Sài Gòn cho biết ý kiến hôm 14/10 :

"Hiện nay trong vấn đề quản lý nhà nước, rất nhiều quan chức khi phát biểu trước công chúng hết sức là ngây ngô buồn cười và hình như là họ không có được những kiến thức cơ bản của luật pháp, của ngành mà họ đang quản lý. Tôi lấy ví dụ mới đây thôi, khi trả lời về tình trạng thiếu xăng ở thành phố Hồ Chí Minh thì ông Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng vì có những xe còn nửa bình mà vẫn vào xếp hàng. Cũng như ông Chủ tịch thành phố Hà Nội mới đây đề xuất mỗi chiếc xe phải có mã số định danh, số tài khoản để dễ quản lý, để trả tiền phí... Tôi không biết ông ta có hiểu rằng chiếc xe nó giống như con người hay không, mỗi chiếc xe đã có một bản số do công an cấp, đó chính là định danh của chiếc xe để mà quản lý khi lưu thông, khi gây tai nạn, khi truy thu thuế"…

Không chỉ các quan chức Nhà nước đề xuất không thực tế, trong thời gian qua, không ít lần các Đại biểu quốc hội đã nêu lên công khai tại nghị trường những đề xuất vô bổ, không thiết thực thậm chí ngớ ngẩn... mà chính truyền thông Nhà nước loan tải. Tình trạng này khiến người dân không khỏi thắc mắc : ‘Sao một vị Đại biểu quốc hội, đa phần là cán bộ lãnh đạo các địa phương, lại ăn nói như vậy ?’

Đơn cử là vào buổi thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021, nữ Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, thuộc Đoàn Hà Nội, đã đề xuất xây dựng luật buộc nam giới mặc áo dài. Bà Khánh dẫn chứng việc khi đi tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến thắc mắc Đại biểu Quốc hội tại sao cứ bảo mặc lễ phục nhưng nữ thì được mặc áo dài, nam giới lại phải mặc comple (!?).

Hay vào tháng 11/2019, dư luận trên mạng xã hội bày tỏ sự ngán ngẩm khi Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đề xuất quy định ‘không để xe ở hầm chung cư vì… sợ cháy’. Theo bà Phương, mỗi xe có thùng xăng nên đậu xe hơi, xe máy dưới tầng hầm chung cư sẽ biến nơi đây thành những kho xăng, khi cháy sẽ không thể cứu chữa.

Hay trước đó, vào tháng 6/2019, Đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hưng cũng đưa ra một đề nghị gây bàn tán khi đề xuất ‘thu phí chia tay từ 3USD đến 5USD mỗi người, đối với mỗi công dân khi xuất cảnh.

Theo ông Đinh Kim Phúc, hiện nay có một sự bất cập là chức vụ không đi theo trình độ quản lý, trình độ quản lý một nơi chức vụ một nẻo, nên khi phát biểu chỉ làm trò cười cho người dân. Ông Phúc nhận xét thêm :

"Tôi thấy rằng đây là một hiện tượng phổ biến hiện nay, dù quan chức nào cũng hai ba bằng, thậm chí là bốn bằng cấp, hơn hẳn những người bình thường. Nhưng bằng cấp không nói gì lên trình độ của các quan chức hiện nay. Tất nhiên không phải tất cả các quan chức đều như vậy, nhưng khi xem báo, TV nghe phát biểu của quan chức thì thấy rằng thà ông ta không nói thì chúng ta con nghĩ ổng thông minh, có trình độ, còn khi ông ta mở miệng ra rồi... thì chỉ có nước lắc đầu ngao ngán".

Ông Phúc cho rằng, những phát biểu của quan chức như vậy thể hiện sự khinh dân, coi dân như cỏ rác... Cho rằng người dân chắc không hiểu gì hết và quan chức phụ mẫu có trách nhiệm phải dạy dân, phải làm cho dân biết rõ những điều mà họ cứ tưởng rằng dân không biết. Ông Phúc nói tiếp :

"Nhưng xin nhắc lại, đây là thời kỳ toàn cầu hóa, thời đại của internet, thời đại của khoa học kỹ thuật, mà như các quan chức thường nói là thời đại 4.0 chứ không phải thời đại của 0.4, không phải thời đại ngăn sông cấm chợ, thông tin không được cập nhật... Vấn đề này là một vấn nạn trong quản lý nhà nước hiện nay mà trung ương cần phải có những chấn chỉnh trong phát ngôn của các quan chức".

