Mỹ quan ngại vì tàu Trung Quốc dày đặc trên Biển Đông (RFI, 06/04/2019)
Sự hiện diện của một số lượng lớn các tàu Trung Quốc gần các đảo đang do Philippines quản lý tại Biển Đông là mối quan ngại đối với Hoa Kỳ. Hãng tin AP hôm 05/04/2019 dẫn tuyên bố của trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joseph Felter cho biết như trên.
Đảo Thị Tứ, ảnh năm 2015. Chính quyền Philippines hôm 04/04/2019 tố cáo có khoảng 200 tàu Trung Quốc ở gần đảo. AFP
Ông Felter, phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á ở Lầu Năm Góc, đến Thái Lan để tham dự hội nghị các viên chức quốc phòng ASEAN. Khi được hỏi về tình hình Biển Đông, ông nhận định : "Hoa Kỳ quan ngại về các hành động hiếu chiến của bất kỳ nước nào trên Biển Đông, và trong trường hợp này là Trung Quốc. Các hành động của Bắc Kinh tỏ ra hung hăng, khiêu khích, chúng tôi thấy rằng đó là vô ích và không chính đáng".
Quan chức cao cấp Mỹ nói thêm, Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, những cam kết tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương buộc Washington phải làm việc với các đồng minh và đối tác, nhằm bảo đảm không có quốc gia nào bị xâm hại chủ quyền. Ông Joseph Felter nhấn mạnh : "Chúng tôi hy vọng tất cả các nước đều có thể tự do lưu thông trên những vùng biển và không phận được luật pháp quốc tế cho phép".
Hôm thứ Năm 4/4, chính quyền Philippines đã lên tiếng phản đối sau khi quân đội nước này phát hiện trong ba tháng đầu năm nay có đến trên 200 tàu Trung Quốc ở gần đảo Thị Tứ (Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, nhưng Philippines đang kiểm soát). Tổng thống Rodrigo Duterte lâu nay ve vãn Bắc Kinh và tránh đụng chạm, đã phải đe dọa "tử chiến".
Thụy My
*****************
Đặc sứ Mỹ : Hoạt động của Trung Quốc gần Philippines ‘đáng quan ngại’ (VOA, 06/04/2019)
Sự hiện diện của nhiều tàu Trung Quốc gần các đảo và các tiểu đảo do Philippines chiếm đóng là một điều đáng quan ngại, một giới chức quốc phòng cao cấp của Mỹ tuyên bố ngày 5/4.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Joseph Felter.
Chính phủ Manila một ngày trước, hôm 4/4 đã phản đối các động thái của tàu Trung Quốc sau khi quân đội Philippines ghi nhận trong khoảng thời gian từ đầu năm tới tháng Ba có hơn 200 tàu Trung Quốc tại ku vực tranh chấp gọi là đảo Sandy Cay, gần đảo Pag-asa do Philippines chiếm đóng.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Joseph Felter nói với báo giới rằng Hoa Kỳ quan ngại ‘trước bất kỳ hoạt động gây hấn nào của bất kỳ quốc gia nào tại Biển Đông, mà trong trường hợp này là Trung Quốc. Chúng tôi xem đó là điều đáng quan tâm.’
Phát biểu được đưa ra nhân dịp ông Felter tới Thái Lan tham dự cuộc họp của các giới chức quốc phòng ASEAN.
Ông nhắc lại lập trường nhất quán của Mỹ rằng ‘Chúng tôi kỳ vọng mỗi nước đều có thể cho thuyền bè và máy bay vận hành ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép.’ Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn độ dương-Thái bình dương rộng mở-tự do và bảo đảm rằng ‘chủ quyền của các nước không bị xâm hại.’
Trong vài năm qua, Trung Quốc tăng cường tuyên bố chủ quyền của mình bằng cách biến 7 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh kiểm soát thành các cơ sở thiết đặt quân sự, gây bão chỉ trích từ các bên có tuyên bố chủ quyền cũng như từ Mỹ.
****************
Biển Đông : Tổng thống Philippines cảnh cáo Bắc Kinh đừng đụng vào đảo Thị Tứ (RFI, 05/04/2019)
Sau những lời báo động và tố cáo liên tiếp của giới chức quân sự và ngoại giao Philippines về sự hiện diện của gần 200 tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ đang do Manila kiểm soát tại vùng Trường Sa ở Biển Đông, ngày hôm qua, 05/04/2019, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng cảnh cáo Bắc Kinh.
