Có thể chờ đợi gì từ thượng đỉnh Trump – Kim ? (RFI, 25/02/2019)
Bắc Triều Tiên sẽ chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn hay chỉ giải trừ một phần ? Hai lãnh đạo sẽ đạt được những thỏa thuận cụ thể hay chỉ ra những tuyên bố bày tỏ ý định ? Washington và Bình Nhưỡng sẽ đi đến hòa bình hay sẽ lại cắt đứt quan hệ ?
Tại một cửa hàng in và bán áo T-shirt có hình lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên, Hà Nội, ngày 21/02/2019 Reuters/Kham
Mọi kịch bản đều có thể xảy ra sau cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong hai ngày 27 và 28/02/2019 tại Hà Nội.
Sau một thời gian dài gặp bế tắc về phi hạt nhân hóa, các nhà thương thuyết của Mỹ và Bắc Triều Tiên trong những ngày qua đã ráo riết đàm phán cho đến giờ chót để chuẩn bị cho thượng đỉnh Hà Nội. Theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, như ông Vipin Narang, Viện Công nghệ Massachusetts, cho dù công việc chuẩn bị đi đến đâu, cả tổng thống Trump lẫn lãnh đạo họ Kim đều mong muốn là thượng đỉnh lần hai phải đạt được kết quả cụ thể, phải có những bước tiến so với thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore tháng 06/2018.
Nhưng ngược lại, không một chuyên gia chờ đợi là thượng đỉnh Hà Nội sẽ giúp đạt được ngay một thỏa thuận về "phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên một cách vĩnh viễn và hoàn toàn có thể kiểm chứng được", mục tiêu tối hậu của Hoa Kỳ. Thậm chí cụm từ nói trên có thể sẽ không được ghi trong bản tuyên bố chung của hai lãnh đạo Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên. Các quan chức Mỹ nay chỉ hy vọng "những tiến bộ cụ thể" đến phi hạt nhân hóa và hiện giờ cũng không dám đưa ra bất cứ thời hạn nào đối với Bình Nhưỡng. Bản thân tổng thống Trump vào tuần trước cũng đã tuyên bố là "không có gì phải vội vã".
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát Mỹ, có nguy cơ là thượng đỉnh Hà Nội sẽ lại giống như thượng đỉnh Signapore, tức là ông Kim Jong-un sẽ chỉ cam kết một cách mơ hồ là sẽ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên", mà chẳng đưa ra một lịch trình cũng như không nói rõ cách thức tiến hành. Theo chuyên gia Jung Pak, Viện Brookings, đây sẽ là một thất bại đối với phía Mỹ. Còn đối với chuyên gia Viping Narang, đây sẽ là kết quả tốt nhất đối với phía Bắc Triều Tiên, vì như vậy là họ có thể tranh thủ được thời gian mà không nhân nhượng điều gì với Mỹ.
Nhưng theo AFP, nguy cơ lớn hơn, hay nói đúng hơn là cơn "ác mộng" của các quan chức Mỹ, đó là tổng thống Trump nhượng bộ quá nhiều trong cuộc gặp thứ hai với ông Kim Jong-un. Mối lo này là có cơ sở bởi vì ông Donald Trump vẫn thường làm theo ý mình mà không nghe lời các cố vấn. Cụ thể, họ lo ngại tổng thống Mỹ sẽ chấp nhận ký hiệp định chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, cho dù không đạt được những nhân nhượng đáng kể của lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân. Về phần Hàn Quốc, họ sợ là tổng thống Trump chỉ đòi cấm các tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên để bảo vệ lãnh thổ Mỹ, mà không tính đến mối đe dọa của các tên lửa khác đối với các láng giềng Châu Á.
Nay phía Hoa Kỳ chỉ mong diễn ra kịch bản "có qua có lại", để họ có thể khẳng định thượng đỉnh Hà Nội "thành công". Ví dụ như phía Bình Nhưỡng chấp nhận đình chỉ hoạt động các cơ sở thử nghiệm tên lửa và hạt nhân và phá hủy một số cơ sở đó, đặc biệt là Yongbyon.
