Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/01/2019

Trung Quốc xây một trung tâm cứu hộ hàng hải trên đá Chữ Thập

Tổng hợp

Biển Đông : Trung Quốc mở trung tâm cứu hộ trên biển ở Trường Sa (RFI, 30/01/2019)

Trong một động thái bị xem là để củng cố quyền kiểm soát trên Biển Đông, Bắc Kinh vào hôm 29/01/2019 đã khai trương một trung tâm cứu hộ trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) vùng quần đảo Trường Sa. Đây là một trong 7 thực thể Trung Quốc kiểm soát tại Trường Sa, nhưng bị một số láng giềng Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền.

bd1

Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), quần đảo Trường Sa, nhìn từ trên không. Ảnh chụp của Asia Maritime Transparency Initiative. Công bố ngày 16/06/2017 Reuters/AMTI

Theo Tân Hoa Xã, được báo Nhật Bản The Japan Times trích dẫn, bộ Giao Thông Trung Quốc đã chính thức khánh thành cơ sở này nhằm "bảo đảm tốt hơn vấn đề an toàn giao thông và vận tải ở Biển Đông", hỗ trợ cho các hoạt động cứu hộ trên biển ở khu vực phía nam Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa.

Theo báo Japan Times, với ý đồ nắm quyền kiểm soát Biển Đông, trong thực tế Bắc Kinh đã biến các thực thể trong tay họ thành tiền đồn quân sự, trong đó ba thực thể Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn ở Trường Sa đều có sân bay quân sự, được trang bị tên lửa, kho chứa rộng rãi và một loạt cơ sở có thể theo dõi các vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin của nước ngoài.

Để trấn an những lo ngại về việc quân sự hóa các đảo nhỏ đó, Bắc Kinh liên tục nói rằng các cơ sở đó chỉ có mục đích phòng thủ, còn chức năng chính của các đảo mang tính chất dân sự, nhằm phục vụ lưu thông cho tất cả tàu bè trong vùng.

Nhằm chứng tỏ điều đó, Trung Quốc đã cho xây dựng các cơ sở bảo tồn và phục hồi sinh thái và trung tâm quan sát biển trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Cuối tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố sẽ cho đồn trú vĩnh viễn một tàu tìm kiếm và cứu hộ tại Đá Xu Bi, nơi đã có một hải đăng và bến tàu rộng lớn.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã cho rằng các động thái đó có thể giúp Bắc Kinh áp đặt trong thực tế yêu sách chủ quyền của họ.

Cũng liên quan đến Biển Đông, Nhật Bản và Philippines đã lên kế hoạch tập trận hải quân chung trong vùng, nhân dịp khu trục hạm Nhật Bản JS Ikazuchi ghé thăm hữu nghị cảng Manila trong ba ngày, kể từ hôm qua 29/01/2019.

Đây là lần thứ tám Hải Quân Nhật cử tàu ghé cảng Philippines kể từ năm 2016.

Trọng Nghĩa

*******************

Trung Quốc xây trung tâm cứu hộ tại Đá Chữ Thập ở Trường Sa (RFA, 30/01/2019)

Trung Quốc vừa xây một trung tâm cứu hộ hàng hải tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. Với cơ sở mới này Bắc Kinh đang đẩy mạnh kế hoạch biến nơi này thành một trung tâm hậu cần lớn nhất ở Biển Đông, vùng nước đang có tranh chấp với một số nước trong khu vực bao gồm Việt Nam.

bd2

Hình chụp vệ tinh : Đá Chữ Thập ở Trường Sa Courtesy AMTI (CSIS)

Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng vào ngày 30 tháng 1 loan tin vừa nêu, dẫn thông báo của Bộ Giao Thông- Vận Tải Trung Quốc trước đó một ngày, tức ngày 29 tháng 1.

Công bố của Bộ Giao Thông- Vận Tải Trung Quốc được đưa ra sáu tháng sau khi Trung Quốc cho tàu Nam Hải Cứu 115 đến neo đậu tại Đá Subi, Trường Sa. Đây là một trong những bãi đá mà Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Theo Bộ Giao Thông- Vận Tải Trung Quốc thì trung tâm cứu hộ hàng hải tại Đá Chữ Thập sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện hơn cho công tác cứu hộ. Trung tâm này cũng là một bộ phận của cơ quan cứu hộ Biển Đông thuộc Bộ Giao Thông- Vận Tải của chính quyền Bắc Kinh.

Đá Chữ Thập được bồi đắp thành một đảo nhân tạo rộng 2,8 kilomet vuông.