Một quan chức nhà nước hay một Đại biểu quốc hội phát biểu một cách ngô nghê khiến nhiều người cho rằng họ bây giờ là những người thích nói và không cần biết đúng hay không đúng đến mức nào. Họ không cần biết trách nhiệm trong phát biểu của mình có thể ảnh hưởng đến dư luận như thế nào ? Tại sao những người được cho là đại diện cho dân mà lại phát biểu không cần biết người dân nghĩ gì ?

Nguồn : RFA, 14/10/2022

***********************

Nhà trường mượn tay Hội Cha mẹ học sinh để lạm thu !

RFA, 13/10/2022

"Em cũng từng nói với phụ huynh rằng đừng có theo chung cái lớp này, sợ hoàn cảnh khó khăn, thực sự đóng góp không có nổi".

Đó là phát ngôn bà Tuyến trong một video clip được lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua. Báo chí Nhà nước cho biết, bà Tuyến là Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học An Hội ở quận Gò Vấp - Thành phố Hồ Chí MinhM.

vn4

Học sinh một trường tiểu học ở Hà Nội trong ngày khai giảng. Reuters

Ngoài việc bà Tuyến 'lộng hành' chỉ mặt những phụ huynh khó khăn nhưng vẫn cho con theo lớp, chuyện công khai tuyên bố việc thu tiền cho quỹ trước mặt hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm là điều khiến công luận bức xúc.

Cách đây năm năm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã ký ban hành công văn gửi Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên phạm vi cả nước về kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Công văn nêu rõ, cần chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng yêu cầu xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.

Với phát ngôn của bà Tuyến, rõ ràng yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã không được thực thi. Lý do vì sao ?

Thầy giáo Ngọc Sơn ở Thành phố Hồ Chí MinhM nêu quan điểm của ông với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger sáng 13 tháng 10 :

"Ở xứ này có nhiều cái lạ. Trong khi luật giáo dục nêu rõ PHỔ CẬP Tiểu học và Trung học cơ sở, nghĩa là nó phải miễn phí. Luật rành rành như thế nhưng mới đây tại Thành phố Hồ Chí MinhM, các đại biểu của dân, do dân, vì dân lại nhất trí tăng học phí lên gấp 5 lần so với hiện tại. Còn Sở Giáo Dục Hà Nội có báo cáo trên 72% phụ huynh được lấy ý kiến đồng ý tăng học phí. Như vậy Luật giáo dục một nơi họ làm một nẻo. Vì vậy chuyện các Sở Giáo Dục yêu cầu chấm dứt lạm thu nhưng các trường vẫn trắng trợn, lộng hành đẻ ra các khoản thu trên trời dưới đất để thu đến khô xương kiệt máu cha mẹ học sinh không còn là chuyện lạ nữa !"

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội thì nói :

"Đây là một tệ nạn rất là nghiêm trọng của ngành giáo dục. Gọi là lạm thu nhưng thực tế trong hệ thống pháp luật của Việt Nam không có từ nào là từ "lạm thu" cả. Phải gọi sòng phẳng đây là từ tham nhũng, cố ý làm trái, lợi dụng tín nhiệm để cố ý làm trái mà kẻ đứng đầu trong các trò tham nhũng này là hiệu trưởng các trường.

Chính các vị hiệu trưởng này được những đặc quyền rất lớn trong tay. Họ vừa là hiệu trưởng vừa là bí thư chi bộ. Quyền sinh sát của họ trong trường đi đôi với lòng tham vô đáy, lại được sự im lặng và tiếp tay của các cấp quản lý bên trên cho nên cá nhân hiệu trưởng lộng hành, bất chấp những tiếng gào thét của phụ huynh. Nó vẽ ra vô vàn những khoản thu vô lý. Hệ thống pháp luật Việt Nam thừa khả năng để xử lý hình sự các khoản thu đó".

Thầy Khoa khẳng định, hầu như 100% các trường học đều lạm thu nhưng chỉ có một số trường "bị lộ" như trường hợp trường Tiểu học An Hội ở quận Gò Vấp mà thôi. Phụ huynh đa số nhẫn nhục đóng tiền chứ không dám lên tiếng. Ông nói thêm :

"Ví dụ khi tôi ở trường Vân Tảo trước kia, quỹ Hội phụ huynh học sinh mỗi năm họ thu trên một tỷ đồng nhưng ngày Tết hay 20 tháng 11 họ chi cho giáo viên chúng tôi mỗi người một gói quà khoảng hai, ba trăm nghìn đồng nhưng họ bắt ký khống. Bao giờ anh em ký xong rồi thì kế toán và hiệu trưởng ra lệnh tiền số tiền vào sau. Họ tham nhũng trắng trợn như thế nhưng không một cá nhân nào lên tiếng đấu tranh hết. Một mình tôi lên tiếng nó thuê xã hội đen đánh tôi, trù dập tôi bảy năm không lên lương.