Nhưng thật ra, theo chuyên gia Jung Pak, điều mà Washington mong muốn nhất đó là Kim Jong-un chấp nhận cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế vào thanh ra các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Đổi lại, Hoa Kỳ có thể thể mở một văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng, một bước để tiến tới thiết lập bang giao giữa hai nước, thậm chí tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Vấn đề là phía Bắc Triều Tiên vẫn đòi bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt đối với nước này, thế mà chính quyền Trump cho tới nay không chấp nhận điều này trước khi Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa. Cho nên, theo AFP, có thể là cuối cùng thì phía Mỹ chắc sẽ phải chấp nhận đình chỉ một số trừng phạt với điều kiện Bình Nhưỡng chứng tỏ là họ sẽ làm đúng theo các cam kết về phi hạt nhân hóa.
Thanh Phương
*********************
Liên Hiệp Quốc mong muốn thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội đạt tiến bộ (VOA, 25/02/2019)
Hôm 25/02, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thúc giục Hoa Kỳ và Nga duy trì Hiệp ước về Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và gia hạn Hiệp ước START Mới trước khi hết hạn vào năm 2021.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 25/02/2019.
Ông Guterres phát biểu tại Hội nghị về Giải trừ quân bị tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva rằng việc đánh mất hiệp ước INF sẽ khiến thế giới trở nên bất an và bất ổn hơn. Trước đó, vào ngày 1/02, Washington đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp ước INF trong sáu tháng trừ khi Moscow chấm dứt các vi phạm bị cáo buộc.
Ông nói : "Tôi yêu cầu Nga và Hoa Kỳ xem xét giảm thêm số lượng dự trữ vũ khí hạt nhân chiến lược của họ. Tôi ước chi một ngày nào đó những thỏa thuận song phương này trở thành đa phương".
Ông cũng nói rằng ông hy vọng một hội nghị thượng đỉnh hạt nhân Hoa Kỳ-Triều Tiên trong tuần này sẽ tạo ra tiến bộ thực sự.
Ông nói : " Tại hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào cuối tuần này, tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hoa Kỳ sẽ đồng ý các bước cụ thể để phi hạt nhân hóa bền vững, hòa bình, hoàn toàn, một cách có thể kiểm chứng được trên Bán đảo Triều Tiên".
********************
Thượng Đỉnh Trump-Kim lần 2 : Hàn Quốc chờ đợi bản tuyên bố chấm dứt chiến tranh (RFI, 25/02/2019)
Tổng thống Mỹ rời Washington vào hôm nay 25/02/2019 để tới Hà Nội họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong hai ngày 27-28/02. Để chuẩn bị cho hội nghị này, phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên đã tiếp tục đàm phán với nhau, với cuộc tiếp xúc sau cùng diễn ra hôm qua tại Hà Nội.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau tại Bàn Môn Điếm, khu vực phi quân sự ngăn cách hai nước. Ảnh chụp ngày 27/04/2018 Reuters/File Photo
Nội dung đàm phán không được tiết lộ, nhưng Seoul vào hôm nay đã tỏ ý lạc quan trước triển vọng hai lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ đưa ra một bản tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến Tranh Triều Tiên 1950-1953.
Theo ghi nhận của hãng tin Hàn Quốc Yonhap, vào hôm qua, đặc sứ Bắc Triều Tiên Kim Hyok Chol đã tiếp xúc với đồng nhiệm Mỹ Stephen Biegun tại một khách sạn ở Hà Nội.
Hôm nay, trong một cuộc họp báo ở Seoul, ông Kim Eui Kyeom phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, cho biết rằng ông "tin tưởng" vào khả năng là tại Hà Nội, Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến Tranh Triều Tiên.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc nói rõ : "Lúc này chưa thể biết được tuyên bố đó mang hình thức nào, nhưng tôi tin Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được một thỏa thuận".
Tuy nhiên, Seoul cũng lưu ý rằng bản tuyên bố chấm dứt chiến tranh không phải là một hiệp ước hòa bình chính thức, một văn kiện chỉ có thể được ký kết ở "giai đoạn cuối của tiến trình phi hạt nhân hóa" trên bán đảo Triều Tiên, đòi hỏi thêm nhiều thời gian đàm phán, và liên quan đến nhiều bên khác như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Về phần mình, trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bảo vệ quan điểm đối thoại với Bình Nhưỡng trong bối cảnh tại Mỹ vẫn có dư luận phản đối. Hôm qua, Bắc Triều Tiên đã thúc giục Hoa Kỳ nắm bắt "một cơ hội lịch sử hiếm hoi", chống lại các quan điểm hoài nghi tại Quốc Hội cũng như trong giới truyền thông Mỹ về thực tâm hòa bình của Bình Nhưỡng.
