Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 04 décembre 2023 12:16

Quýt ngọt trồng ở Hoài Bắc !

Tôi mê câu cá cho nên cũng mê biển. Mê đến độ, như một lời trối trăn, tôi thường mượn mấy câu thơ của Du Tử Lê để nài nỉ nhà tôi :

"Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Đời lưu vong không cả một ngôi mồ

Vùi đất lạ thịt xương e khó rã

Hồn không đi sao trở lại quê nhà".

Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển - thơ Du Tử Lê - nhạc Phạm Đình Chương- tiếng hát Nguyễn Thành Vân

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, bậc chân tu tài trí và đức độ vừa mới viên tịch, cũng đã gợi lên cho tôi một niềm cảm hứng sâu xa khi ông để lại chúc thư với ý nguyện được "rải tro cốt ra Thái Bình Dương để được tan theo biển, bốc thành mây trời, lang thang khắp cõi hư không" (1).

Tôi thấy hình như nhiều người dân Úc cũng mong muốn được đưa ra biển như tôi. Ở những ghềnh đá quen thuộc nơi tôi thường quăng câu, tôi đọc được những tấm biển tưởng nhớ người thân với dòng chữ ngắn gọn : "đã đi câu !" (gone fishing). Chết chẳng phải là trở về với biển ư ? Không biết thực sự có một ngôi vườn "địa đàng" nào mà vì bất tuân, ông bà Adam và Eva đã bị Thượng Đế tống cổ ra khỏi không. Nhưng cứ như khoa học ngày nay đã mở mắt cho tôi được nhìn thấy, thủy tổ của muôn loài trong đó có loài người đã chẳng từ biển mà ngoi lên sao. Không biết có phải vì vậy mà trong tiềm thức thẳm sâu trong da thịt tôi, lúc nào tôi cũng mơ được quay về với biển ?

zen1

Tôi mê biển vì biển luôn mang lại cho tôi sự thanh thản và nhứt là muốn dạy tôi biết cảm thông.

Tôi mê biển bởi vì biển đã đưa tôi đến bến bờ tự do. Tôi mê biển vì có lẽ chỉ có nhờ biển, hồn tôi mới có thể "trở lại quê nhà". Tôi mê biển vì mỗi lần gặp căng thẳng trong cuộc sống, tôi luôn được biển vỗ về, ủi an. Tôi mê biển vì lúc nào biển cũng thì thầm mời gọi tôi buông bỏ. Tôi mê biển vì biển luôn mang lại cho tôi sự thanh thản và nhứt là muốn dạy tôi biết cảm thông.

Tôi đã có được những cảm nghiệm như thế khi lần đầu tiên trở về thăm thành phố biển Nha Trang sau hơn 40 năm xa cách. Những ngày nằm ngửa phơi mình trên biển, nhìn sang bên cạnh thấy toàn người Nga, có lúc tôi chỉ thấy hình ảnh của người Nga ở công viên Lênin Hà Nội hiện ra với vô số những lá cờ búa liềm chập chờn trong mắt. Nhưng biển đã bảo tôi rằng những thanh niên thiếu nữ, những cặp vợ chồng trẻ và những đứa trẻ người Nga đó chẳng có ăn nhập gì với người Nga ấy và nhứt là với tên sát máu mặc áo dân chủ tên là Vladimir Putin. Cũng như tôi cách nay hơn 40 năm, họ đã bỏ phiếu bằng chân ; họ đã trốn chạy cái chế độ vô đạo và bạo tàn ấy... Biển đã dạy tôi biết thế nào là cảm thông !

