Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/03/2017

Quan ngại hải quân Hoa Kỳ, Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng

tổng hợp

Tàu sân bay Mỹ tới Hàn tập trận : Trung Quốc thấy run ? (Đất Việt, 04/03/2017)

Trung Quốc bắt đầu cảm thấy run sợ trước kế hoạch tập trận kéo dài của Mỹ và Hàn Quốc khi liên tiếp đưa ra các cáo buộc cũng như chỉ trích.

Trung Quốc phản ứng cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn

Ngày 3/3, phát biểu tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc tập trận chung mang tên Đại bàng non giữa quân đội Hàn Quốc và Mỹ.

Ông Cảnh Sảng kêu gọi các bên liên quan tránh có những hành động khiêu khích làm leo thang căng thẳng tại khu vực.

my1

Một hình ảnh trong cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Ảnh : Yonhap

"Tình hình tại Bán đảo Triều Tiên hiện nay vô cùng nhạy cảm và phức tạp. Tôi nghĩ rằng, việc duy trì hòa bình cũng như ổn định ở khu vực là trách nhiệm chung của các bên liên quan.

Các bên cần nghiêm túc và làm nhiều hơn nữa để giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và duy trì hòa bình ổn định ở khu vực Đông Bắc Á", ông Cảnh Sảng nhấn mạnh.

Phản ứng của Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi Bộ tư lệnh Lực lượng Hỗn hợp Mỹ - Hàn Quốc ngày 3/3 tuyên bố , tàu USS Carl Vinson sẽ cập cảng Busan để tham gia cuộc tập trận "Đại bàng non".

Theo kế hoạch, cuộc tập trận chung này sẽ kéo dài 2 tháng, bắt đầu từ ngày 1/3 đến cuối tháng 4/2017. Thông báo từ phía Mỹ cho biết, sẽ có khoảng 10.000 binh sĩ nước này, trong đó có các lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc được huy động tham gia tập trận. Số binh sĩ Hàn Quốc góp mặt cùng quân đội Mỹ là 290.000 lính.

Ngoài một lực lượng hùng hậu, chiến đấu cơ tàng hình F-35B triển khai tại căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản cũng sẽ tham gia cuộc tập trận kéo dài 2 tháng này.

Đặc biệt từ ngày 13/3, hai bên cũng sẽ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mô phỏng trên máy tính mang tên "Giải pháp then chốt" kéo dài 2 tuần.

Trung Quốc run ?

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc Mỹ và Hàn Quốc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 17/10/2016, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng loan báo đang theo dõi sát cuộc tập trận hải quân diễn ra trong tuần giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời thúc giục Washington và Seoul kiềm chế, không làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực.

"Trung Quốc sẽ theo sát cuộc tập trận hải quân này", Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định.

Ngoài việc bày tỏ lo ngại về các cuộc tập trận giữa Washington và Seoul, thời gian gần đây Bắc Kinh còn liên tiếp nổi giận về quyết định đặt một hệ thống chống tên lửa đạn đạo THAAD của Hoa Kỳ ở Hàn Quốc.

Truyền thông Trung Quốc cuối tháng 2 vừa qua đã bày tỏ sự giận dữ và dọa tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc sau khi công ty Lotte International thuộc tập đoàn Lotte quyết định đổi đất cho chính phủ. Hàn Quốc tính triển khai THAAD tại khu đất ở vùng Seongju, đông nam Seoul.

my2

Vị trí Hàn Quốc dự định bố trí THAAD. Đồ họa : Korean Times.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Mỹ và Hàn Quốc sẽ lãnh hậu quả nếu quyết định triển khai hệ thống tên lửa THAAD.

"Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sẽ phá vỡ nghiêm trọng cân bằng chiến lược trong khu vực và gây nguy hiểm cho các lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực bao gồm Trung Quốc", ông Cảnh Sảng nhấn mạnh.

Chưa dừng lại, chính quyền Bắc Kinh còn khẳng định sẽ có biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia cũng như khiến Mỹ và Hàn Quốc phải lãnh hậu quả vì quyết định này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn phản đối việc Mỹ và Hàn Quốc triển khai THAAD bởi cho rằng việc này không hề có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho an ninh của nước này.

Theo Bắc Kinh, hệ thống radar mạnh mẽ của THAAD có khả năng thâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, làm suy yếu năng lực răn đe của Bắc Kinh. Mọi hoạt động của quân đội Trung Quốc dọc bờ biển đều nằm trong tầm trinh sát của radar hệ thống THAAD.

Thậm chí, hồi cuối tháng 11/2016, Trung Quốc còn quyết định tiến hành tập trận ba hạm đội lớn cùng các lực lượng như phòng không, tên lửa bờ biển, đối kháng điện tử để cảnh cáo Hàn Quốc về việc triển khai THAAD.

Rõ ràng, trước những động thái mứi đây của Mỹ, Trung Quốc thấy rõ những đe dọa có thể xảy ra với quốc gia này...

Tuấn Hùng

*******************

Chống "can thiệp từ bên ngoài", Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng (RFI, 04/03/2017)

my3

Đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc đến Đại Sảnh Đường Nhân Dân, ngày 04/03/2017, nhân kỳ họp Quốc Hội thường niên. Reuters

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng thêm 7% vào năm 2017. Trong thông báo ngày 04/03/2017, Bắc Kinh cho biết mục đích chính là nhằm đẩy lui "mọi sự can thiệp từ bên ngoài" vào lúc tổng thống Donald Trump hứa một khoản ngân sách lớn cho lực lượng quân sự Mỹ. Con số chính thức sẽ được công bố trong phiên khai mạc Quốc Hội Trung Quốc ngày 05/03.