Muốn giữ được cái cao quý của ngành giáo dục thì phải triệt hạ bằng được các trò thu trái phép trong trường, tiến tới việc cấm triệt để không cho thu bất cứ cái gì trong trường học cả".

vn5

Học sinh của Trường Trung học phổ thông Marie Curie ở quận 3. Reuters

Mới đây, truyền thông Nhà nước trích dẫn phản ánh của một số phụ huynh, học sinh của Trường Trung học phổ thông Marie Curie ở quận 3 - Thành phố Hồ Chí MinhM rằng, nhà trường thu phí nghỉ giữa trưa tại lớp với giá 15.000 đồng/giờ cho mỗi học sinh. Nếu ai không có tiền đóng thì không được ngủ trong lớp, chỉ được quay lại lớp khi giờ học buổi chiều bắt đầu.

Còn tại trường Tiểu học Kỳ Trinh ở Hà Tĩnh, nhà trường yêu cầu mỗi học sinh lớp 1 phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, ngoài ra còn tiền mua rèm cửa, đóng quỹ cha mẹ học sinh. Tổng cộng gần 1 triệu đồng. Giáo viên lưu ý : nếu phụ huynh không đóng tiền mua bàn ghế, con không có chỗ ngồi học !

Theo quy định của Bộ giáo dục - Đào tạo, cơ sở vật chất ở các trường công lập đều được trang bị từ nguồn vốn Nhà nước. Vậy những khoản thu trên đều bị coi là những khoản thu vô lý nhưng thực tế nó vẫn tồn tại năm này qua năm khác.

Giáo sư Đặng Hùng Võ giải thích :

"Sự thực mà nói thì gốc gác của nó là lương của giáo viên ở Việt Nam quá thấp. Mà mức lương quá thấp thì họ lấy đâu ra để họ sống. Thế nên chỉ còn mấy người gọi là tử tế thì họ kiếm thêm trong phạm vi mà họ cho rằng chưa vi phạm đạo đức. Còn những người tệ hại hơn thì lại coi đây là dịp để "mượn gió bẻ măng" để kiếm những đồng tiền không phải do họ làm ra. Trường hợp các trường học cũng vậy thôi.

Chỉ có điều, khi trong một trường mà có mâu thuẫn giữa các giáo viên thì tất nhiên họ cũng phải chừng mực là bởi vì lạm thu sẽ bị giáo viên khác moi móc. Như thế nội bộ sẽ không ổn.

Còn nếu trong một trường mà họ "đoàn kết", tức là mọi người được sự chỉ đạo rất là đồng thuận với Ban Giám hiệu thì họ có thể đạt ra rất nhiều việc để lạm thu của phụ huynh học sinh.

Nếu chúng ta tạo ra được cái cơ chế để bản thân người giáo viên khi đi dạy mà thu nhập của họ đủ lo cho cuộc sống của họ thì chúng ta có thể xây dựng được một hệ thống giáo dục hiệu quả hơn. Như thế, những người có hành động thu sai cái này cái kia, tức là làm sai, sẽ bị đuổi thẳng cổ khỏi ngành. Xử lý rất dễ. Các giáo viên không cần phải nghĩ ngợi đến chuyện kiếm thêm mà tập trung tâm trí vào việc dạy dỗ thế hệ trẻ".

Mức lương giáo viên là vấn đề được nhiều người trong ngành giáo dục nói đến từ lâu nhưng cũng chưa giải quyết được.

Nguồn : RFA, 13/10/2022

Published in Video

Trong hai ngày 11 và 12/10/2022, Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (United States Institute of Peace - USIP) tổ chức hội thảo "Đối thoại về những di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia". Mục đích của hội thảo này là thúc đẩy giáo dục công và đối thoại giữa hai chính phủ và nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh. 

vn1

Hội thảo "Đối thoại về những di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia" do Viện Hòa Bình Hoa Kỳ tổ chức ngày 11 và 12 tháng 10 / 2022 Photo : RFA

USIP đã mời các học giả nghiên cứu ở các trường đại học, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các quan chức chính phủ hai nước tham dự và phát biểu. 

