Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/12/2018

Bắc Kinh : hưu chiến hỏa mù với Mỹ, trả đũa vụ Hoa Vi, giám sát công dân

RFI tiếng Việt

Thương chiến Mỹ-Trung : Cuộc hưu chiến hỏa mù (RFI, 13/12/2018)

Washington và Bắc Kinh đồng thuận tạm ngưng chiến tranh thương mại diễn ra từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, cuộc hưu chiến 90 ngày không có nghĩa là tranh chấp Mỹ-Trung có cơ may kết thúc. Mục tiêu chiến lược của đôi bên hoàn toàn đối nghịch nhau và Mỹ không để cho Trung Quốc thực hiện tham vọng áp đảo thế giới.

bk1

Lò thép Giang Châu, Trung Quốc. Reuters/Stringer

Ngày 01/12/2018 tại Buenos Aires, Argentina, trong bữa ăn tối bên lề G20, Donald Trump và Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận ngưng chiến thương mại trong vòng 90 ngày. Washington tạm hoãn biện pháp áp thuế hải quan từ 10% lên 25% kể từ đầu năm 2019. Đổi lại, Trung Quốc cam kết gia tăng nhập khẩu hàng Mỹ, cải cách chính sách thương mại và hệ thống kinh tế phù hợp với cấu trúc tư bản, tự do.

Tuy nhiên, mọi quan sát viên đều dự báo trận chiến sẽ tiếp diễn khốc liệt hơn vì siêu cường cảm thấy bị đe dọa. "Vụ Hoa Vi" chỉ là "điểm", bảo vệ thế độc tôn mới là "diện". Căng thẳng bắt đầu từ khi Trung Quốc của Tập Cận Bình, năm 2015, tung ra chiến lược "Made in China 2025", sản xuất tất cả mặt hàng công nghệ cao cấp kể cả "thông minh nhân tạo". Tiếp theo là lịch trình Giấc Mộng Trung Hoa theo nghị quyết của Đại Hội 19, năm 2017.

Vì sao Mỹ-Trung không thể buôn bán hài hòa ?

Giáo sư François Godement, giám đốc Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế, Thượng viện Pháp, khách mời của chương trình Địa chính trị của RFI, phân tích :Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy từ năm sau khi Mao qua đời và với cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình năm 1978. Trong một thời gian dài với khẩu hiệu "náu mình chờ thời" (thao quang dưỡng hối). Giới lãnh đạo sau đó tuyên bố theo chính sách "phát triển" trong tinh thần hiếu hòa. Họ còn cân nhắc giữa "phát triển và trỗi dậy" và tuyên bố là chỉ phát triển trong tinh thần hòa bình. Thế rồi, đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì mọi việc sáng tỏ hơn : Trung Quốc "trỗi dậy trong mọi lãnh vực", đó là kết quả của một quá trình chạy đua vũ trang rất, rất dài. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt trội các quốc gia láng giềng. Do vậy, Hoa Kỳ mới lo ngại.

Thế giới đã qua rồi thời kỳ sống chung với một siêu cường với nền kinh tế thị trường hùng mạnh hơn bất cứ nước nào lại có thêm sức mạnh quân sự (Mỹ).

Ngày nay, thế giới có thêm một nước Trung Quốc với tham vọng làm bá chủ thế giới từ công nghệ cho đến thương mại, một nước Trung Quốc "dân tộc chủ nghĩa", bảo hộ thị trường và đang cạnh tranh ngang tầm với Hoa Kỳ trong một số lãnh vực.

Năm 2015, Tập Cận Bình tung kế hoạch đưa Trung Quốc làm đại cường kinh tế số một. Trong khi đó mục tiêu của Donald Trump, từ khi trở thành tổng thống Mỹ, là phải cản trở "mục tiêu made in China 2025" của Bắc Kinh mà Washington xem là mối đe dọa số một.