Trọng Nghĩa
******************
Hàn Quốc : Lạc quan tương đối về kết quả thượng đỉnh Trump - Kim (RFI, 25/02/2019)
Cuộc gặp Trump Kim lần thứ hai này tại Hà Nội đã không làm dấy mong đợi hay lạc quan gì nhiều từ phía người Hàn Quốc. Theo AFP, có người hoan nghênh nỗ lực hòa bình, có người nghi ngờ thiện chí của Bình Nhưỡng, có người xem đấy chỉ là một màn kịch. Nhìn chung, người ta có thể cảm nhận dân Hàn Quốc không mấy phấn khởi.
Biểu tình chống Bắc Triều Tiên của một số nhóm bảo thủ Hàn Quốc tại Seoul ngày 23/02/2019 trước thượng đỉnh Trum - Kim lần 2 diễn ra tại Hà Nội. Ed JONES / AFP
Bà Han Sung-lim, 63 tuổi, trong số người hoài nghi, cho biết là bà sẵn sàng ủng hộ thống nhất với Bắc Triều Tiên, với điều kiện là Bình Nhưỡng cho thấy sẵn sàng tháo dỡ chương trình hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo, cũng như chấp nhận dân chủ. Nhưng nếu Bình Nhưỡng có "một lịch trình bí mật", thì bà phản đối.
Bà Sung-lim giải thích là tính hoài nghi của bà có từ lúc nhỏ. Lớn lên dưới chế độ độc tài Park Chung-hee trong những năm 1960-70, với chương trình học đã có chủ thuyết chống cộng Sản, nên ngày nay bà vẫn "chống cộng". Có điều bà rất thương người dân Bắc Triều Tiên, nghèo khổ, mất tự do, và nghĩ rằng Hàn Quốc có thể giúp đỡ họ.
Những người chống chiến tranh, như ông Choi Jae-kwan, 81, thì nhìn thượng đỉnh với một tia hy vọng. Đã 12 tuổi lúc nổ ra chiến tranh Triều Tiên, năm 1950, ông không quên cảnh tàn phá của chiến tranh, với hơn 2 triệu người Triều Tiên, dân thường và binh lính bị chết. Đến giờ bán đảo vẫn trong tình trạng chiến tranh nên ông rất lo lắng : "Nếu có một cuộc chiến mới thì tất cả mọi người sẽ chết".
Nhưng đối với ông chiến tranh trên bán đảo không chỉ là một vấn đề của riêng Triều Tiên, mà Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng có vai trò, trợ giúp, cố vấn…
Theo AFP, trong số những người lạc quan, phấn khởi, phải kể trước tiên đến giới trẻ.
Choi Ji-seung, sinh viên, 29 tuổi cho rằng một thông báo chính thức chấm dứt chiến tranh sẽ có hệ quả rất tích cực về kinh tế. Theo anh, các công ty nước ngoài vẫn sợ chiến tranh bùng lên với Bắc Triều Tiên, cho nên với tư cách là người Hàn Quốc, Choi Ji-seung vô cùng hoan nghênh việc Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ hợp sức thúc đẩy quan hệ quốc tế.
Heo Jay-young, 21 tuổi giải thích bắt đầu chú ý đến quan hệ với Bình Nhưỡng từ cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai ông Moon Jae-in và Kim Jong-un hồi tháng 4/2018, đặc biệt với hình ảnh tổng thống Hàn Quốc bắt tay Kim Jong-un qua làn ranh giới.
Kim Sang-hyun, 20 tuổi, công nhận lúc nhỏ anh có một hình ảnh không mấy tốt đẹp về Bắc Triều Tiên, nhưng bây giờ thì khác. Anh hy vọng là các lãnh Mỹ - Bắc Triều Tiên gặp nhau tại Hà Nội sẽ chấm dứt cuộc chiến : "Điều đó sẽ không làm thay đổi gì nhiều trong đời sống hàng ngày, nhưng các mối đe dọa sẽ biến mất và sẽ là một khác biệt to lớn".
Trong số những người thờ ơ, có Min Heug-ki, 33 tuổi, xem cuộc gặp thượng đỉnh như một màn kịch. Đối với anh, thông báo chấm dứt tình trạng chiến tranh sẽ có nhiều ý nghĩa đối với thế hệ đã sống qua thời chiến. Nhưng nếu "thông báo chỉ là để thông báo thì không có ý nghĩa gì". Theo anh, để có ý nghĩa, hai bên "phải có những biện pháp cụ thể đi kèm và tạo tin tưởng nơi dân chúng".
