Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/11/2018

Bành trướng, tên lửa ở Biển Đông, chủ quyền quần đảo Marshall, Bắc Triều Tiên

RFI tiếng Việt

Trung Quốc nói không tìm cách bành trướng, làm bá chủ Biển Đông (RFA, 13/11/2018)

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 13/11 cho biết Trung Quốc muốn Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC) được hoàn tất trong vòng 3 năm nữa, đồng thời nói nước này không tìm cách bành trướng, làm bá chủ khu vực.

tq1

Thủ tưởng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu bên lề Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore hôm 13/11/2018 - AFP

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một thời hạn cụ thể để hoàn tất COC với ASEAN sau hơn 10 năm đàm phán.

Phát biểu tại Singapore ngay trước thềm Thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc hy vọng việc tham vấn COC sẽ được hoàn tất trong thời hạn 3 năm để có thể tiến tới hòa bình và ổn định lâu dài trên Biển Đông.

Thủ tướng Trung Quốc cũng nói thêm là Trung Quốc không và sẽ không tìm cách bành trướng, làm bá chủ mà chỉ muốn có mối quan hệ hòa hợp với các quốc gia láng giềng.

Hồi tháng 8 vừa qua, ASEAN và Trung Quốc cho biết hai phía đã đạt được những thỏa thuận ban đầu để hướng tới COC trong tương lai.

Tuy vậy, nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng những đề nghị của Bắc Kinh trong COC đưa ra cho ASEAN chỉ nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng của nước này ở khu vực và giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ.

Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông. Ngoài Trung Quốc, các nước khác đòi chủ quyền trong khu vực bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động xây lấp các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí quân sự ra Biển Đông gây lo ngại về tình trạng quân sự hóa vùng nước tranh chấp.

Trung Quốc nói nước này chỉ xây dựng và triển khai vũ khí ra các vùng thuộc chủ quyền của nước này.

*****************

Biển Đông : Lần đầu tiên Mỹ đòi Trung Quốc rút tên lửa khỏi Trường Sa (RFI, 12/11/2018)

Trước thềm các hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN và Thượng Đỉnh Đông Á EAS tại Singapore (13-15/11/2018), nơi vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được gợi lên, Washington ngày 09 /11/2018 đã tăng cường đáng kể sức ép trên Bắc Kinh nhân Đối Thoại Ngoại Giao và An Ninh Mỹ-Trung thường niên tại thủ đô Hoa Kỳ. Không những thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc, muốn Mỹ dừng các chiến dịch tuần tra ở Biển Đông, Mỹ còn công khai lên tiếng đòi Bắc Kinh phải triệt thoái các loại tên lửa ra khỏi các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở vùng quần đảo Trường Sa.

tenlua1

Từ trái qua phải : Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Ủy Viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, họp báo chung ngày 09/11/2018 tại Washington (Mỹ). Reuters/Leah Millis

Thái độ cứng rắn hẳn lên của Hoa Kỳ trên hồ sơ Biển Đông được thấy một cách rõ ràng trong bản thông cáo báo chí về cuộc Đối Thoại - thường được gọi là 2+2 - mà bộ Ngoại Giao Mỹ công bố sau cuộc họp giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis với Ủy Viên Quốc Vụ phụ trách đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa.

Công khai yêu cầu Trung Quốc triệt thoái các hệ thống tên lửa

Trong phần nói riêng về Biển Đông, ngoài những lời lẽ ngoại giao thường thấy như "cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông… giải quyết tranh chấp một cách hòa bình… bảo đảm an toàn hàng không và hàng hải… xử lý các rủi ro một cách xây dựng…", giới quan sát đã ghi nhận môt lời yêu cầu Bắc Kinh rút tên lửa khỏi Trường Sa :

"Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa ra khỏi các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, và khẳng định trở lại rằng tất cả các nước nên tránh giải quyết tranh chấp thông qua các hành vi cưỡng chế hay hù dọa".

Theo tờ báo Nhật Bản The Japan Times, số ra ngày 10/11, đây là lần đầu tiên mà Mỹ thúc giục Trung Quốc triệt thoái các hệ thống tên lửa mà họ đã triển khai trên các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.

