Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đồng nhân dân tệ được lưu hành ở Việt Nam và thương chiến Mỹ - Trung

Nguồn : BBC, 07/09/2018

Published in Video

Chính quyền ngăn giới hoạt động trước 2/9 (BBC, 31/08/2018)

Chính quyền nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đang lo ngăn chặn biểu tình mà họ gọi là 'tụ tập đông người' dịp Quốc Khánh 2/9.

vn1

Các khẩu hiệu về biển đảo thu hút nhiều giới trẻ hoàn toàn không phải là những nhà hoạt động thường bị nhà chức trách 'hỏi thăm' trong dịp chống giàn khoan Trung Quốc hồi 2014 ở Thành phố Hồ Chí Minh

Nơi ở của một số nhà hoạt động được an ninh Việt Nam canh gác nghiêm ngặt trước 2/9.

Cùng lúc, chính quyền chỉ đạo cho công an các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác "đảm bảo an ninh, trật tự trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9".

Các văn bản công bố ở Hà Nội nói công an thành phố này có nhiệm vụ "chống hoạt động tập trung đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố, nhất là trong dịp 2/9.

Từ Sài Gòn, nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC hôm 31/8 là an ninh đã "đặt chốt" trước nhà của bà từ trưa :

vn2

Chính quyền ở Việt Nam kêu gọi tăng cường lực lượng an ninh để ngăn 'tụ tập đông người' ngày Quốc Khánh 2/9

"Những ngày có xảy ra biểu tình hay xét xử những người bất đồng chính kiến thì công an mặc thường phục vẫn đến canh nhà tôi. Thường họ đi theo nhóm từ 4-5 người. Lúc cao điểm khi đang biểu tình hay xử án thì lên đến hàng chục người".

"Nếu họ cho phép tôi đi ra khỏi nhà thì sẽ cử 2 -4 người đi theo canh phòng. Có dịp họ còn cử hàng chục người gồm an ninh, dân phòng, thậm chí cả người của Hội phụ nữ tới canh gác cả ngày, chia ca kíp".

Bà Sương Quỳnh đã từng tham gia các vụ biểu tình phản đối Trung Quốc, Formosa, ủng hộ Trường Sa, Hoàng Sa, kêu gọi thả tù nhân lương tâm.

Cũng từ Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Viện, cho hay ông được trưởng công an phường trực tiếp 'mời cà phê' hôm 30/8.

"Cách làm việc thân thiện. Họ nhờ 'giúp' bằng cách không ra khỏi nhà vào hôm 2/9 và 4/9".

Cũng tương tự, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm nói ông được cán bộ PA67 của Bộ Công an 'mời cà phê' hôm 30/8 tại Sài Gòn để 'hỏi han'.

"Họ hỏi tôi mùng 2/9 có kế hoạch gì ? Có đi ra đường không ? Họ khuyên tôi không nên đi ra ngoài hôm 2/9 coi chừng bị 'hốt' và nói "Những bài ông viết, những việc ông làm bọn tôi đều biết", ông cho BBC Tiếng Việt từ Bangkok hay.

Ngăn ngừa, tuyên truyền và vận động

Giới chức ở nhiều địa phương cũng tăng cường biện pháp tuyên truyền khác như đi phát tờ rơi, đi vận động từng nhà.

Bà Phạm Thị Tuất ở phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) được dẫn lời trên báo Quân đội Nhân Dân ngày 28/8, nói trong những lần họp tổ dân phố, cán bộ thường tuyên truyền cho dân đọc thông tin "từ những trang báo chính thống thay vì tin tức trên mạng xã hội để hạn chế tối đa việc niềm tin nhầm chỗ, nghe theo lời xúi giục của những phần tử phản động, cơ hội".

vn3

Tài liệu tuyên truyền được tổ dân phố phát từng nhà trước 2/9

Trần Văn Quang, 16 tuổi, ở phường Phú Tài, Thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) thì nói, cũng trên tờ báo này, rằng vào 10/6 - thời điểm xảy ra biểu tình ở nhiều nơi trên cả nước và bạo động ở Bình Thuận - em được thuê ném đá vào công an với giá 200 ngàn đồng",'ném bom xăng thì được từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng".

Bài báo cũng nói về lòng yêu nước và kêu gọi cảnh giác với "mọi âm mưu thủ đoạn thâm độc của thế lực thù địch".

Hệ thống viễn thông nhiều địa phương đã vào cuộc để phục vụ tuyên truyền dịp 2/9.

VNPT tại Long An nhắn tin cho người dân "không nghe xúi giục, kích động của đối tượng xấu', làm 'ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương".