Binh sĩ Philippines tuần tra tại đảo Pag Asa (tức đảo Thị Tứ), Biển Đông, ngày 11/05/2015. Reuters/Ritchie B. Tongo
Phát biểu vào cuối ngày hôm qua trước các công tố viên Philippines, về khả năng nổ ra xung đột võ trang nếu Trung Quốc "đụng" vào đảo mà người Philippines gọi là Pag Asa (mà Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cũng đòi hỏi chủ quyền), ông Duterte đã nói nguyên văn như sau : "Tôi sẽ không nài nỉ hay cầu xin mà tôi chỉ nói với quý vị (tức là Trung Quốc) rằng hãy buông Pag Asa ra vì tôi có binh lính ở đó".
Thông điệp của tổng thống Philippines với Bắc Kinh rất rõ : "Nếu quý vị đụng đến (Pag Asa) thì đó sẽ là chuyện khác. Lúc đó, tôi sẽ nói với binh sĩ của tôi chuẩn bị cho các nhiệm vụ cảm tử".
Tuyên bố có vẻ mạnh bạo trên đây được chú ý vì cho đến nay, vì lợi ích kinh tế, ông Duterte vốn luôn luôn tránh đụng chạm đến Trung Quốc, kể cả trên vấn đề Biển Đông. Mặt khác ông nhiều lần cho rằng gây chiến với Bắc Kinh đồng nghĩa với hành động "tự sát", điều mà ông cố tránh.
Nguy cơ Trung Quốc dùng võ lực chiếm Thị Tứ phải chăng đã cấp bách đến mức mà tổng thống Philippines phải nói mạnh ? Dẫu sao thì ông Duterte không thể im tiếng sau khi bộ Ngoại Giao Philippines cũng hôm qua, đã lên tiếng tố cáo sự hiện diện của khoảng 200 tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ, và đặt câu hỏi về mục đích thực sự của Bắc Kinh.
Trước đó quân đội Philippines đã cảnh báo về số tầu thuyền hùng hậu mà Bắc Kinh cho áp sát Thị Tứ, bao gồm cả tàu hải cảnh lẫn tàu cá, bị nghi là thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Trước những phản đối mạnh của Manila, Bắc Kinh đã tìm cách hạ nhiệt.
Theo hãng tin Anh Reuters, đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã cho biết là vấn đề đang được xử lý thông qua "các kênh ngoại giao thân thiện". Còn tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông tổ chức tại Philippines hôm 03/04 vừa qua đã diễn ra một cách "thẳng thắn, thân thiện và mang tính chất xây dựng".
Trọng Nghĩa
*****************
Tổng thống Philippines dọa ‘cảm tử' nếu Bắc Kinh vượt qua lằn ranh đỏ ở Biển Đông (VOA, 05/04/2019)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trong một bài phát biểu hôm thứ Năm, 4/4, rằng ông không có nhiều lựa chọn ngoài việc ra lệnh cho quân đội ‘chuẩn bị thực hiện các nhiệm vụ cảm tử’, nếu một hòn đảo do Philippines kiểm soát bị đe dọa.
Lính Philippines trên đảo Thị Tứ ở Biển Đông (ảnh tư liệu, tháng 4/2017)
Trong một động thái hiếm hoi, Bộ Ngoại giao Philippines hôm 4/4 chỉ trích sự hiện diện của một số lượng lớn tàu Trung Quốc ở gần các đảo và bãi đá thuộc quyền kiểm soát của Philippines trong Biển Đông. Bộ Ngoại giao nói sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại đó là bất hợp pháp.
Từ tháng 1 cho đến tháng 3 năm nay, quân đội Philippines theo dõi hơn 200 tàu Trung Quốc tại khu vực tranh chấp có tên Sandy Cay- Việt Nam gọi là đảo Sơn Ca, gần một hòn đảo do Philippines chiếm đóng có tên là Pag-asa theo cách gọi của Philippines, Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ.
"Tôi đang cố nói với Trung Quốc rằng Pag-asa là của chúng tôi, vì vậy chúng ta hãy duy trì tình bạn, nhưng đừng đụng đến đảo Pag-asa và các đảo còn lại. Nếu không, mọi thứ sẽ khác đi". Ông Duterte nói : "Đây không phải là một lời cảnh cáo, đây chỉ là một lời khuyên đối với bạn bè, bởi vì Trung Quốc là bạn của chúng tôi".
Tổng thống Philippines nói thêm : "Tôi sẽ không nài nỉ hay van xin, nhưng tôi xin nói với các bạn rằng, hãy buông Pag-asa ra, chớ đụng tới nó vì tôi có lính ở đó. Nếu các bạn đụng đến hòn đảo, thì đó là một chuyện khác. Tôi sẽ ra lệnh cho các binh sĩ của chúng tôi ‘sẵn sàng thực hiện các sứ mạng cảm tử'".
