Bài ‘Đánh Thức Tiềm Lực’ của nhà thơ Nguyễn Duy được trích đưa vào đề thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia môn Văn năm nay. Một số ý kiến cho rằng sứ mệnh ‘đánh thức tiềm lực’ và ‘tiềm lực còn ngủ yên’ như trong đề bài đưa ra dành cho học sinh đã không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay. RFA có bài tìm hiểu về chủ đề này với chính tác giả bài thơ cùng một số người khác.
Các em học sinh trung học tham dự lễ khai giảng năm học mới tại Hà Nội vào ngày 5 tháng 9 năm 2016. AFP
Nhiều ý kiến trên mạng xã hội hầu như đều cho rằng đề thi năm nay hay, có nhiều điểm để mổ sẻ và tràn đầy tính thời sự. Nghệ sĩ Huyền Đan bày tỏ chính kiến của mình khi được hỏi về tiềm lực nào còn ngủ yên.
Tiềm lực ngủ yên ở đây em phân tích hai khía cạnh. Một là tiềm lực nghĩa đen là thiên nhiên thì đối với em đã tan nát rồi. Bây giờ là đến thời kỳ con người phải phụng sự thiên nhiên thì đối với em tiềm lực đó không còn nữa. Còn tiềm lực về nghĩa bóng, về con người, về xã hội thì đối với mình vẫn còn niềm tin chứ. Mình vẫn mong là xã hội sẽ tốt hơn, đẹp hơn, và cơ bản là vấn đề nhìn nhận về quyền con người phải được trỗi dậy.
Tuy vậy, Huyền Đan nhận xét tư duy ‘đánh thức tiềm lực’ trong trích đoạn mà đề bài đưa ra là một tư duy cũ.
Đó là tư duy của cách đây hai ba chục năm trước. Thời Tố Hữu ngợi ca Việt Bắc, rừng vàng biển bạc, thời Việt Nam mình còn trù phú. Cái tư duy của trích đoạn bài thơ là muốn con người đánh lực tiềm lực để sở hữu thiên nhiên, còn những vấn đề xã hội sâu xa hơn thì có thể không đúng tầm của những em nhỏ học phổ thông dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.
Đồng quan điểm trên với Huyền Đan, tác giả Nguyễn Duy cho biết rằng tiềm lực trong con người ở phần cuối của bài thơ, phần không được trích dẫn trong đề thi, mới là điều ông trăn trở hiện nay. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng nhận xét tiềm lực thiên nhiên đã có rất nhiều thay đổi so với thời điểm ông sáng tác bài thơ hơn 30 năm về trước.
Tài nguyên thiên nhiên thì bị cạn kiệt, hao mòn nhiều lắm rồi. Nhưng còn tiềm lực trong con người thì trong giờ phút này vẫn còn ngủ yên. Nhưng điều quan trọng của bài thơ là ở phần cuối cơ chứ không phải ở phần đầu này. Phần đầu chỉ là mào đầu thôi mà phần cuối mới nói lên tiềm lực của con người.
Nhà thơ Nguyễn Duy. Photo : RFA
Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Duy nhận định với đường lối giáo dục hiện hành, nhà trường Việt Nam vẫn chưa thể đưa đoạn cuối trong bài Đánh Thức Tiềm Lực của ông vào. Ông cung cấp cho Đài Á Châu Tự Do một số câu thơ, trích đoạn như sau.
Cần lưu ý/ lời nói thật thà có thể bị xử tội/ lời ninh hót dối lừa có thể được tuyên dương/ đạo đức giả có thể thành dịch tả/ lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường.
Từ xưa đến nay, vấn đề giáo dục luôn được giới lãnh đạo và trí thức đưa ra bàn luận nhằm xây dựng một hệ thống dạy học trang bị kỹ năng và nâng cao kiến thức cho học sinh, sinh viên, những người chủ tương lai của đất nước. Tuy vậy, chương trình giáo dục xã hội chủ nghĩa lâu nay có thể giúp ‘đánh thức tiềm lực’ của lớp trẻ ?
Huyền Đan nhận xét về nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Đối với em đó là một nền giáo dục một chiều, bảo thủ và ấu trĩ. Cho nên thật ra mình cần một nền giáo dục khai phóng hơn. Nếu những người làm giáo dục mà đánh thức tiềm lực đúng thì phải cải tổ một nền giáo dục đa chiều thôi. Nền giáo dục một chiều nó còn liên quan đến một vấn đề là : đề thi ra như vậy nhưng ba rem chấm điểm lại khác à. Hễ nói khác ba rem thì không có điểm. Mà không có điểm thì không vô được đại học vậy thôi.
Nhà thơ Nguyễn Duy thì thẳng thắn nhận xét rằng nền giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay không chỉ bị chính trị hóa một chiều mà còn méo mó và sai lạc.
Một nền giáo dục hụt hẫng, méo mó và có thể nói là sai lạc về đường đối giáo dục. Theo chuẩn mực của giáo dục nhân loại thế giới thì ta vẫn bưng bít, áp đặt nhiều thứ lắm chứ không khai thác được cái tự chủ, sáng tạo của học sinh. Chương trình xã hội như Văn, Sử thì bị chính trị hóa quá mạnh, chính trị một chiều.
