Nhật Bản : Ngân sách quốc phòng 2019 lại tăng kỷ lục (RFI, 21/12/2018)
Ngân sách quốc phòng Nhật Bản sẽ lên đến 47 tỉ đô la cho năm tài khóa 2019, bắt đầu từ tháng 04. Mức tăng kỷ lục lần thứ năm liên tiếp này đã được văn phòng thủ tướng Shinzo Abe thông qua ngày 21/12/2019, nhằm tăng cường khả năng chống tên lửa và triển khai chiến đấu cơ tàng hình trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Lực lượng phòng vệ - tức quân đội của Nhật Bản. Reuters
Theo một số quan chức Nhật Bản, được AFP trích dẫn, ngân sách này được dùng để mua hệ thống chặn tên lửa Aegis, 6 chiến đấu cơ tàng hình F-35A, tất cả đều do Mỹ sản xuất, và một phần ngân sách được dành cho việc nâng cấp hai tầu chở máy bay trực thăng thành hàng không mẫu hạm. Đây sẽ là hai tầu sân bay đầu tiên của Nhật Bản kể từ sau Thế Chiến II.
Khoản ngân sách này nằm trong kế hoạch quốc phòng 5 năm (đến tháng 03/2024) được công bố hôm 18/12. Tokyo tuyên bố những biện pháp này là việc cần thiết do thách thức trong vùng về mặt an ninh ngày càng gia tăng, như căng thẳng với Bắc Triều Tiên, và do "quan ngại sâu sắc" về sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.
Ngay sau khi Tokyo công bố kế hoạch quốc phòng 5 năm, Bắc Kinh đã nhanh chóng bày tỏ "bất bình sâu sắc" và "phản đối" chương trình nói trên, đồng thời kêu gọi Nhật Bản nên tiếp tục "chính sách thuần túy phòng thủ" của mình.
Theo một số chuyên gia, "việc Nhật Bản tăng mạnh ngân sách quốc phòng nhằm trực tiếp chống lại mối đe dọa quân sự của Trung Quốc", đồng thời "tránh một cuộc chiến thương mại với Washington" khi mua vũ khí của Mỹ và không loại trừ khả năng ngân sách quốc phòng Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng.
Thu Hằng
****************Indonesia mở căn cứ quân sự sát Biển Đông dự phòng Trung Quốc lấn lướt (RFI, 20/12/2018)
Indonesia hôm 18/12/2018 đã chính thức khánh thành một căn cứ quân sự với hơn 1.000 binh sĩ trên một hòn đảo xa thuộc quần đảo Natuna ở rìa phía nam Biển Đông. Căn cứ này nằm tại cảng Selat Lama trên đảo Natuna Besar, cách Jakarta hơn 1000 cây số. Quần đảo Natuna thuộc chủ quyền Indonesia, nhưng một phần lãnh hải bị Trung Quốc tranh chấp.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (G) cùng Tư lệnh quân đội Gatot Nurmantyo (T) và Tư lệnh không quân Agus Supriatna, nhân một cuộc thao diễn trên đảo Natuna, tỉnh Riau. Ảnh 6/10/2016. Reuters/Beawiharta
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, đích thân tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto đã đến phát biểu tại lễ khai trương căn cứ, và khẳng định rằng tiền đồn này được thiết kế thành một phương tiện răn đe, chống lại mọi mối đe dọa an ninh tiềm tàng, đặc biệt tại các vùng biên giới.
Ông Hadi không nói là đe dọa an ninh đến từ đâu, nhưng giới quan sát cho rằng đối tượng răn đe chủ yếu là Trung Quốc, đã từng có nhiều hành vi thô bạo nhắm vào tàu Indonesia trong khu vực quần đảo Natuna.
Nổi cộm nhất là vụ việc năm 2016 khi một tàu tuần tra Indonesia bắt một tàu cá của Trung Quốc, nhưng chỉ vài giờ sau đó, một chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã xông tới, cố tình đâm vào tàu Indonesia để buộc phải thả tàu Trung Quốc. Chính những hành vi thô bạo đó của Trung Quốc đã thúc đẩy chính quyền Jakarta tăng cường lực lượng tại vùng Natuna, nơi có một phần lãnh hải bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào hôm qua 19/12 đã nhấn mạnh quyết tâm của Jakarta cho thấy rõ rằng quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Theo nhật báo Indonesia Kompass, ông Widodo tuyên bố : "Nếu quý vị muốn chúng tôi chiến đấu, thì được, chúng tôi sẽ cùng nhau làm điều đó".