Đe dọa thứ hai là chiến lược "Con đường tơ lụa mới" trên bộ và trên biển. Chiến lược này là nhằm chống lại Hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương mà Trung Quốc đứng ngoài theo sáng kiến của Barack Obama nhằm kềm chế Bắc Kinh.

Donald Trump thấy được mưu cơ địa chiến lược của Bắc Kinh là muốn "tóm thu" cả Châu Á lẫn Châu Âu nên phản công bằng biện pháp chận Trung Quốc tiếp cận và có được trang thiết bị công nghệ cao cấp.

Hưu chiến 90 ngày mang ý nghĩa gì ?

Theo giáo sư Godement :

"Có hai cách lý giải. Chính thức, theo thông cáo của chính quyền Mỹ, Trung Quốc cam kết cải cách sâu rộng, đổi mới hoàn toàn nền kinh tế trong vòng ba tháng cho phù hợp với luật chơi của kinh tế tự do, bảo vệ sở hữu trí tuệ. Trung Quốc cũng cam kết hủy bỏ những biện pháp trả đũa áp thuế hàng hóa Mỹ. Trung Quốc hứa sẽ ký một loạt hợp đồng với tổng trị giá 1.200 tỉ đô la và mở cửa thị trường theo… nghị quyết của Đại Hội đảng Cộng Sản lần thứ 19, phải hiểu là không đúng như những gì phía Mỹ công bố sau hội kiến Trump-Tập tại G20.

Tuy nhiên, có thể nói là Donald Trump không lùi bước, còn Tập Cận Bình thì đã nhượng bộ một chút, ít ra là trong lời nói. Đối với một chế độ độc tài mà sĩ diện được xem là quan trọng nhất, không để mất mặt, không để lộ mối lo âu, thì sự kiện Tập Cận Bình xuống nước như thế, dù là ở lời hứa, cũng đủ cho phép kết luận là Donald Trump đã thắng.

Tôi không tin là chính quyền Mỹ nghĩ rằng sẽ được 1.200 tỉ đô la của Trung Quốc trong vòng 90 ngày. Washington cũng không ngây thơ tin rằng chế độ độc tài Trung Quốc sẽ cải cách sâu rộng trong ba tháng. Vấn đề mấu chốt là Trung Quốc sẽ lùi đến đâu và liệu có khả năng ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ hay không ?".

Theo chuyên gia Pháp Jean-François Di Meglio, chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á (Asia Center), tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không có viễn kiến như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng là một người sáng suốt, ông thấy được mưu đồ của Bắc Kinh sớm hơn công luận Châu Âu. Đây cũng là cơ may cho Châu Âu, bởi vì trong cuộc chiến làm suy yếu nước Mỹ, Trung Quốc làm Châu Âu suy yếu trước tiên. Gián điệp Trung Quốc bị bắt quả tang đánh cắp công nghệ của Safran, tập đoàn chuyên về hàng không, không gian, quốc phòng số một thế giới của Pháp là một trong số các trường hợp nghiêm trọng cụ thể.

Vì sao phải chờ đến Donald Trump vào Nhà Trắng, Washington mới phản ứng mạnh.

Giáo sư François Godement phân tích :

"Căng thẳng diễn ra trước khi Donald Trump đắc cử. Trước đây, chính quyền Obama cũng từ từ nhận ra mối đe dọa của Trung Quốc nhưng không dứt khoát phản ứng vì không muốn xảy ra xung đột. "Dĩ hòa vi quý" cũng là não trạng của Barack Obama trong nhiều hồ sơ khác, không riêng gì đối với Trung Quốc.

Do vậy, ngọn sóng Trung Quốc được chính quyền Mỹ thỏa hiệp chấp nhận trừ một nguyên tắc Tự Do Mậu Dịch. Đối với công luận Mỹ, giao thương tự do là chìa khóa đem lại phát triển cho toàn cầu.