Bên cạnh nền giáo dục cần nhiều cải tổ, thái độ sống của những người xung quanh cũng góp phần xây dựng phẩm cách cho các em học sinh. Quan sát các buổi thi tốt nghiệp phổ thông năm nay, một giảng viên Đại học tại Sài Gòn trăn trở lên trang mạng cá nhân.
Thấy mấy đứa nhỏ thi cử tội quá, tương lai mù mịt với ba mớ kiến thức "cơ bản", không được trang bị bất kỳ hành trang nào để bước vào đời ngoài áp lực, căng thẳng và nỗi sợ hãi. Những ông cha bà mẹ thì cứ một kiểu không quan tâm đến sự đời, ra sao thì ra, làm sao mà thay đổi được..., chỉ cần hết lòng thương con… bỏ mặc một cái kết không có hậu cho cuộc sống tương lai của những đứa nhỏ.
Trước thái độ thờ ơ tình hình chính trị xã hội của nhiều người, nghệ sĩ Huyền Đan cho rằng các em học sinh hiện nay sẽ khó có được kiến thức và sự dũng cảm để bày tỏ chính kiến khi chính các thế hệ đi trước là những kẻ ‘đớn hèn.’
Vấn đề đặt ra là những em nhỏ ở lứa tuổi đó, đề bài đặt ra vấn đề nghị luận xã hội hay ho như vậy nhưng lại đâu đủ kiến thức để phản biện nghị luận xã hội. Rõ ràng là nhiều thế hệ khác cũng đâu nói, thầy cô cũng không nói, thầy cô cũng đớn hèn, nền giáo dục đớn hèn, cha mẹ chú dì cũng đớn hèn thì làm sao đủ kiến thức phản biện xã hội.
Huyền Đan cho biết thêm vấn đề phản biện nghị luận xã hội đòi hỏi một người phải trưởng thành trong nền tảng gọi là ‘quyền cơ bản của con người’ và đối với anh, muốn thay đổi thế hệ thế hệ trẻ thì đòi hỏi nhiều thế hệ khác cùng phải hành động, không thể im lặng một cách ‘đớn hèn.’
Nguồn : RFA, 26/06/2018
Trên bình diện quốc tế, có nhiều sự kiện "không bình thường" đã và đang xảy ra như Brexit ở Anh, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, thủ lĩnh đảng cực hữu Pháp Le Pen lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống Pháp, tổng thống Recep Erdogan thành công trong việc chuyển đổi chế độ chính trị Thổ Nhĩ Kỳ từ "đại nghị" sang "tổng thống"… Cho chúng ta cảm tưởng rằng dân chủ đang thoái trào ?
Tuổi trẻ Việt Nam - Ảnh minh họa
Tại Việt Nam cũng vậy, phong trào dân chủ có vẻ rã rượi thay thì phát triển, các tổ chức xã hội dân sự vẫn duy trì cầm chừng các hoạt động trong khi các tổ chức chính trị dân chủ đối lập gần như vắng bóng trong đời sống chính trị tại Việt Nam.
Một sự thực buồn là ở Việt Nam những người tranh đấu cho dân chủ vẫn chưa nhiều. Đa số người dân vẫn còn thờ ơ với chính trị trừ những người bị ảnh hưởng trực tiếp và là nạn nhân của chế độ. Một số ý kiến cho rằng chính quyền cộng sản còn mạnh nên không thể làm gì được, trí thức Việt Nam thì cho rằng "làm chính trị" chỉ là để tranh dành quyền lực, ai cầm quyền rồi cũng thế, chính trị là xấu xa nhơ bẩn nên người tử tế phải tránh xa…
Ai cũng có lý do "chính đáng" để tránh né chính trị, khi người tốt và tử tế tránh né chính trị thì những kẻ xấu và cơ hội sẽ cầm quyền và hiện tại của xã hội Việt Nam ngày hôm nay chính là hậu quả của sự tránh né đó. Sự tồi tệ chưa kết thúc vì nó đang còn ở phía trước. Cứ nhìn vào tình hình Venezuela là có thể hình dung ra xã hội Việt Nam trong tương lai.
Làn sóng dân chủ thứ Tư đang khựng lại trên toàn thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam vì một lý do quan trọng, người dân đang mải mê hưởng thụ thành quả kinh tế của làm sóng dân chủ thứ Ba, đánh dấu bởi sự sụp đổ của thành trì xã hội chủ nghĩa Liên Xô năm 1991. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người mà sự phát triển kinh tế lại phát triển thịnh vượng như thời gian qua. Cánh cửa của các quốc gia độc tài khét tiếng như Trung Quốc, Nga, Việt Nam đều được mở toang để đón nhận làn sóng đầu tư từ các nước tư bản.
Sau một thời gian mở cửa và hội nhập (rón rén) với thế giới văn minh, kinh tế Việt Nam đã thay đổi khá nhanh. Một số bộ phận dân chúng giàu lên trông thấy. Đồng đô-la không mùi, không vị nhưng có sức quyến rũ mạnh mẽ với những người vừa thoát ra khỏi đói kém và sự thiếu thốn mọi thứ. Người Việt Nam lao vào kiếm tiền và xài tiền. Mọi giá trị trong cuộc sống đều đặt trên một thứ duy nhất, đó là tiền. Ai có tiền là người đó có sức mạnh, có lẽ phải, có giá trị. Người ta không quan tâm đến việc anh kiếm tiền bằng cách nào, tham nhũng, ăn cắp, buôn ma túy… chẳng sao hết. Ngu thì bị bắt còn không thì vẫn là …người tài. Cả xã hội Việt Nam quay cuồng trong đồng tiền.