Mai Vân
********************
Trung tâm hạt nhân Yongbyon : Át chủ bài đàm phán Kim-Trump (RFI, 24/02/2019)
Quần thể hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên, một chiếc nôi của quyền lực quân sự và là niềm tự hào quốc gia, đang trở thành một lá bài quan trọng cho các cuộc đàm phán, trong bối cảnh Bình Nhưỡng hy vọng nhận được những nhượng bộ lớn từ Washington, trong cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai, diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/02/2019.
Khu Yongbyon được Bắc Triều Tiên khánh thành vào thập niên 1960, nhờ sự trợ giúp công nghệ từ Liên Xô. (Ảnh chụp năm 2008) Reuters/Kyodo
Theo Yonhap ngày 22/02, khu phức hợp Yongbyon, nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 90 km về phía đông, là một phần quan trọng trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Đây là chủ đề nghị sự trong cuộc họp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bình Nhưỡng vào tháng 09/2018, Kim Jong-un đã đề xuất đóng trung tâm hạt nhân này nếu Washington đưa ra "những biện pháp tương xứng", có thể gồm cả việc giảm nhẹ cấm vận và đảm bảo an toàn cho chế độ.
Yongbyon : Cái nôi nguyên tử từ thập niên 1960
Khu Yongbyon được khánh thành vào thập niên 1960 khi miền Bắc Triều Tiên xây dựng một trung tâm nghiên cứu nguyên tử, nhờ sự trợ giúp công nghệ từ Liên Bang Xô Viết. Từ đó, khu Yongbyon đã phát triển để trở thành một quần thể nguyên tử có khoảng 390 tòa nhà.
Khu vực này được trang bị rất nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cho mọi giai đoạn phát triển hạt nhân, trong đó có cả những cơ sở sản xuất plutonium và uranium được làm giàu, một phòng thí nghiệm hóa bức xạ, một nhà máy sản xuất chất đốt nguyên tử, nhiều kho chứa chất thải hạt nhân và nhiều khu thử chất nổ.
Hai lò phản ứng đang hoạt động là trọng tâm của dự án nguyên tử của Yongbyon. Lò thứ nhất là lò phản ứng nghiên cứu có công suất 2 MW, được gọi là IRT-2000. Lò này đi vào hoạt động từ năm 1965, khoảng 2 năm sau khi xây dựng với sự trợ giúp của đội ngũ kỹ thuật viên Liên Xô.
Sau đó, Bắc Triều Tiên đã mở rộng khả năng của lò phản ứng nghiên cứu lên thành 7 MW dựa vào công nghệ do chính họ phát triển. Một số báo cáo cho biết Bình Nhưỡng đã sử dụng lò phản ứng này để bí mật chiết xuất một lượng nhỏ plutonium, nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất bom.
Lò thứ hai là một lò phản ứng vừa phải chạy bằng than có công suất 5 MW có thể sản xuất các thanh nhiên liệu đã mòn, một khi được tái xử lý, có thể cung cấp mỗi năm từ 5 đến 7 kg plutonium dành cho quân sự. Trong khi đó, với khoảng 6 kg plutonium là đã có thể chế tạo được một quả bom nguyên tử.
Không để cho Matxcơva biết, Bình Nhưỡng bắt tay xây dựng lò hạt nhân này vào năm 1979 và đưa vào hoạt động năm 1986, dựa theo nguyên lý của lò phản ứng " Calder Hall", một thiết kế của Anh trong những năm 1950, nhằm sản xuất chất plutonium phục vụ chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tại khu phức hợp Yongbyon, Bắc Triều Tiên còn lên kế hoạch xây một lò phản ứng chạy bằng than khác, có công suất 50 MW, có khả năng sản xuất khoảng 55 kg plutonium mỗi năm. Công trình được khởi công vào năm 1985, với mục tiêu hoàn thành vào năm 1995, nhưng dự án đã bị đình chỉ vì tuân theo thỏa thuận hạt nhân kí năm 1994 với Washington.
Một phần quan trọng khác trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên liên quan đến các vụ nổ thử nghiệm, rất cần cho quá trình sản xuất chất nổ hạt nhân tinh vi. Bắc Triều Tiên có hai bãi thử lớn, ở Yongbyon và Kusong - cách Yongbyon khoảng 40 km về phía tây bắc. Từ năm 1983 đến 2002, có khoảng 140 vụ thử đã được tiến hành ở hai khu vực này.