Ông Duterte lâu nay áp dụng cách tiếp cận không đối đầu với Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trong khi kêu gọi Trung Quốc làm ăn, đầu tư và cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông thường xuyên đả kích các chính sách an ninh của Hoa Kỳ, đồng minh đã ký hiệp ước với Philippines, trong khi ca ngợi Trung Quốc và Nga.
Ông Duterte trong thời gian qua thường phải rất thận trọng khi nói về những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp, nơi Manila và Bắc Kinh, cùng với chính phủ bốn nước khác trong đó có Việt Nam, tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ.
*******************
Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc xuất hiện trái phép gần đảo Thị Tứ (RFA, 04/04/2019)
Philippines, vào ngày 4 tháng 4 lên tiếng cho rằng sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại khu vực đảo Thị Tứ đang tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông là "bất hợp pháp".
Ảnh minh họa : Tàu tuần duyên Trung Quốc (trái và phải) ngăn cản tàu của Philippines (ở giữa) tiếp cận Bãi Cỏ Mây, bãi đá tranh chấp ở Biển Đông giữa Phi và Trung Quốc. Hình chụp ngày 29/03/14. AFP
Cáo buộc vừa nêu của Manila được cho là hiếm hoi vì Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương hợp tác với Bắc Kinh trong thương mại và đầu tư, thay vì tiếp tục lập trường đối đầu như trước đây dưới thời Tổng thống Benigno Aquino tiền nhiệm.
Quân đội Philippines cho biết trong 3 tháng đầu năm 2019 có ít nhất 275 tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xuất hiện tại đảo Pag-asa (hay còn gọi là đảo Thị Tứ) do Philippines kiểm soát. Đồng thời, Bộ Ngoại Giao Phi cho rằng động thái này của Trung Quốc là bất hợp pháp và rõ ràng vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Phi.
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang tìm cách gây sức ép lên Philippines, nước đang có các hoạt động xây dựng tại đảo.
Phát ngôn nhân Salvador Panelo của Tổng thống Duterte cho biết Philippines vào ngày 1 tháng 4 đã đệ đơn phản đối ngoại giao về sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở khu vực đảo Pag-asa.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho báo giới biết Manila và Bắc Kinh đã gặp nhau vào hôm thứ Tư, ngày 3 tháng 4 và đã "trao đổi quan điểm thẳng thắn, thân thiện và xây dựng" về vấn đề này.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, là khu vực đang tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
********************
Philippines : Tàu cá Trung Quốc tại các đảo tranh chấp là "phi pháp" (RFI, 04/04/2019)
Chính quyền Manila ngày 04/04/2019 đã lên án sự hiện diện của hàng trăm tàu cá Trung Quốc tại khu vực đảo có tranh chấp ở Biển Đông là "phi pháp".
Đội tàu cá Trung Quốc ở cảng Đàm Môn (Tanmen), Hải Nam. Ảnh chụp ngày 05/04/2016. Reuters
Bộ Ngoại Giao Philippines trong một thông cáo ghi rằng "Sự hiện diện của tàu đánh cá Trung Quốc tại khu vực đảo Pagasa (tức đảo Thị Tứ thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa cũ, bị Philippines chiếm đóng vào đầu thập niên 70) là bất hợp pháp. Những hành động như thế rõ ràng là một sự vi phạm chủ quyền của Philippines".
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Philippines còn cho rằng "chiến thuật bầy đàn" này khiến người ta không khỏi lo ngại về ý đồ của những chiếc tàu cá đó, trong khi nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một hình thức gây áp lực với Philippines, nhằm ngăn chận nước này tiến hành một số công trình cải tạo cơ sở hạ tầng ở đảo Thị Tứ. Theo bộ Ngoại Giao Philippines, "những hành động này, tuy là chính phủ Trung Quốc phủ nhận, nhưng đã được Bắc Kinh ngầm thông qua".
Những lời chỉ trích này được đưa ra sau vụ 275 tàu đánh cá và tuần duyên Trung Quốc ùa sang khu vực đảo Thị Tứ, mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Theo AFP, hiếm khi nào chính quyền Manila có những lời lẽ chỉ trích công khai như vậy nhắm vào Bắc Kinh, kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành tổng thống Philippines. Ông Duterte luôn tìm cách gạt sang một bên các cuộc đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo.
Minh Anh