Không biết những người Nga mà tôi đã gặp ở bãi biển Nha Trang cách đây gần một năm có còn ở đó không, bởi vì thành phố biển này hiện đang tràn ngập người Trung Quốc. Lẽ ra du khách đông, kinh tế khởi sắc, người ta nên mừng mới phải. Nhưng trong một bài phóng sự với tựa đề "Nha Trang, "Phố Tàu" giữa Việt Nam", tác giả ký tên "Người Sài Gòn" đã nói đến cái cảnh chán chê của người dân Nha Trang trước làn sóng du khách người Trung Quốc xâm chiếm thành phố của mình. Ở "những trục đường chính, nhiều khi người Việt phải né đường cho từng tốp người Trung Quốc ầm ầm đi qua". Còn ở quán cà phê thì "không khí kinh hoàng hơn, vì họ đã chiếm lĩnh hết cái khoảng không gian an bình mà người Nha Trang đang thụ hưởng, nhiều người đã phải chạy làng vì không thể chịu nổi cái âm thanh "xí lô xí la" xa lạ đó".

Cách du khách Trung Quốc 'ăn' buffet

Nhưng theo tác giả, tại các quán ăn thì khủng khiếp hơn : người Trung Quốc "tranh giành nhau từng xuất ăn". Một bà chủ quán cơm mô tả : "Họ như một bầy thú đói !". Bà ngao ngán than thở : "Họ làm tui mất hết khách Việt thân quen, vì đụng tới người Tàu là bà con chạy mất dép, nhưng biết làm sao ?". Trong các khách sạn có dọn buffet ăn sáng thì cảnh tượng càng náo loạn hơn. "Họ rào rào như tằm ăn dâu, nhanh như ảo thuật ; phần thì ăn, phần thì giấu trong túi xách đem theo, túi quần, thậm chí đút vào trong ngực". Riêng bên trong khách sạn, mỗi khi khách Trung Quốc thuê thì khách sạn gần như "tan nát", vì không căn phòng nào còn nguyên vẹn sau một đêm bị họ quậy nát, hôi hám không thể chịu nổi. Một nhân viên phục vụ mếu máo : "Mỗi lần dọn phòng cho họ là em rụng rời, tởm đến ngày hôm sau còn sợ. Họ không cho một xu, mà còn hành hạ đủ kiểu, phòng nào có khách đàn ông là em chỉ dám đứng bên ngoài ra dấu - không dám vào trong vì không biết sẽ xảy ra chuyện gì, sợ lắm" (2).

"Họ như bầy thú đói". Nhận xét như thế của một bà chủ quán cơm ở Nha Trang về những du khách Trung Quốc quả là tàn nhẫn. Nhưng nó lại gợi cho tôi những lời thì thầm đầy oán trách và mỉa mai của người Miền Nam về người cộng sản : "sâu bọ lên làm người, người xuống hàng chó ngựa". Sự đảo lộn trong trật tự xã hội như thế là điều đã và đang thật sự xảy ra trong các chế độ cộng sản như đã được mô tả trong "Trại súc vật" (Animal Farm) của nhà văn Anh George Orwell ngay từ đầu thập niên 1940.

Nhiều người Việt, nhứt là những người bài Trung hay muốn "thoát Trung" bằng mọi giá, có lẽ rất thích thú khi đọc "Người Trung Quốc xấu xí" của tác giả Bá Dương. Nhưng trông người lại nghĩ đến ta. Liệu người Việt Nam đang sống dưới chế độ cộng sản có ít "xấu xí" hơn không ? Có lẽ kể từ thời cộng sản "cướp" chính quyền ở Miền Bắc và từ năm 1975 áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên toàn cõi Việt Nam, chưa bao giờ đạo đức xuống cấp, con người Việt Nam bại hoại như ngày nay. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh, người đã sống ở Miền Bắc cho đến năm 1975, đã so sánh sự khác biệt giữa chế độ cộng sản Miền Bắc và chế độ tự do Miền Nam như sau : "Bản chất của chế độ ngụy là xấu vậy mà không hiểu sao nó lại đào tạo con người giỏi thế. Cứ mở miệng ra là cảm ơn với xin lỗi. Ngồi ở trong nhà, có ai đi ngoài đường chõ miệng hỏi cái gì mà mình trả lời không xong, cắp đít đi thẳng, không thèm cám ơn một tiếng, thì không cần nhìn, mình cũng biết ngay đó là dân Bắc Kỳ" (3).

