Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/03/2017

Hòa hay chiến, không ai biết Bắc Kinh chuẩn bị gì

RFI tiếng Việt

Cảnh báo nguy cơ khủng bố Hồi giáo, Trung Quốc chuẩn bị dư luận (RFI, 13/03/2017)

Từ khi một đoạn video với những chiến binh Duy Ngô Nhĩ trong hàng ngũ Daesh ở Iraq và Syria được công bố trên mạng, chính quyền Trung Quốc liên tục cảnh báo về khả năng thánh chiến xâm nhập để khuynh đảo chế độ. Tuyên truyền "bản sắc Trung Hoa", phát động "chiến tranh nhân dân" là những biện pháp được cổ vũ để chống lại nguy cơ này.

hoa1

Cảnh sát bán quân sự tham gia tập huấn chống khủng bố ở Ashgar, vùng tự trị Tân Cương, ngày 27/02/2017. REUTERS/Stringer

Theo AP ngày 13/03/2017, các quan chức Trung Quốc đều tỏ ra lo ngại về khả năng Daesh tập trung vào địa bànTrung Quốc một khi bị đánh đuổi ra khỏi Iraq và Syria.

Sharhat Ahan, quan chức đặc trách chính trị và pháp lý ở Tân Cương, cảnh báo diễn tiến tình hình chống khủng bố quốc tế sẽ gây bất ổn cho Trung Quốc và ông kêu gọi "phát động chiến tranh nhân dân" như là giải pháp đối phó.

Tân Cương đúng là một lò lửa, vì có đông đảo cộng đồng Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và rất bất bình trước chính sách "Hán hóa" và phân biệt đối xử của chính quyền Trung Quốc. Trong những năm vừa qua, nhiều cuộc xung đột đã xảy ra, làm hàng trăm người chết. Điển hình là vụ bạo loạn năm 2009 đã làm chủ tịch Hồ Cẩm Đào phải bỏ một cuộc họp quốc tế ở Roma, khẩn cấp về nước.

Tuy không đưa ra bằng chứng, chính phủ Trung Quốc luôn lên án người Duy Ngô Nhĩ liên kết với Al Qaida và , Daesh. Cuối tháng 2, Daesh cho loan truyền một đoạn video 28 phút, trong đó các chiến binh nói tiếng Hoa, được huấn luyện tại Syria và Iraq, dọa sẽ tấn công vào Hoa lục trong nay mai.

Chính quyền ở Ninh Hạ cũng có những tuyên bố lo ngại Hồi giáo cực đoan. Theo AP, cộng đồng người Hồi ở vùng tự trị Ninh Hạ có truyền thống ôn hoà, không chủ trương ly khai hay tranh đấu bạo lực như ở Tân Cương. Thế mà, tuần trước, trong cuộc hội thảo về tôn giáo mà báo chí quốc tế được tham dự, ông Lý Kiến Hoa, bí thư đảng Cộng sản ở Ninh Hạ, dựa vào sắc lệnh nhập cư của tổng thống Mỹ Donald Trump để lập luận : tốt hay xấu không biết, nhưng tổng thống Mỹ phải tìm cách chận Hồi giáo cực đoan xâm nhập văn hóa Mỹ. Một cựu quan chức đặc trách tôn giáo vận ở Ninh Hạ là Ngô Thế Dân cho rằng cần phải làm công tác "tuyên truyền bản sắc Trung Hoa trong cộng đồng người Hồi" .

Vài ngày trước khi Daesh công bố đoạn đe dọa, Bắc Kinh tăng viện cho Tân Cương 10.000 quân để "phản công toàn diện" chống khủng bố, không rõ là ngẫu nhiên hay dự phòng.

Theo giải thích của Sharhat Ahan, những động thái biểu dương lực lượng, mít-tinh chính trị là nhằm mục đích "tuyên chiến với khủng bố, phô trương quyết tâm của chính phủ và sức mạnh của đại cường Trung Quốc".

Vì sao chính quyền Trung Quốc đột nhiên tỏ thái độ lo âu một cách công khai và đưa ra những giải pháp như "tuyên truyền, hạn chế đi lại và chiến tranh nhân dân" ? Cho đến nay, chế độ do Mao lập ra vẫn xưng là "vô thần" và nghi kỵ tôn giáo. Bắc Kinh rất khắc nghiệt với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một phần vì dân cư địa phương có ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng và cũng vì một phong trào đòi độc lập. Nhưng cùng lúc đó, chính quyền Trung Quốc tỏ ra bao dung với người Hồi ở Ninh Hạ.

Theo giới phân tích, những tuyên bố báo động trên đây của cấp lãnh đạo đảng Cộng sản địa phương phản ảnh tâm lý lo ngại của chính quyền trung ương đối với đạo Hồi nói chung. Để ban hành những biện pháp trấn áp, Bắc Kinh cần chuẩn bị dư luận.

