Kỷ niệm 40 năm chấm dứt chế độ diệt chủng ở Campuchia (RFA, 07/01/2019)
Một số hoạt động kỷ niệm 40 năm chấm dứt chế độ diệt chủng ở Campuchia được tổ chức vào ngày 7 tháng 1.
Lễ kỷ niệm 40 năm chấm dứt chế độ diệt chủng ở Campuchia. AFP
Tại cuộc mít ting với hằng chục ngàn người tham dự ở Sân vận động tại thủ đô Phnom Penh, ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia lên tiếng cám ơn Việt Nam vì đã cứu đất nước Campuchia 40 năm về trước.
Ông Hunsen cũng nói rằng đất nước Campuchia không thể nào quên tội ác tàn bạo của chế độ Pol Pot, xem ngày 7/1 như là một ngày ra đời thứ hai của đất nước Chùa Tháp.
Ngày 17/4/1975 quân đội cộng sản Khmer Đỏ lật đổ chính quyền Campuchia thân phương Tây, và bắt đầu thi hành một chế độ cộng sản cực kỳ cực đoan với các công xã lao động khổ sai, mà theo những số liệu khác nhau có thể làm đến 2 triệu người Campuchia bỏ mạng vì đói hoặc tra tấn.
Đồng thời chế độ Pol Pot vốn được Trung Quốc hậu thuẫn bắt đầu gây chiến với Việt Nam, tấn công thảm sát nhiều làng biên giới của người Việt Nam.
Cuối năm 1978, quân đội Việt Nam và đồng minh là lực lượng Khmer của ông Hunsen, vốn là một cựu chỉ huy Khmer Đỏ, bắt đầu tiến vào Campuchia, và ngày 7/1/1979 lật đổ chế độ Pol Pot tại Phnom Penh.
Ông Hunsen làm Thủ tướng đất nước này cho đến ngày hôm nay. AFP vào ngày 7 tháng 1 loan tin cho biết giới chỉ trích cho rằng ông Hun Sen suốt thời gian trong cương vị thủ tướng Xứ Chùa Tháp đã mạnh tay đàn áp đối với báo giới, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các chính trị gia đối lập.
Ông Hun Sen cho bỏ tù những tiếng nói bất đồng.
*****************
Cam Bốt kỷ niệm 40 năm Khmer Đỏ bị đánh đuổi (RFI, 07/01/2019)
Khoảng 100.000 người Cam Bốt hôm nay 07/01/2019 ddax tập hợp tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh để kỷ niệm 40 năm chế độ Khmer Đỏ sụp đổ. Thủ tướng Hun Sen nói rằng đây là ngày đất nước "được khai sinh lần thứ hai".
Lễ kỷ niệm 40 năm ngày chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, Phnom Penh, 07/01/2019. Tang Chhin Sothy/AFP
Phe mao-ít cực đoan Khmer Đỏ, đứng đầu là Pol Pot, đã ngự trị bằng chế độ khủng bố khi chiếm được chính quyền năm 1975, làm hai triệu người Cam Bốt bị chết vì đói, lao động cưỡng bức, tra tấn và thảm sát hàng loạt.
Thảm trạng này đã kết thúc vào ngày 7 tháng Giêng năm 1979, tức cách đây đúng 40 năm, khi Hun Sen, một cựu lãnh đạo Khmer Đỏ với sự giúp sức của quân đội Việt Nam, đã tiến vào thủ đô Cam Bốt, đánh đuổi chế độ được Bắc Kinh yểm trợ.
Thủ tướng 66 tuổi gọi đây là "ngày khai sinh đất nước Cam Bốt lần thứ hai", trong buổi lễ long trọng với dàn quân nhạc và dàn vũ nữ múa điệu Apsara truyền thống. Ông tuyên bố trước đám đông : "Hôm nay chúng ta làm lễ kỷ niệm để nhắc nhở những tội ác ghê tởm nhất, không thể nào quên được của bọn Pol Pot", đồng thời cảm ơn Việt Nam đã cứu đất nước Cam Bốt.