Xã hội Việt Nam đang phát triển một cách hoang dại, dã man và đó là cũng giai đoạn tự nhiên trong tiến trình quá độ từ chổ thiếu đói lên tư bản rừng rú như hồi đầu thế kỷ 19 tại các nước tư bản. Hưởng thụ các thu vui cho bản thân như nhà đẹp, xe đẹp, gái gú, ăn nhậu, chơi bời, cờ bạc… đang là lẽ sống của đa số những người Việt Nam có tiền. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn và nguy hiểm nhưng không mấy ai quan tâm vì đó là chuyện của nhà nước và đó là chuyện…chính trị.
Cũng khó trách người dân, bao năm vất vả, ăn đói mặc rách giờ có chút điều kiện phải tranh thủ hưởng thụ bởi họ cho rằng đời người vốn ngắn ngủi. Người có tiền và có tuổi thì tranh thủ hưởng thụ, lớp thanh niên thì cố gắng kiếm tiền để có điều kiện hưởng thụ. Giai đoạn quá độ này đang sắp chấm dứt, cuộc vui nào cũng tàn, ăn chơi mãi cũng chán và khi đó người ta sẽ tự hỏi, đâu là giá trị thực sự của cuộc sống ? Ta là ai ? Ta cần gì ? Ta đang ở đâu ?
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam không chỉ mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho nền kinh tế đất nước mà còn mang người Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến Việt Nam. Càng đi nhiều người Việt Nam càng được mở mang đầu óc và họ sẽ nhận ra rằng Việt nam quá thua kém và thua kém một cách hổ nhục so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến trên thế giới. Càng đi nhiều, biết nhiều chúng ta càng thấy ngậm ngùi và thương cảm cho con người và đất nước Việt Nam.
Rồi đến lúc người Việt Nam sẽ hiểu rằng, nếu không có một chế độ chính trị lành mạnh, được người dân lựa chọn và thực sự phục vụ người dân thì đất nước không thể nào phát triển được. Một người dù có giỏi giang và khả năng đến đâu nhưng nếu không được đối xử và có cơ hội bình đẳng thì cũng không thể phát huy được khả năng của bản thân và không thể thành công trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống.
Rồi đến lúc người Việt Nam sẽ nhận ra rằng các giải pháp cá nhân, luồn lách và dẫm đạp lên người khác không thể mang lại kết quả tốt đẹp. Rồi sẽ đến lúc người Việt Nam sẽ nhận ra rằng chính trị rất quan trọng, nó quyết định từ giá cả của chai nước mắm đến chiếc xe mà bạn đang đi, từ công việc đến ngôi nhà mà bạn muốn có.
Vậy quan tâm đến chính trị bằng cách nào ? Ai mới là người cần quan tâm chính trị nhất ? Tất nhiên là ai cũng cần phải quan tâm đến chính trị vì giá của mỗi lít xăng bán ra đâu có phân biệt bạn già hay trẻ, nghèo hay giàu, khôn hay dại ? Thành phần cần quan tâm nhiều nhất đến chính trị, theo chúng tôi đó là tầng lớp thanh niên. Lý do cũng rất giản dị, tương lai của tuổi trẻ còn rất dài ở trước mặt. Xã hội phát triển lành mạnh hay hoang dã thì chính tầng lớp thanh niên sẽ được thụ hưởng hoặc phải gánh chịu. Thanh niên Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời bình (sau năm 1975) nên các bạn không phải chứng kiến sự kinh khủng của chiến tranh nên sự đau khổ và thù hận trong bạn không có, các bạn không nợ nần hay chịu ân huệ gì của chế độ và quan trọng nhất là các bạn được lớn lên trong kỷ nguyên của internet. Các bạn dễ dàng tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin đa dạng và đầy đủ. Các bạn sẽ nhận ra được đâu là sự thật, đâu là dối trá và từ đó các bạn sẽ biết mình cần làm gì.
Thế hệ cha ông của chúng ta với di sản hạn chế của tư tưởng Khổng giáo phong kiến và cộng sản cực đoan đã và đang kết thúc vai trò lịch sử của mình. Thế hệ thanh niên ngày hôm nay phải tự lập và làm chủ cuộc đời mình. Không thể phó mặc mọi chuyện liên quan đến bản thân cho số phận, tử vi, chính quyền và các đảng phái chính trị. Dám nghĩ, dám làm, dám mơ ước thì tương lai và số phận của tuổi trẻ Việt Nam sẽ khác đi.
Thay vì làm nạn nhân của thời cuộc thì các bạn nên làm tác nhân để thay đổi thời cuộc. Cơ hội luôn đến với những người dám nghĩ và dám làm. Chỉ có những người không làm gì thì mới không được gì còn những người đã có ước mơ và biết hành động thì sẽ thu được kết quả, không nhiều thì ít.
Trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có những thành viên trẻ đang phải bươn chải lo cho cuộc sống gia đình với những công việc rất bình thường như công nhân, lái xe, bán hàng…nhưng "giấc mơ Việt Nam" của các bạn trẻ đó rất lớn : giấc mơ thay đổi lịch sử Việt Nam. Chúng tôi tin là các bạn trẻ sẽ viết nên những câu chuyện cổ tích cho Việt Nam trong thế kỷ 21.