Giới chức Indonesia không tiết lộ số binh lính đồn trú tại khu vực Natuna, nhưng cho biết là căn cứ mới có một tiểu đoàn bộ binh (khoảng 1000 quân), một số đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và Công Binh, cùng một đơn vị pháo binh. Căn cứ mới cũng có một nhà chứa một đội máy bay không người lái.
Theo tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, việc phát triển căn cứ quân sự như tại Selat Lama, dự kiến cũng sẽ được thực hiện tại các đảo chiến lược khác.
Trọng Nghĩa
*****************
Indonesia mở tiền đồn ở rìa Biển Đông- Tương lai nào cho khu vực ? (VOA, 20/12/2018)
Indonesia trong tuần này mở một căn cứ quân sự với hơn 1.000 quân ở mũi phía nam Biển Đông, vùng biển nơi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng chéo với tuyên bố chủ quyền của một số nước khác, báo South China Morning Post đưa tin.
Thứ trưởng đặc trách Hàng hải Indonesia Arif Havas Oegroseno giới thiệu với truyền thông bản đồ mới của Indonesia có Biển Bắc Natuna. Ảnh chụp ở Jakarta ngày 14/7/2017. Reuters/Beawiharta -
Mở cửa hôm 18/12, căn cứ quân sự này nằm tại Selat Lampa trên đảo Natuna Besar - một phần thuộc quần đảo Natuna - một trong những vùng lãnh thổ xa xôi nhất của Indonesia, cách đảo Borneo hơn 200 km.
Indonesia không phải là một trong các quốc gia đòi chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông nhưng giữa Jakarta và Bắc Kinh đã xảy ra một vài vụ đối đầu trong vùng biển giàu tài nguyên này, kể cả một cuộc xung đột vào năm 2016 khi một tàu tuần tra Indonesia chặn bắt một tàu cá Trung Quốc có trọng tải 300 tấn.
Nhiều giờ sau sự cố, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm vào tàu đánh cá, buộc chính quyền Indonesia phải thả chiếc tàu này ra.
Trong buổi lễ khánh thành căn cứ quân sự mới, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia (TNI), Đại Tướng Hadi Tjahjanto, nói tiền đồn này được thiết kế để hoạt động như một nhằm ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào về an ninh, đặc biệt là ở khu vực biên giới, theo lời phát ngôn viên quân đội, Đại tá Sus Taibur Rahman, được bản tin trích dẫn.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị các lãnh đạo ASEAN' ở Bali, Kamis, 11/10/2018. (Foto : Biro Setpres)
Hôm 19/12, Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi "Widodo khẳng định chính phủ Indonesia sẵn sàng xác định rõ rằng quần đảo Natuna, với dân số 169.000 người, là lãnh thổ thuộc chủ quyền của nước ông. Ông Widodo đang vận động để được bầu lại trong cuộc bầu cử Tổng thống năm tới.
Giữa Jakarta và Bắc Kinh đã xảy ra một số xích mích trên các vùng biển của khu vực, giữa lúc Trung Quốc nhất định cho rằng các quyền và lợi ích của hai nước tại đây đang chồng lấn lên nhau.
Trong khi đó, có nhiều lo ngại về tương lai của khu vực trước đây được giới hạn trong cái gọi là khu vực "Á Châu-Thái Bình Dương", nay được mở rộng để bao gồm cả khu vực "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Một bài báo đăng trên tờ The Jakarta Post hôm 19/12 nhận định rằng các nước ASEAN phải hiểu rằng tương lai của khối, cả về kinh tế lẫn quân sự, tùy thuộc vào sự ổn định của cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được định nghĩa là khu vực trải dài từ Nhật Bản ở phía Bắc, tới Úc Châu ở phía Nam, và bao gồm cả các quần đảo trong vùng Tây Thái Bình Dương về hướng Đông, cho tới Ấn Độ ở hướng Tây. Tuy nhiên các đường ranh ỡ hướng Tây chưa được xác định và vẫn gây tranh cãi, một số nước cho rằng đường ranh này kéo dài tới tận bờ biển phía Tây Châu Phi, bao gồm cả Nam Phi.
Tờ Jakarta Post nói quan điểm của các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "mở rộng" đó, vẫn cách nhau "cả đại dương" về tương lai nào cho khu vực ?
Nhật Bản : Ngân sách quốc phòng 2019 lại tăng kỷ lục (RFI, 21/12/2018)