Một phóng sự của Reuters dẫn ra nhiều nhân chứng sống của chế độ diệt chủng Pol Pot có mặt trong buổi lễ. Một người có đến 11 anh chị em và cha mẹ bị sát hại, cho biết, khi bị Khmer Đỏ đuổi khỏi Phnom Penh cùng với nhiều người dân thủ đô, họ đã phải đi bộ cả 100 km về vùng nông thôn, một số người khác sống sót, nhưng cả gia đình đều chết đói.
Tòa án Liên Hiệp Quốc xét xử Khmer Đỏ hồi tháng 11/2018 đã buộc tội diệt chủng đối với hai cựu lãnh đạo phe này.
Thủ tướng Hun Sen, cầm quyền từ 33 năm qua, nhân dịp này cũng lược lại lịch sử, đả kích những nước vẫn tiếp tục ủng hộ Khmer Đỏ sau khi bọn sát nhân này đã bị đánh đuổi. Ông nói những nước này "với chiêu bài nhân quyền và dân chủ đã ngăn trở một cách bất hợp lý", khi nhân dân Cam Bốt cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, tuy nhiên thủ tướng Hun Sen không nêu cụ thể một quốc gia nào.
Sau khi Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, chính quyền của ông Hun Sen được Việt Nam ủng hộ đã gặp nhiều trắc trở, khi Hoa Kỳ tìm cách duy trì các đại diện của chế độ này tại Liên Hiệp Quốc. Trong những năm gần đây, Cam Bốt đã quay sang phía Trung Quốc nhờ có được những khoản vay cho cơ sở hạ tầng, và Bắc Kinh không quan tâm đến vấn đề nhân quyền.
Thụy My
******************
Việt Nam kỉ niệm 40 năm ‘giải phóng’ Campuchia khỏi chế độ diệt chủng (VOA, 06/01/2019)
Việt Nam rầm rộ kỉ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ở Campuchia trong một cuộc chiến được Việt Nam ca tụng bằng những lời lẽ hào hùng, dù những hệ quả mà nó để lại là mối hiềm khích sâu sắc hơn giữa người Campuchia đối với người Việt Nam và một nước Campuchia ngày càng thân thiết với đối thủ lâu đời của Việt Nam là Trung Quốc.
Các đại biểu tham dự lễ kỉ niệm 40 năm ngày chiến thắng thắng chế độ diệt chủng Pol Pot tại Hà Nội, ngày 4 tháng 1, 2018.
Một buổi lễ long trọng được tổ chức vào ngày thứ Sáu tại Hà Nội, ba ngày trước ngày kỉ niệm quân đội Việt Nam "giải phóng" thủ đô Phnom Penh của Campuchia khỏi sự kiểm soát của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary vào ngày 7 tháng 1 năm 1979, không lâu sau khi Việt Nam xâm lược nước này vào cuối năm 1978 trong một hành động mà Việt Nam mô tả là "trên tinh thần quốc tế trong sáng, ‘giúp bạn là mình tự giúp mình’".
Các cuộc họp mặt cựu chiến binh và các cuộc triển lãm cũng được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh và những nơi khác, trong khi truyền thông chính thống trong nước đăng nhiều bài thuật lại diễn biến cuộc chiến với lời kể của những người trong cuộc và phân tích của các chuyên gia quân sự.
"Chiến thắng lịch sử 7/1/1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước cũng như của nhân loại tiến bộ trên thế giới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong bài phát biểu hôm thứ Sáu tại lễ kỉ niệm ở Hà Nội.
Ông cũng mô tả việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia 10 năm sau đó là giúp Campuchia tái thiết và hồi phục kinh tế từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại, và Việt Nam "hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang" khi rút quân vào năm 1989.
Truyền thông trong nước cho biết ông Tep Ngorn, Phó Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia, đã tham dự lễ kỉ niệm này và được nói là đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hi sinh của Đảng, Nhà nước, quân đội và người dân Việt Nam.
"Thực tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia phát triển từ một quốc gia đắm chìm trong chiến tranh, khổ đau, điêu tàn, trở thành một quốc gia có hòa bình trọn vẹn, phát triển trên mọi lĩnh vực và thống nhất đất nước", ông được VOV dẫn lời nói.