Các bạn trẻ Việt Nam nếu chưa chọn được cho mình một tổ chức chính trị phù hợp để dấn thân và nếu các bạn chia sẻ cùng chúng tôi "giấc mơ Việt Nam" thì hãy tìm hiểu và tham gia cùng chúng tôi. Nhiệm vụ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong giai đoạn này là xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt khoảng 500 người, đó là những người hiểu rõ về tư tưởng chính trị và lập trường của tổ chức thông qua tài liệu Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai và tài liệu Văn Hóa Tổ Chức. Nhiệm vụ thứ hai là đem tư tưởng chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đến với mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ tiến hành một cuộc vận động tư tưởng trước để dẫn đường cho một cuộc cách mạng dân chủ trong tương lai. Chúng tôi tin rằng khi nào đa số người dân Việt Nam chia sẻ và đồng thuận với tư tưởng và các giá trị mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị thì khi đó sự thay đổi sẽ đến với Việt Nam.
Các bạn trẻ muốn dấn thân để thay đổi tương lai cho mình và cho cả dân tộc thì bắt buộc phải tham gia vào một tổ chức chính trị vì đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức với nhau chứ không phải đấu tranh cá nhân. Việt Nam có rất nhiều nhân sĩ nổi tiếng nhưng họ không thể làm gì được chính quyền. Di sản nặng nề của văn hóa Khổng giáo khiến họ không thể tham gia và ủng hộ cho các tổ chức dân chủ đối lập. Các bạn trẻ Việt Nam phải khác và phải khá hơn các bậc tiền bối vì "con hơn cha, nhà có phúc". Các bạn cần chủ động và dấn thân vào chính trị bằng cách tham gia vào một tổ chức chính trị để cùng tạo ra một lực lượng chính trị hùng mạnh để giải quyết các vấn đề chính trị cấp bách tại Việt Nam.
Các bạn trẻ muốn đến với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì phải chia sẻ và đồng ý với những tư tưởng, giá trị và phương pháp hành động của chúng tôi. Các bạn phải chấp nhận và tuân thủ những lập trường và nguyên tắc của tổ chức ví dụ như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương tranh đấu ôn hòa thì bạn không thể kêu gọi và cổ vũ cho bạo lực. Hoặc có những ý kiến mà bạn cho là hay nhưng không (hoặc chưa) được tổ chức ủng hộ thì bạn cũng phải kiên nhẫn, chấp nhận và chờ đợi. Phải hy sinh ít nhiều cái tôi và sự chủ quan của bản thân. Môi trường của tổ chức sẽ giúp các bạn trau dồi kiến thức về chính trị, về sự hợp tác, liên đới, khả năng cùng làm việc chung với nhau, sự chịu đựng và sống chung với những quan điểm và ý kiến khác biệt…
Chắc chắn các bạn sẽ trưởng thành và "lớn lên" rất nhiều nếu các bạn chịu đựng được sự bó buộc trong sinh hoạt của tổ chức. Suy cho cùng thì ai cũng phải chấp nhận ít nhiều các nguyên tắc khi muốn đứng vào một tập thể nào đó, kể cả trong hôn nhân, ví dụ như khi bạn lấy vợ, lấy chồng thì bạn phải hy sinh ít nhiều tự do của mình để đổi lấy hạnh phúc của một gia đình. Sự đánh đổi nào cũng có giá của nó. Chỉ những người biết đánh đổi mới có thể cảm nhận được sự quí giá và cao cả của sự hy sinh.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn vui mừng và chào đón các bạn trẻ Việt Nam tham gia cùng với chúng tôi. Chỉ mong rằng các bạn hãy tìm hiểu và đọc kỹ Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 trước đó để chúng ta hiểu nhau hơn và không bị thất vọng hay lầm tưởng khi đến với chúng tôi.
Thế giới đang trong giai đoạn xét lại đau đớn. Rồi thế giới văn minh sẽ nhận ra rằng, dù phát triển đến đâu đi nữa thì các giá trị nền tảng của loài người như hòa bình, hợp tác, bao dung, lương thiện, liên đới, tự do, dân chủ, bình đẳng và chia sẻ…vẫn mãi mãi là những giá trị mà con người hướng tới. Rồi các chính trị gia trên thế giới sẽ nhận ra rằng không thể tránh né những vấn đề nhức nhối đang diễn ra trước mắt người dân, phải thành thật và thẳng thắn nói rõ cho người dân hiểu những gì đang xảy ra và làm thế nào để giải quyết được những vấn nạn đó, nếu không người dân sẽ nổi giận và ủng hộ cho các khuynh hướng và các chính trị gia cực đoan.
Việt Hoàng
(08/05/2017)
Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh gây ra đã hơn một năm. Tuy nhiên cách hành xử của chính quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương không giúp giải quyết được tác hại mà dân chúng phải gánh chịu lâu nay.
Những người phản đối biểu tình chống lại tập đòa n Formosa xả thải độc hại ra biển tại Hà Nội vào ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Trong chuyên mục Diễn Đàn Bạn Trẻ kỳ này chúng tôi ghi nhận ý kiến của những thanh niên đang quan tâm đến môi trường biển bị ô nhiễm ở khu vực các tỉnh miền Trung do Formosa gây nên.