Bắc Triều Tiên có khoảng 50 kg plutonium để chế tạo bom hạt nhân
Theo Sách trắng về Quốc phòng của Hàn Quốc năm 2018, Bình Nhưỡng có khoảng 50 kg plutonium có mục đích quân sự sau khi đã ít nhất bốn lần rút các thanh nhiên liệu vào cuối thập niên 1980 hoặc đầu những năm 1990, tiếp theo là vào các năm 2003, 2005 và 2009. Vẫn theo tài liệu trên, Bắc Triều Tiên còn sở hữu một khối lượng " đáng kể" chất uranium đã được làm giàu.
Trong khi thượng đỉnh Trump-Kim đang đến gần, các nhà quan sát nhấn mạnh đến việc phải gây sức ép đối với chế độ Kim Jong-un để Bình Nhưỡng không chỉ nhân nhượng về mỗi khu Yongbyon, bởi vì các khu vực hạt nhân khác vẫn tiếp tục hoạt động ở trên khắp Bắc Triều Tiên.
Nhiều quan chức và chuyên gia ở Seoul dự đoán rằng các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể tập trung trước mắt vào việc tháo dỡ và kiểm tra khu Yongbyon, đổi lại một số nhân nhượng từ phía Hoa Kỳ.
******************
Thượng đỉnh Kim-Trump : Nhìn lại hai năm thăng trầm quan hệ Mỹ-Triều (RFI, 25/02/2019)
Hai năm trước, trong chiến dịch tranh cử và cả sau khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Donald Trump thường xuyên có những phát ngôn nặng nề đe dọa Bắc Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong-un cũng đáp lại "tương xứng". Từ cuộc khẩu chiến lăng mạ, mạt sát nhau cho đến cái bắt tay lịch sử ở cuộc gặp thượng đỉnh Singapore, giờ đây lãnh đạo Mỹ - Bắc Triều Tiên hai nước chuẩn bị tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán ở Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bước vào hội đàm trong khách sạn Capella, đảo Sentosa, Singapore ngày 12/06/2019. Anthony Wallace/Pool via Reuters
Trước thềm thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội , cùng trở lại những mốc chính trong mối quan hệ Mỹ -Triều đầy biến động trong hai năm qua :
Ngày 2 tháng Giêng năm 2017, ngay cả trước khi chính thức nhậm chức, tân tổng thống Hoa Kỳ khẳng định một cách đầy tự tin rằng Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ đủ sức để phát triển "vũ khí hạt nhân có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ". Giải pháp ngoại giao khi đó dường như đã được tổng thống Mỹ lựa chọn. Tháng 5/2017, ông Donald Trump ngỏ ý sẵn sàng gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Nhưng, Bình Nhưỡng trả lời Washington bằng hai vụ thử tên lửa liên lục địa ngay trong mùa hè. Lãnh đạo Kim Jong-un quả quyết tuyên bố rằng "toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của chúng ta".
Một cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên bắt đầu nhen nhóm trở lại. Ông Trump hứa sẽ "trút lửa và giận dữ" vào đất nước Triều Tiên. Bắc Triều Tiên thản nhiên đáp trả bằng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và sau đó còn khẳng định đã thử thành công bom H.
Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên chuyển qua một màn mới khi lãnh đạo hai nước mở cuộc khẩu chiến từ xa, tiếp tục với những lời lẽ dọa dẫm, thóa mạ nhau mang tính chất cá nhân.
Trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tháng 9/2017, ông Trump gán cho ông Kim biệt danh "gã tên lửa". Hai ngày sau, lãnh đạo Bắc Triều Tiên lên tiếng đáp trả gọi ông Trump là lão già "lú lẫn rối loạn tâm thần"… Tháng 11 năm đó, ông Trump chưa nguôi giận trong một phát biểu nói về Bắc Triều Tiên ông đã gọi lãnh đạo Bắc Triều Tiên là "chó con bệnh hoạn".
Trong thông điệp đầu năm mới 2018, ở Bình Nhưỡng, Kim Jong-un tuyên bố với hăm dọa đầy hình ảnh rằng "nút bấm hạt nhân đang đặt trên bàn làm việc". Ngay lập tức tại Washington, Donald Trump đáp lại rằng nút bấm hạt nhân của ông "còn to hơn". Cùng với màn đấu khẩu với ngôn từ sử dụng không còn gì ngoại giao, kiêng nể nữa, bầu không khí chiến tranh bao trùm bán đảo Triều Tiên với những động thái quân sự nắn gân dằn mặt nhau.