Truyền thông trong nước và nhà chức trách không đưa ra con số tử vong cụ thể liên quan tới cuộc xung đột này. Nhưng một bài báo của tờ The Washington Post đưa tin Trung tướng Lê Khả Phiêu, người khi đó là phó tư lệnh lực lượng Việt Nam tại Campuchia và sau này là tổng bí thư Đảng Cộng sản, nói trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng 6 năm 1988 ở Thành phố Hồ Chí Minh rằng 55.000 bộ đội Việt Nam tử trận kể từ năm 1977, và số người bị thương ở mức tương đương.
Bộ đội Việt Nam ngồi đợi trên tàu tại cảng Kampong Som, ngày 29 tháng 11, 1987. Những binh sĩ này thuộc một phần trong số 20.000 binh sĩ được rút khỏi Campuchia trong một đợt triệt thoái.
Ông nói 30.000 người trong số này thiệt mạng trong những vụ đụng độ ở biên giới do phía Campuchia khơi mào trong năm 1977-1978, trong khi 25.000 người khác thiệt mạng trong khoảng thời gian Việt Nam chiếm đóng suốt chín năm rưỡi, theo bài báo.
Trái ngược với mô tả của Việt Nam, việc nước này xâm lược Campuchia vào năm 1978 vấp phải phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế. Sau khi quân Việt Nam chiếm giữ Phnom Penh, Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk xuất hiện trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và tố cáo Việt Nam xâm phạm chủ quyền. Các nước Liên Hiệp Quốc đồng ý và lên án Việt Nam.
Trong suốt khoảng thời gian chiếm đóng Campuchia, Việt Nam gần như bị cô lập trên trường quốc tế sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá trong khi nền kinh tế chịu sức ép nặng nề vì viện trợ bị đình chỉ. Điều này buộc Việt Nam phải tiến hành những cải cách vào năm 1986 và thay đổi lập trường về Campuchia để tái hội nhập quốc tế, cuối cùng đưa đến việc rút quân khỏi nước láng giềng vào năm 1989.
Những sự kiện lịch sử này càng đào sâu thêm mối hiềm khích của người Campuchia vốn luôn e sợ Việt Nam thôn lính lãnh thổ của họ kể từ khi người Việt mở mang bờ cõi xuống phía nam từ nhiều thế kỉ trước.
Thái độ bài Việt Nam ở Campuchia vẫn đeo bám dai dẳng đến ngày nay. Kiều dân gốc Việt sinh sống ở nước này đối diện sự kì thị trong khi nhà chức trách tăng cường trấn áp những "người nước ngoài bất hợp pháp". Các chính trị gia Campuchia cũng thường nhắm mục tiêu vào người Việt để khơi lên tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong các cuộc vận động tranh cử.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người được Việt Nam hậu thuẫn lên nắm quyền trong những năm 1980, đang gầy dựng một mối quan hệ đồng minh thân thiết hơn với Trung Quốc dù vẫn duy trì bang giao hữu hảo với nước láng giềng hùng mạnh Việt Nam, hiện đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ gay gắt với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Hun Sen, trong một chuyến thăm Việt Nam vào tháng trước, lên tiếng phủ nhận tin tức cho hay Trung Quốc đã vận động Campuchia từ năm 2017 để được đặt một căn cứ quân sự ở Vịnh Thái Lan, điều mà có phần chắc sẽ khiến Việt Nam lo ngại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài diễn văn tại lễ kỉ niệm dẫn lời ông Hun Sen ca ngợi sự giúp đỡ của "quân tình nguyện Việt Nam" giúp đưa đến thắng lợi. Ông cũng nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị bền vững giữa hai nước dưới sự lãnh đạo của ông Hun Sen hàng chục năm qua.
"Tôi xin chúc ‘Quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài’ mãi mãi như dòng Mê Công nối liền hai nước anh em chúng ta", ông Phúc nói khi kết thúc bài diễn văn.