Thế rồi, Trung Quốc tiếp tục làm tới, không tôn trọng luật chơi, cho nên gió đổi chiều. Câu hỏi mấu chốt ở đây là xung khắc Mỹ-Trung đã nghiêm trọng đến mức độ nào ?".

Với chiến lược "Cường quốc đại dương", "Kế hoạch 2025", tham vọng xưng hùng của Trung Quốc đã rõ nét. Ngân sách quốc phòng, lực lượng không quân, hải quân tăng mạnh mỗi năm và ngày càng tự tin đối đầu với Mỹ và các đồng minh Tây phương ở Thái Bình Dương. Dự tính của Bắc Kinh, trong lĩnh vực điện tử, thông minh nhân tạo, sẽ mang lại doanh thu từ 65 tỉ đô la của năm 2016 lên 305 tỉ vào năm 2030, tăng gần 5 lần trong vòng 15 năm.

Thực tế, Trung Quốc cũng có nhiều điểm yếu

Giáo sư François Godement đánh giá : Nhược điểm của chế độ Trung Quốc, thứ nhất là cứng nhắc thái quá nên chậm trễ trong nỗ lực canh tân. Tiền đổ ra rất nhiều, bằng phát minh đăng ký cũng nhiều nhưng dòng thác đầu tư này chạy ngược ra nước ngoài. Khi Trung Quốc thành công thì chỉ thành công trong một số phạm vi nhỏ hẹp là thương vụ. Cho nên, trong phần đầu, nói Trung Quốc đuổi kịp Mỹ là nói không đúng sự thật. Trung Quốc chỉ giỏi tổ chức theo kiểu thương gia hám lợi.

Điểm yếu thứ hai của Trung Quốc là nền kinh tế không chịu nổi một cuộc chuyển hóa sang kinh tế tự do. Bắc Kinh phải tiếp tục kiểm soát kinh tế, kiểm soát tiền tệ, phải sử dụng ngoại tệ nhất là đô la. Vì thế, những đối tác kinh tế của Trung Quốc không lệ thuộc vào Trung Quốc mà chính Trung Quốc bị lệ thuộc vào các nước này.

Nói cách khác, khi một chính quyền quy hoạch một chiến lược kinh tế mà chỉ đặt trên cơ sở hám lợi thì số phận nước đó sẽ như "cá nằm trên thớt" : Trung Quốc thụ động trước sức ép của Donald Trump".

Tuy nhiên, nhược điểm sinh tử của Trung Quốc là hệ thống tài chính. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, với nợ khó đòi chồng chất, dự án cải cách thì có nhưng quyết tâm chính trị thì không. Lá phổi duy nhất của kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao trong hai trường hợp : xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ hoặc phải "theo chuẩn mực bình thường", mục tiêu gây sức ép của Donald Trump ?

Tú Anh

*******************

Vụ Hoa Vi : Trung Quốc trả đũa, bắt điều tra 2 công dân Canada (RFI, 13/12/2018)

Ngày 13/12/2018, Bắc Kinh khẳng định hai người Canada bị tình nghi "hoạt động đe dọa an ninh quốc gia" Trung Quốc và đã có các "biện pháp cưỡng chế" với họ.

bk2

Michael Spavor tại sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/01/2014. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Tương tự như trường hợp ông Michael Kovrig, đại diện tổ chức phi chính phủ, bị câu lưu hôm 10/12/2018, giờ đến lượt Michael Spavor, một doanh nhân Canada đang làm ăn tại Trung Quốc bị tạm giữ để thẩm vấn.

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :

Theo báo chí chính thức Trung Quốc, Michael Spavor bị bắt hôm thứ Hai vừa qua trong tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. Ông bị điều tra vì có hành vi xâm hại an ninh quốc gia. Trên một tấm hình selfi mới đăng trên tài khoản Twitter của ông, người ta thấy nhân viên tư vấn, chuyên gia về Bắc Triều Tiên này xuất hiện trước một chiếc máy bay của hãng hàng không Air Koryo trên sân bay Bình Nhưỡng. Đó là nơi ông thường xuyên đi lại, đưa các đoàn quan tâm đến thị trường Bắc Triều Tiên.