Tại Vĩnh Yên, báo tỉnh đăng hình công an kiểm tra xe máy ngoài đường, để "bảo đảm an ninh trật tự dịp Quốc khánh 2/9".

Hôm 27/8, chủ tịch UBND Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, yêu cầu công an không để xảy ra tình trạng "tụ tập đông người, quá khích dịp lễ Quốc khánh".

Biểu tình các dịp cuối tuần

Các vụ biểu tình tự tổ chức đã xảy ra nhiều lần, thường vào cuối tuần, từ nhiều năm qua ở Việt Nam, như phản đối Giàn khoan HD981 của Trung Quốc hồi 2014.

Trong tháng 6 năm nay, có thêm các cuộc biểu tình ở các đô thị lớn phản đối hai luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế.

Một đánh giá hồi tháng 6/2018 của Viện Lowy tại Úc về các vụ việc đó viết :

"Đa số công chúng tin rằng tham nhũng trong bộ máy công quyền là kinh niên ở Việt Nam. Dù chiến dịch chống tham nhũng được ủng hộ rộng rãi, điều này khó tạm thu hút niềm tin trong công chúng về các chính sách mới nhất".

Ngoài ra, yếu tố phản đối Trung Quốc về biển đảo hoặc các vấn đề khác thường xuất hiện trong các cuộc xuống đường ở Việt Nam những năm qua.

Cùng lúc, luật biểu tình đã bị trì hoãn nhiều lần cũng khiến khác biệt quan điểm chỉ có cách thể hiện qua tuần hành bất chấp lệnh cấm ngoài đường phố.

Vào cuối tháng 8, một nhóm nhân sĩ ở Việt Nam nói họ dự kiến công bố bản kiến nghị chính phủ về việc bỏ vĩnh viễn Luật đặc khu kinh tế và Thông tư 19 cho phép lưu hành đồng nhân dân tệ ở các tỉnh giáp Trung Quốc.

Ngoài ra, có một số lời kêu gọi biểu tình lan truyền mạng xã hội mà không rõ mục đích đến từ người Việt ở hải ngoại, theo một nhà hoạt động tại Sài Gòn.

vn4

Biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh 11 tháng 5/2016. Yếu tố phản đối Trung Quốc về biển đảo thường xuất hiện trong các cuộc xuống đường ở Việt Nam những năm qua

Tuy nhiên, theo ông Dương Đại Triều Lâm thì kêu gọi từ giới hoạt động hay từ bên ngoài không phải là yếu tố chính.

"Nhận thức của người dân nay cũng đã khác. Ví dụ như ngày 10/6 vừa qua, các nhà hoạt động mà chính quyền đã 'quen mặt', đều bị canh gác gắt gao, không thể ra khỏi nhà, nhưng biểu tình vẫn diễn ra ở khắp nơi", ông Dương Đại Triều Lâm nói với BBC.

*******************

Việt-Trung : Có nặng đồng cân 'nhân dân tệ ? (BBC, 31/08/2018)

BBC Tiếng Việt nhận được nhiều ý kiến về quyết định dùng tiền Trung Quốc trong giao dịch bình thường ở bảy tỉnh biên giới của Việt Nam.

vn5

Graffiti nghệ thuật ở Thượng Hải hình Mao Trạch Đông đeo kính là dấu 'yuan' - tiền của Trung Quốc

Một số ý kiến trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt :

"Kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc thì phải phụ thuộc vào tiền tệ của nó là đúng rồi... Không chỉ mấy tỉnh phía Bắc mà sau này cả đất nước luôn đó chứ. Nguy hiểm hơn là nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà Trung Quốc thua thê thảm thì kinh tế Việt Nam cũng khủng hoảng luôn".

Tử Ấn Thiên

"Như vậy nếu Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc và nhận về nhân dân tệ thì lấy đâu đô la để trả nợ quốc tế ?".

Nguyễn Nguyên

"Tiền Trung Quốc bắt đầu được tự do lưu hành ở biên giới rồi không lâu nữa nó sẽ thay tiền Việt Nam... Đây cũng là một phần chia lửa với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ".

Van Phuc Nguyen

vn6

Có câu hỏi nếu Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc và nhận về nhân dân tệ thì lấy đâu đô la để trả nợ quốc tế ?

Ý kiến của một số nhà nghiên cứu và kinh tế gia không nêu tên :

Lo ngại 'Trung Quốc hóa' tiền Việt :

"Vụ Việt Nam chính thức cho dùng tiền nhân dân tệ các tỉnh biên giới sẽ chính thức 'Trung hóa' tiền tệ Việt Nam và mở cửa chính thức cho hàng Trung Quốc ồ ạt tuồn sang. Và từ đây, hai hậu quả sắp tới là doanh nghiệp Việt Nam bị bóp nghẹt, và Hoa Kỳ sẽ trả đũa giới hạn hàng Việt Nam lẫn hàng Trung Quốc trá hình trốn sang Mỹ. Ảnh hưởng lên kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốc liệt, khó đoán trước chính xác".

