Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/12/2018

Trung Quốc sau 40 năm cải cách, chuyển giao công nghệ

Tổng hợp

Trung Quốc sau 40 năm cải cách : bài học nào cho Việt Nam ? (BBC, 24/12/2018)

Người dân Trung Quốc rất tự hào về những thành tựu kinh tế nước này đạt được sau 40 năm cải cách kinh tế, nhưng cũng phải gánh chịu hậu quả về môi trường bị hủy hoại và cơ cấu văn hóa bị phá vỡ, theo các khách mời của Bàn tròn Thứ năm hôm 20/12 của BBC Tiếng Việt.

tq1

Tranh cổ động về công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc

Nhà báo Tô Bình của BBC Tiếng Trung nhấn mạnh vào tác động của tăng trưởng kinh tế lên môi trường và xã hội Trung Quốc như một bài học lớn.

Trong khi đó, nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng từ miền Nam Việt Nam nhận xét Việt Nam dường như đang học cái hay nhưng cũng học cả cái dở của Trung Quốc.

tq2

Nhà báo Tô Bình của BBC Tiếng Trung

Người dân Trung Quốc nghĩ gì về thành tựu phát triển sau 40 năm

"Bắt đầu từ tháng 12/1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định bắt đầu những thay đổi về chính sách mang tính chiến lược, khi ông Đặng Tiểu Bình trở lại quyền lực", nhà báo Tô Bình bình luận trong chương trình hội luận trên Facebook Live của BBC Tiếng Việt.

"Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã có sự bùng nổ về tăng trưởng kinh tế, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Mức sống của người dân được cải thiện. Người dân Trung Quốc tất nhiên rất tự hào về những thành tựu này nhưng chúng ta phải đặt chúng vào bối cảnh rộng hơn.

"Trước giai đoạn cải cách, người dân Trung Quốc phải trải qua hàng thập kỷ hỗn loạn về chính trị, thiếu tăng trưởng kinh tế, và thậm chí có nạn đói. Người dân thường phải sống cuộc sống khổ sở trong nhiều năm.

"Và cuối cùng, khi họ thoát khỏi 10 năm cách mạng văn hóa vào 1978, thì họ rất mừng khi được có một giai đoạn ổn định và phát triển".

tq3

Thủ đô Bắc Kinh trong một đợt có cảnh báo ô nhiễm khói bụi đầu tháng 12/2018

Cái giá phải trả cho phát triển kinh tế

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải trả giá cho mức độ tăng trưởng kinh tế rất cao, theo nhà báo Tô Bình.

Chính sách quốc hữu hóa trong giai đoạn đầu của "cải cách khai phóng" đã khiến rất nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn phải đóng cửa, làm một số lớn người lao động ở các nhà máy mất việc.

"Hệ sinh thái và môi trường bị hủy hoại trầm trọng. Đó là sự thật mà chúng ta không thể chối cãi", bà nói.

Nhà báo Tô Bình lấy ví dụ về hiện tượng sương mù smog ở các thành phố phía Bắc Trung Quốc trong những tháng mùa đông là điều phổ biến. "Ký ức của tôi về Bắc Kinh là bầu trời trong xanh vào mùa đông. Điều đó giờ đây là chuyện rất hiếm gặp", bà chia sẻ.

Câu hỏi nên lựa chọn phát triển hay môi trường cũng được nhiều người Trung Quốc tranh luận.

"Đối với những ai đã trải qua đói nghèo cùng cực hàng thập kỷ, liệu có công bằng khi họ lại phải tiếp tục chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường ?

"Còn một số người lại theo quan điểm, ô nhiễm môi trường là cái giá phải trả, chúng ta sẽ xử lý hậu quả về môi trường sau. Họ tin rằng muốn phát triển kinh tế với tốc độ nhanh như vậy thì tất nhiên phải trả giá về môi trường.