Trước đó vào tháng 9/2017, khủng hoảng hai nước còn bị khoét sâu thêm với vụ Otto Warmbier. Tổng thống Trump lên án Bình Nhưỡng đã "tra tấn quá sức tưởng tượng" Otto Warmbier, sinh viên bị Bắc Triều Tiên giam giữ trong suốt 18 tháng trước khi được trả lại cho Mỹ hồi tháng 6 năm đó trong tình trạng hôn mê. Otto Warmbier đã bị chết một tháng sau khi về Mỹ. Washington ra lệnh cấm kiều dân Mỹ đến Bắc Triều Tiên và quyết định đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách những nước ủng hộ khủng bố. Cuối tháng 12/2018, một tòa án ở Washington đã tuyên án Bắc Triều Tiên phải bồi thường 501 triệu đô la cho cái chết của sinh viên nói trên.
Từ Pyeongchang đến Singapore
2018 có lẽ là năm có nhiều biến động có ý nghĩa đối với hồ sơ Bắc Triều Tiên. Bắt đầu từ sự kiện mang tính bước ngoặt : Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc. Ngày đầu năm mới 2018, Kim Jong-un thông báo sẵn sàng cử vận động viên tham dự Olympic mùa đông tại Hàn Quốc. Một tháng sau, trong lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang, vận động viên Nam-Bắc Triều Tiên đã diễu hành chung trong một đoàn.
Hai miền Triều Tiên đã xích lại gần nhau không chỉ về mặt biểu tượng mà còn cả bằng hành động ngoại giao thực sự. Ban đầu là các cuộc gặp liên tục của đặc phái viên hai nước ở các cấp khác nhau. Tiếp đó là việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp nhau ba lần trong vòng chưa đầy 5 tháng.
Trong bầu không khí hòa dịu, thuận lợi, Kim Jong-un tiến thêm bước nữa : Ngỏ lời mời gặp tổng thống Mỹ. Ngày 8/3/2018, tổng thống Donald Trump đã gây bất ngờ lớn khi thông báo chấp nhận lời mời gặp Kim Jong-un, do phía Hàn Quốc chuyển tới. Không chậm trễ, ông Mike Pompeo, khi đó còn đương chức giám đốc CIA, chưa nhận nhiệm vụ ngoại trưởng, đã được cử tới Bình Nhưỡng trong tuần lễ Phục sinh đầu tháng Tư để gặp ông Kim.
Ngày 8/5, ông Trump cho biết tân ngoại trưởng lại lên đường tới Bắc Triều Tiên. Ông Mike Pompeo trở về cùng với ba tù nhân người Mỹ mà Washington đã đòi Bình Nhưỡng trả tự do. Mọi điều kiện cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim vào ngày 12/6 tại Singapore đã được hai bên chuẩn bị sẵn sàng. Thế nhưng ngày 24/5 tổng thống Trump bất ngờ đòi hoãn, rất may sau đó ông lại đổi ý giữ lại lịch cũ.
Ngày 12/6 tại Singapore, hình ảnh lãnh đạo hai cựu thù bắt tay nhau được truyền trực tiếp đi khắp thế giới như một sự kiện lịch sử. Lãnh đạo Kim Jong-un thì ca ngợi đó là một "thượng đỉnh lịch sử" còn tổng thống Donald Trump thì gọi là "cuộc gặp diệu kỳ".
Tại thượng đỉnh Singapore, lãnh đạo hai nước đã ký tuyên bố chung, trong đó nội dung trọng tâm là Bình Nhưỡng cam kết ủng hộ một tiến trình "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" còn về phía Washington thì hứa "bảo đảm an ninh" cho Bắc Triều Tiên.
Bước tiếp theo khó khăn
Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Singapore dù gì cũng mới chỉ là bước mở đầu. Hai bên tiếp tục các cuộc thương lượng chi tiết không hề dễ dàng.