"Hàn gắn vết thương chiến tranh"

Chủ đề của phiên họp toàn thể ngày đầu tiên của hội thảo là "Hàn gắn vết thương chiến tranh". Trợ lý Điều hành của Văn phòng Châu Á, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Michael Schiffer cho rằng hàn gắn vết thương chiến tranh là một cuộc hành trình dài. Hậu quả chiến tranh không kết thúc khi chiến tranh kết thúc. Cuộc hàn gắn tổn thương chiến tranh có thể cũng đau đớn và những chấn thương tinh thần có truyền lại qua nhiều thế hệ. Những di sản chiến tranh ảnh hưởng đến thân thể, tinh thần, tình bạn và nền chính trị của tất cả chúng ta. 

Đại diện cho tiếng nói của Nhà nước Việt Nam, cựu Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng cuộc hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ không chỉ do quan chức chính phủ hai nước thưc hiện mà còn nhờ nỗ lực của "xã hội dân sự". Bà cho rằng "bình thường hóa quan hệ" là bước đầu tiên rồi mới thực hiện được bước thứ hai là "hòa giải". Bà cựu Đại sứ cho rằng "hòa giải" là khái niệm "nhạy cảm" với một số người trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Cuộc hòa giải của hai nước Việt - Mỹ, theo bà, "thật không may, bị cản trở bởi một số người Mỹ gốc Việt thiếu linh hoạt". Bà kể về những người Mỹ gốc Việt trở về quê cũ để kinh doanh và coi đó là như là tấm gương. 

Jed Royal, đại diện cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, điểm lại những thành tựu của chính phủ hai nước trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, như làm sạch ảnh hưởng của chất độc màu da cam, rà gỡ bom mìn còn sót lại, tìm kiếm cựu binh Mỹ và cựu binh Bắc Việt mất tích trong chiến tranh và cuối cùng nêu những triển vọng phát triển trong hiện tại và tương lai. 

vn2

Tàu chở hàng đưa những người tị nạn Việt Nam lên khi họ chạy khỏi Đà Nẵng hôm 1/4/1975. AP

Những cách nhìn khác về hòa giải

Là diễn giả tại hội thảo, Giáo sư Alex Thái Võ (Trung tâm Việt Nam học, Đại học Kỹ thuật Texas) cho rằng không thể bàn về hòa giải Việt Mỹ trong khi vờ như không nhìn thấy những nạn nhân Việt Nam Cộng Hòa của cuộc chiến và những chấn thương tinh thần thời hậu chiến của họ. Người ta thảo luận với nhau có bao nhiên binh sĩ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã chết và mất tích trong chiến tranh, nhưng không ai quan tâm có bao nhiêu binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã mất tích trong cuộc chiến đó. 

Bản chất của cuộc chiến 1954 - 1975, Giáo sư Alex Thái Võ phân tích, là một cuộc nội chiến giữa những người Việt Nam khi xung đột về hai tầm nhìn khác nhau xây dựng đất nước Việt Nam sau khi chủ nghĩa thực dân kết thúc. Một bên đi theo con đường con đường cộng sản và bên kia nỗ lực tìm cách xây dựng thể chế dân chủ, tự do, thị trường. Những người Cộng sản ở Miền Bắc đã mạ lị những người khác biệt chính kiến ở Miền Nam là "phản quốc", "tay sai", sử dụng chủ nghĩa dân tộc để loại trừ những người đối lập. Đến nay chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm những những tuyên truyền và giáo dục thóa mạ như vậy vẫn không thay đổi. Làm sao cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể chủ động tự mình hòa giải với Chính phủ Việt Nam, khi mà "bên thắng cuộc" vẫn chưa thay đổi chính sách và tuyên truyền thù nghịch với cha ông họ ?

Ông Tuấn Tôn, một thính giả của hội thảo, cho biết có nhiều người đã nỗ lực đi tìm thi thể của người thân và đồng đội Việt Nam Cộng Hòa mất tích trong chiến tranh hoặc chết trong các trại cải tạo nhưng bị cản trở và không được hỗ trợ. Lý do là cách thức vận hành của hệ thống chính quyền và tâm lý thù địch khiến không có một cá nhân nào trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam ngày nay thực sự có đủ lòng dũng cảm và động lực quan tâm giúp tìm kiếm những người đồng bào Việt một thời bên kia chiến tuyến đã bị mất tích hoặc chết trong các trại cải tạo. Trong khi đó, chính phủ hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam ngày nay thì có động cơ, động lực để giúp tìm hài cốt binh lính Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mất tích trong chiến tranh. 