Phụ thuộc chính sách tiền tệ :

"Đúng là Trung Quốc đang muốn thế giới dùng nhân dân tệ (RMB) làm dự trữ ngoại tệ, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chấp nhận điều này. Nhưng dùng làm dự trữ khác hẳn việc dùng ngoại tệ với tư cách là đồng tiền thanh toán trong nội bộ nền kinh tế.

Vì vậy mà nhiều nước đã bị đô la hóa hay Việt Nam có thể bị nhân dân tệ hóa. Dù thế nào thì khi để chuyện này xảy ra nước sở tại sẽ mất một phần hay hoàn toàn quyền điều hành chính sách tiền tệ.

Điển hình là tình trạng của Hy Lạp vì đã dùng đồng euro nên không thể có chính sách nhằm giảm giá trị đồng nội tệ, để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu. Khi giá đồng nội tệ giảm, giá hàng bằng ngoại tệ giảm nên dễ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Việc này còn tác dụng đến việc tăng giá nói chung và như thế giảm chi tiêu trong nước. Lương thực tế sẽ giảm. Còn như hiện nay chính phủ muốn giảm chi tiêu công, họ phải thải người, hoặc giảm lương, rất khó làm.

Ngoài ra, khi kinh tế bị khủng hoảng, nếu chỉ có nội tệ là đồng được phép thanh toán trên thị trường, Ngân hàng trung ương có thể có tiền, kể cả in thêm ra để can thiệp cứu nguy nền kinh tế, kể cả đưa ra chính sách tín dụng như lãi suất để điều hành nền kinh tế".

Một nền kinh tế chỉ dùng đồng tiền nước ngoài, hay euro, hay USD sẽ mất hoàn toàn quyền chủ động về chính sách tiền tệ và tín dụng. Nếu cho phép đồng ngoại tệ thì sẽ mất một phần tùy theo sức mạnh của đồng nước ngoài".

Hiện nay đồng nhân dân tệ đang mạnh hơn đồng tiền Việt Nam thì tất nhiên tiền Viết sẽ có vấn đề.

Nói chung là không nước nào lại muốn để một nước khác xâm phạm như thế trừ khi nước đó rất nhỏ và lại có quan hệ lớn và mật thiết với nước lớn bên cạnh.

Ngoài ra, làm sao để nhân dân tệ không tràn vào các vùng khác của Việt Nam ? Không lẽ phải xóa cửa khẩu hiện nay để mang cửa khẩu mới vào sâu nội địa Vn để kiểm soát".

Chính phủ Việt Nam tự chọn cách mất nguồn thu :

"Dùng VND trong nước thì chính phủ Việt Nam được một nguồn lợi - ngồi không mà có tiền thu nhập vào - đó là seignorage, tức là tiền Ngân hàng Nhà nước thu vào do tăng trưởng GDP hàng năm, trung bình khoảng 3-4% của GDP một nước.

Vì thế tôi không thấy lý do gì mà lại đem nguồn thu nhập của mình dâng cho người khác, ngoài chuyện mất chủ quyền và mất một công cụ quan trọng trong chính sách kinh tế.

Đáng lẽ ra Việt Nam phải bảo vệ quyền lợi seignorage của mình bằng cách cấm trong nước, kể cả các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, không được dùng nhân dân tệ hay tiền của bất kỳ nước nào khác ngoại trừ tiền Việt Nam. Nếu chuyện này đã xảy ra thì phải ngăn cấm lại.

Tôi thấy ở Việt Nam hay thổi phồng vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Theo thiển ý, Trung Quốc sẽ không có lựa chọn gì khác hơn là sẽ theo sự áp buộc của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại đang xảy ra.

Điều này sẽ làm chậm lại bá đồ của Trung Quốc trong việc thực hiện mục tiêu 2025 và Việt Nam phải nhân cơ hội nầy thoát ra bớt ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách cải tổ kinh tế và nhất là tăng nhanh hội nhập thế giới đặc biệt là các nước Âu Mỹ".

Sắp có hiệu lực :

Theo một thông tư của Chính phủ Việt Nam vừa công bố thì từ ngày 12/10/2018, "các thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới dùng ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc nhân dân tệ (CNY) trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ".

"Phương thức thanh toán bao gồm thanh toán qua ngân hàng, bằng VND hoặc CNY tiền mặt".

Published in Việt Nam