Ngân sách quốc phòng năm 2017 của Trung Quốc sẽ đạt đến 1.020 tỉ nhân dân tệ, so với 954 tỉ nhân dân tệ cho năm 2016. Theo AFP, dù mức tăng cho năm 2017 tương đương với năm 2016 (7,6%) nhưng lại là một trong những mức tăng thấp nhất trong vòng 20 năm gần đây.

Bắc Kinh tăng chi phí quân sự từ thập niên 1980 để bắt kịp các nước phương Tây, mà đỉnh điểm là gần 18% vào cuối những năm 2000. Trong vòng 15 năm qua, ngân sách quân sự của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần, tuy nhiên vẫn chỉ tương đương với 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ (575 tỉ euro), song vượt qua các nước Nga (56 tỉ euro), Ả Rập Xê Út (54,1 tỉ euro), Anh Quốc (49,9 tỉ) và Pháp (44,9 tỉ).

Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc khiến các nước trong vùng lo ngại, trong đó phải kể đến các yêu sách của Bắc Kinh về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, bên lề phiên họp ngày 04/03, phát ngôn viên Phó Oánh (Fu Ying) của Quốc Hội Trung Quốc vẫn khẳng định : "Chúng tôi kêu gọi giải quyết một cách ôn hòa mọi tranh chấp. Song song đó, chúng tôi vẫn phải tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và chúng tôi chống mọi can thiệp từ bên ngoài".

Phát biểu trên được cho là nhắm đến Washington, vì Hoa Kỳ thường xuyên phái chiến hạm đến khu vực Biển Đông để thách thức Bắc Kinh. Vào tháng 01/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng dọa phong tỏa khu vực để cấm Trung Quốc vào các đảo nhân tạo mà nước này đang kiểm soát.

Theo đánh giá của chuyên gia Barthélémy Courmont, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp (Iris), "quyết định tăng ngân sách của Trung Quốc được đưa ra vì nhu cầu tương xứng với sự khẳng định sức mạnh của Trung Quốc, vừa là một cường quốc kinh tế đang phát triển mạnh vừa là một nhân tố chính trị và địa chính trị ngày càng được củng cố trên trường quốc tế".

Thu Hằng

*********************

Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự 7% năm 2017 (BBC, 04/03/2017)

Trung Quốc nói sẽ tăng chi tiêu quân sự khoảng 7% trong năm nay, chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump nêu ra việc tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ.

Thông báo theo lịch trình này được đưa ra trước Đại hội thường niên Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) tại Bắc Kinh.

my4

Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc ở dưới 10%, sau gần hai thập niên ở mức này hoặc cao hơn.

Trung Quốc đã và đang hiện đại hóa các lực lượng vũ trang thời gian gần đây khi nền kinh tế được mở rộng.

Ngân sách quốc phòng được công bố của Trung Quốc vẫn còn nhỏ hơn của Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát Trung Quốc cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Thông báo đánh dấu năm thứ hai liên tiếp mà tăng trưởng trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc dưới 10%, sau gần hai thập niên ở mức này hoặc cao hơn.

my5

Bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông

Điều này có nghĩa là tổng chi tiêu sẽ chiếm khoảng 1,3% mức GDP được dự phóng của nước này trong năm 2017, mức độ tương tự như trong những năm gần đây, theo một phát ngôn viên chính phủ.

Con số chính xác cho chi tiêu quân sự của nước này sẽ được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra khi ông phát biểu trước Quốc hội vào Chủ nhật.

Hồi đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông đang tìm cách đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng ở mức 10% trong ngân sách được đề xuất của ông cho năm 2018.

Gây quan ngại

Xây dựng và củng cố quân đội cùng sức mạnh hải quân của Trung Quốc đã gây ra quan ngại trong khu vực, nơi mà Bắc Kinh thực hiện một lập trường ngày càng quyết đoán trong các tranh chấp lãnh thổ.

Bắc Kinh đã xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở vùng biển mà các quốc gia khác ở Biển Đông cũng tuyên bố chủ quyền.

Bảo vệ quyền được xây dựng, Trung Quốc từng nói trong quá khứ rằng nước này không có ý định quân sự hóa các đảo, nhưng thừa nhận việc xây dựng cái mà họ gọi là các cơ sở quân sự cần thiết cho mục đích phòng thủ.

Đã có vài sự cố lẻ tẻ giữa các tàu của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Cuối năm ngoái, một chiếc tàu của Trung Quốc đã bắt giữ một thiết bị bay không người lái dưới nước của hải quân Mỹ ở ngoài khơi Philippines, nhưng sau đó Trung Quốc đồng ý trao trả.

my6

Trung Quốc thừa nhận đã xây dựng điều mà họ gọi là 'các cơ sở quân sự cần thiết' cho mục tiêu 'phòng thủ' ở Biển Đông.

Tàu Trung Quốc cũng can dự vào một số cuộc đụng độ và đối đầu với các tàu từ Việt Nam và Philippines.

Nhật Bản đã ký một ngân sách quốc phòng kỷ lục hồi cuối tháng Mười Hai khi đối mặt với các tranh chấp lãnh thổ trước Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, cũng như với các đe dọa về hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân Trung Quốc hôm thứ Bảy nói rằng Trung Quốc chủ trương "đối thoại để có các giải pháp hòa bình, đồng thời, chúng ta cần phải có khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình".

Quay lại trang chủ
Read 709 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)