"Ô nhiễm môi trường là một cái giá rất lớn mà người Trung Quốc phải gánh chịu", nhà báo Tô Bình nhận xét.

tq4

Nhiều công nhân nhà máy bị mất việc khi các doanh nghiệp nhà nước lớn đóng cửa. (Hình minh họa).

Bài học nào cho Việt Nam từ kinh nghiệm đổi mới của Trung Quốc ?

Nhà báo Tô Bình cho biết cá nhân bà quan tâm đến tác động của phát triển kinh tế lên xã hội Trung Quốc.

Bà nhận xét rằng cơ cấu xã hội cũ đã bị phá vỡ, nhưng một cơ cấu mới chưa được thiết lập để bắt kịp với tăng trưởng kinh tế trong nhiều mặt.

"Chẳng hạn, trong bốn thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa đã khiến rất nhiều nông dân mất đất canh tác. Họ có cơ hội lên thành phố tìm việc, để lại đằng sau con cái, cha mẹ già. Ở châu Á, con cái thường chăm sóc cha mẹ già, và ở Trung Quốc chưa có chế độ an sinh. Ở các vùng nông thôn, ai sẽ là người chăm sóc người già ? Cả cộng đồng đều bị ảnh hưởng. "

Bà Tô Bình cũng quan sát thấy sự bất bình đẳng trong xã hội ngày một lớn ở Trung Quốc.

"Đúng là nhìn chung Trung Quốc đã chuyển mình từ xe đạp lên xe hơi, nhưng có những người chuyển lên xe Ferrari trong khi nhiều người vẫn chỉ đi xe đạp".

tq5

Người dân Trung Quốc chỉ đi xe đạp hồi 1978.

Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng thì cho rằng Việt Nam cần tránh 'cái dở' của Trung Quốc khi phát triển kinh tế không đi kịp với sự dân chủ hóa về mặt chính trị, đô thị hóa, văn minh kỹ thuật, điều mà theo ông đã phá vỡ cơ cấu văn hóa của Trung Quốc.

Ông dẫn lời một viên chức chính phủ Trung Quốc từng nói với ông :

"Với vị trí địa lý thuận lợi và một dân tộc thông minh như các bạn, nếu mở cửa thì các bạn sẽ phát triển rất nhanh, thậm chí còn nhanh hơn chúng tôi, nếu đi theo mô hình Trung Quốc thì chúng tôi có một lời khuyên : hãy học những cái hay và tránh xa những cái dở của chúng tôi".

"Trong thập niên 90, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, các nhà phân tích đã bình luận Trung Quốc sẽ tránh được khủng hoảng này và đi theo con đường mà họ đặt ra là Chủ nghĩa Cộng sản Thương mại. Các tập đoàn lớn được sự bảo hộ của nhà nước và theo kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Trung Quốc đã theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, và làm nảy sinh các vấn đề về môi trường, quan chức lũng đoạn hay tham nhũng".

Tuy mỗi nước có bài học riêng và hướng phát triển riêng, ông Ngô Nhật Đăng cho rằng về tầm vĩ mô, Việt Nam đang đi theo hướng phát triển của Trung Quốc.

"Dường như Việt Nam đang học cái hay nhưng cũng học cái dở của họ và đây là điều chúng ta cần suy nghĩ", ông bình luận.

******************

Trung Quốc sẽ cấm ép buộc chuyển giao công nghệ (RFI, 24/12/2018)

Phải chăng sức ép của Mỹ về thương mại bắt đầu có kết quả cụ thể ? Hôm nay, 24/12/2018, Bắc Kinh loan báo quyết định điều chỉnh một số thuế xuất nhập khẩu kể từ tháng Giêng 2019. Hôm 23/12, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo "đạt được tiến bộ mới" trong đàm phán thương mại với Mỹ, vào lúc báo chí cho biết Quốc Hội Trung Quốc đang thảo luận một dự luật về đầu tư, trong đó có việc cấm ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, một trong những đòi hỏi của Washington.

tq6

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Vân ( Wang Shouwen ) họp báo tại Bắc Kinh ngày 25/09/2018. Greg Baker / AFP

Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc đã quyết định điều chỉnh mức thuế quan kể từ ngày 01/01/2019 trên nhiều mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là hủy bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thay thế cho đậu nành dùng làm thức ăn gia súc, hay một số thành phần dùng để chế tạo dược phẩm. Bắc Kinh cũng sẽ duy trì mức thuế nhập khẩu tương đối thấp đối với động cơ phản lực.