Cư ngụ tại Đan Đông, ông là một số hiếm người phương Tây được gặp Kim Jong-un. Spavor được mô tả như là một người móc nối các trao đổi với Bình Nhưỡng. Năm 2005, ông có 6 tháng làm giảng viên Anh ngữ tại Bắc Triều Tiên. Michael Spavor giờ đây lãnh đạo Paektu Exchange, một tổ chức xúc tiến các chương trình trao đổi văn hóa thể thao với Bắc Triều Tiên. Có thể chính ông là người đã đưa vận động viên bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đến gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Như vậy đây là vụ bắt giữ thứ hai công dân Canada tại Trung Quốc trong vòng chưa đầy một tuần, sau ông Michael Kovrig đại diện tổ chức International Crisis Group (ICG). Cho đến hôm qua trước các nhà báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc vẫn khẳng định không có thông tin gì về vụ việc.

Anh Vũ

*******************

Bắt giữ lãnh đạo Hoa Vi, Canada đã vội quên bài học năm 2014 (RFI, 13/12/2018

Trung Quốc đã có phản ứng ngày càng mạnh mẽ sau vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính Hoa Vi theo yêu cầu của Mỹ và cảnh cáo là chính quyền Ottawa sẽ "gánh lấy hậu quả nghiêm trọng". Quả thực là Trung Quốc đã không hề dọa dẫm và "nói suông". Hôm thứ Hai, 10/12, hai công dân Canada đã bị Bắc Kinh bắt giữ. Vụ việc cho thấy một lần nữa Canada lại bị "vướng bẫy" tranh chấp Mỹ - Trung.

bk3

Ngoại trưởng Chrystia Freeland tại Ottawa lên tiếng về vụ Bắc Kinh bắt giữ công dân Canada. Ảnh ngày 12/12/2018. Reuters/Chris Wattie

Người thứ nhất bị bắt là Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao Canada, đang làm việc cho Trung tâm cố vấn International Crisis Group (ICG). Người thứ hai là doanh nhân Canada, Michael Spavor, đang làm ăn tại Trung Quốc.

Phải chăng Canada bắt đầu trả giá cho việc tuân theo các yêu cầu của Mỹ ? Cả Bắc Kinh lẫn Ottawa hiện đều không khẳng định vụ bắt giữ hai nhân vật trên, nhất là với trường hợp ông Michael Kovrig, là "hệ quả" của vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Hoa Vi. Nhưng người thân cũng như một số chuyên gia đều cho rằng cả hai vụ việc có liên hệ với nhau.

Theo tờ Bắc Kinh thời báo, ông M. Kovrig "bị nghi ngờ có những hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh Trung Quốc", một cách nói mà Bắc Kinh thường hay sử dụng để buộc tội gián điệp.

Trả lời AFP, ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho rằng"rõ ràng là chính phủ Trung Quốc muốn gây áp lực tối đa với chính quyền Canada". Ông cũng lưu ý rằng đây cũng không phải là lần duy nhất Canada rơi vào trường hợp như vậy.

Năm 2014, Trung Quốc đã từng bắt giữ hai công dân Canada, Kevin và Julia Garratt, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ với tội danh hoạt động gián điệp để trả đũa việc Canada tạm giam thẩm vấn ông Su Bin bị nghi ngờ có can dự vào một vụ tấn công tin học cũng theo yêu cầu của phía Mỹ. Vụ việc kết thúc với việc Bắc Kinh lần lượt trả tự do cho hai người trên vài tháng sau khi ông Su Bin chấp nhận đến Mỹ và tuyên bố vô tội.

Ottawa giờ đây một lần nữa bị rơi vào thế kẹt giữa Washington và Bắc Kinh, vốn dĩ đang có nhiều điểm bất đồng về thương mại hay gián điệp mạng. Vẫn theo ông Saint-Jacques, nhà cựu ngoại giao M. Kovrig chắc chắn sẽ là "một nạn nhân" trong cuộc tranh cãi này.