Vào tuần trước, Nhật báo Giải Phóng Quân Nhân dân Trung Quốc, cho công bố bức ảnh với độ phân giải cao Đá Chữ Thập. Hình ảnh cho thấy tại đó có một cảng hoàn chỉnh cho tàu lớn neo đậu, bãi cỏ cạnh đường băng dài 3 kilomet và hơn 100 nhà cửa trên đó.

Trên Đá Chữ Thập do Trung Quốc bồi lắp nay có một trạm quan sát thời tiết, một trạm thủy văn và hải dương, những cơ sở khôi phục san hô, một hải đăng, một bệnh viện…

Những hình ảnh radar trước đây cũng cho thấy trên Đá Chữ Thập còn có nhà vòm chứa thiết bị radar, thiết bị thông tin liên lạc, các nhà chứa máy bay, bệ tên lửa, những đường hầm ngầm, ăng ten radar tần số cao và những cơ sở quân sự khác.

Tin cũng nói rõ trên Đá Chữ Thập có hơn 1 ngàn quân đồn trú được cung cấp nước ngọt, dàn pin mặt trời, nhà kính trồng rau xanh, và các cơ sở thể thao.

Tuy nhiên Đá Chữ Thập chỉ mới là đảo nhân tạo lớn thứ ba trong số những đảo mà Trung Quốc bồi lắp nên tại khu vực Trường Sa. Hai đảo lớn hơn có diện tích mỗi đảo gần gấp đôi Đá Chữ Thập là Subi và Vành Khăn.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông trong đường đứt khúc 9 đoạn mà họ tự vạch ra. Tuy nhiên đường này đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế ở La Haye vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 tuyên không có căn cứ về pháp lý.

*******************

Bộ trưởng Quốc phòng Úc : Bắc Kinh gây ra nỗi lo lắng tại Biển Đông (RFA, 29/01/2019)

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne kêu gọi Trung Quốc giải quyết căng thẳng ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, sau khi Bắc Kinh bất ngờ giam giữ ông Dương Hằng Quân, một nhà văn mang song tịch Úc – Trung Quốc.

bd3

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne trong Diễn đàn Fullerton của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Singapore. Ảnh chụp 28/1/2019. AP

AP loan tin vừa nêu ngày 28/1, trích lời phát biểu của Bộ trưởng Pyne tại một diễn đàn ở Singapore có sự tham dự của đại diện quốc phòng từ 24 nước.

Ông Pyne cho biết các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lắp nên ở vùng biển tranh chấp đã làm gia tăng sự lo lắng cho nhiều nước. Theo ông này nếu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế thì điều này sẽ tạo niềm tin vào Trung Quốc trong việc hỗ trợ và cổ súy văn hóa tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia.

Ông nói rằng Úc sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đa phương tại vùng biển quốc tế, nơi có tầm quan trọng lớn đối với thương mại toàn cầu cũng như giàu trữ lượng cá và tiềm năng dầu khí.

Trung Quốc đang gây áp lực với các nước láng giềng nhỏ hơn ở vùng Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ. Bộ trưởng Quốc phòng Úc khẳng định mặc dù Úc không mong muốn kiềm hãm Trung Quốc, nhưng lại muốn các quốc gia tại khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương không phải đưa ra lựa chọn giữa lợi ích kinh tế và chủ quyền.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc nói thêm rằng sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không nên được định nghĩa theo các thuật ngữ đối nghịch hoàn toàn, hay Chiến tranh lạnh mới, vì các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau hiện nay nhiều hơn rất nhiều so với khi phương Tây đối chọi với khối Xô Viết.

Vẫn theo ông Christopher Pyne, vai trò của Úc là một trong những nước có thể nói chuyện với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ một cách cởi mở và thẳng thắn.

Ông Pyne khẳng định không có lợi ích gì trong việc kìm hãm sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc. Nhưng đồng thời Úc hy vọng sẽ cùng Nhật Bản gia tăng sự gắn kết với Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi có các tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.

Về chi tiêu quốc phòng của Úc, Bộ trưởng Pyne cho biết Canberra sẽ đầu tư hơn 90 tỷ đô la Úc vào một đội tàu ngầm, tàu khu trục và các tàu khác để tăng cường khả năng hàng hải. Ông cho biết thêm rằng Australia hy vọng sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021.

Ông Pyne đã đến thăm Bắc Kinh vào tuần trước cho một cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa. Họ đã thảo luận về việc giam giữ nhà văn người Úc gốc Hoa, ông Dương Hằng Quân, người mà Trung Quốc đã cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc không cho biết thêm chi tiết về vấn đề này nhưng cho biết quan hệ của Úc với Trung Quốc đang ở hướng tích cực.

Quay lại trang chủ
Read 528 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)