52/53 lỗi vi phạm của Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh đã được khắc phục, chỉ còn một hạng mục "từ dập cốc ước sang dập cốc khô" sẽ được hòa n thành vào năm 2019.
Nội dung trên nằm trong biên bản đánh giá của Bộ tài nguyên và môi trường đưa ra tuần qua sau khi thực hiện công tác kiểm, cùng với lời yêu cầu Chính phủ phê duyệt cho phép Formosa "hoạt động trở lại".
Quyết định này gây bức xúc cho những người đã và đang đấu tranh cho một môi trường sạch, đòi lại quyền lợi cho người dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Lê Nhàn, bạn trẻ ở Nghệ An lên tiếng :
"Em rất bức xúc, một nhà máy xả thải như thế, trước đây cá chết và hiện tại cá vẫn chết như thế, nước biển lúc xanh lúc đỏ mà vẫn cho nhà máy hoạt động, đó là một cái vấn đề rất bức xúc, 1 vấn đề đang giết hại dân Việt, không thể nào chấp nhận được".
Đồng thuận với Lê Nhàn là khẳng định "Formosa không thể hoạt động lại" của Nguyễn Phương, một bạn trẻ đấu tranh, từ Sài Gòn. Nguyễn Phương phản đối việc cho phép Formosa hoạt động trở lại và không đồng ý với kết quả do Bộ Tài nguyên Môi trường đưa một cách nhanh chóng như thế.
"Formosa xả thải ra biển miền Trung không thể được phép hoạt động lại. Đây là thảm hoạ môi trường rất nghiêm trọng ở Việt Nam. Cũng như tại Nhật Bản ngày xưa có thảm hoạ Minamata phải tốn rất nhiều thời gian để Nhật Bản làm sạch lại môi trường biển. Họ nạo vét tất cả những cát bên dưới nơi xảy ra thảm hoạ. Cá được bắt lên để thiêu huỷ chứ dân không được ăn. Sau khi họ phát hiện ra bệnh Minamata thì mấy chục năm sau ở đó cá mới được ăn lại bình thường và người dân tắm biển trở lại bình thường.
Formosa xả thải như vậy mà trong một thời gian ngắn có thể khắc ph5uc được tất cả các lỗi thì không thể nào".
Thêm vào đó Nguyễn Phương nhấn mạnh, chưa có ai đưa ra kiểm chứng một cách minh bạch về con số 52/53 vi phạm của Formosa đã được sửa chữa.
Cụ thể vào ngày 7 tháng Tư vừa qua, ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời báo chí trong nước cho biết đòa n công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá Formosa đã đáp ứng được các yêu cầu để cho phép lò cao số 1 đi vào vận hành và đề nghị công ty này tiếp tục hòa n thiện các hạng mục còn lại để đòa n công tác đánh giá tổng thể lại một lần nữa trước khi báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường và Thủ trướng Chính phủ chính thức cho phép Formosa đi vào hoạt động trở lại.
Không đồng ý với cách gọi này, Trần Minh Nhật, một cựu tù nhân lương tâm, cũng là người đồng hành với Linh mục Đặng Hữu Nam và tòa n thể người dân Kỳ Anh khởi kiện Formosa ở Tòa án thị xã Kỳ Anh, từ Phú Yên, đặt ra câu hỏi "như vậy trong thời gian vừa rồi không hoạt động hay sao ?"
"Thông tin em có được và những clips mà em được người trong đó gửi ra biết chính xác là nó vẫn hoạt động. Không những thế mà trong những dịp trời mưa gió nó còn tranh thủ xả thải, đặc biệt là sau một cơn mưa người ta không đi đánh bắt cá đó, lúc đó nước sông buổi sáng hoặc sau khi là nó lại đỏ ngòm. Đỏ đó là do ai ? Do Formosa hoạt động, do Formosa xả thải".
Thế nên, đối với Trần Minh Nhật, cách nói như thế của Bộ Tài nguyên và Môi trường là một cách dùng từ mang tính "mị dân, đánh tráo khái niệm, hay nói cách khác là một cách lèo lái dư luận từ khi Formosa nhận lỗi".
Lê Nhàn thì cho biết, nếu không phải nhân viên của nhà máy Formosa thì không ai được vào trong. Cho nên, anh không biết chính xác Formosa có hoạt động trong một năm qua hay không, nhưng qua những video người dân đưa lên các trang mạng xã hội thì anh tin rằng hoạt động của Formosa vẫn diễn ra bất chấp làn sóng biểu tình phản đối của người dân, bất chấp những thiệt hại nặng nề người dân phải chịu trong một năm qua.
"Nếu nó ngưng hoạt động thì làm gì có ống nước thải như ở cống số 1 cảng Sơn Dương liên tục xả thải đục ra biển ?"
Lê Nhàn kể lại đời sống của ngư dân Vũng Án thời gian qua có rất nhiều người đi ra biển thì không có cá, cá đánh về thì không bán được.
"Còn như dân Nghệ An, Phú yên thì nghề muối cũng có 1 số người ngưng sản xuất. Vì lượng muối sản xuất trước đây chưa tiêu thụ được, người ta vẫn còn sợ muối bị nhiễm độc. Ngư dân không sản xuất muối nữa. Thuyền bè thì hầu như ít ra khơi hơn. trước đây 1 tuần đi một lần, bây giờ có khi cả tháng, hai tháng mới ra một lần. Cuộc sống rất là khổ".