Về điểm này, ông Shaun Rein, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc cũng có cùng quan điểm, nhấn mạnh thêm : "Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ là một siêu cường đối thủ của Mỹ và các nước khác nên cân nhắc giữa việc đứng về phía Trung Quốc hay là Mỹ". Do vậy, theo ông, "nhà cựu ngoại giao là một con tốt và sẽ bị giam giữ cho đến khi nào Mạnh Vãn Châu được trả tự do".

Chuyên gia Rein cho rằng Trung Quốc đã tỏ ra cao tay khi bắt giữ công dân Canada. Bởi vì, "Quốc Hội Mỹ sẽ không thể la ó hay làm gì được. Các cuộc thương lượng vẫn có thể tiếp diễn vì Bắc Kinh luôn tán đồng với thỏa thuận đúc kết được với Donald Trump nhân thượng đỉnh G20".

Tóm lại, nếu không tỉnh táo, thì "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết".

Minh Anh

*******************

Trung Quốc, cuộc đời tính theo điểm (RFI, 14/12/2018

Theo tờ Shunpo Montly ở Hồng Kông, Trung Quốc vốn ngày càng số hóa, đang triển khai hệ thống đánh giá điểm "tín nhiệm xã hội", giúp khen thưởng hay trừng phạt thái độ của mỗi công dân. Dự kiến biện pháp này sẽ được áp dụng trên toàn quốc vào năm 2020, và như vậy cuộc đời của người dân Hoa lục sẽ được tính theo điểm số.

bk4

Kiểm soát bằng caméra, giám sát trên mạng, cho điểm... người dân Trung Quốc khó thoát được vòng kiềm tỏa của Nhà nước. Ảnh minh họa: Caméra giám sát trên quảng trường Thiên An Môn. Reuters/David Gray

200 triệu camera giám sát vẫn chưa đủ !

Mùa hè vừa qua, có một người cha ở quận Thương Nam (Cangnan), thị trấn Ôn Châu (Wenzhou), tỉnh Chiết Giang đã phải đưa ra một quyết định quan trọng. Người con trai vừa thi đậu vào một trường đại học danh giá ở Bắc Kinh, cả nhà hết sức vui mừng. Nhưng một cú điện thoại từ nhà trường đã sớm dập tắt niềm hoan hỉ của họ : vì người cha nằm trong danh sách "người không có điểm tín nhiệm", trường không thể nhận cậu con vào học.

Trong 5 năm qua, tại Trung Quốc đã mọc lên 22.000 km đường tàu cao tốc, xuất hiện một xã hội không dùng tiền mặt lớn nhất thế giới, một mạng lưới "thiên la địa võng" 200 triệu camera giám sát. Chẳng có nơi nào trên trái đất an toàn hơn Trung Quốc, cho đến nỗi nghi phạm đành tự đến nộp mình cho công an, lực lượng an ninh khỏi cần can thiệp.

Ở Thương Nam cách đây hai năm, do chậm trễ khi trả món nợ 200.000 nhân dân tệ (25.400 euro) vay của ngân hàng, ông Rao bị tòa án ghi vào danh sách đen, bị hạn chế mức chi. Và do thân nhân cũng bị liên đới, người con trai ông thấy con đường dẫn đến một tương lai rạng rỡ bỗng chốc bị chắn ngang. Rốt cuộc ông Rao đã trả hết một lượt số nợ để được ra khỏi "bảng phong thần", không ảnh hưởng đến con.

Danh sách này đè nặng lên số phận con người, không chỉ là chuyện bằng cấp, mà phía sau là cả một "hệ thống tín nhiệm xã hội". Đây có thể là "sáng tạo vĩ đại lần thứ năm" của Trung Quốc !