Sự kiện Washington trực tiếp và công khai kêu gọi bằng văn bản Trung Quốc rút tên lửa, thể hiện một thái độ cứng rắn hẳn lên từ phía Washington, vì cho đến nay mối quan ngại của Mỹ chỉ được nêu lên một cách kín đáo.

Tờ Japan Times đã nhắc lại rằng hồi tháng Năm vừa qua chẳng hạn, Lầu Năm Góc còn từ chối bình luận về các thông tin tình báo cho biết là Trung Quốc đã cho triển khai các loại tên lửa hành trình chống hạm và phòng không trên 3 hòn đảo nhân tạo mới được họ bồi đắp là Đã Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn.

Nhắc nhở Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế

Ngoài chi tiết cụ thể liên quan đến yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa, bản thông cáo báo chí của bộ Ngoại Giao Mỹ còn nhắc nhở Bắc Kinh về nhu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, khi xác định cam kết "hậu thuẫn quyền tự do hàng hải và hàng không và quyền khai thác biển một cách hợp pháp trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế".

Bản thông cáo cũng nêu lên thái độ quan ngại của Mỹ khi xác nhận rằng trong cuộc họp "Hoa Kỳ đã thảo luận về tầm quan trọng của việc mọi tàu thuyền và máy bay quân sự, dân sự và của các lực lượng chấp pháp, đều phải hoạt động một cách an toàn và chuyên nghiệp, phù hợp với luật lệ quốc tế".

Nhận xét này đã gợi đến sư cố ngày 30/09/2018 tại Đá Ga Ven (Trường Sa) khi một chiến hạm Trung Quốc cố tình cắt ngang đường đi của một khu trục hạm Mỹ, gây nguy hiểm cho cả hai phía.

Bản thông cáo cũng lưu ý rằng "Mỹ vẫn quyết tâm cho tàu thuyền và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép".

Đấu khẩu "nẩy lửa" về Biển Đông trong cuộc họp báo chung

Quan điểm cứng rắn của Mỹ trên hồ sơ Biển Đông còn được hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ thể hiện trong cuộc họp báo chung với hai trưởng đoàn Trung Quốc sau cuộc đối thoại.

Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không ngần ngại công khai chỉ trích Trung Quốc về việc quân sự hóa Biển Đông khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ "tiếp tục bày tỏ quan ngại về các hoạt động và chính sách quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông (và) yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng những cam kết đã đưa ra trước đó trên vấn đề này".

Phản ứng trước lời đả kích của ông Pompeo, Ủy viên Quốc Vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cho rằng Bắc Kinh "có quyền xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết" ở những khu vực mà ông gọi là "lãnh thổ" của Trung Quốc. Không chỉ thế, ông Dương Khiết Trì còn lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ là phải "đình chỉ việc đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến gần những đảo đá của Trung Quốc và dừng những hoạt động phá hoại chủ quyền Trung Quốc".

Đòi hỏi nói trên đã bị bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis bác bỏ ngay sau đó khi ông tuyên bố : "Chúng tôi đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Hoa Kỳ luôn kiên định trong cam kết về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, một khu vực xây dựng trên nền tảng luật pháp và trật tự quốc tế cũng như sự ổn định của toàn vùng".

Trung Quốc sẽ lại làm ngơ trước yêu cầu của Mỹ

Sức ép trên đây của Mỹ liệu có làm cho Trung Quốc thay đổi thái độ về Biển Đông hay không ? và cụ thể là yêu cầu triệt thoái tên lửa có được Bắc Kinh đáp ứng hay không ? Trên vấn đề này, một số chuyên gia phân tích được nhật báo The Japan Times trích dẫn đã tỏ ý rất hoài nghi.

Trên tài khoản Twitter của mình, ông Jeffrey Ordaniel, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu về Châu Á-Thái Bình Dương Diễn Đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) ở Hawaii cho rằng dù đây là lần đầu tiên mà Mỹ lên tiếng đòi Bắc Kinh rút tên lửa khỏi Trường Sa, lời kêu gọi này ít có khả năng được Trung Quốc lắng nghe.

