Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/12/2018

Trung Quốc gây lo ngại : Đức siết chặt đầu tư, tin tặc, gián điệp Hoa Vi

RFI tiếng Việt

Lo ngại Trung Quốc, Đức siết chặt đầu tư nước ngoài (RFI, 19/12/2018)

Chính phủ Đức hôm nay 19/12/2018 đã siết chặt hơn việc kiểm soát vốn đầu tư từ các nước ngoài Châu Âu trong những lãnh vực chiến lược, vào thời điểm Trung Quốc ngày càng tỏ ra thèm muốn những ngành kỹ nghệ mũi nhọn của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.

tq1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại Bắc Kinh ngày 10/12/2018. FRED DUFOUR / AFP

Nghị định do chính phủ của bà Angela Merkel ban hành giảm ngưỡng vốn đầu tư nước ngoài mà Berlin có thể mở điều tra, từ 25% xuống còn 10%, tại các lãnh vực được đánh giá là nhạy cảm như quốc phòng, viễn thông, khí đốt, điện, nước, truyền thông.

Bộ trưởng Thương mại Peter Altmaier giải thích, Đức muốn giám sát chặt hơn những cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược, xem xét "những ai muốn mua, và hậu quả sẽ như thế nào".

Lâu nay Đức luôn hấp dẫn các nhà đầu tư với nền kỹ nghệ quốc tế hóa, gồm nhiều công ty vừa và nhỏ đứng hàng đầu về công nghệ cao. Trong những năm gần đây Berlin và một số thủ đô Châu Âu bắt đầu lo lắng, khi các phi trường, hải cảng, các công ty công nghệ trở thành mục tiêu của các tập đoàn Trung Quốc.

Hồi tháng Hai, Đức không phản đối việc tỉ phú Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu) mua 10% vốn của tập đoàn xe hơi Daimler. Nhưng đến tháng Bảy, do không thể ngăn chận việc một nhà đầu tư Trung Quốc mua 20% vốn của mạng lưới điện 50Hertz, Berlin đã phải cho ngân hàng quốc gia mua lại số cổ phần này.

Cuối tháng 11, quan ngại càng tăng lên với việc ông Till Reuters, chủ tịch hội đồng quản trị công ty KUKA chuyên sản xuất robot, bất ngờ bị ông chủ Trung Quốc là tập đoàn Midea sa thải, sau hai năm mua lại công ty nổi tiếng của Đức.

Hôm nay, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã phản đối "các dấu hiệu sai lạc gởi đến thế giới", "trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương ngày càng nặng nề", và bày tỏ hy vọng Đức "mở cửa cho các nhà đầu tư, kể cả Trung Quốc".

Liên đoàn Kỹ nghệ Đức (BDI) cũng lo ngại trước việc chính phủ Đức siết nguồn đầu tư ngoài Châu Âu. Tuy nhiên, bộ Thương Mại nhắc lại, từ năm 2004, hàng năm Berlin vẫn cấp phép cho khoảng 80 đến 100 dự án của các nhà đầu tư ngoài Liên Hiệp Châu Âu.

Thụy My

*******************

Giới chuyên gia nghi tin tặc Trung Quốc thâm nhập mạng lưới ngoại giao Châu Âu (RFI, 19/12/2018)

Có thể tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập mạng lưới liên lạc ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu ít nhất trong ba năm, đánh cắp hàng ngàn bức điện ngoại giao. Vụ tấn công tin học quy mô này được New York Times tiết lộ tối qua 18/12/2018.

tq2

Ảnh minh họa Reuters/Edgar Su/Files

Tờ báo Mỹ được công ty an ninh mạng Area 1 cung cấp trên 1.100 bức điện ngoại giao, sau khi phát hiện vụ xâm nhập. Các nhà điều tra của Area 1 tin rằng các tin tặc này do quân đội Trung Quốc tuyển dụng.

Các bức điện ngoại giao bị đánh cắp phản ánh mối quan ngại của Châu Âu trước chính sách của tổng thống Donald Trump, những khó khăn khi làm việc với Nga, Trung Quốc, hay nguy cơ Iran lại tái khởi động chương trình nguyên tử.

Trong một bức điện, các nhà ngoại giao Châu Âu đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki hồi tháng Bảy giữa tổng thống Nga và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump là một "thành công (ít nhất là cho ông Putin)".