Những người phản đối biểu tình chống lại tập đòa n Formosa Đài Loan ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Đã không chấp nhận một năm qua, thì bây giờ cũng thế. Những người đấu tranh ấy cho biết sẽ không thể nào chấp nhận sự hoạt động tiếp tục của một nhà máy đã bức tử vùng biển miền Trung và giết chết kế sinh nhai của hàng ngàn gia đình ngư dân.
Cho dù họ biết sẽ có rất nhiều khó khăn hơn nữa đang chờ trước mắt. Lý do chính vì nhà cầm quyền, đại diện là Bộ Tài nguyên môi trường đã đưa ra quyết định xem xét cho phép Formosa hoạt động trở lại.
Theo cách lý giải của Trần Minh Nhật, anh cho rằng đây chính là một "rào cản pháp lý" mà nhà cầm quyền đã dựng lên để cản trở người hoạt động môi trường không thể phản đối Formosa nữa. Thế nhưng, cũng chính anh cho biết, sẽ là một tác dụng ngược lại :
"Đây phải là 1 trong những lý do để họ không dừng lại mà phải đấu tranh mạnh hơn nữa. Bởi vì nó là một sự gian dối. Không một người dân Kỳ Anh nào mà nói Formosa ngưng hoạt động trong thời gian qua. Và có thể nói là những cuộc biểu tình ngày càng đông, càng lớn của người dân Kỳ Anh để thấy rằng lòng dân và thực tế nó xảy ra khác với báo đài chính thống đã nói.
Và cái điều quan trọng là sinh kế, khó khăn và những đau khổ thì người dân vẫn phải gánh chịu. Đặc biệt là những vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, họ vẫn là nạn nhân trực tiếp, vẫn chưa thể phục hồi và cho đến nay họ vẫn chưa dám ăn cá.
Cho nên không vì lý do gì mà những người hoạt động không tiếp tục, mà phải làm sao cho môi trường này thật sự lành mạnh".
Trần Minh Nhật nhấn mạnh thêm môi trường anh đề cập đến không chỉ đơn thuần là môi trường sự sống, mà nó là môi trường về nhân bản, môi trường về văn hoá, môi trường về con người.
Do đó, cá nhân của anh không thấy có lý do nào để nhượng bộ vì "tất cả những quyết định của nhà nước cho đến giờ phút này chỉ đơn phương giữa nhà nước và Formosa".
Đó cũng là quyết định của Nguyễn Phương :
"Em và mọi người sẽ lên tiếng phản đối. Vì Formosa tiếp tục hoạt động là biển miền Trung sẽ chết. Người dân miền Trung sẽ tiếp tục lên tiếng mãnh liệt hơn vì biển là nơi họ sinh sống, không thể nào bỏ đi được. Một số thanh niên ở đó đã tìm cách xuất khẩu lao động hoặc tìm cách vào Nam làm ăn".
Rất nhiều những cuộc biểu tình phản đối, khởi kiện đòi bòi thường thiệt hại thoả đáng…diễn ra suốt 1 năm qua trên khắp mọi miền đất nước. Thực tế cho thấy cứ sau mỗi một cuộc biểu tình, là một số đông người dân bị đánh đập, bắt bớ, và cả tù đày vì những điều luật mơ hồ.
Thế nhưng, đó là động thái duy nhất người dân có thể lên tiếng, theo nhận định của những người trong cuộc.
Với Trần Minh Nhật, thật ra người dân đã có sử dụng biện pháp văn minh, đó là pháp lý, nhưng đã bị phá hoại và đàn áp nặng nề.
"Việc người dân sử dụng biện pháp pháp lý là một biện pháp văn minh nhưng đã bị nhà cầm quyền dùng mọi cách ngăn cản phá hoại. Cũng như nhà cầm quyền luôn sử dụng công cụ truyền thông báo giới để chụp mũ, bôi nhọ chính nghĩa và những công việc tốt đẹp của các nhà hoạt động và cả linh mục, giám mục. trong những công cuộc đồng hành với nạn nhân Formosa".
Nguyễn Phương tự hỏi "có còn cách nào khác nữa đâu vì nhà cầm quyền không bao giờ chịu ngồi lại và nghe dân" :
"Ở Việt Nam thật sự không biết còn cách nào khác để thay đổi được. Mọi thông tin, đường hướng đều bị nhà cầm quyền bưng bít, cấm cản, người dân chỉ còn biết xuống đường biểu tình, kêu gọi lên tiếng".
Anh đề cập đến sự việc mới nhất diễn ra ở Lộc Hà, "thay vì nhà cầm quyền ngồi lại và đàm phán với dân thì họ lại chọn cách đánh dân, dẫn đến việc người dân phải kéo đến huyện để biểu tình".