Theo chuyên gia Ordaniel, Trung Quốc đã "không bị hề hấn gì" khi làm ngơ trước lời kêu gọi của Mỹ trước đây, muốn Bắc Kinh dừng việc bồi đắp và xây dựng mới ở Biển Đông, vì vậy họ "không có lý do gì" để đáp ứng yêu cầu lúc này về tên lửa.

Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại viện nghiên cứu Rand Corp. cũng thận trọng, cho rằng Trung Quốc có thể rút các hệ thống tên lửa ra khỏi Trường Sa trong một động thái xây dựng lòng tin để tỏ thiện chí với Mỹ vào lúc này. Tuy nhiên theo ông, Bắc Kinh "có thể dễ dàng tái triển khai loại vũ khí này nếu quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trở lại".

Trọng Nghĩa

***************

Quần đảo Marshall tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền (RFI, 12/11/2018)

Với một phiếu khác biệt, nữ tổng thống quần đảo Marshall hôm 12/11/2018 đã thoát được một kiến nghị bất tín nhiệm trong đường tơ kẻ tóc. Bà Hilda Heine tố cáo chính quyền Bắc Kinh giựt dây phe đối lập để ra kiến nghị do dự án thành lập thiên đàng thuế bị cản trở.

tenlua2

Đảo quốc Marshall - Wikipedia

Dự án "Đặc khu ran san hô Rongelap" do nhà tài phiệt Cary Yan, người Trung Quốc mang quốc tịch Marshall, đề xuất : Thành lập một vùng lãnh thổ tự trị, miễn thuế để thu hút các công ty công nghệ cao cấp". Chính phủ Marshall xem đây là một mưu toan của Bắc Kinh biến đảo quốc thành nơi rửa tiền, bán hộ chiếu, làm con ngựa thành Troyes bành trướng xuống Nam Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh New Zealand sau cuộc bỏ phiếu tại Nghị Viện, nữ tổng thống Marshall cho rằng kiến nghị bất tín nhiệm là "mưu đồ của một số người nước ngoài muốn kiểm sóat các hải đảo của Marshall và tạo một quốc gia trong một quốc gia".

Bà khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền vì ý thức tình hình địa chiến lược quan trọng của khu vực.

Trong cuộc bỏ phiếu lật đổ tổng thống, phe đối lập được 16 phiếu thuận, chỉ thiếu một phiếu.

Tú Anh

*******************

Bắc Triều Tiên bị tố cất giấu tên lửa và duy trì căn cứ (RFI, 12/11/2018)

Một viện nghiên cứu chiến lược Mỹ hôm 12/11/2018 cho biết : Đã nhận dạng ít nhất 13 trong số 20 căn cứ tên lửa của Bắc Triều Tiên được thẩm định còn bị giấu. Đây là một thách thức đối với chính quyền Donald Trump đang hy vọng thuyết phục được Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.

tenlua3

Ảnh minh họa : Tên lửa Bắc Triều Tiên Hwasong-12. Ảnh KCNA công bố ngày 16/09/2017. Reuters

Thông tin trên đây do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS loan báo. Chuyên gia Joseph Bernudez cho biết, cho dù đang thương lượng với Washington về giải trừ vũ khí, nhưng Bình Nhưỡng tiếp tục cải tiến các căn cứ tên lửa và bảo trì hạ tầng cơ sở.

Các địa điểm bị nhận diện được che giấu trong những vùng núi non xa xôi. Bắc Triều Tiên không nhìn nhận có các cơ sở này. Cho đến nay, Bình Nhưỡng chỉ tuyên bố đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri và căn cứ thử tên lửa Sohae.

Nam Bắc Hàn tiếp tục giải trừ vũ khí ở Bàn Môn Điếm

Theo hãng Yonhap, bộ tư lệnh Liên Hiệp Quốc và hai phái đoàn quân sự Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên khai mở một đợt tiếp xúc mới để thảo luận về việc giải trừ vũ khí ở làng biên giới Bàn Môn Điếm ngày thứ hai 12/11/2018.

Cuộc họp ba bên tập trung vào chiến dịch biến Bàn Môn Điếm thành một khu vực không vũ khí, thay thế binh sĩ võ trang bằng các phương tiện kiểm soát khác và trao đổi thông tin.

Cho đến nay, phía Hàn Quốc đã dẹp bỏ 11 đồn canh.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)