Về xuất khẩu, Trung Quốc sẽ không áp thuế đối với 94 sản phẩm, từ phân bón, quặng sắt, cho đến than đá, bột gỗ... Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục giảm thuế cho các sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin…

Đối với Reuters, mục tiêu của việc điều chỉnh thuế quan là nhằm thúc đẩy ngoại thương, vào lúc nền kinh tế Trung Quốc gặp thêm khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chỉ còn là 6,5% trong quý 3, một tỷ lệ chậm nhất kể từ năm 2008 đến nay, và được cho là ​​sẽ còn chậm hơn vào năm tới 2019 do tranh chấp thương mại với Mỹ.

Luật mới sẽ cấm ép buộc chuyển giao công nghệ

Về cuộc chiến thương mại với Mỹ, bộ Thương Mại Trung Quốc hôm qua 23/12 cho biết là hai thứ trưởng Thương Mại Mỹ và Trung Quốc hôm 21/12 vừa qua đã có trao đổi quan điểm "sâu sắc" qua điện thoại về tình trạng mất cân bằng thương mại, cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hai vấn đề mà Washington buộc Bắc Kinh phải sửa đổi.

Theo nguồn tin trên, hai bên "đã đạt được tiến bộ mới" trên các vấn đề đó, nhưng không cho biết chi tiết. Tuy nhiên, theo báo chí Trung Quốc hôm qua, Bắc Kinh dường như đang trên đường đáp ứng các đòi hỏi của phía Mỹ, với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc kể từ ngày 23/12, đã bắt đầu xem xét một dự luật mới về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài.

Theo hãng tin Pháp AFP, đáng chú ý nhất là hai yếu tố trong dự luật đầu tư này, ngăn chặn việc ép buộc chuyển giao công nghệ, đồng thời cho các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng những quyền lợi như các doanh nghiệp Trung Quốc, trong hầu hết các lãnh vực, ngoại trừ một số lãnh vực then chốt nằm trong một danh sách cấm nước ngoài.

Theo AFP, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu lâu nay vẫn tố cáo Trung Quốc là không cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường một cách công bằng như các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như tình trạng cưỡng ép chuyển giao công nghệ, "đánh cắp" tài sản sở hữu trí tuệ còn rất phổ biến.

Trọng Nghĩa

********************

Chuyên gia pin Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại Mỹ (BBC, 22/12/2018)

Một nhà khoa học Trung Quốc vừa bị bắt và bị buộc tội ăn cắp bí mật thương mại từ công ty dầu khí Mỹ nơi ông ta làm việc, theo Reuters.

tq7

Hongjin Tan người Trung Quốc bị cáo buộc ăn ắp bí mật thương mại từ công ty dầu khí Mỹ nơi ông ta làm việc

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hôm thứ Sáu 21/12 rằng vụ trộm cắp bí mật thương mại của Hongjin Tan, công dân Trung Quốc, liên quan đến một sản phẩm trị giá hơn một tỷ đô la.

Hongjin Tan bị cáo buộc đã tải xuống hàng trăm tập tin liên quan đến việc sản xuất một sản phẩm nghiên cứu và phát triển thị trường năng lượng hạ nguồn.

Ông ta bị cáo buộc dự định sử dụng bí mật này để mang về làm lợi cho một công ty ở Trung Quốc đã mời ông ta làm việc.