Không phải chỉ riêng những người đấu tranh cho môi trường biển đều có sự phản đối, mà tất cả những ai biết được thông tin nhà máy Formosa được phép hoạt động trở lại đều mang chung cảm giác phẫn nộ. không khó để tìm thấy lời kêu gọi cùng đứng lên yêu cầu nhà nước Việt Nam phải bảo vệ người dân Việt Nam. Nếu lời kêu gọi của họ không được tiếp nhận, thì Trần Minh Nhật dự đoán :
"Em nghĩ rằng trong thời gian tới sẽ không dừng lại mà sẽ tiếp tục nổ ra mà nó vẫn còn tiếp tục nổ ra và tiếp tục có những diễn biến mà họ không muốn mà nhà cầm quyền cũng không mong. Khi nỗi oán hận dồn nén lại thì nỗi bức xúc nó càng mạnh hơn".
Và cuối cùng, anh cho biết theo anh và theo phản ứng của bà con miền Trung cả nước, thật là sai lầm khi nhà cầm quyền đã chọn Formosa để đối đầu, đối nghịch với người dân. Đó là một dấu hiệu nó thể hiện rằng đây là một cuộc chiến mà nhà cầm quyền đã đẩy người dân đến thế đối đầu".
Cát Linh
Nguồn : RFA, 14/04/2017
Trong lịch sử nước Mỹ, việc các sinh viên khởi kiện tổng thống Trump quả là một câu chuyện lịch sử đáng nhớ. Vụ kiện diễn ra nhanh chóng, kể từ lúc nộp đơn (ngày 28/1) cho đến lúc có phán quyết của Tòa với phần thắng thuộc về những người trẻ tuổi, chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Sinh viên Mỹ biểu tình chống tổng thống Trump tại Washington DC ngay sau ngày bầu cử, 15/11/2016.
Đứng trước bối cảnh hỗn loạn và trái ngang của hàng ngàn người bị chận tại các sân bay, bị xé bỏ giấy nhập cư, đuổi trả về nước… những sinh viên luật của Đại học Yale đã nhanh chóng cùng nhau soạn thảo một đơn kiện quyết định hành pháp (executive order) của tổng thống Donald Trump, về sắc lệnh cấm nhập cảnh dành cho 7 nước và cho nhiều trường hợp bị coi là kỳ thị. Quan trọng là đơn kiện nhận định rằng tân tổng thống đã vi hiến, cũng như đã phế bỏ quyền tự do và bình đẳng nhập cư vào đất Mỹ, được tổng thống Lyndon Johnson ký vào năm 1965 (The Immigration and Naturalization Act).
Tòa liên bang tại Brooklyn, New York đã nhanh chóng ra quyết định phần thắng bước đầu thuộc về các sinh viên Đại học Yale. Tác động từ vụ kiện cùng với tình hình nước Mỹ đang lâm vào khung cảnh bất thường khiến hàng loạt các bang của Mỹ cũng kháng lệnh của ông Trump, thậm chí bang Washington và Minnesota đã khởi kiện như các sinh viên Yale. Dẫn đến ngày 3 tháng 2/2017, Thẩm phán liên bang James Robart đã ra lệnh ngừng mọi hoạt động liên quan đến sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Donald Trump.
Hãy đặt qua một bên những cuộc tranh cãi về chính sách của ông Trump sai hay đúng. Điều có thể thấy rằng sự có mặt của giới sinh viên Mỹ, ở hàng đầu trong các phong trào về nhân quyền và dân quyền, là hết sức rõ ràng và đáng ngưỡng mộ.
Ngay từ trước khi ông Donald Trump nhậm chức, ý thức chính trị của sinh viên Mỹ hiện rõ ở các cuộc biểu tình phản đối, rầm rộ tại nhiều học khu. Hình ảnh những người rất trẻ xông vào tranh đấu bằng luật, xuống đường ở Boston, Seattle, New York… cho thấy một nước Mỹ với thế hệ trẻ ý thức rõ mình cần phải làm gì cho đất nước và con người chung quanh mình. Thậm chí, họ thẳng thắn từ chối sự cầm quyền của những người mà họ không đồng ý trên các khẩu hiệu, thậm chí ngay trên gương mặt mình : "Not my president" (không hề là tổng thống của tôi).
Những người rất trẻ xuống đường ở Boston, Seattle, New York… từ chối sự cầm quyền của những người mà họ không đồng ý
Đồng loạt như vậy, nhiều người rất trẻ ở rất xa nước Mỹ như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển… cũng xuống đường phản đối sắc lệnh của ông Donald Trump, ngay cả khi bản thân họ không liên can đến lệnh cấm đó. Nền văn minh địa cầu đã tôn vinh vị thế của loài người qua nhiều ngàn năm, rằng nếu phớt lờ sự nguy nan của người khác, thản nhiên tận hưởng chỉ là lối sống của loài động vật thấp hèn. Con người cao quý hơn loài vật, chính là biết đứng lên vì công bằng của cuộc đời và biết nuôi dưỡng nhân cách cao quý hướng đến tha nhân.
Khác biệt chính kiến với người lãnh đạo, phản ứng lại hệ thống cầm quyền - ở đâu cũng vậy - đều là một giá trị của khát vọng đổi thay và sự biểu đạt của nhân quyền. Nhưng nhiều nơi trên thế giới, điều đó có nghĩa là phải đối diện với trấn áp, với bạo lực và âm mưu khủng bố của chế độ toàn trị.