Michael Clark , một chuyên gia về Tân Cương của Úc, thẩm định Trung Quốc đã trở thành mục tiêu hù dọa của Daesh. Còn Bắc Kinh thì sợ thánh chiến lập "sào huyệt" sát biên giới Afghanistan-Tân Cương.

Xu hướng lo sợ Hồi giáo chính trị đang lan rộng trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Liệu chủ tịch Tập Cận Bình, luôn lo ngại uy thế độc tôn của đảng bị tôn giáo cạnh tranh, sẽ "nhẹ tay" trong nhiệm kỳ hai ?

Tú Anh

******************

Trung Quốc có thật sự muốn hòa bình ? (RFI, 12/03/2017)

hoa2

Trung Quốc phô trương máy bay không người lái tầm trung Dực Long (Wing Loong), trong lễ diễu binh ở Bắc Kinh, ngày 03/09/2015 - REUTERS

Với việc tăng ngân sách quốc phòng một cách khiêm tốn, phải chăng Trung Quốc đang chứng tỏ là thật sự muốn có hòa bình ? Chuyên gia Valerie Niquet, phụ trách mảng Châu Á, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS trên trang blog của báo mạng HuffingtonPost cho rằng không hẳn là như thế. RFI Tiếng Việt giới thiệu bài viết này.

Tại phiên khai mạc khóa họp thường niên Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc (Quốc Hội), bà Phó Oánh (Fu Ying) phát ngôn viên của khóa họp Quốc Hội hàng năm đã thông báo tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2017 giới hạn trong "khoảng 7%". Trái với những tin đồn đã lan truyền trước đó, mức tăng này chỉ nhỉnh hơn mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 một chút (6,5%) và tiếp tục đà giảm được khởi đầu từ năm 2016.

Có một chi tiết thú vị khác – và mới– trong thông báo trên là trái với thói quen được áp dụng từ nhiều năm qua, phát ngôn viên đã không đưa ra một con số chính thức nào, dù rằng nhiều phát biểu không chính thức có nêu ra con số 151 tỷ đô la.

Nhiều yếu tố có thể giải thích mức tăng khiêm tốn cũng như việc không làm rùm beng về tổng ngân sách quốc phòng.

Làm ra vẻ biết điều

Yếu tố đầu tiên là sự thay đổi trong chiến lược thông tin tuyên truyền và xác định lập trường của Trung Quốc trên trường quốc tế. Đối mặt với một chính quyền Trump có vẻ thất thường và liên tục có những tuyên bố khiêu khích, thì ngược lại, giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định tỏ vẻ khiêm tốn trên bình diện kinh tế cũng như là chiến lược.

Tại Davos, chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) trong bài diễn văn đáng chú ý đã bảo vệ chính sách toàn cầu hóa và mở cửa, chống lại các ý muốn bảo hộ mậu dịch. Giờ đây, khi nhấn mạnh đến việc kìm giữ ngân sách quốc phòng ở mức thấp, "dưới 1,3% tổng sản phẩm quốc nội", theo như lời bà Phó Oánh, Trung Quốc một lần nữa tự đặt mình vào vị thế một tác nhân biết điều, trái ngược với một nước Mỹ của Donald Trump bị cáo buộc làm gia tăng căng thẳng khi đề xuất tăng 10% cho ngân sách quốc phòng và củng cố sự hiện diện ở vùng Biển Đông.

Trấn an trong khu vực

Yếu tố thứ hai là ý muốn trấn an trên phạm vi khu vực. Ngân sách cho quốc phòng Trung Quốc rất mờ ám, về tổng số tiền thực sự cũng như các khoản dự chi trong ngân sách này. Trung Quốc nuôi tham vọng có một quân đội hiện đại, làm chủ công nghệ cao và "sẵn sàng chiến đấu" theo như đúng những lời phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình, để làm tăng lòng tin vào việc thực hiện "giấc mơ hồi sinh Trung Hoa". Giấc mơ đó phải được thực hiện bằng cách khẳng định uy lực ở cấp độ khu vực, nhất là trên các vùng biển.

Trong bối cảnh đó, từ nhiều năm nay, các phát biểu của Trung Quốc về quốc phòng đều nhấn mạnh đến việc tăng cường năng lực của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân APL), bởi vì mục tiêu là "khua chiêng gõ mõ" sức mạnh mới của Bắc Kinh. Lúc đó, Trung Quốc dường như đã từ bỏ chiến lược ẩn mình chờ thời tích tụ đủ phương tiện thực hiện các tham vọng của mình do ông Đặng Tiểu Bình đề xướng.

Nhưng giờ đây, trước việc toàn thể các nước láng giềng có những phản ứng rất lo ngại, nếu không muốn nói là thù nghịch, Bắc Kinh quyết định nắm lấy cơ hội mà một nước Mỹ hoàn toàn bất khả định đã ban tặng, bằng cách quay trở lại giọng điệu nhấn mạnh đến tính chất hiếu hòa trong chiến lược đối ngoại của mình. Như một nhà phân tích quân sự thuộc đại học Thượng Hải nhận định, "việc tăng ngân sách quốc phòng có chừng mực chứng tỏ sự thành thực của Trung Quốc chỉ mong muốn hòa bình trên thế giới".