Ông Hoài Thanh chỉ nói đến sự "xấu xí" của người Việt Nam dưới chế độ cộng sản ở Miền Bắc. Ngày nay, không cần phải là người biết tinh tường quan sát, một người Nhật chỉ cần đến Việt Nam vài ngày cũng nhận ra một điều đáng buồn về người Việt, bất luận là dân Bắc hay dân Nam : "Người Việt không biết xếp hàng. Người Việt chửi hay còn hơn hát. Người Việt cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng. Người Việt nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa..." (4).

bien

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã gợi lên cho tôi một niềm cảm hứng sâu xa khi ông để lại chúc thư với ý nguyện được "rải tro cốt ra Thái Bình Dương để được tan theo biển, bốc thành mây trời, lang thang khắp cõi hư không".

Ký giả Ngô Nhân Dụng đã nêu lên câu hỏi : "Tại sao đạo lý suy sụp ?". Kể lại kinh nghiệm đói năm 1945, tác giả không cho rằng những "thói ích kỷ, ăn cắp, tham nhũng, chiếm đoạt bây giờ là do kinh nghiệm đói tạo ra. Những kẻ biết và dám "mánh mung, lừa lọc, tham nhũng" chắc chưa bao giờ nhịn đói một bữa. "Năm 1945, hai triệu người chết đói, nhưng người Việt vẫn giữ được đạo lý".

Theo ký giả Ngô Nhân Dụng, độc tài tự nó không khiến cho người dân bỏ mất đạo lý. Ông nêu lên hai trường hợp cụ thể là Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân ở hai nước này đã phải sống dưới chế độ độc tài quân phiệt nhiều năm, nhưng họ vẫn sống lương thiện, thật thà, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng công ích. Tác giả cho rằng chế độ độc tài nào cũng cai trị bằng bạo lực và gian dối. Nhưng theo ông, các tướng lãnh ở hai nước này có lẽ không tàn ác và gian trá bằng chế độ cộng sản. Sự khác biệt giữa chế độ quân phiệt và chế độ cộng sản là "giới quân phiệt chỉ dùng bạo lực và gian dối như các "phương tiện" bất đắc dĩ, trong khi đó với cộng sản thì "độc ác" và "gian trá" nằm trong bản chất của họ. Chính sự độc ác và gian trá từ trong bản chất của người cộng sản là mảnh đất mầu mỡ cho cái xấu và cái ác phát sinh, nẩy nở và tồn tại trong xã hội.

Người Trung Quốc hay người Hoa nói chung và người Việt Nam có lẽ ai cũng thuộc nằm lòng giai thoại về cây quýt ngọt trồng ở Hoài Bắc của Án Tử, một vị tướng nước Tề thời Chiến Quốc. Ngày nọ Án Tử sang thăm nước Sở. Vua nước Sở đãi tiệc trọng thể. Nhưng để làm nhục ông, vào giữa bữa tiệc, vua Sở cho lính điệu một người bị cáo vào và cho biết đây là một người nước Tề phạm tội ăn trộm. Vua Sở mỉm cười chế nhạo : "Người quý quốc hay trộm cắp nhỉ !". Án Tử bình tĩnh trả lời : "Chúng tôi thiết nghĩ cây quýt mọc ở đất Hoài Nam có quả rất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Hoài Bắc thì quả lại chua. Đó là do thủy thổ khác nhau mà sinh ra thế. Người ở nước Tề chúng tôi không quen trộm cắp, nhưng sang nước Sở lại sinh ra ăn trộm là vì thủy thổ giữa bản quốc và quý quốc khác nhau chăng ?".