Một diễn giả của hội thảo, ông Phillip Nguyễn, đến từ tổ chức dân sự Viet Benevolence Foundation ở Mỹ, cho rằng cần tránh cách nhìn cho rằng hòa giải Việt Nam và Hoa Kỳ có thể thực hiện được mà không cần quan tâm đến những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh cũng như những chấn thương tinh thần mà những người Việt Nam Cộng Hòa đã chịu đựng sau cuộc chiến. Rất nhiều người Việt Nam Cộng Hòa đã chết trong các trại cải tạo sau cuộc chiến mà gia đình vẫn chưa nhận được thi thể họ. 

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt và chính phủ Việt Nam khác nhau như nước và dầu hỏa - ông Phillip Nguyễn giải thích cách nhìn của mình về hòa giải bằng một ẩn dụ như vậy. Người ta lâu nay bàn về hòa giải theo cách giống như trộn nước và dầu hỏa với nhau, lắc lắc cho chúng hòa tan vào nhau. Nhưng do bản chất của hai loại chất chất lỏng này, chỉ cần ngưng lắc, dầu hỏa và nước lại tự động tách rời khỏi nhau. Con đường để đi đến hòa giải đích thực, theo ông Phillip Nguyễn, là phải tạo ra được một chất xúc tác, pha vào nước và dầu hỏa, làm cho nước và dầu hỏa có thể hòa tan vào trong nhau. Để hòa giải đích thực, cần có một cuộc tiến hóa như vậy. Theo ông Phillip Nguyễn, các quan chức chính phủ hai nước Việt Mỹ phải nhìn thẳng vào sự thật đó để cuộc hành trình đi đến hòa giải có thể có kết quả đích thực. 

Nguồn : RFA, 12/10/2022

Published in Việt Nam

Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật cư trú theo hướng bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú để quản lý dân cư thông qua hình thức mã số định danh cá nhân qua Dự thảo lần 2 Luật Cư trú (sửa đổi). Dự thảo bắt đầu lấy ý kiến người dân từ ngày 19 tháng 2 đến ngày 19 tháng 4 năm 2020.

hokhau1

Năm 2020 tất cả trẻ sơ sinh sẽ được cấp mã số định danh - Mẫu giấy khai sinh có mã số định danh cá nhân. Ảnh : Bá Đô

Việc thay đổi này được Bộ Công an cho là sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Quản lý người dân bằng hộ khẩu được Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp dụng ở miền Bắc từ thập niên 1950. Đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cách quản lý này được áp dụng trên toàn cõi Việt Nam. Cuốn sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp và liên quan đến hầu như mọi lĩnh vực cuộc sống của người dân. Mấy chục năm qua, hộ khẩu vẫn là cái "vòng kim cô" trên đầu người dân như nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân từ Hà Nội từng nhận xét :

"Sổ hộ khẩu thì luôn như một cái vòng kim cô treo lên đầu mỗi người dân Việt Nam. Bản thân tôi là một người học về luật nhưng cũng không hiểu ý nghĩa tích cực của hộ khẩu nằm ở chỗ nào, ngoài việc ràng buộc con người trong việc di chuyển không gian hay lãnh thổ thì đều phải báo cáo. Người công an luôn tự cho mình cái quyền rất lớn trong việc xâm nhập vào tư gia của người dân cũng như các công ty, xí nghiệp để kiểm tra xem có ai ở đó".

Vị luật sư nói thêm rằng, về ý nghĩa nhân văn, khi con người bị ràng buộc vào những thủ tục vô giá trị như vậy thì sự tự do và nhân phẩm của con người bị hạ xuống rất nhiều.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung coi chính sách quản lý công dân bằng hộ khẩu là vi phạm quyền an cư, hạn chế quyền đi lại tự do, quyền không bị phân biệt đối xử và quyền được hưởng an sinh xã hội của người dân. Anh nói thêm :

"Tôi thấy chế độ hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng rất lớn về cơ hội đối với người dân. Hầu hết các quốc gia trên thế giới không ai quản lý bằng hộ khẩu cả, cần phải bãi bỏ !"

Đây không phải lần đầu cơ quan chức năng Việt Nam đề cập đến việc bãi bỏ cuốn sổ hộ khẩu.

Trong Nghị quyết 112/NĐ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30 tháng 10 năm 2017 có điều khoản bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "Sổ hộ khẩu".