Hệ thống chấm "điểm tín nhiệm" của công dân

Năm 2014, chính quyền đã công bố một "chương trình khung" để thiết lập từ đây đến năm 2020 một "xã hội hòa nhập". Bởi vì trong những năm gần đây, khái niệm tôn trọng luật lệ không tiến triển cùng một nhịp độ với kinh tế tại Hoa lục. Có rất nhiều vụ trốn thuế, bóc lột lao động bất hợp pháp, bán thực phẩm đã quá hạn sử dụng, bằng giả v.v…

Với hệ thống tín nhiệm xã hội, một cá nhân, doanh nghiệp thậm chí một cơ quan, có thể được chấm điểm theo "tiền sử" ngân hàng, cách xử sự trong đời sống và trên mạng xã hội. Lần đầu tiên trên thế giới, hệ thống đánh giá các ngân hàng phương Tây đã được mở rộng ra nhiều phương diện trong cuộc sống, với thưởng phạt trong nhiều lãnh vực, theo barème được ấn định trước.

Đối với người Trung Quốc, việc bị "vào sổ" không có gì xa lạ. Từ thời Mao Trạch Đông, chính quyền đã lập những "hồ sơ cá nhân" cho mỗi người, với những đánh giá về chuyên môn, địa chỉ cư trú (và cả quan hệ gia đình, các hành động hay quan điểm bị cho là sai lạc). Đây là công cụ quan trọng, dựa vào đó để thăng hay giáng chức, thuyên chuyển, cho nhập học, điều tra chính trị… Ở thế kỷ 21, hồ sơ này được đổi thành "điểm tín nhiệm", ngày càng được hoàn chỉnh.

Một kiểu lý lịch "số hóa"

Trước hết, được số hóa. Hồi trước "hồ sơ cá nhân" được cho vào một bao thư lớn, chỉ có cấp trên (và có thể đảng cộng sản hay công an) đọc được. Ngày nay, các dữ liệu được tập hợp lại, không chỉ lưu trữ, mà còn được thuật toán phân tích.

Hồ sơ cũng bị công khai. Hàng tháng, các tòa án cập nhật trên internet các "danh sách đen" ; đôi khi còn có thể đọc được tại những địa điểm công cộng, với mục đích dùng sức ép dư luận để "uốn nắn". Trong việc này, chính quyền các địa phương tỏ ra rất "sáng tạo".

Tại thị xã Lai Châu (Laizhou) ở tỉnh Sơn Đông (Shandong), khi gọi điện thoại cho một người "không có điểm tín nhiệm", sẽ được nghe một tin nhắn như sau : "Tòa án nhân dân xin cảnh báo với quý vị, người mà quý vị gọi điện là đối tượng bị kết án vì không thực hiện nghĩa vụ".

Tòa án Khai Phong (Keifeng) tỉnh Hà Nam (Henan) cũng rất "đúng mốt" : cho chạy diaporama trên nền nhạc hình ảnh những người bị "mất điểm tín nhiệm", rồi phổ biến trên Douyin (hay còn gọi là Tik Tok, mạng xã hội chia sẻ những video ngắn mà thanh niên Hoa lục rất mê).

Tính điểm loạn xạ không theo logic nào

Như vậy hệ thống "tín nhiệm xã hội" chỉ là dạng mới của một thói quen xưa ? Không, Trung Quốc đã khởi đầu một sự biến tướng.

Các quy định thay đổi tùy theo địa phương (người ta đếm được 43 chế độ khác nhau được thử nghiệm trên toàn quốc). Dù sai lầm thuộc loại nào - tội nặng như vi phạm luật pháp, hay tội nhẹ như trả tiền điện nước trễ - đều bị trừ điểm.

Theo với thời gian, những người nhiều điểm nhất có thể được trợ cấp của chính phủ khi lập công ty, được ưu tiên trong dịch vụ công, thậm chí được vào đảng hay gia nhập quân đội. Ngược lại, ai điểm thấp đành ở lại dưới đáy xã hội.