Tuổi trẻ chính là những ngọn lửa thanh cao nhất, nồng nhiệt và tiên phong của lẽ phải và sự thật, để thắp lên những ánh sáng cho cuộc đời chung quanh họ. Ngay tại Châu Á, nơi các giá trị dân chủ đến muộn, so với phương Tây thì còn son trẻ hơn rất nhiều, nhưng vẫn có những câu chuyện về sinh viên Miến Điện, sinh viên Hồng Kông, Đài Loan… bước xuống đường, vận động thay đổi bằng luật pháp, và có thể bằng cả máu xương cho tương lai của quê hương mình.
Lịch sử đã ghi lại để có một Miến Điện hôm nay, đã có không ít sinh viên, những người trẻ tuổi đã hy sinh đời mình để nhân dân được thoát ách độc tài. Lịch sử cũng dõi theo những chuyển biến lạ thường khi thủ lĩnh chính trị trẻ tuổi Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) thành lập đảng Demosisto - Đảng vì dân - ở Hồng Kông để đòi quyền tự quyết cho nơi này sau năm 2047. Đây là một cái tát lớn vào mặt bộ máy cầm quyền cộng sản kiểu mẫu, sau nhiều năm tự tin dùng súng đạn và dùi cui để xây lâu đài cai trị của mình.
Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) xuống đuờng đòi quyền tự quyết cho Hongkong sau năm 2047
Có lần trong diễn biến cuộc cách mạng dù vàng ở Hồng Kông vào tháng 9/2014, nhiều người quan sát từ Việt Nam đã có chung bình luận rằng "Liệu Việt Nam có được một thế hệ tuổi trẻ như vậy không ?". Câu hỏi này đã tạo nên nhiều diễn đàn tranh cãi, và không ít bình luận nói rằng thế hệ sinh viên, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã hết, đã hèn.
Chắc cũng cần nhắc lại, cuối tháng 4/2016, có 44 sinh viên Việt Nam ở Hà Nội, đã làm đơn gửi đến văn phòng Chánh án tòa án Hà Nội, yêu cầu phải thực thi quyền của công dân và luật pháp đã hiến định. Thư ngỏ này yêu cầu chấm dứt tình trạng xử phạm nhân (phần lớn là tù chính trị) trong sự bao vây, khép kín đầy tính thù địch của công an, mật vụ. Thậm chí người nhà của bị cáo, luật sư của bị cáo cũng bị ngăn chận vào phiên xử một cách thô bỉ. Thư ngỏ này được ký bởi những sinh viên luật, mà người được nêu tên với chữ ký đầu tiên là nữ sinh viên Trương Thị Hà (sinh năm 1994).
Đây cũng là một sự kiện bất ngờ, vì kể từ vụ xử linh mục Nguyễn Văn Lý (năm 2007), hình ảnh bị cáo bị bịt miệng không cho nói, cho đến rất nhiều vụ xử chính trị khác ngăn cản người đi dự - dù tòa tuyên bố "xử công khai" - phản ứng của những sinh viên luật yêu công lý và sự thật này, được coi là đại diện cho suy nghĩ của người dân Việt Nam đã quá mệt mỏi trước một hệ thống tư pháp quốc gia bị nhồi nặn cho vừa bàn tay lông lá của kẻ có quyền.
Không có tin tức gì về những sinh viên này, kể từ sau sự kiện đó. Cũng không có tờ báo nhà nước nào dám đề cập đến sự kiện độc đáo này. Và dù những sinh viên này chỉ yêu cầu tòa án hành động đúng với luật pháp, với hiến pháp nhưng không có hệ thống truyền thông "chính thống" nào dám nhắc đến, dù chỉ là một con chữ hèn mọn nhất.
Ở đâu đó trên thế giới, có người trẻ tuổi dám công khai viết lên trán, từ chối quyền lãnh đạo của một tân tổng thống, thì ở đất Việt Nam nhỏ bé, cũng có những sinh viên đứng lên từ chối cách hành động vô pháp ở tòa án, và đòi xác lập những nguyên tắc đã được hiến pháp quy định.
Tuổi trẻ Việt Nam cũng như Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ, Anh… vẫn luôn âm ỉ trong trái tim mình ngọn lửa của lẽ phải và sự thật, chờ một ngày tỏa sáng
Tuổi trẻ không ươn hèn. Dù nơi nào cũng vậy. Chỉ khác là ở các quốc gia tôn trọng nguyên khí của dân tộc thì tuổi trẻ như vậy được vinh danh, còn ở những quốc gia có những kẻ lãnh đạo hèn hạ và vô minh, thì sẽ tìm cách tiêu diệt họ. Có vô vàn những ví dụ như vậy với sinh viên Cuba và Trung Quốc.
Tuổi trẻ không có sự khác biệt về màu da và tổ quốc trong hành động yêu nước, yêu con người. Chỉ khác là ở các bản tin thời sự, người ta hay tấm tắc khen những người trẻ ở rất xa, và lãng quên những người trẻ ở ngay quê hương mình. Có thể vì thờ ơ, cũng có thể vì hèn.
Nhưng dù được nhớ hay không, được vinh danh hay bị lãng quên… tuổi trẻ Việt Nam cũng như Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ, Anh… vẫn luôn âm ỉ trong trái tim mình ngọn lửa của lẽ phải và sự thật, chờ một ngày tỏa sáng – tôi tin như vậy.
Và chắc chắn, Việt Nam cũng phải có một thế hệ tuổi trẻ không ươn hèn.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 07/02/2017 (tuankhanh's blog)