Một bức điện khác được viết sau cuộc họp ngày 16/7 tại Phần Lan, nêu ra một cuộc đối thoại giữa các viên chức Liên Hiệp Châu Âu và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, so sánh các thủ thuật hăm dọa Bắc Kinh của ông Donald Trump với một "cuộc đấu võ đài mà mọi cú đòn đều được phép".

Tin tặc cũng len lỏi vào các mạng lưới của Liên Hiệp Quốc, nghiệp đoàn Mỹ AFL-CIO, nhiều Bộ Ngoại giao và bộ Tài Chính của các nước trên thế giới.

Tư pháp Mỹ cho rằng tin tặc Trung Quốc có liên quan đến chiến dịch "Cloudhopper" nhắm vào các nhà cung cấp công nghệ và khách hàng của họ.

Về phía Đức, cơ quan an ninh mạng BSI hôm nay 19/12 cũng cảnh báo nhiều công ty Đức có thể là nạn nhân của tin tặc, và các hoạt động tấn công từ Trung Quốc đang tăng lên. Hồi tháng Chín, giám đốc cơ quan phản gián Đức đã báo động việc Nga, Trung Quốc và một số nước có thể xâm nhập vào máy tính các công ty để đánh cắp thông tin kỹ nghệ.

Trình độ công nghệ cao của Đức lâu nay vẫn hấp dẫn tin tặc, và tờ Süddeutsche Zeitung hôm nay cho biết tin tặc tập trung vào "những công ty xây dựng, nghiên cứu về vật liệu, và một số công ty thương mại lớn". Theo tờ báo, tuy dạng tấn công "Cloudhopper" còn khá hiếm tại Đức, nhưng tập trung vào mục tiêu hơn và gây thiệt hại nhiều hơn so với tin tặc Nga.

Thụy My

*********************

Hoa Vi khẳng định không có bằng cớ làm gián điệp cho Trung Quốc (RFI, 19/12/2018)

Chủ tịch tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) hôm 18/12/2018 bác bỏ mọi liên hệ với cơ quan tình báo của Bắc Kinh, vào lúc đang đối mặt với làn sóng tẩy chay các thiết vị viễn thông 5G của tập đoàn này tại phương Tây.

tq3

Ảnh minh họa : Logo Hoa Vi (Huawei) trong một cuộc triển lãm ở Thượng Hải, 14/06/2018. Reuters/Aly Song/File Photo

Ông Hồ Hậu Côn (Ken Hu) trong cuộc họp báo tại trụ sở của Hoa Vi tại Thâm Quyến tuyên bố : "Không có một bằng cớ nào cho thấy Hoa Vi đe dọa an ninh quốc gia của bất cứ nước nào".Ông khẳng định là tập đoàn không hề nhận được yêu cầu của chính quyền Trung Quốc đòi cung cấp dữ liệu.

Năm 2018 là một năm đầy khó khăn cho Hoa Vi. Hoa Kỳ thuyết phục các đồng minh không sử dụng thiết bị của tập đoàn này, và Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi theo yêu cầu của Mỹ. Thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc trong những tháng gần đây liên tục bị từ chối sử dụng tại Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Anh, Pháp, Đức, và Nhật cũng đang xem xét lại.

Danh sách này vừa được nối dài hôm 17/12 với việc cơ quan an ninh mạng của Cộng hòa Sec khẳng định các phần mềm và thiết bị của Hoa Vi là mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Hoa Vi hôm qua quyết định mở cửa phòng thí nghiệm cho các nhà báo tham quan và tổ chức họp báo để phân bua. Theo ông Hồ Hậu Côn, tập đoàn ký được 25 hợp đồng thương mại cho điện thoại di động 5G, đã giao trên 10.000 trạm thu phát sóng, tuy nhiên ông không chịu nói chi tiết về các khách hàng.

Hồ Hậu Côn khẳng định Hoa Vi sẽ đầu tư 2 tỉ đô la trong năm năm tới cho an ninh mạng, qua việc củng cố các thiết bị, hiện đại hóa công việc nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên theo các chuyên gia, những món đầu tư sẽ trở thành vô ích nếu Hoa Vi tiếp tục bị cho đứng ngoài lề các thị trường phương Tây.

Về việc bà Mạnh Vãn Châu bị bắt và quản thúc tại Canada, ông Hồ Hậu Côn không muốn bình luận. Đặc biệt là dù Hoa Vi kín tiếng, nhưng các phản ứng dữ dội của Bắc Kinh sau vụ bắt giữ này càng làm tăng thêm nghi ngờ về mối liên hệ giữa tập đoàn với chính quyền Trung Quốc.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 557 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)