Một thực tế mập mờ hơn nhiều

Tuy nhiên, không có gì cho phép khẳng định là việc hãm tăng ngân sách quốc phòng là có thật. Vả lại, mặc dù giảm bớt mức tăng, ngân sách này hiện nay đã đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, nhiều gần gấp hai ngân sách quốc phòng Nga và cao hơn rất nhiều so với ngân sách quốc phòng của các nước láng giềng lớn xung quanh Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản ; ngân sách quốc phòng của Tokyo tuy tăng lên những năm gần đây, nhưng không vượt quá 51 tỷ đô la.

Trên thực tế, việc thiếu sự minh bạch cho phép Bắc Kinh làm chủ được việc cung cấp thông tin ra bên ngoài tùy theo những ưu tiên chiến lược do chế độ vạch ra, do vậy, những thông tin này không nhất thiết phản ánh những thay đổi thật sự. Khi muốn thể hiện sức mạnh để tăng cường khả năng hăm dọa và ngăn cấm, Trung Quốc có thể gia tăng các con số mà họ thông báo, ngược lại, như lúc này đây, khi lựa chọn một chiến lược hòa dịu, Trung Quốc có thể gia giảm tổng số tiền thực sự trong ngân sách quốc phòng của mình.

Đáp ứng các mong đợi của quân đội

Thế nhưng, cho dù các con số này đúng sai ra sao, thì việc tăng ngân sách quốc phòng ở mức khiêm tốn như được thông báo không làm cho giới tướng lĩnh trong quân đội và nhất là những phe cánh có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hài lòng. Những người này đã rất mong đợi thông báo tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai con số "nhằm đối phó với những mối đe dọa và bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc".

Nhất là quân đội Trung Quốc đã bị tác động mạnh mẽ bởi chiến dịch chống tham nhũng do chủ tịch Trung Quốc đưa ra hồi năm 2013. Nhiều tướng lĩnh cao cấp nhất cũng như hàng chục sĩ quan cấp dưới bị liên lụy và bị kết án. Cùng lúc, chính sách cải cách quân đội đưa ra năm 2015, nhất là việc cho xuất ngũ 300.000 quân nhân, làm dấy lên mối lo âu và bất bình. Nhiều cuộc biểu tình của quân nhân giải ngũ đã diễn ra tại Bắc Kinh trong tháng 2/2017 vì họ lo lắng về việc trả lương hưu và khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn này, quyết định mang tính chiến lược của ông Tập Cận Bình chỉ thông báo tăng ngân sách quốc phòng ở mức hạn chế còn là dấu hiệu cho thấy khả năng áp đặt ý chí của ông mà không gặp chút phản đối nào, kể cả trong quân đội. Vào lúc mà đại hội đảng Cộng Sản lần thứ XIX sắp diễn ra vào tháng 10 năm nay, động thái thể hiện uy quyền này càng củng cố thêm quyền lực của Tập Cận Bình.

RFI tiếng Việt

*****************

Tập Cận Bình muốn thúc đẩy phát triển công nghệ trong quân đội (RFI, 13/03/2017)

hoa3

Phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 05/03/2017. REUTERS/Thomas Peter

Quân đội Trung Quốc cần phải coi đổi mới công nghệ là "chìa khóa" để cải tiến và hiện đại hóa lực lượng. Trong phiên họp thường niên của Quốc Hội ngày 12/03/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với các đại biểu quân đội rằng phải cố gắng hết sức để hỗ trợ về mặt khoa học và công nghệ cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình, kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch Quân ủy Trung ương, có tham vọng hiện đại hóa toàn diện lực lượng quân sự của Trung Quốc thành một lực lượng lớn mạnh nhất thế giới, gồm có chiến đấu cơ tàng hình, tên lửa chống vệ tinh và tầu ngầm tối tân, để có thể tung lực lượng ra bên ngoài lãnh thổ.

Theo Tân Hoa Xã, để có thể đạt được mục tiêu đó, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh "đã đến lúc cấp bách thúc đẩy đổi mới về khoa học-công nghệ và tiến lên phía trước với sự kiên định và lòng quyết tâm". Ông nói thêm rằng "cần phải cải thiện hợp tác quân sự và dân sự trong việc huấn luyện quân nhân có chất lượng cao", vì vào năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo cắt giảm khoảng 300.000 binh lính.

Cũng trong phiên họp ngày 12/03, các đại biểu Quốc Hội Trung Quốc đã đưa ra 126 điểm sửa đổi trong dự luật Dân sự đang được thảo luận và dự định được thông qua vào năm 2020. Theo một trong các điểm sửa đổi, những ai vu khống, xâm phạm đến tên tuổi, chân dung, tiếng tăm và danh dự của "các vị anh hùng dân tộc và những người hy sinh vì lý tưởng" của đảng Cộng Sản sẽ bị kết tội.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 753 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)