Một tuần sau đó, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Công An rằng không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu. Theo ông Vệ, các cơ quan chức năng sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy với Bộ Công An chỉ khi nào thu thập xong cơ sở dữ liệu dân cư. Ông khẳng định rằng chắc chắn đến năm 2020 sẽ làm xong cơ sở dữ liệu này. Lúc đó, Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu. Cuối cùng việc đó cũng đến. Tiến sĩ Xã hội học Phạm Quỳnh Hương nói với RFA :

"Việc quản lý dân cư để điều tra, thống kê dân số, giữ an ninh trật tự xã hội thì chúng tôi ủng hộ, nhưng dùng hộ khẩu để làm khó dân, để kiểm soát mọi sinh hoạt, đời sống người dân thì cần bãi bỏ vì nó không thể hiện nếp sống văn minh, vi phạm quyền của người dân".

Muốn hội nhập thì phải thay đổi

hokhau2

Những đứa trẻ Việt Nam trở về nước từ Campuchia hôm 24/3/1993. AFP

Chuyện cái hộ khẩu không còn là ‘chuyện nội bộ’ khi Việt Nam muốn hội nhập.

Giữa năm 2016, trong buổi hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội, ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cho người dân.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cũng có cùng nhận định.

"Việc bỏ hộ khẩu đã được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội kiến nghị nhiều lần và rất là lâu rồi. Hai mươi năm trở lại đây có nhiều nghiên cứu kiến nghị là bỏ hộ khẩu, thế nhưng vẫn chưa được.

Việc quản lý dân cư là cần thiết, nhưng với chính sách tất cả mọi thứ đều dựa vào hộ khẩu như thời bao cấp là một điều bất cập. Có một sự bất bình đẳng giữa người có hộ khẩu và người không có hộ khẩu. Người không có hộ khẩu rất khó khăn và thiệt thòi khi tiếp cận những dịch vụ công cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh trong đời sống".

Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công an và am hiểu về các thủ tục hành chính ngành này cho rằng việc bãi bỏ hộ khẩu là việc đáng lẽ phải làm từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới chỉ đề xuất, bởi còn duy trì sổ hộ khẩu thì các cán bộ công quyền còn lợi dụng việc này để hành dân. Điều đó chỉ có hại cho xã hội và đất nước :

"Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay luôn quản lý xã hội theo mô hình quản lý hộ khẩu. Đây là cách thức quản lý mà có lẽ chỉ một vài nước lạc hậu trên thế giới đeo đuổi thôi. Nhiều nước không lạc hậu nhưng người ta theo thể chế toàn trị, quản lý từng con người đến tận thôn xóm. Họ muốn duy trì điều đó bất kể sự phiền hà hay khổ sở của người dân".

Cho đến bây giờ, chỉ còn ba nước trên thế giới duy trì chế độ hộ khẩu là Việt Nam, Bắc Hàn và Trung Quốc. Trong đó Trung Quốc cũng có nhiều lần cải cách với mục đích quản lý người dân thành phố chặt chẽ khi mật độ người dân từ thôn quê đổ về thành thị quá đông kể từ khi mở cửa kinh tế vào năm 1978, lộ rõ những bất cập.

Từ giữa năm 2001, Trung Quốc bắt đầu thực hiện vài cuộc cải cách hộ khẩu nhỏ. Đến năm 2005 cải cách được nhân rộng tại một số thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thượng Hải.

Cho đến năm 2014, chính phủ Trung Quốc lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ cấp mới 100 triệu "hộ khẩu thành thị" cho người dân.

Việt Nam là một nước có cùng thể chế chính trị, nên nhiều người cho rằng, việc cải cách hộ khẩu ở Việt Nam cũng là học theo Trung Quốc. Nhà báo Võ Văn Tạo lập luận :

"Theo tôi biết thì Trung Quốc đã làm trước rồi, mà Việt Nam hay học Trung Quốc vì cùng một thể chế chính trị. Các thể chế nhà nước cộng sản độc tài lúc nào cũng muốn kiểm soát người dân thật lỹ lưỡng, quá mức cần thiết. Bây giờ muốn hòa hợp với quốc tế thì phải thay đổi sao cho văn minh hơn".

Theo những gì mà Bộ Công An nêu ra trong dự thảo đang lấy ý kiến người dân, thì sau khi chuyển sang quản lý hộ khẩu điện tử, công dân có quyền được bảo đảm bí mật thông tin.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 24/02/2020

Published in Diễn đàn