"Nhân chi sơ tính bổn thiện". Tự bản chất, chẳng có người Trung Quốc hay người Việt nào là xấu xí cả. Nhưng chính cái chế độ tự bản chất là gian trá và tàn bạo đã khiến cho người dân bị tha hóa và trở nên đồi bại. Ở bãi biển Nha Trang tôi đã nhìn người Nga với một sự cảm thông cao độ. Ở đó, tôi cũng sẽ nhìn người Trung Quốc như những nạn nhân đáng thương hại và đáng cảm thông hơn là những con người "xấu xí" đáng phỉ nhổ hay nguyền rủa. Sự cảm thông luôn nhắn nhủ tôi nhìn lại chính bản thân mình. Nếu còn lại trong nước có lẽ tôi cũng bị cuốn trôi và nhận chìm trong dòng nước bẩn thỉu của dối trá, độc ác hay theo nhận xét của du khách người Nhật, tôi cũng "nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa".

Tôi đã "vượt biển" để đi tìm tự do. Những đất nước tự do nơi tôi đã và đang sống không chỉ mang lại cho tôi cuộc sống ấm no, mà còn và nhứt là nâng cao và củng cố ý thức về đạo đức trong tôi. Với tôi, đạo đức đơn giản là biết nghĩ đến người khác. Thời nào và ở đâu, đạo đức cũng được tóm gọn trong khuôn vàng thước ngọc : "Những gì ngươi không muốn người khác làm cho ngươi thì cũng đừng làm cho họ". Mỗi ngày, những công thức đơn giản của phép lịch sự như xin vui lòng, xin lỗi và cám ơn mà tôi thốt lên như một bản năng thứ hai luôn nhắc nhở tôi về khuôn vàng thước ngọc ấy.

daoduc3

Giờ này có lẽ vị chân tu này đã từ biển "bốc hơi thành mây trời", thảnh thơi "lang lang trong cõi hư vô".

Trong những ngày này, hình ảnh của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ lúc nào cũng rực sáng trong tôi. Giờ này có lẽ vị chân tu này đã từ biển "bốc hơi thành mây trời", thảnh thơi "lang lang trong cõi hư vô". Và dĩ nhiên tôi hiện cũng đang bị ám ảnh bởi hình bóng của một nhân vật lịch sử khác là chính trị gia Mỹ Henry Kissinger, người vừa mới ra đi. Ra đi để đi về đâu, tôi không biết. Chỉ có điều, đã là người và nếu là người có lương tâm thì những năm tháng cuối đời của một người có tuổi thọ đáng kể như ông có lẽ không để cho ông được "yên nghỉ" trước vô vàn những tiếng tru tréo, than khóc, nguyền rủa của vô số nạn nhân trên khắp thế giới mà điều được gọi là "chính sách thực dụng" (realpolitik) của ông, một chính sách không màng đến những giá trị đạo đức và mạng sống của người khác mà chỉ biết đến quyền lợi của Hoa Kỳ và nhứt là tham vọng cá nhân của ông... đã cướp đi mạng sống (của họ).

Từ biển khơi, tôi thường nghe vọng lại tiếng than khóc của không biết bao nhiêu người Việt đã bỏ mình vì hai chữ tự do. Lẫn trong tiếng than khóc ấy, tôi cũng nghe được lời nhắn nhủ từ biển : hãy sống cho ra người tử tế, lấy nhân nghĩa để đối xử với nhau!

Chu Văn

(04/12/2023)

Chú thích

1. Hầu hết các báo ở Việt Nam "né" tin Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, Người Việt, 25/11/2023

2. Nguyễn Sài Gòn, Nha trang, "Phố Tàu" giữa Việt Nam, Người Việt, 10/06/2018

3. Sự khác biệt giữa hai miền Nam – Bắc là lòng tử tế, Nguyễn Văn Lục, Đàn Chim Việt Info, 25/06/2022

4. Tại sao đạo lý suy sụp ? Blog Ngô Nhân Dụng, Đài VOA, 24/09/2023

Published in Văn hóa

Trần Quang Thành thực hiện

Nguồn : Tieng DanViet Media, 17/05/2017

Published in Video