Hongjin Tan bị bắt vào thứ Năm 20/12 tại Oklahoma và sẽ ra tòa vào thứ Tư tuần tới, bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Trang LinkedIn của Hongjin Tan cho biết ông đã làm việc với tư cách là nhà khoa học cho công ty dầu khí của Mỹ Phillips 66 tại Bartlesville, Oklahoma, kể từ tháng 5/2017.

Công ty Phillips 66 cho biết trong một thông cáo rằng họ đang hợp tác với Cục Điều tra Liên bang trong một cuộc điều tra liên quan đến một nhân viên cũ tại "trụ ở của chúng tôi ở Bartlesville", nhưng từ chối bình luận thêm.

Một báo cáo của FBI cho biết công ty Phillips 66 đã gọi cho FBT này vào tuần trước để báo cáo về hành vi trộm cắp bí mật thương mại và Tan nói với một đồng nghiệp cũ rằng ông ta nghỉ việc để trở về Trung Quốc.

FBI tìm thấy trên máy tính xách tay Tan một thỏa thuận tuyển dụng từ một công ty Trung Quốc chuyên phát triển dây chuyền sản xuất vật liệu pin lithium ion.

Tan truy cập các tập tin về bí mật thương mại trên các hệ thống pin điện thoại di động và pin lithium, FBI cho biết.

Công ty Phillips 66 cho biết họ có một trong hai nhà máy lọc dầu trên thế giới sản xuất các sản phẩm không xác định.

Tan chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển cho chương trình pin và công nghệ pin cho công ty Hoa Kỳ bằng các quy trình độc quyền.

Công ty Phillips 66 nói với FBI rằng họ đã kiếm được khoảng 1,4 tỷ đến 1,8 tỷ đô la từ công nghệ không xác định này.

********************

Trung Quốc phóng vệ tinh băng thông rộng Internet cạnh trạnh với Google (RFI, 22/12/2018)

Ngày 22/12/2018, Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh-11 chở một vệ tinh lên quỹ đạo từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (Jiuquan, đông bắc Trung Quốc). Đây là vệ tinh băng thông rộng đầu tiên của Trung Quốc được phóng vào không gian nhằm cạnh tranh với nhiều tập đoàn công nghệ thế giới.

tq8

Logo wifi

Theo trang News 18 của Ấn Độ, vệ tinh này là sản phẩm đầu tiên của dự án Hòanh Vận (Hongyun) của Công ty Khoa học và Công nghiệp Không gian Trung Quốc (CASIC). Được triển khai từ tháng 09/2016, dự án nhằm mục đích lập một mạng truyền thông không gian nhằm cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng cho mọi người sử dụng trên thế giới, kể cả ở những vùng hẻo lánh nhất.

Theo một quan chức của CASIC, vệ tinh nặng 247 kg sử dụng năng lượng mặt trời và bay cách trái đất khoảng 1.100 km. Được thiết kế để hoạt động một năm, nhưng vệ tinh có thể hoạt động lâu hơn.

Từ giờ đến trước năm 2020, Công ty CASIC dự kiến phóng thêm bốn vệ tinh khác trong dự án Hòanh Vận. Tuy nhiên, tham vọng của công ty là đến năm 2023 sẽ hình thành một mạng lưới hơn 150 vệ tinh trên quỹ đạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cung cấp mạng internet miễn phí cũng là mục tiêu của nhiều công ty công nghệ trên thế giới, trong đó có Google, SpaceX, OneWeb và Télésat. Công ty SpaceX của Mỹ đã phóng hai vệ tinh thử nghiệm vào tháng 11 trong dự án Starlink. Tham vọng của công ty là đưa gần 12.000 vệ tinh vào quỹ đạo từ nay đến giữa năm 2020.

Tháng 11/2018, một doanh nghiệp công nghệ internet Trung Quốc đã công bố vệ tinh đầu tiên nằm trong hệ thống gồm 272 vệ tinh để cung cấp mạng Wifi miễn phí trên khắp thế giới.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)