Từ sau thượng đỉnh Singapore, các cuộc mặc cả giữa Bình Nhưỡng và Washington để thực thi tiến trình phi hạt nhân hóa đã không có được tiến triển cụ thể nào mặc dù có nhiều cuộc đàm phán ở cấp dưới. Bình Nhưỡng khăng khăng giữ lập trường đòi được giảm nhẹ các trừng phạt thì mới có thể tiếp tục thực hiện gỡ bỏ dần dần và tiến tới từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Washington tiếp tục duy trì sức ép kinh tế chừng nào Bình Nhưỡng chưa thực sự phi hạt nhân hóa "vĩnh viễn và có kiểm chứng".
Bước sang năm 2019, ngày 19 tháng Giêng, sau khi tổng thống Donald Trump tiếp tướng tình báo Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol tại Washington, Nhà Trắng thông báo cuộc gặp thượng đỉnh lần hai Mỹ -Triều. Đến ngày 9/02, tổng thống Donald Trump thông báo cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra tại Hà Nội ngày 27 và 28/02. Ông Trump tuyên bố : "Tôi nóng lòng được gặp chủ tịch Kim và thúc đẩy sứ mệnh hòa bình".
Đến lúc này, tại Hà Nội, các công việc chuẩn bị đang diễn ra hối hả cho thượng đỉnhTrump-Kim với hy vọng cuộc gặp sẽ mang lại những tiến bộ cụ thể cho tiến trình giải trừ hạt nhân và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
(Tổng hợp theo AFP)
********************
CIA tiết lộ : Kim Jong-un muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân "vì các con" (RFI, 24/02/2019)
Ít giờ trước khi chuyến tàu đưa lãnh đạo Bắc Triều Tiên đi Việt Nam khởi hành, một cựu quan chức tình báo Mỹ tiết lộ một lý do quan trọng khiến Kim Jong-un quyết tâm thực hiện mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân. Không muốn các con mình phải mang "gánh nặng vũ khí hạt nhân suốt đời chúng" là lời bộc bạch của lãnh đạo Bắc Triều Tiên với giám đốc CIA.
Ảnh tư liệu : Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tiếp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng ngày 26/04/2018.Ảnh : Chính phủ Mỹ / AFP/HO
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap thuật lại cuộc trao đổi giữa chủ tịch Bắc Triều Tiên với ông Mike Pompeo hồi tháng 4/2018, tại Bình Nhưỡng. Trong một cuộc gặp riêng với người đứng đầu chế độ Bắc Triều Tiên, giám đốc CIA đặt câu hỏi : "Liệu ông có thực sự muốn phi hạt nhân hóa ?". Kim Jong-un trả lời : "Ông biết đấy, tôi là một người cha, một người chồng, tôi có con. Tôi không muốn các con mình phải mang lấy cái gánh nặng vũ khí hạt nhân suốt đời chúng".
Cuối tháng 4/2018, ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bắc Triều Tiên, khi đó với tư cách giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), cùng sứ mạng chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh lần thứ nhất giữa tổng thống Hoa Kỳ với Kim Jong-un tại Singapore.
Thông tin về động cơ mang tính rất riêng tư của lãnh đạo Bắc Triều Tiên để từ bỏ vũ khí hạt nhân được tung ra chưa đầy một tuần trước cuộc thượng đỉnh lịch sử lần thứ hai với tổng thống Hoa Kỳ tại Hà Nội, với mục tiêu chính thức là đề ra các biện pháp và lộ trình cụ thể nhằm thực thi việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đã được hai bên thỏa thuận.
Ông Andrew Kim, cựu lãnh đạo bộ phận phụ trách Bắc Triều Tiên của CIA, đã tiết lộ các thông tin nói trên trong một hội nghị tại Đại học Stanford (Mỹ). Vẫn theo cựu quan chức CIA, bên cạnh quyết tâm giải trừ vũ khí hạt nhân, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đồng thời lưu ý đến tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin giữa Washington và Bình Nhưỡng, trước khi chấp nhận từ bỏ lá bùa hạt nhân.
Cũng tại hội nghị này, cựu quan chức CIA đã khen ngợi Kim Jong-un là một con người "có sức cuốn hút", biết cách sử dụng những hiểu biết mang tính kỹ thuật để khẳng định quan điểm trong nhiều vấn đề cụ thể. Đây là điều mà ông trực tiếp ghi nhận được thông qua một số buổi họp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Cựu quan chức tình báo Mỹ cũng không quên nhấn mạnh là, đối với chế độ Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ vẫn luôn luôn cảnh giác và ngoại giao chỉ là một trong số nhiều công cụ mà Washington có trong tay.
Trọng Thành