Các hệ thống tính điểm có khác nhau, nhưng trừng phạt nhìn chung là hạn chế tự do cá nhân – về việc làm, nhà ở, tín dụng hay di chuyển. Mức trừng phạt cao nhất là "tước các quyền chính trị" (tức không thể được kết nạp đảng) cộng thêm các hình phạt theo "9 nấc quan hệ gia đình", chẳng hạn con cái không được vào học trường tốt.

Dân chúng huyện Huy Ninh (Suining) tỉnh Giang Tô (Jiangsu) là những con chuột bạch đầu tiên, bị áp dụng bốn năm trước khi chế độ điểm tín nhiệm chính thức có hiệu lực. Ông Zhang, bị cho vào sổ đen chỉ vì vượt đèn đỏ hai lần trong năm, bực tức nói : "Phạt vạ chỉ là chuyện vặt, bị trừ điểm mới đáng sợ". Ông bất bình vì vượt đèn đỏ bị trừ đến 50 điểm, còn bán hàng giả gây nguy hại cho sinh mạng người khác chỉ mất có 30 điểm. Vu khống trên internet sẽ bị trừng phạt tối đa : trừ 100 điểm.

Cư dân huyện Thanh Trấn (Qingzhen) tỉnh Quý Châu (Guizhou) chịu đựng một hệ thống còn đáng kinh ngạc hơn cả Huy Ninh. Có ít nhất 1.000 tiêu chí nhưng không theo một logic nào cả.

Trai khôn tìm vợ… theo điểm

Ứng dụng điện thoại di động Zhima Credit cho điểm người sử dụng qua các dữ liệu liên quan đến tiêu dùng, thang điểm từ 350 đến 950. Ngày nay một số cư dân mạng thích khoe điểm tín nhiệm của mình, cho dù cách tính điểm gây tranh cãi. Thí dụ nếu ngồi gõ máy tính 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày, có thể bị coi là lười biếng và bị trừ điểm. Ngược lại, nếu thường xuyên mua tã lót em bé, chứng tỏ là cha mẹ có trách nhiệm, được cộng điểm.

Những ai được trên 600 điểm có thể thuê xe, phòng ăn trong nhà hàng mà không cần đặt cọc ; không cần trình giấy tờ để xin visa đi Singapore nếu có trên 700 điểm, và từ 750 điểm trở lên, sẽ xin được visa (không cần chứng minh tài chính) đi Luxembourg, nơi mở ra cánh cửa vào Liên Hiệp Châu Âu.

Bốn năm qua, kể từ khi áp dụng hệ thống điểm tín nhiệm tại một số địa phương, người dân bị trừng phạt nhiều hơn khen thưởng. Để được nhiều điểm hơn, không gì tốt bằng lấy vợ/chồng có sẵn "tín nhiệm cao".

Tác giả bài viết sống ở Hồng Kông, ngày càng có nhiều bạn bè tại Hoa lục tìm kiếm người phối ngẫu dựa trên điểm tín nhiệm. Theo người phụ trách trang web tìm bạn bốn phương Bách Hiệp Võng (Baihewang), ngoại hình là quan trọng, nhưng thái độ ứng xử còn quan trọng hơn, và trang này đặt tiêu chí điểm lên hàng đầu.

Từ ngày 01/05/2018 lần đầu tiên việc trừng phạt được thống nhất ở cấp quốc gia, những ai chậm thanh toán bị hạn chế đi máy bay, xe lửa. Nhưng những tay "cò" cũng vẫn khai thác được kẽ hở : cung cấp giấy tờ giả cho những người không tín nhiệm, giúp họ mua được vé, không bị chận bởi một trong những danh sách đen.

Một xã hội khiến người ta nhớ lại những gì được nhà văn George Orwell mô tả trong tiểu thuyết "1984" : chính quyền độc tài muốn kiểm soát mọi nơi, mọi lúc, cả trong tư tưởng con người.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 482 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)